Chương 13

Châu gục mặt xuống bàn khóc. Cô không hiểu tại sao mà cô không thể nào giành được tình yêu của bè bạn. Trong lúc đó thì tất cả các thầy, cô giáo đều yêu quý cô. Luôn nêu gương cô cho mọi người học tập.
Khi cô giáo chủ nhiệm trở về lớp để báo tin thầy hiệu trưởng đã đồng ý cho nghỉ một tiết hôm nay, và nghỉ sáng mai để đưa tang Quỳn, và sẽ học bù vào Chủ nhật, thì lớp đã vắng teo. Chỉ còn mỗi mình Châu đang ngồi khóc một mình. Cô giáo cảm động về cô học trò ngoan, cô bé thương bạn quá đang ngồi khóc nức nở, nhưng vẫn giữ ý thức kỉ luật, chờ cô cho phép mới nghỉ học. Cô giáo xoa đầu Châu an ủi:
- Thôi em nín đi. Tội nghiệp! Em yêu bạn Quỳnh lắm phải không?
Châu ôm cô càng khóc to hơn. Cô giáo cũng trào nước mắt. CÔ dỗ dành Châu:
- Nén buồn lại em. Bây giờ chúng ta đến nhà Quỳnh để giúp đỡ.
- Vâng ạ! Châu ngoan ngoãn lau nước mắt rồi đứng dậy đi cùng cô giáo.
Tú đến nhà Quỳnh thì thấy các bạn đứng cả ngoài cổng, lúng túng rụt rè không dám vào. Trong nhà có rất nhiều người lớn tuổi đi đi lại lại. Tú bỗng cảm thấy mình là người thừa, bao nhiêu hăm hở định xắn tay lên làm lụng tiêu tan hết. Các bạn lao xao hỏi Tú: " Làm gì bây giờ? ". Tú đứng ngơ ngác chưa biết nói sao với các bạn, thì cậu Huy chạy ra mừng rỡ gọi:
- Tú đấy à. May quá! Nhà đang thiếu người giúp đây.
Cả lũ học sinh rạng rỡ thấy có người cần đến mình.
Cậu Huy ra sân nói với đám học sinh:
- Các cháu đến giúp đỡ gia đình, chú rất cảm ơn. Bây giờ Tú sẽ thay mặt chú điều khiển nhé. Các cháu soạn giúp phòng khách, đem hết đồ đạc ra ngoài để làm nơi quàn. Một số căng rạp ở sân làm nơi đón khách...
Vừa lúc đó đám con gái đến, cậu Huy gọi cô Kim:
- Chị Kim ơi, chị với các cháu gái này lo đun nước, với nấu cỗ cúng nhé. Bây giờ mời tất cả các cháu vào uống nước đã, lát nữa mới bắt tay vào việc. Cháu nào đói thì có sẵn bánh mì với chuối đấy. Ăn đi nhé.
Có thể nói Huy là người chủ trò tuyệt vời, mọi việc đã được tính toán đâu ra đấy.
Đám học trò ngượng ngùng đều từ chối không ăn. Nhưng cô Kim cầm lên một cái bánh mì cắn ăn ngon lành rồi nói:
- Cô đói lắm, phải ăn chứ, không từ giờ đến chiều mà nhịn có mà xỉu!
Nói rồi cô đưa cho mỗi học sinh một cái bánh mì patê với hai quả chuối, các em vui vẻ cầm ăn ngay. Thực ra đứa nào cũng đói, mà về nhà ăn thì mất thì giờ. Phát xong một lượt bánh mì mà vẫn còn hơn nửa sọt. Cô Kim tuyên bố:
- Ai đói cứ việc ăn thêm. Hôm nay là phải làm cật lực mới mong xong việc được.
Tú cũng ăn rất háu. Nét mặt Tú đăm chiêu, mà miệng nhai ngon lành. Bọn con trai được ăn là mặt tươi roi rói, và bắt đầu đùa nghịch, nói dóc. Các em quên mất là mình đến đây làm gì. Lúc thấy các bạn vui vẻ thái quá, Tú phải nhắc:
- Nhà đang có tang, đừng làm ồn như thế.
Mấy cậu vội im bặt. Một cậu đưa tay tự bịt miệng, so vai lại. Ngay cả hoảng sợ mà vẫn tếu!
Khi đã phân công công việc cho các bạn đâu vào đấy, Tú mới đi vào phòng Quỳnh, cậu muốn được nhìn thấy bạn, và ngồi cạnh bạn trong những giờ phút cuối cùng này.
Tú rón rén hé cửa lẻn vào. Cậu đứng sững thấy ông cũng nằm ngay giường bên cạnh. Sao ông lại vào đây nằm ngủ nhỉ? Tú đến bên ông đánh thức ông để hai ông cháu tâm sự. Tú muốn thổ lộ nỗi ân hận đè nặng lương tâm. Nhưng khi đưa tay sờ ông, thì ông đã lạnh cứng. Trời ơi! ông cũng chết rồi sao? Tại sao ông lại chết, tối qua cháu còn trông thấy ông cơ mà?
Tú gục vào ông khóc nức nở, rồi Tú ngồi dậy nói nhỏ với ông: " Ông ơi, cháu có tội lớn với Quỳnh ông ạ. Nhưng mà cháu không cố ý vậy đâu. Cháu lúc nào cũng chỉ thân với một mình Quỳnh mà thôi. Nhưng cháu chẳng làm cách nào để Quỳnh chịu học hành được. Ông ơi cháu nghĩ là phải kích thích tự ái của Quỳnh, nên cháu đã cố ý nói với Châu là: Đẹp chỉ để nhìn, phải thông minh thì mới quý. Thật không ngờ cháu đã làm Quỳnh đau khổ như vậy. Quỳnh đã tưởng cháu phản bội, nên bạn ấy chán đời mà tự tử...
Tú khóc tấm tức: Cháu biết làm gì bây giờ ông ơi! Khuôn mặt ông nhoà đi qua làn nước mắt, Tú tưởng như ông đang thì thầm khuyên nhủ: " Phải sống tốt với mọi người". Đó là câu nói cửa miệng hàng ngày của ông. Chính Quỳnh được ông dạy dỗ từ ngày còn bé, tính Quỳnh hiền hậu, thương yêu tất cả, chẳng bao giờ ghét ai, giận ai, và bao giờ cũng nhận lỗi về mình. Mà có lẽ bạn ấy tốt quá nên bạn ấy chẳng thể sống nổi giữa cuộc đời thực dụng này. Tú đến bên Quỳnh, tim Tú thắt lại, Quỳnh đẹp quá! Cô Tuyết đã trang điểm cho Quỳnh, nhìn bạn ấy như đang chuẩn bị đi dự lễ hội.
Nhớ lại hôm nhà trường thi nữ sinh thanh lịch, Quỳnh cũng mặc chiếc áo dài vàng này, cả trường trố mắt nhìn Quỳnh. Tú tự hào được dẫn Quỳnh ra sân khấu, Quỳnh hỏi Tú:
- Quỳnh mặc thế này được không?
- Đẹp lắm, mầu này rất hợp với Quỳnh.
- Tú làm người dẫn Quỳnh nhé. Có ngượng không?
Tú cười:
- Kể ra cũng ngượng, nhưng mà...
- Nhưng mà... sao cơ?
- Nếu để bạn khác dẫn Quỳnh thì mình không thích.
Vừa lúc đó CHâu mặc áo mầu nước biển đi vào, Châu nhìn Quỳnh với ánh mắt khó chịu, khi thấy Tú đang nói chuyện với Quỳnh thân thiết. Châu đến cạnh nói:
- Quỳnh ơi, Châu phải ra trước, Quỳnh cho Châu mượn áo Quỳnh được không? Mầu áo Châu tối quá.
Quỳnh vui vẻ bảo với bạn:
- Ừ Châu mặc xong đưa lại cho Quỳnh ngay nhé. Quỳnh ra sau Châu cách có hai người.
Châu quay sang Tú bảo:
- Tú dẫn Châu ra nhé!
Tú ngần ngại nhìn Quỳnh rồi nói:
- Mình nhận lời dẫn Quỳnh rồi.
- Mình thích Tú dẫn mình. Cậu cao hơn mình, như vậy đẹp đôi hơn. Châu cố nhấn chữ đẹp đôi.
Tú lại nhìn Quỳnh, Quỳnh bảo:
- Ừ Tú dẫn Châu ra. Sau đó lại dẫn mình ra. Như thế sẽ đỡ ngượng hơn.
Quỳnh hoàn toàn hồn nhiên, không một thoáng nào nghi ngờ Châu, và cũng chẳng hề lo cho mình, ra sau mà phải mặc lại áo thì sẽ không còn ấn tượng đẹp, lạ mắt nữa, vì mầu áo, kiểu áo trùng nhau. Quỳnh dự thi vì vui chứ không có ý định tranh giành giải.
Đêm hội hôm đó rất vui, tất cả người dự đều công nhận Quỳnh đẹp nhất, thanh lịch nhất. Lúc Tú dẫn Quỳnh ra, Tú thấy tất cả hội trường vỗ tay tán thưởng, những tiếng trầm trồ khen ngợi. Còn lúc trước dẫn Châu ra thì mọi người cũng chỉ vỗ tay theo phép lịch sự thôi.
Thế mà đến lúc công bố kết quả thì Châu lại đoạt giải Hoa Hậu Thanh Lịch, còn Quỳnh chỉ đoạt giải ba, Quỳnh vui sướng hớn hở ôm lấy Châu, lúc này Quỳnh nhường Châu mặc áo mầu vàng, còn Quỳnh mặc mầu lam lúc ra nhận giải.
Các bạn gái xì xào bực với Quỳnh: " Nó ngốc thế không biết? Lại đi nhường áo cơ chứ!"
Còn Quỳnh lại bảo: " Châu xứng đáng lắm. VÌ Châu học giỏi, như vậy mới đúng danh hiệu Người đẹp của trường".
Tú cũng nghĩ như Quỳnh. Châu không đẹp bằng Quỳnh nhưng Châu toàn diện hơn. Ban giám khảo đều là các thầy, cô giáo, chấm giải thế là đúng!
Nhưng hôm nay đứng bên Quỳnh, Tú hiểu Quỳnh tốt và đẹp hơn Châu. Bởi lòng Quỳnh bao giờ cũng trong sáng, hành vi cư xử với bè bạn thật đẹp đẽ biết chừng nào!
Tú thấy tim đau dội lên trong ngực, tại sao mình lại nhận ra " cái đẹp " muộn màng thế cơ chứ? Phải chi nếu mình biết trân trọng Quỳnh hơn thì mình đã chẳng xử sự thô bạo xúc phạm đến thế.
Quỳnh lộng lẫy và thản nhiên nằm kia. Gần gũi mà cách xa vời vợi, Quỳnh vĩnh viễn tan biến trong cuộc đời. Nhưng Quỳnh sẽ còn lại mãi mãi trong tâm hồn Tú: VẺ ĐẸP và NỖI ĐAU của cuộc đời Tú.
Thiên Thanh dỗ con ngủ, lót vào giường xong, cô ngồi thừ bên cửa sổ, cố nhớ lại mọi điều đã xảy ra. Tất cả đều hỗn độn, khó hiểu và nghiêm trọng. Nhưng là cái gì? Vì sao lại xảy ra? Và điều quan trọng là có gì nguy hại cho mình không? Mình chẳng liên quan gì cả, hoàn toàn không. Vậy mà không hiểu tại sao mình lại bồn chồn lo lắng quá.
Tại sao lại phải lo cơ chứ? Chẳng phải con mình, chẳng phải cha mình. Họ mất đi chẳng lợi gì, mà cũng chả thiệt gì cho mình cả. Mặc kệ họ hàng lo toan với nhau!
Thanh đứng dậy, mang tã lót của con đi giặt. Nhà chị Ngọc chật hơn, thiếu tiện nghi chứ không được thuận tiện như ở nhà mình, cứ cho tất tật vào máy giặt, chỉ một lát là sạch bong, khô ngay. Ở đây phải ngồi vò xát từng cái một, sốt cả ruột! Nhưng chính vì ngồi rề rà với đống tã lót, mà những ý nghĩ vẩn vơ cứ quẩn trí, chợt một ý nghĩ xô đến: " Thế nếu người ta kết tội mình là dì ghẻ đầy đoạ, nên con chồng phải chết thì sao?
... Lúc ngồi trên ô tô, Thanh nghe Huy kể với chị Ngọc việc công an đến điều tra về nguyên nhân tự tử của Quỳnh và họ đã thu sáng vở thư từ của Quỳnh mang về để nghiên cứu. Họ đến lúc nào mà mình ở trên gác nên chẳng biết gì. Nếu nhỡ con ranh con ghi nhăng nhít về mình thì sao? Tim Thanh thót lại. Tại sao mình lại không nghĩ đến điều này từ trước nhỉ, giá mình tỉnh táo hơn, lấy nhật ký của nó cất đi, thì có phải yên tâm hơn không?
Nhưng mà dù nó có ghi gì đi nữa: Căm ghét, giả dối, thủ đoạn... thì cũng chẳng thể kết tội mình được. Mình chưa hề mắng mỏ nó bao giờ, chưa hề để nó thiếu ăn thiếu mặc, chưa hề ngăn cấm điều gì, chưa hề nói xấu nó với bất cứ ai, chưa hề mách với bố nó một lỗi nào của nó. Vậy thì mình chẳng liên quan gì đến việc nó tự tử cả. Mình hoàn toàn chẳng có lỗi gì với nó hết. Nhưng tại sao nó lại tự tử được? Phải có nguyên nhân gì ghê gớm lắm mới khiến con người hoảng loạn như vậy.
Thanh lại nhớ đến câu chuyện Huy nói với chị Ngọc về thằng Tú đã ra bờ sông từ sáng sớm quan sát luồng nước chảy và đoán được là Quỳnh mắc dưới bè. Huy nói: " Thằng bé thật có tình có nghĩa và thông minh quá! Không có nó thì bây giờ vẫn chưa tìm ra Quỳnh đâu". Tại sao thằng Tú lại quan tâm đến Quỳnh như vậy? Cả lớp bạn bè đông như thế, mà chỉ mỗi Tú là tỏ ra đau khổ nhất trước cái chết của con Quỳnh? À, đúng rồi, có lẽ hai đứa đã yêu nhau, và con Quỳnh chót dại chửa hoang nên mới hoảng lên mà tự vẫn. ĐÚng là như thế!
Thanh cảm thấy nhẹ lòng khi suy đoán được nguyên nhân hợp lý. Những loại con gái đẹp mà trí tuệ kém cỏi, thường là bọn hư đốn, sa vào vòng tình ái lăng nhăng rất sớm.. Rõ thật là mẹ nào con ấy! Chợt nghĩ đến Tuyết, lòng Thanh lại cộm lên nỗi ghen nhức nhối. Con mụ đẹp mã ấy đi theo giai, vậy mà ông Hưng vẫn còn chết mê chết mệt.
Thanh dằn mạnh cái chậu ngầu bọt trắng xoá, bọt xà phòng bắn lên mặt, lên tóc. Cô ta cáu kỉnh: Rõ thật tội nợ, đến cái máy giặt mà cũng chẳng sắm nổi!
Bỗng tiếng chích choè ríu rít trên cây khế ngoài vườn, Thanh ngước nhìn lên, bầu trời xanh lãng đãng những cụm mây trắng, nắng lấp lánh trên lá, lao xao gió đùa những chùm khế vàng xanh, mòng mọng. Một thoáng quê hương hiện về. Bờ ao quê Thanh cũng có cây khế như thế. Mỗi lần ra cầu ao giặt, Thanh lại ngước nhìn cây, khi cây khế bắt đầu vàng ươm là lũ chim lại ríu rít bay về nô đùa trên cây. Những ngày ấy hồn nhiên vui sướng làm sao. Mỗi lần nhìn thấy chim ăn khế, Thanh lại nhớ đến truyện cổ tích: " may túi ba gang, đựng vàng đựng bạc". Cô lại ao ước mình giàu sang, chim thần ăn khế và sẽ cõng cô đến xứ thần tiên đầy vàng bạc.
Cô thôn nữ mơ ước cao nhất là ăn ngon, mặc đẹp nhà cao cửa rộng. Hồi đó có bao giờ cô nghĩ được trên đời này có máy giặt? Thế mà chỉ mới 2 năm sống trong tiện nghi hiện đại, cô đã cảm thấy khó chịu khi phải ở tạm nhà chị Ngọc vài ngày.
Thế ngộ nhỡ bây giờ Hưng đề nghị li hôn thì sao? Anh ấy đã nói lấy mình vì Quỳnh cần mình. Nay Quỳnh đã mất đi.... Nhưng mình đã có cu Thịnh, họ hàng sẽ chẳng cho phép anh ấy bỏ mình đâu. Bỏ sao được?
Thế nhưng nếu mụ Tuyết trở về thì sao? Hưng sẽ bỏ rơi mẹ con mình ngay. Anh ấy chẳng cần gì con trai.
Những ý nghĩ lộn xộn, chao đảo hành hạ Thanh. Thanh không đau khổ, mà cô ta khốn khổ quá chừng!
Làm sao bây giờ trời ơi, mình phải có mặt trong lễ tang, nếu không thì mụ Tuyết sẽ đứng cạnh anh ấy bên linh cữu ông già. Mụ ta sẽ đàng hoàng giữ vai trò dâu trưởng. Không được, không cho phép mụ ta làm điều ấy.
Thanh giận dữ, cô vò mạnh đống quần áo, giằng giật như muốn xé toang chính con mụ Tuyết. Cô ta dội nước tung toé, xô chậu ầm ầm đến nỗi đứa bé trên nhà giật mình khóc váng lên. Tiếng con khóc làm dịu cơn phẫn nộ trong lòng Thanh, cô vội vàng chạy lên bế con. Ôm con lên, đứa bé thấy mẹ toét miệng cười, tay chầm vập bám lấy mẹ, một luồng ấm áp truyền sang Thanh.
- " COn mẹ, hòn ngọc của mẹ, hoàng tử của mẹ....!
Đây là đứa cháu đích tôn của dòng họ. ý nghĩ ấy thoáng hiện lên với nỗi lo âu chợt ập đến. Dòng họ Mạc này có phải đang đến hồi suy thoái? Mấy đứa con trai của các ông bác, ông chú đều hi sinh ngoài trận mạc, hay tai nạn ở nước ngoài. Bây giờ nhà này lại trùng tang thế này, liệu có còn điều gì tai họa xảy đến con trai ta không? Nàng run rẩy ôm sát con vào lòng, đứa bé rúc đầu vào ngực mẹ, dụi dụi đòi bú. Thanh định cho con bú nhưng sực nhớ trong sách có nói đến người mẹ khi lên cơn giận dữ, thì chất độc trong máu truyền vào sữa, đã có trường hợp người mẹ trong lúc ghen tuông mà cho con bú, đứa bé ngộ độc mà chết ngay. Thanh hoảng sợ rùng mình. CÔ cảm thấy bơ vơ, cô độc ở ngôi nhà xa lạ này. Ngôi nhà mà đêm qua ông già đã nằm chết ở đây. Hồn ông già còn lẩn quất...
Thanh hoảng sợ đến phát điên lên, phải bế con đi khỏi đây lập tức, nhưng mà đi đâu được? Về nhà thì đang có cả hai người chết nằm đây, càng khủng khiếp hơn. hay là về quê với mẹ. Nhưng mà xa xôi, lại thôn quê thiếu thốn mọi thứ, bẩn thỉu nữa, sống sao được?
Thằng bé đói sữa khóc ngằn ngặt. Thanh không dám cho bú, mà cũng chẳng dám buông ra để pha sữa. Cô ôm con cùng khóc oà lên.
Cửa mở toang, chị Ngọc tay xách làn, tay cầm túi vội vã bước vào, quẳng các thứ xuống đất chị nói:
- Ôi! Sao cả mẹ cả con cùng khóc thế này? TỘi nghiệp chưa? Nào đưa bác bế thằng cháu trai của bác nào.
Thanh trao con cho chị Ngọc, rồi gục đầu vào vai chị khóc tấm tức:
- Em khổ quá chị ơi!
- Nín đi em, dù sao Quỳnh cũng đã chết rồi, có khóc cũng chẳng cứu nổi. EM hãy lo chăm sóc thằng cu. Đó là cách an ủi Hưng, để đáp lại tấm lòng của ông....
Chị Ngọc nói liên hồi, giọng nhỏ nhẹ như để trút vợi nỗi đau của chính mình, Thanh lắng nghe, tiếng nấc nhẹ dần, cô chẳng nghe thấy chị Ngọc nói gì, cô chỉ cảm thấy giữa cảnh bơ vơ, bỗng có nơi nương tựa, nên nỗi khổ tâm chẳng ai hiểu thấu, cũng tự nhiên tan đi. Hai người, hai nỗi khổ khác nhau bỗng tìm thấy nhau, và tưởng rằng được thông cảm, và an ủi được nhau!
- em đi pha sữa cho con ăn, sữa em cạn kiệt cả chị ạ. Thanh đến bên bàn vừa pha sữa vừa nói chuyện với chị Ngọc.
- Chị ơi, em lo lắm, nhà mình trùng tang thế này, có lẽ lên chùa xin lập đàn giải trùng chị ạ.
- Chị cũng nghĩ thế. Để rồi chị sẽ lên chùa xin sư cụ chọn ngày lặp đàn. Việc này chị phải đến nhờ bà Xuân lo hộ, chứ chị mới đi chùa, chưa thật hiểu những nghi lễ nhà Phật.
Thanh nghe nhắc đến bà Xuân, cô cau mày hỏi:
- bà Xuân bà ngoại Quỳnh phải không ạ>?
Ngọc vẫn vô tình không chú ý đến tia nhìn giận dữ của cô em dâu, chị bình thản nói:
- Ừ, gia đình ấy thật quý hoá lắm. May mà có cậu Huy lo toan cho mọi bề, chứ không một mình cậu Hưng thì rối tinh rối mù lên ngay.
- bà mẹ tốt thế, mà sao lại sinh ra con gái đốn đời đến thế? Giọng Thanh chỏng lỏn nói vậy..
Ngọc khó chịu, chị ôn tồn nói:
- em đừng nói thế. Người ta có lúc si mê đâm ra xử sự sai lầm. Tuyết là con người đôn hậu, dịu dàng lắm.
- Em nghĩ đàn bà mà bỏ con cái để theo giai là người đốn mạt. Không thể nào lại đôn hậu được. Chính vì bà ta mà Quỳnh mới tự tử.
Ngọc thở dài:
- Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Đừng xúc phạm đến nỗi đau của người mẹ mất con.
- Em chả hiểu nổi gia đình của chị, tại sao lại cứ khen ngợi mụ ta? Cả ông, cả chị, cả anh Hưng lúc nào cũng nghĩ tốt về con người phản bội ấy.
- Chị xin em đừng nói thế. Em chả hiểu biết gì về Tuyết đâu? Trong việc vợ chồng có nhiều điều chẳng thể hiểu được đâu. Em hãy cố giữ gìn lấy hạnh phúc của mình.
Thanh đã pha sữa xong, cô đến bế con cho ăn. Lòng cô cồn lên sự tức giận:
- Nếu anh Hưng vẫn yêu mụ Tuyết, cũng như chị, thì làm sao em giữ được hạnh phúc?
Ngọc hiểu nỗi đau của Thanh, người đàn bà không chinh phục được tình yêu của chồng. Nhưng chị không làm sao để có thể yêu quý Thanh được, mặc dù công bằng mà nói thì Thanh tốt hơn Tuyết, theo tiêu chí mà xã hội đánh giá về con người
Thấy chị im lặng, Thanh đang cơn bực bội, cô nói tiếp:
- Em thấy Tuyết đã di hại thói vô đạo đức sang con gái. Chính vì Quỳnh yêu đương sớm mà chẳng chịu học hành và theo em, có lẽ nó đã trót dại, nên sợ quá mà tự tử.
Ngọc đứng bật dậy, chị hoảng sợ trước ý kiến ấy, tại sao Thanh lại có thể nghĩ xấu về một cô gái trong sáng dịu hiền như thế được.
- Em căn cứ vào đâu mà nói như thế?
- EM thấy nó với thằng Tú cứ quấn quýt nhau. Mà bây giờ sách báo, phim ảnh, ti vi toàn truyện đồi truỵ. Các cô các cậu ấy bây giờ tự do lắm.
Ngọc cau mày, nói giọng nghiêm khắc:
- Em chưa hiểu gì chúng nó cả. hai đứa chơi thân với nhau từ hồi mẫu giáo. Đừng nói xấu về người đã khuất như thế, phải tội đấy.
Thanh cười khẩy:
- EM nói có căn cứ của em. Hai tháng nay em không thấy nó giặt khăn xô hành kinh.
Ngọc tái mặt, chị rợn người chợt nhớ đến việc Quỳnh định đến ở với gia đình mình, nếu quả là như thế, thì con trai chị mang tiếng oan cũng nên. Lòng người mẹ khi nghĩ đến con mình, có khi trở nên ích kỉ như một bản năng. Chị tin Thanh nói thật nhưng chị ghê sợ cách xét đoán tỉnh táo lạnh lùng ấy.
Thanh tự tin là mình nói thành thật, duy chi tiết không thấy giặt khăn xô là Thanh bịa, chỉ cốt để khẳng định thôi. Bây giờ phần nhiều nữ thanh niên đâu có dùng khăn xô nữa. Họ dùng băng vệ sinh, nên làm gì có việc giặt giũ ở đây? Nhưng chị Ngọc không thể biết điều đó, chị là lớp người lớn tuổi và lại nghèo nữa chẳng đủ tiền để dùng loại cao cấp ấy, nên làm sao đoán nổi là Thanh nói dối?
Chị Ngọc đứng dậy soạn ở làn ra đĩa xôi thịt đậu, đùi gà luộc, cà mèn miến nấu lòng gà. Chị bảo:
- Thanh đến ăn đi em, đây là cỗ cúng chị đem về cho em, kẻo từ sáng đến giờ em chắc chưa ăn gì, lấy đâu ra sữa cho cháu bú?
Thanh đang đói thật, cô tủi thân thấy cả nhà bỏ quên mình. bây giờ chị Ngọc đã nhớ đến cô, cô cảm động:
- Em cảm ơn chị, đúng là nhiều việc dồn dập lo âu, em chẳng nhớ đến ăn nữa.
- Em ăn đi nhé, rồi vào đi ngủ một lúc cho tinh thần đỡ căng thẳng. Bây giờ chị vào phòng trong khâu băng tang cho khách đến viếng. Ông là thầy giáo lâu năm, chắc là học trò cụ đến viếng rất đông.
Nói rồi chị Ngọc xách túi đựng vải đem vào phòng riêng, trong đó có đặt máy khâu
Ngọc ngồi cắt các mảnh vải đen, khâu mấy chục cái băng lớn đeo ở tay cho họ hàng thân thích, và cắt những miếng vải đen nhỏ như bao diêm để khách đến viếng cài vào áo. Xé một chục chiếc khăn trắng cho con cháu trong nhà. Đó là chuẩn bị tang cho ông. Chứ theo phong tục thì với Quỳnh chẳng ai để tang cả. Trái lại, phải quấn một vòng khăn trắng cho QUỳnh để cô gái phải để tang ông. Cái Chết của Quỳnh là chết bất hiếu, lẽ ra tang lễ phải làm đơn sơ và đem chôn ban đêm. Nhưng mà lòng người thì ai cũng đau xót về cái chết của cô gái trẻ. Mà ngay cả Ngọc, chị cũng chỉ nghĩ đến Quỳnh, đau xót ăn năn về cái chết của cô cháu gái, mà ít đau đớn về cái chết của cha mình.
Nhưng câu nói của cô em dâu cứ vấn vương mãi trong đầu Ngọc: Tại sao Quỳnh lại chết? Chị rất khó chịu về cách nói của Thanh, Nhưng mà ý kiến của cô ấy đều đúng. Tuyết là người mẹ hư đốn, gây đau khổ cho chồng con. Nhưng mà dù Tuyết đã sai lầm, chị vẫn thương Tuyết. Ở cô ấy sự tử tế và lòng ích kỉ đều hồn nhiên như trẻ con.
...
Mỗi lần Tết đến là Ngọc lo buồn nhiều hơn vui vẻ. Không chỉ lo đủ bánh chưng, thịt gà, mứt rượu, mà điều chị lo nhất là con trai không có bộ quần áo mới hợp với kiểu mà bạn bè đang sắm. Từ khi chồng chị hi sinh ở chiến trường, thu nhập hàng tháng của gia đình giảm sút phần cơ bản. Quần áo của con trai, chị thường sửa lại những quần áo cũ của chồng, do khéo tay chị may rất đẹp. Và cậu con trai bao giờ cũng hài lòng về kiểu bu dông rất mốt, mà chị đã may cho nó. Nhưng đến khi nó lớn llên, thì không thể nào sửa lại áo đại cán của quân đội thành áo của chàng trai, dù mới mười hai mà lớn phổng!
Chiều hôm ấy, ngày ông Táo chầu trời, Tuyết và Quỳnh đến nhà chị Ngọc, Tuyết bảo:
- Chị cho Hiền đi chợ Tết với mẹ con em nhé. Phải có cậu con trai giúp đỡ thì đi chợ Tết mới đỡ vất vả.
Thế là hai anh em Hiền và Quỳnh hớn hở lắm. Khi Hiền về, cu cậu diện một bộ đồ mới toanh: Áo Bludông Đức, quần bò mài, giày Adidas. Còn QUỳnh cũng mặc bộ đồ tuyệt đẹp, áo lông xù màu xanh, quần len bó, giày cao nhung thẫm.
hai anh em đứng trước bác Ngọc khoe:
- bác thấy chúng cháu chọn mốt này đẹp không?
Chị cảm động chảy nước mắt nhìn con trai vui sướng đến thế. Nó vui không chỉ vì có áo mới, mà vì hai anh em nó đã chọn cho nhau. Cảm thấy sung sướng vì được tự mua, chứ không phải là được cho.
Sau này khi Tuyết đã bỏ nhà ra đi, cứ đến gần Tết, Quỳnh lại xin bố tiền rồi lại đến rủ Hiền đi sắm áo quần mới. Hai anh em giữ lệ đó như một thủ tục không thể thiếu của Tết. Tuyết đã để lại lòng tốt cho đứa con gái. Biết đem niềm vui đến cho người khác, chứ không phải là việc ban phát sự giàu có. Người nghèo thường hay sĩ, Ngọc cũng vậy, chị không bao giờ nhận bất cứ thứ gì của ai cho. Nhưng mà Tuyết bao giờ cũng tìm đuợc cách để chị nhận một cách vui vẻ.
Một hôm Tuyết mang đến một cái áo len dài tay, màu ghi sáng rất đẹp, Tuyết bảo chị:
- CHị Ngọc ơi, chị giúp em mặc hộ cái áo này. Chán qúa, em nhờ con bạn vào Sài Gòn mua hộ cho em cái áo len màu hoàng yến, thế mà nó tha về cho em cái màu bà già này. CHị phải giúp em, nếu không phải trả lại nó thì hoá ra vô ơn quá, nó giận em thì chết!
Thế là Ngọc phải nhận, và đó là cái áo len đẹp nhất mà chị hằng thầm ước ao.
Sau này vô tình chị gặp cô bạn của Tuyết, cô ấy hỏi:
- Chị mặc áo len có vừa không? Tuyết nhờ em mua hai cái áo len, áo màu vàng cho nó và áo màu ghi sáng cho chị.
Thế đấy, Tuyết đã chăm sóc chị rất tế nhị như vậy. Một con người tốt như thế mà lại hư đốn được ư? Họ có thể lầm lỡ nhưng chẳng bao giờ là người xấu được. Nhưng mà người tốt vẫn có thể gây nên nhiều điều tai hại khôn lường.
Nếu Quỳnh đã trót lầm lỡ, thì đó chẳng phải vì hư hỏng mà vì em thiếu đi người mẹ bên cạnh. Thiếu nữ đã đến tuổi dậy thì, tâm hồn lung linh thơ mộng, yêu đời và hồn nhiên. Chính cái đẹp của tuổi hoa lại là cạm bẫy, làm dập nát cuộc đời vừa hé mở.
Lúc Tuyết bỏ nhà ra đi, cô nào có ngờ đã thả con mình vào guồng đời khắc nghiệt. Mà sự nghiền nát lại không phải do âm mưu thâm độc hay gặp người đểu cáng. Mà là vòng quay tự nhiên của cuộc sống mà thôi.
Ngọc bàng hoàng khi chợt tự hỏi: Vậy tại sao mình lại bỏ mặc con bé?
Cách đây 2 năm, hồi đó Hưng chưa lấy Thanh, một hôm Quỳnh đến gặp bác Ngọc, nó ghé tai bác thì thầm lo sợ:
- Bác ơi, cháu mọc nhọt ở ngực đau lắm.
Ngọc hoảng lên:
- Đâu đưa bác xem nào, nó có sưng tấy lên không?
Thì ra ngực cô bé bắt đầu phát triển. Ngọc ôm cháu gái cười rũ rượi:
- CÔ bé ạ, cô sắp thành thiếu nữ rồi đấy.
Nhân việc ấy, Ngọc đã hướng dẫn cháu gái cách giữ vệ sinh khi có kinh nguyệt.
Nhưng như thế đâu có đủ kiến thức để một cô gái biết xử sự đúng mức trong cuộc sống đầy tai ương này? Quỳnh lạc đường, vì những người thân thiết nhất đã bỏ mặc cô gái ngơ ngác giữa trường đời. Dù Tuyết có tốt bụng đến đâu thì người mẹ ấy không thể trốn tránh được trách nhiệm của mình. Sự trừng phạt của lương tâm sẽ đến chung thân.
Và cả mình nữa. Người bác ruột. Người mẹ nuôi, người mẹ luôn lấy Đức làm mục tiêu để sống. Vậy mà mình đã vô tình đến tàn nhẫn.
Quỳnh đã dại dột buông thả, nhưng Quỳnh hồn nhiên trong sáng. Quỳnh không có một tội lỗi nào hết. Vậy mà Thanh đã dám nói Quỳnh vô đạo đức. Người đàn bà ấy không hề xót thương cô bé chết giữa lúc cuộc đời đang độ đẹp nhất. Đàn bà mà không có tình thương người, đó mới là kẻ vô đạp đức. Nhưng mà khốn thay, cô ta lại tưởng mình đức hạnh lắm! Tâm hồn khô cằn, cô ta không biết hối hận.
NGọc nhìn đám vải đen la liệt trên chiếu, trong đó chẳng có mảnh nào để tang cho cô gái đau khổ ấy cả.
Nhưng mà cháu ơi, vết đen trong tâm hồn bác sẽ để tang cháu suốt đời. Suốt đời bác sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mình được.
Những ý nghĩ lộn xộn, quay cuồng, Ngọc cũng chẳng tự hiểu mình đang quy lỗi cho mọi người để giảm nhẹ niềm hối hận đang trĩu nằng lòng mình.