Chương 6

Trò chơi mới, trò làm quen với các quan chức không vợ, cũng đầy kiên nhẫn và trí tuệ như việc giành được vị trí giảng dậy ở đại học vậy.
Cô đã đến nhà một ông thứ trưởng vợ chết. Vắt óc để tìm cớ đến, may mắn có một sinh viên gọi ông ta là chú, cô bắc cầu qua cô cháu để đến với ông chú. Ông thứ trưởng đón tiếp cô rất nhã nhặn, có hôm nói chuyện đến hàng tiếng đồng hồ, nhưng lúc nào ông cũng ân cần một cách lễ độ. Thế rồi mấy tháng sau cô biết ông ấy quý trọng cô vì ông yêu một cô sinh viên trẻ trung xinh đẹp là bạn của cháu, là học trò của Thành. Đám cưới của họ, Thành được mời dự. Và cô cay đắng nhận ra, những người có danh vọng, có cuộc sống đàng hoàng, họ thích những cô gái trẻ và đẹp, hai thứ mà cô đã để trôi mất theo thời gian. Cô cũng đã tìm đến một ông tiến sĩ mải mê vì khoa học, quên cả lấy vợ. Căn nhà của ông thênh thang và bừa bộn. Thành cũng tìm ra cớ để đến thăm, cô đến để nhờ ông giảng giải về một lý thuyết mới. Ông tiến sĩ giảng giải rất cặn kẽ, còn cho tài liệu mượn đọc nữa. Nhưng những lần sau cô đến thì ông tỏ ra khó chịu nói thẳng: " Tôi bận lắm, xin lỗi cô, tôi không tiếp được ".
Thành bẽ bàng ra về, và một lần nữa cô nhận ra là không thể chinh phục đàn ông bằng bộ mặt luống tuổi của mình. Mệt mỏi vì mất lòng tin, cô thôi săn đuổi những địa chỉ vàng. Thành đi xin quẻ ở những ngôi chùa linh thiêng, ở đâu cô cũng được Thánh dạy: Phận cô cao số, nhưng nếu kiên nhẫn cầu xin thì phúc phận sẽ đến.
Từ đó cô chăm đi lễ, khấn nguyện rất thành tâm.
Rồi trời phật đã thấu lòng thành của Thành, và giáng phúc cho cô một cách bất ngờ.
Một lần dẫn sinh viên đi thực tập ở trường cấp III, Thành gặp Kim, cô bạn quen trong dịp Đại hội sinh viên toàn quốc.
- Kìa Kim, lâu quá mới gặp lại cậu.
Kim mừng rỡ nắm lấy tay bạn:
- Thanh, cậu dạy học ở trường này à?
- Mình đưa sinh viên về đây thực tập sư phạm. Thế cậu bây giờ công tác ở đâu?
- Mình làm bác sĩ ở bệnh viện nhi. Này Thanh có thể giúp mình một việc được không?
- Việc gì vây? Nói đi xem mình có giúp được không?
Kim kể chuyện gia đình Hưng, anh ruột của Kim đang gặp khó khăn trong việc học hành của cháu Quỳnh, nó thi vào cấp III bị thiếu điểm. Kim nói:
- Mình thương con bé quá, từ khi mẹ nó bỏ nhà đi theo người tình, nó học hành sút kém hẳn. Mà anh mình thì bận quá, ông ấy làm Tổng giám đốc công ty liên doanh với Đức, suốt ngày đi vắng. Về đến nhà đã mệt mỏi lại buồn vì cô đơn, lại thấy con gái học hành kém quá, anh ấy sinh ra cáu gắt. Nay con bé thi lại thiếu điểm, nó không dám nói với bố mà nhờ mình giúp, mà mình thì chẳng quen ai ở ngành giáo dục này cả.
Thanh mừng lắm, một dịp để làm quen. Nhưng rồi cô cũng sợ, lại phải dấn thân một lần nữa. Mấy lần bẽ bàng cũng đủ lắm rồi! Nhưng mà giúp đỡ bạn là một việc tốt. Thì hãy cứ làm việc tốt đi đã. Đừng nuôi hi vọng gì hết, kẻo lại âm thầm nhục nhã. Thanh ngẫm nghĩ đăm chiêu hồi lâu, rồi cô nói:
- Mình sẽ cố gắng nói chuyện với bà hiệu trưởng. Mình nhận Quỳnh là cháu của mình. Người trong ngành được chiếu cố một điểm.
Kim sung sướng nắm chặt tay Thanh:
- Được thế thì may quá. Cháu Quỳnh cũng chỉ thiếu một điểm thôi.
Thanh dè dặt nhìn Kim rồi nói nho nhỏ:
- Kim ạ, cái chính là phải kèm cho cháu nó học, phải nâng trình độ lên mới là vấn đề cơ bản.
- Mình cũng nghĩ thế, nhưng anh ấy không kèm cho nó được, cứ bắt đầu dạy cho nó học, lại quát tháo, làm cho nó mụ cả người.
Thanh trầm ngâm nói:
- Thôi được, cứ lo cho nó vào trường đã. Rồi sẽ tính sau. Mình sẽ giúp tìm thầy dạy cho nó.
Kim ôm choàng Thanh, cảm động nói:
- Thật trời phật phù hộ, hôm nay may mắn làm sao mà mình gặp được cậu.
Thanh nghĩ: Mình bước vào nhà này là do Quỳnh. Mà mình đã từng thương yêu cô bé ấy một cách thành tâm. Và cho đến lúc này mình vẫn thương Quỳnh, mình chưa hề làm một điều gì không phải với nó thế mà anh ấy đã quát tháo vào mặt mình: " Đồ dì ghẻ độc ác ". Trời phật ơi! có thấu cho nỗi lòng của con không? Có thể con chưa thật tốt, nhưng con đâu có độc ác?
Thanh vừa tức tưởi khóc, vừa đến bàn thờ thắp mấy nén nhang rồi quỳ sụp xuống khấn khứa:
" Quỳnh ơi, con tha tội cho má, má đâu có dám làm gì để con khổ. Má đúng là thương em Thịnh hơn con, không quan tâm săn sóc con như trước. Nhưng mà sao con nỡ giận dữ với đời làm vậy. Khổ quá con ơi, má biết làm sao bây giờ? "
Thanh rùng mình hoảng sợ, gia đình có thể tan vỡ sau cái chết của QUỳnh. Thanh nhớ lại cuộc tình của cô với Hưng cách đây hai năm.
Thanh đã xin được cho Quỳnh vào học lớp 10, và cô tự mình đến kèm dạy học cho cô bé. Tội nghiệp đứa con gái khao khát bàn tay âu yếm của người mẹ. Thanh dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, rồi trang trí lại, trồng hoa, may lại ri đô. Thanh dạy nó cắt may quần áo, hai cô cháu cùng vẽ mẫu rồi tự may máy ở nhà, cô dạy nó nấu các món ăn ngon, cô dạy nó cắm hoa nữa.
Từ ngày có Thanh, Quỳnh vui vẻ tươi tắn hẳn lên. Cô bé học hành đã khá hơn trước.
Hưng đi làm về thấy nhà cửa khang trang, bữa ăn lại có những món ăn ngon lành như thuở Tuyết còn ở nhà. Anh cảm thấy cuộc sống nhẹ nhõm. Anh nhìn con gái âu yếm nói:
- Con gái bố giỏi lắm. Có con là đời bố ấm cúng lắm rồi. Bố chỉ cần sống với con là đủ hạnh phúc.
Quỳnh cười vui vẻ bảo lại:
- Nhờ có cô Thanh đấy bố ạ. Cô ấy dậy con cách làm đấy. Con quý cô ấy lắm bố ạ.
- Cô Thanh đến dạy con học thêm, lại còn dạy cả nữ công cho con nữa ư?
- Vâng, cô ấy bảo ban con nhiều điều lắm bố ạ. Mà cô ấy rất có nghị lực phấn đấu, nhà nghèo mà tự mình học để trở thành cán bộ giảng dạy đại học cơ đấy!
- Con phải noi gương cô ấy mà học hành.
Hôm sau Hưng gặp cô Thanh để cảm ơn. Nhìn cô gái giản dị, nhan sắc tầm thường, dáng vẻ vẫn còn quê quê, Hưng càng yên tâm về người dạy dỗ con mình. Những người đàn bà như vậy thường có tâm hồn trong sạch, cuộc sống đứng đắn.
Thanh xúc động được nói chuyện với Hưng. Từ hôm đến dạy, cô chỉ gặp anh có mỗi một lần, mà chỉ để thoả thuận về giờ giấc và tiền thù lao mà thôi.
Hưng nói:
- Thật tôi không biết nói thế nào để cảm ơn cô. Cháu Quỳnh ngoan ngoãn hẳn lên. Học khá, lại biết chăm lo việc nhà. Cháu bảo với chăm lo việc nhà. Cháu bảo với tôi là cháu quý trọng cô lắm.
- Cám ơn anh đã có lời khen - Nhưng bản chất cháu là thông minh, và rất dịu dàng. Thực ra em chẳng phải dạy dỗ gì nhiều. Cháu tự làm lấy cả.
- Nhưng trước đây nó có biết làm gì đâu. Ngay hồi mẹ nó còn ở nhà, nó chẳng hề phải làm một việc gì hết.
Thanh ngước nhìn anh, Hưng chợt nhận ra cô ấy có đôi mắt thật đằm thắm., thông minh. Mà giọng nói thật êm ái.
Thanh nói:
- Con gái ở với mẹ bao giờ chả làm nũng. Lúc ở nhà với mẹ em, em còn lười biếng vòi vĩnh đủ thứ. Nhưng sống với mẹ thì tinh thần bao giờ cũng ổn định. Đến khi vào đại học, ở một mình và cả đến bây giờ, em mới hiểu xa mẹ khổ sở cô đơn như thế nào.
Hưng bỗng thấy mến cô gái thật thà chân chất ấy. Nhưng tình cảm chỉ đến vậy thôi. Anh không hề nghĩ xa hơn. - Người đàn bà ấy không làm thức dậy tình cảm người đàn ông trong anh.
Còn Thanh thì say mê bố của cô học trò nhỏ. Cô kính phục sự thành đạt của anh đến gần như sùng bái. Nhưng anh lại thờ ơ với cô, khiến cô thấy anh cao xa vời vợi.
Cô dồn tình cảm vào cô học trò nhỏ và cảm thấy mình yêu Quỳnh như chính con gái của mình. Đó là lòng chân thật, không gợn chút nào tính toán.
Có lẽ vì tấm lòng chân thật ấy mà sau gần một năm dậy dỗ Quỳnh, bỗng một hôm Hưng chủ động gặp cô nói chuyện riêng.
Hưng mời cô vào phòng làm việc của anh, cô ngồi trước bàn giấy, hai tay đặt trên lòng, nghiêm trang như đang chờ nghe chỉ thị của thủ trưởng. Hưng ngồi sau bàn giấy, mặt đăm chiêu như đang cân nhắc ý kiến sắp phát biểu.
Hưng nói:
- Cô Thanh ạ, hôm nay tôi gặp cô là theo ý kiến của cháu Quỳnh,. Cháu cần có một người mẹ, một người thật sự yêu thương cháu, và được cháu tin cậy để dìu dắt cháu trong cuộc đời. Trước đây tôi nghĩ hai bố con tôi sống với nhau là đủ, nhưng bây giờ tôi hiểu người đàn ông có thể sống không có vợ, nhưng đứa con gái thì không thể thiếu mẹ được. Riêng tôi thì tôi không thích ràng buộc với một người đàn bà nào nữa cả. Tất cả tình yêu của tôi đã trao hết cho Tuyết, ngưòi vợ cũ của tôi. Bởi vậy lòng tôi bây giờ nguội lạnh, tôi chẳng thể yêu ai được nữa...
Thanh rưng rưng nhìn Hưng, cô cảm thấy thương anh vô hạn, tội nghiệp một con người chung tình thế mà đã bị bội bạc đau đớn đến như vậy. Cô nói khe khẽ:
- EM hiểu, vâng, em hiểu anh.
Hưng vẫn dửng dưng trước ánh nhìn thiết tha của Thanh, anh nói tiếp:
- Tôi xin phép được bày tỏ điều này với cô, nếu cô không bằng lòng thì xin cô thứ lỗi cho. Tôi xin cầu hôn với cô, không phải vì tình yêu, mà là do sự quý trọng của tôi đối với cô, và vì tình yêu của con gái tôi đối với cô, nó thật sự cần có cô, để được sống trong gia đình êm ấm như mọi đứa trẻ khác. Tôi thành tâm nói hết sự thật với cô. Nếu cô thương bố con tôi, xin cô nhận cho lời cầu hôn đường đột này.
Thanh cúi đầu nghẹn ngào nói:
- Em xin nhận lời. Nhận lời vì em yêu anh và yêu Quỳnh. Hưng vươn tay qua bàn, nắm lấy bàn tay Thanh đưa ra. Hai bàn tay nắm chặt nhau rồi buông ra. Chỉ có vậy!
...
Hạnh phúc đã đến trọn vẹn đúng như những điều mà cô hằng khấn nguyện. Rồi hạnh phúc đã đạt đến cực điểm khi cô sinh hạ được đứa con trai: cu Thịnh. Thế mà không hiểu sao, cô không hề cảm thấy mình được sung sướng.
Cô đã có tất cả, và cảm thấy tất cả đều không phải của mình: Có người chồng đẹp đẽ, giàu sang, danh vọng, nhưng anh ấy chỉ là một người hờ hững. Gần gũi đấy mà như người dưng, cô lấy được anh mà không chinh phục được anh. Có Quỳnh rất mến yêu tin cậy cô, nhưng cô cảm thấy mình không thể yêu nó, thậm chí lòng cô luôn gợn lên một nỗi ghen tuông với nó, QUỳnh là hình ảnh của Tuyết. Có căn nhà đẹp đẽ thênh thang, nhưng mỗi góc nhà, mỗi tiện nghi đều còn nguyên dấu vết của Tuyết, người vợ cũ. Bà ta vẫn ngự trị trong nhà, còn cô chỉ là người ở nhờ. Đến cả lúc cô sinh con giai, đứa cháu nội đích tôn của dòng họ Mạc. Đứa con trai duy nhất của chi họ trưởng tộc.
Vậy mà Hưng cũng chẳng vì thế mà yêu quý cô hơn. ANh ấy yêu quý con, còn cô chỉ như người vú nuôi!
Mặc cảm ấy khiến cô trở thành người đàn bà hay sắc mắc vớ vẩn. Cô quyết tâm xoá nhoà hình ảnh Tuyết trong nhà này. Cô định kê dọn lại tất cả, và biến căn buồng của Tuyết thành phòng riêng của mình. Nhưng Quỳnh nhất định không cho làm. Nó yêu cầu phải chờ bố nó về có ý kiến đã, rồi mới được sắp xếp lại.
Nhưng Quỳnh nhất định không cho làm. Nó yêu cầu phải chờ bố nó về có ý kiến đã, rồi mới được sắp xếp lại:
- Má đừng làm thế, buồng của mẹ hãy để nguyên, để chờ bố về xem ý kiến bố thế nào?
- Để một buồng trống là lãng phí, trong khi má và em ở buồng hướng Tây rất nóng.
- Má cứ chờ bố về đã.
- Con không được cản. Má là chủ nhà này, má muốn làm gì thì làm.
- Má nhầm rồi, nhà này chỉ là của bố mà thôi.
Thanh sững sờ uất nghẹn, cô không nén được quát lên:
- Không được hỗn. Má là vợ của bố, má có quyền.
Quỳnh đứng dậy nghiêm sắc mặt nói lại:
- Nhà này làm ra đứng tên chủ là bố và mẹ Tuyết. Còn má là người đến sau. Chẳng có quyền gì cả.
Thanh buông rơi mình xuống ghế, cô choáng váng vì nhục nhã, cô ôm mặt khóc rưng rức. Quỳnh lạnh lùng bỏ đi.
Đến tối, sau bữa cơm, Thanh vào phòng riêng của chồng, cô ngồi xuống chiếc ghế trước bàn giấy, vẫn dáng vẻ trang trọng như làm việc với thủ trưởng, cô cố gắng lựa lời nói:
- ANh Hưng, em định xin anh cho em dọn về căn buồng phía đông, cô nói tránh để không nhắc đến buồng Tuyết. Buồng của em mùa này nóng quá, thằng bé ngủ không yên giấc.
Hưng nói giọng thản nhiên:
- Buồng của mẹ Quỳnh hãy để nguyên. Không ai được phép kê dọn lại gì hết. Còn cô nếu thấy buồng ấy nóng thì dọn xuống buồng ở tầng một.
Thanh nghẹn lại vì tức tối, nhưng cô không dám cáu kỉnh, cố gượng cười nói nửa đùa nửa thật:
- Nhà là của chung, sao anh lại phân biệt thế? Nay mai cu Thịnh lớn thì nhà này là nhà của nó. Chị Quỳnh rồi sẽ đi lấy chồng, về nhà chồng thôi.
Hưng cau mày, xẵng giọng nói:
- Nhà này là nhà của Quỳnh. Bởi vì mẹ nó có công lao xây dựng lên.
Thanh đứng bật dậy:
- Thế thì mẹ con tôi là con đòi con ở cho anh à? Đã vậy tôi sẽ bế con tôi ra khỏi nhà này ngay.
Hưng nhìn Thanh mặt cau lại giận dữ:
- Nếu cô muốn đi thì tôi sẵn sàng để cô đi. Tôi sẽ tìm căn hộ khác cho cô. Còn ở đây thì đừng làm gì để tổn thương đến Quỳnh. Nó là tất cả tình yêu của tôi.
Thanh bật khóc nức nở, cô cúi gục mặt xuống bàn vai rung lên. Nhưng Hưng vẫn ngồi im lặng, khóc hồi lâu không thấy Hưng dỗ dành an ủi gì, Thanh ngước đôi mắt đầy lệ nhìn Hưng:
- Em khổ quá, em yêu anh vô cùng, mà anh chẳng hề yêu thương em lấy một chút nào cả.
Hưng cũng cảm động, anh thấy thương Thanh, nhưng anh không thể nào tìm thấy sự rung động đối với cô.
- Tôi đã nói với cô từ lâu là tôi không yêu cô. Vậy đừng đòi hỏi gì ở tôi. Tôi lấy cô vì Quỳnh rất cần có mẹ, mà nó lại yêu cô. Bởi vậy nếu cô đánh mất tình yêu của nó, thì tôi chẳng thể nào quý cô được nữa. ĐÓ là sự thật mà cô nên biết. Nhưng tôi nhắc lại lần nữa để cô đừng oán trách tôi.
Thanh hiểu tình thế của mình, cô lẩm bẩm nói:
- Vâng, em đã hiểu thân phận của mình!
RỒi cô đi ra, khép cửa phòng lại, thề rằng từ nay sẽ không bước vào đấy nữa. Anh ta chẳng bao giờ mở lòng với mình, chẳng việc gì phải cầu cạnh.
Rồi kể từ hôm ấy, cô chỉ dồn tất cả tình cảm, thì giờ tâm sức, để chăm sóc đứa con trai của mình. Việc nhà cô phó mặc cho Quỳnh, việc học hành của nó cô cũng chẳng quan tâm đến nữa.
Quỳnh trở lên trầm ngâm, ở nhà với Thanh hầu như nó chẳng nói một lời nào. Nó càng ra sức chăm sóc bố chu đáo. Quần áo của Hưng thay ra, nó đêm đi giặt rồi là cẩn thận. Nó nấu những món ăn mà bố thích. Nó dọn dẹp phòng của bố thật ngăn nắp, không để vương một tí bụi nào. Nó giành bố nó hoàn toàn khỏi tay của Thanh.
Lòng Thanh ngấm ngầm căm tức Quỳnh. Càng lớn Quỳnh càng giống mẹ nó. Nó đẹp rực rỡ như bông hồng buổi sáng còn Thanh vốn da ngăm ngăm, nay vì buồn phiền, da lại xám xịt, vì nuôi con nên Thanh gầy tong teo, ngực lép, tóc rụng, đứng cạnh con gái chồng nom cô càng héo hon xơ xác đến thảm hại.
Nỗi oán hận biến thành lòng căm thù, mặc dù Thanh không muốn thế. Nhiều lần cô chợt nhận ra mình đang thầm cầu mong Quỳnh bỏ nhà đến ở với mẹ.
Một lần ngồi nghe đài, cô nghe nói các cô gái đẹp mất tích vì bị lừa đem bán cho nước ngoài. Cô bỗng nghĩ Quỳnh đẹp thế, sao chúng không rủ rê nhỉ? Ý nghĩ ấy ám ảnh Thanh đến mức, những lần cô đi chùa khi khấn vái cầu phúc cho con trai, cầu sự bình yên cho gia đình, thì thẳm sâu lòng cô cũng thầm ước nguyện Quỳnh đừng sống ở trong nhà nữa, để cô được hưởng hạnh phúc với người chồng mà cô yêu quý vô cùng.
Tuy nhiên cô chẳng bao giờ la mắng Quỳnh, hay đầy đoạ khổ sở về vật chất. Nói cho đúng cô không thể làm như vậy được, cô sợ chồng. Mà Quỳnh đã lớn, nó có phòng riêng, có tiền chi tiêu riêng, cô chẳng chi phối được nó về kinh tế.
Nhưng gần đây cô khoái trá khi thấy Hưng nổi giận vì cô gái yêu đã mang sổ học bạ về toàn điểm kém. Hưng gầm lên rồi tát con gái lạng cả người đập đầu vào tường. Thanh chạy vào can, kéo Quỳnh ra khỏi phòng.
Cô nói giọng trách móc:
- Anh Hưng, không được đánh con, nó lớn rồi có gì bảo nó, sao lại đánh?
Quỳnh vằng ra khỏi tay Thanh rồi càu nhàu:
- Mặc tôi, không can gì đến bà. Bố tôi thương tôi thì mới đánh. Nói rồi Quỳnh bỏ xuống phòng mình đóng kín cửa, ngồi khóc.
Thanh nói to với Hưng:
- Học giỏi hay không là ở trí tuệ. Có đánh cũng chả làm cho đầu óc sáng ra được đâu.
Hưng quay lại nói gay gắt với Thanh:
- Cô vô trách nhiệm lắm. Tại sao cô không giúp nó học hành như trước kia. Cô trút mọi công việc nhà bắt nó làm. Không giảng bài cho nó. Tại sao thế?
- Thì bố con anh đâu có cần gì đến tôi?
Thanh hể hả lắm: Đó là một bài học cho anh ấy hiểu là không có mình thì cái nhà này tan nát!
...
Thanh lẩm bẩm trước bàn thờ, mấy nén nhang đã lụi, cô lại thắp nén nhang khác, cô đang nói chuyện với hương hồn Quỳnh: Quỳnh ơi, tha lỗi cho má. Má nhỏ nhen vì ghen tuông vô lý. Nhưng quả thật má chẳng làm gì xấu cho con cả. Má cầu xin con hiểu cho má. Má xin con đừng làm hại em con, má xin con cho má được tiếp tục sống với bố con!
Nỗi hoảng sợ làm cho Thanh gần như phát rồ, cô ta cảm thấy những điều khấn nguyện của cô trước đây hầu như đều đạt hết, cả điều ước tốt lẫn điều ước xấu. Cô cảm nhận tội lỗi của mình đối với Quỳnh, hình như chính cô cầu nguyện cho Quỳnh bỏ đi. Và bây giờ Quỳnh đã chết. Cô đã giết người bằng ý nghĩ độc ác của mình. Trời ơi rồi sự báo oán sẽ rơi xuống như thế nào đây!