1. Định nghĩa: Đố kỵ (trong đạo Phật gọi là tật đố) là thù ghét những ai hơn mình, những ai được nhiều quyền lợi hơn mình. Ở đây chúng ta không gọi là tật đố vì nghe có vẻ xa lạ với những người bên ngoài, dùng chữ đố kỵ phổ thông hơn, dễ hiểu hơn. Tâm đố kỵ rất nguy hiểm cho cuộc đời tu hành của chúng ta. Người nào không thoát được tâm này thì ba đường ác sẽ mở ra, không biết ngày nào sẽ kéo mình đi xuống. Vì tâm đố kỵ nguy hiểm như vậy nên người tu không được coi thường. Dấu hiệu dễ thấy nhất của tâm đố kỵ là thái độ khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Ví dụ, trong lớp học, thấy có người huynh đệ học giỏi hơn mình, được nhiều điểm tốt hơn mình, chúng ta cảm thấy khó chịu. Khi sự khó chịu làm chúng ta bực bội, cảm thấy ghét người kia thì đó chính là đố kỵ. Tất nhiên, khi lòng có sự bực bội nghĩa là trong tâm đã tiềm tàng sự đố kỵ. Thường khi đang còn là học Tăng, mọi việc đã có quý Thầy lớn lo, quyền lợi cũng giống nhau nên chúng ta không bận tâm việc gì cả, cũng không có gì phải hơn thua, ganh ghét. Nếu có hơn thua nhau cũng chỉ là hơn thua ở điểm số. Nhưng khi ra ngoài làm việc, bắt đầu có chút quyền lợi, chúng ta không tránh khỏi sự hơn thua, đụng chạm quyền lợi với người này người khác. Nếu không biết tu, lúc đó tâm đố kỵ sẽ xuất hiện và chúng ta sẽ thấy thù ghét người hơn mình. Đây là một tâm vô cùng bất thiện, thậm chí có thể gọi là ác tâm. Người có tâm đố kỵ không thể nói đến chuyện giải thoát, giác ngộ, chỉ chờ ngày đọa địa ngục mà thôi. Tâm đố kỵ rất nguy hiểm và hậu quả của nó cũng thật khủng khiếp. Vì vậy, bây giờ tuy chưa gánh vác việc gì lớn lao nhưng chúng ta phải chuẩn bị điều này. Sau này, khi đã tu hành tốt, bắt đầu có những trách nhiệm, có uy tín, có ảnh hưởng với mọi người, chúng ta phải cẩn thận. Nếu không diệt trừ được tâm đố kỵ, khi đụng chạm với người khác chúng ta để tâm đố kỵ khởi lên sẽ vô cùng nguy hiểm. Theo định nghĩa thì đố kỵ là thù ghét những ai hơn mình. Vậy những cái hơn đó là gì? Cái hơn thứ nhất là về tài năng. Tài năng là điều làm cho người ta hay ganh tỵ với nhau. Vì tài năng thường đem lại danh dự, đem lại thành công cho con người. Và tất nhiên, thành công đó cũng đem lại lợi ích về vật chất. Vì vậy, nếu ai đó hơn mình về tài năng, tự nhiên chúng ta cảm thấy người đó có danh tiếng hơn mình, uy tín cũng hơn mình, sự thành công cũng vượt hơn, có ảnh hưởng lớn hơn và sẽ thu hoạch được vật chất nhiều hơn. Trong khi đó, tâm lý sâu thẳm của con người là chỉ muốn hơn chứ không bao giờ muốn thua kém người khác cho nên nảy sinh tâm đố kỵ. Ví dụ, trong lớp chúng ta đang học sẽ có người học kém, có người học giỏi. Đây là giai đoạn chúng ta hay có sự đố kỵ về tài năng, về sức học. Nếu thấy người nào học giỏi hơn, được tin tưởng, được khen ngợi nhiều hơn mà trong lòng mình cảm thấy có sự bực bội khó chịu, chúng ta biết rằng mình đã có tâm đố kỵ, phải nhanh chóng diệt trừ. Nếu cảm giác này chưa xuất hiện nhiều, chúng ta cũng cần phải đề phòng, tránh để tâm đố kỵ xuất hiện sau này gây nên những hậu quả nguy hiểm. Sự đố kỵ thường xảy ra với những đối tượng cùng trang lứa. Khi đang còn là học Tăng, chúng ta không đố kỵ với quý Thầy lớn vì họ là những người đi trươc, có giỏi hơn cũng là điều đương nhiên. Lúc này, chúng ta chỉ ganh tỵ với những huynh đệ đồng học nhưng hơn mình. Khi lớn lên, được giữ chức vụ gì đó, chúng ta bắt đầu ganh với lớp người ngang với mình. Với lớp đàn em, chúng ta không còn để ý ganh tỵ trừ những người học sau, tu sau mà tỏ ra giỏi hơn, tỏ ra qua mặt mình. Trong môi trường tu hành, vấn đề này còn nhẹ nhàng nhưng ở ngoài đời, người ta sống chết, tranh giành hơn thua với nhau từng ly, từng tí và tạo thành những nghiệp khủng khiếp. Tuy nhiên, dù không khốc liệt như ngoài đời, nhưng tâm đố kỵ tồn tại trong môi trường tu hành sẽ làm cho Phật pháp ngày càng suy yếu vì không có sự đoàn kết tạo nên sức mạnh. Trong một đất nước cũng vậy, nếu con người có tâm hẹp hòi, hay đố kỵ lẫn nhau thì đất nước sẽ suy yếu, không tập hợp được sức mạnh. Nhìn vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Những năm tháng đất nước bị ngoại xâm, toàn dân có chung một kẻ thù nên cùng chung lưng đấu cật, góp sức người sức của đấu tranh chống kẻ thù, giành lại giang sơn xã tắc. Nhưng khi đã đuổi được kẻ thù ra khỏi bờ cõi, con người bắt đầu quay lại tranh giành quyền lực, ganh tỵ, chống đối lẫn nhau. Đó là tâm đố kỵ. Chính tâm đố kỵ này đã làm cho con người không tập hợp được sức mạnh để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, ngược lại còn làm cho đất nước thêm suy yếu. Nói ra điều này càng thêm buồn lòng nhưng đây là một sự thật. Người Việt Nam chúng ta còn bị tâm đố kỵ rất nặng nề. Hễ thấy ai giỏi hơn là cảm thấy khó chịu, đố kỵ, ganh ghét và tìm cách chỉ trích, chống đối, mưu hại lẫn nhau, triệt hạ lẫn nhau. Cứ như vậy, bản thân người hay đố kỵ đã không làm gì được nhưng người có tài cũng không phát huy được năng lực của mình. Đất nước, vì thế cũng không phát triển được. Trong khi đó, cũng là con người như chúng ta nhưng châu Âu lại có sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật rất cao, xây dựng được những công trình vĩ đại. Sở dĩ như vậy vì tư tưởng của họ rất thoáng. Một phát minh khoa học có thể là kết quả lao động miệt mài, tận tụy của nhiều nhà khoa học. Hoặc có thể đó là sự kế tục công trình của người đi sau đối với người đi trước. Điểm hạn chế của chúng ta là không phát huy được sức mạnh trí tuệ của nhiều nguời. Khi gian khổ có thể chung tay góp sức, đồng tâm hiệp lực nhưng khi yên bình, sung sướng lại đấu đá, giành giật với nhau. Điều này cũng đã đi vào trong Phật pháp. Thực tế cho thấy, tình trạng ganh ghét, đố kỵ giữa người này với người khác, nhóm này với nhóm khác, chùa này với chùa khác đã làm cho Phật pháp chia rẽ, không tập hợp được sức mạnh. Ví dụ, một người đang là giảng sư giỏi, có nhiều uy tín bỗng phát hiện ra ở chùa kia cũng có một giảng sư từ đâu về, cũng nổi danh, được nhiều người mến mộ, ngợi ca. Cho rằng vị giảng sư kia đang giành ảnh hưởng, uy tín, quyền lợi với mình, người này cảm thấy khó chịu, đâm ra thù ghét và tìm cách chỉ trích, công kích. Chính sự thù ghét, chỉ trích công kích đó đã gây nên sự nghi kỵ, chia rẽ trong Phật pháp và làm cho Phật pháp ngày càng suy yếu. Thật đáng tiếc! Vì nếu không vì lòng đố kỵ, chống đối lẫn nhau làm giảm hiệu quả làm việc của mỗi người, những người tài giỏi ấy biết hợp lại với nhau sẽ làm được biết bao nhiêu điều lớn lao cho Phật pháp. Có những vấn đề mà mười người không thông minh bàn mãi, bàn mãi cũng không giải quyết được. Nhưng những người thông minh thật sự, khi hợp lại, bàn với nhau thì sẽ phát hiện ra được nhiều điều rất độc đáo mà một mình họ không nghĩ ra. Có những trường hợp chỉ cần một người giỏi thôi cũng giải quyết được tất cả, những người khác cứ thế làm theo. Trong khi đó, nhiều người họp bàn với nhau lại không đem lại hiệu quả vì không biết tôn trọng ý kiến của nhau. Nếu người tu chúng ta biết quý nhau, tôn trọng nhau, hợp lại thì sẽ xây dựng được nhiều điều tốt đẹp cho Phật pháp và có lợi cho chúng sinh. Ngược lại, nếu có tài mà cứ ganh tỵ với nhau vì cá nhân mình, không những chúng ta làm cho tài năng của mình và người bị giảm bớt mà còn gây thiệt thòi cho Phật pháp, cho chúng sinh. Như vậy, chẳng những không ai được phước lại còn mang nặng nghiệp. Tóm lại, tài năng là giá trị trên cao của một con người nên là khởi điểm dễ khiến người ta giành giật, ganh tỵ với nhau. Một yếu tố nữa khiến người ta có thể ganh tỵ với nhau là tiền bạc. Nhắc đến tiền bạc, sự giàu có, chúng ta không thể không nghĩ đến “Công tử Bạc Liêu”. Đây là nhân vật có thật nhưng xung quanh sự thật về cuộc đời Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu), người ta đã dựng nên không biết bao nhiêu giai thoại. Trong những câu chuyện về Công tử Bạc Liêu có chuyện ganh nhau về tiền bạc và muốn chứng tỏ mình giàu giữa Công tử Bạc Liêu (Hắc Công Tử) và Phước Georges (Bạch Công Tử)- đệ nhất phong lưu ở Mỹ Tho. Trong Công tử Bạc Liêu- Sự thật và giai thoại, Phan Trung Nghĩa kể: “Một bận, gánh hát cải lương Phước Chương của Bạch Công tử về Sóc Trăng hát, Bạch Công tử liền mời Hắc Công tử lên xem. Vãn hát, Bạch Công tử tổ chức ăn nhậu với Hắc Công tử… Đang nhậu, Một người nào đó đánh rơi một vật dưới gầm bàn rồi cúi xuống mò tìm trong bóng tối. Thấy vậy, Bạch Công tử liền móc tờ giấy con công (năm đồng) đốt làm đuốc soi cho tìm vật đánh rớt. Với ý chơi khăm và cũng để “giật le” trước hai người đẹp, Hắc Công tử liền bật hộp quẹt đốt tờ giấy bộ lư (100 đồng) cũng để làm đuốc (thuở ấy ai có tờ giấy bạc bộ lư là đã bị “lính kín” theo dõi”. Chuyện đã lan truyền thành giai thoại “Công tử Bạc Liêu đốt tiền”. Tiền bạc có thể làm cho người ta ganh nhau đến mức ngông cuồng như vậy. Trong cuộc sống của người thế gian, chúng ta cũng gặp rất nhiều trường hợp ganh ghét, đố kỵ với nhau về tiền bạc. Chẳng hạn, lâu nay mình sống trong ngôi nhà hai tầng sang trọng, bề thế không nhà nào sánh được. Bỗng nhiên, một hôm bên cạnh mọc lên ngôi nhà ba tầng sừng sững. Từ đó, đi ra đi vào chúng ta cảm thấy khó chịu vì nhà mình thấp hơn. Tất nhiên, việc người ta xây ngôi nhà ba tầng lầu như vậy chẳng ảnh hưởng gì đến mình, chẳng làm mình thiệt thòi điều gì. Nhưng cảm giác khó chịu xuất hiện là do bản thân mình cảm thấy bị mất thể diện. Đó là tâm hơn thua của con người. Người tu chúng ta cũng vậy. Có người trong tâm chưa diệt sạch đố kỵ nên đôi lúc cũng có sự khó chịu trước thành công của người khác. Có khi đó là sự thi đua, hơn thua về thể diện, lúc nào cũng muốn mình nổi bật hơn người khác. Trong bài Khiêm hạ, khi nói về vấn đề danh dự, chúng ta đã khẳng định người tu chân chính không đặt vấn đề danh dự, không đặt vấn đề thể diện. Nhưng nếu không tu tỉnh, chúng ta vẫn xem điều đó là quan trọng nên cảm thấy phải có sự hơn thua. Chính điều đó làm chúng ta phiền não và tạo nghiệp. Điều thứ ba để con người ganh tỵ với nhau nữa là địa vị. Ở ngoài đời, vấn đề này có thể làm cho con người giành giật lẫn nhau bất kể sống chết. Vì địa vị, chức vụ, người ta có thể giết hại lẫn nhau. Trong lịch sử thế giới, chúng ta từng nghe kể về những vụ ám sát Tổng thống. Có những vụ xuất phát từ động cơ chính trị nhưng cũng có những vụ do tranh giành địa vị, quyền lợi. Nhiều lãnh tụ vì đụng chạm quyền lợi vẫn có thể bị người dưới mưu sát. Đây là điều rất nguy hiểm. Sự ganh ghét, đố kỵ về địa vị dễ khiến con người nảy sinh những suy nghĩ, những hành động bất thiện. Phim ảnh, sách vở đã nói nhiều đến vấn đề này. Chẳng hạn, trong một phim, một vị Tổng thống luôn bị người ta âm mưu lật đổ, đã nói nửa đùa nửa thật trong một cuộc họp với các cố vấn cao cấp: “Cái chết của Tổng thống làm cho Phó Tổng thống quan tâm”. Vì Hiến pháp của Mỹ quy định: Tổng thống chết, Phó Tổng thống sẽ lên thay. Câu nói đùa của Tổng thống cũng ám chỉ vị Phó Tổng thống nào cũng mong cho Tổng thống chết bất đắc kỳ tử để mình được lên thay. Trong cuộc sống cũng vậy. Khi đang giữ chức phó gì đó, người ta hay cầu mong người trưởng gặp bất trắc để mình được thăng tiến. Vì vậy, nhiều khi thấy người trưởng gặp nanï, họ không nói ra nhưng trong bụng mừng thầm. Hoặc có khi ngấm ngầm cầu cho người ta tiêu tan mất, đừng tồn tại nữa. Tuy không khởi thành hành động, cũng không thành lời nói, chỉ ngấm ngầm ở trong tâm, nhưng đó là tâm ác độc. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ tâm đố kỵ, hơn thua, tranh giành quyền lợi với nhau. Những người có tâm như vậy không thể tu được, không thể giải thoát, giác ngộ được. Có người kể rằng, khi còn đi học, vì là người học giỏi, thường giúp đỡ bạn bè nên họ bị người khác (lúc bấy giờ là lớp trưởng) ganh ghét và tìm cách hãm hại. Người ta vu khống đủ điều khiến người này cũng bị khốn đốn một thời gian. Nhưng về sau, gần hai mươi năm trôi qua, khi người này đã đi tu, tình cờ đọc báo và biết rằng người bạn cùng lớp năm xưa nay là công an đã bị bắt, bị kết án mười sáu năm tù vì vi phạm pháp luật nặng nề. Ngày xưa, anh ta lúc nào cũng mưu hại để người khác phải vào tù. Bây giờ bản thân anh ta phạm tội nặng phải chịu cảnh tù tội. Phải chăng, lòng đố kỵ đã hại con người nặng nề như vậy? Người tu chúng ta không đến nổi có những ác tâm như vậy, nhưng nếu không khéo tu, vẫn có sự ganh tỵ hơn thua với nhau về vị trí, về chức vụ và cũng tìm cách triệt hạ nhau một cách ngấm ngầm, thấp kém, không xứng đáng là người xuất gia. Đây là trường hợp rất đáng sợ nên chúng ta phải cẩn thận. Ví dụ, trong chúng, mình là người tu trước, tuổi hạ cao nhưng không được giao chức trưởng chúng. Điều đó làm chúng ta cảm thấy bực bội. Sự bực bội đó chính là đố kỵ - điều làm cho chúng ta gây nghiệp. Trong phạm vi này, những biểu hiện của sự đố kỵ xuất hiện chưa nhiều. Nhưng về sau, khi bước ra làm việc, bắt đầu giữ chức vụ gì đó trong chùa, trong Giáo hội… thì việc so sánh hơn thua giữa chức này, chức kia sẽ làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu nhiều hơn và tâm đố kỵ dễ khởi phát hơn. Trong Phật pháp, có khi chúng ta cũng gặp nhiều sự đố kỵ, xỉa xói của người đời khi chúng ta đem khả năng mình đóng góp nhiệt tình vào việc chung. Nếu không vững tâm, có khi ta sẽ dao động, sợ hãi và lui bước. Vì tránh né sự đố kỵ của người mà ta đành phải hủy bỏ công đức, cũng là một sự thất bại. Chúng ta nên quan niệm rằng nếu đóng góp được, chúng ta cũng nên nhiệt tình đóng góp, miễn đừng tự cao, đừng vì danh lợi. Vì người tu vẫn còn sự đố kỵ nên chúng ta cẩn thận, đề phòng, đừng gây sự khó chịu cho người chung quanh khi ta đóng góp được nhiều cho cộng đồng. Còn riêng trong tâm, lúc nào chúng ta cũng mong có được nhiều người hơn mình, không bao giờ muốn tranh giành bất cứ điều gì với ai để tránh đi ý niệm đố kỵ. Nếu ai cũng biết đem khả năng của mình ra đóng góp thì cộng đồng này, xã hội này hay Phật pháp sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Nhưng chính vì còn tồn tại những điều đố kỵ nên nhiều người không dám bộc lộ khả năng của mình. Đó cũng là điều bất lợi, điều thiệt thòi cho tất cả mọi người, cho Phật pháp. Sống trong môi trường có quá nhiều đố kỵ, hơn thua, chỉ có những người can đảm mới không sợ sự ganh ghét, đố kỵ, mạnh dạn đem khả năng của mình ra cống hiến cho xã hội, cho Phật pháp. Có lẽ trong hai cách sống- im lặng, không làm gì để tránh sự đố kỵ và can đảm chấp nhận đố kỵ - chúng ta nên chọn cách sống thứ hai. Vì nếu cứ cảm thấy khó chịu khi đụng chạm với người xấu, nếu cứ sợ bị ganh ghét đố kỵ mà chúng ta bỏ cuộc thì xã hội này sẽ rơi vào tay những người xấu, rất nguy hiểm. Những người quân tử, những người tốt thường mắc phải bệnh này. Vì vậy, sống trong môi trường hơn thua, đố kỵ, ganh tỵ đủ điều, chúng ta cố gắng trụ lại, cố gắng chịu đựng để có thể đóng góp được nhiều điều tốt cho đất nước. Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho người ta đố kỵ là danh tiếng. Chúng ta vẫn biết danh tiếng là cái rất hão huyền nhưng người ta vẫn cứ tranh giành, hơn thua, đố kỵ với nhau. Ngài Động Sơn trước khi tịch có nói một câu: “Ta có tiếng tăm ở đời, danh tiếng ở đời, ai vì ta mà dẹp được”. Nghe vậy, một vị Tăng bước ra đảnh lễ và nói: “ Hòa thượng cho con xin”. Lúc ấy, ngài Động Sơn mới trả lời rằng: “ Tiếng tăm của ta đã hết”. Thực ra, Ngài muốn thử xem các đệ tử của mình ngộ đạo đến mức nào. Người đã ngộ đạo sẽ biết tiếng tăm là chuyện hão huyền, không có thật, không phải là cái gì cụ thể. Bởi vậy, khi đứng ra nói: “ Hòa thượng cho con xin” nghĩa là vị Tăng kia đã hiểu được điều này. Làm sao Hòa thượng có thể đưa cho đệ tử mình cái danh tiếng vốn hão huyền đó được? Trả lời: “Tiếng tăm ta đã hết” là Hòa thượng muốn khen vị Tăng đã hiểu đúng ý nghĩa của danh tiếng. Người xưa quả rất thâm thuý. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng đã thể hiện được trí tuệ cao siêu của một bậc giác ngộ. Danh tiếng là hão huyền, không có thật tại sao con người cứ phải tranh giành nhau? Sở dĩ người ta chấp ghê gớm và giành giật với nhau về danh tiếng vì họ chưa đủ trí tuệ để thấy được nó là hão huyền. Chúng ta phải tu hành làm sao để thấy được tiếng tăm là hão huyền như vị Tăng kia. Sự giành giật danh tiếng cũng tuỳ theo cấp độ. Ví dụ, chúng ta có tâm rất tốt, phát nguyện đi về một vùng xa xôi nào đó để giáo hóa. Sau một thời gian dài giảng giải, giáo hóa, chúng ta được nhiều người hâm mộ, quý mến, phát tâm tu theo Phật pháp. Thời gian cứ thế trôi qua. Bỗng một hôm, chúng ta nhận ra số người nghe mình giảng Pháp giảm xuống. Hỏi ra mới biết có một thầy khác từ đâu mới đến cũng giảng pháp rất hay, nhiều người thích và đến đó nghe giảng. Nghe như vậy, chúng ta cảm thấy khó chịu trong lòng vì sự xuất hiện của người này vừa có sự hơn thua danh tiếng, vừa đụng chạm đến quyền lợi của mình. Nếu có tiếng tăm, người đó sẽ được san sẻ quyền lợi, sự cúng dường mà bấy lâu nay thuộc về độc quyền của ta ở khu vực đó. Như vậy, mặc dù tu rất tốt nhưng chúng ta vẫn không kiểm soát được tâm mình, không diệt trừ được đố kỵ. Khi có người xuất hiện gần như giành quyền lợi với mình, tâm đố kỵ của chúng ta đã khởi lên ngay. Phải chăng, việc giảng pháp hay, làm lợi ích chúng sinh thực chất chỉ che đậy những tham vọng tiềm tàng của riêng mình, không thực lòng vì Phật pháp, vì chúng sinh? Vì nếu thật lòng thương yêu chúng sinh, khi nghe có thêm người giảng hay, chúng ta phải vui mừng. Ở đây, chúng ta lại sợ mất uy tín, mất ảnh hưởng, mất quyền lợi của mình. Đây chính là tâm đố kỵ. Chúng ta phải cẩn thận điều này. Nếu thấy chúng sinh được lợi ích, chúng ta phải vui mừng dù họ được hóa độ bởi bất cứ ai. Hiểu được điều này, ngay từ bây giờ chúng ta phải đề phòng tâm đố kỵ. Mỗi đêm, chúng ta phải phát nguyện độ cho tất cả chúng sinh. Mỗi khi ăn cơm, chúng ta cũng: “nguyện đoạn nhất thiết ác, nguyện tu nhất thiết thiện, nguyện độ nhất thiết chúng sinh”. Nhưng chúng ta phải cẩn thận khi nguyện độ cho chúng sinh được giác ngộ giải thoát. Vì có khi việc nguyện đó chỉ vì quyền lợi, vì danh tiếng của mình chứ không phải vì chúng sinh. Nghĩa là chúng ta muốn chỉ một mình độ chúng sinh chứ không muốn có ai cùng làm việc đó. Như vậy, tùy mức độ những người bằng mình hay hơn mình mà tâm đố kỵ xuất hiện để chúng ta cố gắng vươn tới, giành tới. Ở mức độ thấp (khi còn là Tăng Ni sinh), nếu có tâm đố kỵ hơn thua cũng chỉ ganh tỵ hơn thua với nhau trong vấn đề học hành. Khi lớn lên ra làm việc, tùy theo mức độ, phạm vi làm việc mà người ta ganh tỵ nhau. Ví dụ, nếu nổi tiếng ở mức độ làm việc trong tỉnh, chúng ta không ganh tỵ với những người nổi tiếng ngoài tỉnh, nổi tiếng cả trong nước, mà chỉ ganh với người trong tỉnh. Khi tiếng tăm đã lớn đến tầm quốc gia, đất nước thì chúng ta bắt đầu ganh tỵ với những người nổi tiếng ở mức độ cả nước, còn người trong tỉnh chúng ta không còn quan tâm, ganh tỵ nữa. Đến khi nổi tiếng khắp thế giới, chúng ta lại không ganh tỵ với người trong nước mà ganh tỵ với những người nổi tiếng cả thế giới như mình…. Bạn lữ cũng là yếu tố làm cho con người đố kỵ với nhau. Khi thấy người khác có nhiều bạn trong khi mình chẳng có ai quan tâm, thăm hỏi, chúng ta ngấm ngầm bực bội. Đó cũng là đố kỵ. Ở đây chúng ta phải hiểu rằng, người được nhiều người mến đều có nguyên nhân. Đó là cái phước, cái duyên với chúng sinh. Có thể đời trước họ có duyên với nhiều người nên bây giờ người ta cứ tìm đến. Còn chúng ta, có thể kiếp trước thích ẩn tu nên bây giờ ít ai biết đến. Nếu không biết nguyên nhân, chúng ta sẽ sinh lòng đố kỵ. Khi có ai hỏi đến họ, chúng ta sẽ tỏ thái độ bực bội hoặc nhiều khi nói xấu, chỉ trích. Đây là điều rất nguy hiểm. Một yếu tố nữa cũng khiến người ta ganh tỵ với nhau là nhan sắc. Điều này ít xảy ra ở người nam nhưng lại phổ biến ở người nữ. Chẳng hạn, một cô gái mỗi ngày soi gương nhận thấy mình đẹp nhất nhì thiên hạ nhưng ra đường chỉ toàn nghe người ta khen người khác đẹp, cô ta cảm thấy trong lòng bực bội. Ngược lại, nếu được ai khen đẹp, cô sẽ cảm thấy vui sướng vô cùng. Vậy, nguyên nhân làm cho tâm đố kỵ xuất hiện là gì? Nguyên nhân là do ngã chấp. Tất cả mọi phiền não, lầm lỗi của con người đều xuất phát từ chấp ngã ban đầu. Tuy nhiên, chấp ngã chỉ là nguyên nhân chung. Thật sự, ngoài chấp ngã còn có nhiều nguyên nhân khác. Chấp ngã phát sinh ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh tự tôn. Đây là bệnh rất kỳ quái. Nó không phải là kiêu mạn. Kiêu mạn là dựa vào một ưu điểm của mình để thấy mình hơn người và có cảm giác thích thú bởi việc hơn thua đó. Còn tự tôn là tự cho mình hơn mọi người mặc dù chính mình không có điểm gì đặc biệt. Chúng ta thường bắt gặp trường hợp này nơi những người không có tài năng, danh vọng, tiền bạc nhưng luôn thích làm ra vẻ quan trọng, lúc nào cũng thấy mình hơn người khác. Vì không muốn thua ai, nhưng không có cách nào để hơn người nên người này hay xuất hiện tâm lý thù ghét những ai hơn mình. Sở dĩ như vậy vì họ sợ bị thua thiệt, mất quyền lợi, mất ảnh hưởng. Đây cũng là vị kỷ. Như vậy, chấp ngã đưa đến tự tôn (không muốn thua người khác)và vị kỷ (muốn có quyền lợi hơn người khác). Tự tôn cộng với vị kỷ sẽ đưa đến đố kỵ (thù ghét những người hơn mình). Cũng có trường hợp kiêu mạn dẫn đến đố kỵ. Vì kiêu mạn, chúng ta nghĩ rằng mình hơn tất cả mọi người nhưng khi có người giỏi hơn xuất hiện, chúng ta sinh lòng đố kỵ, thù ghét họ. Hiểu được điều này, chúng ta cố gắng sống một đời vị tha, thương yêu tất cả mọi người, không tự tôn, không kiêu mạn, lúc nào cũng thấy mình thấp bé để tâm đố kỵ không xuất hiện. 2. Đố kỵ khiến người ta gây nhân xấu nặng nề: Việc đầu tiên mà người có tâm đố kỵ hay làm là thích chỉ trích để hạ uy tín của người giỏi, người làm được việc. Ví dụ, nghe người ta khen thầy nào đó giảng hay, được nhiều Phật tử mến mộ, chúng ta liền chỉ trích, nói xấu. Có thể người ta chưa tin ngay điều mình nói nhưng niềm tin, lòng kính trọng đối với vị thầy kia phần nào sẽ bị giảm sút. Khi đến nghe Pháp, họ không còn nghe trọn lòng nữa. Như vậy, sự chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau sẽ làm thóai tâm nhiều người khác. Đó là điều rất tai hại. Hậu quả của tâm đố kỵ rất nặng nề nhưng nhân quả rõ nhất là chúng ta sẽ mất tâm đạo. Có người kiếp trước từng tu rất tốt nhưng bây giờ mất hết đạo tâm, không tu hành được nữa, sống không nhà, không cửa, không vợ con, lang thang hết nơi này đến nơi khác… Đó là nhân quả của việc nói xấu người khác, nói xấu những vị Tôn túc, làm cho Phật tử thoái tâm. Vì lời chê bai, chỉ trích làm người ta chia rẽ, làm Phật tử thóai tâm, góp phần làm cho Phật pháp suy tàn nên chúng ta không nên nói xấu chỉ trích, ngược lại cần phải khen nhiều hơn. Ví dụ, khi Phật tử đến thăm chùa, chúng ta nên khen các thầy trong chúng. Nếu họ có hỏi về thầy nào, chúng ta cũng tìm những hạnh tốt để khen. Tất nhiên, sống trên đời không ai tránh được khuyết điểm, nhưng chúng ta tránh nói khuyết điểm, chỉ nói ra những ưu điểm nhằm giúp Phật tử tăng thêm tín tâm với đạo. Vì trong chùa có nhiều người tốt, người ta sẽ tin Phật pháp là tốt đẹp. Hơn nữa, những lời khen ấy cũng tạo thành phước rất lớn cho chúng ta. Những người làm giảng sư rất dễ có phước vì khi giảng, thế nào họ cũng ca ngợi Đức Phật, ca ngợi các vị Thánh Tăng. Một lời họ nói ra không phải chỉ một hai người nghe mà rất nhiều người nghe. Do đó, phước họ có được là vĩnh viễn, đời đời. Lời khen rất dễ có phước. Nhưng nếu người giảng sư đứng trên bục giảng cứ công kích người này, nói xấu nguời kia thì sẽ bị tổn phước, không còn giảng được nữa, không còn tiếng tăm uy tín nữa. Những người viết sách cũng vậy. Viết sách ca ngợi Phật, ca ngợi chư Tăng, họ sẽ được đời đời hưởng phước. Nói chung, phước khen ngợi Đức Phật có thể kiếp sau mới được hưởng nhưng nghiệp chê người này, chỉ trích người kia chúng ta sẽ bị đọa ngay trong hiện tại. Việc hay chỉ trích, công kích, chê bai không những làm cho chúng ta tổn phước, làm thoái tâm những người khác mà tai hại hơn nữa còn khiến Phật pháp (điều tốt) không phát triển được. Phật pháp phát triển được hay không là do sự phát tâm của từng người, từng ngôi chùa, từng đạo tràng. Nếu mỗi người thoái tâm một chút, nếu mỗi người cứ đố kỵ, chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau, chúng ta sẽ không phát huy được sức mạnh và làm cho Phật pháp suy tàn. Cộng với tâm ác độc, người đố kỵ có thể mưu hại người khác một cách hèn hạ. Ngoài đời, ác tâm của con người thật kinh khủng. Vì tranh hơn thua với nhau, họ sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn gì để giết hại nhau. Người tu có thể còn tâm đố kỵ nhưng ác độc không nhiều vì biết tin Nhân Quả. Ngay đến việc giết một con vật nhỏ chúng ta còn không dám, làm sao có thể dám hại con người. Nhờ biết tin và sợ Nhân Quả, quả báo nên lâu ngày, tâm ác của chúng ta cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không biết tu, không kiểm soát tâm mình, không có lý tưởng giải thoát thật sự thì khi có nhiều quyền lợi quá, người tu chúng ta vẫn tranh giành với nhau, vẫn có thể hại nhau đến mất hết uy tín, đến tiêu tan cả sự nghiệp. Chẳng hạn, ở một vùng nọ có một Thầy chánh đại diện vì muốn vị trí mình vững vàng không ai giành được nên khi thầy nào có năng lực muốn xin về đó ông ta đều tìm cách triệt hạ ngay từ đầu. Đó chính là đố kỵ, sợ đụng chạm quyền lợi, cũng là một mưu hại, tuy chưa nặng lắm. Nếu ác tâm mạnh hơn nữa, họ có thể vu khống người ta vi phạm chính trị để mọi người nghi ngờ đuổi đi nơi khác hoặc để công an bắt giam. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Lục Tổ Huệ Năng được trao y bát. Ngài được Tổ Hoàng Nhẫn trao cho y bát nhưng phải truyền trao một cách lén lút vào lúc nửa đêm. Rồi sau đó Tổ phải đưa Ngài ra sông để trốn đi luôn. Tại sao như vậy? Vì Tổ Hoàng Nhẫn không tin vào tâm của chúng mình. Họ vẫn còn đố kỵ nhiều quá. Nói ra điều này chúng ta cũng cảm thấy đau lòng vì không hiểu vì sao thời đó gần Tổ mà con người vẫn còn tâm đố kỵ nặng nề như vậy. Có thể nhiều khi họ rất hiểu Thiền lý nhưng những quan điểm về Đạo đức vẫn chưa vững nên vẫn còn đố kỵ khi thấy người ta hơn mình. Phân tích tâm đố kỵ của những người trong chúng đối với Lục Tổ Huệ Năng, chúng ta thấy có nhiều lý do. Tổ Huệ Năng là một cư sĩ mới đến chùa được sáu tháng, mới hơn hai mươi tuổi trong khi những người khác đã xuất gia ít ra cũng trên hai, ba chục năm, hạ lạp y áo đàng hoàng. Vậy mà Tổ Huệ Năng được trao y bát, tương lai sẽ được giữ địa vị Tổ- một địa vị quá lớn lao, bao nhiêu người từng ao ước. Điều này đã làm cho họ không thể chịu đựng nổi. Lòng đố kỵ cộng thêm sự tự ái đã làm cho sức mạnh tăng lên dữ dội nên họ đã đuổi theo giành lại y bát. Thái độ của họ rất hùng hổ, sẵn sàng đánh giết để đoạt y bát trở lại. Đó cũng là tâm ác. Trong khi đó, ngài Thần Tú vẫn rất nhẹ nhàng. Ngài là người có Đạo đức. Sau khi trình bài kệ không được Ngũ Tổ chấp nhận, Ngài cũng bình an ở lại giữ núi. Khi Ngũ Tổ tịch, Ngài vẫn tiếp tục tu hành, dạy chúng bình thường và sau này cũng rất nổi tiếng. Sự đạt ngộ của Ngài có thể không bằng ngài Huệ Năng nhưng Ngài có công phu tu hành chân chính, có Đạo đức rất vững. Ngài cũng có sở đắc tâm linh, cũng nhập định rất tốt. Khi còn ở trong chúng, ai cũng nể phục tài đức của Ngài. Họ tin chắc rằng, ngoài Ngài ra không ai xứng đáng được nhận y bát. Quả thật, Ngài cũng xứng đáng với sự tin yêu đó. Nhưng ngài Huệ Năng lại quá đặc biệt, quá siêu việt nên đã lãnh mất y bát khiến những người chúng dưới không chịu nổi. Còn ngài Thần Tú vẫn bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra vì Ngài tin vào sự chọn lựa của Thầy mình. Truyện Thái Dương Sơn Bình Thị Giả quật mồ ngài Minh An- thầy mình - trong Thiền Lâm Bảo huấn cũng cho chúng ta bài học về lòng đố kỵ. Lúc bấy giờ, ngài Minh An thuộc về tông Tào Động. Ngài là một Thiền Sư nổi tiếng đến mức ngài Phần Dương Thiện Chiêu - thuộc tông Lâm Tế - phải cho những đệ tử của mình qua đó tham học. Chúng ta biết rằng, tông Lâm Tế rất nổi tiếng và ít nể phục ai. Vậy mà thời đó ngài Phần Dương là người nối tông Lâm Tế chính tông lại cho đệ tử mình sang học với thầy Minh An. Điều này chứng tỏ ngài Minh An rất giỏi đồng thời cũng cho chúng ta thấy Đạo đức của cổ nhân. Những bậc đạo sư đúng nghĩa là như vậy. Họ không có sự riêng tư. Đọc chuyện này, chúng ta nể phục ngài Minh An bao nhiêu càng kính trọng ngài Phần Dương Thiện Chiêu bấy nhiêu. Khi sang học, hai đệ tử của tông Lâm Tế được ngài Minh An khen ngợi. Ngài còn nói hai người đó sẽ nối Pháp của Ngài làm cho tông Tào Động được hưng thịnh. Nhưng hai vị từ chối vì cho rằng ngài Bình Thị Giả mới thực sự là người tài giỏi. Hai vị đã ngộ đạo mà khen như vậy chứng tỏ ngài Bình Thị Giả cũng đã ngộ đạo. Vì trong Thiền tông, người đã ngộ đạo chỉ cần dùng trực giác để nhìn hoặc nghe người khác nói một vài câu sẽ biết ngay người đó đã ngộ hay chưa. Nhưng ngài Minh An lại không công nhận ngài Bình Thị Giả ngộ đạo. Ngài nói: “Vì trong đây không tốt, sau này sẽ chết ở đây”. “Ở đây” là trong bàn tay của mình, người Trung Hoa còn gọi là hổ khẩu tức miệng cọp. Nghĩa là Ngài muốn nói ngài Bình Thị Giả tâm không tốt nên sau này sẽ chết ở miệng cọp. Chuyện cứ thế trôi qua. Trước khi chết, ngài Minh An nói với mọi người: “Khi ta chết cho đến mười năm, không có chuyện gì. Nhưng sau mười năm sẽ có Thái Dương Sơn đánh ta.” Nói xong, Ngài ngồi tịch một cách tự tại vì Ngài đã đắc đạo cao siêu. Sau đó, thân Ngài được đem vào nhập tháp trong tư thế ngồi như thế. Ngài Bình Thị Giả tiếp nối trụ trì, gọi là Thái Dương Sơn Bình Thị Giả. Nhưng không hiểu vì sao càng ngày ông càng đố kỵ với cái tháp của thầy mình. Hình như ông cảm thấy cái tháp có vẻ uy nghi, đẹp đẽ sừng sững đứng trấn ở vị trí đó khiến ông không phát được. Thời gian cứ thế trôi qua, lòng đố kỵ với thầy mình của ngài Thái Dương Sơn càng ngày càng lớn. Cho đến mười năm sau, cảm thấy lòng đố kỵ đã đủ, ông nói: “Cái tháp Tiên sư để đây với ta có chướng ngại, thôi quật cái tháp đi, lấy xác thiêu và đem cốt vào thờ”. Chúng không chịu nhưng ông vẫn ra lệnh quật tháp. Điều ngạc nhiên là dù chết đã mười năm nhưng cơ thể ngài Minh An vẫn còn tươi tắn, hồng hào, râu tóc vẫn ra dài. Đây là điều rất độc đáo. Những vị khác tịch mười năm có thể nhục thân không hoại nhưng sẽ bị khô đi. Thân thể Ngài Minh An vẫn tươi như còn sống nên chất củi đốt cũng không thể cháy được. Thần lực Ngài Minh An để lại thật khủng khiếp! Thấy như vậy, Thái Dương Sơn bèn lấy búa rìu dùng chẻ củi chém xả vào đầu, vào thân ngài Minh An cho đến khi tan nát. Sau đó, ông tưới dầu vào và đốt cho thân thể tiêu tan. Hành động cầm búa rìu chém vào nhục thân thầy mình mười năm không hoại ấy đã khiến cho mọi người không ai chịu đựng nổi. Quá đau lòng, những người còn lại trong chúng đã chạy lên báo với quan huyện. Rất may, vị quan này vốn kính thờ ngài Minh An. Nghe tin, ông rất giận dữ sai quân lính đến lột y và đuổi Thái Dương Sơn ra khỏi chùa, không cho làm người tu nữa. Quả báo đã đến ngay tức khắc như vậy và ông ta đã hết phước làm Tăng. Sau đó, Bình Thị Giả đổi tên là Hoàng Tú Tài và đi nơi khác sống. Nhưng đi đến đâu, ông cũng không được trọng dụng. Một hôm, đi đến ngã ba đường, ông bị cọp vồ chết đúng như lời ngài Minh An đã nói trước kia. Lòng đố kỵ cộng với ác tâm khiến người ta có thể làm nhiều chuyện động trời như vậy. Ở mức độ nhẹ hơn, người có tâm đố kỵ thường quấy phá lặt vặt nhằm hạ uy tín của người khác. Ví dụ, cùng học với nhau, nhưng thấy người kia làm bài được nhiều điểm hơn, người có tâm đố kỵ sẽ tìm cách lấy bớt một vài trang trong bài làm của họ xé bỏ đi. Người kia không hay biết, vẫn mang bài đến nộp nên không được điểm cao. Hoặc thấy một huynh đệ được thầy trụ trì quí mến, vì đố kỵ, họ cảm thấy bực bội. Đến phiên người ấy nấu bếp, họ phá bằng cách lấy muối bỏ thêm vào nồi canh vv…. Trong Góp nhặt cát đá có câu chuyện về người mù và Thiền Sư Bankei. Thiền Sư Bankei dạy đạo ở một ngôi chùa. Trước cổng chùa có một người mù. Tuy không nhìn thấy nét mặt của người khác nhưng người mù có cái tai rất nhạy và chỉ cần nghe tiếng nói, ông có thể đánh giá được tâm trạng người khác, biết họ thật tình hay không. Ông từng nói: “Khi nghe một người khen sự thành công của người khác, tôi cũng nghe được cái bí mật trong lòng họ, đó là một sự ganh tỵ. Khi nghe một người chia buồn với nỗi đau khổ của người khác, tôi vẫn nghe được trong tâm họ cái bí mật của một sự vui mừng hả hê.” Ông nói: “Chỉ có Thiền Sư Bankei khi khen ai một điều gì, hay chúc mừng ai một điều gì, tôi nghe trọn lòng chân thành, sự vui mừng của Ngài. Khi nghe Ngài tỏ sự buồn bã đối với nỗi buồn của ai, tôi nghe trọn vẹn cái nỗi buồn như thế”. Vì tu thiền kiểm soát được tâm vững chắc, kỹ lưỡng nên Thiền Sư Bankei có lòng thương người rất chân thành, không đố kỵ. Câu chuyện nhằm khen ngợi đức tính ấy của ông. Cái tâm của con người là như vậy. Thấy người nào thua mình thì vui mừng, thấy ai hơn mình dù mở miệng khen nhưng trong lòng vẫn có sự bực bội. Hoặc thấy người hơn mình bị nạn, tâm vui mừng một cách lộ liễu hoặc thầm kín. Ví dụ, người nữ hay hơn thua nhau về sắc đẹp. Thấy người kia được nhiều người khen đẹp, người này cũng khen nhưng trong lòng ấm ức, bực bội. Đó là khen không thật tình vì lòng không thật vui khi thấy người ta đẹp hơn mình. Hoặc nghe tin người có tài năng, có danh tiếng hơn mình bị tai nạn, chúng ta không dám bộc lộ niềm vui một cách lộ liễu nên miệng vẫn xuýt xoa: “Tội nghiệp” nhưng trong lòng lại vui mừng quá đỗi vì từ nay ông ta không đi giảng được nữa, không hơn mình được nữa. Đó là tâm bí mật của con người. Từ trong thâm sâu, chúng ta phải cố gắng kiểm soát tâm để khi thấy sự thành công của người khác, chúng ta xem như đó là thành công của chính mình; trước niềm vui của người khác, chúng ta cũng vui như chính niềm vui của mình. Vì vậy, trong bài Khấn nguyện chúng ta vẫn tụng hằng ngày có đoạn: Xin cho con sung sướng Khi thấy người thành công Hoặc gây tạo phước lành Như chính con làm được Chúng ta tụng như vậy là để diệt lòng đố kỵ, khởi được tâm tùy hỷ trước sự thành công của người khác. Tâm đố kỵ có quả báo rất kinh khủng. Có lẽ chúng ta còn nhớ câu chuyện về Tôn giả Losaka Tissa bị quả báo đói kém. Vào thời Đức Phật Ca Diếp, Ngài là một trụ trì ở một tinh xá đầu làng. Ngài cũng hiền lành, cả làng chỉ có mình Ngài ở ngôi chùa đó. Một hôm, một vị trưởng lão Alahán đi đến làng và gặp vị địa chủ. Người địa chủ này sau khi nói chuyện, thấy vị Tôn giả này quá trí tuệ bèn thỉnh thọ cơm rồi nói: - Thưa Tôn giả, đầu làng này có một ngôi tinh xá, xin Tôn giả hãy đến đó nghỉ ngơi, chiều con sẽ đến thăm Tôn giả. Vị Tôn giả Alahán đến tinh xá gặp vị trụ trì. Sau khi chào nhau, vị trụ trì hỏi: - Ngài đã dùng cơm ở đâu chưa?. Hòa Thượng trả lời: - Thưa Ngài, tôi có dùng cơm ở nhà vị trưởng làng. Chiều hôm đó, người địa chủ mang cơm, thức ăn, sữa và một số vật phẩm đến cúng dường hai vị và đảnh lễ xin nghe Pháp của Tôn giả Alahán. Vị trụ trì thấy vậy rất khó chịu. Sau khi đảnh lễ và nghe pháp xong, người địa chủ đảnh lễ thỉnh luôn hai vị: - Con xin thỉnh hai vị trưa mai đến nhà con thọ thực. Cả đêm đó, vị trụ trì không ngủ được vì bỗng dưng từ đâu có người đến giành bớt Phật tử của mình. Sáng hôm sau, ông dậy rất sớm để đến nhà người địa chủ nhưng không gọi vị Tôn giả Alahán kia đi cùng. Thực ra, ông có gõ cửa hai tiếng rất nhẹ, gõ nhưng cố ý không cho người kia nghe. Khi đến nơi, người địa chủ hỏi: - Vị Tôn giả hôm qua đâu?. Vị trụ trì trả lời: - Hôm qua ông ăn cái gì đó chắc còn đầy bụng, tôi có gọi mà ông không dậy. Câu nói tuy nhẹ nhưng là một lời chỉ trích, nói xấu làm cho người nghe có cảm giác vị Tôn giả kia ăn no, ngủ quên không chịu tu hành. Ăn xong, vị địa chủ lấy riêng một bát thức ăn và nói: - Con mong thỉnh Ngài, Ngài đem về cho vị kia giùm con. Đi giữa đường, gặp đám than hồng người ta đang đốt, ông đổ tất cả bát cơm vào đó. Lúc bấy giờ, ở tinh xá, vị Tôn giả Alahán đã biết tất cả mọi chuyện. Thấy ông này quá đố kỵ, ông đắp y, mang bát bay lên hư không qua vùng khác ở và không về đó nữa. Về đến nơi không thấy vị kia, vị trụ trì giật mình nghĩ: “Hay là vị này đã chứng đạo biết được tâm ta đố kỵ nên bỏ đi không ở lại. Ôi, ta vì ngu si đã làm một chuyện lầm lỗi”. Sau đó, ông buồn rầu, hối hận rồi chết. Khi chết, ông xuống địa ngục mấy ngàn năm, bị thiêu đốt ở đó. Hết nghiệp địa ngục, ông lên làm quỷ đói, trong năm trăm năm không hề được ăn một miếng gì trừ cái bào thai chết của người ta trục ra một hai lần. Sau khi mãn năm trăm năm ngạ quỷ, ông bị đọa làm chó năm trăm đời. Trong thời gian làm chó, không bao giờ ông được người ta cho ăn uống đàng hoàng, chỉ được ăn khi người ta nhậu say nôn ói ra ngoài. Con chó ấy gầy ốm rồi chết. Sau đó, được trở lên làm người. Nhưng nơi ông được sinh ra, cả làng luôn mang tai hoạ. Ông bị người ta đuổi ra khỏi làng, sống lang thang vất vưởng. Sau này, ông gặp Đức Phật (lúc đó Ngài còn là Bồ Tát). Ngài giáo hóa theo Phật để củng cố lại nhân duyên với Phật pháp. Trong kiếp cuối cùng thời Đức Phật sinh ra đời, ông cũng được sinh ra tại một làng đánh cá. Vào ngày ông ra đời, không ai đánh được một con cá nhỏ nào, hồ nước dự trữ cho làng cũng bị cạn, một số nhà trong làng bỗng nhiên bốc lửa cháy, rồi tự nhiên vua ra lệnh bắt cả dân làng….Những chuyện xui cứ tới dồn dập. Thế là người ta nghĩ trong làng đã xuất hiện một người nào đó xúi quẩy, phải tìm cách loại ra. Lúc đầu, họ chia làng thành hai phần độc lập, không giao thiệp với nhau nữa. Phân nửa làng không có ông thì làm ăn phát đạt trở lại, còn nửa làng kia vẫn tiếp tục bị xui xẻo. Thế là, phân nửa làng đó lại được chia làm đôi. Cứ thế, cuối cùng chỉ còn lại gia đình ông. Họ đuổi gia đình đó ra khỏi làng và làng lại làm ăn trở lại bình thường. Khi bị đuổi, người chồng đuổi luôn người vợ ra khỏi nhà. Vì núm ruột mình đứt ruột đẻ ra, người vợ không nỡ dứt bỏ nên cố gắng làm lụng nuôi ông trong đói khổ. Khi ông lẫm chẫm cầm bình bát đi xa được, bà sai con đi xin ăn và ở nhà bà trốn đi. Thế là từ ngày đó, ông bắt đầu cuộc đời đói khổ, tự lập thân sống như con quỷ ăn bùn. Nhiều khi chỉ xin được mấy hạt cơm người ta làm rơi ở sàn nước để ăn cho đỡ đói. Đến khi gặp ngài Xá Lợi Phất, bằng đạo nhãn, ngài Xá Lợi Phất thấy rằng người này có duyên với Phật pháp, có thể tu được dù nghiệp rất khắc nghiệt. Ngài hỏi: - Cha mẹ con ở đâu? - Thưa, mẹ con vì con mà quá khổ sở nên đã bỏ con. - Con có muốn xuất gia không? - Lành thay Tôn giả! Nếu có thể cho con được xuất gia!. Thế là ngài Xá Lợi Phất đem ông về, cạo tóc cho xuất gia. Mặc dù đã tu chứng Alahán nhưng suốt một đời, không bao giờ Ngài được ăn no cho đến ngày chết. Quả báo đố kỵ kinh khủng, đáng sợ như vậy. Vì Ngài đã đố kỵ với vị Alahán nên bị đoạ đày không biết bao nhiêu kiếp. Trong cuộc sống, những người hay đố kỵ phải chịu nhiều quả báo. Nếu không có tài năng, luôn ganh tỵ với người, đời sau chúng ta sẽ không có tài năng. Thấy ai thành công, chúng ta chỉ trích, bực bội thì đời sau, thành công sẽ không đến, làm gì cũng thất bại. Bởi vậy, những người làm việc hay thất bại thường do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do đời trước có tâm đố kỵ nặng quá. Ngoài ra, người có tâm đố kỵ còn chịu một quả báo nữa là bị thân quyến bỏ rơi. Vì chỉ trích cho người ta bỏ nhau, ghét nhau thì chúng ta sẽ chịu quả báo sống cô đơn, bị người thân ghét bỏ. Và quả báo nặng hơn nữa là bị đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. 3. Đề phòng tâm đố kỵ: Tâm đố kỵ đem lại quả báo khủng khiếp như vậy nên chúng ta phải đề phòng, đừng để nó khởi phát. Nhưng đề phòng tâm đố kỵ bằng cách nào? Trong phạm vi gần: Đối với những huynh đệ cùng lớp, cùng trường và nhất là cùng trình độ với nhau, lúc nào chúng ta cũng chân thành cầu mong huynh đệ hơn mình. Nếu lỡ học kém, chúng ta cũng cầu mong cho huynh đệ mãi mãi hơn mình. Như thế, chúng ta sẽ có phước và dần dần sẽ học giỏi hơn. Nếu lúc nào cũng muốn hơn người, chúng ta sẽ ngày càng kém sút. Khi thấy huynh đệ được nhiều người mến (đắc nhân tâm), chúng ta đừng phủ nhận mà phải tìm thấy ưu điểm nào đã khiến họ được như vậy. Có thể họ có phước gì đó trong quá khứ và ưu điểm gì đó trong hiện tại. Tìm những ưu điểm của bạn để chúng ta học hỏi, tuyệt đối không được chê bai, dè bĩu. Trường hợp huynh đệ mình có uy tín, được người lớn giao nhiệm vụ (trông coi hương đăng, tiếp khách, tri sự, quản chúng… ), chúng ta phải tận tình phụ giúp để huynh đệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta đừng vì ganh ghét mà lén lút phá đám. Sau một thời gian tu hành, thấy huynh đệ mình tu tiến, ngồi thiền được lâu, thuyết giảng hay…, chúng ta phải hoan hỷ và thật lòng kính trọng. Vì người có trí tuệ, định lực tăng tiến cũng chính là thầy mình. Đối với những huynh đệ kém hơn, chúng ta phải tận tình chỉ dạy, không giấu giếm để huynh đệ vượt lên. Thâm tâm chúng ta phải lúc nào cũng mong cho huynh đệ tốt hơn mình. Nếu thấy huynh đệ nào chữ viết còn xấu, chúng ta chỉ họ cách rèn từng chữ để dần dần chữ viết được đẹp hơn. Hoặc thấy huynh đệ viết câu văn chưa chuẩn, chưa suông, chấm câu còn tùy tiện…, chúng ta phải hướng dẫn họ nắm lại những qui tắc ngữ pháp cơ bản vv… Nói chung, chúng ta luôn tận tình chỉ dạy cho huynh đệ mình tiến lên. Ở phạm vi xa: (lúc trưởng thành làm việc lớn) Đây là lúc tâm đố kỵ dễ có điều kiện khởi phát nhất. Vì lúc này, mối quan hệ của chúng ta rộng rãi hơn, quyền lợi cũng nhiều hơn. Bởi vậy, chúng ta càng đề phòng tâm đố kỵ cẩn thận hơn. Khi nghe có giảng sư nào thuyết pháp hay, được nhiều người hâm mộ, chúng ta phải chân thành tìm thấy ưu điểm của vị đó để tán thán, học hỏi. Có khi, giữa chúng ta và người ấy không đồng quan điểm nhưng nếu họ được nhiều người hâm mộ, khen ngợi, tán thán, chúng ta cũng phải tìm hiểu nguyên nhân và chân thành học hỏi. Trước những ưu điểm của người, chúng ta phải đảnh lễ, kính trọng. Có như vậy, tâm đố kỵ mới bị tiêu trừ và chúng ta mới có thể tiến bộ. Đối với những vị tu có kết quả tâm linh, chúng ta phải chân thành kính trọng. Vì đó chính là những vị Thánh của cuộc đời, là chỗ dựa cho chúng sinh. Làm một giảng sư hay không bằng những người đắc định, ngộ đạo thật sự trong tâm. Họ mới thật sự là chỗ dựa của chúng sinh. Có thể người đó nhỏ tuổi hơn chúng ta, tu sau chúng ta nhưng nếu họ đạt được kết quả tâm linh thì tận trong thâm tâm, chúng ta phải xem họ là thầy mình và thật lòng kính trọng, không được khởi tâm đố kỵ. Nếu gửi đến các bậc Thánh lòng kính trọng, sau này chúng ta cũng sẽ đạt được nhiều điều tốt lành. Mặt khác, chúng ta phải giới thiệu những vị có Tài Đức cho nhiều người biết để cùng học hỏi. Chẳng hạn, bác Như Sanh là người Hòa Hảo nhưng sách Bác viết rất hay và sâu sắc. Khi giảng Pháp, nhờ giới thiệu cuốn sách cho nhiều người biết, chúng ta đã làm được một điều tốt là tạo mối quan hệ giữa Hòa Hảo và đạo Phật mặc dù lâu nay, giữa hai đạo này vốn không có thiện cảm với nhau. Như vậy, khi chân thành ca ngợi cái hay của người khác, chúng ta sẽ góp phần làm cho thế giới này đoàn kết hơn. Đối với những người có chức vụ cao hơn mình, chúng ta cố gắng phụ lực để giúp họ làm tròn trách nhiệm. Tận trong thâm tâm, chúng ta không mong cầu tín đồ, tiền bạc, địa vị, danh tiếng … vì tất cả chỉ là hư ảo. Vì không mong cầu nên chúng ta không có cảm giác bị đụng chạm quyền lợi với ai và không nảy sinh lòng đố kỵ khi thấy người khác hơn mình. Nói tóm lại, tâm đố kỵ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta phải thương yêu mọi người chân thành, lúc nào cũng mong mọi người hơn mình. Đó là những nguyên tắc để diệt trừ tâm đố kỵ.