Chiến trường lộ mặt, An Lộc tàn khốc, nhưng đối với quân dân Miền Nam, sự tàn khốc này mang một nét bi tráng, hào hùng. Đây là khối lửa nung đốt và tôi chín người. An Lộc bi thương - Bi thương ấy thúc giục con người cố đạp đổ định mệnh, vượt khỏi định mệnh tàn ác để tồn tại, tồn tại trong tự do chỉ riêng một lần trong đời cảm thấy khi từ bỏ tài sản cuối đời băng mình đi dưới trời đại pháo. Chỉ vì muốn sống tự do người dân An Lộc mới bất chấp tất cả, mới vượt qua tất cả, đi trên cái chết, trong cái chết để thể hiện ý hướng trừu tượng mà suốt đời dài không một lần lý luận. An Lộc dũng cảm kiên cường đứng vững chắc trên điêu tàn, vĩ đại như ánh lửa soi đường cho cả dân tộc. để lịch sử mãi ghi nhớ, lòng người hằn in sâu. An Lộc, cây cổ thụ quê hương còn lại sau cơn Đại Hồng Thủy máu lửa. Người Miền Nam nhìn An Lộc như tấm gương soi rõ chân dung bình lặng cao cả của mình. Và chiến trường này cũng có đủ mặt trái của nó. Đó là một chiến trường phi nhân, vô lý và tuyệt vọng. Chiến trường hư không. Chiến trường chết, mồ chôn ảo vọng và bạo ngược. Người cộng sản hứng hết mặt trái khốc liệt này. Bỏ đi những sự kiện chiến thuật như Bắc quân đã có đủ ưu thế chiến trường, gần hậu cần, hành lang chuyển quân rộng rãi, dễ di chuyển, ngụy trang tốt, tiếp vận, tiếp liệu đầy đủ và nhất là được yểm trợ bởi một hỏa lực khủng khiếp, một hỏa lực vượt hẳn mọi hỏa lực bộ binh dã sử dụng của quân sử thế giới. So với Mậu Thân, Hạ Lào, chiến trường Trị-Thiên, Kontum... An Lộc vượt quá xa về hỏa lực. Không có một trận địa pháo nào dồn dập và nặng nề như trên chiến trường nhỏ bé An Lộc. Sẽ không bao giờ có nữa, chắc chắn như thế. Nhưng dù đã có được hết ưu thế chiến thuật, ba công trường 5, 7, 9, được tăng cường hai trung đoàn chiến xa 202 và 203, cộng quân vẫn không “dứt điểm” An Lộc. Mặc dù cho đến hôm nay khi viết những chữ này (20-6-72), địch vẫn còn hoạt động mạnh tại Tầu Ô, Đức Vinh và An Lộc còn nằm trong vùng hỏa tập tiên liệu của hai hướng pháo Tây-Bắc, Đông-Nam. Nhưng mục tiêu chiến thuật (nhấn mạnh nghĩa chiến thuật) của chiến dịch đã bị gãy đổ. Hoàn toàn gẫy đổ. Nhưng, mặt trái chiến trường cũng không phải ở lần thất bại quân sự này. Mặt trái chính là lần tan vỡ “huyền thoại không tưởng” về bộ binh Bắc Việt. Bởi nơi đây đã minh chứng, không hề trên mặt trận lại có một loại lính năng lực tác chiến xuống thấp đến thế. Khả năng tác chiến kém có thể do vì thiếu huấn luyện, thực tập, chưa đủ kinh nghiệm trận địa... Nhưng ở đây, yếu tố chính để kết nên căn bản cho toàn bộ yếu kém này là tinh thần Bắc quân: Khối hư không thất vọng và chán nản cao độ. Ở mặt trận Trị-Thiên, binh sĩ Bắc Việt khi vượt sông Bến Hải tràn xuống Đông Hà, Quảng Trị dù sao vẫn còn mang được tâm lý Đánh trên quê hương, nơi đất nhà, vùng thổ ngơi còn dính líu với Miền Bắc. Họ lại được thúc đẩy thêm “ý niệm đi giải phóng, chiếm đóng” cộng sự hận thù đối với dân chúng Miền Nam, nhất là dân cư ở các thị trấn, thành phố. Tâm lý này còn nguyên cường độ nên khi vào Quảng Trị, toán lính Bắc quân vẫn giữ được tính chất cực đoan, cường bạo để thúc dục tinh thần và nâng cao khả năng tác chiến - Khả năng giết dân và quân dân Miền Nam.Ở chiến trường Kontum, tuy trải qua một chặng đường dài di chuyển, lại chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần Bắc quân vẫn chưa hẳn hoàn toàn tan vỡ vì các trận đánh ở dãy cao độ Delta, Charlie, Hotel phía tây Quốc Lộ 14, ở đèo Chu Pao không có sự hiện diện của dân. Đánh trong rừng, người lính khai triển tối đa khả năng chém giết, không bị ghê tay bởi những cảm giác ân hận, lỡ lầm. Nhưng ở An Lộc thì khác hẳn, Bắc quân từ mật khu bôn tập về mục tiêu màdân nhiều hơn lính- Dân dáo dác, sợ hãi, trốn lánh và chết thảm... Lòng người nào trong cuối đáy không thoáng ân hận khi chính tay mình hạ sát kẻ tay không?! Thêm vào đấy, các công trường 5, 7, 9 chỉ là chỉ danh của các sư đoàn “mặt trận” có cán bộ và lính người Nam xen kẽ cùng những người từ phương Bắc đến. So sánh đã xẩy ra, chuyện trò sẽ tỏ rõ, lính Bắc nhận được chân dung đích thực của mình, biết rõ hành động phi lý khi rời bỏ quê hương từ một chốn mịt mùng để dấn thân vào cuộc chiến tuyệt vọng.Tuổi 15, 16, 17 rất dễ bị kích thích nhưng cũng mau mắn ngã lòng - Số tuổi trung trực, nhạy cảm và thơ ngây. Lính Bắc ở mặt trận này bị phá vỡ toàn diện hệ thống tinh thần vì chiến trường lộ mặt: Hàng ngày dân chúng vượt qua “bãi pháo” qua Xa Trạch, Tầu Ô... vượt nỗi chết để chạy về phía lính Cộng Hoà... Tất cả thực tế nầy như cánh tay nghiêng ly nước lã đầy. Lính Bắc vỡ mặt, thấy mình kẹt trong chiến trường phi nghĩa, vô nhân đạo. Nhưng quả muộn màn vì cổ đã bị xiềng vào đồng đội... Giờ báo tử cho bộ binh Bắc Việt đã điểm.