Đất vinh danh cho người, ..Nếu được hành quân tái chiếm Quảng Trị tôi sẽ cúng một con heo. Một người lính Sư Đoàn 1 đã nói như thế.Không phải câu nói chơi, phút bốc đồng nhưng là tình cảm mãnh liệt tha thiết được diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, chơn chất.Giữa đất và người không còn biên giới, người lính không nhìn các địa danh: Cam Lộ, Hương Hóa, Trị Bưu, Phong Điền, An Lỗ như những mục tiêu quân sự, chốn không hồn mà nhiệm vụ bắt buộc phải đi đến trong một thời gian và sau đó đợi chờ từng ngày qua để trút đi dửng dưng lạnh nhạt.Đất và người gắn bó không giải thích được bằng lý luận, chỉ cảm thấy bàng bạc mơ hồ, chứng nghiệm bởi một trực giác ngây ngất... Và không riêng cho người lính sanh trưởng vùng Thừa Thiên, quảng trị.Những người khác, những sĩ quan, trung sĩ, binh nhì sinh trưởng ở Bắc, Nam thuộc các đơn vị tổng trừ bị, hành quân tăng phái đến, bước chân đến vùng địa đầu đất nước lòng bổng nhiên chùng xuống trong xúc động lạ lùng... Nhiệm vụ hành quân không được nhìn thuần túy như một công tác quân sự có tính cách bắt buộc, hành quân vùng Thừa Thiên, Quảng Trị âm vang mênh mông, tính chất cuộc viễn chinh thánh chiến, đấu tranh giữ đất, giữ nước, đấu tranh cho một lẽ sống còn.Chiến đấu ở miền giới tuyến hào hùng như bước chân qua một bờ lịch sử.Tương lai dân tộc được quyết định qua vùng đất này. Đây không phải là một cảm xúc quá độ được tăng thêm cường lực để làm dáng trong văn hương nhưng đã đi lính, đội nón sắt, mặc áo giáp, nhảy trực thăng xuống Khe sanh đổ quân trên các mỏm Động Thông, Động Gió, đã di chuyển theo giòng Tam Giang, qua Túy Vân lúc sương còn mờ trên đầm Thủy Tú hay ngược phía Bắc để đi vào vùng Phong Điền, Đại Lộc, Phá giăng giăng mưa bụi, trăng non soi ánh sáng bạc thếch, ánh sáng chết trên mặt nước lăn lăn sóng nhỏ, thôn xóm xa lặng trong bóng tối, nghe trong lòng cơn ào ạt xúc cảm, thấy rộn rã từng ạt rung động trên làn da - Đất linh thiêng, huyền bí bao trùm vây bọc, con người trong đó thấy tan biến, hòa hợp vào cùng từng ngọn cỏ, cơn gió, người thấy đau, đau rõ ràng nhưnhức buốt như vạch xanh của sông Bến Hải vạch đường độc địa trên bờ cát thênh thang - Đất và người cùng đau với vết thương quê hương. Cảm giác trên đã thành hình, đã gây nên phản ứng sinh lý làm dựng sợi lông tay cảm xúc nhưng có thể không được phân tích, không được rọi nhìn, định lượng, người lính “thấy” ràng buộc, thấy mơ hồ, lãng đãng nhưng chắc chắn, cần thiết như không khí hít vào trong mỗi cử động. Trị-Thiên, ngoài đất còn có người, người Huế, người Quảng Trị, người ăn cơm ghé sắn, người uống nước “chè” nấu bằng lá ổi, người gọi lính bằng “anh cộng hòa ơi...” Những người đã mừng rỡ đến ngất xỉu sau mười, mười lăm ngày dưới hầm sâu, nhịn đói nhịn khát, đại tiện, tiểu tiện và ngủ trên cùng chiếc chiếu như trong mùa xuân Mậu Thân khi nghe ngoài đường phố tiếng lách cách của báng súng đập vào đùi khi người lính di chuyển. Lính Cộng Hòa tới! Lính Cộng Hòa tới!Người dân hé cửa nhìn: Trên đường phố vắng, hai hàng lính đi song song ở lề đường, đội hình, y phục hoa của Biệt Động Quân hay Thủy Quân Lục Chiến... Lính Cộng Hòa bà con ơi!!Sống rồi bà con ơi!! Ông già, ngườitrẻ, công chức, cảnh sát mở toang cửa ào ra đường... Mừng quá mấy anh ơi, mừng quá!!Mấy anh ở đây luôn hả??Uống nước không?Những người lính từ miền Nam ra bị vây kín bởi một nồng nhiệt bốc lửa.Họ là điểm sống cho thành phố Huế đã đến đáy hấp hối và tuyệt vọng.Còn vinh quang đẹp đẽ nào cho bằng tiếng kêu mừng rỡ của người dân Huế trong mùa xuân đỏ lửa khi được sống gởi đến những người lính xa lạ phong trần. Đấy là những sự kiện của mùa xuân năm xưa. Bây giờ, tháng thứ ba của ngày Bắc quân mở cuộc đại tấn công và Miền Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên, hai thành phố đầu tiên hứng chịu tai ương tàn khốc của bom đạn và người dân của hai thành phố này lại thêm một lần tay bế con, lưng cõng cha mẹ già xuôi theo Đường Số I dưới che chở độc nhất hay niềm tin cuối cùng - Người lính- Bộ đội cộng hòa ơi, cứu bà con, bộ đội cộng hòa ơi! Trên đoạn đường máu Quảng Trị, Hải Lăng, Mỹ Chánh không phải một người, nhưng toàn khối dân bi thương nguy biến cùng gọi lên như thế một lần. Gọi bằng hơi thở cuối, mồm há hốc, mắt trợn đứng, gọi khi máu chảy, khi nằm xuốngtan vỡ, tay lần trên chuỗi Thánh Giá, mắt nhắm nghiền, trên đầu, chung quanh đại pháo Bắc quân nổ liên hồi, nổ tàn ác... Đạn nổ không bỏ sót một phần đất, không quên một thân người... Bộ đội Cộng Hòa ơi!Người dân lại một lần kêu to lên như thế. Vinh quang biết mấy cho người lính Việt Nam. Đất không Vinh Quang riêng cho Lính, đất còn là Thánh Địa cho Người. Người tầm thường, người còm cõi, người quắt queo khô héo như nhánh “nè” (1) khô rốc tong teo, lay động dật dờ dưới cơn nắng hạ chí. Nhưng những người tội nghiệp, tàn tệ, răng đen, môi nẻ tóc rối, người mà tai ương đã hiển hiện lên giọng nói, bất hạnh đã đặt mầm ở tiếng “khóc kể” bi ai hờn oán. Bất hạnh cũng đã có “điềm” ở giọng hò thê thiết đến rợn da khi những con thuyền chập chùng trong bóng tối lướt thướt trên sóng qua Bảng Lảng, Ngô Xá, La Vân, La Chữ, Vân Trình.a... ơ... chỉ hai tiếng nhỏ con thuyền đi hết khúc sông mà âm thanh còn lộng trong gió... Đã có “điềm” rồi nên dân Trị Thiên dù không cơm, không gia, không nương, rẫy bái vẫn tồn tại và sống còn.Họ sống bằng gì và như thế nào?Chuyển hết tháng ngày đi quakhông cũng đủ là một việc vĩ đại... Rất vĩ đại... Rồi ba tháng máu lửa này, chui dưới hầm, ăn khoai sống, hứng chịu ngàn trái đạn của hai bên... Ngày Hải Lăng vừa được quân ta tái chiếm, đồ đạc cho vào thúng sau, thằng con ngồi thúng trước, người đàn bà nhỏ quắt queo gánh “gánh đời” đi thoăn thoắt trên mặt cát trắng bầy nhầy lớp thịt người... Người trị Thiên có “tài” đi nhanh nhưthế đã bao năm??Có anh phóng viên đài truyền hình chận hỏi: - Chồng và mấy đứa con lớn đâu? - Chết hết rồi... Họ đem đi băm, vằm, chém nát, chôn sấp dập ngửa mô không biết!!! - Bây giờ bà đi đâu? - Hí? Người đàn bà nhà quê không hiểu câu hỏi. Cho dù hiểu đi nữa thì bà ta cũng không biết đi đâu... Quo vadis? Mày đi đâu? Chúa có hỏi đi chăng nữa người cũng không trả lời được... Đi đâu? Ngày đã hết, đời đã hết, chỉ còn mỗi con người lừng lững cùng nỗi đau đớn mịt mùng hư không