Chương 13

     rên bài báo TT, xem trang mục Công Đoàn. Báo chí đang giới thiệu các gương mặt tiêu biểu được giới thiệu và sắp tới đây Công Đoàn cấp thành phố trao tặng các danh hiệu “Anh hùng lao động” cho những người được giới thiệu đó. Ông Trần chí Lý (chính là cha vợ của Phan Tài) được miêu tả là một người có nhiều sáng kiến, đem nhiều lợi ích cho Công ty Truyền tải Điện. Ngay cả Công Đoàn Công ty Truyền tải Điện cũng ngạc nhiên, họ đang gấp gút tiến hành bình bầu để đề cử lên cấp Công Đoàn thành phố xem xét, thì đã thấy có bài báo khen ngợi vị trưởng phòng kỹ thuật, làm họ để ý và thấy ông cũng xứng đáng. Tất cả đều ngầm khen ngợi nhà báo M.Nhơn nào đó đã thám thính, nắm bắt được thông tin cụ thể về ông một cách chính xác. Nhất là miêu tả về sáng kiến bảo vệ nội bộ máy biến thế bằng rờ-le 50REF một cách sinh động.
Mỹ Nhơn không chối không rằng. Ai hỏi có khi nàng còn tỏ ra hãnh diện và gật đầu, thái độ của nàng nữa như khiêm tốn nữa như hân hoan. Mọi người vây lấy khen ngợi, sao mà nàng biết được mọi chuyện và gởi bài viết cũng là can đảm lắm.
- Có gì - nàng thỏ thẻ - viết được thì gởi được.
Chuông điện thọai reo vang, nàng nhận ra giọng quen thuộc của hai nhà báo mà nàng gặp lúc trước ở quán T & T.
- Chúc mừng chị đã có bài viết thật xuất sắc. Chị đang ở đâu vậy?
- Ở cơ quan...
- Chị tiến bộ hơn tôi hồi đó nhiều, bây giờ tôi vẫn ở chung nhóm với anh Công, chứ chưa dám viết độc lập như chị.
- Ờ...
- Nhưng chị cũng xấu ghê, tôi có ý cho chị vào nhóm của tụi này. Nhưng chị lại bức phá một mình đó nha. Nhưng dù sao, cũng công nhận chị nói là làm, cảm phục thật.
Nhà báo Thành còn khen Mỹ Nhơn không qua trường lớp, chưa có thẻ nhà báo (chưa là biên tập viên chính thức), cho dù được ai đó giới thiệu cũng là một thành công của bước đầu khá lớn. Mỹ Nhơn đón nhận những lời khen ngợi đó hết sức cẩn trọng, rồi nàng gát điện thọai xuống thỏ thẻ:
- Ai vậy nhỉ? Ai có cái tên giống như của mình...Thôi ai gán ghép, chứ có phải mình tự nhận.
Mấy ngày sao thắc mắc đó nguôi ngoai, báo chí giới thiệu thêm vài gương mặt  của các doanh nghiệp khác.
Mỹ Nhơn tự dưng nổi tiếng, đi đứng xem ra có vẻ được chú ý đến nhiều.
Nhưng đến ngày thứ năm, một bài viết có tên tác giả là Nhơn-Mỹ. Bài viết hoàn toàn ngược lại.
Bài báo miêu tả, vị Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty Truyền tải không xứng đáng. Ông Trần chí Lý không có công trình sáng tạo nào cả, việc đưa rờ-le 50REF vào bảo vệ nội bộ máy biến thế là của người khác. Ông là người cướp công, vả lại rờ-le 50REF không họat động hiệu quả, dễ gây bật máy biến thế lúc đóng điện và Công ty Truyền tải đã lọai trừ ra khỏi vận hành, gây lãng phí lớn cho nhà nước. Sở dĩ, ông Trần chí Lý đưa nó vào vận hành là để có công trình, có công trình nghĩa là có ăn yêu cầu điều tra lại việc này. Đã thế, bài báo còn đưa ra thắc mắc về máy biến thế 9T được vận hành tại trạm Phú Tân, không đồng bộ với lưới điện hiện đã có, nên không vận hành song song được với các máy biến thế khác và gây khó khăn cho Điều độ miền ra phương thức thao tác trên lưới điện. Mà phòng kỹ thuật Công ty Truyền tải Điện chấp nhận một cách quá dễ dàng, tác giả đặt câu hỏi vì sao?
Tóm lại, những điều nêu ra không có lợi hoàn toàn cho ông Trần Chí Lý, một người sắp được bình bầu là “Anh Hùng lao động”.
Những điều viết trên báo, giống y như những gì Phan Tài từng nói. Hôm cùng uống cà-phê trước cổng trường, Mỹ Nhơn nhớ lại anh không thiết tha gì đề tài chống tham nhũng, anh còn không đồng tình với nàng về việc viết báo.
Nàng gặp nhiều thắc mắc, muốn gọi điện thọai cho anh nhưng nghĩ như vậy là ngớ ngẩn. Mọi người vẫn cứ cho là hai bài báo đó đều do một người viết, và chính là nàng. Bài báo thứ nhất không có gì phiền hà, nàng gặp rắc rối chính là bài báo thứ hai:
- Đồ tồi...
- Ai đó chửi khéo khi nàng đi qua mấy phòng khác.
- Nhận vào đây làm việc là mừng rồi! Cho dù có là tham nhũng cũng không được vạch lưng sếp mình cho người ta xem dấu chứ!
Đại khái những câu chửi khéo, nhưng không ra mặt. Nàng muốn biện minh, nhưng trước đây gần như mình nhận viết rồi còn gì, giờ thì chối coi sao được. Nàng tiến thoái lưỡng nan, giải thích với mấy người cùng phòng.
- Thì có sao nói vậy người ơi...ai biểu làm trái với lương tâm của mình làm gì...
Không ai thèm nghe, nàng nói vu vơ một lúc, rồi tự an ủi: “Thôi bất quá về quê cắm câu!”.
Đúng là về quê cắm câu thật. Ông Trần Chí Lý được ai đó thọc mạch là nàng viết báo, nên ông gọi điện thọai tìm gặp nàng.
- Bài báo đầu tiên tôi không hay biết nhưng cũng khá hay! Tôi không phản đối gì....Nhưng còn bài báo sau, cô thấy tôi không gởi cho quà cáp hay sao mà đi viết bậy. Thứ nhất tôi hỏi cô có biết bằng chứng cụ thể nào không; thứ hai tôi sẽ kiện cô về tội vu khống.
- Chú ơi! Thật sự việc chú làm ai cũng biết hết. Chú minh oan thêm lộ liễu mà thôi. Trước con làm ở trạm Phú Tân chứ ở đâu, con có biết cái rờ-le đó. Nó vẫn còn nằm chình ình ở tại trạm...
- Tôi nói thật! Tôi với cô có thù hằn nhau không? Nếu như cô không đồng tình thì thôi, tại sao cô lại viết bài báo đầu tiên, rồi bài sau cô lại bát bỏ...
- Có thế… người đọc chú ý chứ...
- Nhưng tôi hỏi thế này? Cô là một cô gái mềm mỏng, ai xúi cô và cung cấp tài liệu để cô viết được bài viết như thế vậy?
Áp lực hơi căng, Mỹ Nhơn đôi khi muốn thú nhận không phải bài viết của mình. Nhưng nàng nghĩ càng không phải bài viết của mình, thì mình càng nhận. (Vì trước sau, tác giả cũng ra ánh sáng mà thôi). Nàng cho là mình sau này sẽ viết báo, nên sẵn dịp này tập chịu đựng cho quen. Chuyện gì tới đâu hay tới đó.
Mấy ngày sau, từ đội 1 cho tới đội 4, lên tới Công ty Truyền tải Điện ai cũng xôn xao bàn tán. Mọi người nói nàng sẽ bị trả đũa, nhưng cũng có người nói Công đoàn Công ty sẽ trọng dụng nàng hơn. Tình hình bây giờ, ai có tâm chống tham nhũng ắt có giá. Nguyên Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị kêu gọi phải kiên quyết và đấu tranh chống lãng phí tham nhũng kia mà.
- Con nhỏ đó lúc đầu chỉ lau dọn phòng ốc thôi! Sau này được đề bạt làm ở phòng tài chính kế toán đội 2, rồi làm tổ trưởng...nó chẳng có bằng cấp nào như mình...
Những người lớn tuổi ganh tỵ, nên cố ý không nhìn thấy sự phấn đấu cật lực của Mỹ Nhơn. Việc nàng đi học vào ban đêm phải mất vài năm nữa mới có bằng, nhưng công ty nhiều người vẫn đang học và được cất nhắc lên như vậy. Mỹ Nhơn về công ty, nghe được những lời xì xào đó nàng thấy ngột ngạt vô cùng. Ngồi ở căn tin, không ai chịu ngồi lại lâu để hỏi thăm nàng mấy câu, tới liên hệ giấy tờ ở các phòng ban nào, người này đẩy cho người khác trao đổi với nàng.
Giám đốc bận họp ngoài Hà Nội, khi về không biết ông nghĩ sao nhỉ? Nàng thấy tình cảnh ngộp ngạt này cũng có khi thấy thích, nổi oan thị kính khi mọi người đều biết sẽ càng thương hơn. Hai bài báo chắc của Phan Tài, Mỹ Nhơn thấy có dịp lên công ty sẵn ghé phòng kỹ thuật để gặp anh, nhưng thấy cô vợ đi ngang lượm huýt nàng, nên nàng bỏ ý định gặp Phan Tài.
- Lần này mình cần anh cho bài viết hơn bao giờ hết. Anh đừng nhận là bài viết của mình nghe anh... - Nàng thỏ thẻ, tập giọng yểu điệu để khi gặp Phan Tài sẽ thốt lên...chắc anh không cho mình nữa đâu, cốt khỉ hoàn cốt khỉ quá. 
Nỗi lo lắng của những người ham muốn danh tiếng, sự việc sau này có đỗ bể cũng không sao. Mỹ Nhơn nghĩ thà được người khác quan tâm hơn là không có gì.
Điện thoại cầm tay của nàng reo vang (nàng cũng sắm cho mình được một điện thoại di động, nghe vẫn còn run tay). Người điện thoại là hai nhà báo.
- Alô…Ai kêu tôi đó…hả…không nghe…
Gần đây nàng bị tật lãng tai, mà người lãng tai thường hay la lớn.
- Gì…À, anh Công đó hả? Hai người đang ở đâu vậy! Hẹn gặp để bàn bạn một số việc à…Hả, ở đâu…quán cũ hả. Ờ tôi về công ty, về lại quán cũ hơi xa, chi bằng tôi đến chỗ anh gần hơn đó…ờ vậy đi nha.
Những người trong phòng mở cửa nhìn xem ai, họ tưởng là có chuyện cải cọ nào. Mỹ Nhơn gấp điện thoại lại, thấy ai cũng chăm chú nhìn mình quá, nàng cúi chào tỏ ý xin lỗi. Không hiểu sao, cứ điện thoại di động nàng quát tháo ầm ĩ mới nói chuyện được.
Nàng đến chỗ hẹn là trước cửa toà soạn báo, hai nhà báo đứng đợi nàng ở đó. Họ tìm đến một quán cà phê Trung Nguyên mát mẻ, hai nhà báo nói chuyện nhẹ nhàng:
- Chúng tôi biết được thông tin: Bên phía công ty Điện Lực tiến hành cổ phần hoá hai trạm cấp điện áp 110 kí-lô-vôn. Chúng tôi đến đó không phải tìm hiểu thông tin không thôi, mà còn muốn trở thành cổ đông. Nhưng bọn này nghĩ phải có chị tham gia nữa.
- Nhưng tôi đâu có tiền để mua cổ phiếu! Vả lại cũng chưa rành mấy việc cổ phần này lắm…
- Cũng dễ thôi. Người Việt Nam mình có cái lạ, thích nghi nhanh…rồi tôi biết chị sẽ hiểu. Còn về tiền, ông chú tôi hứa là cho chị mượn không lấy lời. Ông rất tin tôi, chủ yếu muốn cho chị mượn là để chị có một chân trong Hội đồng Quản trị sắp tới.
Đột ngột quá Mỹ Nhơn chỉ nhoẻn cười. Nhà báo nữ nói chen vào:
- Tụi này cảm phục hai bài báo của chị lắm, chị mới tham gia viết báo, ấy vậy mà đã gây chú ý cho làng báo.
- Tôi biết quan điểm của chị từng nói: các công ty nhà nước nên cổ phần hoá, nhưng công ty chị không cổ phần hoá, sao chị không tham gia vào việc này.
- Sao hai người muốn tôi mua cổ phần?
- Thực sự, chính vì những cổ đông. Phần lớn họ có tiền mà không biết nhiều về điện. Nhà nước vẫn luôn giữ lại 51% cổ phiếu, tôi muốn tìm “người của mình” để đưa vào, và hứa với mọi người sẽ cho họ yên tâm. Vì suy đi nghĩ lại, chị cũng khá rành nhiều về điện, lại còn học ngành kế toán ắt thuận lợi với công việc này. Chị còn là người của doanh nghiệp nhà nước… tụi này còn muốn chị phải làm sao có chân trong Ban hội đồng quản trị nên mới mong mỏi chị tham gia.
- Lạ nhỉ! - Mỹ Nhơn đắn đo - Cho dù đó là công ty Điện Lực cũng trực thuộc Tổng công ty Điện Lực, họ cổ phần hoá sao chỗ tôi không cổ phần nhỉ? Mấy việc cổ phần này xem ra rắc rối quá…
Mọi người cùng cười, dù sao thì giá tại các sàn chứng khoán tăng vùn vụt. Mua cổ phần cổ phiếu gì đó, chắc thắng đậm.