Khi nghe đọc các luật tục, từ tộc người này đến tộc người khác, ta có thể nhận ra một điểm nổi bật là sự giống nhau về bản chất, dầu họ ở xa nhau và có các phương ngữ khác nhau. Ðương nhiên là có những biến thể, liên quan đến chế độ gia đình, đến việc kế thừa, về trách nhiệm, nhưng nền tảng - cả nguồn gốc nữa, hẳn vậy - đều là chung, cùng một tinh thần ấy, hình thức vần thông theo cùng một nhịp điệu. Hiện nay mới chỉ có bộ luật tục Êđê được sưu tầm và xuất bản đầy đủ. Một nghị định ban hành năm 1923 đã chính thức hóa bộ Biduê này: "Việc xét xử được tiến hành theo tục lệ bản địa ở Ðaklak: "do các trưởng làng và các po lan, chủ đất, "do tòa án được thiết lập ở trụ sở tỉnh... "Việc xét xử tại các tòa án ở làng và tòa án tỉnh phải tuân theo: 1° pháp chế của luật tục truyền miệng dưới hình thức gọi là Biduê; 2° các lối vận dụng riêng của từng tộc người..." Luật tục Srê, hay Nri, đã được sưu tầm và nay mai sẽ được xuất bản. Ðối với các tộc người khác, công việc mới chỉ còn ở giai đoạn mầm mống... Nên việc nghiên cứu của chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào bộ Biduê và bộ Nri, mà chúng tôi sẽ phân tích và so sánh, nhận ra ở đấy kết quả của một tư duy chung, chung cho những người Tây Nguyên, chung cho nhiều dân tộc khi họ còn ở giai đoạn đầu này trong lịch sử của họ. Ðặc biệt, tư duy Hébreu khi nói về các chân lý lớn cũng vậy; có những câu châm ngôn trong các Sách Thánh giáo mà ta có thể gặp lại, gần như là dịch nguyên văn trong Luật tục: "Dấm đối răng và khói đối với cọn mắt thế nào, thì kẻ lười biếng đối với người gửi nó đến cũng hệt thế." (Cách ngôn 10) "Người đầu tiên nói trong vụ kiện của anh ta có vẻ đúng; rồi đến lượt phe đối lập và người ta sẽ xem xét." (Cng. 18) "Cũng như lửa làm cho cục sắt trở thành bén, một kẻ này kích động sự tức giận của kẻ khác." (Cng.27) - "Kẻ nói nhẹ nhàng làm ta bị thương như một mũi kiếm; nhưng lời nói của người hiền lại chữa cho ta lành." (Cng. 12) (Biduê số 22) - "Kẻ đem đến một bằng chứng giả dối chẳng khác gì một mũi tên." (Cng. 25) "Như con chim sổ lồng, như con én tung bay, lời nguyền rủa không có nguyên nhân chẳng tác dụng gì." (Cng. 26) "Ðừng có sàn theo mọi hướng gió, và đừng có đi bất cứ con đường nào; con người có cái lưỡi kép là như vậy đấy." (Hội thánh 5) Ngay cả hình thức thơ cũng tuân theo những quy luật giống nhau, về nhịp điệu và vần thông. Truyền thống còn giữ được sinh động một hệ thống pháp lý chuẩn xác và có tổ chức đến mức ta có thể nói đến một "Tập quán pháp", xác định cách ứng xử của mọi người và được mỗi người biết đến, bộ luật về những mỹ tục của cuộc sống ở Tây Nguyên, bộ luật truyền khẩu và chặt chẽ, di sản của tổ tiên và là tài sản của nhân dân. Bộ Luật là một thứ "viên nén" về cuộc sống ở đây; đọc sưu tập bộ luật tục ấy, ta có thể dựng nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về cuộc sống đó. Vì yêu cầu của việc trình bày, chúng tôi đã nghiên cứu riêng phần luật pháp và phần tôn giáo, nhưng trong thực tế không hề có ngăn cách giữa các hiện tượng tôn giáo và các hiện tượng luật pháp. Chúng ta có thể có một ý niệm về tổng thể một kết cấu như vậy và tầm rộng lớn của lĩnh vực mà nó bao quát, khi đọc mục lục của bộ Biduê Êđê, mà hầu hết các điều mục cũng thấy có ở bộ Nri: " - Về các hình phạt, về các vụ tòng phạm, về những người vu khống...; " - Về các tội ác và tội chống lại người thủ lĩnh (không tuân lệnh thủ lĩnh,... về những người bỏ làng ra đi mà không báo cho thủ lĩnh...); " - Về các tội ác và các tội do thủ lĩnh phạm (về người thủ lĩnh che dấu dân của mình, về người thủ lĩnh áp bức dân của mình...); " - Về những tội ác và tội chống lại người khác (về những kẻ lang thang, những người có bệnh truyền nhiểm, những kẻ gieo phù chú, những kẻ đốt nhà, những kẻ lười biếng...); " - Về việc cưới xin (lễ hỏi, hồi môn, luật thay thế, sự thủy chung, không chịu động phòng, ngoại tình, hiếp dâm, loạn luân, bắt cóc, phá thai...;) " - Về cha mẹ và con cái (trách nhiệm, sự không vâng lời); " - Về các trọng tội (giết người, đầu độc, đánh đập và gây thương tích, tai nạn; về những người điên, những người say rượu...); " - Về tài sản (thừa kế, mua và bán, vay mượn, lãi, ăn trộm, trộm ngũ cốc, trộm súc vật); " - Về gia súc (trâu chọi nhau, phá hoại mùa màng, bẫy...); " - Về chủ sở hữu đất đai, quyền hạn và bổn phận của người po lan. Toàn bộ cuộc sống công cọng và riêng tư đều được quy định ở đấy. Kết cấu của bộ Nri cũng gần giống như vậy; tuy nhiên các chương về các thủ lĩnh (tội chống lại thủ lĩnh và bổn phận của thủ lĩnh) hạn chế hơn nhiều; điều về các tối chống lại người khác cũng rút gọn hơn. Luật hôn nhân ở đây cũng được coi trọng như vậy; trái lại không có vấn đề về cha mẹ và con cái; điều về các trong tội cũng phong phú như vậy; điều về tài sản càng rộng hơn, chiếm đến một phần ba các bản văn được đọc. Ở vùng người Srê, phần lớn các vụ xử kiện là về việc tranh chấp tài sản, của cải. Hầu hết các vụ khác là về chuyện nguyền rủa nhau. Mỗi điều là một bài thơ tượng trưng nhỏ có nhịp điệu. Không thể nói là đối với mỗi trường hợp được nêu lên, vị quan tòa cứ máy móc đọc ra vài khổ thơ nào đó trong luật tục áp dụng trực tiếp vào trường hợp đó. Có những sáo ngữ có thể dùng ở mọi chỗ như: "vụ việc đã cũ như một cái củ rỗng", những công thức chung cho nhiều vụ việc; lại phải soạn ra, lấy ở chỗ này chỗ nọ những chuỗi kết hợp các hình ảnh chung thích hợp với trường hợp đưa ra. Vị quan tòa, sau khi nghe các bên, tìm một gung (con đường), nghĩa là sợi dây, cái chuỗi các câu nghi thức có nhịp đáp ứng đúng đề tài của mình; đã tìm được cái ấy rồi và đã bắt đầu đọc, là ông ta thao thao bất tuyệt, một hình ảnh này lại gọi hình ảnh kia do kết hợp ý tứ và vần thông; tam tiip, "chúng gặp nhau", chính họ nói như vậy [1]. Sau khi đã nghe đọc luật tục, mọi bàn cãi đều là thừa - "từ ngàn xưa đã như vậy rồi" - và sự vụ đã được giải quyết, những lời nói ngày xưa có sức nặng đến thế đấy. Mỗi điều của Luật tục là một ẩn dụ được phát triển ra. Hình như nói chung bao giờ chúng cũng đi bên cạnh đề tài và không bao giờ có vế thứ hai của cặp so sánh; ta không bao giờ thấy được ý tưởng muốn đi đến đâu, khi các hình ảnh táo bạo đến thế. Rời bỏ lĩnh vực biểu tượng thuần túy, ý tưởng đột ngột tập trung vào trường hợp tranh chấp, vận dụng vào đó, bao gộp lấy nó và giải quyết vấn đề; thỉnh thoảng một ẩn dụ nhắc lại chuổi hình ảnh cổ xưa. Trừ một số ít ngoại lệ, việc tuyên án không nằm trong phần đọc luật tục. Bộ Biduê có phần nói đến vế thứ hai nhiều hơn và thường chỉ ra cả hai vế của cặp so sánh; cứ trở đi trở lại kiểu: "Kẻ nào làm... cũng giống như...; nó có tội vì...". Bộ Nri chủ yếu gồm những lý do được diễn đạt một cách ẩn dụ, tới mức rất khó hiểu nếu ta không thật có thói quen và nhiều khi có những câu chữ vẫn tối nghĩa đến gây lúng túng. Ở vùng Srê, có những cụ Già làng biết cách phân biệt trong bộ Nri những jönau yal, những lý do biểu tượng, có nhịp điệu, được hát lên và không ngừng trở đi trở lại - jönau cah rönya, sự vận dụng vào vụ tranh chấp đang xử và việc xử có tội hay không; hai phần của một ddös nri (ngôn ngữ luật pháp cổ) -, và jönau dous, món tiền phạt phải trả để giải quyết vụ việc, được nói bằng ngôn ngữ thông thường. Như vậy hình phạt là một bộ phận ở bên cạnh của bộ luật; nó đã được biết trước vì theo truyền thống nó đã gắn liền với việc vi phạm một tục lệ nào đó. Ðấy là món tiền người vi phạm phải trả cho người bị thiệt, giá trị sẽ từ một ché rượu, đến một con gà, một con lợn, một con trâu hay một chiếc chiêng, tùy theo mức độ phạm tội [2] và ở vùng Êđê thì tùy theo sự giàu có của con nợ [3]. Không có chuyện phạt tù; nhưng ta thấy có phạt làm nô lệ: phải sống một thời gian ở nhà người chủ nợ, và làm việc cho anh ta; nhưng nói chung không có chuyện đối xử xấu. Tình trạng nô lệ có thể được chuộc bằng cách trả "giá thân thể": ở vùng Êđê là một chiếc chiêng bằng đường kính một khuỷu tay và một gang, ở vùng Srê là bảy chiêng, hay bảy trâu, hay bảy tấm chăn (oui lang). Người Srê không biết đến tội tử hình, nhưng luật tục Êđê có dự kiến tội này đối với bọn cướp và đốt nhà, ngày nay được giảm thành tù chung thân. "Người ta sẽ chém đầu nó bằng một thanh gươm lớn, sẽ cắt cổ nó bằng con dao sắc, và người ta sẽ vứt xác nó ra ngoài bãi cho kênh kênh và quạ, hay người ta dẫn nó vào rừng sâu, treo cổ nó lên một cái cây, và bỏ mặc nó cho thú dữ..." (Biduê, 49). Ở vùng Srê, tội bị phạt nặng nhất là loạn luân, ngày xưa rất ít, ngày nay không còn thấy. Phải chuộc tội với các Thần linh bị xúc phạm và với dân làng. Ngày chuộc tội, lễ chuộc tội, hiến sinh và bữa ăn phải tiến hành trên một bãi cỏ, giữa trời, để Thần Mặt Trời chứng giám. Chất của vật hiến sinh phải đúng với chất của tội lỗi: loạn luân là sự đi lại của hai người giống nhau (về dòng máu), cho nên phải cúng những con vật giống nhau: bảy con gà trắng, bảy con dê trắng, bảy con lợn trắng, bảy con trâu trắng. Hai người có tội phải đeo gông suốt trong ngày giải tội công cộng đó. Thần Sấm trừng phạt những cuộc ghép đôi không phải phép; nhưng vì có sự ưa thích đối với tất cả những gì màu trắng, nên người ta cúng cho Thần những con vật màu trắng để Thần no đủ và cho con người được yên ổn. Ðôi khi hình phạt là một lễ hiến sinh tạ lỗi đối với vị Thần bị xúc phạm, như trong trường hợp tội nặng mà chúng tôi vừa kể, hoặc như trong các trường hợp khác được nói đến trong Biduê: vì đã chôn cơm nguội trong rẫy của người khác, cúng một con lợn cho vị thần đất bị xúc phạm; vì đã xây một nấm mộ trong rẫy của người khác, cúng một con lợn trắng; người đàn bà góa đi lấy chồng trước khi bỏ mả phải cúng một con lợn cho hồn người chết; kẻ phạm tội hiếp dâm phải cúng một con trâu, v.v. (số 93, 117, 152 bộ Biduê). Ðể có thể xem xét sự thống nhất về tinh thần đã chi phối Luật tục, được diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau, và sự độc đáo trong cách diễn đạt ấy, chúng tôi xin dẫn ra song song sau đây, vài điều của bộ Biduê và bộ Nri, những "chuỗi" các công thức biểu tượng được đọc bằng một ngôn ngữ huyền bí: Về người đàn bà không chịu tang trước khi bỏ mả chồng "Mộ còn chưa đắp, nấm còn chưa xong, người ta còn chăm lo cho linh hồn người chết - mộ mở ra, quan tài dựng dậy, vì người vợ không để tang cho đúng - vì bà không để tóc xõa rối bù, vì bà không chống tay vào cằm, vì bà không để tang cho đúng đối với người chồng đã chết, mục nát như hạt thóc... - Gói thuốc, bà đem chia đôi (một phần cho người chết, một phần cho người tình); bà ve vãn người ta, bà ngủ với các ông chồng, bà kéo họ vào rừng; - khi mộ vừa mới lấp xong, khi nấm còn phải chăm lo, khi người ta lo việc người chết chưa xong, khi cây chuối và khoai chưa kịp trồng (trên nấm), khi con gà con chưa được thả ra, khi chưa ai quên người chết; khi chưa bỏ mả. "Vì chuyện đó bà có tội và có vụ việc giữa gia đình người chết với bà. - Nếu gia đình người chết nghèo bà phải cúng một con trâu và trả một món đền. - Nếu gia đình người chết giàu bà phải cúng một con trâu..." (Biduê, 116). .............................................................................................................. "Mộ còn chưa sập - nhà người chết còn chưa mọt - đất còn nhớ - vậy mà mày đã chặt ngay cây cột (= mày không tôn trọng tục lệ) - mày bước qua trên ta. - Mày coi khinh cái đầu ta như đầu một con cá nhỏ (mày không sợ xúc phạm ta, giống như người ta không sợ vồ một con cá vốn không có sừng để mà chống lại) - Nằm trên một tổ mối (để cho nó đốt), lấy tay mà đập vào tổ kiến (nt) - như thế là có những quan hệ bị cấm (= tức là có thể bị đòi nợ). - Trái cây rơi xuống người ta muốn ăn - trái cây ta trồng, mày không được ăn... (= không thể tái giá khi nào mình muốn) (Nri, 30). Về việc thông dâm trong nhà người khác "Người đàn bà mang đất [vào trong nhà] đến đầu gối, mang bùn đến háng, mang đất vào đầy nhà người khác; - những kẻ làm bẩn gối người khác, nhà người ta, nơi người ta đặt thuốc lá và trầu; - những kẻ bôi bẩn chiếu người khác, bôi cáu ghét lên chăn, giao hợp với nhau trong nhà người khác như lợn và như chó... - bọn u mê và đi vào nhà riêng của người ta làm bẩn cả chiếc áo đỏ... - những kẻ đó có tội và phải đền bù." (Biduê, 149). ... "Ðất ở chân (đấy là chỗ của nó); mà mày lại bôi lên gối ta: đứa bé phải bú mẹ nó, mày lại đặt nó vào vú ta (việc nào có chỗ của việc ấy).- Người ta tập họp trong nhà để ăn thịt cúng; mày đã làm bẩn chân ta và đứa bé bám vào vú mà khóc (= trật tự và phong tục bị đảo lộn). - Có một món nợ, phải buộc dây dắt chó lại (= phải trả một món chuộc) - phải lấy cái chăn của mình một làm dây dắt (trả món chuộc này bằng chính của cải của mình)... - Ðể xóa món nợ này, phải trả sáu chiêng." (Nri, 37) Về tội hiếp dâm "Kẻ nào thấy muối muốn nếm, thấy ngựa hay trâu muốn cưỡi, thấy con gái hay vợ người giàu, con gái hay vợ của người ta muốn hiếp chẳng có duyên cớ; - nếu nó hiếp vợ người nghèo, đền một con lợn; - nếu nó hiếp vợ hay con gái người giàu, đền một con trâu." (Biduê, 152) ... "Ði qua trên con chim börling, - đi qua trên con diều hâu đang ở dưới đất... - Tôi có một con ngựa cái đẹp, những kẻ quyền thế cưỡi nó; tôi có một con trâu cái đẹp, người ta lấy mất nó của tôi." (Nri, 34) Về việc trộm ngũ cốc "Kẻ nào giật khăn quấn đầu hay túi đeo vai người ta đang mang, kẻ nào, như linh hồn người chết hay như các thần, theo đuổi người đang làm đồng; - kẻ nào trộm đầy tay hay đầy thúng kê hay thóc, trộm thóc của người giàu hay thóc của anh em; - kẻ nào ăn trộm như thế cũng có tội như kẻ giết người; - và vì chuyện đó hắn ta phạm tội rất nặng." (Biduê, 203) ... "Gỗ thường và gỗ rẽ nhánh (= có những sự vụ không quan trọng gì và những vụ khác giống như những cây gỗ rẽ nhánh rất được quý để làm các vật dụng nào đó) - có những con dế mèn nhỏ và những con dến mèn khó chịu; - chiêng chẳng giá trị gì và chiêng cổ (= có những vụ trộm nhỏ và những vụ trộm nặng). "Ta tìm thấy con chuột đồng, ta giết nó (= ta sẽ làm như thế với tên trộm nếu ta tóm được nó); ta tìm thấy con chuột nhắt, ta giết nó; - một củ trồng, đào nó lên để lấy trộm; - rau trồng nhổ nó đi; - cắt lúa của ta, chưa chín, ta bắt mày. - Ta không bú nữa, mày lấy trộm lúa của ta, mày giết ta." (Nri, 65) Chúng ta sẽ tìm thấy một sự thống nhất về cảm hứng như vậy khi so sánh các điều song song, về việc đặt lại một vụ việc đã xử rồi, về việc cháy rừng, cháy nhà, về việc hủy bỏ hôn ước, về sự chung thủy vợ chồng, về những kẻ lười biếng không chịu làm việc cho vợ, về ngoại tình, về những người cưới nhau không báo cho thủ lĩnh, về việc lấy trộm con mồi mắc bẫy, về việc lấy cắp cá trong lờ của người khác, về những kẻ giết gia súc đi vào rẫy của mình (điều 5, 80, 82, 95, 109, 112, 114, 129, 199, 207, 208, 228 trong Biduê) Vài ví dụ dẫn ra trên đây cho thấy rõ ở bộ Nri một xu hướng súc tích tối đa trong cả một thác các ẩn dụ. Bộ Biduê có dáng vẻ một bộ luật hơn. Tinh thần của pháp chế Một cuộc xem xét các hiện tượng luật pháp truyền thống kể trên đã có thể cho phép ta nhận ra những quan niệm mà chúng thể hiện liên quan đến các lĩnh vực xã hội học, tâm lý học và đạo đức, và sự trôi trượt không thể tránh đến tôn giáo, là cái, như chúng ta sẽ thấy, bao gộp tất cả. Chúng ta đã nói đến tổ chức xã hội ở Tây Nguyên; luật tục vừa là nền tảng thiêng liêng vừa là sự biểu đạt giản lược, mang tính biểu tượng, huyền bí của nó. Người Tây Nguyên có ý thức về một thiết chế vững vàng cho gia đình để tránh một sự chia xẻ con người và tài sản, sẽ là sự suy thoái của tộc người, sự sụp đổ của từng người và của tất cả, một sự bại hoại di sản tổ tiên. Chúng ta thấy dấu vết của ý thức đó trong nhiều điều của bộ Biduê hay Nri: Sự tùy tiện của riêng một người không thể đủ để quyết định một cuộc hôn nhân (quan hệ giữa hai gia đình), một cuộc chia tay, một vụ bán tài sản. Phải họp hội đồng gia đình và nghe lới nói của người Già, của người bác-chủ tịch của hội đồng đó: "Người bác không được báo trước, ông không biết vì sao người ta đánh trống - người ta không nói chuyện đó với người bác xa - người ta không đưa vòng cho người Chàm. - Ðất và Trời không nhất trí (= khi có hai phía, thì phải bàn bạc để đi đến nhất trí) - khỉ và rùa không nhất trí - Một việc ta thích, nhưng mẹ lại có thể cho là xấu (dịch nguyên văn: "tai ta nghe thuận, mà mẹ thì lại nghe như bị bỏng") - chị có thể thấy là vô vị - cha có thể cho là đắng - thủ lĩnh có thể cho là dai" (vậy thì phải xin họp hội đồng và báo cho những người lớn biết) (Nri, 32, Biduê, 129). Trong tinh thần của Hội đồng này, mối lo ưu tiên sẽ là bảo tồn gia đình, điều kiện bảo đảm tính bền vững của tài sản. Luật tục Êđê biểu đạt và cố định điều đó trong khái niệm truyền thống về sự thay thế: "Khi xà nhà gãy, người ta thay thế chúng, khi sàn nhà hỏng người ta sửa lại, khi một người chết người ta thay thế họ bằng một người khác. - Ðiều đó là để giữ mầm mống của căn nhà tranh - để bảo tồn mầm mống (của giống nòi) được truyền lại từ xa xưa - Phải giữ gìn nó như ta giữ đám rẫy cũ, như ta giữ cây củi cũ, mầm mống của tổ tiên, của các bác, các cô; phải giữ gìn nó quý giá như ta giữ giống lúa sớm và giống lúa muộn. -... Những sợ rằng gia đình sẽ tan rã, nhà sẽ suy sụp, hàng dậu sẽ tản lạc, - đường khâu chữa lại những gì đã gãy, củng cố cái gì đã yếu; - sợ rằng gia đình sẽ tản lạc trên các rẫy như những bụi lúa, sợ rằng nó sẽ bị triệt hạ, nòi giống sẽ khô cạn như nước trên ngọn núi cằn; sợ rằng sẽ không còn có con, có cháu, - vì điều đó Luật tục nói rằng phải nối lại mãi, phải thay thế mãi." (Biduê,97; một điều gần đó cụ thể hóa việc thay thế trong nội bộ cùng một thị tộc: số 98). Và lại nữa: "... Sợi dây đã đứt, phải nối nó lại, cái gì sắp vỡ, phải củng cố nó lại... để cho căn lều không đổ, để cho ngôi nhà không sụp, để cho rào dậu không bị nhổ." (Biduê, 113) Từ chuyện gia đình chuyển sang chuyện chính trị, việc thay thế các thủ lĩnh cũng như vậy: "Khi các xà ngang đã yếu... (ở đây: nhắc lại), khi người trưởng làng chết phải mời các cây chuối dại, để nối lại, để cho một người thay thế, để đặt một ai đó trên chiếc giường của thủ lĩnh, để giữ cái nắp chiếc gùi đựng đồ, để có một ai đó giữ các chiêng phẳng và các chiêng lồi, để có một ai đó chỉ huy dân làng, như người chết đã từng làm... - Những sợ rằng các người anh em chim bồ cắt, các thần làng, các anh em, các cháu chắt sẽ tản lạc trên các rẫy, rãi ra trong lúa, sợ rằng họ sẽ tản đi khắp nơi..." (Biduê, 104) Cũng một tinh thần như thế dự kiến các điều kiện của việc nhận con nuôi: ".... vì điều đó bà nhận một đứa con gái nuôi, để giữ lấy lúa giống, để có một đứa con đứng đến gối hay đến thân mình, bởi vì bà sợ rằng gia đình sẽ biến mất, nòi giống mình sẽ tắt lịm". (Biduê, 107) - khuyên bảo các thể thức trong việc chia tay, kìm hãm việc ly hôn: "... đấy là lột vòng ra khỏi tay - đấy là lấy lược ra khỏi đầu". (Nri, 142). Sự tiên liệu ấy được áp dụng một cách thích đáng vào vấn đề kép là tài sản và việc kế thừa của cải, không để cho chúng lọt ra khỏi gia đình; người Êđê và người Srê đều giao cho người đàn bà nhiệm vụ sở hữu: "Nếu người chồng có chiêng, ché, ngựa, trâu, mâm đồng, chậu thau, bát nhỏ, chén nhỏ, nếu ông ta có những của cải nào đó ông ta phải giao lại cho vợ để bà giữ... - Nếu ông đem của cải cho gia đình mình, ông sẽ có tội và sẽ có có chuyện giữa ông và vợ ông." (Biduê, 142) - "Của cải xưa, đồ trang sức củ, tài sản ngày trước, trang sức của ông bà, - phải được dùng chung. - Các chén nhỏ bằng sứ, các bát nhỏ bằng đồng, các đồ vật lặt vặt, không được đem bán để ăn; phải giữ gìn chúng mãi. - Các chiếc gùi Giarai, các chiếc giỏ,... người chị cả, cũng giống như mẹ, phải giữ gìn... (tiếp theo là kể ra một dây bất tận tất cả những gì có thể sở hữu và bắt buộc phải giữ gìn). Cũng như vậy, người ta bo bo giữ cho đất luôn ở lại trong gia đình để tránh bị phân chia: "Nếu bà cô mất, cô cháu sẽ nối nghiệp,... - như vậy sẽ không ai dám chiếm lấy đất để nhận lấy về mình." (Biduê, 230) Lúc kế thừa, khi ệôt trong hai vợ chồng chết, phần lớn tài sản nằm lại trong gia đình người vợ; chỉ một phần nhỏ thuộc về những người họ hàng giới nữ của người chồng, để tránh được tối đa việc chia nhỏ đất đai: "Tôi cứ phải nhắc mãi yêu sách của mình đến mệt lắm rồi, - mệt như là bị say nắng - tôi chọn các thứ đồ đạc trong những thứ người chết không còn sở hữu nữa. - con voi chết, nhổ ngà ra, - con tê giác chết, nhổ sừng ra; - ông ấy đã già, những người thân của ông tìm lấy phần thuộc về mình." (Nri, 53, Biduê, 182). Sự phong phú về lời liên quan đến cuộc sống xã hội đó là một biểu hiện của tinh thần bảo thủ mà chúng ta đã gặp nhiều lần ở các dân tộc có óc truyền thống chặt chẽ này.
[1]Họ cũng giải thích: tom is, coung tam tip, "thân cây thì khác, nhưng các ngọn gặp nhau", nghĩa là ý tưởng dẫn đến sự nối kết các hình ảnh thay đổi theo từng điều, nhưng sau đó các hình ảnh ấy lại trỏ lại, lại giao chéo nhau.[2]Ăn trộm thóc của người hàng xóm nặng hơn ăn trộm thóc của vợ; tội này, được coi là một trong những tội nặng nhất, bị coi như tội giết người: "Anh lấy trộm thóc của tôi, tôi sẽ chết đói; vậy thì giết chết tôi ngay đi còn hơn!" [3]Và đôi khi tùy theo cả gia sản của người cho vay: phạt một con lợn nếu người bị hại nghèo, nhưng phạt một con trâu nếu người bị hại giàu.[4]Xem chương về hôn nhân giữa một người đàn ông trưởng thành với một người đàn bà quá trẻ: "Nếu người đàn ông phản bôi vợ mình...": ở người Êđê, chẳng có chuyện gì cả; ở người Srê: tội ngoại tình.
°
Tuy có một đầu óc hẹp hòi nhất định do tâm tính tuyệt đối bảo thủ, người Tây Nguyên tỏ ra có một sự nhạy cảm tâm lý rất tinh tế. Các công thức trong luật tục chứng tỏ một sự hiểu biết về con người mà ta không thể ngờ có ở những người "nguyên thủy". Như đoạn mô tả ngắn gọn sau đây về anh chàng, để có thể được vay, đã làm ra vẻ giàu hơn là thực: "Kẻ làm ra vẻ thêu thùa tỉ mỉ cái túi đựng muối, đặt hàng cho thẳng các hạt ngô, kẻ tìm cách lừa người giàu..." (Biduê, 37) - hoặc nhận xét sau đây: "Chuyện ấy chẳng mới mẻ gì, chẳng phải hôm nay mới có, rằng thanh giằng thì đặt trên đòn tay, rằng khắp nơi, từ Tây sang Ðông, từ muôn thuở nay, con trai và con gái thì đi tìm nhau. Nhưng về chuyện đó phải thận trọng, đừng có phóng đại quá mức." (nt. 133); và sau đó: "Nếu cô gái và chàng trai yêu nhau và thích muốn nhau, thì người ta sẽ không tròng dây vào cổ họ; những chiếc vòng sẽ được đặt trên chiếu, tự họ sẽ cầm lấy, tự do, chẳng ai đưa chúng cho họ, chẳng ai đặt chúng vào tay họ." (nt. 95). Về việc quyến rũ, một sự miễn tố khôn ngoan sẽ kết thúc mọi chuyện lôi thôi: "Nếu người đàn bà cọ mình vào người đàn ông chẳng muốn đi theo bà ta, nếu cầm lấy ngón tay anh ta mà kéo, nếu bà ta cầm lấy móng tay anh ta, nếu bà ta gọi và mời anh; thế thì chẳng có vụ việc gì cả, vì bà ấy giống như một trái cây chín tự mở ra, bà ham muốn người đàn ông và tìm cách ve vãn anh ta" (nt. 154) Và làm sao có thể không nghĩ đến việc xét xử của Salomon trước quyết định này của luật tục: (Về những kẻ tìm thấy một chiếc ché, bị kết tội là ăn trộm)... "đối với một vụ như thế này, chẳng cần một phiên tòa dài, chẳng cần phải đi quá xa để cho voi và tê giác uống nước; sẽ đem bán chiếc ché, sẽ đem áo và váy (các thứ do bán ché mà có) ra mà chia, mỗi người sẽ có một phần và thế là vụ việc đã xong" (nt. 218) Về điều nay, bộ Nri cũng chẳng thua kém, như câu sau đây về việc ăn cắp cái ống điếu: "ăn cắp ông điếu kiểu Tây thì chẳng nghiêm trọng gì; ăn cắp cái ống điều thường, thì phải đền ba trâu." (kẻ ăn cắp cái ống điếu đẹp chứng tỏ là mình có thẩm mỹ, anh ta bị cám dỗ; kẻ ăn cắp cái ống điếu tầm thường là một tên lười biếng, vì nó chỉ cần đi tìm một khúc tre bất kỳ nào đó trong rừng để làm một cái ống điếu). Hoặc như điều sau đây về cái bờ thửa giữa hai đám ruộng: "Không được cuốc vào bờ thửa để san bằng bờ ruộng của mình" (bởi vì làm như vậy hàng năm đối với bờ thửa, như người ta vẫn làm đối với những bờ thửa bên trong đám đất riêng của mình, ta sẽ dần dần nới rộng đám ruộng của mình ra, gây thiệt cho người bên cạnh). Nhưng bộ Nri biểu hiện tinh thần của nó trong một hình thức có tính biểu tượng hơn trong đó nổi bật một sự tinh tế đáng chú ý về khiếu quan sát: "Con dao làm ướt da ở bẹn thay vì chui vào bao (như một người đàn bà lười biếng); chẻ củi lúc trời tối (bà ta làm như thế) là làm chuyện ngược đời; để lấy nước, người ta đặt nằm ống tre lớn (kẻ lười biếng nằm dài thay vì làm việc là như thế đấy) (Nri, 21). Những nhận xét chính xác, được cô đọng trong những công thức biểu tượng, vượt qua tầm mức một lời khuyên bảo đơn giản: "Khi leo dốc, đừng nói rằng anh khát (không tâm lý); nếu anh gặp người Mạ, đừng có tìm chuyện lôi thôi cũ (họ sẵn sàng rút dao ra ngay); khi ở với vợ, đừng có nói chuyện các cô gái." (Nri, 29). Vài ba từ chỉ ra một tình cảm, việc lặp lại các nét chấm phá nhẹ nhàng này đem lại những thông tin quý giá về các phong tục và tập quán: Kẻ nào đi lấy củi sẽ không nổi giận khi chiếc gùi của mình bị thủng (anh ta còn có thể vác củi trên vai), nhưng sẽ nổi giận khi chiếc cán rìu bị gãy (khi đó không còn có thể làm việc được nữa) (Nri, 52). Sự quan sát các loài thú và đồ vật cũng thật chính xác: "Lũ kiến mang các bó lúa của chúng đi (phải bắt chước cách làm việc của chúng); bọn chim sẻ bay xập xòe khắp nơi (để đem cái ăn về tổ); Con Lợn rừng trắng làm nên hòn núi (ám chỉ con lợn rừng truyền thuyết đã làm nên ngọn núi Liang Biang bằng cái mõm của nó - và là biểu tượng của tổ tiên đã tạo nên những ruộng lúa mà chúng ta phải làm hàng ngàn năm nay); kẻ nào để lăn một chiếc ché tròn sẽ không thể thấy nó dừng lại; nồi dùng nhiều thì mau vỡ; nhưng kẻ lười biếng không muốn lấy con dao và chiếc xà gạc ra." (Nri,55; "Về những kẻ bất tài phung phí của cải".) Sự nhạy bén trong quan sát thường đưa đến nét hóm hỉnh; giữa một dây các ẩn dụ truyền thống hoa mỹ, có thể tìm thấy những lời đùa cợt hay những nét hóm hỉnh: "... Kẻ đi lang thang mắc cằm vào mọi chỗ, anh ta hành động giống như người bị kim châm vào mông..." (Biduê, 68) - "Chẳng ai bắt con ngựa phải đeo dây dắt... chẳng ai buộc đàn ông phải trao đổi chiếc vòng với người đàn bà." (nt. 132) (với kẻ đốt nhà): "Chỉ một mình mày, mày đã làm cho lửa thiêu sạch mọi thứ, cũng giống như chỉ một cái kẹp mà ngốn hết bao nhiêu sắt người ta đưa cho nó." (Nri, 17) - và viên ngọc này của Biduê: "... kẻ xô xát với vợ, nếu hắn ta đánh vừa phải, có chừng mực, thì chẳng có chuyện gì cả." (137) Cái đó được nói theo phong cách của Truyền thống và không hề phá vỡ nhịp điệu của phong cách ấy; nó nằm rất đúng chỗ của nó trong các cảnh xét xử, vẫn trung thành với truyền thống tổ tiên lại vừa hiện diện sinh động.°
Luật tục là một biểu hiện của Ðạo đức; nó không đủ để trình bày hết lĩnh vực đó, nhưng nhìn chung nó thể hiện sắc thái đạo đức riêng của từng tộc người. Luật tục Tây Nguyên, dưới hình thức những câu châm ngôn, những tục ngữ, cho ta một ý niệm khá chuẩn xác về ý tưởng đạo đức ở xứ sở này. Qua cái nhìn đầu tiên, ta nhận ra ở đây việc áp dụng những nguyên lý đạo đức mục đích chủ nghĩa, truyền thống chủ nghĩa, đặc biệt lên án tất cả những gì chống lại một quan niệm lành mạnh và tự nhiên về gia đình, một hình thức hạn chế và có tổ chức cả xã hội. Bộ Nri, đặc biệt trong vấn đề hôn nhân, gần với quy luật tự nhiên hơn, đạo đức hơn bộ Biduê [4]. Hơn nữa, có nhiều tội không tìm thấy trong Nri, vì không có trường hợp đó, nhưng lại lại có trong Biduê, có cả lời ghi chú về cách xét xử. Về mặt này, người Mạ và người Raglai gần người Êđê hơn. Truyền thống pháp chế lên án những kẻ thù của gia đình: ly hôn, ngoại tình, loạn luân; chống lại các tai họa xã hội, từ những kẻ kiêu ngạo không chịu nghe lời khuyên và không biết đến uy quyền của các Già làng, cho đến những kẻ hư hỏng, nổi loạn, cướp bóc, đốt nhà. Nó giành một phần lớn cho nguyên tắc về các trách nhiệm, vượt qua phạm vi pháp chế để chạm đến lĩnh vực đạo đức. Nhiều điều xác định quan hệ trách nhiệm: bố mẹ phải chịu trách nhiêm về tội của con cái ("Nếu con cái làm... thì bố mẹ phải chiu trách nhiệm" Biduê, 143) và ngược lại ("Nếu người chồng chui vào trong lều người ta để ăn trộm, thì tội của anh ta đổ lên vợ và các con anh ta; nếu anh ta nói những lời chửi rủa, tội của anh ta sẽ đổ lên các cháu trai và cháu gái của anh ta, chúng phải đền tội..." nt,150), những người liên kết chịu trách nhiệm về nhau, người thuê nhân công chịu trách về người làm thuê. Ngữ cảnh cho thấy trách nhiệm này vượt qua phạm vi pháp chế và thậm chí cả phạm vi đạo đức, mà chuyển sang lĩnh vực tôn giáo; chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Truyền thống ca ngợi một hình thức tương trợ rất gần với lòng bác ái, đôi khi vụ lợi vì người ta chờ đợi được đáp lại, nhưng tỏ ra khá trong sáng: "Gánh củi nặng, phải giúp người ta mang, cũng như gùi nước nặng; phải giúp hoàn tất cái nhà đang dựng;... mọi người phải cùng nghe một tai, nói như chỉ có một miệng, mong muốn như cùng một tấm lòng. Tất cả, người ở và cư dân, cháu trai và cháu gái, tất cả những người ở đây và ở kia phải luôn luôn giúp nhau." (Biduê, 87) "Người thủ lĩnh cõng dân như người ta cõng em mình, ông tắm cho dân như người ta tắm cho đứa bé, ông che chở cho họ để mọi sự đều tốt đẹp và dễ chịu..." (nt. 32) "Kẻ nào không lo cho người ốm, không chăm nom họ, có cơm và có rượu mà chẳng chịu chăm lo cho họ; kẻ nào không chăm nom đầy đủ... quên cúng tế (để cho người bệnh được lành) và khiến cho người bệnh phải nằm lâu trên chiếu, dưới chăn, để sinh ốm yếu và đến nỗi không còn sức mà nói nữa, không nấu cơm cho người ốm, không buộc người ốm phải ăn... kẻ đó có tội" (nt. 85) Ta không thấy có những điều tương đương trong bộ Nri; các cụ già bảo rằng đã quá đương nhiên và được mọi người tôn trọng cho nên chẳng cần phải cần phải nhắc nhở, không cần có những điều khoản đó. Luật tục khuyên răn bằng bổn phận, nhân danh Phong tục, hơn là trừng phạt. Khi một bản án được tuyên bố, hình phạt chủ yếu không phải là con lợn hay ché rượu, mà là việc các Già làng coi là anh có tội, phải chuốc lấy sự chê bai của cộng đồng. Cũng như trong mọi việc, khi người Tây Nguyên muốn tìm lý do cho một hành vi của mình - về kỹ thật hay ứng xử - họ viện đến cái Phong tục ấy, cái Phong tục vẫn làm nên tất cả sức mạnh cho luật tục.°
Ði đến tận cùng vấn đề, truy bật cho ra cái điều đã làm nên bản chất và tính độc đáo của tinh thần pháp chế ấy, ta sẽ nhận ra cái ý tưởng cơ bản giải thích mọi hiện tượng ở Tây Nguyên, nền tảng của cái công trình được gìn giữ từ bao nhiêu thế hệ, là một quan niệm mang tính mục đích chủ nghĩa và tôn giáo về thế giới, coi tất cả những gì đã có tự ngàn xưa đều là tốt, bởi vì đó là do các Thần đặt ra, và sẽ mãi mãi như vậy bởi vì sự tồn tại của dân tộc Tây Nguyên không có mục đích gì khác lưu truyền nó mãi. Pháp chế đó là một đạo đức bởi vì nó là một minh triết, một "thị hiếu" của thế giới truyền thống chủ nghĩa và tôn giáo, vì nó được xây dựng trên chính nền tảng của đạo đức: tiêu chuẩn đạo đức không phải là trong tương quan với một cái tối ưu. Ðó là cái tốt tuyệt đối do một Quyền lực ấn định, là một lý tưởng ta luôn có trước mặt mình, mà ta dần dần vươn tới và xa lánh nó thì sẽ là một sự thụt lùi. Tiêu chuẩn của luật tục và đạo đức chính là Phong tục. Ðiều tốt là điều đã luôn được làm từ muôn thuở, từ buổi khởi nguyên của thế giới, là điều các Thần đã dạy con người, là điều tổ tiên đã truyền lại cho các thế hệ hôm nay. Nếu người Tây Nguyên có thể có ý tưởng về sự tiến bộ; đối với họ canh tân là có tội. Làm cho họ chấp nhận căn cứ của một tiến bộ kỹ thuật làm xáo trộn các phạm trù tinh thần đã xếp thành nếp của họ do giáo dục và sự lại giống, đã là một điều khó; khiến họ chấp nhận ý tưởng về một sự tiến bộ về đạo đức càng khó hơn. Và đã sống như vậy nhiều thế kỷ, ý thức bị mờ tối đi, chỉ biết nhìn về phía sau mình. Ðiều đó không trái ngược với sự "hiền minh" mà chúng ta vừa nói đến, với điều kiện là không nên hiểu từ đó như người ta vẫn hiểu ở phương Tây chẳng hạn, mà như một thói quen xem xét ý vị, giá trị của mọi sự theo một chuẩn mực truyền thống. Ta nghe những người châu Âu nói về những người Tây Nguyên mà họ gặp: "Ðó là những nhà minh triết". Theo một quan điểm nào đó, quả thật đúng như vậy; nhất là nếu họ không phải là những người duy nhất như vậy. Nhưng không nên tự dối rằng một dân tộc có thể sống chỉ bằng quá khứ của mình; đứng vững tức là tiến lên; một dân tộc như vậy phải hoặc tiến lên hoặc biến mất. Cái tốt, về mặt pháp lý và đạo đức, là cái vốn đã tốt từ buổi các Yang tổ chức ra thế giới. Từ đó mà có sự thâm nhập lẫn nhau giữa các lĩnh vực: các hiện tượng pháp chế, không hề biến tính đi, thông thường, về một mặt nào đó, sẽ là các hiện tượng tôn giáo. Luật tục, khi có dịp, nhắc rằng phải cúng các thần bị xúc phạm, chỉ rõ cần phải cúng vật gì, trong những hoàn cảnh như thế nào; nó cũng nhắc nhớ những điều cấm kỵ không được vi phạm (nhà bị kiêng, mộ bị kiêng...) Trong khi nghiên cứu các dược phẩm, chúng ta đã đi đến chỗ nhận ra ý tưởng cơ bản cho rằng căn bệnh của cơ thể chính là một sự rối loạn, thông thường là do một lỗi về đạo đức gây ra (cần hiểu là đã không tôn trọng một phong tục, vi phạm một điều cấm kỵ), sự nhiễu loạn trong tự nhiên, sự xa rời phong tục ấy sẽ được sửa chữa, chữa lành (boe) bằng món thuốc tự nhiên gắn liền một cách truyền thống với tình trạng bệnh lý đó; như vậy tức là đã trở lại với Phong tục. Hiện tượng như vậy cũng diễn ra trong lĩnh vực luật tục. Tội phạm là sự rối loạn do không tôn trọng Phong tục, sự nhiễu loạn trong xã hội đó sẽ được sửa chữa bằng món phạt gắn liền theo truyền thống với tình trạng phạm tội đó; như vậy ta sẽ trở lại trong trật tự thường lệ của tổ tiên. Rất đáng chú ý là từ ngữ dùng để chỉ việc sửa chữa về mặt pháp luật đó cũng đúng là từ ngữ ta đã thấy trên kia: boe, có nghĩa đen là chữa lành. Ðối với một người bản địa, hai hiện tượng đó chỉ là một. "Sự vụ đã được chữa lành". Trong điều tiếp sau, về tôn giáo, ta sẽ thấy lại đúng tiến trình ấy được giải thích bằng một quan niệm duy nhất của người Tây Nguyên: lỗi lầm về đạo đức, sự vi phạm một điều cấm kỵ, việc coi thường một phong tục là một sự mất trật tự trong cái thế giới mà các thần đã tạo ra; một lễ cúng, xứng với tội lỗi, dâng các Thần, sẽ làm cho mọi sự trở lại trong trật tự và chữa lành sự vụ có tính tôn giáo. Ở đây nữa, không nên ngạc nhiên về từ ngữ chữa lành, vì lễ cúng sẽ tránh cho người mắc tội khỏi bị bệnh do các Yang phạt những kẻ đã quên các ngài. Y học cổ truyền đối với cơ thể con người cũng giống như Luật tục đối với cơ thể xã hội, như tôn giáo của tổ tiên đối với vũ trụ toàn vẹn những con người và Thần linh: đó là một nhân tố trật tự, là phương tiện đã được tiên liệu của Thượng Ðế sáng thế để cho thế giới được tạo ra trường tồn theo đúng ý tưởng mà các Thần đã định từ mãi mãi. Sự hội tụ về cung cách ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau, từ y học, đến pháp luật và tôn giáo đó, quan niệm về thế giới, đơn nhất và bao gộp tất cả, chìa khóa của mọi vấn đề đó, về mặt tâm lý có thể cắt nghĩa bằng chủ nghĩa truyền thống toàn vẹn: Phong tục là đơn nhất và đã tiên liệu mọi sự, không thể đi ra ngoài đó. Các hiện tượng kỹ thuật, pháp chế, tôn giáo, chỉ là những hợp trội của chủ nghĩa truyền thống bản chất đó, nó định hình tư duy đơn giản nhất cũng như hành vi sơ đẳng nhất, và hiển lộ trong đó.[1]Họ cũng giải thích: tom is, coung tam tip, "thân cây thì khác, nhưng các ngọn gặp nhau", nghĩa là ý tưởng dẫn đến sự nối kết các hình ảnh thay đổi theo từng điều, nhưng sau đó các hình ảnh ấy lại trỏ lại, lại giao chéo nhau.[2]Ăn trộm thóc của người hàng xóm nặng hơn ăn trộm thóc của vợ; tội này, được coi là một trong những tội nặng nhất, bị coi như tội giết người: "Anh lấy trộm thóc của tôi, tôi sẽ chết đói; vậy thì giết chết tôi ngay đi còn hơn!" [3]Và đôi khi tùy theo cả gia sản của người cho vay: phạt một con lợn nếu người bị hại nghèo, nhưng phạt một con trâu nếu người bị hại giàu.[4]Xem chương về hôn nhân giữa một người đàn ông trưởng thành với một người đàn bà quá trẻ: "Nếu người đàn ông phản bôi vợ mình...": ở người Êđê, chẳng có chuyện gì cả; ở người Srê: tội ngoại tình.