Mớ tiếng kêu vỡ lở như sóng cồn lọt tận vào trong nhà máy làm cho Thuật lạnh người: - Sập lò!... Sập lò!... Anh hoảng kinh đâm bổ ra đường, chẳng kịp nghĩ gì đến trách nhiệm và công việc. Túm lấy một chị đàn bà vừa chạy vừa kêu như ma bắt, anh quát to: - Cái gì thế? Sập lò à? - Phải, sập lò số 4! Thuật tối mắt lại, trái tim anh như ngừng hẳn; một cái rùng mình lạnh buốt chạy xộc vào tâm hồn anh. Thuật buông người đàn bà ra, chạy đâm bổ về phía cửa lò số 4. Trên đường, người ta lũ lượt cũng chạy cuống cuồng như anh. Ra tới chỗ nạn, Thuật thấy cai Tứ và cả chủ nữa đã có mặt tại đấy và đương đốc thúc phu xẻng cuốc bới nhanh để cứu những người bị nạn... Thuật rùng mình nhìn mảng đất gò đỏ như rớm máu đã sụt lấp hẳn cửa lò, cái cửa mà mọi khi anh vẫn ngày hai buổi chui ra chui vào như một đàn chuột, cùng với năm người bạn. Anh mừng thoát nạn bao nhiêu thì anh lại lo sợ cho tính mệnh năm người bạn thân của anh bấy nhiêu. Nhìn quanh những người có mặt tại đấy, Thuật hỏi vu vơ: - Tại sao thế các ông? Tai sao cửa lò tự nhiên lại sập được? Không ai trả lời vì hết thảy còn rối rít kẻ cuốc người xúc đất để cứu bọn người bị nạn mà họ không biết sống chết ra làm sao. Tiếng ông chủ quát: - A-lê, mau lên! Cai Tứ cũng tiếp theo: - Mau lên các anh! Mau lên không có họ chết ngạt mất! Hai cái mệnh lệnh khẩn cấp ấy nhắc tới bổn phận mình. Anh giằng cái cuốc ở tay một người phu già rồi ra sức làm việc. Thực là một cảnh tượng thê thảm! Những người nào cuốc và xúc đất cũng làm mải miết, làm không kịp thở, làm như một bọn người máy bị điện truyền rất mạnh. Những người đứng ngoài thì lăng xăng bàn tán, hỏi han, bàn nhau đoán phỏng, thở than làm cho cái cảm giác kinh khủng càng thêm nặng nề... Chính ngay cai Tứ và ông chủ cũng tỏ ra vẻ lo lắng nghiêm nghị mặc dầu cái tai nạn kia họ biết chẳng bao giờ lại có thể xảy ra cho bản thân họ được, mặc dầu cái mạng thằng culi, họ vẫn quen coi bất quá như mạng con chó con gà. Ngót trăm người phu ra sức làm việc hơn một tiếng đồng hồ cửa lò mới thủng được một lỗ bằng miệng thúng. Một luồng khói đen lẫn cả than và cát bụi phụt ra như cái hơi thở từ mồm con quái vật. Bọn phu hoảng sợ nhảy trái sang hai bên và kêu lớn: - Ghi-du!... Ông chủ cau mặt hỏi cai Tứ: - Grisou? - Uẩy me sừ! - Cest grave, alors!... Mặt ai nấy càng tái nhợt vì một khi lò đã bị sập vì hơi ghi-du nổ thì bọn người bị nạn kia không một ai còn sống được nữa. Họ chết cả rồi, mà chết một cách ghê gớm, thảm đạm. Công việc cấp cứu tự nhiên cũng bớt gấp vì ai nấy đều biết rằng có làm vội cũng chẳng ích gì. Tuy vậy, dưới ngót trăm cái mỏ cuốc cùng nhắc lên giáng xuống đều đặn, cửa lò đã dần dần mở rộng ra. Mấy người khỏe mạnh nhất, gan góc nhất mà chủ chỉ mặt, trong số đó có cả Thuật nữa cùng leo vào lô ri. Máy chuyển... Lô ri từ từ hạ xuống đáy giếng... Đám đông hồi hộp chờ... Độ mười phút sau, cái thây chết thứ nhất được đem lên ánh sáng. Rồi cứ lần lượt cái nọ tiếp cái kia bày sát cánh nhau... Không ai có thể nhận được xác nào là Dương, xác nào là lão già Mẫn, cái nào là của Thông, của Lộc nữa. Vì, như một đàn lợn bị chết trong đám cháy, tất cả sáu cái xác đều đen thui như than và trương nứt chín nhừ cả ra, không còn lấy một mảy râu tóc, không còn lấy một manh áo quần nào nữa; chân tay thì co quắp lại; mặt mũi biến dạng trông rất ghê sợ và thê thảm. Trước tình cảnh ấy và nghĩ tình bạn bè, Thuật ứa nước mắt trong khi những tiếng khóc than não nùng của thân nhân các người bị nạn làm vang động một vùng. Không khí như trở nên nặng nề khó thở. Đám đông im lặng tựa hồ bị một cảm giác khủng khiếp làm tê dại đi... Ông chủ bảo cai Tứ sai người đi mua sáu cỗ áo quan gỗ tạp để sửa soạn chôn cất cho nạn nhân, một mặt ông làm giấy trình các nhà chuyên trách đến khám nghiệm... Mọi việc sắp đặt đến khoảng ba giờ thì xong. Người ta đem chôn sáu cái xác một cách lặng lẽ không kèn không trống, và sau khi đã an táng thi hài của sáu anh phu mỏ, ông chủ truyền gọi thân nhân họ lên giảng dụ và cho mỗi người hai mươi đồng. Món tiền hai mươi đồng không thể bù được sự thiệt thòi về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất mà mỗi gia đình nạn nhân phải chịu. Nhưng đó còn là khá lắm, ông chủ này còn là nhân đức lắm, chứ lần xảy ra tai nạn trước, mỗi nhà chỉ được có năm đồng! Công việc của pháp luật và của mỏ đối với nạn nhân thế là xong. Nhưng bọn phu phen thì trái lại bàn tán mãi về cái chết của sáu người anh em cùng số kiếp của họ, sáu người vui tính, ngay thẳng và tốt bụng mà ai cũng yêu mến. Họ nói mãi, xì xào ở trong xưởng máy cũng như ngoài đường, giữa lúc làm việc cũng như khi ngồi chơi suông: - Mẹ kiếp, cái đời culi mỏ thực chẳng bằng đời một con trâu cày! - Sống thì sống nhục sống nhã, sống khổ sống sở mà chết thì chết một cách thảm thê, khốn nạn!... - Biết thế đấy nhưng vẫn phải đâm đầu vào mà làm. Không làm thì đói cũng chết! - Hai mươi đồng với một cỗ săng gạo! Đấy, cái giá của mỗi thằng chúng ta. - Còn là được giá đấy! Lúc hạ thì chỉ một cỗ săng với năm đồng!... Thuật lắng tai nghe... Anh không nói gì cả nhưng không để sót một câu nào. Anh cúi đầu ngẫm nghĩ, mặt buồn rười rượi. Nhất là câu nói cuối cùng của một anh chàng trẻ tuổi làm cho Thuật càng cảm thấy xót xa. - Dăm, mười đồng bạc một mạng người!... Anh lẩm bẩm: - Chẳng thà họ đừng cho đồng nào lại còn hơn! Thực thế! Một cuộc đời mất đi cả một mớ thương tiếc, nhớ nhung, đau đớn, sầu não gieo vào lòng những ai là kẻ thân thuộc của người chết. Nếu ta không có phép gì hồi sinh được cái mạng đó thì ta cứ yên lặng cho thân nhân người ta tiếc thương nhau. Trong đời con người ta cái gì cũng đem đánh giá bằng tiền, cả những nghĩa tình thâm trọng cũng nhiễm hơi tiền, thế thì cái chết nên được thoát li đồng tiền là phải. Tuy không hiểu và không nói ra một cách rành mạch Thuật rất đau đớn khi thấy người ta đánh giá bằng năm mười đồng bạc cả cái công phu hai, ba mươi năm trời của một người mẹ. Anh cho rằng tất cả cái tàn nhẫn của người đời, có cái ấy là tàn nhẫn hơn hết! Hết giờ làm, Thuật buồn rầu trở về thấy vợ ra đón ở cửa anh cũng chẳng thèm cười nói gì cả. Tép cũng biết nguyên do nỗi buồn của chồng nên không oán trách gì. Cô đưa con cho Thuật. - Anh bế con để em đi dọn cơm. Tiếp lấy đứa bé, Thuật rùng mình ghê sợ. Anh cố cười lên một tiếng để lấp câu nói của người phu bạn mà không được. Anh cố xua đuổi nó đi nhưng nó càng văng vẳng, rõ rệt bên tai anh: "- Dăm, mười đồng với một cỗ săng gạo! Đó, cái giá của mỗi thằng culi!"...Tiếp liền câu ấy là câu của Dương lạnh lẽo như một lời báo trước đưa lại từ cõi âm: "Đẻ con ư? Để khi lớn lên, nó lại chui đầu vào hầm mỏ suốt đời ấy à?". Thuật ghì chặt đứa bé vào lòng, thở dài một tiếng não nuột. Đứa bé cựa quậy trong lòng anh làm cho anh càng không thể quên được những lời thảm đạm mỗi lúc một gần lại, một rõ rệt, như mũi kim lạnh buốt đâm vào tim anh... Tép bưng mâm cơm lên. Thuật ngao ngán nhìn đĩa muối vừng, chén tương, đĩa rau luộc và một khúc cá bày lỏng chỏng trên chiếc mâm gỗ. - Nào, đưa con cho em mà đi ăn cơm! Thuật điềm nhiên: - Mua cho tôi mấy xu rượu. Tép ngẩng mặt nhìn chồng hình như nghe nhãng. Thuật nhắc lại, hơi gắt: - Đi mua cho tôi mấy xu rượu! Tép nín lặng tìm cái chai con đoạn bước ra ngoài. Thuật dặn với: - Mua năm xu ấy! Chẳng có gì nhắm mà Thuật cũng cứ khề khà ngồi uống. Anh còn nhớ một lần say rượu, anh mê man không nhớ gì nữa cả. Nay anh cũng phải say, say để khỏi thương nhớ bạn, để khỏi phải nghĩ ngợi vẩn vơ, và nhất là để khỏi ngậm ngùi cho cái số kiếp mình, số kiếp của vợ con anh mà anh không thể nào thay đổi khác được, mặc dầu anh rất muốn thay đổi. Tép vừa ủ con vừa ăn, thỉnh thoảng lại nhìn trộm Thuật. Chồng chị vẫn khề khà uống, vẫn khề khà nhấm nháp, vẫn âm thầm bực dọc. Một bầu không khí nặng nề bao phủ hai vợ chồng trẻ, mọi khi hễ gặp nhau là vui như hội, nói cười ríu rít như đôi chim xuân... Tép khó chịu vì sự im lặng kéo dài bèn cất tiếng nói: - Tội nghiệp các anh ấy quá! Thuật cúi đầu thở dài. Tép lại tiếp theo, cố gợi chuyện: - Vừa mới hôm nào uống rượu ở đây còn nói cười nheo nhéo thế mà nay đã thành ma! - Ấy cái số kiếp những thằng nghèo là khốn nạn như thế cả!... - Anh có được nom thấy tận nơi không? - Thì chính tôi xuống lò để khuân xác các anh ấy lên mà lại. Tép sợ hãi: - Ghê lắm đấy nhỉ? - Lại chả ghê! Anh nào cũng cháy đen lại, trương nứt lên, ruột gan lòi cả ra như những con lợn chết cháy. Tép nhăn mặt: - Trời!... Rồi cô nhìn chồng bằng một vẻ nửa mừng nửa sợ: - Thế mà không lên nhà máy làm thì có chết không! Thực rõ phúc đức quá!... Thuật cầm chén rượu uống để khỏi trả lời vợ. - À, thế anh có nhận được mặt các anh ấy chứ? - Nhận thế nào được nữa! Đã bảo nó cháy đen lại... - Chết chửa! Thế người ta làm thế nào mà nhận được để đánh dấu mồ mả về sau này? - Lúc sống còn chẳng ra chó gì nữa là lúc chết! - Thì cũng phải nhận lấy mồ mả chứ? - Vẽ chuyện, đất rừng, mấy mống cỏ tranh mọc rậm kín ngay đấy mà. Thuật lại uống; mặt anh đỏ gay gắt, mắt anh nhìn trừng trừng; giọng anh nói như thấm đầy nước lệ... - Hừ! Anh Dương!... Nghĩ lại những lời anh nói lại thương anh quá! Nhưng thôi, chết quách cả đi, đem mối hờn giận vùi xuống đất thế lại xong. Sống ngày nào chỉ kéo thêm khổ não ra ngày ấy chứ ích gì! Thấy chồng nói những câu sầu muộn uất ức, Tép sợ lại gây ra sự bất hòa như mọi khi nên cô cứ lẳng lặng mặc chồng. Thuật nói nhiều lắm; giọng anh càng lâu càng ngùi ngùi như khóc tỏ ra trong lòng anh chứa chất nhiều phiền não ngấm ngầm. Tép ăn xong, vô phép cơm chồng để đứng dậy. Thuật bảo: - Mình vào buồng đặt cho con ngủ rồi ra mà dọn dẹp đi. Tôi không ăn cơm đâu. Đáng lẽ tôi làm đỡ nhưng say quá... Tép thở dài. Từ khi hai người lấy nhau, lần này là lần thứ nhất Thuật uống rượu đến say. Tép buồn rầu và lo rằng từ nay Thuật sẽ cứ say mãi mãi, vì Tép biết rằng chồng mình tuy là người ít chữ nghĩa nhưng thực hay tư lự lắm. Mà để khuây buồn, người đàn ông, nhất là khi người ấy lại chỉ là một anh phu mỏ nghèo hèn, còn có gì tiêu khiển ngoài mấy chén rượu cồn nữa?... Tép lo lắng và nghĩ vơ vẩn đến cái chết của ông già Tị. Cô cảm lờ mờ thấy rằng cuộc đời của người phu mỏ nào thì rồi cũng như nhau cả, cùng một kiểu mẫu, cùng một đường lối thế thôi. Trong khi Tép vừa dọn dẹp vừa nghĩ ngợi như thế thì Thuật nằm lăn ra phản ngủ lúc nào không biết. Mắt anh giương lên, lờ đờ như mắt lợn luộc; miệng anh há hốc và tự trong đó bay ra một tiếng khò khò đều đặn và nồng nặc hơi men.