Chương 13

 Mùa hè 1974 là một mùa hè ảm đạm, nhóm bạn lớp anh Quang Hùng tốt nghiệp và chia tay nhau. Ngày cuối cùng, lớp anh Hùng làm một buổi tiệc chia tay trong lớp, không khí bữa tiệc không còn phá phách, nghịch ngợm và châm chọc như xưa nhưng mang đầy cảm xúc. Trước khi buổi tiệc tan, anh Hùng cầm đàn dạo nhạc hát bài Cho Lần Cuối của Lê Uyên Phương:
“Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu, gần bối rối biên giới từ lòng đau. Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng, cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng, cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau. Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau, hẹn sau. Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau, mộng mau. Ngoài trời mưa, mưa hoài, gió mưa nặng nề. Người ngồi nghe xa cách đá xanh ơi, mỏi mòn.
……
"Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền, nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau.......Ngày mai ta không còn thấy nhau...”
Sau đó cả lớp cùng nhau nắm tay đứng thành vòng tròn hát bài ca tạm biệt:
“Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai, đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy.”
Sau ngày đó, hầu hết các bạn của anh đi về Sài Gòn thi đại học, một vài người thi vào trường Nông Lâm Súc ngay tại thị trấn, một hai người lên Đà Lạt thi vào trường đại học Đà Lạt, còn vài người ra Nha Trang thi vào Hải Học Viện Nha Trang. Chỉ có chị Kim Điệp là không lo lắng gì về thi cử. Đám cưới của chị diễn ra ngay sau khi tốt nghiệp và rồi chị theo chồng về Sài Gòn. Hai anh em chúng tôi cũng khăn gói về Sài Gòn theo mẹ đi Canada. Ông Bill đã về Canada từ hai tháng trước, ông nói ông phải về để chuẩn bị đón mẹ con tôi qua. Cả gia đình dì Hai cũng về Sài Gòn tiễn chân mẹ con chúng tôi. Minh Châu không đi Sài Gòn. Mấy ngày trước khi chúng tôi rời thị trấn, nó tặng hai anh em tôi mấy tấm hình và tặng riêng anh Hùng quyển thơ chép tay. Ngay trang đầu nó viết một câu thơ của nó làm:
 
“Em gửi cho anh vạt nắng quê nhà
Anh đem theo mình về nơi xứ xa
Nắng nơi đây rồi sẽ thành nắng nhạt
Một thủa yêu người một buổi chia xa”
Tội nghiệp Minh Châu, ‘một thủa yêu người’ và những tháng ngày dài ôm trong lòng mối tình câm với anh tôi bây giờ lại thành ‘một buổi chia xa’. Ngày chúng tôi về Sài Gòn, nó tiễn chân anh em tôi ra tận bến xe. Nó khóc đỏ mắt và nắm tay tôi bịn rịn không rời. Anh Quang Hùng không nói gì cả, càng buồn anh càng trở nên lầm lì không nói. Anh không dám nắm tay Minh Châu, chỉ đứng thẩn thờ cạnh nó. Tôi và Minh Châu ôm vai nhau chào tạm biệt, hai đứa ôm nhau thật chặt thật lâu. Cổ họng tôi nghẹn lại nên tôi không nói được điều gì. Khi anh lơ xe dục mọi người lên xe để xe khởi hành thì lúc đó anh Quang Hùng mới thật sự cảm thấy cuống quít. Anh nhìn Minh Châu tha thiết và dặn nó ráng học, sang năm anh sẽ về thăm. Hai người bịn rịn mãi và anh là người cuối cùng bước chân lên xe. 
Tôi thấy Minh Châu đứng lại phía sau đưa tay quẹt nước mắt. Nó đưa tay vẫy chào chúng tôi lúc xe lăn bánh. Tôi không dám quay đầu lại nhìn bạn, nước mắt tôi ứa ra. Anh Quang Hùng ngồi cạnh cửa sổ, anh chồm người ra khỏi cửa sổ ngoái đầu lại vẫy tay chào Minh Châu. Lúc đó Minh Châu chợt nhớ ra nó còn quên một chuyện nên vội chạy theo xe, nó chồm lên cửa sổ đưa cho anh Hùng gói bánh đậu. Nó nói:
- “Để cho hai anh em ăn dọc đường. Nhớ viết thư về thường xuyên nhe.”
Anh Hùng gật đầu, cầm gói bánh trên tay thật chặt, anh mím môi cố ngăn cơn xúc động. Xe càng lúc chạy càng xa, bóng Minh Châu càng lúc càng nhỏ và cuối cùng thì mất hút lúc xe quẹo ra đường quốc lộ. 
Hôm chúng tôi ra sân bay, gia đình hai cậu tôi và gia đình của dì Hai đều ra tiễn chân. Dì Hai khóc mếu máo, dì hết ôm mẹ tôi rồi lại ôm anh em tôi dặn dò mẹ tôi phải cho anh em tôi về mỗi mùa hè. Các con của dì không nói gì nhiều, mỗi người chỉ ôm chúng tôi thật chặt và vỗ vai khuyên ráng học hành. Cha tôi cũng đến, ông dẫn theo hai người con trai, dì Lan không có mặt. Cha tôi trông có vẻ ngượng ngập với gia đình dì Hai và gia đình hai cậu tôi, ông và hai con đứng cách ra một bên không dám lại gần mọi người. Mãi một lúc lâu, hai cậu tôi tế nhị kéo mọi người tránh sang một bên và gọi cha tôi lại, lúc đó ông mới dám tới. Khi đối diện với mẹ tôi thì sự ngượng ngùng bối rối của cha tôi càng lộ ra rõ ràng. Ông hình như muốn nói nhiều lắm với mẹ nhưng lại không biết nói sao. Tôi thấy hai bàn tay ông rung rung chứng tỏ ông rất xúc động. Mẹ tôi dịu dàng hứa sẽ cho anh em tôi về nước mỗi năm thăm mọi người, và cũng như lúc trước mẹ hứa nếu anh em tôi muốn về nước ở luôn sau khi ra trường, mẹ sẽ không ngăn cản. Cha tôi có vẻ an tâm, ông nói gì đó với mẹ nhưng tôi không nghe rõ được. Cuối cùng ông giơ tay bắt tay mẹ. Mẹ tôi ngập ngừng một lát, tỏ ra hơi ngỡ ngàng nhưng sau đó cũng dơ tay bắt tay lại. Hai người bắt tay nhau thật chặt thật lâu. Đây là một cử chỉ thân thiện giữa hai người mà tôi lần đần tiên thấy kể từ ngày mẹ bỏ cha ra đi. 
Quay sang chúng tôi, cha tôi ôm mỗi đứa thật lâu không buông. Cha tôi xưa nay ít khi ôm anh em chúng tôi như vậy, mọi lần gặp mặt ông chỉ vỗ vai hay bắt tay. Ông không khóc nhưng tôi thấy mắt ông ướt long lanh. Mãi một lúc lâu ông mới nói được bằng một giọng rung rung xúc động:
- “Hai con nhớ phải viết thư cho cha thường xuyên và nhớ về thăm cha. Khi nào học thành tài thì về nước lập nghiệp chứ đừng ở luôn bên đó. Cơ nghiệp nhà mình hai con cũng có phần, nhớ về. Sau này cha sẽ giao lại cho hai con cai quản. Hùng là con trai, nhớ chăm sóc mẹ và em gái. Mẹ con tuy cứng lòng cứng miệng nhưng dù gì cũng là đàn bà.” Ông sau đó đẩy hai đứa con trai nhỏ lại phía chúng tôi. “Các con sao đi nữa cũng là anh em cùng cha khác mẹ. Sau này có chuyện gì thì đừng chém giết nhau và phải thương yêu nhau. Đó là ước nguyện của cha.”
Như thường lệ anh Quang Hùng thì không nói gì cả chỉ gật đầu. Tôi cố nói vài tiếng trấn an cha tôi. Đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp cha và nghe được tiếng nói của ông.