Những vụ khai quật lăng tẩm nhà Đại Thanh đã khiến Phổ Nghi phải đi tìm những liên lạc mật thiết với Quân Đoàn Quan Đông và đảng Hắc Long của người Nhật. Trên thực tế Phổ Nghi đang điều khiển một chính phủ lưu vong,...và Quân Đoàn Quan Đông đặt ra một phòng đặc biệt tại một cơ sở bí mật để liên lạc với Phổ Nghi. Trong những cuộc tiếp xúc với người Nhật, Phổ Nghi vô cùng phấn khởi. Cả Phổ Nghi và người Nhật đều đồng ý ba điểm sau đây: công nhận sức mạnh quân sự siêu việt của người Nhật, sự thua kém và phân hóa của người Trung Hoa, và Trung Hoa đang cần có một vị hoàng đế. Sự thân thiện mật thiết giữa Quân đoàn Quan Đông và Phổ Nghi là một trong vài biến chuyển giữa các năm 1929 và 1931 đã ảnh hưởng tới việc Nhật Bản tấn chiếm Mãn Châu. Các biến chuyển quan trọng khác là: sự thành công của Tưởng Giới Thạch hóa giải được các sứ quân; tinh thần quốc gia của người Trung Hoa đang dâng cao, đặc biệt là trong giới trẻ; sự quyết định của Thống Chế Trương Học Lương sát nhập Mãn Châu vào Trung Hoa; sự tranh chấp giữa Nga Sô và Trung Hoa tại Mãn Châu; sự bành trướng của đảng cộng sản Trung Hoa; và tình hình nội bộ Nhật Bản. Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế của thế giới năm 1929 đã gây nhiều bất ổn tại Nhật về kinh tế, chính trị và xã hội. Nạn thất nghiệp gia tăng; quân đội và giới trẻ rất bất mãn. Những nhóm quốc gia quá khích chống đối hệ thống quốc hội dân chủ bắt chước Tây Phương và cũng chống đối các hãng kỹ nghệ của đại tư bản. Lúc đó dường như chỉ có các đại công ty thương mại và kỹ nghệ là đang hưởng lợi nhờ hoàn cảnh công nhân rẻ. Các nhóm quá khích trong quân đội và giới thanh niên tạo ra một mặt trận chung, và đòi hỏi phải thiết lập một quốc gia quân sự xã hội, trong đó phải quốc hữu hóa các đại kỹ nghệ, và bãi bỏ các quyền tự do cá nhân. Tinh thần cô lập và ái quốc quá khích, cộng với những chiến thắng quân sự dễ dàng trước những đối thủ yếu kém như Cao Ly và Trung Hoa, đã nâng cao tinh thần chiến sĩ cổ truyền của Nhật Bản. Đại đa số người Nhật tin tưởng vào sự bất bại của quân đội hoàng gia. Giới dân sự hiểu biết và sáng suốt, phe quý tộc và các chủ công ty kỹ nghệ nhận biết sự sai lầm sinh tử của đại đa số quá khích, nhưng họ không có sức mạnh đương cự lại làn sóng quá khích đang dâng lên của quần chúng. Quần chúng Nhật đã bồng bột sôi nổi nhưng Quân Đoàn Quan Đông còn bồn chồn nóng nảy hơn nhiều. Quân Đoàn Quan Đông lúc đó không khác gì một tên cướp đói, một mắt hướng về miền Nam Trung Hoa, và một mắt quay nhìn về phía Nga Sô. Quân Đoàn này cảm thấy cần phải ra tay ngay để chiếm Mãn Châu cho Nhật Bản. Năm 1929, một năm sau biến cố khai quật lăng tẩm nhà Đại Thanh, chính phủ cộng hòa Nam Kinh thấy tinh thần quốc gia bừng bừng nổi dậy, thừa thắng xông lên, muốn thử sức với Nga Sô, và đòi Nga Sô phải thực thi những lời hứa của Lenin từ bỏ quyền hạn của Nga Sô tại Mãn Châu. Trung Hoa đóng cửa các xí nghiệp của Nga tại Mãn Châu, chiếm hệ thống viễn thông của Nga Sô dọc theo hệ thống Đông Hỏa Xa, và trục xuất người Nga. Áp lực với người Nga là một phần của chính sách diệt cộng trong nước của Tưởng Giới Thạch. Stalin phản ứng cực kỳ mãnh liệt. Quân đội Nga Sô mở hàng loạt những cuộc tấn công dọc theo biên giới Nga Sô và Mãn Châu. Đến cuối năm 1929, các cuộc tấn công này trở thành một cuộc xâm lăng quân sự vào Mãn Châu. Tưởng Giới Thạch lên án cuộc xâm lăng của cộng sản Nga là sự tiếp nối chính sách xâm lăng Trung Hoa của các Nga Hoàng. Hết trận này đến trận khác, quân Trung Hoa phải liên tiếp bỏ chạy trước hồng quân Nga Sô. Tưởng Giới Thạch bắt buộc phải tới bàn hội nghị ở thế yếu, và phải chấp nhận nguyên trạng của Nga Sô tại Mãn Châu. Chính lúc Trung Hoa bị thảm bại nhục nhã trước giống bạch quỷ, thì đảng cộng sản Trung Hoa bắt đầu thành lập những căn cứ Sô Viết tại Trung Hoa. Đối với Quân Đoàn Quan Đông, đặc biệt là nhóm quá khích của các đại tá Doihara và Itagaki, thì việc Nga Sô xâm lăng Mãn Châu và việc cộng sản bành trướng tại Trung Hoa là những điềm xấu, báo trước những sự bất lợi sẽ xảy ra. Quân Đoàn Quan Đông không bao giờ chấp nhận việc Nga Sô tách rời Mãn Châu ra khỏi Trung Hoa, và dùng làm địa bàn cho cộng sản Trung Hoa chống lại Tưởng Giới Thạch. Đây chỉ là sự lập lại của trò tranh chấp cố hữu tại Mãn Châu, và câu hỏi bây giờ là ai sẽ chiếm Mãn Châu trước: Nga Sô, Nhật Bản hay Trung Hoa? Người Mãn Châu thì kể như bỏ đi rồi. Vì thế các đại tá Doihara và Itagaki dự định ra tay trước tại Mãn Châu, với lá bài vô giá là: Mãn Châu Hoàng Đế Phổ Nghi. Mùa hè năm 1931, em trai của Phổ Nghi là Phổ Kiệt trở về Thiên Tân, trong bộ binh phục Nhật Bản uy nghi hùng dũng. Phổ Kiệt cũng đem về cho Phổ Nghi lời nhắn gửi của đảng Hắc Long và giới quân phiệt Nhật. Phổ Kiệt được căn dặn nói với Phổ Nghi rằng hoàn cảnh của Phổ Nghi không hề tuyệt vọng. Tác giả Nora Waln cũng xác nhận sự hứng khởi của vợ chồng Phổ Nghi. Trong một bữa ăn trưa do vợ chồng Phổ Nghi thiết đãi, Nora được Uyển Dung cho biết lúc đóngười Nhật liên lạc với Phổ Nghi một cách chặt chẽ, mặc dầu không chính thức. Các viên chức nhà Thanh nhiệt tâm hoạt động để phục hồi nhà Thanh cũng thường đến gặp Phổ Nghi. Uyển Dung còn nói thêm, vợ chồng Phổ Nghi vẫn cố tránh không dính líu quá nhiều đến chính trị. Tuy nhiên lời nói này là một sự cố gắng che giấu sự thực. Mặc dầu Uyển Dung và chồng không chung một giường như các cặp vợ chồng bình thường khác, nhưng cả hai đều nhắm một mục tiêu chính trị: Ngai vàng nhà Thanh. Nếu không có hấp lực của ngai vàng đó thì có lẽ Uyển Dung không thể hy sinh đời mình để sống với ông chồng giả hiệu, không làm nổi nhiệm vụ thông thường của một người chồng. Đúng ra Phổ Nghi đã dùng bà vợ trong cái thành phố lắm chuyện của Thiên Tân để đánh hỏa mù về các dự định tương lai của mình trong giới ngoại giao. Đến cuối mùa hè năm đó, đại tá Doihara trả lời cuộc phỏng vấn cho những tờ báo lớn của Nhật Bản. Viên đại tá bốn mươi tám tuổi này cũng vừa được bổ nhiệm vào một chức vụ trong tổng hành dinh của Quân Đoàn Quan Đông tại Mukden. Doihara tuyên bố: “Người ta không thể biết trước được những gì sẽ xảy ra tại Mãn Châu.’’ Nhưng chỉ vài ngày sau, đại sứ Mỹ tại Trung Hoa là Nelson Johnson đánh điện về Hoa Thịnh Đốn báo động rằng tình báo của Tưởng Giới Thạch tin chắc rằng “Nhật Bản sẽ chiếm Mãn Châu trong vòng ba tháng nữa.” Tuy nhiên Johnson rất lạc quan và không tin vào các bản tin tình báo của Trung Hoa. Trong bản báo cáo về Hoa Thịnh Đốn, Johnson viết: “Tôi nghĩ rằng hành động như vậy của người Nhật là điều không thể xảy ra được. Người Nhật mà hành động như thế thì có vẻ quá khích quá, đặc biệt là họ có thể khai thác được Mãn Châu trong khi người Trung Hoa phải trả mọi chi phí điều hành chính phủ.” Phản ứng của Johnson dĩ nhiên là rất hợp lý theo quan điểm của một nhà quan sát thông minh và theo đúng sách vở. Ông không nắm được vững tinh thần người Nhật. Lúc đó người Nhật rất quá khích và cuồng nhiệt, không quan tâm tới mục tiêu vinh quang, nhưng thèm khát quyền lực, và ước vọng muốn làm lại thế giới với sự quá khích của họ. Cũng trong năm đó, đảng Hắc Long tung ra một tờ truyền đơn, tuyên bố: “Sự thành lập một nước Mãn Châu-Mông Cổ độc lập không thể chậm trễ nữa.” Đại Sứ Johnson vẫn tiếp tục gửi về Hoa Thịnh Đốn những tin tức mới nhất về hiện tình Trung Hoa. Ngày 12 tháng 9, ông gửi về một báo cáo cho biết mồi quan tâm của chính phủ Nam Kinh về các biến chuyển tại Mãn Châu, và tin tức quân đội Nhật tại Cao Ly mới được tăng cường thêm hai sư đoàn, đóng dọc sông Áp Lục nằm giữa biên giới Cao Ly và Mãn Châu. Thế rồi cái ngày người ta vẫn phập phồng lo ngại đã xảy ra: đó là Biến Cố Mukden ngày 18 tháng 9 năm 1981. Đây là cái ngày Phổ Nghi đã bồn chồn nóng nảy chờ đợi đã từ 19 năm qua. Mukden vốn là kinh đô cổ xưa của người Mãn Châu, và ngày nay là Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh. Biến cố này là tác phẩm ngoạn mục của hai đại tá Doihara và Itagaki, như là một lý do chính đáng để quân Nhật chiếm Mãn Châu. Theo bản tin của Quân Đoàn Quan Đông thì một trung úy Nhật cùng sáu binh sĩ làm nhiệm vụ tuần tiễu thông thường tại khu vực phía Bắc Mukden, dọc theo đường xe lửa của Đường Hỏa Xa Nam Mãn Châu do Nhật kiểm soát. Bỗng nhiên toán tuần tiễu nghe thấy một tiếng nổ lớn. Họ vội chạy lại chỗ nổ thì thấy một đoạn đường rầy khoảng gần một thước bị nổ văng đi. Trong lúc toán tuần tiễu đang quan sát thì họ bị xạ kích, và phải nằm chúi xuống. Ngay lúc đó có đèn rọi chiếu sáng của một chuyến xe lửa đang chạy tới. Khi tới chỗ nổ, xe lửa bị nghiêng hẳn qua một bên, nhưng tài công điều chỉnh được và xe lửa tiếp tục chạy, và tới Mukden đúng mười giờ rưỡi tối. Khi xe lửa đi qua rồi, toán tuần tiễu lại bị xạ kích mạnh mẽ, đến nỗi viên trung úy phải gọi về Mukden cầu cứu. Thế là thủ đô Mãn Châu bị tràn ngập mau lẹ. Tướng tư lệnh Nhật tại Cao Ly được yêu cầu đem quân tăng viện, mặc dầu Quân Đoàn Quan Đông không gặp một sự kháng cự nào. Trong vòng vài tuần, quân Nhật chiếm hết Mãn Châu mà không bị thiệt hại gì cả. Tờ nhật báo Tin Mãn Châu bằng Anh Ngữ do Nhật Bản tài trợ, đã tóm tất biến cố này như sau: “Tất cả đều công bằng trong tình yêu và chiến tranh. Sự thực chỉ có vậy.” Quân Đoàn Quan Đông đã hoàn thành một cuộc xâm chiếm ngoạn mục, và về sau này quân Nhật đã xâm chiếm toàn thể Đông Nam Á trong vài tuần lễ. Ngoại giao đoàn tại Trung Hoa kinh hoảng. Đại Sứ Johnson điện về Hoa Thinh Đốn: “Chúng tôi tin rằng lý do chính thực mà người Nhật tấn công Mãn Châu là chủ trương của quần đội Nhật muốn đánh một đòn chí tử vào Trung Hoa.” Và bây giờ tên của Phổ Nghi đã được nhiều công điện quốc tế nhắc nhở tới. Viên lãnh sự của Mỹ tại Mukden báo cáo: “Người Nhật đang dự định kế hoạch đặt cựu Hoàng Đế Tuyên Thống đứng đầu chính phủ tại Mãn Châu. Nếu người Trung Hoa, Hoa Kỳ và các nước khác hoảng hốt trước cuộc tấn công chớp nhoáng của Quân Đoàn Quan Đông, thì chính phủ Nhật cũng kinh hoàng không kém. Theo lời Kisuke Okada, cựu thủ tướng Nhật thì “Cái gọi là biến cố Mukden không làm các viên chức Nhật Bản ngạc nhiên.” Nhưng vai trò của quân Nhật trấn đóng tại Cao Ly, vượt qua biên giới tiến vào Mãn Châu mà không có lệnh của Nhật Hoàng, và khinh thường chính phủ, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tại Đông Kinh. Okada tuyên bố. “Quân đội trong những năm đó hoàn toàn bất tuân sự kiểm soát và kiềm chế của chính phủ.” Một vài phóng viên ngoại quốc tại Mãn Châu lúc đó cảm thấy rằng, sự kinh ngạc của Đông Kinh trước biến cố Mukden đã cho thấy một sự rạn nứt giữa giới dân sự ôn hòa và phe quân phiệt quá khích, và nếu có một cuộc phản đối mãnh liệt của các cường quốc, hoặc chỉ mình Hoa Kỳ thôi, cũng đủ bắt Quân Đoàn Quan Đông phải rút lui. Nhưng nhiều người Hoa Kỳ cho rằng một biến cố ở một nơi xa xôi và không rõ ràng ấy chẳng có ảnh hưởng gì. Từ Bắc Kinh, Nelson Johnson đã tóm tắt quan điểm của ông như sau: “Dù Trung Hoa cai trị Mãn Châu hoặc Nhật Bản cai trị Mãn Châu, hoặc Nga Sô cai trị Mãn Châu thì Hoa Kỳ cũng chẳng quan tâm đến việc đó.” Tuy thế, trong một thời gian ngắn, sức tiến của Quân Đoàn Quan Đông cũng ngưng lại. Quân đội Nhật đang nghe ngóng phản ứng của các đại cường, nhất là Hoa Kỳ, để xem nên tiến nữa hay tạm ngừng lại với chiến lợi đã đạt được. Trong một cuộc họp báo tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Hoover xác nhận rằng quân đội Nhật Bản đã tiến quân loạn xạ, có nghĩa là Hoa Kỳ đã biết việc xâm lăng Mãn Châu của Nhật Bản nhưng chuyện đó không có gì quan trọng. Nhưng theo nhận xét của phóng viên tờ Manchester Guardian tại Mukden thì “khi Quân Đoàn Quan Đông khám phá rằng Hoa Kỳ không muốn can thiệp vào sự xâm lăng của Nhật tại Mãn Châu thì họ lại làm tới.” Biến cố Mukden đã có những hậu quả sâu xa. Mukden chính là khởi điểm cho việc thiết lập một đế quốc mới cho Nhật Bản. Đế quốc này trải dài dọc bờ phía Tây của Thái Bình Dương, từ Cao Ly chạy xuống tới Tân Guinea. Biến cố Mukden chỉ là một đòn thăm dò của quân đội Nhật, và cũng chính biến cố này đã đưa tới trận tấn công Trân Châu Cảng. Biến cố này cũng làm Hội Quốc Liên tan rã. Sau nhiều tuần lễ bàn cãi sôi nổi, trong lúc quần đội Nhật củng cố sự chiếm đóngMãn Châu, ngày 10 tháng 12 năm 1931, Hội Quốc Liên mới quyết định bổ nhiệm một phái đoàn điều tra do Huân tước Lytton cầm đầu. Mãi đến ngày 1 tháng 10 năm 1932, phái đoàn này mới đưa ra được một bản báo cáo cuối cùng và được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong bản báo cáo Lytton, Hội Quốc Liên buộc tội Nhật Bản là kẻ xâm lăng. Thế là Đông Kinh bước ra khỏi Hội Quốc Liên, và kể từ đó Hội Quốc Liên không còn hoạt động nữa. Cuộc xâm chiếm Mãn Châu đem lại cho Nhật Bản nhiều lợi ích về quân sự. Trước hết, đó là bàn đạp đầu tiên của Nhật tại lục địa Á Châu, và là căn cứ quan trọng và cần thiết để mở cuộc chinh phục Trung Hoa bên dưới Vạn Lý Trường Thành. Nhưng hậu quả quan trọng nhất là biến cố Mukden đã cho Hitler của Đức và Mussolini của Ý một kinh nghiệm về phản ứng của Tây Phương. Sau này chính Hitler và Mussolini đã bắt chước Nhật làm những cuộc tấn công cục bộ tại Âu Châu mà không gặp phản ứng của các cường quốc Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Về sau chính Nhật Bản lại tái áp dụng kinh nghiệm Mukden một lần nữa tại Lư Cầu Kiều để lấy cớ đánh chiếm Bắc Kinh, mở đầu cho cuộc Trung-Nhật chiến tranh đẫm máu. Riêng đối với Phổ Nghi thì đây là cơ hội được bước lên ngai vàng một lần nữa, và có một căn cứ để hy vọng trả thù cho linh hồn các tiên đế, phục hồi lại di sản nhà Thanh và tái chiếm Cấm Thành. Trong mùa hè 1931, sau hai năm chờ đợi trong An Hoa Viên, Phổ Nghi nhận được tin của Tướng Honjo, tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông, thông báo Phổ Nghi phải sửa soạn chờ ngày lên đường trở về Mãn Châu. Trong lúc chờ đợi, Phổ Nghi viết sẵn những đạo dụ bổ nhiệm các chức quan tước của triều đình mới, và sai hai người cháu vừa tốt nghiệp trường Võ Bị Sĩ Quan Nhật Bản, đi lên vùng Đông Bắc để chiêu dụ lấy lòng các thân vương Mông Cổ. Phổ Nghi cũng đưa cho hai người cháu nhiều vàng ngọc đem biếu các lãnh tụ Mãn Châu. Các lãnh tụ Mãn Châu đã sớm đầu hàng quân đội Nhật. Theo lời yêu cầu của một sĩ quan Nhật cao cấp, Phổ Nghi viết một lá thư cho lãnh tụ kháng chiến quân Mã Chiếm Sơn và một số thân vương Mông Cổ, khuyên họ nên hàng phục người Nhật. Phổ Nghi cũng viết thư ra lệnh cho em trai đang du học tại Nhật Bản, phải liên lạc với tân bộ trưởng Chiến Tranh và thủ lãnh đảng Hắc Long. Phổ Nghi cẩn thận viết những lá thư bằng lụa vàng. Ba tuần sau khi gửi thư đi, Phổ Nghi được gặp Đại Tá Doihara, đại diện cho Quân Đoàn Quan Đông. Doihara chuyển lời của các cấp chỉ huy của ông ta cho Phổ Nghi biết rằng đã đến lúc Phổ Nghi phải rời Thiên Tân để đi lên vùng Đông Bắc. Doihara xây dựng binh nghiệp qua cuộc xâm lăng Trung Hoa. Doihara đến Trung Hoa năm 1913 và là phụ tá cho một đại tướng trong Quân Đoàn Quan Đông. Năm 1924, Doihara cộng tác mật thiết với Trương Tác Lâm, nhưng khi Quân Đoàn Quan Đông muốn loại bỏ Trương Tác Lâm năm 1928, thì chính Doihara là người tham dự kế hoạch đặt bom ám sát họ Trương. Ngay sau đó, Doihara được thăng chức đại tá và giữ nhiệm vụ điều khiển các hoạt động tình báo tại tổng hành dinh Mukden. Trong những năm từ 1931 đến 1937, Doihara tham dự nhiều hoạt động bí mật phá hoại tại Trung Hoa, như tổ chức bạo động, thiết lập các thứ chính phủ bù nhìn, và đặt kế hoạch khai ngòi chiến tranh, cũng như các hoạt động lật đổ các tổ chức chính quyền Trung Hoa. Năm 1937, Doihara được thăng chức tướng. Trong cuộc tiếp xúc lần đầu với Phổ Nghi, Doihara ân cần hỏi thăm sức khỏe của Phổ Nghi, rồi giải thích các hoạt động của người Nhật cho Phổ Nghi biết. Để tránh mọi sự hiểu lầm, Doihara nhờ Yoshida làm thông dịch viên trong cuộc đối thoại với Phổ Nghi. Theo Doihara thì sở dĩ người Nhật phải ra tay chiếm Mãn Châu là vì Trương Học Lương đã đưa Mãn Châu vào một tình trạng tuyệt vọng, và Nhật Bản đã phải dùng đến võ lực để giúp Mãn Châu. Doihara quả quyết rằng Nhật Bản không hề có tham vọng đất đai tại Mãn Châu, và thành thực muốn bảo vệ người Mãn Châu và giúp họ thành lập một quốc gia độc lập. Doihara hy vọng rằng Phổ Nghi không nên bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp được trở về vùng đất tổ, để nắm quyền lãnh đạo Mãn Châu. Nhật Bản sẽ ký một thỏa ước liên kết với Mãn Châu và chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của tân quốc gia sẽ được Nhật Bản bảo vệ. Với tư cách là người lãnh đạo, Phổ Nghi sẽ xử lý mọi việc. Nhưng vẫn còn một vấn đề lớn làm Phổ Nghi rất đỗi lo ngại, và Phổ Nghi hỏi Doihara tân quốc gia Mãn Châu sẽ theo chính thể nào. Doihara trả lời úp mở, “Theo như tôi được biết thì đó là một quốc gia độc lập và tự chủ, và dưới quyền lãnh đạo của Hoàng Thượng.” Phổ Nghi hỏi tới, “Đó không phải là điều tôi muốn hỏi. Tôi ước muốn biết quốc gia sẽ theo chính thể cộng hòa hay quân chủ? Có phải là một nước theo chế độ quân chủ không?” “Vấn đề này sẽ được giải quyết sau khi Hoàng Thượng tới Mukden.” Phổ Nghi nhấn mạnh, “Không. Tôi sẽ chỉ đi Mãn Châu nếu đó là một cuộc phục hồi ngai vàng.” Doihara khẽ mỉm cười và trả lời, giọng vẫn ôn tồn như cũ, “Dĩ nhiên tân quốc gia sẽ là một nước quân chủ; điều đó rõ ràng lắm rồi.” “Tốt lắm. Nếu là chế độ quân chủ thì tôi sẽ đi.’’ “Trong trường hợp đó, tôi xin Hoàng Thượng khởi hành đi Mãn Châu ngay, và phải trước ngày 16. Chúng ta sẽ bàn cãi về chi tiết tại Mukden. Yoshida sẽ thu xếp cho chuyến đi của Hoàng Thượng.” Sau khi Doihara trở về Mãn Châu rồi, Yoshida bảo Phổ Nghi đừng nói một điều gì cho tổng lãnh sự Nhật biết về cuộc gặp gỡ Doihara, và hắn sẽ thu xếp chuyến đi của Phổ Nghi tới tận Đại Liên. Phổ Nghi muốn giữ kín việc gặp gỡ Doihara, nhưng ngay ngày hôm sau các báo đã loan tin đó. Trần Bảo Châu và một số vị sư phó khác rất kinh hoàng khi hay tin Phổ Nghi gặp gỡ Doihara. Ba ngày sau khi gặp Doihara, Phổ Nghi phải tiếp một phái đoàn của chính phủ Nam Kinh do Tưởng Giới Thạch phái tới. Bây giờ Tưởng đề nghị tái lập lại các Đặc Ân cho Phổ Nghi, và mỗi năm trợ cấp cho Phổ Nghi một món tiền lớn, với điều kiện Phổ Nghi không được sống tại Nhật Bản hoặc vùng Đông Bắc. Làm sao Phổ Nghi có thể tin được một người như Tưởng Giới Thạch, nên chỉ trả lời một cách lững lờ. Lần thứ hai phái đoàn này đến thăm Phổ Nghi thì Phổ Nghi đã rời Thiên Tân rồi. Phổ Nghi cũng nhận được nhiều thư cảnh cáo, trong đó có một lá thư của một người trong dòng họ, khuyến cáo Phổ Nghi không nên coi kẻ thù như cha, và yêu cầu Phổ Nghi phải bảo vệ phẩm cách cho người Trung Hoa. Hai ngày trước khi Phổ Nghi rời Thiên Tân, Phổ Nghi nhận được một giỏ trái cây trong đó có gài hai quả bom. May mắn người Nhật đã khám phá được hai trái bom đó. Yoshida cho Phổ Nghi biết hai trái bom đó do xưởng đúc khí giới của Trương Học Lương chế tạo. Một đầy tớ thân tín của Phổ Nghi nhận được điện thoại của một người bồi trong một nhà hàng ăn, báo cho biết có nhiều người khả nghi hình như mang vũ khí trong người, đang dò hỏi về Phổ Nghi. Người bồi cũng quả quyết rằng những người đó là người của Trương Học Lương. Hai quả bom, những lá thư hăm dọa, cú điện thoại của người bồi thực ra là do chính Doihara tạo ra để lung lạc Phổ Nghi. Sau đó Doihara tạo ra một cái gọi là “Biến Cố Thiên Tân,” bằng cách thuê người Trung Hoa gây náo loạn trong thành phố. Bộ tư lệnh Nhật lấy lý do đó để công bố tình trạng khẩn cấp tại khu tô giới Nhật, và cắt đứt mọi liên lạc tại Thiên Tân. Trong lúc đó thì xe bọc sắt của quân đội Nhật tiến tới bảo vệ cho An Hoa Viên, cô lập An Hoa Viên với thế giới bên ngoài. Sự cô lập đó khiến Phổ Nghi không còn bị ai lung lạc nữa. Chỉ có hai người có thể ra vào được An Hoa Viên là cha con Trịnh Thiếu Tự, một cố vấn thân Nhật của Phổ Nghi. Biến cố Mukden quả thực đã thay đổi số phận Phổ Nghi hoàn toàn. Đúng ra những phát súng đầu tiên của Đệ Nhị Thế Chiến đã nổ từ Mukden. Với một nhịp điệu thách đố sự hợp lý, chiến tranh đã khai mào và chấm dứt cùng một nhạc điệu. Những phát súng cuối cùng của thế chiến cũng vang lên trên những cánh đồng Mãn Châu. Thực là lạ lùng, Phổ Nghi đã xuất hiện trên sân khấu chính trị hai lần, khi tấm màn mở ra với chiến tranh và cũng đúng lúc tấm màn hạ xuống, khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt.