au khi anh Tài đổi đi Tuyên Quang, vào khoảng đầu năm 1928, Nam Đồng thư xã đã tự đóng cửa vì không còn xuất bản được cuốn sách nào nữa. Ông chánh mật thám Hà Nội đã bảo tôi: - Anh đừng ra sách nữa. Ra cuốn nào, chúng tôi sẽ tịch thu cuốn ấy. Anh không những mất công viết, còn mất cả tiền in! Vậy Thư xã chỉ còn là chỗ ở của anh Học, để anh em các nơi về tạm trú hay họp hội đồng! Ban binh vụ khi ấy chưa đặt. Tuy vậy, anh Học đã bắt đầu chú ý đến anh em vũ trang, nhất là các hạ sĩ quan trẻ tuổi. Các chi bộ nhà binh ở Hà Nội, ở Chùa Thông. Ở Sơn tây, ở Hải Phòng, ở Yên Viên và ở các nơi khác, kế tiếp nhau thành lập. Và nhờ có các đồng chí ở trong quân đội, anh dã lấy được những địa đồ quân sự, những phương lược động binh và cấp báo của các bộ tham mưu. Còn các chi bộ khác thì cơ hồ khắp các tỉnh Bắc kỳ, cho đến những nơi xa lánh như Lạng Sơn, Đồng Mỏ, Lào Cai, đâu đâu cũng có anh em đồng chí cả. Ở Trung kỳ, từ Vinh trở vào, không hề có Quốc Dân Đảng, trừ ra có cụ Phan Bội Châu vui lòng nhận chức danh dự chủ tịch. Ngoài ra, người ta vào cả Tân Việt hoặc Thanh Niên. Việc hợp nhất với hai đảng ấy giao thiệp mãi không thành. Không phải vì chủ trương bay quy tắc khác nhau. Mà chỉ bởi: Tân Việt thì cho chúng tôi làm việc trống trải quá! Thanh Niên thì khăng khăng đòi đặt Tổng bộ ở ngoài nước. Ở Nam kỳ, sau khi anh Sơn, anh Mịch vào tuyên truyền (Hè 1928) Quốc Dân Đảng cũng thành lập được một tỉnh bộ và mấy chi bộ. Đảng viên ở đấy tuy ít nhưng bền vững. Bởi thế anh em, còn kế tục phấn đấu cho mãi đến ngày nay. Nhân nói đến ban binh vụ, tôi tưởng nên nhắc đến việc binh khí ở đây. Anh Học đi đâu thường mang súng ngắn trong người. Một hôm vào chỗ tôi trọ, tôi thấy anh bỏ cái cặp nặng quá, mở ra coi thì là ba khẩu súng tay! Anh vẫn xách cái cặp ấy đi ngang nhiên ở giữa phố ban ngày! Mà không phải một lần như thế.