Hồi 11
Giáng băng bào, thiên công hộ pháp,
Thiên diệu toán, chơn-nhơn chỉ mê

Nghĩa là:
Mưa tuyết lớn, trên trời hộ pháp,
Thi tính hay, chơn-nhơn chỉ đường mê.
Có bài kệ rằng:
Sa đắm trầm-luân có mấy xe,
Ái hà lộn lộn sóng không dè,
Tu hành mới đặng lên cao bực,
Nào đợi trong vòng mới kiếm nghe.
Nói về bà Tôn-Bất-Nhị ra khỏi nhà họ Mã rồi giả làm phong điên đi đặng 2 tháng tới huyện Lạc-Dương. Ngoài thành có cái lò gạch bể, bà ở tại đó, thường bữa vô thành xin ăn, làm như người phong điên, mỗi ngày mấy đứa nhỏ chạy theo chơi giỡn, kêu bà là “Phong-Bà” luôn luôn. Vì vậy mà người người đều biết, nói bà là gái điên, không ai dám phá, bà mới đặng an lòng luyện Đạo. Thiệt y theo lời Trùng-Dương tiên-sanh nói: Đại-Đạo phải ẩn, giả làm phong điên mới đặng an tịnh. Khi đó trong thành Lạc-Dương có hai tên du-côn, không kể phải quấy chi hết tên là Trương-Tam và Lý-Tứ. Thấy bà Tôn-Bất-Nhị ở trong chợ xin ăn, tuy là trên mặt xấu xa, chớ cũng là người yểu điệu, răng trắng môi son; nếu mặt không có mấy chỗ phỏng thiệt đáng khách má hồng chẳng kém. Hai đứa côn-đồ xem thấy nhớ hoài trong lòng.
Đêm đó, gió mát trăng thanh, đi đến xóm làng lường gạt của dân, ăn uống say sưa về ngang lò gạch, Trương-Tam nói với Lý-Tứ rằng:
- Bọn mình vô lò gạch cùng Phong-Bà làm cuộc vui chơi! Lý-Tứ nói:
-Ta thường nghe người nói, ai mà phá Phong-Bà chơi điều quấy thì một đời làm ăn chẳng đặng.
Trương-Tam nói:
- Mình là người Trời Đất chẳng thân, Thánh Thần chẳng chịu, kể gì là thời vận khí số dài vắn?
Nói rồi liền vô lò gạch. Lý-Tứ thấy vậy cũng đi theo. Hai đàng đi tới lò gạch còn chừng ít bước, liền thấy trên đầu có đám mây đen thinh không nổ một tiếng như núi lở đất sập trên đầu hai người. Trương-Tam và Lý-Tứ hồn phi phách tán sợ run. Kế đó đám mây đen tan ra trời đất tối tăm mù mịt, ngửa tay chẳng thấy, dông gió ầm ầm, hai người lạnh thấu ruột gan. Còn trên đầu nổ như trống đánh nhức nhối cùng mình. Lý-Tứ lấy tay che trên đầu bị hạt mưa rớt sưng tay, mới biết là chẳng phải mưa. Lúc ấy không phương chạy trốn. Lý-Tứ mới la lớn lên một tiếng:
- Quả báo thiệt! Quả báo thiệt! Tôi biểu đừng đi không nghe lời, rõ ràng không sai!
Trương-Tam nghe Lý-Tứ trách, trong lòng nổi giận rồi xây xẩm chóng mặt, như có người xô, té hơn mấy lần lổ đầu xưng mặt, máu chảy dầm dề, rồi la và kêu Trời nói: Tôi không dám nữa. Một hồi lâu, mưa dứt mây tan, y nhiên trăng sáng. Lý-Tứ tuy bị mưa lớn mà không sao, còn Trương-Tam bị té mấy lần lổ đầu, xưng mặt rồi nói:
- Chẳng nên! Chẳng khá phạm Phong-Bà! Mới tính trong lòng mà bị như vầy, thiệt là linh quá! Lý-Tứ nói: - Vậy mới biết linh sao? Từ đây đến sau đừng có phạm nữa. Trương-Tam nói:
- Tới chết tôi cũng không dám phạm bà nầy! Lý-Tứ nói:
- Dầu ai cũng không nên phạm, chẳng luận Phong Bà mà thôi.
Hai người về tới nhà, Lý-Tứ mới đem việc thuật cho mấy đứa côn-đồ khác nghe, truyền hơn hai trăm người, bọn ấy nghe đều kinh hãi. Nhơn vì đó mà về sau mấy đứa côn-đồ không dám đến lò gạch nữa. Nên bà ở tại Lạc-Dương được 12 năm tham thiền luyện Đạo, không ai dám làm quấy, cũng nhờ Lý-Tứ và Trương-Tam truyền ra. Trương-Tam và Lý-Tứ về nhà tự hối ăn năn, biết mình đã lầm rồi, làm sao mà chuộc tội? Đêm rằm tháng giêng nọ, hai người nguyện cải lỗi, liền ra lò gạch lạy bà, chịu hối xin theo học làm lành. Bà thấy hai người vạm-vỡ không phương chạy trốn. Lý-Tứ thấy bà sợ bèn kêu rằng:
- Thưa bà, tôi là người muốn tìm học chuyện lành, xin bà an tâm.
Chừng ấy Tôn-Bất-Nhị trong lòng mới tỉnh, hỏi rằng:
- Hai anh ở đâu đến đây? Lý-Tứ nói:
- Xin bà dung thứ, anh em tôi hôm trước tính điều chẳng phải, nên bị Trời phạt, mưa lớn trợt té lổ đầu, cả mình đau nhức. Vì ý niệm sai một chút mà báo ứng chẳng lầm; thiệt là Trời cao có mắt, nhà tối có Thần. Đến nay, biết ăn-năn tu tỉnh, xin bà thứ tội.
Tôn-Bất-Nhị nghe nói không rõ nguyên cớ, hỏi rằng:
- Hai anh có làm điều chi quấy với tôi mà xin tội?
Hai người mới thuật chuyện ấy cho bà nghe v.v... Phân vừa dứt lời thì Tôn-Bất-Nhị mới rõ, rồi bà cũng ngồi mặc niệm giây phút nói rằng:
- Hai anh phân nãy giờ biết là có chỗ sai, hai anh lại đây xin lỗi tôi, ăn-năn muốn học điều lành, thì phải trước sau cho trọn, mới chuộc tội ấy đặng. Lý-Tứ đứng dậy thưa rằng:
- Bà dạy trước sau cho trọn, là nghĩa làm sao? Tôn-Bất-Nhị nói:
- Trước là biết lỗi phải cải, từ việc lớn chí nhỏ, chuyện phải thì làm, chuyện quấy thì trừ, lời hư chẳng nói, ý quấy chẳng sanh, và phải trường-trai giới sát. Bà nói tới đó, Lý-Tứ hỏi rằng:
- Thưa bà trường-trai giới sát nghĩa lý tôi chưa thấu, xin bà chỉ dạy. Bà nói:
- Hai người hãy nghe cho kỹ: Trường-trai là ăn chay. Nhơn cái chay là một vật thanh khí, sách có nói: “Thượng phù giả vi thiên, khí chi khinh thanh. Hạ ngưng giả vi địa, khí chi trọng trược”, nghĩa là: Khí nhẹ nổi bay lên trên làm trời; khí nặng trược chìm xuống thành đất. Cho nên ăn chay là lấy lòng nhơn của Trời, dung dưỡng thảo mộc là vật thanh khí, đặng dằn sửa cái tánh phàm, vì tánh phàm hay sân-si tật-đố, danh-lợi, dâm-dục, vọng các điều quấy, là nhơn thọ khí bẩm chất trược của cha mẹ, nên không đặng minh mẫn.
Đến nay hai người gặp kỳ đại hội, các đạo hoằng khai; cũng vì có sự quấy trước mà thức tỉnh hồi đầu, đó là cũng như chay cái lòng, cải điều quấy trước. Nên hễ người ăn chay, trong chay thì ngoài cũng chay: gọi là trường-trai.
Còn giới sát là: chẳng dám hại con vật. Nên có câu: “Nhơn vật giữ đồng”, nghĩa là người vật đồng nhau, cũng biết ham sống sợ chết, mừng giận thương yêu không khác. Vì mình ngày trước biết làm điều phải, may mới trở đặng nên người linh hơn muôn vật, mà nỡ nào ỷ mạnh hiếp yếu, ép lẫn ăn nhau để nuôi đây mà giết đó. Có câu: “Kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử, văn kỳ thinh bất nhẫn thực kỳ nhục. Cố quân viện ư bào trù”. Nghĩa là: “Thấy nó sống chẳng đành giết chết, nghe tiếng kêu chẳng đành ăn thịt. Cho nên người quân tử chẳng khá đem các giống thịt vào bếp mà nấu”. Đó là người tu lấy lòng trắc ẩn như vậy. Nhưng mà việc giới sát ấy cũng chưa trọn, đó là giới sát bề ngoài mà thôi.
Còn cái tâm phàm thường hay lừng lẫy tính việc hơn thua; hoặc tham lam trộm cướp, ỷ chúng hiếp cô; hoặc lòn thưng tráo đấu, dâm-dục ép lành. Nói cho hết cái tâm phàm thì không phương xiết kể. Nên người tu phải sát cái tâm-phàm trước thì các việc mới đặng trọn bác-ái. Vậy kêu là: giới sát. Chớ không phải ăn chay cữ sát sanh là đủ. Cữ sát loài vật mà tâm mình không cữ thì có chỗ nào là tu? Hoặc ăn chay mà lòng muốn vợ chồng, ân ái, mưu thâm ý độc, sang đoạt của người, lấy vợ con người, ý muốn lòng tham; hoặc mắt dòm miệng chọc, các việc đều vọng chuyện quấy, thì mình phải sát nó cho chết. Phàm-tâm tiêu rồi thì đạo-tâm mới sanh đặng, lẽ sâu kín của đạo mới thấy đặng. Chớ không phải nói người có đạo là đủ. Bởi cái Tâm là nịnh thần, kêu là “Đòn xóc hai đầu”, nay tính phải, mai tính quấy. Làm Phật làm Tiên cũng tại nó; làm người làm thú cũng tại nó; vua tôi xa nhau cũng tại nó; cha con, anh em, vợ chồng rời rã, bậu bạn chẳng thiệt cũng tại nó. Vì nó mà làm chìm đắm linh hồn của người. Nay hai người biết tu hành thì lập bản dạng cho đạo, ông bà đặng tiếng ngợi khen, hai người cũng danh thơm tại thế. Như muốn tinh tấn thì phải nghe lời ta dặn lần nữa.
Điều thứ nhứt: Trước ăn chay phải nhớ hồng nguyện mà giữ qui-củ làm theo, trên dạy phải vưng. Thường ngày quì hương, tụng kinh, phàm-tâm thâu buộc; xét lời đạo-đức, sửa lỗi ngày xưa, thầm nghĩ một mình mà sợ trong nhà kín có Thần, người không thấy chớ Thánh Thần soi thấu thì tự nhiên tội hết tai tiêu.
Điều thứ nhì: Hoặc có khi thầy thấy việc quấy, rầy la nói hiếp, cũng không nên đối đáp trả lời; hoặc ông bà cha mẹ nói điều chi không vừa, chẳng nên trái ý. Ai ai cũng đồng chẳng nên khinh dễ nặng lời; dầu lỡ nói phạm, thì cải hối ăn-năn. Đừng làm cho cha mẹ buồn rầu mà tổn khuyết công tu luyện.
Điều thứ ba: Hoặc anh em, chị em có khi trái phải gây việc hơn thua, thì đêm hôm tăm tối sửa dạy cùng nhau, em quấy chị rầy, chị hư em gián, tuân theo điều luật lấy lễ nghĩa mà phân, không nên tranh đấu om-sòm mất chỗ bản dạng, người ngoài dòm ngó mà thối chí không tu, người trong đạo buồn lòng ngã theo Tài Sắc, khiến kẻ sau không dám nương theo. Như vậy thì tại mình làm hạnh xấu mà ngăn lấp mối lành, tội ấy phải bị đọa địa ngục.
Điều thứ tư: Hễ các người trong đạo ta phải làm theo lời ta, trên thì dạy dưới. Như việc ăn mặc, tùy duyên an phận, quần vải áo bô, che ấm qua ngày mà nương theo thời-thế, chớ không nên nhởn-nha đua sánh mà lãng phí của trời. Kẻ trước sai một phân thì người sau sai một tấc mà hư mối đạo của ta. Ta không lẽ khoe mình, nhắc đến việc của ta thì không phương phân xiết.
Hai người nghe bà nói liền đứng dậy thưa rằng:
- Thưa bà có việc chi xin bà cho chúng tôi biết?
Tôn-Bất-Nhị thấy hai người hỏi hoài, nên bà thuật đầu đuôi việc của bà cho hai người nghe v.v... Hai người nghe bà nói các việc tâm phúc cả hai đều sa nước mắt, liền lạy tạ ơn. Rồi bà biểu hai người đứng dậy nói rằng: Nầy Lý-Tứ và Trương-Tam, vì ta biết hai người có lòng lo tu, chắc là muốn nối giềng mối của ta phải chăng? Hai người nói:
- Thưa bà phải, anh em tôi muốn giữ giềng mối cho bà và lập bản dạng cho anh em tôi đặng ngày sau khỏi tái sanh đường ái dục. Tôn-Bất-Nhị nói:
- Vì ta biết sức ta tuy tuổi nhỏ, mà chắc sống không đặng mấy năm. Vậy các người y lời ta dặn dò ở chỗ nầy: Anh em rán tu cho trọn thỉ trọn chung, ngày sau tu lâu có đức cảm đặng lòng người. Như cô khôn đạo phát tâm, ta còn mạnh thì ta coi, chẳng may ta mãn rồi thì anh em chị em cứ lấy qui-củ mà sửa mình. Nam nữ phải tỵ hiềm riêng, trai gái giữ lòng, đừng để phóng tâm. Một chút ham vui mà đọa lạc nhơ danh ngàn thuở. Thôi công việc ta phân sớm giờ, hai người phải ghi tâm tạc dạ, dẫu mà còn một tấm tranh cũng ở đây đến chết mà thôi. Hoặc anh em có cay đắng thế nào, cũng nhẫn với nhau mà ở, đừng có phân tâm chấp trách, kẻ Bắc người Nam thì bỏ lòng ta mà mang chữ bất trung bất hiếu.
Hai người nghe bà phân dứt lời liền như chiêm bao mới tỉnh, nói thầm trong lòng rằng:
- Theo như mấy lời bà phân đây thì nghĩ mình tự nhỏ đến lớn, tội lỗi biết chỗ đâu mà chất cho hết. Liền đứng dậy lạy bà, xin bà lập thế bày cho anh em tôi làm ăn mà tu qua buổi sống.
Tôn-Bất-Nhị nghe phân như vậy, biết họ thiệt tự hối thế nào cũng ở chỗ nầy, bèn nói:
- Như hai người biết ăn-năn sửa mình thì phải chịu cực mới đặng. Bây giờ phải vô rừng cắt tranh cất một cái chòi, đặng có chỗ ở riêng, chuyên nghề cắt bàng đổi gạo sống qua ngày, hai người chịu không?
Hai người đứng dậy thưa rằng:
- Anh em tôi vưng lời bà. Hai người nói rồi vào rừng cắt tranh và lợp một cái chòi rồi cũng chuyên nghề ấy làm ăn, đặng hơn một năm có hơi tấn phát. Ban ngày cắt bàng đổi gạo, tối về sám hối quì hương.
Bữa nọ trở về chỗ cũ, gặp anh em hồi trước biện nói công việc ấy cho anh em nghe, thì mấy người bạn cũ tiền căn có sẵn, chịu theo 50 người, còn mấy mươi không chịu. Chừng ấy Lý-Tứ dắt về chòi tranh, ở hơn mười ngày, tương dưa khổ hạnh mà mấy người đều vui như hồi còn rượu thịt.
Qua bữa sau, Lý-Tứ dắt mấy người vào lò gạch thưa cho bà hay. Tôn-Bất-Nhị hỏi:
- Mấy người ở đâu? Lý-Tứ đứng dậy thưa rằng:
- Thưa bà, mấy người hồi trước đón đường ăn cướp với tôi một chỗ. Đến chừng tôi đi thì mấy người không hay là đi đâu. Cách hơn mười ngày nay, tôi có trở về gặp mấy ảnh thuật chuyện đạo-đức, luân-hồi quả báo, tội phước cho mấy anh nghe, biểu mấy ảnh cải dữ theo lành, thời may Trời Đất xui khiến 50 người đều ưng chịu ăn chay, xin tôi dẫn về đây thưa bà hay, xin bà thâu dạy.
Tôn-Bất-Nhị nghe Lý-Tứ nói mấy người đặng tự tỉnh, nói rằng:
- Lành thay! Lành thay! Biển lớn không bờ, trở đầu tới mé. Vậy mấy người rán giữ lòng ăn chay, còn chuyện đạo ngày sau bàn tới. Lý-Tứ nghe bà nói, trong lòng nghĩ rằng:
- Vì thầy là đàn bà, tới lui thường cũng ngại, nay đã sẵn có mấy người mới vô ăn chay mà chưa nghe được việc đạo, sợ e lâu ngày nản lòng mà ngã, hoặc nghỉ ăn chay, hoặc ra có vợ, thì cũng uổng. Để gắng xin bà giảng ít điều cho mấy người nghe, liền thưa rằng: Thưa bà từ-bi miễn chấp, vì tôi cùng mấy anh mới ăn chay chưa thấu việc đạo, xin bà dạy ít điều đặng anh em tôi noi dấu. Bà hỏi:
- Ngươi muốn hỏi điều chi? Lý-Tứ thưa:
- Tôi thấy cũng ngán, chẳng hay từ xưa đến nay tại duyên cớ chi mà người tu trong đại-đạo, có người ăn chay đã lâu năm mà cũng ngã? Xin bà chỉ dạy.
Đáp rằng: Người ăn chay lâu năm mà ngã cũng có duyên cớ mật nhiệm, ngươi khá hiểu mà giữ mình.
Bởi người ăn chay thì ý nhứt quyết thoát đường ái dục, cho khỏi kết oan-trái ngày sau đặng tìm ngõ Thiên-Đường mà thoát tam-đồ khổ là: trấn nước, đốt lửa, chặt bằm. Các việc ấy đã biết rồi, nhưng mà do nơi đây. Vì nhơn duyên tiền kiếp sát hại oan oan tương báo, hồn oan còn chờ nơi âm-phủ đặng trả hờn ngày xưa. Đến nay may gặp Tam-Kỳ khai hội biết thức tỉnh hồi đầu, nguyện trường-trai giới sát, thì có thiên-thần hộ-pháp đều hay, tâu lên Thiên-Đình, nói tên ấy ăn-năn cải hối.
Còn người nhập môn thì sớ dưng lên. Nên Ngọc-Đế chấp chưởng cho sắc U-Minh hay. U-Minh Giáo-Chủ tiếp đặng sắc của Ngọc-Đế, liền kêu phán-quan giở bộ coi mấy tên đó có hay không. Phán-quan coi thấy rõ ràng, bèn gạt sổ bỏ tên. U-Minh Giáo-Chủ phất ba-tiêu kêu các oan hồn tựu đến rằng: Tên Xoài từ khi chuyển biến nhiều kiếp, sát hại các ngươi, có kẻ tới số, người chưa tới số oan ức rất nhiều. Đến nay ta đặng sắc Ngọc-Đế nói tên ấy đầu nhập Phật-môn, nên ta cho các ngươi hay. Nó ở thế gian nguyện trường-trai giới sát, theo về dân Phật, vậy các người ai còn oan ức, kết cừu với nó thì ta cho đi, chớ từ nay đến sau nó không còn trở lại đây nữa. Như ai muốn rửa hờn thì đi, bằng không đi ngày khác trả không đặng chẳng nên trách ta dung dị.
Các oan hồn nghe U-Minh Giáo-Chủ phân đều đứng dậy thưa rằng: Vậy Ngài cho anh em tôi lên trả oán cách nào? U-Minh Giáo-Chủ nói: Ta cho phép tự do, muốn trả thế nào tự ý. Ngày trước nó làm nhiều việc oan ức mà các người không thế chống đương thì bây giờ trả cho vừa ý. Chớ ta không dung ép hai đàng, nếu như dung kẻ nầy chế kẻ kia thì mất chỗ công bình của ta hay sao? Các oan hồn chịu đi hết. U-Minh Giáo-Chủ nói rằng: Các ngươi nghe ta dặn: mỗi người phải lãnh một tờ nầy, giữ cho kỹ chẳng khá để mất. Rồi trở lên thế gian khảo nó chừng nào nó ngã thì hai đàng ngày khác làm sao tự ý. Bằng như khảo không đặng đến ngày nó xuất Tánh về Trời thì các ngươi trở lại trả tờ cho ta, ta cho qua Đông Nhạc đầu thai hết thảy. Đó rồi các oan hồn lãnh tờ cả thảy đều đi lên thế gian, nhập khiến người ăn chay tung hoành sửa tánh, khiến cho kẻ ăn mặn, người thì muốn sắc; hoặc tham danh lợi, hỉ nộ sân si, hoặc khi dể ông bà cha mẹ, cô bác, chị em; ỷ chúng hiếp cô, ép người lấy của; hoặc khiến tham điều ân-ái phá vợ con người; hoặc ý niệm âm thầm, tuy không lộ ra, mà tình ý đã niệm trước; hoặc khiến trai thì rượu trà hút xách, kẻ ép người khuyên, say sưa nhiều lẽ. Chừng ấy khi đã say rồi thì mặn lạt nào hay, kể chi là mặn chay... xấu hổ. Lại khiến gái thì son điểm phấn dồi, quần nầy áo nọ, kẻ thì sửa dạng thuyền-quyên; người lại soi gương đánh phấn. Xấu lại làm cho đẹp, thiếu ăn lại thể người giàu.
Vì vậy mà lâu ngày phàm-tâm xui dẫn mới bỏ ăn chay. Nên người tu phải cho tỉnh, phàm việc chi trái lý đạo, tức là oan ma khiến dắt làm cho mình buồn giận, trách phiền mà bỏ đạo, ấy cũng tại nó muốn trả hờn ngày trước, vậy mà có ai biết chăng?
Lý-Tứ nghe bà phân dứt, thấu đặng, thưa rằng:
- Các việc anh em tôi vưng nghe, cầu bà từ-bi cho tôi hỏi thêm đặng học. Chẳng hay có người biết chỗ tu hành tuyệt dục là đứng ban đầu, quí hơn muôn việc. Cũng có nghe: Trai tiên không vợ, gái ngọc không chồng, sánh đặng bực Tiên Thánh thì phải rồi. Vì sao giữ đặng mấy năm cũng ngã?
Bà đáp: Nhơn việc nầy thiệt khó tỏ hết đặng. Vì cái Đạo là chí quí chí trọng sanh Trời sanh Đất, sanh người sanh thú, thảo mộc các loài. Bởi ai cũng biết chỗ ái tình dâm-dục là một việc tồi bại, hổ thẹn với đời, mà sao người người đều muốn vào chỗ đó? Nhơn nguyên-căn của dâm-dục đã lâu, từ ông bà mà truyền sanh cha mẹ, cha mẹ mà gieo xuống đến mình, giống trước thì phải gây ra giống trước. Tỷ như cây đắng thì sanh trái đắng, có chi lạ. Đến nay mình đặng gặp kỳ hạ-nguơn mở hội tiếp dẫn nguyên-nhân, may mà biết thức tỉnh hồi đầu, cùng nghe việc luân hồi quả báo, các việc chơn giả mới đổi tánh ăn-năn. Dám đến trước Phật tiền lập hồng thệ đại nguyện, trường-trai giới sát, lãnh qui giới tinh nghiêm tự thỉ chí chung chẳng dám đổi lòng.
Từ đó đến sau thì ông bà ở suối vàng có chỗ an nghỉ, hoặc được siêu thăng Thiên-Đường, như vậy cũng là một việc quí báu cho người tu. Bằng như ngày sau khai trai phá giới thì chịu thân nầy vĩnh đọa địa ngục.
Bởi chẳng qua tình ý niệm sai, tánh càng ngày càng đổi, bỏ công phu quì hương, lo điều tài sắc, đạo-đức không ham. Do đó mà lần lần dời tánh: hoặc trai lụy chỗ sắc, gái lụy chỗ tài, hễ trai thấy gái phải lòng thì liếc trừng trêu giỡn, bày chuyện nguyệt hoa. Còn gái thấy trai vừa ý thì sửa dạng sửa hình, qua lại đẩy đưa, không giữ nết na trau mình, đạo tâm chẳng cố. Đến chừng phóng ý ra rồi không ai can dứt cho đặng. Chừng ấy Thánh Thần chẳng hộ, thiên hạ đều chê, dưới chín suối cửu-huyền thất tổ trở lại địa ngục mà chịu khổ như xưa.
Than ôi! Nhơn việc ấy mà từ xưa đến nay, hư trong đạo biết bao! Thẹn cho người lành biết mấy! Ta lại thấy nhiều người thân ở trong đạo mà lòng ra ngoài đời, bỏ chỗ công mà lo chỗ tư, làm cho mối đạo bại hoại, mất chỗ bản dạng biết mấy! Hoặc làm việc tư lý mà dẫn dụ kẻ sau, như vậy thì tội lỗi nào xiết kể! Ấy cũng tại người làm đầu mà hư hỏng trong bản dạng, không tỉnh lấy mình. Lại nói: Ai làm quấy có phần, chớ theo phép có câu: “Tội hữu sở khuy, tội qui vu trưởng”, nghĩa là: Người lớn trong đạo không giữ mình, làm điều chẳng phải cho người nhỏ noi gương theo, thì tội đổ về người lớn. Vì lớn chẳng chánh, chẳng thể đường ngay, không giữ qui trình của Phật, lại làm gương xấu cho kẻ hậu học hư luôn. Như vậy mà nói độ người, độ mình, thay mặt cho Trời, thế lời cho Phật, chẳng phải thẹn với vô hình lắm sao? Nên người tu hành nguyện vào cửa Phật thì cũng như gởi thân cho Phật, sống thác tự Trời. Dẫu ngàn cay muôn đắng, khảo trở thế nào cũng cam, lại còn sợ có tội ngày trước, thì càng vui lắm vậy! Tỷ như mình có bịnh mà rán uống thuốc đắng mới hết bịnh.
Vì vậy người tu phải hay chịu nhịn, chịu ép các việc nặng nề, oan ức, mà lập chí cho kẻ sau bắt chước thì mới đáng người thay mặt cho Phật. Chớ như nói tu mà làm gương xấu thì lẽ nào trốn cho khỏi luật Thiên-Tào. Hiện nay trái ý thầy nghịch ý người, còn dưới u-minh thì ông bà thẹn thầm nơi chín suối làm sao gọi là người tu? Cũng có người nói: Như lớn không làm quấy, mà nhỏ có ngã đó rồi người lớn cũng tội hay sao? Không, nghĩa là buộc người lớn cho chánh, đặng làm bản dạng, còn kẻ nhỏ nó làm quấy thì nó chịu, ai có tội nấy bị hành, không ai chịu thế đặng.
Còn mấy lời ta nói đây, như người xuất gia phải hết lòng trung với đạo. Chí tử bất biến, thủ tử thiện đạo. Nghĩa là khảo chết chẳng đổi lòng, đạo lành không xao lãng. Người tại gia cũng vậy, lúc chưa tu thì vợ chồng, còn buổi vào cửa Phật, thì lòng ai nấy giữ, đạo ai nấy lo, thế nào cũng thành đặng. Tôn-Bất-Nhị phân dứt rồi khen rằng:
- Lành thay! Lành thay! Lý-Tứ là người tiên căn đạo cốt, nên biết chỗ hỏi mà để mấy lời thức tỉnh cho hậu học giữ mình, chắc từ đây đến sau mối đạo vững đặng. Chư hiền coi thấy chỗ nầy khá quyết thoát luân-hồi, việc trường-trai giới sát thế nào cũng rán giữ cho trọn thỉ trọn chung thì mới không phụ công ơn của Lý-Tứ biết hỏi. Có câu rằng: “Đắc ngôn nhứt ngữ, thắng thiên kim”. Nghĩa là: Đặng một lời nói hay thức tỉnh cho đời, tuy đặng ngàn vàng chớ khó mua lời quí báu.
Bà giảng hết mấy điều liền kêu mấy người hỏi rằng:
- Vậy các người nghe qua mấy lời của Lý-Tứ hỏi đó có thức tỉnh hay chăng? Mấy người thưa rằng:
- Anh em tôi nghe các lời của sư huynh nên biết ăn-năn cải-hối theo về đến đây. Nay Trời khiến nên đặng nghe mấy lời bà diễn giải quí hơn vàng ngọc, anh em tôi đồng nguyện sống thác một lòng xin bà thâu dạy.
Tôn-Bất-Nhị thấy mấy người đồng tâm, liền sai Lý-Tứ lên chợ mua ít lễ mọn, còn bà ở nhà lo việc sớ sách, qua ngày sau thiết lập trai-đàn tại lò gạch, cầu đạo cho mỗi người, truyền ban khẩu quyết rồi giao công việc cho Lý-Tứ dẫn về chòi tranh, anh em cũng đồng tâm mua đổi, độ nhựt qua ngày, tuy lao lực tương rau chớ đạo ai nấy giữ. Bữa nọ có một người vạm vỡ hỏi bà rằng:
- Như tôi ăn chay thì cũng đặng; nghề nào cũng là nghề làm ăn, xin bà cho tôi trở ra theo nghề cũ, thế có đặng chăng? Tôn-Bất-Nhị nghe nói biết tên ấy chưa thấu cơ đạo mà còn háo thắng bèn nói rằng:
- Người nói như vậy, thôi để ta hỏi ngươi: Vả chăng ngươi là một người anh hùng, ai ai cũng kiêng sợ. Tỷ như ngươi ở trên núi, nghe có cọp dữ trong rừng, không ai dám đánh thì ngươi làm sao?
Người ấy tánh hay háo thắng lên tay nói rằng:
- Thưa bà, tôi nghe thì liền lấy dao đến trừ loài độc, chớ để nó làm chi mà hại thiên hạ. Bà nói:
- Như vậy cũng phải rồi! Còn như ngươi nghe có một vị Phật trong hang rồi ngươi làm sao?
Thưa rằng: Hễ tôi nghe có Phật, thì tôi mau mau sắm lễ đi thỉnh đem về thờ.
Bà cười nói: Như vậy thì ngươi cũng không nên làm nghề cũ nữa!
Hỏi rằng: Tại sao không nên làm?
Bà đáp: Ngươi đã biết cọp dữ mau mau đem dao trừ giết chẳng muốn để nó sống làm hại người ta. Còn ngươi muốn trở làm nghề cũ đi trộm cướp lấy của người ta. Như vậy thì có ai dung tha ngươi đâu? Còn như ngươi nghe có Phật trong hang, ngươi mau sắm lễ thỉnh về thờ. Vậy thì ngươi hãy thể như ông Phật là tốt hơn! Người ấy nghe mấy lời dường như say mới tỉnh, lạy mà chịu lỗi, tự hối ăn-năn, nói:
- Tôi từ đây sắp sau lo tu bĩ theo việc đạo đức, không dám vọng lòng quấy nữa.
Kế đó có một người tuy hung mà tánh tình chơn chất, có nhiều chứng bịnh ngầm, y sợ tu không đặng nên thưa thiệt cùng bà rằng:
- Thưa bà, vì con cũng có lòng muốn tu hành, mà sao có tánh hay xao lãng, xin cầu bà chỉ dạy.
Tôn-Bất-Nhị hỏi: Vậy chớ trò có tánh xao lãng mà xao lãng việc chi? Nói cho ta biết ta sẽ chỉ dạy.
Thưa rằng: Thứ nhứt, ý con hay niệm tưởng các điều quấy chẳng sót việc nào mà không niệm. Có lúc ghét thầy, khi đạo, muốn việc ái-ân; hoặc thấy ai bóng sắc ý còn tư-tưởng; hoặc khiến tham lam tiền bạc. Cũng có khi không muốn quì hương công phu, hoặc tranh việc hơn thua, ai chê chẳng chịu. Có khi cha mẹ nói chẳng vừa ý, muốn sân si, ai can chẳng kể, hoặc có khi muốn trở về trần. Hoặc có việc oan-ức, ý không dằn đặng muốn làm sao trả hờn mà thôi. Vậy cầu bà có thế chi cứu giùm tôi, tôi đội ơn bà ngàn thuở.
Tôn-Bất-Nhị cười rằng:
- Việc ấy tại ngươi, mà thành bại siêu đọa cũng tại ngươi! Vậy ngươi nghe ta nói: Các bịnh của con người, vì ban sơ cũng muốn tu cho thành đạo, chẳng mến cuộc trần. Lần lần lâu ngày ở trong chùa không đặng thong thả, hoặc ăn mặc thua người, tiền bạc có ít không đủ trang điểm tiêu xài, hoặc có việc hơn thua với người, không đặng tranh đua phải quấy. Rồi từ đó mới sanh nhiều tạp niệm. Trai thì sanh điếm đàng cờ bạc, gái thì trang điểm phấn son, hễ các việc nhiễm rồi thì không phương thoát khỏi. Nay ngươi biết tỉnh ăn-năn sớm như vầy cũng là có chí lớn. Vậy ngươi muốn trừ bịnh ấy, thì làm như vầy: Trước mình phải hỏi lòng mình: “Ta đã muốn tu mà trả ơn cửu-huyền, tránh đường luân chuyển; ngày trước ta không đủ trí, khờ dại, nhiễm theo điều quấy vì trong chỗ ái-ân mà chịu khổ muôn kiếp đời đời, không phương nhắc kể! Đến nay ta muốn lánh các điều khổ, thì mầy theo ý tao mới phải, sao mầy lại xúi giục tao vào chỗ quấy thì tao đâu chịu việc thẹn nhơ, dầu mầy ép thế nào tao cũng nguyện: Sống thì tu, thác thì về, các việc ấy tao không hề nhiễm đến”. Rồi đó ngươi tự lấy ý mà cự; hoặc muốn sắc thì cự sắc. Suy nghĩ như vầy: Việc ấy chẳng qua là đường thầm nẻo tối, dơ không xiết kể, sống thì tốt tươi, chết không ai dám cận! Có chỗ nào mà vui tưởng việc sắc đặng? Hoặc muốn tài thì lấy tài mà cự. Tỷ rằng: Vì ngươi mà ta phải anh em xa biệt, máu thịt rã rời, vì ngươi mà khiến giục cho ta phải dầm sương phản mại, đêm tính ngày lo. Đến nay ta đặng tỉnh rồi, thì ta coi ngươi là một đứa bạc-bẽo vô tình biết mấy! Nay ở người nầy, mai sang người khác, vậy ta cũng chẳng hề tùng theo ngươi đâu.
Việc nào muốn nhiễm vào lòng ngươi, ngươi biết việc ấy là hại mà cự không lại, thì vô bàn Phật cầu nguyện; hoặc nhịn đói mà trừ việc ấy; hoặc quì hương phạt mình, đặng việc nào cự đặng thì ép, miễn cho mình làm chủ thì thôi. ít lâu như vậy thấu cảm không trung, cho âm-thần bảo hộ. Còn các oan trái biết mình minh chánh, chí đáng trượng phu nó trở lại hộ mình, thì tự nhiên các bịnh ấy đều dứt hết. Kêu là: “Trì kỳ chí, vô bạo kỳ khí”. Nghĩa là: Ta sợ giữ không đặng cái chí của ta, chớ như ta làm chủ cho ta, thì khó ai lấn đặng. Chớ cái khí là việc giận hờn cũng có thể ép đặng.
Tên ấy còn tham tài, nghe dứt liền hỏi: Thưa bà, không biết làm sao mà cầu đặng phước?
Tôn-Bất-Nhị nói:
- Phước đâu mà cầu? Mình làm phải thì đặng phước gặp phước, chớ không nên cầu phước. Nếu nói như ngươi ai muốn cầu cũng đặng, chắc là cả thảy cũng đặng giàu sang! Có câu: “Làm lành đặng phước, làm dữ mắc họa”. Đó là lẽ tự nhiên của Trời Đất định rồi. Họa phước tự mình làm, cũng như: “Học thì nên, không học thì dốt”. Sách không học, mà biết chữ sao đặng? Ta nói nhón ít điều chắc lẽ ngươi cũng thấu.
Tên ấy nghe nói, quì lạy tự tỉnh, từ ấy đến sau anh em ở đó tu luyện đặng hơn mười năm, kẻ trước người sau qui lần, đều đặng siêu thăng hết thảy. Sau người coi tới chỗ đó có làm thi rằng:
Chơn nhơn ở đó học huyền-công,
Độ đặng côn-đồ chí rất thông,
Bởi tại ép mình trừ độc dữ,
Nhờ ơn Hộ-Pháp với Thiên-Công.

*

Việc bà Tôn-Bất-Nhị còn dài, đây nói qua Trùng-Dương tiên sanh ở tại nhà ông Mã-Đơn-Dương hơn một năm, trong xóm có người bàn luận rằng:
- Mã-viên-ngoại chẳng biết hưởng phước, khi không mà đem gia tài cho người ta, làm cho bà buồn rầu phải điên, không biết chạy xứ nào. Có một người chừng hơn 50 tuổi tên là Đoàn-An-Nhơn nói rằng:
- Tôi lúc trước có đến thăm viên-ngoại không thấy người đàn bà nào ở đó, chỉ có đàn ông mà thôi. Tôi hỏi ông viên-ngoại đi đâu? Mấy người nói:
- “ở sau mao-am nghe thầy giảng đạo”. Tôi liền đi thẳng vào, thấy Trùng-Dương cùng viên-ngoại ngồi nói chuyện. Viên ngoại thấy tôi tiếp hỏi dẫn ra nhà trước, tôi hỏi thăm bà đâu? Viên-ngoại nói: Bà có việc tu của bà, tôi có việc đạo của tôi, đâu biết đặng. Rồi tôi hỏi mấy người tớ gái sao không có ở thì viên-ngoại nói: Trai cho cưới vợ, gái cho cưới chồng, đều riêng tư phận. Tôi hỏi: Cất mấy cái mao-am làm chi? Viên-ngoại nói: Để cho mấy người tu hành đến ở. Tôi hỏi: Trùng-Dương tiên-sanh sao không thấy ra ngoài? Viên-ngoại nói: Thầy tôi lo tịnh dưỡng chẳng chịu nói việc tục.
Rồi tôi chào ra về lại gặp Mã-Hưng mời tôi lại nhà chơi.
Tôi hỏi: Nhà nầy khi trước vui lắm, nay sao vắng vẻ, giống in cái chùa? Mã-Hưng nói:
- Chú không biết, nhà nầy bây giờ có ông Trùng-Dương tiên-sanh là người Thần Tiên sống, chẳng ham việc vui chơi, muốn điều thanh tịnh. Từ khi bà viên-ngoại đi rồi mấy người tớ gái đều cho về hết, để bạn tôi ở đây coi giữ, nên vắng vẻ. Tôi lại hỏi:
- Làm sao mà biết Trùng-Dương tiên-sanh là Thần Tiên sống? Mã-Hưng đáp:
- Phàm việc chi trong ngoài không ai cho hay mà ông cũng biết hết. Còn việc chi chưa đến hoặc ngày nào nắng mưa ông cũng biết đặng. Như vậy chẳng phải là Thần Tiên sống hay sao?
Đoàn-An-Nhơn đem mấy việc nói hết cho mấy người nghe, lại có người họ Phan nói:
- Như y lời chú nói, là ông chắc biết việc quá khứ vị lai. Nay trong xóm mình bị hạn đã lâu không mưa, sao không ai hỏi ông chừng nào mưa? Mấy ông kia đều nói:
- Phải, như lời ông lão nói thì chắc đặng; vậy anh em mình đến nhà viên-ngoại đặng tỏ việc ấy cho ông hay. Nói rồi mấy người đi đến nhà viên-ngoại. Viên-ngoại dẫn ra mao-am, cầu Trùng-Dương tiên-sanh. Thưa rằng:
- Vì xóm tôi bị hạn đã lâu, nhơn dân đều khổ, làm ăn không đặng. Nay nghe tiên-sanh tu hành có đức, biết việc quá-khứ vị-lai, xin Ngài từ-bi nói dùm chừng nào mưa cho anh em tôi mừng, cám ơn Ngài ngàn thuở.
Trùng-Dương nói:
- Việc nầy nhờ ơn trên, chớ tôi siển bạc lắm, không dám lãnh việc quá-khứ vị-lai, nhưng mà tôi biết đâu chỉ đó. Dứt lời Trùng-Dương ngồi mật niệm hồi lâu rồi nói:
- Như mấy ông muốn biết thì qua xóm bên Đông, có một cái miễu Thổ-Địa, trên vách có định ngày mưa, đến đó thì biết. Mấy ông nghe nói lấy làm vui-vẻ, rồi tạ ơn trở ra thẳng qua phía Đông, tới miễu Thổ-Địa, quả thấy trên vách có mấy hàng chữ, Phan lão liền đọc cho mấy người nghe:
Nhơn vương diện tiền nhứt đối qua,
Nhứt lản trâu châu chiếu Vương gia,
Nhị thập tam, thiên hạ đại võ,
Hòa thượng khấu, lý thổ nê ba.
Ở sau có 1 câu chữ nhỏ ra thai, Phan lão coi rồi cười rằng: Mấy câu nầy học trò con nít nó biên 4 câu thai chơi, có kỳ mưa gì đâu? Mấy người kia hỏi: Nó viết chữ gì mà ông không bàn đặng? Phan lão nói: Trên chữ Nhơn, dưới chữ Vương, thêm 2 chấm là Kim. — Chữ Vương thêm 1 điểm là chữ Ngọc. — Nhị thập tam hạ võ, kết lại là chữ Mãng. — Hòa Thượng, bỏ chữ Hòa để chữ Thượng; Nê Ba là Đất, Đất là Thổ, chữ Thượng thêm chữ Thổ là chữ Đường. Rõ ràng 4 chữ “Kim, Ngọc, Mãng, Đường” nào có chỗ kỳ mưa?
Đoàn-An-Nhơn chạy lại chỉ câu: “Nhị thập tam, thiên hạ đại võ” đây nói rõ ràng kỳ ngày 23 mưa lớn! Ông già cười nói không có. Đoàn-An-Nhơn lại nói: Tuy mấy câu lời bàn chớ trong đó cũng có chỗ bí nghiệm, ông nói không chắc thì thôi hôm nay là 19, cách 23 không mấy bữa, để coi ngày 23 có mưa hay không? Chừng đó biết ông linh cùng không linh. Mấy người kia nói:
- Anh nói phải, để đến chừng đó sẽ biết! Nói dứt lời đều trở về hết.
Đến ngày 23, mây đen đầy trời, mưa dầm dề, từ mơi đến chiều không dứt. Trong xóm người người đều tin Trùng-Dương tiên-sanh là Thần Tiên, chừng ấy tiếng đồn khắp nơi.
Kế có người ở phía Bắc, mất một con trâu kiếm không đặng, đến cầu ông chỉ giùm. Tiên-sanh nói: Trâu của ngươi ở xóm bên Nam, nằm trong ổ quạ tại trên cây lớn, muốn kiếm trở về trèo lên cây thì gặp.
Người ấy nghe nói tức cười hỏi rằng: Con trâu lớn mà sao lên đặng trên ổ quạ? Tiên-sanh nói:
- Lại đó kiếm thì chắc đặng! Chẳng khá nói nhiều.
Người ấy nghe trở về qua phía Nam thấy có cây lớn, ngó trên ngọn thấy có ổ quạ, lật đật trèo lên coi, thấy có ổ không, giận lấy liệng xuống. Chẳng may nhánh cây khô rớt trên mặt liền gục đầu ngó xuống thấy trong xóm có cái nhà trống buộc con trâu, nhìn thiệt quả trâu mình, bốn phía cỏ che, thầm tưởng rằng:
- May quá! Phải không trèo lên cây cao ngó xuống làm sao thấy đặng.
Liền lật đật trèo xuống vô xóm đó. Lại nhớ xóm nầy có người ăn trộm trâu, phải không nhờ tiên-sanh chỉ nói đêm nay có dắt đi xa, làm sao tầm đặng. Rồi đi thẳng vô nhà trống dắt trâu về.
Qua bữa sau, xóm bên Tây có mấy người lại hỏi tiên-sanh công việc nhà, có một đứa 14 tuổi hỏi rằng:
- Anh tôi đi buôn bán xa, mấy tháng nay không về. Xin ông làm ơn mách giùm chừng nào anh tôi về?
Tiên-sanh đáp:
- Về hỏi tay của mẹ ngươi thì biết. Thằng nhỏ nghe qua tức cười nói:
- Anh tôi đi buôn bán đã lâu, chẳng biết đi gần xa, nên mẹ tôi biểu đến đây cầu ông chỉ giùm, mà ông lại biểu về hỏi tay mẹ tôi, làm sao biết đặng? Tiên-sanh nói:
- Ngươi cứ nghe lời ta, đừng nói nhiều chuyện.
Thằng nhỏ nghe rầy không dám hỏi nữa, liền xá ra về.
Khi về đến nhà, thấy mẹ nó cầm cái thơ trong tay nói:
- Anh mầy ở Lai-Châu buôn bán, có gởi thơ về tao mới đặng đây, vậy mầy đọc cho tao nghe. Thằng nhỏ lấy thơ đọc rằng:
“ Con kính lời thăm mẹ đặng mạnh giỏi. Từ khi cha quá vãng rồi, nhờ mẹ dạy nuôi đến đặng nên người. Nay con theo chí của cha khi trước, buôn bán cũng đặng thạnh lợi. Vì có bán chịu thâu chưa đủ nên trễ, xin mẹ an lòng. Đợi chừng mùa Thu con mới về đặng. Vậy em ở nhà phụng dưỡng mẫu thân.”
Thằng nhỏ coi rồi cười rằng:
- Thiệt rất linh nghiệm! Mẹ nó muốn hỏi việc chi linh nghiệm, bỗng thấy trước cửa có mấy người đến.