Trường phổ thông trung học Số Chín có tổ chức giới thiệu học sinh đi tìm việc làm trong kỳ nghỉ đông nhưng chỉ giới thiệu nữ sinh thôi vì các nhà máy chỉ cần nữ công nhân. Trong lớp có nhiều bạn ghi tên song Hân Nhiên không ghi tên. Nhà máy và nhà trường ký thỏa thuận với nhau là tiếp nhận cả loạt những “công nhân” làm việc trong kỳ nghỉ đông ấy, như vậy dễ quản lý mà cũng dễ coi sóc họ hơn. Hân Nhiên lại thích tới một nhà máy không có bạn cùng lớp và người quen, bởi vì bạn cho rằng có như thế mới thực sự hiểu được đời sống của các cô gái đi làm thuê, mới thực sự rèn luyện mình. Hân Nhiên trình bày ý đồ đó với thầy phụ trách, xin thầy viết riêng cho một giấy giới thiệu, không có giấy giới thiệu của nhà trường thì nhà máy không chịu nhận và cũng không dám nhận, nếu nhận người làm không hợp pháp, họ sẽ bị phạt tiền. Mẹ không tán thành cách làm của Hân Nhiên: _ Mọi người cùng đến nhà máy làm việc thì còn có thể chăm sóc lẫn cho nhau. Bây giờ con đi có một mình, xảy ra chuyện gì thì sao? _ Mẹ ạ con muốn được nếm trải công việc đó. Tất cả cùng đi chẳng thú vị gì, như thế cũng chẳng khác gì ở trường vậy. _ Con không sợ có kẻ xấu à? _ Mẹ ơi, kẻ xấu không sợ con thì hay rồi! _ Chỉ được cái bẻm mép, không biết trời cao đất dầy là gì! Hân Nhiên vốc một ít gạo đem ra hiên cho chim bồ câu. Mấy con bồ câu non tuy không còn yếu song đã lớn gần bằng mẹ chúng rồi. _ Mẹ ơi, sao mấy con non này lại sang chuồng khác thế? – Hân Nhiên hỏi khi nhìn thấy mấy con chim con đã ra ở riêng. _ À, sáng hôm qua mẹ chúng đuổi chúng đi đấy! _ Sao lại thế được? Hôm trước con định vuốt ve chúng còn bị con mẹ mổ vào tay cơ mà! Sao có mấy ngày mà con mẹ đã trở mặt không nhận con nữa thế? _ Lúc chúng nhỏ, con mẹ hết sức bảo vệ con, nhưng khi lớn thì mẹ chúng đuổi đi để chúng sinh sống độc lập, tự nếm trải lấy, như thế mới là thực sự yêu con! _ Thế thì phương pháp giáo dục của chim câu tiên tiến thật! – Hân Nhiên chuyển sang nói với mẹ - mẹ ơi, mẹ cũng phải học tập chim câu, không thể cứ che chở con bằng đôi cánh của mẹ mãi được. Đang mải nhào bột mì, bây giờ mẹ mới hiểu ra vẻ tinh nghịch dưới cái vỏ nghiêm trang của Hân Nhiên: _ Hừ, nói một hồi thì ra cho mẹ vào bẫy, ranh con! _ Mẹ, thế mẹ đồng ý nhé? – Hân Nhiên vui vẻ hỏi. Khi con cái đã lớn, chúng nên có một khoảng trời riêng, nên được tự bay liệng một mình. Cha mẹ không thể ôm chúng mãi mãi trong đôi cánh của mình, con cái cũng không mãi mãi nhờ dựa mãi vào bố mẹ. Hân Nhiên cầm giấy giới thiệu của nhà trường đến nhà máy Bích Kỳ. Đây là một xí nghiệp do người Nhật bỏ vốn đầu tư, sản xuất, máy điện thoại có ghi lại tiếng nói: Hân Nhiên gặp người gác cổng rồi đi thẳng vào phòng làm việc của quản đốc phân xưởng. _ Xin lỗi, em là học sinh trường trung học Số Chín, muốn được làm việc trong kỳ nghỉ đông. Xin hỏi có phải em trình giấy ở đây không ạ? _ Đúng đấy! - Một cô gái rất nhanh nhẹn đón tiếp Hân Nhiên – Nhà máy chúng tôi cần làm gấp một lô hàng, nên thời gian rất gấp, có thể không nghỉ chủ nhật, cô có chịu khổ được không? _ Được ạ! – Hân Nhiên trịnh trọng gật đầu. _ Thế thì tốt, cô điền vào các mục trong tờ khai này. Hân Nhiên đón lấy tờ giấy, đọc kỹ một lượt, điền các mục rồi đưa trả lại cho cô gái – Còn cần thủ tục gì nữa không ạ? _ Chữ em viết đẹp nhỉ! – Cô gái mỉm cười rồi đưa cho Hân Nhiên một tấm thẻ - Đủ rồi, em làm ở phân xưởng Một, đây là thẻ chấm công của em. Hàng ngày mỗi sáng đến làm ghi một lần giờ đến nhà máy, buổi chiều ghi một lần giờ ra về, nếu làm thêm giờ có thẻ làm thêm giờ. Xem thẻ thì tính ra được giờ làm hay nghỉ của công nhân. Buổi trưa ăn cơm của nhà máy. Thời gian làm việc là tám giờ, sáng từ tám giờ đến mười hai giờ; chiều từ một giờ đến năm giờ. Nhưng hồi này thường xuyên phải làm thêm, buổi tối làm thêm từ hai đến bốn giờ, không định trước được. Đến lúc đó sẽ có người báo cho em biết. Lương tháng là ba trăm nhân dân tệ, một trăm đô la Hồng Kông, tiền công làm thêm tính riêng. Sáng mai em bắt đầu đi làm, khi em đến sẽ có người bố trí công việc. Rõ ràng cả rồi chứ? Nghe xong lời dặn dò, Hân Nhiên có cảm giác cô gái này rất giống nhân vật Tiểu Hồng trong truyện Hồng Lâu Mộng ở phương diện mồm mép liến thoắng. Bạn nhận tấm thẻ chấm công, miệng nói: _ Cảm ơn chị. _ Không phải khách sáo, cứ gọi tên tôi là Lý Nghệ, nhân viên phòng hành chính, đây là cán bộ trợ lý, kia là giám đốc. Theo tay chỉ của Lý Nghệ, Hân Nhiên nhìn thấy một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi đang gọi điện thoại. _ Ông ấy là ông chủ Nhật Bản hả chị? Lý Nghệ cười: _ Không phải đâu. Ông ấy chỉ là Boss của chị thôi, còn ông chủ Nhật Bản là ông chủ lớn. _ Ông ấy làm việc ở đâu ạ? _ Ở Nhật Bản. Xí nghiệp này chỉ là một phân xưởng của ông ấy, một năm ông ấy sang Thâm Quyến một vài lần, ở lại một vài tuần. Thường ngày chẳng gặp được ông ấy nhưng có lúc lại có thể nói là ngày nào cũng gặp. _ Thế là thế nào ạ? _ Chị chỉ hé cho em biết thế thôi. Vừa hay ngày mai ông ấy tới kiểm tra hàng, tới lúc ấy em sẽ hiểu. Ngày hôm sau Hân Nhiên dậy rất sớm. Bạn có ý cuốn tóc lên, như thế ra vẻ già dặn hơn. Từ xa bạn đã thấy một đoàn nữ công nhân mặc quần áo đồng phục của nhà máy Bích Kỳ nối nhau đi vào nhà máy. Hân Nhiên rất phấn khởi. Một cảm giác thân ái trào dâng, Hân Nhiên rảo chân và rất nhanh đã nhập vào dòng người đó. Một ông già gầy gò đứng ở lối vào, ra sức khom lưng chào, luôn miệng nói: _ Xin chào, cô vất vả quá! Hân Nhiên ngạc nhiên quá, quay sang hỏi một nữ công nhân: _ Ông già kia là ai thế? _ Cô mới tới làm à? _ Vâng, hôm nay là ngày đầu tiên. _ Thảo nào phải hỏi. Ông ấy chính là ông chủ lớn của nhà máy này đấy! _ Thế ạ? Hân Nhiên càng kinh ngạc hơn, không ngăn được quay đầu nhìn lại ông già gầy còm lần nữa. Ông ta vẫn đứng đấy ra sức khom lưng chào, hẳn là đã mệt lắm. Đường đường một ông chủ lớn đến thăm nhà máy mà lại hạ mình đến thế, thảo nào Lý Nghệ nói có thể ngày nào cũng gặp mặt ông ta. Hân Nhiên nghĩ tới sách chính trị em học có viết tư bản giàu lên là nhờ bóc lột giá trị thặng dư, còn nhà tư bản bóp nặn mồ hôi nước mắt của công nhân này lại có thủ đoạn riêng. Chỉ có mình ông ta mới biết ông ta có chân tình thành thực hay là vờ vịt giả dối, song có thể khẳng định không ai phản cảm với lối thăm hỏi lễ phép của ông ta. Nhật Bản tuy nhỏ nhưng khôn ngoan có hạng. Chỉ dùng mười mấy phút ngắn ngủi lúc công nhân vào làm là đã có thể làm ấm lòng tất cả công nhân toàn nhà máy. Hân Nhiên rất khâm phục chiêu này của ông chủ người Nhật. Hân Nhiên được sắp đặt vào vị trí trung gian của dây chuyền sản xuất. Công việc thật đơn giản, chỉ cần cầm công cụ chuyên môn trên bàn làm việc của mình lắp một linh kiện nhỏ xíu theo quy định; lắp xong trả linh kiện trở lại băng dây chuyền, chuyển cho người kế tiếp. Thứ tự công việc của mỗi người khiến không ai có thể liên tưởng tới mối quan hệ giữa linh kiện với máy điện thoại có ghi lại tiếng nói. Từ lâu Hân Nhiên đã được nghe tới danh từ “dây chuyền sản xuất”, nhưng cách sản xuất như thế nào thì lại không biết. Ngồi vào bàn công tác để thực hiện công việc, Hân Nhiên lập tức lĩnh hội được sự tính toán thông minh và thâm hiểm của người phương Tây. Trước hết ngăn chặn được lười nhác và lơ đễnh. Theo cách sản xuất này, tốc độ chỉ được nhanh chứ không được chậm. Một người chậm làm ảnh hưởng đến cả tiến trình công việc của dây chuyền. Ai vụng về, ai không hết sức cố gắng, nhìn một cái là thấy ngay. Cũng không thể làm cẩu thả được, bởi chỉ cần sai lầm một khâu là cả dây chuyền phải làm lại. Sai của người nào, người ấy không thể chối cãi được. Ngoài ra cách làm việc này còn khiến cho công nhân không bao giờ học đươc những điều căn bản, dù có làm lâu đến mười năm thì hễ rời chỗ làm việc của mình là không biết gì nữa hết. Muốn “học lỏm” để ra mở xưởng khác là điều không bao giờ có thể thực hiện được. Hân Nhiên là cô gái khéo chân khéo tay nên công việc đơn giản này thật dễ. Động tác của bạn rất nhanh nên có thời gian rảnh để nhìn ra xung quanh. Phân xưởng rất rộng và rất sạch. Mỗi một dây chuyền đều có người đi tới đi lui xem xét. _ Cô mới đến làm à? - Một cô thợ ngồi bàn đàng sau hỏi. _ Vâng. _ Cô còn ít tuổi lắm, học sinh à? _ Vâng. _ Đi làm thêm nhân kỳ nghỉ đông phải không? _ Vâng, làm chơi thôi! – Hân Nhiên cố ý đáp như vậy rồi hỏi - Những người đi tới đi lui kia làm gì thế hả chị? _ Trưởng dây đấy! _ À ra thế! – Hân Nhiên không lấy làm lạ nữa. Trưởng dây tức tổ trưởng một dây chuyền, tiếng Anh là line. _ Chân em tê dại, lưng cũng đau, mắt hoa lên, chỉ muốn đứng lên đi vài bước cho đỡ mỏi! – Công việc không nặng nhọc nhưng ngồi liền bốn giờ ở bàn thì rất mỏi mệt. _ Thế thì cô lấy cớ ra nhà vệ sinh đi! - Chị công nhân ngồi đàng sau lập tức truyền kinh nghiệm. Lúc này, Lý Nghệ đi tới. Chị dặn mỗi tổ trưởng dây mấy câu gì đó rồi ở lại với dây chuyền sản xuất thiếu vắng trưởng dây của Hân Nhiên. Chị luôn tay chỉ vẽ cho công nhân, ai đi vệ sinh thì thế chân người đó một lát. Tất nhiên thỉnh thoảng lại mắng mỏ. _ Đi vệ sinh gì mà lâu thế, quá cả thời gian quy định. Hẳn lại còn nán lại tán gẫu chứ gì? Còn như thế nữa thì phạt đấy! Vì có mặt chị nên không ai dám nói chuyện nữa. Tất cả cắm đầu làm việc khiến Hân Nhiên khen thầm uy lực của chị. _ Tất cả chú ý nhé. Lát nữa ông chủ Nhật Bản tới kiểm tra, mọi người hãy chú ý làm việc – Lý Nghệ nói. Một lúc sau, ông chủ Nhật Bản, tức ông già còm nhom khom lưng chào ở lối vào ban sáng, với một đám người đi theo tới phân xưởng. Ông chủ lúc này lên mặt ông chủ, mặt lạnh như tiền, đi quanh phân xưởng một vòng, kiểm tra xem linh kiện đặt trên dây chuyền có ngay ngắn không, công cụ đặt trên mặt bàn có đúng vị trí hay không. Tất nhiên ông ta còn quan sát tình hình sản xuất chung của công nhân. Sau khi ông chủ đi khỏi, tất cả các nữ công nhân đều thở phào, mấy trưởng dây không hẹn mà cùng nhìn Lý Nghệ, Lý Nghệ không phê bình song cũng không biểu dương, chỉ nói: _ Nửa giờ nữa là ăn cơm! Hay nhỉ? Sao không nói nửa giờ nữa tan ca mà lại nói ăn cơm? Một hồi chuông reo lên. Tất cả công việc đều ngừng, tất cả công nhân đứng lên. Hân Nhiên vẫy cánh tay cho tay được thư giãn. Chị công nhân ngồi đằng sau gọi Hân Nhiên đi ăn cơm. Thì ra vừa ra khỏi phân xưởng là vào luôn nhà ăn, thảo nào chỉ bảo “ăn cơm” mà không có khái niệm “tan ca”. Hân Nhiên theo các chị vào nhà ăn, thuộc ngay tên các chị ngồi trước và sau bàn làm việc của mình. Người ngồi trước là A Xuân người ngồi sau là Yến Muội. Thấy Hân Nhiên mới đến chưa quen, A Xuân lấy hộ cơm rồi dẫn Hân Nhiên tìm chỗ ngồi ăn. _ Sao lại ngồi cả về phía này thế hả chị? - Thấy người vào mỗi lúc một đông, các công nhân phải ngồi chen chúc, còn phía bên kia còn nhiều bàn trống, Hân Nhiên hỏi – Sao không sang ngồi mấy bàn kia ạ? _ Đừng nói to như thế em. Bàn đó dành cho trưởng dây, phía kia dành cho PE, không thể ngồi lẫn lộn. _ Ai quy định thế ạ? _ Chẳng ai quy định cả, song mọi người đều tuân thủ như vậy. Hiển nhiên A Xuân không có ý kiến gì về việc phân chia chỗ ngồi như thế, chị chỉ nhắc Hân Nhiên nói nhỏ mà thôi. _ Dây của chị em mình sao không có trưởng dây ạ? _ Trưởng dây trước đây bỏ việc rồi, nhưng rồi sẽ có trưởng dây ngay thôi – A Xuân nói xong cười với vẻ khó hiểu. Nụ cười ấy khiến Hân Nhiên vốn thông minh hiểu ngay ra được chuyện gì. A Xuân lại nói – Làm trưởng dây thì được ngồi sang bàn bên kia. A Xuân lại nhiệt tình giới thiệu một số chức vụ trong nhà máy: QA là nhân viên kiểm tra chất lượng, QC là nhân viên khống chế chất lượng, PE là kỹ thuật viên v.v… _ Trưởng dây quản lý bọn chị, cô kia lại quản lý các trưởng dây, cô kia nữa là trợ lý cho anh kia, còn người kia… Theo ngón tay của A Xuân, ánh mắt Hân Nhiên luôn chuyển chỗ. Khi chỉ đến Lý Nghệ, Hân Nhiên buột miệng chen ngang: _ Chị kia là Lý Nghệ là nhân viên hành chính, đúng không ạ? Hôm em mới tới được chị ấy đón tiếp. _ Đồ giòi bọ! - Yến Muội chửi. Hân Nhiên giật mình. Đây là câu chửi khá nặng dành cho những người dìm người khác để mình được nổi trội, thích khoe mẽ, tự cho là mình đúng. Hân Nhiên không biết Yến Muội nói vậy để chỉ Lý Nghệ hay chỉ mình nên trong lòng không vui. Khi bạn định trao đổi ánh mắt với Yến Muội thì cô ta lảng nhìn chỗ khác. A Xuân giải thích thêm: _ Cô ấy lúc đầu cùng đi tìm việc làm với chúng tôi. Hân Nhiên lúc này biết chắc câu chửi của Yến Muội dành cho Lý Nghệ, lại còn biết Lý Nghệ, A Xuân và Yến Muội là người cùng làng, nhưng bây giờ Lý Nghệ đã nổi trội hơn hẳn. _ Ông chủ cũng biết chọn người giao việc lắm đấy! - Yến Muội liếc Lý Nghệ rồi nói. Hân Nhiên nghĩ: Mâu thuẫn giữa hai chị này và Lý Nghệ khá sâu đây! Song Lý Nghệ rốt cuộc là người như thế nào? A Xuân, Yến Muội nữa, cũng là người như thế nào? Các cô thợ vừa ăn vừa ríu rít nói chuyện. Trong thời gian làm việc họ không được phép nói chuyện nên trong một tiếng đồng hồ nghỉ trưa này họ phải nói cho thỏa. Thôi thì trời Nam, đất Bắc, chuyện gì cũng nói, nào là ở đâu hàng rẻ, hiệu uốn tóc nào đẹp, bạn trai nào… Hân Nhiên không góp chuyện. Bạn không có thói quen vừa ăn vừa nói. Nếu nói chuyện thì mẹ lập tức sẽ xổ ra hàng mười thuật ngữ y học để chứng minh vừa ăn vừa nói không có lợi cho sức khỏe như thế nào. Mẹ là thầy thuốc mà lại, vả chăng Hân Nhiên cũng không biết góp chuyện gì. Ăn cơm xong, A Xuân gọi Hân Nhiên đi về phòng ở của công nhân, Hân Nhiên còn muốn đi dạo nên cầm theo quyển sách học tiếng Anh đi loanh quanh trong phạm vi nhà máy, vừa đi vừa nhẩm ôn từ ngữ. Bước tới cổng thấy tấm bảng tuyên truyền trống trơn, Hân Nhiên tiện tay cầm bút viết lên bảng.ĐƯỢC ĐỀ BẠT LÀM TRƯỞNG DÂY _ Này, làm gì đấy? Cô không biết rằng đây không phải chỗ viết bừa à? - một người đàn ông mặc âu phục vừa nói vừa tiến lại gần. Hân Nhiên lúc này mới chợt nhớ ra đây không phải là trường mình mà là nhà máy. Thật là làm trưởng ban tuyên truyền của trường quen mất rồi, thấy chỗ nào cũng không nên để trắng. Hân Nhiên thấy có lỗi: _ Tôi xin lỗi vì không được biết. Tôi xóa ngay bây giờ. _ Lần đầu tiên tôi được thấy nét chữ đẹp đấy, chẳng khác gì chữ của nhà thư pháp. Đấy không phải là lời nịnh khéo. Ai nhìn chữ Hân Nhiên viết cũng phải thích, phải khen mấy câu. _ Học sinh à? Lớp Mười hả? - Người kia đã nhìn thấy sách học tiếng Anh trên tay Hân Nhiên - nghỉ đông tranh thủ kiếm tiền hả? Công việc đã làm quen chưa?... Hân Nhiên cắt ngang: _ Xin được cải chính một sai lầm của anh: tôi đến đây không phải để kiếm tiền mà là để rèn luyện bản thân. Người kia bật cười: _ Thật đúng giọng học sinh, cô cậu nào cũng thế cả. Hồi tôi đi học cũng vậy, nghiêm chỉnh ra phết. Bây giờ thì sao? Hừ! – Nói xong, người ấy cười với vẻ tự giễu cợt. _ Cô tên là gì? Hân Nhiên không đáp, người ấy bèn tự giới thiệu trước: _ Tôi là Hách Quân, quản đốc phân xưởng. Nói xong, Hách Quân trao danh thiếp. Danh thiếp ghi chức vụ tùm lum, Hân Nhiên đếm nhẩm sơ qua đã có đến bảy thứ, không nén được cười thầm. Danh thiếp nào viết đến ba chức vụ hoặc học vị là Hân Nhiên đã thấy khó coi, huống hồ viết cả đống, khiến Hân Nhiên cảm thấy phô trương, buồn cười. _ Chức quan của anh nhiều nhỉ? _ Nhiều gì đâu, còn chưa viết đủ đâu! Hân Nhiên bật cười thành tiếng: _ Tôi tên là Hân Nhiên, không chức tước gì ráo, học sinh trơn thôi. Hách Quân nhìn lên tấm bảng đen: _ Cô làm giúp một kỳ báo đón xuân nhé. Tấm bảng tuyên truyền này bỏ không có đến cả tháng rồi, ngày thường cũng chẳng có gì đáng thông báo. Cô có thể làm tốt được không? _ Chẳng có vấn đề gì! _ Làm xong được tính thêm lương đấy! _ Thưa ông Hách, tôi lại phải sửa sai cho ông lần nữa… Hách Quân tiếp lời: _ Là làm báo không phải để kiếm tiền mà là để rèn luyện chứ gì? Kỳ báo Đón xuân do Hân Nhiên làm khuấy động không nhỏ đến cả nhà máy. Hết giờ làm là có từng tốp công nhân xúm lại xem. Đời sống trong nhà máy đơn điệu chóng chán, cho nên một chút gì đó mới lạ cũng nổi được sóng lăn tăn. Các cô thợ thích thú đoán mục đố chữ, đọc thơ và bình phẩm các đề báo. Hân Nhiên vui sướng lắm. Ai nấy hỏi thăm xem ai làm báo tường, A Xuân tự hào đáp: _ Một chị em của chúng tôi đấy! Hân Nhiên nghe được câu ấy lấy làm bất ngờ. Đã lúc nào Hân Nhiên tự đứng vào hàng ngũ chị em đâu? Dù vậy bạn cũng rất vui: có người nhận mình là chị em rồi! Ăn cơm trưa xong, Hân Nhiên theo A Xuân, Yến Muội về nhà ở của họ. Nhà ở hơi tối, A Xuân phải bật đèn, nhìn quanh phòng, Hân Nhiên thấy chừng hai mươi mét vuông mà có đến tám cái giường tầng cho mười sáu chị em ở, khá chật chội. Giường nào hầu như cũng có để một vali da rất đẹp và một xấp quần áo sạch. _ Chật lắm, em nhìn không quen phải không? – A Xuân kéo tay Hân Nhiên. _ Không đâu ạ! – Hân Nhiên vội phủ nhận. Bạn không muốn một chút tính ưu việt nào của mình trước mặt họ. _ Có một giường nằm là tốt lắm rồi. Bây giờ đi làm thuê, khó giải quyết nhất là chỗ ngủ. _ Các chị đi làm được bao lâu rồi? _ Không như nhau đâu. Ở đây chỉ chị A Xuân là dến sớm nhất, được đến sáu năm rồi! _ Sáu năm cơ à? Chị có nhớ nhà không? _ Có lúc rất muốn về thăm nhà. Nhà chị nghèo lắm, cả nhà mong chị kiếm được nhiều tiền, đỡ phần nào chi dùng trong gia đình. Chị có ba em cả trai lẫn gái và một người chị. Em trai còn đang học tiểu học. Các chị đi làm chỉ để kiếm được nhiều tiền. _ Đãi ngộ ở nhà máy này có khá không hả chị? _ Nhà máy của người Nhật Bản làm gì có nhiều tiền? Chẳng qua ở đây có chỗ ở, vả lại chị làm lâu năm rồi, làm chỗ mới không bằng làm chỗ quen thuộc – A Xuân vừa nói vừa đan áo. Hân Nhiên thờ ơ lật giở quyển ảnh của A Xuân. Các cô thợ trong ảnh khác hẳn ngày thường. Họ mang quần áo đẹp nhất ra mặc, trang điểm xinh tươi, người đứng trước tòa nhà cao tầng, người chọn bối cảnh là chiếc xe con hoặc vườn hoa, ai nấy cười rạng rỡ. Những tấm ảnh này mang đến sự thỏa mãn cho các cô thợ và cũng là niềm an ủi cho người nhà họ. Chợt Hân Nhiên bắt gặp một khuôn mặt đàn ông quen quen trong tập ảnh của A Xuân. Đúng rồi, đó là Hách Quân đã từng gặp mặt, Hách Quân với bảy tám chức vụ liệt kê trên danh thiếp! Ảnh của anh ta làm sao lại có ở trong tập ảnh của A Xuân? Hân Nhiên nghi hoặc liếc nhìn A Xuân song chị ấy vẫn đang thoăn thoắt đang áo, chiếc áo len kiểu đàn ông. Với một dấu hỏi trong đầu, Hân Nhiên lẳng lặng gập quyển ảnh lại. Mấy ngày qua, Hân Nhiên sống rất chan hòa với các chị công nhân. Bạn đã đích thân cảm nhận được nỗi vui, buồn của các cô thợ làm thuê. Bạn cũng thực hiện xuất sắc công việc của mình, sản phẩm nào qua tay bạn đều đạt quy cách. Bạn không như một số thiếu nữ thành phố mà biết chịu đựng gian khổ, không lười nhác nên được nhiều người nhìn nhận với ánh mắt khác hẳn. Lý Nghệ từng nửa đùa nửa thật bảo Hân Nhiên: _ May mà em chỉ làm tạm thời, nếu không vị trí của chị ắt bị em giành mất! Được người khen bao giờ cũng tốt. Hân Nhiên cho rằng ở trường là học sinh giỏi thì ở nhà máy cũng có thể là công nhân giỏi. Chỉ cần có đất dụng võ thì dù nhỏ, cũng có thể làm nên chuyện. Dần dần Hân Nhiên đã thích ứng với không khí và quy luật của nhà máy. Trong giờ ăn cơm trưa, bạn cũng nói cười cùng các chị công nhân. Khi nói đến trưởng dây, hầu như tất cả các công nhân đều không ưa những người này. _ Chẳng có trưởng dây nào có quan hệ tốt với công nhân hết - Yến Muội nói. _ Tại sao thế hả chị? Đang nói thì Lý Nghệ tới: _ Hân Nhiên, ăn xong cơm cô đến phòng làm việc gặp tôi một lát! Lý Nghệ nhìn thẳng vào Hân Nhiên, không ngó ngàng gì đến A Xuân, Yến Muội. Lý Nghệ vừa đi khỏi, A Xuân, Yến Muội vội hỏi: _ Hân Nhiên, sao thế? Em làm sai gì đó phải không? Hay là sản phẩm của em là sản phẩm loại hai? Hân Nhiên đều lắc đầu. Cơm xong, bạn đi thẳng đến phòng làm việc. _ A, đến rồi à? Ngồi xuống đi! - Cử chỉ, cách nói năng của Lý Nghệ không giống các cô thợ. Hân Nhiên hơi căng thẳng, rụt rè ngồi xuống ghế. _ Tạ Hân Nhiên, em làm việc được bao lâu rồi nhỉ? Lý Nghệ hỏi như vậy khiến Hân Nhiên càng cuống: _ Em, em làm sai điều gì phải không ạ? Lý Nghệ cười: _ Chị muốn báo cho em một tin vui và một tin xấu, em muốn nghe tin nào trước? _ Em xin nghe tin xấu trước ạ. _ Em phải tăng thêm thời gian và cường độ làm việc hơn nữa. _ Tại sao ạ? _ Vậy thì hãy nghe tin vui đây: em được đề bạt làm trưởng dây! _ Em ấy à? – Hân Nhiên chỉ tay vào mình – Sao có thể được ạ? _ Sao lại không được? Theo chị nhìn nhận thì em rất tự tin. Thế nào, bây giờ không tự tin nữa sao? Nếu ở trường được làm lớp trưởng hoặc trưởng ban gì đó thì Hân Nhiên rất tự tin. Còn ở nhà máy, dù chỉ là trưởng dây chuyền gồm hơn mười người thôi, bạn cũng không đủ tự tin được. _ Tạ Hân Nhiên, em đã làm được một tuần và làm rất tốt. QA nhất trí thông qua. Chúng tôi đã tiếng cử ai, là không phải bất kỳ ai cũng được mà phải qua thử thách, phải có bản lĩnh thực sự. Chị đã để ý đến em. Nhân đây cũng tặng em câu này: “Người lên chỗ cao, nước chảy chỗ trũng”. _ Cảm ơn chị! – Hân Nhiên nghĩ giây lát, nói - Ở đây nói chung làm việc từ ba tháng trở lên mới được đề bạt, còn em mới làm được một tuần… _ Đây là ngoại lệ, cũng chứng tỏ em làm việc rất xuất sắc. Chỉ là công nhân tạm thời, làm một tháng rồi nghỉ, không có em là một tổn thất nhỏ cho chúng tôi. Song trong thời gian ba tuần nữa, chúng tôi sẽ tìm người khác, xem ai có thể thích hợp… _ Em cảm thấy chị A Xuân rất được đấy! Chị ấy làm từng ấy năm trời, lại… _ A Xuân ư? A Xuân! – Lý Nghệ lặp lại cái tên rồi hỏi – Em cảm thấy chị ta thích hợp à? Không, chẳng qua là em thông cảm với chị ấy. Chị ấy đã làm sáu năm mà một chức trưởng dây cũng không được nhận. Em có cân nhắc đến năng lực làm việc của chị ta không? Hân Nhiên thừa nhận tốc độ làm việc của A Xuân không nhanh, chất lượng cũng không cao, có lẽ vì tuổi hơi lớn. Hân Nhiên cũng thừa nhận có phần thông cảm với chị ấy, song bạn không thích kiểu nói năng của Lý Nghệ. Dù sao họ cũng là người cùng làng với nhau. Vả chăng A Xuân rất quan tâm tới Hân Nhiên, bạn không thể tranh chỗ của chị ấy. _ Hân Nhiên, chắc em cũng đã biết, và các cô ấy cũng kể cho em rằng tôi, A Xuân và Yến Muội cùng đi làm với nhau cùng một lượt. Chúng tôi cùng lớn lên với nhau, chẳng chuyện gì mà không nói cho nhau nghe, nhưng bây giờ thì sao? Chúng tôi không buồn chào hỏi nhau nữa. Vì sao vậy? Hân Nhiên cũng thấy lạ với chuyện đó. _ Theo cách nhìn của họ, tôi đã nhoi lên, vin được cành cao, thậm chí họ cho rằng tôi không ngại trả giá để đạt mục đích đó. Còn theo cách nhìn của tôi thì các cô ấy không có chí tiến thủ. Hân Nhiên ngây người nhìn Lý Nghệ. _ Đối với tôi vẫn chỉ một câu: “Người lên chỗ cao, nước chảy chỗ trũng”. THÀNH ĐẠT CHO NGƯỜI MÀ KHÔNG PHẢI NHỜ NGƯỜI THÀNH ĐẠT CHO MÌNH Khi Lý Nghệ tuyên bố với toàn thể nữ công nhân “Từ lúc này, Tạ Hân Nhiên là trưởng dây của dây này”, Hân Nhiên cảm thấy rõ rệt có những ánh mắt với thần sắc khác nhau hướng cả về mình. Không hiểu sao, bạn không dám nhìn lại. Bạn sợ phải nhìn thấy vẻ thất vọng ở A Xuân, vẻ tức giận ở Yến Muội chăng? Lý Nghệ đi rồi, Hân Nhiên chỉ nói: _ Xin các chị chăm chú làm việc! Chỉ một buổi sáng mà số người làm ra nhà vệ sinh đặc biệt đông, số người bàn tán cũng rất nhiều và chẳng ai thèm ngó ngàng đến Hân Nhiên. Lúc đi ăn cơm, bạn bảo A Xuân: _ Chị em mình cùng đi nhé. A Xuân lạnh nhạt đáp: _ Chúng ta không ngồi cùng bàn nữa rồi. Yến Muội bảo thẳng với Hân Nhiên: _ Cô thì tư cách gì mà làm trưởng dây? Chúng tôi làm đến mấy năm trời, còn cô? Cô có biết vì sao được đề bạt làm trưởng dây không? Vì Lý Nghệ đấy – Lý Nghệ ghen ghét, không muốn cho A Xuân được làm trưởng dây, cô ta luôn chèn ép chị ấy! – Nói xong Yến Muội tức giận bỏ đi. Hân Nhiên cô đơn lê bước chân vào nhà ăn. Bạn nhìn thấy các trưởng dây khác đang gọi mình. A, thế là phải ngồi sang bên ấy ăn cơm rồi. _ Sao thế Hân Nhiên? Có người bắt nạt à? - Một người hỏi. _ Không đâu ạ! – Hân Nhiên uể oải gẩy cơm. _ Họ thế cả đấy, mềm nắn rắn buông. Em phải cho họ biết tay mới được. Hân Nhiên không còn lòng dạ nào nghe những kinh nghiệm ấy, mắt luôn hướng về dãy bàn mà mình đã từng ngồi ăn, không hiểu được vì sao một chức cỏn con như trưởng dây cũng khiến cho mình bị bỏ rơi đến vậy. Tại sao Lý Nghệ lại đề bạt mình làm trưởng dây? Vì ghen tức với A Xuân nên mới chọn mình, đúng như lời Yến Muội nói? Mình đóng vai trò gì giữa ba người là Lý Nghệ, A Xuân và Yến Muội? Lại còn nhân vật Hách Quân nữa, anh ta và A Xuân… Tình hình buổi chiều càng tồi tệ. Cả dãy đi vệ sinh tập thể. Hân Nhiên cuống lên: _ Không được, từng người một đi thôi! Chẳng ai thèm tuân theo. _ Chúng tôi đau bụng… Họ kéo nhau đi, để lại cả một dãy bàn làm việc trống không. Hân Nhiên suýt khóc. Đây là sự chống đối của cả một tập thể. Đúng lúc ấy Lý Nghệ đến. Vừa thấy quang cảnh đó, chị ta hiểu ngay ra chuyện gì, liền chạy thẳng tới nhà vệ sinh, quả nhiên thấy các cô thợ mượn cớ đi vệ sinh để ra ngoài tán gẫu. Các cô thấy Lý Nghệ thì như chuột thấy mèo, lập tức chuồn ngay về làm việc. _ Tôi biết các cô không phục Tạ Hân Nhiên làm trưởng dây – Lý Nghệ bắt đầu lên lớp – nhưng trong số các cô, ai có được chất lượng và số lượng sản phẩm hơn cô ấy nào? Không có chứ gì, không có thì phải phục tùng thôi. Lần sau mà tôi còn bắt gặp tình hình này thì các cô bị trừ lương đấy! Lý Nghệ đi quanh xem xét dây chuyền một lượt rồi đến bàn làm việc của A Xuân: _ Cô thử nhìn linh kiện của mình đi. Tôi nghĩ tôi nhắm mắt cũng lắp được tốt hơn cô. Tôi biết, cô lớn tuổi rồi, tâm cũng để vào nhiều chuyện buông thả khác. Nếu đã như vậy, theo tôi, cô nên về quê lấy chồng còn hơn. Lý Nghệ nói xong bỏ đi. Hân Nhiên nghe mấy lời nói ấy cũng hoảng. Còn A Xuân thì khóc òa. Tiếng khóc ấy dường như muốn đè dí Hân Nhiên xuống. Hân Nhiên đến bên A Xuân, định an ủi vài câu: _ Chị A Xuân, đừng khóc nữa! _ Cút đi, mày cút đi cho tao nhờ! – A Xuân trút nỗi hận lên Hân Nhiên. Hân Nhiên sợ đờ người. Tại sao Lý Nghệ nói năng độc địa thế thì A Xuân chịu đựng được còn mình có ý tốt an ủi thì lại bị mắng mỏ? Vì chuyện này mà công việc của cả một dây chuyền không đúng quy cách, Lý Nghệ gọi Hân Nhiên ra ngoài: _ Vừa nãy quản đốc gọi chị ra phê bình một chặp, bây giờ chị phải phê bình em. Em làm sao thế? Trưởng dây để làm gì? Phải làm lại toàn bộ. _... _ Họ không phục em chứ gì? Hân Nhiên gật đầu. _ Chuyện bình thường thôi. Chị chưa thấy trưởng dây nào lại có quan hệ tốt với các thành viên trong dây. _? _ Ghen tị. Người Trung Quốc là thế đấy. Mình cao hơn, có năng lực hơn họ thì thế nào cũng có người bàn tán này nọ, nhưng nếu mình vượt trội hẳn họ thì họ đành phục và muốn được như mình. Nửa hiểu nửa không, Hân Nhiên nhìn Lý Nghệ - cô nhân viên hành chính sống theo câu danh ngôn chí lý “người lên chỗ cao, nước chảy chỗ trũng”. _ Thôi về đi, về mà làm lại đi. Lúc cần em cũng phải chỉnh họ đấy! Hân Nhiên trở về phân xưởng, những dây chuyền khác đã tan ca, chỉ có dây của mình là hãy còn ngồi ở bàn làm việc. Họ phải làm lại. Nữ công nhân hết lời oán thán, hình như Hân Nhiên phải chịu mọi trách nhiệm. Một ngày làm trưởng dây khiến cho Hân Nhiên vốn tự tin cũng chịu không nổi oan uổng đó. Bạn cảm thấy mình cũng phát tiết nỗi oán hận, bực bội của mình nhưng không biết trút chúng cho chị em công nhân hay Lý Nghệ. Nghĩ tới nghĩ lui rồi Hân Nhiên đành gắng gượng gạt những tình cảm đó sang một bên, trấn tĩnh nói: _ Tối nay dây chúng ta phải làm lại. Nếu làm nhanh, trong một giờ là xong; nếu làm theo hiệu suất ban sáng thì bốn giờ cũng chẳng xong được. Em thì không sao, có thể bồi tiếp thế nào cũng được. Các nữ công nhân lạnh lùng như cũ. _ Em không biết chửi mắng, bởi thứ nhất em đã là thợ làm thuê, em biết mùi vị bị người ta chửi là thế nào; thứ hai em ít tuổi hơn các chị, em thấy ngượng khi cất tiếng chửi mắng lắm. Mong các chị nể em và cũng là nể sĩ diện của các chị một chút. Nói đến đây, Hân Nhiên chỉ chực khóc, chỉ muốn khóc cho thật thỏa thuê nhưng bạn cắn răng cố nuốt nước mắt. Nữ công nhân nghe Hân Nhiên nói có phần kinh ngạc rồi sau đó ai nấy bình tâm làm công việc của mình. Lần làm lại này hết có một giờ rưỡi. Chỉnh lý công việc của dây chuyền xong, Hân Nhiên lê tấm thân mệt nhọc rời khỏi nhà máy. Cách cổng không xa, bạn thấy A Xuân đang đứng với quản đốc phân xưởng, Hân Nhiên vội vàng tránh sau tường rào, chợt nghe A Xuân nói: _ Anh định chạy làng à? Anh là kẻ lòng lang dạ sói, tôi liều chết với anh phen này. Hách Quân đẩy chị ra: _ Cô bình tĩnh lại đi! Rồi Hách Quân sửa lại quần áo: _ Lúc đầu cô tự nguyện đấy thôi. Để được làm trưởng dây, cô tự đem thân đến tìm tôi. Bây giờ không được làm, cô định ăn vạ à? _ Anh… đồ thô bỉ! Hân Nhiên nhìn hai người, nửa hiểu nửa không hiểu. Ngày hôm sau, kỷ luật trong dây hơn hôm trước nhiều, không biết có phải vì mấy câu Hân Nhiên nói hôm qua hay không. Bạn đi lại quanh dây chuyền, lúc chỉ vẽ cho người này, lúc giúp đỡ cho người khác. Bạn phát hiện thần sắc A Xuân có phần hoảng hốt, bèn nói: _ Để em đỡ chị một lát. A Xuân lạnh lùng nhìn Hân Nhiên, lặng im không nói. Lúc ấy Hách Quân bước đến: _ Cô Hân Nhiên, ông chủ đợi cô tại Office, cô đến đấy đi. _ Gọi tôi ư? – Hân Nhiên lấy làm lạ, không đoán được là ông già Nhật Bản ấy tìm cô có việc gì. _ Đúng, gọi cô đấy! Cô đi thôi! Tôi bảo cô Lý Nghệ đến làm thay cô. Hách Quân nói xong là đi liền, không thèm nhìn A Xuân lấy một cái. A Xuân cũng không để lộ chút gì dấu vết giây mơ rễ má với anh ta. Ra khỏi phân xưởng, đi xuyên nhà nhiều hành lang, Hân Nhiên mới tới được phòng làm việc của ông chủ. Bỗng chợt nhớ cả tên họ ông chủ là gì cũng chẳng biết, Hân Nhiên vội quay lại. Lý Nghệ cho biết, ông chủ tên là Xuyên Điền Nhất Lang, rồi nói thêm: _ Hân Nhiên, em “bắt mắt” ghê nhỉ. Chị làm ở đây đã sáu bảy năm mà có được ông chủ gặp riêng lần nào đâu! Hân Nhiên nhoẻn cười, tự nhủ không biết ông chủ gọi là tốt hay xấu. Đến cửa, Hân Nhiên gõ nhẹ: _ Thưa ngài Xuyên Điền, ngài cho gọi ạ? _ A, tiểu thư là Tạ Hân Nhiên đấy à? – Ông chủ nhìn đánh giá – Xin mời ngồi! Hân Nhiên không quen được người khác gọi là “tiểu thư”, bèn nói: _ Ngài nói tiếng Trung Quốc thạo quá! _ Đâu có, tàm tạm thôi! _ Thưa ngài tìm tôi có việc gì ạ? _ Chuyện như thế này. Tôi nhìn thấy trên bảng tuyên truyền có dòng thư pháp viết rất đẹp. Khi được biết là tiểu thư Tạ Hân Nhiên viết thì tôi rất phục. Cô theo học vị danh gia nào thế? _ Danh gia ư? Thưa không phải, chẳng qua từ nhỏ cháu thích thư pháp, lại được cha rất coi trọng nên thường xuyên khuyến khích. Hồi học tiểu học, mỗi ngày cháu học một tiết thư pháp, có vậy thôi ạ. _ Thế là tự học mà thành tài rồi. Hân Nhiên ngượng ngùng: _ Chữ cháu không đẹp đâu ạ. _ Cô khiêm tốn quá. Nghe giới thiệu thì cô chỉ là một học sinh trung học, đến nhà máy làm thêm trong kỳ nghỉ đông. Tôi rất vui khi được làm quen với cô. Còn tôi thì say mê sưu tầm chữ viết và tranh vẽ. Lần này mời cô đến là muốn nhờ cô viết cho một bức chữ. Nói xong, Xuyên Điền Nhất Lang chỉ vào đám giấy bút. _ Vâng, cháu xin hiến nghề mọn vậy – Hân Nhiên không cố chối từ. _ Tôi muốn viết mấy chữ “Trí nhân nhi bất trí ư nhân” (Thành đạt cho người mà không phải nhờ người thành đạt cho mình). _ Câu này của Tôn Vũ! _ Đúng. Nước Nhật chúng tôi rất tôn dùng Binh pháp Tôn Tử. Bản thân tôi cũng sùng bái ông, song người Trung Quốc thì hầu như không coi trọng ông lắm và số người hiểu biết về ông không có bao n hiêu. Hân Nhiên cười nhẹ rồi nói: _ Thưa ngài, nếu đem so thì cháu thích câu “Thượng hạ đồng dục giả, thắng” (Trên dưới cùng chung ham muốn thì thắng) của Tôn Vũ hơn. _ Hay lắm! Cô cũng có đọc Tôn Tử à? _ Dạ, sách giáo khoa văn học của chúng cháu có dạy đấy – Hân Nhiên chỉ nói sơ qua như thế rồi vung bút viết mấy chữ đại tự. Xuyên Điền Nhất Lang luôn miệng khen và nhắc lại: _ Tôi rất vui được làm quen với cô. _ Cảm ơn ngài, cháu cũng rất vui được làm quen với ngài. HỌ CỦA ANH NÊN LÀ HOẠI Sau khi được ông chủ “tiếp kiến”, Hân Nhiên “danh giá” lên rất nhiều. Không nói bọn Lý Nghệ, ngay cả lứa quản đốc phân xưởng như Hách Quân cũng nhìn bạn với ánh mắt khác. Hân Nhiên thì tự giễu mình chẳng khác gì lũ cáo mượn oai hùm. Vì phải làm gấp hàng, tối nay phải làm thêm, cả nhân viên hành chính lẫn quản đốc cũng phải có mặt. Mãi tới chín giờ tối mới xong, ai nấy đứng lên. Lúc này một cuộc giây chì từ trong túi Yến Muội rơi ra. Lý Nghệ trông thấy, Hân Nhiên cũng trông thấy. Hách Quân tiến đến phía Yến Muội nhưng Hân Nhiên nhanh chân đến trước bảo Yến Muội: _ Chị Yến Muội, sao chị cứ để riêng dây chì ra như thế, dễ quên lắm! Nói xong Hân Nhiên bước thẳng tới nhặt cuộn dây chì lên, đặt lên dây chuyền: _ Chị xem đấy, lại quên lần nữa! Yến Muội đỏ bừng mặt, ngây người ra nhìn Hân Nhiên. Mọi người cũng nhìn Hân Nhiên, nhưng bạn cố ý nói nhẹ nhàng: _ Chị Yến Muội lo để lẫn dây chì với các cái khác nên mới đặt riêng ra trên dây chuyền đấy mà. Yến Muội nhìn Hân Nhiên với vẻ cảm ơn, còn Hân Nhiên thì như chẳng hay biết gì, chỉ nói: _ Thôi các chị thu dọn thôi. Các cô thợ bắt đầu ra về, Yến Muội cũng đi lẫn vào đám người đó. Hân Nhiên thở phào. Trong phân xưởng chỉ còn lại Lý Nghệ và Hân Nhiên. _ Hân Nhiên này, em cảm thấy thế nào? – Lý Nghệ hỏi, mép nhếch một nụ cười. _ Chị bảo gì cơ ạ? Em không hiểu. _ Đừng giả vờ nữa, Yến Muội ăn cắp, sao em lại đánh tháo cho cô ta? Lý Nghệ ghê gớm thật, Hân Nhiên không dám nhìn chị ta. _ May mà cô ta bị phát hiện ở ngay đây, chỉ cần không ai mách là ổn. Nếu bị phát hiện ở cổng thì cô chẳng kể làm gì, đến giám đốc cũng không thể bênh vực được. _ Em nghĩ chắc chị ấy vô ý thật đấy. Chị Lý Nghệ ơi, chị cho qua chuyện này đi nhé, chị đừng mách với người khác nhé, được không chị? _ Cô coi Lý Nghệ tôi đây là thứ người gì? – Lý Nghệ bỏ đi thẳng. Hôm sau, Hách Quân gọi Hân Nhiên lên phòng làm việc của anh ta. Hân Nhiên tưởng là chuyện Yến Muội nên đi tới. Hách Quân mặc một chiếc áo len, Hân Nhiên thấy màu áo quen quen, sực nhớ ra đó là cái áo do A Xuân đan. Hách Quân cười hì hì: _ Cô đóng cửa lại đi, tôi muốn trao đổi với em một chuyện. Hân Nhiên lập tức lùi ra ngoài cửa, khinh bỉ nói: _ Thế thì anh đi tìm chị A xuân mà bàn. Từ sau khi Hân Nhiên đi làm, mẹ luôn dặn dò “đề phòng kẻ xấu, cẩn thận giữ gìn”. Mỗi lần mẹ nhắc nhở, Hân Nhiên lại đáp: _ Mẹ ạ, tai con nghe đến thành kén rồi đây này. Bạn biết mẹ chỉ muốn tốt cho mình, mẹ sợ bạn nhẹ dạ cả tin. Bây giờ xem ra mẹ đúng là liệu việc như thần. Trong hơn mười ngày ngắn ngủi, tư cách của Hách Quân như thế nào, Hân Nhiên đã thấy rõ. Đối với cô thợ nào anh ta cũng cợt nhả như bọn háo sắc. Lại còn chuyện của anh ta với chị A Xuân… Chị A Xuân gần đây sắc diện kém lắm, mặt nhợt nhạt, tinh thần hoảng hốt. Cuối cùng một buổi chiều A Xuân đột ngột ngã ngất. Hân Nhiên cuống cả chân tay, mấy trưởng dây khác vội vàng đi gọi Lý Nghệ để đưa A Xuân vào bệnh viện. Một lát sau, cô y tá bước ra lạnh lùng nói: _ Cô ta có thai rồi! Hân Nhiên ngồi phịch xuống ghế băng trong bệnh viện, trong óc lập tức hiện lên hình bóng Hách Quân, nhớ lại cuộc tranh cãi giữa Hách Quân và A Xuân hôm nào. Hân Nhiên đã hiểu ra. Trở về nhà máy, Hân Nhiên thấy các chị thợ trong dây chuyền vẫn bận rộn như chẳng có gì xảy ra. Bạn đến bên Yến Muội, nói khẽ: _ Tan ca xong em và chị đến bệnh viện nhé! Yến Muội rưng rưng nước mắt gật đầu. Tan ca, Hân Nhiên trước hết lên văn phòng. Hách Quân đang ngậm điếu thuốc lá, Hân Nhiên báo tin: _ Chị A Xuân phải vào bệnh viện rồi! Hách Quân nhìn Hân Nhiên rất lâu rồi nhả mấy chữ: _ Cô ta tự chuốc lấy! _ Anh hèn hạ lắm! _ Cô không có tư cách xỉ vả tôi. Cô còn phải cám ơn tôi. Nếu tôi không bảo cô ra báo thì ngài Xuyên Điền có gọi cô lên gặp không? Cô cũng sẽ mãi mãi làm một cô thợ bình thường trong dây chuyền sản xuất mà thôi. _ Cảm ơn anh ư? Tôi coi thường anh thì có! _ Hừ! – Hách Quân cười nhạt – Đã xem vở Lôi vũ chưa? Lỗ Thị Bình được người ta đánh giá rất cao, sự thực thì bà ta rất ti tiện, nếu không thì đã chẳng có với Chu Thác Viên đến hai dứa con mà không phải một đứa. Điều đó chứng tỏ lúc ấy bà ta tự nguyện đấy chứ. Chỉ khi nhà họ Chu đuổi bà ta đi, cắt đứt con đường sống thì bà ta mới nghĩ đến tự tử. Loại đàn bà như thế mà không ti tiện à? _ Chúng tôi có học một thành ngữ, đó là “mặt trơ như thớt”. Trước đây tôi không hiểu nghĩa thế nào và không biết dùng trong trường hợp nào. Hôm nay anh đã dạy tôi. Đó là bản tính của riêng anh chăng? Hân Nhiên nói xong quay ngoắt đi luôn. Đến cửa, bạn còn quay lại nói: _ Anh tên là gì nhỉ? Hách Quân à? Cả hai chữ đều sai. Thứ nhất, sai về họ, họ của anh nên là Hoại (xấu xa, phá hoại); thứ hai, tên cũng sai. Anh tên là Quân (quân tử), nhưng anh nào có phải là người? Cửa “sầm” một tiếng đóng sập lại. Ra tới cổng, Hân Nhiên thấy Yến Muội đang đợi. Yến Muội chỉ nói: _ Hân Nhiên, cảm ơn em. Khi hai người đến bệnh viện thì mới thấy chị em trong dây đều có mặt. Môi A Xuân trắng bệch, tóc rối bù xõa cả xuống mặt. Thấy Hân Nhiên, A Xuân mệt nhọc giơ tay ra. Hân Nhiên vội đón lấy bàn tay ấy. A Xuân cố rặn một nụ cười như mếu, tóc chị xõa trên mặt được Hân Nhiên vén lại cho. Rồi bạn nói với A Xuân: _ Mọi việc rồi sẽ tốt thôi chị ạ. Các nữ công nhân rất cố gắng làm việc, không ai nói chuyện, không ai làm sai, cũng không ai ra nhà vệ sinh. Một lần nữa Hân Nhiên lại được ủng hộ. Ai bảo không có trưởng dây nào có quan hệ tốt với thợ? Chẳng có đây là gì? Hân Nhiên mỉm cười, nhưng nỗi niềm sâu kín trong đó thì khó có thể nói ra bằng lời. Lý Nghệ lại tìm đến Hân Nhiên: _ Buổi chiều tan ca xong, chị đợi em ở quán cà phê đối diện kia nhé. Hân Nhiên đến nơi hẹn thấy Lý Nghệ trang điểm rất đúng mốt. _ Chị tìm em có việc gì? Lý Nghệ không vội trả lời ngay, gọi hai cốc bia. Người phục vụ đem lại, đặt được một cốc trước mặt Lý Nghệ một cốc trước mặt Hân Nhiên. _ Em không uống bia. Con gái ngoan không uống bia! Lý Nghệ cười: _ Đúng là trẻ con… Rồi Lý Nghệ uống một mình. _ Hân Nhiên, hôm nay là Tết ông Táo, chị mời em cho có bạn! Ô thật à, đã Tết ông Táo rồi, lú lẫn quên cả ngày tháng trôi, Hân Nhiên nghĩ. _ Chị không có bạn nên mới mời em. _ Chị không coi em là trẻ con mà coi em là bạn, coi em ngang lứa với chị à? _ Đúng thế. Ở Thâm Quyến chị không có ai là người ruột thịt, bạn bè thì lảng tránh chị, chị… Em là học sinh, giữa chị em mình không có xung đột, cũng không có quan hệ lợi dụng và bị lợi dụng. Em rất thuần khiết, trong sáng, cho nên… Có chuyện gì chị cũng muốn nói với em. Lý Nghệ đã uống đến mấy cốc, có vẻ say. _ Chị nên đi thăm chị A Xuân! – Hân Nhiên lại nghĩ sang chuyện khác – Các chị dù sao cũng là người cùng làng. _ Hừ, cùng làng? Cô ta đúng là mình làm mình chịu! Giọng điệu này rất giống Hách Quân nên Hân Nhiên rất phản cảm. _ Cô ấy có thai đến cả hai lần! Nhớ lại chuyện Lôi Vũ mà Hách Quân kể, Hân Nhiên kêu lên: _ Trời ơi! Lý Nghệ liếc mắt nhìn: _ Đối với em thì việc này là lần đầu tiên em được thấy chứ chị thấy từ lâu nên đã quen rồi, gặp chuyện lạ mãi thì không thấy lạ nữa. _ Nhưng em vẫn thấy chị nên đi thăm chị ấy. _ Họ chẳng hoan nghênh chị đâu. Ghen tị mà! Chị làm việc gì cũng xuất sắc hơn họ thế là họ ghen ghét… Chị không có bạn thân, có lúc cảm thấy hiu quạnh lắm. Chị cứ sống như thế, ngày này sang ngày khác… - Nói xong Lý Nghệ lại làm cốc nữa. Không ngờ loại người như Lý Nghệ mà cũng ai oán cho cuộc đời. _ Chị đừng uống nữa, chị say mất rồi! _ Chị ấy à, chị chưa say đâu! – Lý Nghệ ngật ngưỡng mái đầu mấy cái rồi nói. Hồi ở quê, ba chị em rất thân nhau, thân đến mức con chấy cắn đôi. Bây giờ, không biết làm sao trở nên như thế… Chị bây giờ gọi được là đắc ý song lại cảm thấy như mình mất cái gì. _ Chị cảm thấy mất mát cái gì ạ? Lý Nghệ không trả lời vào câu hỏi, chỉ xoay xoay cốc rượu trên tay: _ Hân Nhiên, hôm nay hẹn em đến đây để tạm biệt em. _ Chị đi nơi khác à? _ Đúng thế. Một xí nghiệp hợp doanh khác chọn chị, mời chị làm quản đốc. Ngày mai là chị chuyển đi. _ Chị nhảy vọt à? _ Ừ. Người len chỗ cao nước chảy chỗ trũng mà! - Mỗi khi nói câu này, hai mắt Lý Nghệ nhìn thẳng vào đối phương, đầy vẻ thách thức. _ Chị ơi, chỉ nên nói “người lên chỗ cao” mà không cần nói “nước chảy chỗ trũng”. Hân Nhiên biết tại sao mỗi khi nghe Lý Nghệ nói câu này là cảm thấy khó chịu, bởi vì Lý Nghệ nói mà không thực sự hiểu hàm nghĩa của câu đó. Người thích leo cao là điều không có gì đáng chê trách, song hà tất phải khinh bỉ nước chảy chỗ trũng? Mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường đi cho mình.LƯU LUYẾN NGÀY RỜI NHÀ MÁY Hôm nay là ba mươi Tết, cũng là ngày đi làm cuối cùng. Nữ công nhân bình thường vẫn như mọi ngày. Quả là họ đã quen, thấy mãi lạ không còn thấy lạ đúng như Lý Nghệ nói đối với chuyện A Xuân. Nhưng Hân Nhiên thì không thể thế được. Khi nhìn thấy chỗ ngồi của A Xuân bỏ trống cùng đôi mắt hốt hoảng của Yến Muội, Hân Nhiên cảm thấy đau lòng. A Xuân vắng mặt, Hân Nhiên thế chỗ đó như tuần lễ đầu tiên. Chị công nhân ngồi đằng trước chuyển linh kiện qua dây chuyền xuống cho bạn, bạn làm xong công việc quy định lại chuyển xuống cho người ngồi dưới, trong lúc này tâm tình của Hân Nhiên không còn giống với tuần đầu nữa. Ba giờ chiều, giám đốc tuyên bố nghỉ làm. Các cô thợ bận rộn cả năm nhảy lên hoan hô. Ai nấy rời khỏi chỗ làm. Lúc này Hân Nhiên cũng đứng lên cúi mình chào họ. _ Chúc các chị một năm mới vui vẻ. Đám thợ cũng tươi cười vây quanh: _ Các chị cũng chúc em vui vẻ… Chúc em mãi mãi được mọi người yêu mến! _ Trả lương rồi! – Có ai đó kêu gọi ngoài cửa, đám thợ sung sướng ùa ra. Đoàn người đến phòng tài vụ. Vì là nghỉ Tết nên trưởng phòng tài vụ tự mình phát lương cho công nhân để tỏ ý cảm ơn. Ông chủ Xuyên Điền cũng đứng cảm tạ, cảm tạ mọi người đã làm việc cho ông, làm thêm ca, làm gấp hàng và kiếm tiền cho ông. Tiền được đựng trong bao đỏ, cuối năm nên bao căng phồng hơn. Các nữ công nhân xếp hàng một ký tên, lĩnh tiền. Đến lượt Hân Nhiên, không hiểu tại sao, lòng thương cảm ở bạn lại lớn hơn niềm hưng phấn. _ A, Tạ Hân Nhiên! Nghe nói cháu làm việc tốt lắm, nào ký tên đi! Trưởng phòng tài vụ là một bà béo đã đứng tuổi. _ Cháu muốn hỏi một chút, chị A Xuân trong dây chuyền của cháu có lương không ạ? _ Chỉ có một nửa lương, cô ấy nghỉ nhiều quá. _ Bác ơi, khi nào chị ấy ra viện, bác giúp chị ấy làm trưởng dây nhé! _ E rằng không được, cô ta để xảy ra chuyện đó, không ai chịu phục đâu! _ Dạ. _ Sao cháu không tiếp tục đi làm? _ Cháu sắp vào học kỳ hai, phải ôn bài ạ. _ Làm thêm mấy ngày nữa thì được thưởng cho sự chuyên cần của trưởng dây. Năm chục đấy. Hân Nhiên cười: _ Theo cách nhìn của cháu thì phân số quan trọng hơn tiền ạ. _ Đúng lắm – Cháu là học sinh, suýt nữa thì bác quên. Học tập đứng hàng đầu mà. Không nói bác trưởng phòng quên khuấy mà bản thân Hân Nhiên hầu như cũng quên khuấy tư cách số một của mình là học sinh và là một học sinh giỏi. Hân Nhiên ký tên “Tạ Hân Nhiên” ngay ngắn trong sổ lương rồi nhận tiền, cảm thấy bao tiền khá nặng. Ra khỏi đám đông, Hân Nhiên thấy ông chủ Xuyên Điều đang nhìn mình rồi chìa tay ra đón trước: _ Cảm ơn cô, vất vả quá! _ Chúc ngài năm mới vui vẻ! – Hân Nhiên cũng giơ tay ra. Đây là cái bắt tay bình đẳng. Hân Nhiên cảm thấy mình đã là người lớn và được người khác tôn trọng. Hân Nhiên lưu luyến chào tạm biệt các chị công nhân. Lúc ra khỏi nhà máy Bích Kỳ, mỗi bước đi Hân Nhiên ngoảnh lại nhìn đến ba lần, nước mắt đầm đìa. Bạn không hiểu tại sao mình lại khóc. Lẽ nào do lưu luyến nhà máy? Không đúng, nhà máy so làm sao được với trường Số Chín? Lưu luyến với các chị công nhân chăng? Cũng không đúng. Giữa họ và mình đã từng thân thiện và cũng từng chống đối nhau; nếu ở lâu, kết quả e rằng cũng chẳng hơn gì Lý Nghệ. Lưu luyến những ngày sống ở đó? Càng không đúng. Ba tuần lễ là những ngày tháng nặng nề nhất trong cuộc đời mười sáu tuổi của Hân Nhiên, nặng đến mức trái tim non trẻ không chịu đựng nổi. Đã chẳng phải vì cái gì hết thì sao lại khóc? Hân Nhiên tự mình cũng không hiểu được, có thể vì mấy ngày gần đây bị ức chế nhiều quá chăng. Lý Nghệ, A Xuân, Yến Muội rồi đây sẽ ra sao? Nào ai biết. Chuyện của họ còn chưa hết còn đoạn đời làm thợ đánh thuê của Hân Nhiên thì đã kết thúc. Giã từ nhé, cuộc đời làm thợ của ta! Giã từ nhé, các bạn công nhân của ta! Giã từ nhé, Bích Kỳ! Vẫy vẫy tay, tiến lên phía trước. “Nếu cuộc đời không buông tha thì chỉ sau khi khóc xong mới cảm thấy nhẹ nhõm hồn nhiên hơn nhiều”. - Một nhà văn đã nói như vậy.KỲ NGHỈ ĐÔNG NÀY KHÔNG NHẸ NHÕM Hồi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, các bạn từng hẹn nhau vào dịp tết hàng năm sẽ tới thăm cô giáo Lan một lần. Năm nay là năm đầu tiên, Hân Nhiên hy vọng các bạn đến đủ. Trên đường phố, không khí Tết rất đậm đặc. Bất kể hiệu lớn quầy bé, nhà nào trước cửa cũng bày hai chậu quất. Những chiếc lá xanh biếc, những trái quất đỏ mọng, đầu cành còn treo những gói nhỏ màu đỏ, dường như vẫy gọi người đi đường đến với chúng. Các ông chủ đúng là “ra cửa ắt đại cát” (Chữ quất và các là đồng âm nên người Trung Quốc dùng quất tượng trưng cho cát lợi, may mắn). Xôm trò nhất là đoàn người mua hàng từ Hồng Kông đến. Những phụ nữ lo việc nội trợ kéo nhau từng đoàn, mỗi ngày vài ba lượt vượt qua sông Thâm Quyến để chở hàng về. Giá cả giữa bờ nam bờ bắc chênh lệch nhau khá lớn. A Quỳnh mở cửa hiệu đối diện với một hiệu sách chuyên bán đồ dùng của phụ nữ như xu chiêng, áo bơi, túi xách mỹ phẩm. Sau khi không đỗ vào phổ thông trung học cô trở thành người buôn bán cá thể. Đến nay tiền gửi ngân hàng của cô đã lên tới hàng vạn từ lâu. Quỳnh đang bận rộn bên quầy hàng, xem ra hàng bán rất chạy. Cô đưa một loạt sản phẩm của hãng Rose cho đám khách là nữ công nhân làm thuê xem và giảng giải: giữ mãi vẻ thanh xuân như thế nào, phân biệt tính chất da như thế nào, làm mặt nạ bằng kem như thế nào. Hân Nhiên đứng quay lưng lại quầy hàng nên Quỳnh không chú ý. Quỳnh đang cố vun cho việc mua bán đó hoàn thành. _ Cứ xem tôi đây này, năm nay hai bốn tuổi nhưng ai cũng bảo chỉ chừng mười tám. Đó chính là nhờ công hiệu của Chúa Hoa. Kết quả tuyên truyền là đám nữ công nhân tự nguyện móc hầu bao và mãn nguyện ra về. _ Tiểu thư, mua gì nào? - Quỳnh đứng đằng sau Hân Nhiên lên tiếng, rõ ra giọng người buôn bán. Hân Nhiên quay người lại. _ Quỳnh! Quỳnh cũng mười sáu tuổi, song không còn một chút dáng vẻ nào của tuổi học trò. Cô mặc chiếc áo cổ rất trễ, loại áo mà nữ sinh trong trường dù thế nào cũng không dám mặc. Tóc uốn ốp vào đầu theo mốt được phổ biến nhất, môi tô son đỏ chót. Kiểu cách ăn mặc làm Quỳnh già dặn hơn tuổi thực sự nhiều. Quỳnh thay đổi mau thật. Trước đây Quỳnh thường cùng các bạn trong lớp vừa mút kem vừa ngắm nghía thèm thuồng quần áo trong các cửa hàng thời trang. Quỳnh thường vui đến mấy ngày vì mua được thứ hàng xịn dởm với giá mười mấy đồng. _ Sao bạn lại nhớ mà đến đây? - Quỳnh hỏi với vẻ vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. _ Được nghỉ đông nên đến thăm bạn. _ Ôi, thật là hiếm có! Nghe Quỳnh nói vậy, Hân Nhiên cảm thấy ngượng bèn nói với vẻ xin lỗi: _ Quỳnh ơi, lâu quá rồi, đáng lẽ mình phải đến thăm cậu, nhưng… _ Thôi khỏi, mình nói vui thôi mà! Cậu hôm nay đến đây chỉ đển thăm mình, có vậy thôi sao? _ Mình đến hẹn lớp cũ cùng đến chúc tết cô giáo Lan. Quỳnh mừng rỡ kêu lên: _ Hay quá! Hân Nhiên, mình đang buồn lắm đây! _ Quỳnh ạ, còn nhiều bạn khác nữa nhưng mình không biết địa chỉ… _ Giao việc ấy cho mình. Đúng rồi, hôm nay là sinh nhật Tiểu Địch, đến nhà nó thế nào cũng sẽ gặp rất nhiều người học cùng lớp trước kia - Quỳnh xòe bàn tay ra bẻ từng ngón - Thạch Lý và cha bạn ấy sang Thái Lan rồi, còn cậu Ba nhà ở rất gần nhà mình, để mình đi báo… Lại có mấy người khách đến mua hàng. _ Mua túi xách phải không ạ? - Quỳnh tươi hẳn lên – Hàng mới về cả đấy. Mấy cô khách so sánh, nói cười. _ Hàng Đài Loan đấy, năm nay thịnh mốt này! - Quỳnh vừa mời chào khách xong là sầm mặt xuống hỏi Hân Nhiên – Cậu đã nghe tin chưa? Bạch Linh tự tử rồi. _ Hả? – Hân Nhiên thảng thốt, vội hỏi – có thật không? _ Thật chứ! Nhưng Bạch Linh chẳng để lại gì cả. Cả nhật ký, bài làm văn, thư từ, đốt hết. Hôm ấy chúng mình đi thăm nó… Thật ra các cậu nên đến thăm nó mới phải. Nó rất thân với các cậu mà! - Quỳnh phân biệt rất rõ “các cậu” và “chúng mình”. Hân Nhiên giấu mặt vào sau cổ áo bẻ rất to. _ Nghe nói, Bạch Linh đã thấy rõ cuộc đời trần tục, lại có người bảo nó tự tử theo Tam Mao. Tam Mao chết rồi nên nó cũng đi theo. Lại có người bảo nó thi trượt vào trường trọng điểm nên quẫn chí. Mắt Hân Nhiên nhìn chăm chăm vào một điểm vẻ đờ đẫn. Mấy cô khách hàng chọn được túi xách: _ Cô chủ ơi, cảm ơn nhé. Cô giữ lại giùm cho ba cái này, chúng tôi sẽ bảo bọn Jane đến mua. _ Được ạ! - Quỳnh lại tươi mặt lên tiễn khách – Mong các chị chiếu cố giùm cho! Quỳnh quả là một tay cừ trên thương trường: _ Hân Nhiên, cậu có cần gì không? Mình chỉ lấy nửa giá thôi. Song Hân Nhiên lại hỏi: _ Còn ai nữa? Các bạn thế nào? _ Thôi, cứ đến nhà Tiểu Địch. Có thể cậu không nhận ra con bé đó đâu! _ Gì mà quá thế? _ Thật đấy, nó đi phẫu thuật làm mắt hai mí. Bây giờ trông nó xinh lắm! _ Thế à? _ Còn cậu Ba nữa. Hắn vừa học trường cán bộ cao đẳng, vừa theo lớp ban đêm, đã nhận mấy chứng chỉ tốt nghiệp rồi đấy. _ Giỏi quá nhỉ! - Từ nãy đến giờ, đây là tin khiến Hân Nhiên vui nhất. _ Còn Quảng Sa Sa đi Hải Nam rồi. _ Sao Quỳnh biết nhiều thế? – Trong nỗi ngạc nhiên của Hân Nhiên có xen đôi chút ghen tỵ. _ Đương nhiên phải biết chứ! - Quỳnh cười nhạt – Các cậu có bạn học phổ thông trung học, sau này còn có bạn là sinh viên, còn chúng tớ chỉ học đến phổ thông cơ sở, tất nhiên làm sao quên được chúng nó? Hân Nhiên hơi ngượng, Quỳnh lại hỏi: _ Cậu hiện giờ thế nào? Đang bận gì thế? _ Bận gì ư? Chẳng bận gì cả, chỉ có học thôi. Ngày nào cũng thế. Lên lớp về nhà, về nhà lên lớp. _ Cậu học những gì vậy? _ Gì cũng học. _ Thế có học buôn bán cổ phiếu, buôn nhà lầu đất đai không? _ Ồ, đương nhiên không học mấy thứ đó rồi. _ Không học mấy thứ đó, sao gọi là gì cũng học? Thế là gì cũng chưa học mới đúng. Các cậu vẫn học nào Trung Quốc có mấy con sông chảy trong đất liền, mấy con sông đổ ra biển, sông dài bao nhiêu, đúng không nào? - Quỳnh mỉm cười. Hân Nhiên chẳng biết nói gì. _ Nếu chúng mình mà cũng như các cậu, sống cái lối một đường thẳng đi qua hai điểm ấy à thì có mà sầu rũ ra được. Các cậu kiên nhẫn thật đấy, không cảm thấy ngán ngẩm à? - Quỳnh lại cười. _ À, thì có ngán… một chút… nhưng không đến nỗi buồn hiu quạnh – Hân Nhiên đáp, hai phần câu không ăn nhập gì với nhau. Quỳnh bật cười ha hả, đưa tay lên chùi nước mắt: _ Ha ha, các cậu vui thật, ha ha! _ Có lúc bọn mình cũng xem báo, xem ti vi, nghe âm nhạc gì gì nữa. A đúng rồi, bọn mình còn đi thực tập nữa chứ! Quỳnh càng cười rũ ra. Quỳnh cười rất to, không còn là cách cười của nữ sinh trong trường. Tiếng cười của Quỳnh khiến người qua đường phải ngoái cổ lại nhìn. Hân Nhiên ngơ ngác: _ Như thế là buồn cười lắm à? _ Mình không cười các cậu - Quỳnh thôi không cười nữa – chúng mình và các cậu thật là người của hai thế giới. Nhưng mà tớ cũng phát thèm được như các cậu đấy! _ Nói như thế thì Quỳnh hối hận à? Còn lưu luyến với trường học à? Có vẻ trầm tư nghĩ một lát rồi mới bình tĩnh nói: _ Không hối hận đâu. Mình có nhớ quãng đời học sinh nhưng không lưu luyến. – Hân Nhiên im lặng, không ngờ Quỳnh cũng biết lựa chọn giữa hai từ “nhớ nhung” và “lưu luyến”. Quỳnh hỏi nhỏ: _ Bạn thấy mình rất tầm thường, rất trống rỗng phải không? _ Không đâu! – Hân Nhiên ngạc nhiên ngước mắt lên – không đâu! Quỳnh nhoẻn miệng cười: _ Thật ra từ sáng tới tối “phấn đấu” đi “phấn đấu” lại cũng tầm thường thật, vô nghĩa thật. Con người ta nên sống cho thoải mái, tự tại, làm những gì mà mình muốn làm. Mình biết đi học là tốt, nâng cao được kiến thức nhưng mình cảm thấy để tuổi xuân là cái quý nhất và ngắn ngủi nhất trong một đời người mòn mỏi cùng với những quyển sách dầy cộp là một sự lãng phí! Rồi Quỳnh nói thêm: _ Cũng có lúc quả thật thấy trống rỗng đấy! Khi hai người rời khỏi cửa hiệu, trời âm u như sắp mưa. Khắp nơi là không khí âm u của mùa đông phương Nam. Mấy cô gái diện rất mốt đi qua bên họ, Quỳnh lần nào cũng ngoảnh đầu lại nhìn. _ Mầu bóng mắt cô ấy phối hợp rất hay, xanh, xám, pha thêm nâu… _ Thân hình rất chuẩn. Quỳnh lẩm bẩm một mình. Họ đi rất chậm, trong một lúc không biết nói chuyện gì. _ Cậu còn chưa biết Lạc Lạc học trường nào đâu nhỉ? - Quỳnh liếc mắt nhìn Hân Nhiên, giọng hỏi tỏ rõ mối hoài nghi về quan hệ giữa Hân Nhiên và Lạc Lạc – mình có thể mách cho cậu biết. Hân Nhiên dừng chân, do dự giây lát rồi lắc đầu. Mùa hè năm tốt nghiệp phổ thông cơ sở rất nóng nực. Mục dự báo thời tiết trên đài truyền hình Hồng Kông thích to chuyện đã dùng mấy chữ “nóng dữ dội”, song hai bàn tay Lạc Lạc thì lạnh giá, mắt vằn đỏ. Lạc Lạc thi trượt vào trường trung học phổ thông Số Chín. Vì Lạc Lạc vừa từ nội địa chuyển đến, hồi học trung học cơ sở thì học một trường trọng điểm như trường trung học Số Chín, đến trung học phổ thông đành thi vào một trường trung học bình thường. _ Thế là hết, … hết thật rồi. Mình chết mất, đời mình thế là xong… - Lạc Lạc hai tay ôm lấy mặt khóc ròng. _ Lạc Lạc, đừng đau buồn quá như thế, đường còn dài mà! Làm sao có thể nói là hết được? Không, chưa hết đâu! – Hân Nhiên an ủi Lạc Lạc, nói những câu tự đáy lòng mình – mình sẽ viết thư cho bạn, cứ nói cho mình biết bạn học trường nào, được không? _ Thế nào, cậu còn muốn biết cho vui à? Cậu thấy mình xấu hổ mình mất mặt còn chưa đủ sao? Cậu muốn chính mắt thấy mình sượng mặt chứ gì? - Lạc Lạc nổi giận. _ Lạc Lạc… - Hân Nhiên ngạc nhiên, chỉ nói được có thế. Rất lâu sau Lạc Lạc mới bình tĩnh lại, đưa bàn tay lạnh giá ra kéo Hân Nhiên: _ Xin lỗi Hân Nhiên nhé! Mình chỉ có thể như thế! Hân Nhiên đành gật đầu tỏ ý hiểu nỗi khổ tâm của bạn. Lúc này hay nhất là im lặng. Khi Hân Nhiên và Quỳnh đến nhà Tiểu Địch, trời bắt đầu mưa to. Ở phòng khách có hơn chục người, toàn là những người thi trượt vào trường trung học Số Chín hoặc các trường trung học phổ thông khác. Thấy Hân Nhiên bước vào, ai nấy lộ vẻ kinh ngạc rồi cũng tỏ ý hoan nghênh theo phép lịch sự thông thường, nhưng sau đó thì quay sang hát hoặc nói chuyện với nhau. _ Trương Nghệ Mưu chia tay với Củng Lợi rồi. _ Lần này hoa hậu Hồng Kông không đẹp, chỉ bằng một nửa Lý Gia Hân. _ Ở đằng La Hồ mới mở một viện thẩm mỹ sửa sang sắc đẹp, nghe nói có cách làm ngực cao lên đấy! Họ không thèm để ý đến Hân Nhiên, chỉ hào hứng bàn tán với nhau về những đầu đề mà họ thích. Hân Nhiên ngồi trơ khấc ở góc nhà gần cửa sổ mà nhìn họ cười, nghe họ kháo chuyện như ngươi chưa từng quen biết. Quỳnh nhận ngay ra điều đó vì Hân Nhiên là do cô dẫn đến. Cô không thể để Hân Nhiên lạc lõng đươc. _ Các bạn có biết Hân Nhiên đến đây vì việc gì không nào? Hân Nhiên giật mình. Ánh mắt mọi người dồn cả vào bạn, đến lượt bạn ra mắt rồi. Hân Nhiên đứng lên nói: _ Mình đến để rủ các bạn cùng tới chúc Tết cô Lan. Không có tiếng đáp lại. Làm thế nào đây? Không thể để rã đám chuyện này. Hân Nhiên làm ra bộ vui mừng hơn: _ Chúng mình sẽ tặng cô giáo thứ gì được nhỉ? _ Chúng tớ không đi! - Hầu như dị khẩu đồng thanh. _ Hồi tốt nghiệp phổ thông cơ sở chẳng hẹn với nhau như thế là gì? Sao bây giờ lại thay đổi thế? Cô Lan tốt với chúng ta như thế cơ mà! _ Tại sao không đi nhỉ? Cô Lan cũng là cô giáo của bọn mình, nhưng để chúng mình tự đi thăm cô giáo thôi! - Một bạn nam học trường cao đẳng cán bộ nói – Đi chung chẳng hay, không nói chuyện chung với nhau được. “Chủ xị” là Tiểu Địch nói: _ Thực ra cũng chẳng có gì. Chỉ vì bọn Hân Nhiên học trường Số Chín nên ít liên hệ với chúng mìnnh thôi. Chủ yếu vì các bạn ấy bận học. Mình không cho rằng cứ phải học đại học mới tiến thủ được. Đây có phải là nội địa đâu! Mọi con đường đều dẫn tới Rome cả mà! _ Vậy cậu đi nhé! – Hân Nhiên hy vọng. _ Không được rồi. Hôm ấy mình cùng ba mẹ tham dự một cuộc họp mặt salon - Sợ Hân Nhiên hiểu lầm, Tiểu Địch bổ sung – Cơ hội hiếm có, họp mặt toàn người có tên tuổi cả. Sau đó Tiểu Địch quay trở lại với chủ đề câu chuyện của mình. Hân Nhiên tì trán vào khung kính trên cửa sổ. Bên ngoài, mưa quất rào rào vào khung kính như muốn rửa sạch mọi vết bụi. Vốn nhẩm tính các bạn học cũ xa nhau mỗi người mỗi nơi sẽ nhất trí tán thành, ngờ đâu lại xảy ra cảnh tượng này. Cách bức nhau sâu đến thế kia ư? Một bàn tay đặt lên vai Hân Nhiên, bạn quay lại: _ Ơ Lạc Lạc! _ Tạ Hân Nhiên! - Lạc Lạc gọi cả tên họ đầy đủ của Hân Nhiên; cách gọi đó chứng tỏ quan hệ giữa hai người với nhau không còn thân mật như trước. _ Bây giờ bạn ra sao rồi? _ Còn ra sao gì nữa? Vào học trường phổ thông bình thường bao giờ cũng cảm thấy không phải với mọi người, việc gì cũng phải để ý, đừng để người ta nhìn không thuận mắt. Mình đâu có được như Dư Phát là có được ông bố lắm tiền, bỏ tiền mua một chỗ học. Mình… - Lạc Lạc không bất bình và phẫn nộ, chỉ buồn bã mà thôi. Hân Nhiên cảm thấy trận mưa rào cuối đông này như đang xối xả tạt vào tim mình. Bạn buồn thay cho Lạc Lạc. Điểm thi của bạn chỉ thiếu nửa điểm nên không vào được trường Số Chín. Điểm của Dư Phát còn thiếu cả gang mới tới điểm chuẩn, vậy mà trường Số Chín lại dành một chỗ cho cậu ta. Uy lực đồng tiền lớn biết bao! Hân Nhiên lâu nay vẫn cho rằng những ai thích tiền đều tầm thường hết chỗ nói, nhưng bây giờ Hân Nhiên cũng hơi thừa nhận rồi. Hân Nhiên toan kể cho Lạc Lạc nghe những nỗi vui buồn đắng cay ở trường Số Chín nhưng lại sợ Lạc Lạc hiểu lầm, cho rằng bạn khoe khoang nên lại ngậm miệng không nói. Lúc này Tiểu Địch bắt đầu cắt bánh ga tô mừng sinh nhật. Lạc Lạc kéo Hân Nhiên cùng ngồi một góc phòng. Tiểu Địch đưa bánh đến. _ Tạ Hân Nhiên, nói cho cậu biết nhé. Cậu có đến nhà cô Lan thì chớ hỏi thăm về con trai cô ấy nhé. Nó cũng thi trượt vào trường trọng điểm. _ Mình có nghe rồi. _ Còn nhớ thầy Đường không? Thầy chuyển nghề rồi, chuyên buôn cổ phiếu đấy. Hôm nọ ở phòng chứng khoán, mình thấy thầy Đường comle mới cứng, tay cầm điện thoại di động, oai phải biết! _ Thế ư? _ Cậu còn nhớ Bạch Linh không? Chết rồi. Những Lớp trưởng đại nhân, Bí thư chi đoàn đại nhân, thường ngày hát véo von những là đoàn kết thân ái, giúp đỡ nhau, thế mà chẳng một ai đến thăm nó. Chỉ được cái rỗng tuếch! Co người trong tấm áo khoác màu đỏ sẫm cổ to, Hân Nhiên cảm thấy mặt nóng bừng như rát lửa, xấu hổ cho điều không thông tin tức của mình. May mà các bạn kia không nhận ra, Tiểu Địch lại nhiệt tình mời một miếng bánh nữa. Hân Nhiên rụt rè hỏi Lạc Lạc ngồi bên cạnh: _ Cậu đi không? _ Mình đi một lần rồi, lần này không đi nữa. Đến đấy gặp toàn bọn lớp mình nhưng bây giờ đều học trường trọng điểm cả, mình lại cảm thấy ngán ngẩm. Vả chăng sắp vào học rồi, mình phải học ôn… Từ nãy đến giờ toàn nghe Lạc Lạc nói những câu buồn bã, Hân Nhiên cũng cảm thấy nao nao. Vốn dĩ Lạc Lạc đâu đến nỗi thế, song Hân Nhiên không dám nói gì, chỉ sợ trong lúc vô ý có thể có câu nào đó làm thương tổn đến trái tim yếu ớt của Lạc Lạc chăng? _ Hân Nhiên ạ, mình với các cậu bây giờ khác nhau rồi, mình cũng không giống các bạn khác cùng trường mình nữa. Tỉ lệ lên lớp của trường Số Chín là bao nhiêu? Trường mình là bao nhiêu? Thầy giáo ngữ văn ở trường mình vốn dạy ở Bắc Kinh đấy, thầy rất có trình độ nhưng thầy bảo thầy về trường chúng mình là sai lầm. Thầy tuyên bố: “Các em có gặp tôi giữa đường thì đừng chào tôi là thầy nữa nhé, tôi xấu hổ thay cho các em”. Thử nhìn học sinh trường mình mà xem, nào yêu đương, đi nhảy ở vũ trường, nào buôn cổ phiếu, tạp nham đủ thứ… Có nhiều chuyện cậu không tưởng tượng nổi đâu… _ Lạc Lạc, thôi đừng nói nữa! – Hân Nhiên đưa tay nắm chặt lấy tay Lạc Lạc. Cảm thấy có giọt nước rơi xuống môi, Hân Nhiên nếm thử thấy mằn mặn - Lạc Lạc, mình tin rằng ba năm nữa, chúng mình sẽ gặp nhau ở trường đại học. Thật đấy! Lạc Lạc cảm động ngẩng lên nhìn Hân Nhiên. Lúc này mà còn hỏi thăm về trường của Lạc Lạc thì thật là thừa. Hân Nhiên và mấy bạn nữa đến chúc Tết cô giáo Lan. Người đến đều học ở trường trọng điểm. Cô Lan nói mấy hôm trước bọn Quỳnh cũng đến. Một lớp mà chia thành hai đợt đến chúc Tết cô. Cô Lan còn hỏi tại sao không thấy Trần Minh đến. Cô chỉ nhớ nhiều đến Trần Minh. Ra khỏi nhà cô, mấy người liền chia tay nhau ngay. Kỳ nghỉ đông này Hân Nhiên cảm thấy không thoải mái. Chỉ có một việc ngoại lệ, ấy là Hân Nhiên lấy danh nghĩa của mẹ gửi hai trăm đồng kiếm được do làm thuê, gửi cho cha mẹ người vợ trước của ba và cho anh con riêng của ba. Hân Nhiên chỉ giữ lại số tiền bằng đô la Hồng Kông để trả lệ phí giáo dục cho học kỳ sau vì không có hộ khẩu ở Thâm Quyến, Hân Nhiên phải nộp nhiều hơn các bạn khác năm trăm đồng. Đấy là một chuyện vui duy nhất trong kỳ nghỉ đông này. Hân Nhiên đang thờ ơ đi trên đường thì hè đường bên kia thoáng một bóng người. Trực giác mách bảo khiến Hân Nhiên xúc động. Bạn đứng sững lại. Phải Tiêu Dao không? Hân Nhiên không dám xác định, bèn chạy ngược lại trên hè. Một lát sau nhìn kỹ, quả nhiên là Tiêu Dao. _ Tiêu Dao! Tiêu Dao cũng nhìn thấy bạn. Đứng bên kia đường, Tiêu Dao gọi to: _ Tạ Hân Nhiên! - Gọi xong toan bước qua đường. Hân Nhiên là người quen đầu tiên gặp trên đường trở về nhà sau chuyến đi du lịch, cho nên Tiêu Dao vô cùng mừng rỡ, hình như sự xuất hiện của Hân Nhiên cũng có nghĩa là Tiêu Dao đã về đến nhà. Dịp nghỉ đông này Tiêu Dao đến Đôn Hoàng, nơi bạn mong ước từ lâu. Mộng đẹp nay đã thành sự thật, tâm tình đâu chỉ có xúc động mà thôi. Từ bất kỳ một thành phố phồn hoa nào đi đến Đôn Hoàng đều rất xa. Có lẽ chính vì đường xa như thế mà Đôn Hoàng có sức hấp dẫn rất mạnh. Ở đấy Tiêu Dao được xem nền văn hóa cổ đại xán lạn của Trung Quốc, cảm thụ được sự lâu đời của lịch sử. Không nghi ngờ gì nữa những cảm thụ làm Tiêu Dao già dặn lên nhiều. Do thời gian cấp bách, Tiêu Dao không dừng lâu được ở đấy mà về ngay. Tầu hỏa rất đông, Tiêu Dao phải mua vé đứng. Suốt đường về hầu như Tiêu Dao phải đứng, song bạn không cảm thấy khổ mà tự giác tự rèn luyện mình. Đối với lứa tuổi thiếu niên, có lẽ đó cũng là một bài học, cho nên có thể nói ở tuổi niên thiếu, ý nghĩa của du lịch không chỉ ở chỗ tham quan. Hai người đứng nhìn nhau cách một lòng đường, cả hai đều cảm thấy mình và bạn đều lớn lên rất nhiều. Tuổi thiếu niên cần thời gian để trưởng thành song điều cần hơn nữa là có dịp tiếp xúc với xã hội. Tiêu Dao chạy qua đường: _ Hân Nhiên, sao lại vừa khéo thế nhỉ? _ Mình vừa từ nhà cô giáo chủ nhiệm hồi phổ thông cơ sở về đến đây. _ Mình cũng vừa từ Đôn Hoàng về đến đây. _ Đôn Hoàng ư? - Hân Nhiên mở to mắt. Sự ngạc nhiên ấy khiến Tiêu Dao lấy làm hãnh diện. Hân Nhiên rất hâm mộ Đôn Hoàng song nhận ra rằng nơi mình rất muốn đến, việc mình rất muốn làm đều không phải dễ dàng thực hiện được. Có lẽ cuộc đời mình rồi cũng như thế chăng?