ũng như bộ não chính của hành tinh là Hội đồng kinh tế, đã từ lâu Hội đồng du hành vũ trụ có một tòa nhà riêng để tiến hành các hội nghị khoa học. Người ta cho rằng tòa nhà được thiết bị và trang hoàng đặc biệt có tác dụng kích thích hứng thú của những người đến họp đối với các vấn đề vũ trụ và sẽ xúc tiến việc chuyển biến hết sức mau lẹ từ những công việc trên Trái đất sang các công việc về tinh tú trên trời. Tsa-ra Nan-đi chưa bao giờ đến gian phòng chính của Hội đồng. Chị cảm động đi cùng với Ép-đa Nan vào căn phòng hình quả trứng kỳ lạ, căn phòng có trần và bề mặt của những dãy ghế ngồi tạo thành hình pa-ra-bôn. Ánh sáng rực rỡ và trong suốt bừng lên trong phòng, dường như quả thực đây là nơi hội tụ ánh sáng từ một ngôi sao khác chói lọi hơn Mặt trời. Tất cả các đường nét do tường trần và những ghế ngồi tạo nên đều gặp nhau ở cuối căn phòng rộng lớn, dường như đó là điểm tập trung tự nhiên của chúng. Ở đấy, trên một bục cao, có những màn ảnh minh họa, diễn đàn và chỗ ngồi cho những ủy viên Hội đồng lãnh đạo cuộc họp. Trên các bức tường, những pa-nen màu vàng đục xen kẽ với các bản đồ nổi của các hành tinh. Ở bên phải là bản đồ các hành tinh của hệ Mặt trời, ở bên trái là bản đồ các hành tinh của những ngôi sao gần nhất mà các đoàn thám hiểm của Hội đồng đã nghiên cứu. Phía trên nữa, dưới mép trần màu da trời là sơ đồ của các hệ thống sao có người ở, vẽ bằng những màu phát sáng. Đấy là những sơ đồ nhận được từ các thế giới lân cận trong Vành-khuyên vĩ đại. Tsa-ra chú ý đến một bức tranh cổ đã sạm đen ở phía trên diễn đần, có lẽ đã được phục chế nhiều lần. Bầu trời tím đen choán hết phần trên cùng của bức tranh khổng lồ. Vành trăng lưỡi liềm nhỏ bé của thế giới xa lạ chiếu ánh trắng bệch xuống phần đuôi chổng ngược một cách bất lực của con tàu vũ trụ kiểu cổ, vẽ bằng những nét thô kệch trên nền hoàng hôn đỏ tía. Những dãy cây kỳ quái màu xanh lơ khô và cứng, nom như làm bằng kim loại. Một người mặc bộ giáp bảo vệ loại nhẹ bước đi một cách khó nhọc, chân thụt sau trong cát. Người đó ngoái lại nhìn con tàu bị vỡ và thi hài các bạn đồng đội đã được đưa ra khỏi tàu. Đôi mắt kính trên chiếc mặt nạ của anh chỉ phản chiếu ánh hoàng hôn đỏ thắm, những qua đôi mắt kính ấy họa sĩ đã dùng một thủ pháp bí ẩn diễn tả được vẻ tuyệt vọng vô hạn của tình trạng cô độc trong thế giới xa lạ. Trên một cái gò thấp phía bên phải, một sinh vật không ra hình thù gì cả, nom đến gớm guốc bò trên cát. Dưới bức tranh có hàng chữ rất lớn: "Còn lại một mình". Thật là vừa ngắn gọn, vừa giàu sức biểu hiện. Bị thu hút vào bức tranh, cô gái không nhận thấy ngay sáng kiến tài tình về mặt kiến trúc: các chỗ ngồi được bố trí thành những bậc hình rẻ quạt, khiến cho người ta có thể đến từng chỗ bằng lối đi riêng qua những hành lang ẩn dưới nền các dãy chỗ ngồi. Mỗi dãy cách biệt với dãy trên hay dãy dưới. Chỉ sau khi đã ngồi xuống với Ép-đa, Tsa-ra mới chú ý đến cách trang trí theo lối cổ của các ghế bành, giá viết và các rào cản làm bằng gỗ châu Phi có màu ngọc xám tự nhiên. Bây giờ sẽ không ai chịu tốn nhiều công sức như thế để làm cái mà người ta có thể đúc hoặc đánh bóng trong mấy phút. Có lẽ vì mọi người đều quen kính trọng thời cổ, nên Tsa-ra cảm thấy gỗ ấm hơn và sinh động hơn chất dẻo. Chị trìu mến vuốt ve cái chỗ tựa tay cong cong và vẫn không ngừng quan sát căn phòng. Vẫn như mọi khi, người tụ tập ở đây rất đông, tuy rằng những máy truyền hình mạnh có nhiệm vụ truyền đi khắp hành tinh mọi diễn biến phòng họp này. Như thường lệ, thư ký Hội đồng là Mia Ôm nói một cách ngắn gọn, cho biết những tin tức đã tích lũy được kể từ lần họp trước. Trong mấy trăm người có mặt trong phòng, không thể tìm thấy được một khuôn mặt lơ đãng, bận bịu với những ý nghĩ riêng tư. Sự chú ý nhạy bén đối với tất cả mọi cái là nét đặc trưng nhất của người thuộc đời đại Vành-khuyên. Nhưng Tsa-ra không nghe thông báo đầu tiên, chị vẫn tiếp tục xem xét gian phòng lớn và đọc những câu châm ngôn của các nhà bác học lớn, viết dưới bản đồ các hành tinh. Chị đặc biệt thích lời kêu gọi viết dưới sao Mộc, khuyên ta nên nhạy cảm đối với các hiện tượng thiên nhiên:"Các bạn hãy nhìn xem, xung quanh ta đâu đâu cũng có những sự kiện khó hiểu. Chúng đập vào mắt, thét vào tai ta, nhưng chúng ta vẫn đui điếc không thấy được những phát minh lớn lao như thế nào đang ẩn náu trong những đường viền mờ nhạt của chúng". Ở chỗ khác, có thêm một đoạn nữa: "Vén tấm màn che đậy cái chưa biết không thể nào là việc đơn giản: chỉ sau khi lao động bền bỉ, sau những lần thụt lùi và đi chệch hướng, chúng ta mới bắt đầu nắm được ý nghĩa thực của sự vật và những viễn cảnh mới vô cùng rộng lớn mới mở ra trước mắt chúng ta. Đừng bao giờ lẩn tránh cái mà thoạt đầu tưởng chừng như vô ích và không thể giải thích được". Một động tác trên diễn đàn, và ánh sáng trong phòng mờ đi. Tiếng nói mạnh mẽ, điềm tĩnh của thư ký Hội đồng rung lên vì xúc động. - Các bạn sẽ thấy cái mà mới đây tưởng chừng như không thể nào làm nổi: ảnh chụp Thiên-hà của chúng ta từ phía ngoài. Hơn một trăm năm mươi nghìn năm trước đây, tức là một phút rưỡi theo thời gian Thiên-hà, người ở hệ thống hành tinh... - Tsa-ra bỏ qua một loạt con số không nói lên điều gì với chị - trong chòm sao Nhân-mã đã liên lạc với người ở đám mây Ma-gien-lăng lớn, tức là hệ thống sao ngoài Thiên hà duy nhất ở gần chúng ta. Ta biết rằng trong hệ thống này có những thế giới biết suy nghĩ, có thể liên lạc với Thiên-hà chúng ta qua Vành-khuyên. Chúng ta chưa thể xác định vị trí chính xác của hệ hành tinh Ma-gien-lăng đó, nhưng chúng ta cũng đã nhận được của họ bức ảnh chụp Thiên-hà của chúng ta. Đây là bức ảnh đó! Trên màn ảnh khổng lồ rực lên ánh sáng bạc xa xăm của một tập đoàn sao to rộng, hai đầu thu nhỏ lại. Rìa màn ảnh chìm trong bóng tối sâu đậm của không gian. Những khoảng trống giữa các nhánh xoắn ốc lờm xờm ở hai đầu cũng tối đen như vậy. Một vầng sáng nhợt bao quanh vành tinh đoàn tròn của những hệ thống sao ấy, những hệ thống sao cổ nhất của vũ trụ chúng ta. Những cánh đồng sao dẹt phẳng xem kẽ với những đám mây và những dải vật chất đã nguội lạnh màu đen. Bức ảnh chụp từ một góc độ không thuận tiện: Thiên-hà được nhìn từ trên xuống và bị nghiêng lệch rất nhiều, thảnh thử hạt nhân trung tâm nom không rõ, chỉ là một khối lồi rực sáng ở giữa một thấu kính hẹp. Rõ ràng là muốn có quan niệm đầy đủ về hệ thống sao của chúng ta thì phải hỏi các Thiên-hà xa hơn, ở vị trí cao hơn theo vĩ độ Thiên-hà. Nhưng trong suốt thời gian tồn tại của Vành-khuyên vĩ đại, chưa một Thiên-hà nào cho thấy dấu hiệu của sự sống có lý trí. Mọi người không rời mắt khỏi màn ảnh. Lần đầu tiên, con người Trái đất có thể nhìn vũ trụ sao của mình từ phía ngoài, từ khoảng xa ghê gớm của không gian. Tsa-ra có cảm tưởng rằng cả hành tinh đều nín thở khi xem Thiên-hà của mình trong hàng triệu màn ảnh trên cả sáu đại châu và trên tất cả các đại dương, lại bất cứ nơi nào có những đảo nhỏ rải rác mang sự sống và lao động của con người. - Đến đây là hết những tin tức chưa thông báo mà đài quan sát chúng tôi đã nhận được qua Vành-khuyên - thư ký hội đồng lại nói - Bây giờ chúng ta chuyển sang những dự án cần được thảo luận rộng rãi. Đề nghị của In-ta Gai được thừa nhận là đáng chú ý, vì nó dựa trên những tính toán nghiêm chỉnh. Đó là đề nghị tạo bầu khí quyển thở được trên sao Hỏa bằng cách dùng những thiết bị tự động làm thoát ra những khí nhẹ từ các lớp đất đá sâu. Ta sẽ có một lớp không khí đủ để thở và để tạo nên một lớp cách nhiệt cho những khu người ở của chúng ta trên sao Hỏa. Khi đó, người ta sẽ không phải ở trong những tòa nhà kính nữa. Nhiều năm về trước, sau khi khám phá ra những đại dương dầu hỏa và những núi các-bua-hy-đrô rắn trên sao Kim, chúng ta đã phóng những thiết bị tự động để tạo nên bầu khí quyển nhân tạo dưới những cái chụp khổng lồ bằng chất dẻo trong suốt. Những thiết bị đó khiến ta có thể trồng cây trên sao Kim, và chúng ta đã xây dựng những nhà máy cung cấp cho loài người bất cứ sản phẩm hóa học hữu cơ nào với số lượng cực lớn. Thư ký Hội đồng để tấm ghi chép bằng kim loại sang một bên và mỉm cười niềm nở. Mơ-ven Ma-xơ xuất hiện ở đầu các dãy ghế gần diễn đàn, anh mặc y phục đỏ sẫm, vẻ cau có, trịnh trọng và bình tĩnh. Anh chắp hai tay giơ cao trên đầu để chào hội nghị và ngồi xuống. Thư ký rời diễn đàn, nhường chỗ cho một thiếu phụ có mái tóc ngắn vàng óng và cặp mắt màu lá mạ biểu lộ cái nhìn ngạc nhiên. Chủ tịch Hội đồng Gơ-rôm Oóc-mơ đến đứng bên cạnh. - Thông thường, chính chúng tôi báo tin về những đề nghị mới. Nhưng các bạn sẽ nghe một công trình nghiên cứu gần như đã hoàn thành. Bản thân tác giả I-va Gian sẽ trình bày tài liệu với các bạn, để các bạn có thể suy nghĩ một cách thấu đáo. Thiếu phụ có cặp mắt màu lá mạ bắt đầu nói bằng giọng tắc nghẹn vì bẽn lẽn. Chị bắt đầu từ một sự việc ai nấy đều biết là thực vật của các đại châu phương Nam có đặc điểm là lá màu thanh thiên nhạt, màu đặc trưng cho các hình thức cổ của thực vật trên Trái đất. Việc nghiên cứu thực vật của các hành tinh khác đã chứng tỏ rằng là màu thanh thiên là đặc điểm vốn có của những bầu khí quyển trong suốt hơn khí quyển Trái đất, hoặc là loại lá ấy xuất hiện khi bức xạ tử ngoại của thiên thể cứng hơn bức xạ của Trái đất. - Bức xạ đỏ phát ra từ Mặt trời của chúng ta là bức xạ ổn định, nhưng bức xạ thanh thiên và tử ngoại lại không ổn định. Ngót hai triệu năm trước, bức xạ tím đã thay đổi đột ngột, sự thay đổi này đã tiếp tục một thời gian dài. Khi đó, cây cối có màu da trời nhạt, chim chóc và thú vật sống ở những khu vực lộ thiên có màu đen, trứng của những loài chim làm tổ ở những chỗ không có bóng rợp cũng đen. Hồi ấy, sự thay đổi trạng thái điện từ trường của Hệ mặt trời đã khiến cho vị trí trục quay của Trái đất không ổn định. Từ lâu, đã có những dự án biến các biển thành những vùng trũng lục địa để phá hủy sự cân bằng đã hình thành và thay đổi vị trí của Trái đất đối với trục quay của nó. Đấy là vào thời kỳ các nhà thiên văn chỉ dựa trên cơ học sơ cấp về sức hấp dẫn, hoàn toàn không chú ý gì đến sự cân bằng điện từ của hệ thống, mà sự cân bằng này hay thay đổi hơn sự hấp dẫn. Chúng ta nên tìm cách giải quyết vấn đề chính từ hướng ấy, như vậy thì đơn giản hơn, dễ hơn và nhanh hơn rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại rằng hồi mới mở đầu công cuộc du hành vũ trụ, việc tạo nên sức hấp dẫn nhân tạo đòi hỏi sự hao phí năng lượng đến mức là thực tế không làm được. Bây giờ, sau khi khám ra sự phân tích các lực mê-dôn, các con tàu của chúng ta được trang bị những máy đơn giản và đáng tin cậy để tạo ra sức hấp dẫn nhân tạo. Cũng như vậy, thí nghiệm Ren Bô-dơ vạch ra con đường vòng tương tự để thay đổi trạng thái quay của Trái đất một cách có hiệu quả và mau chóng. I-va Gian im bặt. Nhóm sáu người anh hùng của đoàn thám hiểm Diêm-vương-tinh cũng ngồi với nhau ở giữa phòng, họ chắp tay giơ cao lên để chào mừng chị. Hai má thiếu phụ đỏ bừng lên một lát, trước khi màn ảnh lại hiện lên những đường viền hư ảo của những hình vẽ không gian. - Tôi biết rằng vấn đề có thể được mở rộng. Bây giờ có thể nghĩ tới việc thay đổi ngay cả quỹ đạo của các hành tinh, đặc biệt có thể nghĩ đến việc làm cho Diêm-vương-tinh đến gần Mặt trời để phục hồi hành tinh đó. Vì nó là hành tinh của một ngôi sao khác mà xưa kia có người ở. Nhưng lúc này tôi chỉ muốn nói đến việc làm cho Trái đất của ta xê dịch đi so với trục quay để cải thiện khí hậu của bán cầu lục địa. Thí nghiệm của Ren Bô-dơ chứng tỏ rằng có thể đảo ngược trường hấp dẫn thành mặt thứ hai của nó là trường điện từ, tiếp đó là sự phân cực véc-tơ theo những hướng này... Những hình trên màn ảnh dài ra và xoay đi. I-va Gian nói tiếp: - Khi đó, sự quay của hành tinh sẽ không ổn định nữa, và Trái đất có thể bị xoay theo vị trí ta muốn để được Mặt trời chiếu sáng ở trạng thái có lợi nhất và lâu nhất. Trên tấm kính dài dưới màn ảnh là những chuỗi thông số đã được các máy tính sẵn từ trước, và bất cứ người nào có thể hiểu được các ký hiệu ấy đều thấy rõ rằng đề án của I-va Gian không phải là không có căn cứ. I-va Gian hãm chuyển động của các hình vẽ, các ký hiệu, và nghiêng đầu rời khỏi diễn đàn. Người nghe nhìn nhau, rì rầm trao đổi một cách hào hứng. Sau khi đã làm mấy điệu bộ kín đáo để ra hiệu với Gơ-rôm Oóc-mơ, người trưởng đoàn trẻ tuổi của đoàn khảo sát Diêm-vương-tinh lên diễn đàn. - Chắc chắn là thí nghiệm của Ren Bô-dơ sẽ dẫn tới phản ứng tric-gơ: sự bùng nổ của những phát minh quan trọng nhất. Tôi cho rằng thí nghiệm đó dẫn tới những chân trời xa của khoa học mà trước đây ta không thể tới được. Thuyết lượng tử cũng là một trường hợp như thế: đấy là bước đầu tiên đi tới chỗ hiểu được sự chuyển biến lẫn nhau, tiếp đố là phát minh ra các phản hạt và phản trường. Tiếp đó đến phép tính rê-pa-gu-le, một thắng lợi đối với nguyên tắc bất định của nhà toán học thời cổ Hay-xen-be. Và cuối cùng của Ren Bô-dơ đã góp thêm được một bước mới: tiến tới chỗ phân tích hệ thống không-gian trường, tới chỗ hiểu được phản hấp dẫn và phản không gian hay là không gian-không, theo định luật rê-pa-gu-le. Mọi thuyết không được thừa nhận rút cuộc đã trở thành nền tảng của khoa học! Thay mặt cho một nhóm những nhà nghiên cứu Diêm-vương-tinh, tôi đề nghị thông báo vấn đề này trong toàn thế giới để thảo luận. Việc xoay trục của hành tinh sẽ làm giảm sự hao phí năng lượng để sưởi ấm các vùng cực, sẽ làm yếu các fron cực hơn nữa, sẽ nâng cao mức độ cân bằng nước của các đại châu. - Vấn đề có đủ rõ đề đưa ra bỏ phiếu hay không? - Gơ-rôm Oóc-mơ hỏi. Vô số đốm đèn màu lá mạ bừng lên để trả lời. - Thế thì chúng ta sẽ bắt đầu! - Chủ tịch nói và cho tay xuống dưới giá viết của chiếc ghế bành mình ngồi. Ở đấy có ba nút tín hiệu của máy thống kê: nút bên phải có nghĩa là "tán thành", nút giữa là "không", nút bên trái là "chưa có ý kiến dứt khoát". Mỗi hội viên Hội đồng cũng gửi đi một tín hiệu mà người khác không thấy. Cả Ép-đa Nan và Tsa-ra cũng ấn nút. Một máy riêng tính số ý kiến của người nghe để kiểm tra xem ý kiến của Hội đồng đúng đắn đến mức nào. Mấy giây sau, những ký hiệu sáng bừng trên màn ảnh cho thấy vấn đề đó được chấp nhận để đưa ra cho toàn hành tinh thảo luận. Gơ-rôm Oóc-mơ lên diễn đàn. - Vì một nguyên nhân mà tôi xin phép để đến lúc xong công việc sẽ nói rõ, bây giờ ta nên xét hành động của cựu chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất Mơ-ven Ma-xơ, sau đó ta sẽ giải quyết vấn đề về đoàn thám hiểm lên các vì sao số ba mươi tám. Hội đồng có tin rằng những lý do của tôi là có căn cứ hay không? Những đốm sáng màu lá mạ nhất nhất trí tán thành. - Mọi người đều biết rõ chi tiết sự việc đã xảy ra hay chưa? Những đốm sáng màu lá mạ lại bừng lên hàng loạt. - Như vậy công việc sẽ nhanh hơn. Tôi yêu cầu cựu chủ nhiệm các Trạm liên lạc ngoài Trái đất Mơ-ven Ma-xơ trình bày những lý do hành động của mình, hành động đã dẫn đến những hậu quả hết sức khốc hại. Nhà vật lý Ren Bô-dơ chưa bình phục hẳn sau khi bị thương, nên không được mời đến làm nhân chứng. Anh ấy không phải chịu trách nhiệm. Gơ-rôm Oóc-mơ nhận thấy ánh đèn đỏ ở chỗ ngồi của Ép-đa Nan. - Xin Hội đồng chú ý! Ép-đa Nan muốn cho biết thêm về Ren Bô-dơ. - Tôi xin phát biểu thay anh ấy. - Vì lý do gì? - Tôi yêu anh ấy! - Chị sẽ phát biểu sau Mơ-ven Ma-xơ. Ép-đa Nan tắt tín hiệu đỏ và ngồi xuống. Mơ-ven Ma-xơ xuất hiện trên diễn đàn. Bình tĩnh, không nương nhẹ bản thân mình, anh kể về những kết quả mà anh mong chờ ở thí nghiệm, về việc thực ra anh đã nhìn thấy một cảnh mà cho đến lúc này anh vẫn chưa tin. Sự hấp tấp hết sức dại dột trong việc chuẩn bị thí nghiệm, duyên do là hành động đó không hợp pháp và phải giữ kín, đã dẫn đến kết quả là họ không sáng chế ra những khí cụ đặc biệt để ghi nhận, mà chỉ trông cậy vào những máy nhớ bình thường. Những bộ thu của các máy này đã bị phá hủy ngay trong giây phút đầu tiên. Cả việc làm thí nghiệm trên vệ tinh cũng là sai lầm. Lẽ ra nên ghép một tàu liên hành tinh kiểu cổ vào vệ tinh 57 và đặt những khí cụ định hướng véc-tơ trên hành tinh đó. Tất cả những lỗi lầm ấy là ở anh, Mơ-ven Ma-xơ. Ren Bô-dơ lo liệu về thiết bị, còn việc đưa thí nghiệm vào vũ trụ thuộc thẩm quyền của chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất. Tsa-ra siết chặt hai tay: chị cảm thấy những lý lẽ buộc tội của Mơ-ven Ma-xơ rất xác đáng. - Những người quan sát ở trên vệ tinh đã bị hủy diệt có biết là tai họa có thể xảy ra không? - Gơ-rôm Oóc-mơ hỏi. - Có, họ đã được báo trước và vui sướng ưng thuận. - Tôi không ngạc nhiên về việc họ ưng thuận! Hàng nghìn thanh niên tham gia vào những thí nghiệm nguy hiểm hàng năm vẫn diễn ra trên hành tinh chúng ta. Cũng có những người phải hy sinh... Và những người khác lại xông vào cuộc chiến tranh với cái chưa biết, lòng dũng cảm không hề nhụt đi chút nào - Gơ-rôm Oóc-mơ cau có bắt bẻ - Nhưng anh đã báo trước cho họ biết, vậy là anh đã ngờ rằng có thể xảy ra kết cục như thế. Tuy nhiên, anh vẫn cứ làm một thí nghiệm liều lĩnh... Mơ-ven Ma-xơ im lặng, cúi đầu. Tsa-ra vẫn không rời mắt khỏi anh, chị cố nén một tiếng thở dài nặng nền khi cảm thấy tay Ép-đa Nan đặt trên vai mình. - Anh hãy trình bày nguyên nhân thúc đẩy anh làm việc đó - Chủ tịch Hội đồng nói, sau một lúc ngừng. Chàng trai người châu Phi lại nói, lần này anh nói một cách xúc động, say mê. Anh kể lại rằng từ thuở mới trưởng thành, anh đã cảm thấy sự trách móc của hàng triệu nấm mồ vô danh của những người bị thời gian khắc nghiệt đánh bại, anh đã cảm thấy không thể nào yên tâm được nếu lần đầu tiên trong lịch sử loài người và lịch sử của các thế giới lân cận, anh không bước một bước tới gần thắng lợi đối với không gian và thời gian, không đặt cái móc đầu tiên trên con đường vĩ đại ấy, con đường mà hàng trăm nghìn trí tuệ tài giỏi sẽ lập tức bước lên ngay. Anh thấy mình không có quyền trì hoãn thí nghiệm, có thể là trì hoãn một trăm năm -, chỉ để tránh cho một số ít người khỏi bị nguy hiểm, và cho mình khỏi phải chịu trách nhiệm. Mơ-ven ma-xơ nói, và tim Tsa-ra đập mạnh hơn vì tự hào về người yêu của mình. Lỗi của Mơ-ven Ma-xơ xem ra không lặng lắm. Mơ-ven Ma-xơ trở về chỗ và chờ quyết định trước mắt tất cả mọi người. Ép-đa Nan chuyển giao băng ghi âm lời phát biểu của Ren Bô-dơ. Tiếng nói yếu ớt, nghẹn ngào của anh vang to khắp phòng qua các máy tăng âm. Nhà vật lý bào chữa cho Mơ-ven Ma-xơ. Vì không biết tất cả sự phức tạp của vấn đề, chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất chỉ còn tin cậy vào anh, Ren Bô-dơ, còn anh đã thuyết phục được Mơ-ven Ma-xơ tin rằng thí nghiệm nhất định thành công. Nhưng nhà vật lý cũng không cho rằng mình có lỗi. Anh nói: "Hằng năm, chúng ta vẫn làm những thí nghiệm kém quan trọng hơn mà đôi khi kết thúc một cách bi thảm. Khoa học là cuộc đấu tranh cho hạnh phúc của loài người, nó cũng đòi hỏi những hy sinh như mọi cuộc đấu tranh khác. Những kẻ hèn nhát chỉ bo bo giữ thân thì không bao giờ được hưởng sự đầy đủ và vui sướng của cuộc sống, còn những nhà bác học hèn nhát không bao giờ đạt được những bước tiến lớn... ". Sau chót, Ren Bô-dơ phân tích vắn tắt công việc thí nghiệm và những sai lầm của mình, đồng thời bày tỏ niềm tin vững chắc vào thắng lợi trong tương lai. Đoạn băng ghi âm đã hết. - Ren Bô-dơ không nói gì về những quan sát của mình trong thời gian thí nghiệm - Gơ-rôm Oóc-mơ ngẩng đầu lên, nói với Ép-đa Nan - Chị muốn phát biểu thay mặt anh ấy phải không? - Tôi đã thấy trước một vấn đề và muốn lên tiếng - Ép-đa Nan trả lời - Ren Bô-dơ ngất đi mấy giây sau khi các trạm F được dùng vào thí nghiệm và anh ấy không nhìn thấy gì nữa. Lúc sắp ngất hẳn, anh ấy chỉ để ý và nhớ những chỉ số của các khí cụ. Những chỉ số này chứng tỏ sự xuất hiện của không gian-không. Đây là những điều ghi lại theo trí nhớ của anh ấy. Trên màn ảnh hiện lên mấy con số, nhiều người lập tức sao chép lại. - Cho phép tôi nhân danh Viện Hàn lâm về Nỗi đau xót và Niềm vui sướng bổ sung thêm một điều... Ép-đa nói tiếp - sự thống kê ý kiến nhân dân sau khi thảm họa xảy ra cho thấy như sau... Những chuỗi số tám chữ số nối đuôi nhau xuất hiện trên màn ảnh, phân thành những mục chê trách, bào chữa, nghi ngờ về quan niệm khoa học, buộc tội là hấp tấp. Nhưng, kết quả chung chắc chắn là có lợi cho Mơ-ven Ma-xơ và Ren Bô-dơ, và gương mặt những người đến dự họp rạng rỡ hẳn lên. Tín hiệu đỏ bừng lên ở đầu kia phòng, và Gơ-rôm Oóc-mơ để cho Pua Hít-xơ, nhà thiên văn của đoàn thám hiểm vũ trụ số ba mươi bảy lên phát biểu. Pua Hít-xơ nói to và nóng nảy, đôi tay dài làm những điệu bộ vụng về, yết hầu nhô ra. - Tôi cùng với một nhóm nhà thiên văn lên án Mơ-ven Ma-xơ. Việc Mơ-ven Ma-xơ làm thí nghiệm không cho Hội đồng biết khiến ta ngờ rằng anh ta hành động không phải là vô tư, như một số người đã phát biểu ở đây cố sức miêu tả! Tsa-ra bừng bừng phẫn nộ, và chị vẫn ngồi nguyên tại chỗ chỉ là vì tuân theo luồng mắt lạnh lùng của Ép-đa Nan. Pua Hít-xơ dứt lời. - Những lời buộc tội của anh thật nặng nề, nhưng vô căn cứ - được phép của chủ tịch, Mơ-ven Ma-xơ phản đối - xin cho biết rõ anh hiểu sự vụ lợi trong việc này là thế nào. - Vinh quang bất diệt nếu thí nghiệm thành công hoàn toàn, đấy là cái ẩn ý vụ lợi trong hành động của anh. Còn hèn nhát là vì anh sợ rằng sẽ không được phép tiến hành thí nghiệm, vì thế anh hành động vội vã và bí mật. Mơ-ven Ma-xơ cười toác miệng, giơ hai tay ra như trẻ con và lẳng lặng ngồi xuống. Toàn bộ vẻ ngoài của Pua Hít-xơ lộ vẻ hân hoan độc ác. Ép-đa Nan xin nói lần nữa: - Lời phát biểu của Pua Hít-xơ là vội vã và quá độc ác trong việc giải quyết một vấn đề nghiêm chỉnh. Quan điểm của anh về những lý do hành động bí mật đưa chúng ta trở về thời Trung cổ. Chỉ có những người thuộc quá khứ xa xăm mới có thể nói đến thứ quang vinh bất tử nào đó. Vì cuộc sống thực của họ không được vui sướng và đầy đủ, họ không cảm thấy mình là một bộ phận của toàn thể nhân loại sáng tạo, họ sợ cái chết không tránh khỏi và bám lấy hy vọng nhỏ nhặt nhất về danh thơm muôn thuở. Nhà bác học thiên văn Pua Hít-xơ không hiểu rằng nhân loại chỉ ghi nhớ những người mà tư tưởng, ý chí và thành tựu của họ vẫn tiếp tục hoạt động, và khi họ hết tác dụng thì họ cũng bị lãng quên và không còn tồn tại nữa. Nhiều khi họ sống lại từ cõi hư vô, giống như nhiều nhà bác học hay họa sĩ thời cổ, nếu những tác phẩm của họ lại trở nên cần thiết và lại có tác dụng trong xã hội... đặc biệt là trong xã hội nhiều tỷ người hiện nay! Đã lâu, tôi mới gặp cái quan niệm thô kệch như thế về sự bất tử và quang vinh và tôi lấy làm ngạc nhiên thấy một nhà du hành vũ trụ có quan niệm như thế. Ép-đa Nan vươn hết tầm cao, quay về phía Pua Hít-xơ. Anh ta co rúm người trong chiếc ghế bành của mình, dưới ánh sáng của vô số ngọn đèn đỏ. Ép-đa Nan nói tiếp: - Chúng ta sẽ gạt bỏ những ý kiến vô lý và sẽ lấy tiêu chuẩn chính là hạnh phúc của loài người để xem xét hành động của Mơ-ven Ma-xơ và Ren Bô-dơ. Trước kia, người ta thường không biết cân nhắc giá trị thực của những hành động của mình và đối chiếu nó với mặt trái tai hại mà mỗi hành động, mỗi biện pháp đều phải có. Chúng ta đã thoát khỏi tình trạng đó từ lâu và chúng ta có thể chỉ nói về giá trị thực của hành động. Ngay cả bây giờ, cũng vẫn như trước kia, những con đường mới được thăm dò bởi những con người riêng biệt, vì chỉ có bộ não có tư chất đặc biệt mới nhận ra được phương hướng mới ẩn náu trong những sự kiện mâu thuẫn. Nhưng khi con đường mới vừa được xác định xong thì hàng chục nghìn người bắt đầu nghiên cứu nó, và dòng phát minh mới cuồn cuộn trôi về về vô tận, mỗi lúc một lớn lên như khối tuyết lở. Ren Bô-dơ và Mơ-ven Ma-xơ đi con đường hoàn toàn chưa ai đặt chân lên. Tôi chưa am hiểu đầy đủ, nhưng tôi cũng thấy rằng thí nghiệm của họ hiển nhiên là quá sớm. Đấy là lỗi của cả hai người, và tất nhiên là phải có người chịu trách nhiệm về tổn hại vật chất lớn lao cùng bốn nhân mạng đã hy sinh. Theo luật lệ của Trái đất thì như vậy là có tội, nhưng hành động phạm tội đó xảy ra không phải vì những mục đích cá nhân, vì vậy không phải chịu trách nhiệm nặng nhất. Ép-đa Nan chậm chạp trở về chỗ. Gơ-rôm Oóc-mơ thấy không còn ai muốn phát biểu nữa. Các Ủy viên Hội đồng yêu cầu chủ tịch kết luận. Cái hình dáng mảnh dẻ, gầy guộc của Gơ-rôm Oóc-mơ nghiêng về phía trước trên diễn đàn, và luồng mắt sắc sảo của ông nhìn xoáy vào tận cuối phòng. - Tình thế không lấy gì làm phức tạp, có thể kết luận dứt khoát được. Theo tôi, nói chung Ren Bô-dơ không phải chịu trách nhiệm gì cả. Có nhà bác học nào lại không lợi dụng những cơ hội có thể có được, được biết khi người đó tin chắc là thành công? Thất bại tai hại của thí nghiệm sẽ là một bài học. Nhưng thí nghiệm cũng có ích lợi, đó là điều chắc chắn. Ích lợi đó bù đắp được phần nào sự thiệt hại vật chất, bởi vì bây giờ việc thực nghiệm này sẽ giúp giải quyết vô số vấn đề mà Viện hàn lâm về giới hạn của kiến thức chỉ mới bắt đầu nghĩ tới. Chúng ta đang giải quyết những vấn đề sử dụng lực lượng sản xuất trên qui mô lớn, bằng cách gạt bỏ những khuynh hướng tùy thời của nền kinh tế cũ nhằm theo đuổi những cái lợi nhỏ nhặt. Tuy nhiên, cho đến giờ, đôi khi người ta vẫn chưa hiểu được nhân tố thành công, bởi vì đã quên mất rằng các qui luật phát triển là không thể bác bỏ được. Họ tưởng rằng công trình xây dựng phải được cất cao lên mãi. Sự sáng suốt của người lãnh đạo là ở chỗ kịp thời nhận ra được mức độ cao nhất đối với giai đoạn hiện thời, dừng lại và chờ đợi hay thay đổi đường đi. Mơ-ven Ma-xơ không thể là người lãnh đạo như thế trên cương vị có trách nhiệm rất lớn của mình. Sự lựa chọn của Hội đồng là sai lầm. Hội đồng phải chịu chung trách nhiệm đó cùng với những người mình lựa chọn. Trước hết là chính tôi có lỗi, vì việc đề cử Mơ-ven Ma-xơ do hai ủy viên khác của Hội đồng đưa ra đã được tôi ủng hộ. Tôi đề nghị Hội đồng gạt bỏ lời buộc tội Mơ-ven Ma-xơ hành động vì những lý do cá nhân, nhưng cấm anh không được đảm nhiệm chức vụ trong các tổ chức có trọng trách của hành tinh. Tôi cũng phải được đưa ra khỏi cương vị chủ tịch Hội đồng và cử đi giải quyết những hậu quả của việc lựa chọn thiếu trận trọng của mình: đi xây dựng lại vệ tinh. Gơ-rôm Oóc-mơ đưa mắt nhìn khắp phòng, đọc thấy vẻ buồn rầu lộ trên nhiều khuôn mặt. Nhưng không ai can ngăn, vì người của thời đại Vành-khuyên tôn trọng quyết định của nhau và tin rằng những quyết định đó là đúng. Mia Ôm trao đổi ý kiến với các ủy viên Hội đồng và máy thống kê cho biết kết quả bỏ phiếu. Kết luận của Gơ-rôm Oóc-mơ được nhất trí chấp nhận, nhưng với điều kiện là ông tiếp tục lãnh đạo cuộc họp đến phút chót và chỉ trao lại cương vị chủ tịch sau khi cuộc họp kết thúc. Ông cúi chào, nhưng khuôn mặt đầy cương nghị của ông không hề thay đổi. - Bây giờ tôi phải giải thích vì sao tôi muốn yêu cầu Hội đồng chuyển sang thảo luận về công cuộc thám hiểm các vì sao - chủ tịch nói tiếp bằng giọng bình tĩnh - Ai nấy đều thấy rằng công việc đã kết thúc thuận lợi, tôi cho rằng Ban kiểm tra Danh dự và Quyền lợi sẽ đồng ý với chúng ta. Nhưng bây giờ tôi có thể yêu cầu Mơ-ven Ma-xơ trở về chỗ của anh trong Hội đồng: chúng ta sắp có cuộc thảo luận quan trọng về công cuộc thám hiểm lên các vì sao. Chúng ta cần có những kiến thức của Mơ-ven Ma-xơ để giải quyết vấn một cách đúng đắn, nhất là vì ủy viên Hội đồng Éc-gơ No-rơ sẽ không thể tham gia vào cuộc thảo luận ngày hôm nay. Mơ-ven Ma-xơ tới dãy ghế bành của Hội đồng. Những đốm sáng màu lá mạ tỏ thiện ý nhấp nháy trên đường anh đi. Những bản đồ các hành tinh chuyển dịch không tiếng động, nhường chỗ cho những bảng màu đen ảm đạm, trên đó những đốm sáng nhiều màu của các ngôi sao được nối bằng một đường màu xanh mảnh như sợi chỉ, miêu tả những hành trình dự tính lâu đến một thế hệ. Chủ tịch Hội đồng đổi khác hẳn. Vẻ thản nhiên lạnh lùng đã biến mất, đôi má xám nhợt hồng lên, cặp mắt thép tối lại. Gơ-rôm Oóc-mơ lên diễn đàn. - Mỗi chuyến thám hiểm lên các vì sao là một mơ ước ấp ủ từ lâu, là một hy vọng mới được thai nghén nhiều năm, là một bậc thang mới trên con đường đi lên vĩ đại. Mặt khác, đây là lao động của hàng triệu người, lao động này không thể không được hoàn lại, không thể không đem lại hiệu quả khoa học hay kinh tế lớn lao, nếu không thì sự vận động tiến lên của chúng ta và công cuộc chinh phục thiên nhiên sẽ dừng lại. Bởi vậy chúng ta mới thảo luận, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng đến như thế mỗi khi cho một con tàu mới bay lên không gian xa vời giữa các vì sao. Nhiệm vụ của chúng ta buộc chúng ta phải nhường đoàn thám hiểm số ba mươi bảy cho Vành-khuyên vĩ đại. Chúng ta đã thảo luận càng cẩn thận hơn về đoàn thám hiểm số ba mươi tám. Nhưng trong năm trước đã xảy ra mấy biến cố làm thay đổi tình thế và khiến chúng ta phải xét lại con đường và nhiệm vụ của đoàn thám hiểm mà các Hội đồng trước và cuộc thảo luận toàn hành tinh đã phê chuẩn. Việc phát minh ra những cách xử lý hợp kim dưới áp suất cao, ở nhiệt độ - không tuyệt đối đã làm tăng độ vững chắc của thân các con tàu vũ trụ. Việc chế tạo các động cơ a-na-mê-dôn nay đã đỡ tốn kém hơn, và ta đã cải tiến loại động cơ đó, khiến cho một con tàu vũ trụ đơn độc có thể bay rất xa. Các con tàu vũ trụ "A-en-la" và "Tin-ta-gien" định dùng trong chuyên thám số ba mươi tám đã lỗi thời so với con tàu "Thiên-nga" vừa đóng xong: đấy là con tàu thân tròn kiểu thẳng đứng với bốn sống ổn định. Hiện nay chúng ta có khả năng tiến hành những chuyến bay xa hơn. Éc-gơ No-rơ trở về trên "Tan-tơ-ra" sau chuyến thám hiểm số ba mươi bảy đã cho biết về việc khám phá ra ngôi sao đen lớp T. Trên một hành tinh của nó, họ phát hiện một con tàu vũ trụ có cấu tạo chưa từng biết. Việc thử tìm cách lọt vào trong con tàu đã làm chọ họ suýt mất mạng, nhưng họ đã mang về được một mẩu kim loại thân tàu. Đây là một một chất chúng ta chưa biết, tuy nó gần với đồng vị số mười bốn của bạc, chất đồng vị đã phát hiện thấy trên các hành tinh của ngôi sao cực nóng lớp 08, ngôi sao đã được biết từ rất lâu dưới cái tên Hải thạch Dê-ta. Hình dạng con tàu - một cái đĩa hai mặt lồi, bề mặt hình xoáy ốc đơn sơ - đã là đề tài thảo luận trong Viện hàn lâm giới hạn của kiến thức. I-u-nhi An-tơ đã xem lại tất cả những bản ghi nhớ thông tin của Vành-khuyên trong suốt bốn trăm năm kể từ khi chúng ta gia nhập Vành-khuyên. Với phương hướng khoa học và trình độ kiến thức của chúng ta thì không thể thực hiện được kiểu cấu tạo đó của con tàu vũ trụ. Những thế giới của Thiên-hà mà chúng ta có trao đổi tin với họ cũng không biết kiểu cấu tạo ấy. Con tàu vũ trụ hình đĩa có kích thước khổng lồ như thế chắc chắn là vị khách từ những hành tinh xa không thể tượng được đã đến thăm nơi đó, thậm chí có lẽ là từ những thế giới ngoài Thiên-hà. Con tàu có thể đã lang thang hàng triệu năm và hạ xuống hành tinh của ngôi sao sắt trong khu vực hoang vắng của chúng ta ở rìa Thiên-hà. Không cần giải thích tầm quan trọng của việc phái một đoàn thám hiểm đặc biệt lên sao T để nghiên cứu con tàu đó. Gơ-rôm Oóc-mơ bật màn ảnh hình bán cầu, và căn phòng biến mất. Những kết quả ghi chép của các máy nhớ chậm chạp lướt qua trước mắt người xem. - Đây là thông tin mới nhận được từ hành tinh SR 519. Để cho gọn, tôi bỏ quan những tọa độ chi tiết. Đó là báo cáo của đoàn thám hiểm trong hệ thống sao A-chê-na. Sự phân bố các ngôi sao có vẻ kỳ lạ, con mắt có kinh nghiệm nhất cũng không thể nhận ra đấy là những thiên thể đã được nghiên cứu từ lâu. Những vệt khí sáng mờ, những đám mây tối, và cuối cùng là những hành tinh đã nguội lạnh, phản chiếu ánh sáng của ngôi sao chói lọi lạ thường. A-chê-na có đường kính chỉ gấp ba lần rưỡi đường kính mặt trời, nó là ngôi sao màu thanh thiên thuộc lớp quang phổ B, rực rỡ không thể tả được, độ chiếu sáng bằng hai trăm tám mươi Mặt trời. Làm xong công việc ghi nhận, con tàu vũ trụ đi về hướng khác. Có lẽ là họ đã trải qua cuộc hành trình hàng chục năm. Trên màn ảnh hiện lên một thiên khác: một ngôi sao sáng rực màu lục, thuộc lớp S. Ngôi sao lớn lên, mỗi lúc một sáng rực khi con tàu của thế giới lạ đến gần nó. Mơ-ven Ma-xơ nghĩ rằng nếu được lọc qua khí quyển thì ánh sáng màu lá mạ tuyệt diệu của nó sẽ còn đẹp hơn nhiều. Dường như để trả lời ý nghĩ của anh, trên màn ảnh hiện lên bề mặt của hành tinh mới. Các bức ảnh chụp các quãng: màn ảnh không cho thấy là con tàu tới gần hành tinh. Trước mắt người xem đột nhiên mọc lên một xứ sở của những núi cao lấp lánh tất cả những sắc thái có thể có được của ánh sáng lục. Bóng tối màu lục thẫm của những khe núi sâu và của những sườn dốc đứng, bóng tối màu lục pha lẫn màu thanh thiên và màu tím của những khối đá và những thung lũng được chiếu sáng, tuyết màu ngọc thạch trên các đỉnh núi và các bình sơn nguyên, những khu vực màu lục vàng vì bị thiên thể nóng rực thiêu đốt. Những con sóng màu đá khổng tước đổ xuống phía dưới, chảy vào những hồ và biển không trông thấy, ẩn sau những dãy núi. Xa hơn nữa, một đồng bằng với những quả đồi tròn trải dài đến tận bờ một cái biển mà nhìn xa nom như tấm thép màu lục sáng lóe. Cây màu xanh lơ, cành lá dày rậm nom như những cụm khói, những bãi trống rừng với những dải và những vệt đỏ thẫm của những bụi cây và những thứ cỏ lạ đang nở hoa. Còn từ đáy bầu trời màu ngọc tía, những tia sáng lục pha sắc vàng óng ánh chảy thành dòng thác mãnh liệt. Người trái đất ngây ra vì mê thích. Mơ-ven Ma-xơ lục lọi trong trí nhớ vô tận của mình để xác định chính xác vị trí của thiên thể màu lục. "A-chê-na là sao E-ri-đan an-pha, ở vị trí cao trên bầu trời phương nam, bên cạnh sao Đỗ-quyên. Khoảng cách là hai mươi mốt pác-xếc. Con tàu không thể trở về vẫn với đoàn du hành ấy" - những ý nghĩ sắc bén thoáng nhanh trong óc. Màn ảnh tắt, và mọi người cảm thấy lạ lùng khi nhìn thấy căn phòng kín, thích hợp cho việc suy nghĩ và hội họp của người Trái đất. Tiếng nói của chủ tịch Hội đồng lại vang lên sang sảng: - Ngôi sao màu lục ấy có những vạch quang phổ cho thấy là nó có rất nhiều Zir-cô-ni, nó to hơn Mặt trời của chúng ta một chút - Gơ-rôm Oóc-mơ tính nhanh những tọa độ của thiên thể Zir-cô-ni. Ông nói tiếp: - Trong hệ thống của nó có hai hành tinh sinh đôi quay đối diện nhau, cách ngôi sao một khoảng tương ứng với năng lượng mà Trái đất nhận được ở Mặt trời. Độ dày của khí quyển, thành phần của nó, số lượng nước phù hợp với những điều kiện trên Trái đất. Đấy là những cứ liệu sơ bộ của chuyến thám hiểm hành tinh SR.159. Những tin tức đó cho thấy rằng trên những hành tinh sinh đôi không có sinh vật cao cấp. Sinh vật cao cấp biết suy nghĩ thường làm cho thiên nhiên thay đổi đến mức là dù chỉ quan sát hời hợt từ con tàu vũ trụ bay trên cao thì cũng vẫn nhận thấy được. Nên cho rằng loại sinh vật đó không thể phát triển ở đấy, hoặc chưa thể phát triển được. Đấy là một điều may mắn hiếm có lạ thường. Nếu ở đó có sinh vật cao cấp thì thế giới của ngôi sao màu lục sẽ là một thế giới đóng kín đối với chúng ta. Ngay từ năm bảy mươi hai của thời đại Vành-khuyên, tức là hơn ba thế kỷ trước, hành tinh chúng ta đã thảo luận vấn đề đưa người lên ở các hành tinh có sinh vật cao cấp biết suy nghĩ, tuy chưa đạt với trình độ văn minh của chúng ta. Khi đó, người ta đã đi đến kết luận là mọi sự xâm nhập lên những hành tinh như thế tất không tránh khỏi dẫn tới hành động bạo lực do không hiểu được nhau. Bây giờ chúng ta biết rằng những thế giới trong Thiên-hà của chúng ta nhiều vẻ biết bao. Những ngôi sao màu da trời, màu lục, màu vàng, màu trắng, màu đỏ, màu da cam, tất cả đều là những ngôi sao chứa hy-đrô và hê-li, nhưng do thành phần vỏ và nhân khác nhau, nên được gọi là sao các-bon, sao xy-a-nua, sao ti-tan, sao zir-cô-ni. Chúng có tính bức xạ khác nhau, có nhiệt độ cao và thấp, có thành phần khí quyển và nhân khác nhau. Những hành tinh rất khác nhau về thể tích, tỷ trọng, về thành phần và bề dày của lớp khí quyển và thủy quyển, về khoảng cách đến mặt trời của mình, về điều kiện quay. Nhưng chúng ta cũng biết điều này nữa; hành tinh chúng ta, do có nước bao phủ bảy mươi phần trăm bề mặt và lại ở gần Mặt trời, hấp thụ được dự trữ năng lượng mạnh mẽ từ Mặt trời phóng xuống, nên nó là cơ sở hiếm thấy cho một sự sống mãnh liệt giàu khối lượng sinh vật và có nhiều biến đổi liên tục muôn hình muôn vẻ. Vì thế, sự sống của chúng ta phát triển nhanh hơn so với sự sống trên các thế giới khác mà tình trạng thiếu, thiếu năng lượng Mặt trời hay diện tích đất nổi ít ỏi khiến cho sự sống bị kiềm chế. Sự sống ở Trái đất của ta cũng phát triển nhanh hơn so với sự sống trên nhiều hành tinh có nhiều nước quá. Trong những buổi thông tin của Vành-khuyên, chúng ta đã thấy sự tiến hóa của sự sống trên những hành tinh bị ngập nước: các sinh vật bám vào những thân cây nhô ra khỏi mặt nước vĩnh cửu để ngoi lên một cách tuyệt vọng. Trên hành tinh giàu nước của chúng ta, diện tích lục địa cũng tương đối nhỏ để có thể tập trung năng lượng Mặt trời nhờ những cây lương thực, cây lấy gỗ hoặc chỉ bằng những thiết bị nhiệt điện. Trong những thời kỳ rất cổ xưa của lịch sử Trái đất, sự sống trong các đầm lầy của những lục địa thấp ở nguyên đại Cổ-sinh phát triển chậm hơn so với sự sống trên các lục địa cao vào nguyên đại Tân-sinh, nơi diễn ra cuộc đấu tranh khổng phải chỉ để giành giật thực phầm mà còn để giành giật nước. Chúng ta biết rằng cần có một tỷ số tương quan có lợi nhất giữa nước và đất nổi thì sự sống mới phong phú và mạnh mẽ, và hành tinh chúng ta đã gần đạt tới cái hệ số có lợi nhất ấy. Những hành tinh như thế không có nhiều lắm trong vũ trụ, và mỗi hành tinh là một kho báu vô giá cho loài người chúng ta, là đất mới để đưa người lên ở và để tiến xa hơn nữa. Đã từ lâu, loài người không còn sợ tình trạng dân số tăng lên quá nhiều một cách tự phát, điều đã từng làm cho tổ tiên xa xôi của chúng ta hoảng sợ, nhưng chúng ta vẫn không ngừng cố gắng đi sâu vào vũ trụ để mở rộng hơn nữa khu vực có thể đưa người đến ở, vì đấy cũng là tiến bộ, một quy luật không tránh khỏi của sự phát triển. Chinh phục những hành tinh có điều kiện vật lý khác xa Trái đất là một việc khó khăn đến nỗi đã từ lâu, nó làm nẩy ra những dự án đưa loài người lên ở trong vũ trụ trên những công trình khổng lồ, được xây dựng nhằm mục đích đặc biệt, tương tự như những vệ tinh nhân tạo phóng to nhiều lần. Các bạn cũng biết rằng một công trình như vậy được xây dựng ngay trước thời đại Vành-khuyên. Tôi nói về "Na-đia" ở cách Trái đất mười tám triệu ki-lô-mét. Hiện giờ vẫn còn một số người không đông lắm sống ở đấy... Nhưng, những chỗ ở chật chội hết sức bó hẹp đối với đời sống con người là một thất bại hiển nhiên, đến nỗi ta phải ngạc nhiên về tổ tiên ta, mặc dù ý định xây dựng của họ thực là táo bạo. Những hành tinh sinh đôi của sao Zir-cô-ni màu lục rất giống Trái đất chúng ta. Đối với những người yếu ớt ở hành tinh SR 519 là hành tinh đã khám phá ra chúng thì chúng là nơi không thích hợp hay khó chinh phục, bởi vậy họ vội báo cho chúng ta những tin tức ấy, cũng như chúng ta vẫn báo cho họ biết những khám phá của chúng ta. Ngôi sao màu lục ở cách xa chúng ta đến nỗi không một con tàu vũ trụ nào của chúng ta bay tới được. Tới được các hành tinh của nó tức là chúng ta sẽ tiến xa vào vũ trụ.. Và chúng ta sẽ tiến tới không phải trên thế giới nhỏ bé của một công trình nhân tạo, mà trên cơ sở vững chắc của những hành tinh lớn, rộng rãi để tổ chức cuộc sống thuận tiện, để phát triển kỹ thuật hùng hậu. Đấy lá lý do tại sao tôi trình bày tỉ mỉ với các bạn về những hành tinh của ngôi sao màu lục: tôi cho rằng chúng là những đối tượng quan trọng lạ thường đối với công cuộc nghiên cứu. Bây giờ, con tàu kiểu "Thiên-nga" có thể vượt được khoảng cách bảy mươi năm ánh sáng và có lẽ nên phái đoàn thám hiểm vũ trụ số ba mươi tám lên A-chê-na! Gơ-rôm Oóc-mơ ngừng lời và trở về chỗ của mình sau khi quay cái cần nhỏ trên bàn điều khiển của diễn đàn. Thay vào chỗ đứng ban nãy của chủ tịch Hội đồng, một màn ảnh nhỏ nhỏ lên trước mắt người xem. Trên màn ảnh hiện lên dáng hình đồ sộ của Đa-rơ Vê-te mà nhiều người quen biết. Ảnh lấy từ ngang tầm ngực trở lên. Cựu chủ tịch các trạm liên lạc ngoài Trái đất mỉm cười khi thấy những lời chào mừng không tiếng của những đốm đèn màu lục. - Đa-rơ Vê-te hiện ở hoang mạc phóng xạ A-ri-dôn, nơi ta đang phóng những loạt tên lửa lên cao năm mươi bảy ngàn ki-lô-mét để xây dựng vệ tinh - Gơ-rôm Oóc-mơ giải thích - Nhân danh ủy viên Hội đồng, anh ấy muốn phát biểu ý kiến với các bạn. - Tôi đề nghị thực hiện một giải pháp đơn giản nhất - Một giọng nói vui vẻ vang lên, nghe có âm hưởng kim loại và được máy truyền thanh xách tay phát đi - Cử ba đoàn thám hiểm, chứ không phải một! Các ủy viên Hội đồng và người xem lặng đi vì bất ngờ. Đa-rơ Vê-te không phải là diễn giả tài giỏi, nên không lợi dụng quãng ngừng ấy, quãng ngừng có thể gây hiệu quả rất mạnh. - Kế hoạch ban đầu là cho cả hai con tàu vũ trụ của đoàn thám hiểm số ba mơi tám lên ngôi sao bộ ba EE7723. Lập tức Mơ-ven Ma-xơ hình dung ra ngôi sao bộ ba ấy, tên cũ của nó là E-ri-đan Ô-mi-cơ-rôn 2. Hệ thống này cách xa Mặt trời ngót năm pác-xếc, nó gồm một ngôi sao vàng, một ngôi sao màu thanh thiên và một ngôi sao đỏ và có hai hành tinh không có sự sống. Nhưng hai hành tinh ấy không phải đối tượng nghiên cứu khiến cho ta hứng thú. Ngôi sao màu thanh thiên trong hệ thống ấy là ngôi sao Trắt trắng. Nó có kích thước bằng một hành tinh lớn, khối lượng bằng nửa khối lượng Mặt trời, trọng lượng riêng trung bình của chất tạo nên nó gấp hai nghìn năm trăm lần trọng lượng riêng của kim loại nặng nhất trên trái đất là ô-xmi. Sức hút, trường điện từ, các quá trình tạo nên những nguyên tố hóa học nặng trên ngôi sao đó là những điều hết sức thú vị và quan trọng, cần được nghiên cứu trực tiếp, càng gần càng hay. Nhất là vì đoàn thám hiểm số 10 hồi xưa được phái lên sao Thiên-lang, trước khi hy sinh, đã kịp báo về cho ta biết mối nguy hiểm có thể gặp phải. Sao Thiên-lang đôi màu thanh thiên ở gần Mặt trời, nó cũng có ngôi sao Trắt trắng, nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của E-ri-đan B Ô-mi-cơ-rôn 2 và kích thước cũng nhỏ hơn, còn tỷ trọng thì gấp hai mươi nhăm ngàn lần tỷ trọng của nước. Không thể đến được ngôi sao ấy, vì xung quanh nó có những vành đai thiên thạch rất lớn giao nhau chằng chịt và khuếch tán hỗn độn đến nỗi không thể xác định chính xác được hướng dịch chuyển những mảnh vỡ nguy hại. Hồi ấy, ba trăm năm trước, người ta đã định phái một đoàn thám hiểm lên E-ri-đan Ô-mi-cơ-rôn 2. -... Bây giờ, sau thí nghiệm của Mơ-ven Ma-xơ và Ren Bô-dơ, Đa-rơ Vê-te nói - việc đó quan trọng đến mức không thể từ bỏ nó được. Nhưng việc nghiên cứu con tàu vũ trụ lạ từ thế giới xa xăm đến, con tàu mà đoàn thám hiểm số ba mươi bảy tìm thấy, có thể cung cấp cho ta những hiểu biết còn vượt xa cả những khám phá của công cuộc nghiên cứu nói trên. Có thể bỏ qua những qui tắc an toàn trước kia và liều cho hai con tàu vũ trụ đi riêng, "A-en-la" lên E-ri-đan Ô-mi-cơ-rôn, còn "Ti-ta-gien" lên sao T. Cả hai đều là tàu vũ trụ hạng nhất, cũng như "Tan-tơ-ra" mà "Tan-tơ-ra" đã đơn độc khắc phục được những khó khăn ghê gớm. - Lãng mạn! - Pua Hít-xơ nói to, giọng khinh thị, nhưng lập tức thu mình lại khi thấy mọi người tỏ vẻ không tán thành. - Đúng, chính là lãng mạn! - Đa-rơ Vê-te reo lên với vẻ vui sướng - Tính lãng mạn là xa xỉ phẩm của thiên nhiên, nhưng lại cần thiết trong một xã hội có tổ chức tốt! Vì thừa sức lực thể chất và tinh thần, nên sự thèm khát cái mới, thèm khát những thay đổi thường xuyên phát triển mau lẹ hơn trong mỗi người chúng ta. Do đó nảy ra một thái độ đặc biệt đối với các hiện tượng của cuộc sống: cố làm thế nào nhìn thấy được nhiều hơn mức diễn tiến đều đều của cuộc sống hàng ngày, mong mỏi ở cuộc sống một mức độ cao nhất của những ấn tượng và những thử thách. - Tôi thấy trong phòng này có Ép-đa Nan, Đa-rơ Vê-te nói tiếp - Chị ấy sẽ xác nhận với chúng ta rằng tính lãng mạn không phải chỉ là yếu tố tâm lý, mà còn là yếu tố sinh lý. Tôi xin nói tiếp. Cần phái tàu vũ trụ kiểu mới "Thiên-nga" lên A-chê-na, đi về phía ngôi sao màu lục, bởi vì một trăm bảy mươi năm sau chúng ta mới biết kết quả. Gơ-rôm Oóc-mơ nói hoàn toàn đúng: việc nghiên cứu những hành tinh giống Trái đất và thiết lập cơ sở để đi vào vũ trụ là nhiệm vụ của chúng ta đối với hậu thế. - Dự trữ a-na-mê-đôn có sẵn chỉ đủ dùng cho hai con tàu - Thư ký Hội đồng Mia Ôm phản đối - Cần phải mười năm mới chuẩn bị thêm được con tàu nữa cho một chuyến bay mà không làm đảo lộn nền kinh tế. Tôi xin nhắc rằng hiện giờ việc phục hồi vệ tinh cũng sẽ lấy mất nhiều lực lượng sản xuất. - Tôi đã thấy trước điều đó - Đa-rơ Vê-te trả lời - và tôi đề nghị kêu gọi nhân dân hành tinh, nếu Hội đồng kinh tế thấy có thể được. Trong thời gian một năm, mỗi người hãy hoãn những chuyến du lịch, hãy tạm không dùng những máy truyền hình cá bể cá của chúng ta dưới đáy đại dương, hãy ngừng chuyên chở ngọc quí và thực vật hiếm từ sao Kim và sao Hỏa về, hãy tạm ngừng hoạt động của các nhà máy làm quần áo và làm đồ trang sức. Hội đồng kinh tế biết rõ hơn tôi về việc nên tạm ngừng cái gì để đưa số năng lượng tiết kiệm được vào việc sản xuất a-na-mê-đôn. Có người nào trong chúng ta lại từ chối việc giảm bớt tiêu dùng chỉ trong một năm để đem lại cho con cháu chúng ta một món quà vĩ đại: hai hành tinh mới tầm trong những tia sáng đầy sức sống của vầng mặt trời màu lục mà con mắt người Trái đất chúng ta rất ưa thích! Đa-vơ Vê-te dang hai tay ra phía trước, nói với toàn Trái đất, vì anh biết rằng hàng tỷ cặp mắt đang nhìn anh trên các màn ảnh vô tuyến truyền hình. Anh gật đầu và biến mất, để lại một vệt nhấp nháy màu lơ nhạt. Ở đấy, trong hoang mạc A-ri-dôn, tiếng ầm ầm vang động làm rung chuyển đất theo chu kỳ tuần hoàn. Điều đó nói lên rằng một tên lửa có tải trọng lại bay vọt ra ngoài giới hạn của bầu trời xanh. Tất cả những người có mặt trong phòng Hội đồng đều đứng lên, giơ cao tay trái để công khai bày tỏ sự nhất trí hoàn toàn với người vừa phát biểu. Chủ tịch Hội đồng nói với Ép-đa Nan: - Hỡi vị khách từ Viện Hàn lâm về Nỗi đau xót và Niềm vui sướng đã đến đây với chúng tôi, chị có phát biểu gì về mặt hạnh phúc của con người hay không? Ép-đa lại lên diễn đàn lần nữa - Tâm lý con người có đặc điểm là nó không thích hợp với sự hưng phấn lâu dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Như thế để bảo vệ cho hệ thần kinh khỏi suy kiệt mau chóng. Tổ tiên xa xôi của chúng ta suýt giết chết loài người, vì họ không đếm xỉa đến một sự thật là xét về cơ sở sinh lý, con người cần được nghỉ ngơi thường xuyên. Nhưng chúng ta sợ sa vào tình trạng đó, nên lại quá giữ gìn tâm lý, mà không hiểu rằng lao động là phương tiện cơ bản để nghỉ ngơi, tránh các ấn tượng. Không những cần thay đổi loại hoạt động, mà còn cần bố trí xen kẽ lao động và nghỉ ngơi một cách đều đặn. Lao động càng nặng nhọc thì nghỉ ngơi càng dài. Như vậy, công việc càng khó khăn, con người càng vui sướng, càng hết lòng hết sức, càng bị lôi cuốn hoàn toàn. Có thể nói hạnh phúc là sự thay đổi thường xuyên lao động và nghỉ ngơi, khó khăn và lạc thú. Tuổi thọ của con người đã làm cho thế giới của con người trở lên rộng lớn hơn, và con người khao khát đi vào vũ trụ. Đấu tranh cho cái mới, đấy là hạnh phúc chân chính! Do đó, đưa một con tàu vũ trụ lên A-chê-na sẽ đem lại cho loài người nhiều niềm vui sướng trực tiếp hơn các chuyến thám hiểm khác, bởi vì những hành tinh của mặt trời màu lục sẽ tặng cho tình cảm của chúng ta một thế giới mới, còn việc nghiên cứu những hiện tượng vật lý của vũ trụ thì hiện thời chỉ mới được lĩnh hội bằng lý trí, mặc dù những hiện tượng đó có tầm quan trọng rất lớn. Viện hàn lâm vễ Nỗi đau xót và Niềm vui sướng luôn luôn đấu tranh để làm cho con người ngày càng có nhiều hạnh phúc hơn, vì vậy chắc là viện sẽ coi việc thám hiểm lên A-chê-na là có lợi nhất, nhưng nếu có thể thực hiện được cả ba chuyến thám hiểm thì còn gì hay hơn nữa! Cử tọa xúc động, bật lên vô vàn đốm đèn màu lục để khen ngợi Ép-đa Nan. Gơ-rôm Oóc-mơ đứng lên. - Vấn đề đã sáng tỏ và quyết định của Hội đồng đã rõ ràng. Vì thế, chắc chắc tôi là người phát biểu cuối cùng. Chúng ta sẽ yêu cầu loài người giảm bớt nhu cầu của mình trong năm bốn trăm linh chín của kỷ nguyên Vành-khuyên. Đa-rơ Vê-te không nói về việc các nhà sử học tìm thấy con ngựa bằng vàng của kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ. Có thể dùng mấy trăm tấn vàng nguyên chất ấy vào việc sản xuất a-na-mê-dôn và chế tạo nhanh chóng dự trữ cho chuyến bay. Lần đầu tiên trong suốt lịch sử Trái đất, ba đoàn thám hiểm đồng thời đi lên ba hệ thống sao và lần đầu tiên thử đến những thế giới ở cách ta bảy mươi năm ánh sáng. Chủ tịch bế mạc hội nghị, chỉ mời các ủy viên Hội đồng ở lại. Cần khẩn cấp soạn thảo những yêu cầu gửi về Hội đồng kinh tế và Viện hàn lâm đoán trước tương lai để làm sáng tỏ những việc ngẫu nhiên có thể xảy đến trên con đường xa xăm lên A-chê-na. Tsa-ra mệt mỏi, chị uể oải đi theo sau Ép-đa Nan và lấy làm ngạc nhiên rằng đôi má tái nhợt của người thầy thuốc tinh thần vẫn tươi tắn như mọi khi. Cô gái muốn mau chóng lánh riêng ra một mình để kín đáo hưởng niềm vui thích vì Mơ-ven Ma-xơ được minh oan. Hôm nay là một ngày tuyệt diệu. Sự thực thì Mơ-ven Ma-xơ không được đề cao như một vị anh hùng, điều mà Tsa-ra vẫn hy vọng trong những mơ ước thầm kín nhất! Anh không được đảm nhiệm công việc lớn lao và quan trọng trong thời gian dài, nếu phải là vĩnh viễn... Nhưng có phải là anh bị gạt ra ngoài xã hội đâu! Chẳng phải là một con đường rộng rãi và khó khăn trong công cuộc nghiên cứu, trong lao động và tình yêu đã mở ra cho tất cả mọi người đó sao! Ép-đa Nan kéo Tsa-ra vào nhà ăn gần nhất. Tsa-ra cứ nhìn mãi cái bảng kê các món ăn, đến mỗi Ép-đa đành phải chọn lấy. Chị nói vào loa thu của máy tự động, đọc số hiệu các món ăn và số bàn. Họ vừa ngồi vào cái bàn hình bầu dục hai chỗ thì các cửa nắp ở giữa bàn mở ra và một cái hòm nhỏ nhô lên, trong có những món ăn đã gọi. Ép-đa Nan đưa cho Tsa-ra cốc nước "li-ô" màu trắng sữa óng ánh - thứ nước có tác dụng làm cho người ta phấn chấn lên -, còn chị thì khoan khoái uống một cốc nước mát lạnh, và chỉ ăn món bánh nước làm bằng hạt dẻ, hồ đào và chuối đánh lẫn với cơ-rem tươi. Tsa-ra ăn món thịt ráp-tơ nghiền (ráp-tơ là giống chim thay thế cho gà và các con thịt, nó là loại gia cầm thường dùng trong thời này), và chị được buông tha. Ép-đa Nan nhìn theo Tsa-ra. Với vẻ duyên dáng tuyệt trần, hiếm có ngay cả trong thời đại Vành-khuyên, cô gái chạy xuống thang giữa những bức tường bằng kim loại đen và những đế đèn uốn cong một cách kỳ quặc.