Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3 giờ 30 sáng, pháo binh quân đội Trung hoa bắt đầu pháo kích ào ạt vào các vị trí quân sự các quận Tiên Lĩnh, Hà Quảng thuộc tỉnh Cao Bằng, mở đầu cho một cuộc tấn công quy mô trên một chiến tuyến dài hơn một ngàn cây số dọc theo biên giới Việt Hoa từ Lai Châu đến Móng Cái.Xét về địa thế, lãnh thổ hai nước dọc theo biên giới có thể chia làm hai vùng. Vùng lãnh thổ tây bắc gồm những tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang tới Cao Bằng giáp giới với Vân Nam và Quảng Tây của Trung hoa là một vùng đất hiểm trở, núi non trùng điệp, với rặng Phansipăng trải dài từ Tây Tạng, qua Vân Nam, chiếm ba phần tư lãnh thổ phía tây của Bắc Việt, kéo dài đến dãy Trường Sơn. Trục lộ giao thông chính của vùng này là con đường nối Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, qua Mông Tự, vượt biên giới Việt Hoa ở Lào Cai, xuôi quốc lộ 2 dọc theo thung lũng sông Hồng về Hà nội. Vùng lãnh thổ đông bắc chạy từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn, Móng Cái giáp giới Quảng Đông tương đối bằng phẳng, ít núi non, đường xá thuận tiện, dân cư đông đảo phồn thịnh. Trục lộ giao thông chính là con đường từ Nam Ninh chạy qua ải Nam Quan thuộc Lạng Sơn, theo quốc lộ 1 chạy qua châu thổ sông Hồng về Hà nội.Sinh sống dọc theo biên giới hai nước Việt Hoa là những sắc dân thiểu số. Ở Sơn La có sắc dân Thái đen, ở Lai Châu có sắc dân Thái trắng. Vùng Lào Cai là người Mèo, người Mán, vùng Thái Nguyên, Cao Bằng là người Tày, Thổ, vùng Móng Cái là người Nùng. Những sắc dân thiểu số này không bao giờ có được sự tin cậy của chính quyền cả hai nước. Trong lịch sử, mỗi khi có dịp là họ lại nổi lên chống lại sự cai trị của cả Trung hoa lẫn Việt nam, chẳng hạn như Nùng Trí Cao năm 1041 đã nổi lên chống lại nhà Lý rồi sau đó chạy sang Trung hoa chống lại nhà Tống. Trong chiến tranh Đông dương thứ nhất, người Pháp đã lôi kéo được những sắc dân này chống lại Việt Minh, trong đó có những tù trưởng Đèo Văn An, Đèo Văn Long (người Thái), Châu Quản Lộ (người Mán), Voòng A Sáng (người Nùng). Chỉ có người Tày và Thổ là hợp tác nhiều với Việt Minh, có lẽ vì ở ngay tại căn cứ địa của cộng sản. Nổi bật trong những lãnh tụ người Tày, ngoài Hoàng Văn Thụ đã chết, là Chu Văn Tấn, trước là châu đoàn coi lính dõng cho Pháp, sau theo Việt Minh. Để lấy lòng các sắc dân thiểu số, Chu Văn Tấn được Hồ Chí Minh đề cử làm Bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ đầu tiên của Việt Minh năm 1945. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông ta bị Võ Nguyên Giáp thay thế. Sau 1954, Chu Văn Tấn được thăng quân hàm thượng tướng, giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi Tư lệnh kiêm chính uỷ quân khu I. Tuy nhiên đến năm 1977, khi bang giao Việt Hoa bắt đầu căng thẳng, thì cùng với Lê Quảng Ba, Lý Ban, Chu Văn Tấn bị mất chức, sau có tin là bị bắt giam. Chu Văn Tấn bị mất chức không phải vì ông ta có những hành động phản nghịch mà vì uy tín của ông ở vùng biên giới quá lớn, và ông đã có những liên hệ họ hàng chằng chịt với những người Tày ở bên kia biên giới, chính quyền Việt nam sợ rằng Chu Văn Tấn có thể bị Trung hoa khuyến dụ để nổi lên đòi tự trị.Trong lịch sử chiến tranh Việt Hoa, Lạng Sơn luôn luôn được coi là một vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính của quân Trung hoa. Lý do là vì địa thế ở đó là vùng đồng bằng. Chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng, và chỉ còn một trăm năm mươi cây số dọc quốc lộ 1 là tới Hà nội. Từ quân nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, đến nhà Thanh mỗi khi xâm lăng đều kéo quân qua ngả Lạng Sơn. Ngay cả khi Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống năm 1075, ông cũng kéo quân qua ngả Lạng Sơn, và từ đó, cùng với phó tướng Tôn Đản đã đánh phá châu Khâm, châu Liêm và chiếm được châu Ung (Nam Ninh hiện nay).Sau Lạng Sơn, Lào Cai là một cửa ngõ quan trọng thứ hai thông thương giữa hai nước. Giữa vùng rừng núi bao la hiểm trở dọc biên giới tây bắc, chỉ có một trục lộ thuận tiện từ côn Minh qua Lào Cai theo thung lũng sông Hồng về Hà nội. Nhưng đó là một con đường độc đạo chập chùng qua rặng Hoàng Liên Sơn, rất dễ bị phục kích, vì thế nên trong lịch sử, khi quân Minh và quân Thanh tiến đánh Việt nam theo hai hướng, Lào Cai chỉ là hướng tấn công phụ. Riêng quân Nguyên không dùng Lào Cai, mà dùng thuỷ quân từ Nghệ An đánh lên.Kể từ khi Pháp đặt chân đến Việt nam, nhờ đường xá phát triển, Cao Bằng ngày càng trở nên một bàn đạp quan trọng tiến về trung châu. Từ Cao Bằng, có quốc lộ 3 qua Thái Nguyên về Hà nội. Vì thế, về phương diện quân sự, quốc lộ 4, từ Cao Bằng chạy song song với biên giới Việt Hoa qua Lạng Sơn tới Móng Cái đặc biệt quan trọng. Chính tại quốc lộ số 4 này, trong chiến dịch biên giới năm 1950 đã đánh dấu một sự hợp tác thân thiết nhất giữa hai phong trào Việt nam và Trung hoa.Hai mươi chín năm sau, “tình nghĩa vô sản quốc tế trong sáng” giữa hai nước đã trở nên thù nghịch. Những địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Đông Khê, Thất Khê nay trở nên bãi chiến trường chính của hai nước. Những đơn vị chính quy, trước kia được Trung hoa giúp trang bị và thành lập, nay trở nên mục tiêu chính mà Trung hoa mong muốn tiêu diệt, và tướng Vi Quốc Thanh, ân nhân của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp năm 1950, năm 1979 đã 72 tuổi, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Hồng quân, lại là người quyết tâm nhất muốn dạy cho Việt nam một bài học về sự trở mặt và vô ơn.Ngoài những vị trí Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, từ biên giới Hoa Việt ở Lai Châu có quốc lộ 6 đi về Hà nội, nhưng đó cũng là một con đường độc đạo chạy trên những vùng núi non hiểm trở cao hơn hai ngàn thước, không tiện cho việc di chuyển võ khí nặng cũng như tiếp liệu, nên hướng tấn công của Trung hoa tại Lai Châu không đáng kể. Nhưng sườn phía tây của Bắc Việt có một cửa ngõ quan trọng. Đó là con đường từ tỉnh Phong Saly của Lào theo sông Nậm Na qua thung lũng nổi danh Điện Biên Phủ, tiến về Hoà Bình mà không phải qua những dãy núi gập ghềnh của tỉnh Lai Châu. Sau năm 1975, Trung hoa đã giúp Lào xây dựng một con đường từ Vân Nam xuống Phong Saly. Năm 1979, Bộ trưởng Thông tin Sisana Sisane của Lào đã tố cáo Trung hoa cố tình làm con đường lệch sang biên giới Việt nam, và khi chiến cuộc Việt Hoa bùng nổ, các sư đoàn 306, 968... của Việt nam đang trú đóng bên Lào đã phải dồn lên phòng thủ biên giới phía bắc nước Lào.Ngay buổi sáng ngày 17-2-1979, quân đội Trung hoa đã tấn công tổng cộng 39 mục tiêu dọc theo biên giới hai nước, trong đó có 26 mục tiêu bị tấn công từ cấp tiểu đoàn trở lên. Riêng Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai bị tấn công bằng cấp sư đoàn. Tổng cộng quân số Trung hoa vượt biên giới trong ngày đầu chiến dịch khoảng tám chục ngàn. Con số này tăng dần cho tới ngày cuối của chiến dịch lên tới trên một trăm năm chục ngàn. Đó là không kể hàng mấy trăm ngàn binh sĩ khác giữ nhiệm vụ yểm trợ hay trù bị phía sau. Chỉ huy tổng quát mặt trận là Hứa Thế Hữu, Uỷ viên Trung ương đảng, kiêm tư lệnh quân khu Quảng Châu (gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây). Hứa Thế Hữu đặt Bộ tư lệnh mặt trận ở Nam Ninh. Phụ tá cho Hứa Thế Hữu là Dương Đắc Chí, từng nổi danh khi phụ tá cho Bành Đức Hoài trong chiến tranh Triều tiên. Để sửa soạn tham gia trận tấn công Việt nam, Dương Đắc Chí đang là tư lệnh quân khu Vũ Hán được cử xuống làm tư lệnh quân khu Tây Nam gồm Vân Nam và Quý Châu. Trong những ngày đầu, Hứa Thế Hữu trực tiếp chỉ huy tấn công mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, còn Dương Đắc Chí phụ trách tấn công Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. Để tấn công Việt nam, Trung hoa đã huy động nhiều quân đoàn từ nhiều quân khu khác nhau. Hai quân đoàn 13, 14 được giao trách nhiệm tấn công Lai Châu, Lào Cai. Hai quân đoàn 41, 42 tấn công Cao Bằng, còn những quân đoàn 43, 54, 55 tấn công mạn Lạng Sơn và Quảng Ninh.Bên phía Việt nam, phòng thủ biên giới Việt Hoa là trách nhiệm của những quân khu I, II, III. Tư lệnh quân khu I là Đàm Quang Trung, một người Tày, cận vệ cũ của Hồ Chí Minh được cử thay Chu Văn Tấn. Đàm Quang Trung không phải là một tướng có khả năng, nhưng được cất nhắc nhờ là gốc người Thổ như Chu Văn Tấn, nhưng lại không có uy tín chính trị như Chu Văn Tấn. Quân khu này gồm cả Cao Bằng lẫn Lạng Sơn nên chịu áp lực nặng nhất của quân Trung hoa. Trong những ngày đầu, trách nhiệm phòng vệ Lạng Sơn được giao cho Nguyễn Văn Thương, tư lệnh sư đoàn 3, Tư lệnh quân khu II là Vũ Lập, phụ trách phòng thủ Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang. Tư lệnh quân khu III là Nguyễn Quyết, trách nhiệm vùng châu thổ sông Hồng và có lẽ cả đặc khu Quảng Ninh, do Sùng Lãm chỉ huy. Bộ tổng tham mưu ở Hà nội trực tiếp theo dõi, giám sát và điều hợp mặt trận. Ngoài những trợ giúp về võ khí và tiếp liệu, trong trận chiến Việt Hoa, Việt nam đã được Liên xô giúp đỡ về tình báo, nhờ không ảnh vệ tinh và một số tàu lấy tin điện tử của Liên xô chạy ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Để thi hành hiệp ước hữu nghị, sau khi quân Trung hoa tấn công Việt nam một ngày, Liên xô gửi sang Hà nội một phải đoàn “tham khảo” cùng với thiết giáp hạm Senyavin đến túc trực ngoài khơi vịnh Bắc Việt.Có lẽ vì chủ quan tin vào hậu thuẫn Liên xô, tính toán sai quyết tâm và quy mô tấn công của quân đội Trung hoa nên Việt nam đã sử dụng hết ba trong bốn quân đoàn chính quy trong cuộc hành quân xâm lăng Campuchia. Do đó, khi quân Trung hoa tấn công, Việt nam chỉ còn những sư đoàn 308, 312, 390... của quân đoàn 1 đóng quanh Hà nội. Việt nam đã cố gắng không dùng tới những sư đoàn này, thứ nhất để dùng làm lợi khí tuyên truyền là đã không cần phải dùng tới quân chính quy, thứ hai là Việt nam sợ quân Trung hoa sẽ dùng toàn lực tiêu diệt những đơn vị này, nhằm phá tan “huyền thoại vô địch” của quân Việt nam. Trách nhiệm phòng thủ biên giới do đó được giao cho những sư đoàn chủ lực quân khu, như các sư đoàn 3, 327, 337, sư đoàn Tây Sơn...Ỏ Lạng sơn, sư đoàn 567, B46, sư đoàn pháo binh M66 ở Cao Bằng, các sư đoàn 316, 345, đoàn B 68, M63... Ở quân khu II, cùng các trung đoàn chủ lực lỉnh, các huyện đội, và lực lượng công an biên phòng. Hơn một tuần sau, vì tình hình chiến sự nguy kịch, bộ tổng tham mưu quân Việt nam phải gấp rút điều động dân quân từ vùng trung châu, các sư đoàn chủ lực của quân khu IV, cùng quân đoàn 2 từ Campuchia về để tăng cường phòng thủ. Thật ra sự phân biệt giữa những sư đoàn chính quy hay chủ lực của quân Việt nam rất mù mờ, vì một sư đoàn có thể đổi từ chính quy sang chủ lực hay ngược lại bất cứ lúc nào. Chẳng hạn sư đoàn 303, sau 1975, đổi thành đoàn xây dựng kinh tế Phước Long, năm 1978 trở về làm chủ lực cho quân khu VII tấn công Campuchia. Năm sau, 1979, được thuyên chuyển ra Bắc Việt đổi thành chính quy, nằm trong đội hình quân đoàn 68 mới thành lập để bảo vệ biên giới Việt Hoa. Hai năm sau, đang là chính quy, lại đổi thành chủ lực cho quân khu III, và tới 1987, lại trở về là một sư đoàn chính quy của quân đoàn 1 Quyết Thắng.Trong khi những binh sĩ chính quy trên nguyên tắc trẻ hơn, cơ động hơn, dồi dào phương tiện hơn, được huấn luyện và trang bị chiến đấu hợp đồng với không quân, pháo binh, thiết giáp thuần thuộc hơn, thì những sư đoàn chủ lực các quân khu biên giới phía bắc đa số là những đơn vị từng chiến đấu lâu năm tại miền Nam trong chiến tranh Đông dương II, cho nên bộ đội thiện chiến hơn, có nhiều kinh nghiệm phòng thủ, đào công sự và chiến đấu độc lập dưới hoả lực. Vì thế, họ đã may mắn thích hợp với điều kiện chiến trường. Nhiều tháng trước khi Trung hoa tấn công, sĩ quan, cán bộ của những sư đoàn chủ lực này được phân tán xuống huấn luyện cho những lực lượng địa phương, hướng dẫn cách đào công sự, giao thông hào, lập bãi mìn, bãi chông. Họ cũng nghiên cứu sẵn những vị trí hiểm yếu, những địa điểm có thể bị tấn công, những đường chuyển quân để bố trí sẵn toạ độ pháo binh. Để thống nhất chỉ huy và tăng cường nhân lực các huyện đội, xã đội dân quân được bố trí vào những trung đoàn hay sư đoàn chủ lực. Các phái đoàn Trung ương của Chu Huy Mân, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Chính trị, của Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện quân sự cấp cao, liên liếp tới kiểm tra, đôn đốc. Vì thế, khi quân Trung hoa bắt đầu tấn công, quân Việt nam đã sẵn sàng.Trong những ngày đầu của trận chiến, dựa vào quân số đông đảo, Hứa Thế Hữu cho áp dụng chiến thuật biển người để tấn công. Quân Trung hoa được những người Hoa trước kia đã từng sống ở biên giới dẫn đường. Ở nhiều nơi, quân Trung hoa đã nguỵ trang thành bộ đội Việt nam để xâm nhập. Tại Lai Châu, phía cực tây biên giới, quân Trung hoa đánh Gò Tô, Phong Thổ lên đường tiến về lỉnh lỵ. Tại hướng quan trọng Lào Cai, hai sư đoàn thuộc hai quân đoàn 13 và 14 tấn công ngay vào thị xã và các xã lân cận như Thanh Bình, Bản Cầu. Tại Hà Giang, họ tấn công Bản Kiệt, La Quỳnh. Hướng quan trọng thứ hai Cao Bằng cũng bị hai sư đoàn của các quân đoàn 41, 42 tấn công. Tại Quảng Ninh hai trung đoàn quân Trung hoa tấn công Than Thum, Cao Bá Lãnh. Riêng tại mục tiêu chủ yếu Lạng Sơn, quân Trung hoa tấn công theo thế gọng kìm bằng hai hướng. Hướng thứ nhất là hai sư đoàn 163, 164 thuộc quân đoàn 55 vượt Hữu Nghị Quan tấn công Đồng Đăng, cửa ngõ phía bắc Lạng Sơn. Hướng thứ hai là hai sư đoàn 127, 128 quân đoàn 43 tiến đánh từ phía đông vào các tiền đồn ở Bản Xâm, Đồng Nội, Hải Yến.Tại khắp nơi, quân Trung hoa gặp phải sức kháng cự mãnh liệt. Quân Việt nam, nhờ vào vị trí cố thủ hiểm trở, công sự kiên cố, binh sĩ thiện chiến nhiều kinh nghiệm nên trong đợt tấn công đầu, vẫn giữ vững được các vị trí. Với sự yểm trợ hùng hậu và hữu hiệu của đủ loại pháo binh, từ những đại bác 72, 85, 105, 155, 130 ly đến tên lửa 122 ly, họ đã gây cho quân Trung hoa tổn thất nặng nề về nhân mạng, nhất là ở các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng. Chiến thuật biển người mà Hứa Thế Hữu áp dụng hiển nhiên đã trở nên lỗi thời trước tác dụng của những võ khí hiện đại. Phía Lai Châu, Lào Cai, quân Trung hoa bị tổn thất ít hơn vì Dương Đắc Chí đã không tấn công chính diện, mà dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở để chuyển quân, và khi tấn công, bộ binh được pháo binh và thiết giáp yểm trợ hữu hiệu hơn. Vì số tổn thất quá cao, mấy ngày sau, tuy Hứa Thế Hữu còn giữ chức Tư lệnh mặt trận, nhưng quyền chỉ huy các cuộc hành quân được giao cho Dương Đắc Chí. Quân Việt nam cũng cho vài đơn vị cấp tiểu đoàn vượt biên giới sang tấn công các vị trí tiếp liệu của Trung hoa ở Mã Lý Phố (Vân Nam) và Ninh Minh (Quảng Tây) nhưng các cuộc tấn công này chỉ có tác dụng gây rối.Sau khi Dương Đắc Chí nắm quyền, tuy chiến thuật biển người bị bãi bỏ, hoả lực pháo binh và thiết giáp được sử dụng nhiều hơn, nhưng quân Trung hoa vẫn dựa vào ưu thế quân số đông đảo để tấn công bất kể tổn thất. Sau mấy ngày bị pháo kích ngày đêm, các công sự phòng thủ của Việt nam dù kiên cố đến đâu cũng dần dần bị phá sập, và quân Trung hoa cuối cùng cũng chiếm được một số mục tiêu. Riêng tại Lạng Sơn, sư đoàn 163 của Trung hoa chiếm được Đồng Đăng vào ngày 22-2-1979.Trong những ngày 24, 25, 26-2-1979, trận chiến tương đối lắng dịu. Quân Trung hoa sau khi chiếm được một số vị trí đã bị tổn thất nặng và thiếu tiếp liệu nên không thể tiếp tục tấn công. Họ đã chủ quan cho rằng có thể chiến thắng chớp nhoáng nên đã không dự trữ đủ đạn dược pháo binh. Tuy nhiên, quân Việt nam cũng không thể phản công tái chiếm những vị trí đã mất vì không đủ nhân lực. Mặt trận bị trải quá rộng, lực lượng bị phân tán mỏng. Các sư đoàn chính quy của quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà nội, đề phòng trường hợp Trung hoa đổi ý, tiến sâu vào lãnh thổ Việt nam. Trong khi chờ đợi sự tăng viện của những sư đoàn chủ lực từ các quân khu miền Trung và miền Nam ra tiếp viện Hà nội đã phải điều động những tiểu đoàn dân quân từ các quận huyện ngoại thành Hà nội như Gia Lâm, Đông anh, Thanh Trì, Từ Liêm lên bổ xung quân số. Đồng thời, sau bốn năm hoà bình, dân chúng Hà nội lại được thông báo chuẩn bị sơ tán và đào những hầm hố chống phi cơ oanh tạc.Mờ sáng ngày 27-2-1979, sau khi đã được bổ xung và tiếp liệu đầy đủ, quân Trung hoa mở một đợt tấn công mới. Dưới sự đốc thúc của Dương Đắc Chí, tận dụng tối đa nhân lực và hoả lực của pháo binh, thiết giáp nên trong vòng một ngày, các thị xã ven biên Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang lần lượt bị thất thủ. Để duy trì áp lực, không cho quân Việt nam dốc toàn lực tiếp viện Lạng Sơn, quân Trung hoa sau khi chiếm được Lào Cai, tiếp tục chuyển quân về phía nam dọc theo quốc lộ số 2 tiến đánh Cam ĐườngTại hướng tấn công chính Lạng Sơn, Trung hoa tung vào trận đánh sáu sư đoàn gồm các sư đoàn 127, 129 của quân đoàn 43, sư đoàn 160, 161 của quân đoàn 54, sư đoàn 163, 164 của quân đoàn 55, với hàng trăm xe thiết giáp và đại bác yếm trợ. Phía Việt nam, các đơn vị phòng thủ chính gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 347 và sư đoàn 337 mới từ quân khu IV ra tăng cường, kết hợp lại thành quân đoàn 14 để thống nhất chỉ huy. Sư đoàn 308 của quân đoàn 1 cũng có thể đã được gửi lên tiếp ứng.Kể từ ngày 27-2-1979, quân Trung hoa liên tục hai mặt tấn công, và dù quân Việt nam đã chống trả mãnh liệt, tuyến phòng thủ quanh Lạng Sơn thu hẹp dần. Các công sự phòng thủ bị phá sập, quân số bị hao hụt nhanh chóng không kịp bổ xung. Trước nguy cơ thất thủ Lạng Sơn, Bộ tổng tham mưu quân Việt nam vội vã điều động quân đoàn 2 chính quy gồm hai sư đoàn 325 và 304 đang hành quân tại phía nam Campuchia di chuyển bằng xe lửa và máy bay vận tải Antonov của Nga khẩn cấp về lập tuyến phòng thủ sau quân đoàn 14 để bảo vệ châu thổ sông Hồng. Nhưng việc tiếp ứng Lạng Sơn không còn kịp nữa. Thị xã bị pháo kích suốt mấy ngày đêm, cuối cùng quân Trung hoa xâm nhập được thị xã, và quân đội hai nước cộng sản đã phải chiến đấu ác liệt trên đường phố. Tới khuya đêm 4-3-1979, quân Trung hoa hoàn toàn làm chủ thị xã Lạng Sơn. Ngày hôm sau, Trung hoa tuyên bố đã đạt được mục đích dạy cho các lãnh tụ Việt nam một bài học, đơn phương ngưng bắn và hứa sẽ rút quân.Tuy nhiên, vì còn bận dùng công binh phá sập hết những công sự, đồn bót, cầu đường, nhà cửa, trường học, chợ búa, nhà máy, bệnh viện... Ở những thị xã bị chiếm đóng, kể cả hang Pắc Bó, “suối Lênin”, “núi Các Mác”, nên cuộc lui quân của Trung hoa kéo dài đến ngày 16-3-1979 mới hoàn tất. Với biết bao đau thương đổ nát, với hàng mấy chục ngàn binh sĩ thương vong, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.Tài liệu tham khảo:- Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim.- Sự giúp đỡ của Trung hoa cho Việt nam trong chiên dịch biên giới:- Việt nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ- Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan- The Quycksand War của Lucien Bodard- Sự hiện diện và hoạt động của các sư đoàn 306, 968 tại Lào:- Binh Đoàn Hương Giang của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân- Death in the Rice Field của Peter Scholl Latour.- Tài liệu về Vi Quốc Thanh: Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan- Brother Enemy của Nayan Chanda- Sự điều động của các đơn vị dân quân quanh Hà nội lên biên giới:- Chinese Aggression do Vietnam Courier xuất bản 1979- Tài liệu về quân đội hai nước: Vietnam, a country history và China, a country history, Library of Congress, Washington D. C. 1989. Đoàn Phước Long, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.- Mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn: Sư đoàn Sao Vàng, Binh đoàn Hương Giang, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.- Các nhật báo Nhân dân và Quân đội nhân dân trong thời gian từ 17-2-1979 đến 6-3-1979.