Quyển Hạ
Chương VIII
Tấn trò phản bội

    
hu Nghị ném tờ báo xuống bàn, cất tiếng chào Lê Tùng:
- Đêm qua, anh ngủ ngon chứ ?
Lê Tùng ngồi xuống ghế :
- Dễ chịu lắm.
- Anh bằng lòng Cẩm Phượng không ? Nếu không, tôi sẽ đổi người khác.
- Cám ơn anh. Nàng được rồi.
Chu Nghị cười hô hố :
- Tôi nghe nói đêm qua anh thức đến gần 4 giờ. Anh ở đây một tuần thì có lẽ gày đét như con mắm. Để tôi dặn cô Phượng mua sâm cho anh anh. Sâm Cao ly tốt lắm, tha hồ thức đêm.
Ngừng một phút, hắn tiếp :
- Nào, chúng ta bắt tay vào việc. Trung ương vừa ra chỉ thị cho tôi chấp thuận các đề nghị của anh về tiền bạc và thời gian lưu trú. Anh sẽ lưu lại đây một tuần, sau đó, anh muốn đi đâu tùy ý. Mua thông hành giả rất dễ, chỉ cần 100 Mỹ kim là có thứ thông hành hảo hạng. Một vài lãnh sự ở đây sẵn sàng cung cấp thông hành thật trăm phần trăm với giá tiền từ 150 đến 200 Mỹ kim.
- Điều này tôi đã biết. Tôi chỉ quan tâm đến thể thức trả tiền.
- Vào giờ này số tiền tương đương với 7 triệu rưỡi Việt Nam đã được gửi vào ngân hàng. Tổng hạt ở Thụy Sĩ, theo điều kiện anh đưa ra. 1 triệu có thể rút ra trước, còn 6 triệu rưỡi, 8 ngày sau. Anh còn điểm nào phản đối nữa không ?
- Không.
- Như vậy, ta ngồi vào bàn giấy được rồi. Nhưng trước hết, tồi cần ra một vài chỉ thị cho Cẩm Phượng.
Chu NGị vỗ tay ba cái. Cô gái khiêu gợi hiện ra như hồ ly tinh. Hắn ra lệnh:
- Phiền cô cho một phích cà phê đen. Cô bỏ điện thoại xuống bàn để để không ai kêu được nữa. Cô lại dặn mấy đứa dưiớ nhà khóa cổng, không tiếp ai hết và tăng gia canh phòng trong vườn.
Rồi quay về phía Lê Tùng:
- Trước hết, yêu cầu anh thuật lại tiểu sử. Nguyên tắc làm việc của chúng ta như sau: mới đầu, anh đưa ra những nét sơ lược, tôi sẽ nghiên cứu và đặt ra các câu hỏi chi tiết.
- Vâng, tôi xin bắt đầu. Tôi sinh ngày 8 -8- 1939 tại huyện Thanh chương, tỉnh Nghệ an. Tôi đậu bằng tiểu học ở trường huyện rồi xuống thị xã Vinh, theo chương trình Trung học. Năm 14 tuổi, tôi gia nhập lực lượng xung kích của Quốc dân Đảng Nghệ an, rồi làm nhân viên giao lien cho đến ngày hiệp định Giơ –neo được ký kết.
Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1951. Cha tôi là công chức, mẹ tôi là con của một điền chủ có nhiều ruộng đất ở vùng Nam dân, Thanh chương. Ông tôi bị đấu tố mà chết. Cha mẹ tôi trốn kịp nên không bị bắt. vào Sài Gòn, tôi đậu tú tài toàn phần năm 1957, và vào Văn khoa đại học. Học đến năm thứ hai, tôi bỏ trường, gia nhập tổ chức của ông Hoàng.
- Gia nhập năm nào?
- Năm 1959.
- Anh được huấn luyện chuyên môn ở đâu?
- Về kỷ thuật căn bản, tôi được huấn luyện ngay tại Sài gòn. Nhân viên văn phòng được huấn luyện tại trường cảnh sát, trong những lớp riêng. Nhân viên hành động được huấn luyện một cách bí mật. Có hai trình độ A, cho nhân viên mới, giáo sư là sĩ quan tình báo do quân đội biệt phái sang, mỗi giáo sư phụ trách một học viên, trình độ B, cho nhân viên đã hành nghề được 18 tháng và lập được thành tích tốt. Lớp huấn luyện bổ túc này do giáo sư ngoại quốc đảm trách, phần nhiều là nhân viên cảnh sát Mỹ FBI, trung ương tình báo Mỹ CIA, và các cơ quan tình báo, phản gián Anh quốc M15, M16 … Sự huấn luyện rập theo phương pháp của Đức, nghĩa là học viên học riêng, mỗi học viên có một giáo sư riêng, và trong trường hợp nhiều học viên phải học chung - mỗi lớp tối đa là 5 người – thì giáo sư và học viên phải đeo mặt nạ, và mang tên giả, lý lịch giả.
- Còn về huấn luyện trung cấp?
- Sau 3 năm, nhân viên mới được mang số Z. Chẳng hạn số hiệu của Tống Văn Bình, điệp viên số một của ông Hoàng là Z.28. Nhân viên mới vào chì được mang số Y. Lên đến trình độ trên, nhân viên được mang số YS. Khi nào tốt nghiệp lớp trung cấp mới được mang số Z. Lớp này kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Như vậy có nghĩa là muốn lên chức Z, phải có 4 năm phục vụ tốt.
- Cách thức, chương trình, địa điểm huấn luyện?
- Hầu hết đều được huấn luyện ở đảo Xung thẳng, Hạ uy di hoặc tại các trường điệp báo ở Fort Halabird và Minnesota bên Hoa kỳ. Tôi lập được thành tích xuất sắc nên năm 1961 được gởi sang Mỹ và 6 tháng sau tốt nghiệp thủ khoa. Năm 1962, tôi được cử làm R. (1) Và được thả dù xuống phía Bắc vĩ tuyến 17.
- Tôi cần biết rõ ngày, tháng.
- Nghị định thăng chức R. cho tôi được ký ngày 12 – 11- 1962. Và tôi nhảy dù xuống phủ Quý châu, Nghệ an, đêm 24 – 12 – 1962, giữa đêm Giáng Sinh, trời rét như cắt ruột. Một nhân viên đặc biệt của ông Hoàng đợi tôi ở dưới.
- Thong thả. Tôi muốn trở lại vấn đề huấn luyện. Phiền anh cho tôi biết tên các giáo sư dạy trong trường.
- Ở Sài gòn, giáo sư đều mang tên giả, Ất, Giáp, Bính, Đinh, theo con giáp. Học sinh thì đeo số.
- Có phải tính từ 1,2,3 trở đi không?
- Không. Con số được đặt lung tung, không theo nguyên tắc nào nhất định. Chẳng hạn, tôi mang số 17, trong khi một nhân viên khác của Sở cùng được kết nạp, và nhập trường một ngày lại mang số 285.
- Còn giáo sư ở các trường điệp báo Mỹ ?
Họ cũng mang tên giả, tính theo tên tháng và tên ngày. Chẳng hạn, March là tháng 3, June, tháng 6, Sunday là chủ nhật, Tuesday là thứ ba, thì trong trường có những giáo sư được gọi là thầy March, thầy June, Thầy Sunday ? thầy Tuesday.
- Có phụ nữ không ?
- Tôi không được huấn luyện chung với phụ nữ. Ông Hoàng có một ban nữ, gọi là Biệt vụ, gồm toàn đàn bà tuyệt đẹp.
- Ngày mai, ta sẽ đề cập tới tổ chức của ban Biệt vụ. Giờ đây, mời anh tiếp tục. Ai đón anh dưới đất ở Quý châu ?
- Tôi không biết tên thật. Gặp tôi, y tự xưng là Dị, số hiệu YS – 74.
- Nghĩa là mới hoạt động trong tổ chức của ông Hoàng được 18 tháng.
- Vâng, Từ 18 tháng đến 3 năm thì mang hiệu YS.
- Sau đó, anh đi đâu ?
- YS 74 đưa tôi xuyên rừng về Phủ Diễn Châu rồi ra Cầu Giát. Cầu Giát ở giữa thị xã Thanh hóa và thị xã Vinh là một trong các căn cứ đổ bộ của điệp viên đáp tàu ngầm từ vĩ tuyến 17 tới. Trong những ngày đầu tiên, tôi đặt trụ sở tại Cầu Giát.
- Với YS.74 làm phụ tá ?
- Không. Y quay lại Quý châu. Phụ tá của tôi ở Cầu Giát là YS.32.
- Còn tên hắn ?
- Tôi không biết. Thường ngày tôi gọi là « chú tư »
- Rồi sao nữa ?
- Ở Cầu Giát được 3 tháng, tôi lên đường đi sầm sơn. Cuối năm 1963, tôi có mặt tại Hà nội.
- Ngày nào anh được triệu về Sài gòn ?
- Tháng 2 – 1964, tôi về thẳng Sài gòn bằng đưòng biển.
- Bằng tiềm thủy đĩnh ?
- Vâng. Ngoài khơi Sầm sơn, gần Hòn Nẹ.
- Tại sao bị gọi về ?
- Theo nguyên tắc, giám đốc trú sứ chỉ ở lại 2 năm ở miền Bắc mà thôi.
- Ai thay anh ?
- Tôi không biết. Vì không có lễ bàn giao. Tuy nhiên, sau này tôi được tin người thay tôi là Z.96 từ Sài gòn ra Bắc bằng máy bay như tôi, và đáp xuống Hòa Bình.
- Rồi anh được cử làm tùy viên kinh tế tòa đại sứ Nam Việt tại Vạn tượng ?
- Vâng, sau khi nghỉ phép 3 tháng. Tháng 6 – 1964, tôi đến vạn tượng. Nhưng gần nửa năm sau, tôi được lệnh hồi hương khẩn cấp. Và tháng 12 – 1964, tôi lại ra Bắc Việt lần nữa.
- Tại sao anh mất chức tùy viên sứ quán ?
- mất chức không đúng. Tôi được tái nhiệm giám đốc trú sứ lại phía Bắc vĩ tuyến 17 vì 2 lý do : thứ nhất, nhân viên thay tôi là Z.96 đã bị tử thương trong một cuộc rượt bắt ở Hà nội, trong số nhân viên ở Sài gòn phụ trách miền Bắc, lại không có ai am hiểu tình hình bằng tôi, thứ nhì : tôi trở lại Hà nội do sự đòi hỏi của nghề nghiệp. Nói rõ hơn, vì tôi bắt liên lạc được với một yếu nhân trong chính quyền Bắc việt, trong thời gian tôi ở Vạn tượng.
Chu Nghị ngừng tay viết : Lê Tùng nhận thấy hắn ghi bằng tốc ký riêng, tuy nhiên chỉ ghi những đoạn quan trọng . Chắc chắn lời khai của chàng đã được thu vào băng nhựa, và Chu Nghị chỉ ghi để sau này hỏi thêm chi tiết.
Hắn rót cho chàng một ly bacađi đầy ấp :
- Mời anh. Tôi muốn hỏi một câu tò mò, tại sao anh hoạt động gần 2 năm tại phía Bắc vĩ tuyến 17 mà không bị bắt ?
- Đại tá Abel của GRU hoạt động 9 năm trên đất Mỹ mới bị bắt thì sao ?
- Mỹ khác Bắc việt. Hoạt động ở Mỹ dễ hơn vì chế độ kiềm soát không chặt chẻ. Tư nhân được quyền đi lại khắp nơi, và vào bất cứ giờ nào. Tư nhân lại được phép xử dụng tự do các dụng cụ truyền tin vô tuyến điện. Những sự việc này hoàn toàn bị cấm đoán trong các nước xã hội chủ nghĩa.
- Phương ngôn có câu « Nồi nào, vung nấy », hoạt động sau bức màn sắt, tuy khó mà dễ. Chúng tôi mang theo một loại máy truyền tin đặc biệt, không phương pháp nào khám phá nổi. Nếu tôi không lầm, nhân viên GRU và KGB cũng được trang bị bằng loại máy này. Về phương diện giao diện, và thu thập tin tức, chúng tôi cũng hoạt động giống các anh. Khôn thì sống, dại thỉ chết. Tôi thoát chết vì khôn hơn Phản gián. Ngoài ra, tôi còn gặp hên nữa.
- Liệu anh khôn hơn ông Hoàng không ?
- Rồi anh coi. Tuần tới, tôi sẽ tan ra như khói, biến vào bống tối. Tuy nhiên, nếu anh không thành thật …
- Khổ quá, tôi nói mãi mà anh không tin. Tôi chẳng dại gì thất hứa, vì như vậy từ nay trở đi không ai chịu về với tôi nữa.
- Nói đùa đấy. Trừ phi anh điên … Vả lại tôi sẽ băm anh nát ra. Tôi không phải là đứa gà mờ, hẳn anh đã biết.
Chu Nghị cười :
- Ít khi tôi gặp người can đảm và sinh pha trò như anh. Nào, mời anh cạn chén rượu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Xin anh cho biết anh đã liên lạc được với yếu nhân Bắc việt nào ở Vạn tượng ?
Lê Tùng đáp :
- Trước hết, tôi cần giải thích tại sao tôi được cử đi Lào quốc. Vì Lào Quốc ở sát Bắc việt. Bản tâm của ông Hoàng là bổ nhiệm nhân viên trước kia hoạt động tình báo ở Hà nội làm tùy viên và tham vụ sứ quán tại những quốc gia lân cận Bắc việt. Chẳng hạn, Lào quốc, Miến điện, Cao miên, Hồng kông, Tích lan, Ấn độ, Ai cập, nghĩa là những nơi mà Bắc việt đặt đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự.
Thường lệ, nhân viên tình báo Bắc việc đều có mặt trong các tòa đại diện này, phần hiều là giữ chức vụ quan trọng. Sứ mạng của tôi, cũng như của những nhân viên khác được ông Hoàng cử đi, là tìm mọi cách móc nối với nhân viên Bắc Việt để lấy tin tức, tài liệu, hoặc thuyết phục họ qui thuận.
Trú sứ do tôi điều khiển tại Vạn tượng gồm 3 người : 2 đàn ông và 1 phụ nữ.
- Tên là gì ?
- Người đàn bà là Quỳnh Thái. Mọi nữ nhân viên của ban Biệt vụ đều mang chữ Quỳnh trước. Còn 2 người đàn ông là Phi Sơn và Tấn Lạc.
- Quỳnh Thái thiệt mạng rồi phải không ?
- Phải. Trong một chuyến giao liên gần Cánh đồng Chum, nàng bị lừa lọt ổ phục kích và bị giết. Nàng bắt tình được với một trung tá trong bộ đội trung lập ly khai đồn trú ở Khang Khay, thủ đô của phe Lào cộng. Nhờ viên trung ta si tình này, chúng tôi tóm được nhiều tài liệu quan trọng. Thái độ khác thường của y bị nhóm ly khai nghi ngờ, và một ban điều tra của tòa đại sứ Bắc Việt được gửi đến Khang Khay, bí mật theo dõi. Rốt cuộc, cả Quỳnh Thái lẫn viên trung tá đều trúng đạn tử thương. Kể ra, nàng không đến nỗi mất mạng, chẳng qua viên sĩ quan si tình rút sung bênh vực nàng, chống lại nhân viên Phản gián cộng sản.
- Tên viên trung tá là gì ?
- Trung tá Đươn. Người Lào. Sinh sống lâu năm ở Việt Nam , nói tiếng Việt rất sõi.
- Còn Phi Sơn và Tấn Lạc ?
- Phi Sơn là phụ tá hành động của tôi. Tấn Lạc chỉ có nhiệm vụ hành chính. Cô Thái bị giết ngày 14 - 8 - 1961, thì một tuần sau Phi Sơn nhận được một tài liệu, rút trong hồ sơ của tòa đại sứ Bắc Việt, tường thuật đầy đủ chi tiết của vụ phục kích đẫm máu …
- À …
- Tưởng anh đã biết là thủ đô Lào quốc chỉ có một rạp chớp bóng đủ tiện nghi ở gần Chợ mới. Chiều thứ bẩy nào chúng tôi cũng đi xem. Tôi còn nhớ đó là ngày 20 – 8. Rạp vừa thay phim mới, phim trinh thám nổi tiếng. Lẽ ra tôi đi xem, song vào giờ chót, có công điện hỏa tốc từ Sài gòn lên, nên Phi Sơn phải đi một mình. Y mượn xe tôi vì không có xe riêng. Xe của tôi là một chiếc Mercedes 220 SE, loại xe thông thường ở Vạn tượng. Phi Sơn khóa xe cẩn thận rồi vào rạp. Vãn hát, y ra về thì thấy trên đệm xe phía trước một gói thuốc lá Benson. Loại thuốc lá này rất ngon, có thể được coi là ngon nhất thế giới, ở Vạn tượng bán rất rẻ, độ 20 kíp một gói. Hồi ở Vạn tượng, tôi chuyên hút thuốc Benson. Nhưng Phi Sơn lại ghét thuốc lá một cách kinh khủng.
Y đinh ninh là gói thuốc tôi để quên nên không mở ra. Khi về sứ quán, y đưa gói thuốc, tôi lắc đầu, y mới biết là của người lạ bỏ vào. Người lạ đã mở cửa xe bằng chìa khóa riêng để bỏ gói thuốc, thế tất bên trong có cái gì quan trọng. Tưởng chất nổ, tôi phải mở rất thận trọng. Té ra bên trong là một cuộn phim.
- Phim Minox ?
- Không, Phim 24X36 thường dùng cho máy ảnh tài tử. Cuộc phim này được bỏ nguyên trong hộp nhôm, bên ngoài để chữ « món quà sơ kiến ». Mở ra và đem rửa, chúng tôi giật mình. Bản tài liệu về vụ phục kích cô Thái gần cánh đồng Chum gồm 28 trang đánh máy được chụp lại, đầy đủ. Nhìn dấu tối mật, tôi mừng rú lên. Những giòng chữ « K – 25 » để ở góc trên, bên trái, chứng tỏ tài liệu này từ sứ quán Bắc Việt ra. Vì K-25 là bí hiệu của trú sứ tình báo trong tòa đại sứ Bắc Việt ở thủ đô Ai lao.
- Anh có báo cáo cho ông đại sứ không?
- Không. Trong các sứ quán cộng sản, ông đại sứ thường không liên quan đến hoạt động tình báo, nhưng lại là nhân vật cao cấp nhất của đảng đoàn, nên mọi việc, từ nhỏ đến lớn, đều được phúc trình lên. Trái lại, trong sứ quán của chúng tôi, ông đại sứ là viên chức ngoại giao chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm với ông Hoàng, và ông Hoàng chỉ chịu trách nhiệm với thủ tướng. Ông đại sứ Việt Nam đinh ninh tôi là tham vụ kinh tế, không biết tôi là giám đốc trú sứ gián điệp của ông Hoàng. Sau khi thảo luận với Phi Sơn, tôi gửi thư về trình ông Hoàng, và ông Hoàng ra lệnh cho tôi tiếp tục.
- Khi nào anh nhận được cuộn phim thứ hai?
- Đúng một tuần sau. Cũng vào tối thứ Bảy, trước rạp xi-nê. Lần này, tôi để sẵn một cái hộp cạc tông, đựng 500 đô la Mỹ.
- Chà, món tiền quá nhiều, thảo nào thiên hạ tối mắt!
- Anh dám trả tôi gần 10 triệu bạc thì 500 đô la Mỹ, vị chi 80 ngàn bạc Việt Nam đâu phải là nhiều! Cùng với số bạc, tôi kèm thêm một tờ giấy viết mấy chữ “cảm ơn, xin tiếp tục”. Xem chiếu bóng ra, tôi không thấy gói bạc nữa, và thay vào đó là gói thuốc lá Benson màu vàng óng ánh quen thuộc. Mở ra lại một cuộn phim.Cuộn này dài hơn, và chụp một tài liệu quan trọng hơn. Tài liệu liên quan đến mối liên lạc giữa tòa đại sứ Bắc Việt và các phần tử trung lập thiên tả sinh sống tại Vạn Tượng. Không giấu gì anh, tài liệu này trị giá 20.000 đô la. Vì nó giúp chúng tôi khám phá ra tổ chức địa hạ quân của cộng sản ở thủ đô Lào. Tôi đề nghị với Sài Gòn xin 10.000 đô la, và ông Hoàng đã chấp thuận.
- Trừ phi là tiền mã, ông Hoàng mới dám xuất ra 10.000 đô la để mua một cuộn phim, dầu là tài liệu tối mật.
- Hừ, chỉ có KGB mới in bạc giả, còn chúng tôi bao giờ cũng trả tiền thật.
- Tôi cấm anh đả kích KGB.
- Là nhân viên tình báo chuyên nghiệp mà anh cũng mắc bệnh mẹ hát con khen hay à? Bệnh này rất nguy hại, nhiều người đã mất mạng vì nó.
- Anh đừng dạy luân lý nữa.
- Vậy, anh cũng đừng lên mặt thầy đời với tôi.
- Lạ nhỉ! Anh bị ông Hoàng ghét bỏ, và anh đã về với tôi. Không lẽ anh lại bênh vực ông Hoàng.
- Tôi bỏ ông Hoàng, đồng ý, song điều này không có nghĩa là anh được quyền nói xấu một cách vô cớ. Mặt khác, tôi chưa phải là thuộc viên của anh. Tôi bán hang, anh bỏ tiền ra mua, thế thôi, giữa chúng ta không có mối liên quan tha thiết nào hết.
- Vâng. Tôi rút lại lời phê bình lúc nãy.- Cảm ơn anh. Tôi xin nói tiếp. Ông Hoàng chấp thuận cho tôi dung 10.000 đô la, tuy nhiên món tiền này được trả làm hai kỳ, mỗi kỹ 5.000. Ngoài ra, ông Hoàng còn ra lệnh dứt khoát: trú sứ Vạn Tượng phải tìm ra căn cước của kẻ bán tài liệu, và móc nối thường trực.
Nhận được chỉ thị, tôi bèn mở cuộc điều tra về các nhân viên trong sứ quán Bắc Việt. Sứ quán này gồm 30 nhân viên nam nữ, cư ngụ tại một tòa nhà lớn trên đường từ thành phố đến phi trường Vạt Chai. Cuộc điều tra này kéo dài 2 tuần lễ mà chưa có kết quả. Tối thứ bảy sau, tôi cũng đi xem xi-nê, song khi trở ra không nhận được tài liệu. Tôi đoán được ngay lý do vì Phi Sơn núp trong một tiệm ăn kế cận để canh chừng xe hơi.
Một tuần nữa trôi qua. Tôi dự tiếp tân tại sứ quán Pháp, và khi ra về nhận được một bức thư ngắn trong xe, vẻn vẹn mấy chữ: yêu cầu dừng theo dõi. Nếu thỏa thuận, hãy vẽ một vòng tròn bằng phấn màu đỏ vào sau xe Mercédes trong buổi sang ngày 15-9, từ 7 giờ đến 10 giờ.
Nhờ chi tiết này, tôi đã khám phá ra căn cước của người lạ. Vì buổi sáng 1-9 có một cuộc diễn binh ở Vạn Tượng, đặt dưới quyền chủ tọa của hoàng than thủ tướng, với sự tham dự của nhân viên ngoại giao đoàn. Từ 6 rưỡi đến 10 rưỡi, tôi phải có mặt trên khan đài danh dự. Dĩ nhiên, tại đó cũng có mặt phái đoàn Bắc Việt. Một nữ nhân viên sứ quán được tôi giao nhiệm vụ chụp hình khán đài danh dự, đặc biệt khu vực dành riêng cho ngoại giao đoàn Trung cộng và Bắc Việt.Nhân viên sứ quán Bắc Việt đến sau tôi nửa giờ, khi buổi lễ đã bắt đầu. Đậu xe xong, họ đi vòng phía sau đến khán đài. Và một người đã về trước khi cuộc diễu binh chấm dứt 10 phút. Người này là Trần Hiệp, thong tin viên của báo Nhân dân tại Vạn Tượng.
Vì chưa biết chắc Trần Hiệp là người bán tài liệu – có thể là một tài xế Bắc Việt đậu xe tại khu danh dự - tôi phải dung phương pháp chụp hình lén lút để thử lại đáp số. Tài liệu thường được bỏ vào xe ban đêm, nên tôi dùng phim hồng ngoại tuyến. Bằng va li ngoại giao, ông Hoàng gửi lên cho tôi một cái máy ảnh đặc biệt, lắp dưới táp-lô, ống ảnh ở gần vô lăng. Hễ cửa xe được mở ra, máy ảnh sẽ chụp tự động.
Tối hôm ấy, tôi lại nhận được một cuộn phim, và người lạ đã lấy 5.000 đô la.
Và tôi đã phăng ra con người bí mật là Trần Hiệp.
- Tôi muốn hỏi anh một chi tiết kỹ thuật: loại máy ảnh đặc biệt này ông Hoàng mua ở đâu?
- Tôi không biết.
- Loại gì? Minox B, Minolta 16-E, Minolta 16-P, Mamiya 16, Edixa 16 hay là Echo 8? (I)
- Những loại này rất rẻ tiền, Đắt nhất Minox B, độ 150 đô la, rẻ nhất là Minolta, 27 đô la. Máy ảnh tôi dùng đêm ấy là Gami-16 gần 300 đô la một cái. Máy Gami chụp nhạy hơn và rõ nét hơn trong bóng tối. Nó dùng phim 6 li, chụp được 30 lần, và có ống kính đặc biệt 4X và 8X, làm hình lớn lên 4 và 8 lần.
- Chạy bằng pin hay ắc qui xe hơi?
- Bằng bình điện trong xe.
- Cảm ơn anh. Phiền anh tiếp tục nói về Trần Hiệp.
- Khát quá. Xin anh một ly giải khát.
- Rượu nhé?
- Cổ họng tôi bị khô đét. Giá có ly nước cam thì hay quá.
- Để tôi gọi cô Phượng.
Chú thích:
1- R. tức directeur- resident là chức vụ cao cấp trong ngành điệp báo. Chức R, tức giám đốc trú sứ, được phụ trách một khu vực hoặc một quốc gia ở hải ngoại. Chẳng hạn đại tá Sô viết Albert là giám đốc trú sứ ở Hoa Kỳ(I) – Đây là loại máy ảnh nhỏ thông dụng trong nghề tình báo.