ĐÂU LÀ PHÚC, ĐÂU LÀ HOẠ? VIII.13
(Tống nhân hữu hiếu hành nhân nghĩa giả)
Nước Tống có một nhà thích thi hành điều nhân nghĩa, luôn ba đời như vậy. Bỗng nhiên con trâu đen trong nhà sinh một con trâu trắng. Đem việc đó hỏi Khổng tử, Khổng tử đáp: - Điềm lành đấy. Đem tế trời đi. Được một năm, người cha trong gia đình đó tự nhiên đui, và con trâu đó lại sanh trâu trắng. Người cha lại sai con đi hỏi Khổng tử. Người con bảo: - Lần trước hỏi rồi thì mắt cha không thấy đường, bây còn hỏi làm chi nữa? Người cha đáp: - Lời thánh nhân mới đầu có vẻ sai mà sau đúng. Việc đó chưa hết mà, con cứ lại hỏi nữa đi. Người con lại hỏi Khổng tử lần nữa. Khổng tử bảo là điềm lành và lại khuyên đem tế trời. Người con về thưa lại, người cha bảo: - Làm theo lời Khổng tử. Được một năm người con lại đui. Sau Sở đem quân đánh nước Tống. Dân trong thành (đói quá) đổi con cho nhau để ăn thịt, bửa xương ra làm củi chụm. Các trai tráng đều phải lên luỹ thành chiến đấu, chết già nửa. Cha con nhà đó vì đui mà được miễn. Đến khi thành được giải vây rồi, mắt họ đều sáng lại.HAI NGƯỜI LÀM TRÒ SƠN ĐÔNG VIII.14
(Tống hữu lan tử giả)
Nước Tống có người làm trò Sơn Đông xin diễn trò cho vua Nguyên (nước Tống) coi. Vua Nguyên gọi vô. Anh ta đứng trên hai cây cà khêu cao gấp hai anh ta, mà vừa chạy vừa nhảy. Rồi lấy bảy cây kiếm tung lên trời và bắt, lúc nào cũng có năm cây ở trên không. Vua Nguyên ngạc nhiên lắm, thưởng cho anh ta vàng và lụa. Một người làm trò khác có tài đánh đu[1] hay tin đó, tới xin làm trò cho vua Nguyên coi. Vua Nguyên nổi giận, bảo: - Trước đã có một người làm trò lạ xin ta cho diễn. Trò đó vô dụng, nhưng gặp lúc ta vui vẻ cho nên thưởng hắn vàng, lụa. Tên này chắc nghe vậy mà lại, cũng mong được ta thưởng nữa đây. Bắt giam và làm nhục nó đi. Một tháng sau hắn mới được thả.GIỎI COI TƯỚNG NGỰA VIII.15
(Tần Mục Công vị Bá Nhạc)
Vua Tần Mục Công bảo Bá Nhạc[2]: - Ông đã già rồi, con cháu có người nào sai tìm ngựa tốt được không? Bá Nhạc đáp: - Ngựa tốt, coi hình dáng, gân cốt thì biết được. Nhưng con ngựa nhất thiên hạ thì có cái gì đó như ẩn như hiện, như có như không, cảm được chứ không thấy được, nó chạy thì không tung bụi lên (tuyệt trần), không để lại dấu xe nữa. Bầy con của thần đều bất tài, giảng cho chúng hiểu thế nào là ngựa tốt mà không giảng cho chúng nhận ra được con ngựa tuyệt trần[3]. Thần có một người bạn cùng chở củi và rau, tên là Cửu Phương Cao, coi ngựa không kém thần, đại vương nên vời người đó tới. Mục vương vời người đó tới, sai đi tìm ngựa. Ba tháng sau người đó về tâu: - Được ngựa rồi, ở Sa Khâu. Mục vương hỏi: - Ngựa ra sao? - Ngựa cái vàng. Sai người đi bắt ngựa, thì là một con ngựa đực đen. Mục Công bất bình, vời Bá Nhạc tới bảo: - Hỏng! Người ông giới thiệu đi tìm ngựa, không phân biệt nổi ngựa đực ngựa cái, màu đen màu vàng, thì làm sao biết được ngựa? Bá Nhạc bùi ngùi, thở dài rồi tâu: - Tới mức đó ư! Thế thì anh ấy hơn thần cả ngàn vạn lần rồi. Cái mà anh Cao xét là cái huyền vi của trời; anh ấy nhận thấy cái tinh thần mà quên cái thô thiển, xét ở trong mà quên cái ở ngoài; cái gì đáng thấy thì thấy, không đáng thấy thì thôi; cái gì đáng nhìn thì nhìn, không đáng nhìn thì bỏ. Cái thuật đó của anh Cao có phải chỉ để coi tướng ngựa mà thôi đâu, còn quí hơn vậy nữa. Khi ngựa dắt về, quả nhiên không ngựa nào bằng[4].NHÚN NHƯỜNG LÀ MỘT CÁCH GIỮ MÌNH VIII.17
(Hồ Khâu trượng nhân vị Tôn Thúc Ngao)
Một vị trưởng lão ở Hồ Khâu[5] bảo Tôn Thúc Ngao[6]: - Có ba cái oán ông biết không? Tôn Thúc Ngao hỏi: - Những cái nào vậy? - Tước cao thì bị người ta ghen, chức lớn thì bị người ta ghét, lộc hậu thì bị người ta oán. Tôn Thúc Ngao bảo: - Tước tôi càng cao thì tôi càng tự hạ mình xuống, chức tôi càng lớn thì tôi càng cho là nhỏ, lộc của tôi càng hậu thì tôi phân phát càng nhiều, như vậy tránh được ba cái oán đó chăng?°
Khi Tôn Thúc Ngao đau nặng sắp mất, răn con như sau: - Nhà vua mấy lần phong đất cho cha, cha từ chối cả. Cha chết rồi, nhà vua chắc sẽ phong cho con. Con nhớ đừng nhận một đất phì nhiêu đấy. Ở chỗ biên giới Sở và Việt, có một chỗ tên là Tẩm Khâu[7], đất đó khô cằn, nghe cái tên nó ai cũng ghét, vì người Sở sợ ma mà người Việt thì thích những tên đẹp (báo điềm lành). Tôn Thúc Ngao chết rồi, quả nhiên vua Sở đem một đất tốt phong cho con ông, người con từ chối, xin đất Tẩm Khâu, và giữ cho tới ngày nay.CÁCH CƯ XỬ VỚI BỌN CƯỚP VIII.18
(Ngưu Khuyết giả, thượng địa chi đại nho dã)
Ngưu Khuyết là một bậc đại nho sống sống ở miền thượng[8], xuống Hàm Đan[9], gặp cướp ở tại Ngẫu Sa, mất hết quần áo, hành trang, xe và trâu, phải đi bộ mà nét mặt vẫn vui vẻ, không buồn tiếc. Bọn cướp chạy theo, hỏi tại sao vẫn vui vẻ. Ngưu Khuyết đáp: - Người quân tử không vì những vật nuôi mình[10] mà làm hại thân mình. Bọn cướp bảo: - Ôi! Thực là bậc hiền! Rồi chúng bàn với nhau. - Lão đó hiền minh như vậy mà gặp vua Triệu, vua Triệu dùng để trị bọn mình thì bọn mình nguy mất, không bằng giết phắt lão đi. Rồi chúng đuổi theo giết Ngưu Khuyết. Một người nước Yên nghe chuyện đó, họp bà con họ hàng lại khuyên: - Nếu có gặp cướp thì đừng làm như ông Ngưu Khuyết ở miền thượng đấy. Mọi người nghe lời. Chẳng bao lâu em người đó qua Tấn, tới cửa ải, quả nhiên gặp cướp, nhớ lời khuyên của anh, hết sức chống cự với cướp. Chống cự không nổi, rồi chạy theo chúng năn nỉ chúng trả lại hành lí. Bọn cướp nổi giận bảo: - Tụi tao tha chết cho, là rộng lượng rồi! Mà mày còn chạy theo hoài, sẽ lộ tung tích tụi tao. Tụi tao đã làm cái nghề cướp bóc, đâu nghĩ tới nhân nghĩa. Rồi chúng giết người đó, bốn năm người đi theo cũng bị thương lây.CÁI HẠI CỐ CHẤP VIII.20
(Đông phương hữu nhân yên)
Ở phương đông có một người tên là Viên Tinh Mục, đi xa, giữa đường gần chết đói. Một tên cướp ở Hồ Phủ, tên là Khâu trông thấy, đổ nước vào miệng và đút thức ăn cho. Ba lần như vậy, Viên Tinh Mục mới tỉnh, mở mắt nhìn thấy tên cướp, hỏi: - Ông là ai vậy? Đáp: - Tôi là người Hồ Phủ, tên Khâu đây. Viên Tinh Mục bảo: - Ý, vậy anh là tên cướp hả? Sao lại cho tôi ăn uống? Ta trọng nghĩa, không nhận thức ăn của anh đâu. Nói xong, hai tay chống xuống đất, người đó cố mửa thức ăn ra, không được, chỉ nghe thấy tiếng ọc ọc trong bụng, rồi ngã gục xuống, chết. Người ở Hồ Phủ đúng là tên cướp, nhưng cứu sống người đời, không phải là hành vi cướp bóc. Viên Tinh Mục lấy lẽ người đó là kẻ cướp mà không chịu ăn thức ăn của người đó (cho là bất nghĩa) như vậy là lầm danh với thực.NÊN TRUNG QUÂN TỚI MỨC NÀO? VIII.21
(Trụ Lệ Thúc sự Cử Ngao công)
Trụ Lệ Thúc thờ Ngao công nước Cử[11], tự cho là Ngao công không biết dùng mình, nên bỏ về ở ẩn tại bờ biển, muà hè ăn củ ấu, mùa đông ăn hạt giẻ. Tới khi Ngao công gặp bước nguy nan, Trụ Lệ Thúc từ biệt bạn bè mà hi sinh lại cứu. Bạn bè hỏi: - Bác cho Ngao công không biết dùng bác nên bỏ đi; nay hi sinh tới cứu, như vậy không phân biệt hạng vua biết dùng và hạng vua không biết dùng bề tôi nữa. Trụ Lệ Thúc đáp: - Không phải vậy. Tôi tự cho nhà vua không biết dùng tôi, nên tôi bỏ về; ngày nay tôi hi sinh cho nhà vua để tỏ rằng quả thực nhà vua không biết dùng tôi. Tôi chết đây là để đời sau những ông vua không biết dùng bề tôi phải xấu hổ. Nếu vua biết dùng mình thì mình hi sinh cho vua được, không biết dùng mình thì không lí gì để hi sinh, đó là con đường chính trực để theo. Có thể bảo Trụ Lệ Thúc là người vì quá oán giận mà tự huỷ hoại mình như vậy.TRUYỆN NGƯỜI BIẾT THUẬT BẤT TỬ VIII.26
(Tích nhân ngôn hữu tri bất tử chi đạo giả)
Xưa có một người cho rằng mình biết cái thuật bất tử. Vua Yên sai sứ giả lại đón. Sứ giả chậm trễ, chưa tới thì người đó chết rồi. Vua Yên giận lắm muốn đem giết. Một bề tôi được vua yêu bèn can: - Ai cũng sợ nhất là chết, quí nhất là sống. Mà người đó không tự cứu sống được mình thì làm sao có thể làm cho đại vương bất tử được? Vua Yên thôi không giết sứ giả nữa. Một người nước Tề cũng muốn biết thuật bất tử, hay tin người có thuật đó đã chết, tự vỗ ngực, tiếc vô cùng. Phú tử nghe nói, cười rằng: - Muốn học thuật bất tử, nay người biết thuật đó chết rồi mà mình còn tiếc, thì rõ là không biết mình muốn học cái gì. Hồ tử bảo: - Phú tử nói vậy là sai. Vẫn có người biết thuật nào đó mà không biết thi hành; lại có người thi hành được mà không biết thuật. Nước Vệ có một người giỏi môn toán, dạy cho con phép toán; người con nhớ lời cha dạy nhưng không làm toán được. Một người khác lại hỏi cách làm toán, người con đem đúng lời cha mà chỉ cho. Người kia theo mà làm được đúng như người quá cố. Như vậy thì người biết thuật bất tử kia, trước khi chết có thể truyền lại cái thuật của mình được lắm chứ.TỐT BỤNG MÀ HOÁ RA TÀN NHẪN VIII.27
(Hàm Đan chi nhân)
Dân Hàm Đan có lệ ngày nguyên đán đem chim cưu[12] dâng Giản tử[13]. Giản tử mừng lắm, thưởng họ rất hậu. Một người khách hỏi tại sao, ông đáp: - Ngày nguyên đán mà phóng sinh thì tỏ rằng mình có lòng thương loài vật. Người khách nói: - Dân chúng biết ông muốn phóng sinh, tất tranh nhau bắt chim cưu, và nhiều chim sẽ bị chết. Nếu ông muốn cho chim sống thì không gì bằng cấm dân đừng bắt; bắt rồi thì phóng sinh thì lòng tốt của ông không đủ bù cái hại. Giản tử đáp: - Đúng vậy.TRỜI KHÔNG THIÊN VỊ GIỐNG NÀO VIII.28
(Tề Điền thị tổ ư đình)
Họ Điền nước Tề tế thần đường sá[14] trong sân, thực khách tới số ngàn. Giữa bữa tiệc, có người dâng lên món cá và món chim nhạn. Họ Điền nhìn rồi thở dài: - Trời hậu đãi loài người thật! Sinh ra ngũ cốc, cá chim để chúng ta ăn. Mọi người khách đều tán thưởng ầm ĩ. Một đứa con họ Bão mới mười hai tuổi, dự vào hàng dưới, tiến lên thưa: - Không đúng như lời ngài nói. Vạn vật trong trời đất với chúng ta đều là sinh vật cả, không loài nào quí, không loài nào hèn. Chỉ dùng trí khôn và sức mạnh mà khuất phục lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau thôi, chứ không có loài nào sinh ra để cho loài khác ăn thịt. Loài người thấy cái gì ăn được thì ăn, trời đâu có vì người mà sinh ra các loài đó. Muỗi mòng kia đốt da ta, hổ lang kia ăn thịt ta, có thể nói rằng trời vì chúng mà sinh ra chúng ta không?TƯỞNG MÌNH GIÀU VIII.30
(Tống nhân hữu du ư đạo)
Một người nước Tống đi trên đường lượm được một khế ước của ai đánh rơi, đem về nhà giấu kĩ, lén đếm những dấu khắc trên khế ước[15]. Một hôm người đó bảo người láng giềng: - Chẳng bao lâu tôi sẽ giầu, rồi bác coi.VÌ LỢI MÀ KHUYÊN NGƯỜI VIII.31
(Nhân hữu khô ngô thụ giả)
Một người có một cây ngô đồng khô. Người láng giềng bảo: - Cây ngô đồng khô là điềm gở đấy. Người kia vội đốn đi. Cha người láng giềng bèn xin về làm củi. Người kia bất bình bảo: - Người cha anh láng giềng đó muốn có củi nên xui mình đốn cây. Láng giềng với nhau mà hiểm như vậy, xấu quá![16]NGỜ OAN VIII.32
(Nhân hữu vong phủ giả)
Một người đánh mất một chiếc rựa, ngờ con người láng giềng lấy, thấy dáng đi của nó đúng là đứa ăn trộm rựa, vẻ mặt nó đúng là đứa ăn trộm rựa, thái độ nó rõ ràng là đứa ăn trộm rựa. Ít lâu sau đào đất trong hang ngẫu nhiên tìm được chiếc rựa. Hôm sau lại để ý nhìn đứa con người láng giềng thì hành động, thái độ nó không còn cái vẻ gì là ăn trộm rựa nữa.THAM THÌ TỐI MẮT LẠI VIII.34
(Tích Tề nhân hữu dục kim giả)
Xưa, một người nước Tề ham vàng quá, sáng sớm mặc quần áo, đội khăn ra chợ, lại cửa hàng đổi vàng, chộp vàng rồi chạy. Người coi chợ bắt được, hỏi: - Giữa đám đông sao mà chú dám chộp vàng của người ta? Đáp: - Lúc tôi cướp vàng, tôi có thấy ai đâu, chỉ thấy vàng thôi.Chú thích:[1] Nguyên văn là yến hí: làm trò bay qua bay lại như con chim nhạn, chắc là trò đánh đu, phóng mình bắt dây bên kia.[2] Người nổi tiếng coi tướng ngựa thời cổ.[3] Chữ tuyệt trần ngày nay có nghĩa là nhất đời, có lẽ gốc ở truyện này.[4] Đoạn cuối này, từ “Tới mức đó ư!”, B.G dịch khác, chắc theo một bản khác.[5] Nay ở tỉnh Hà