Đã cầm nắm đấm trên cửa phòng may rồi, tôi bỗng dừng lại, linh cảm rằng giữa tôi và Giacomo nhất định sẽ xuất hiện những quan hệ bi đát như giữa tôi và Astarita. Bản thân tôi sẽ có những tình cảm phục tùng, xốn xang và đắm đuối đến mù quáng đối với Giacomo như Astarita đối với tôi, tuy tôi nhận thức được rõ ràng nếu muốn bắt Giacomo yêu tôi, tôi phải xử sự hoàn toàn khác, song cứ hễ ở cạnh anh, tôi lại không tài nào thoát ra được khỏi tình cảm lệ thuộc ngượng ngùng, mất bình tĩnh. Bản thân tôi không tài nào giải thích nổi tâm trạng tự hạ mình đến vậy, tôi biểt rõ điều đó, tôi sẽ cố khắc phục nó. Song qua linh cảm, tôi hiểu rằng chúng tôi thuộc những loại người khác nhau, tôi cứng rắn hơn Astarita, song yếu đuối hơn Giacomo. Cái đã ngăn cản tôi yêu Astarita thì cũng là cái đã ngăn cản Giacomo yêu tôi. Tình yêu của Astarita đối với tôi cũng như của tôi với Giacomo, đã chớm nở một cách bất hạnh và sẽ kết thúc còn bất hạnh hơn. Tim tôi đổ hồi trống ngực, tôi thấy ngẹt thở, chưa trông thấy và chưa nghe Giacomo nói tôi đã sợ có hành động gì bộp chộp để lộ cho anh thấy nỗi lo và ý nguyện của tôi muốn làm anh vừa lòng, do đó lại mất anh vĩnh viễn. Theo tôi, lời nguyền ghê rợn nhất của tình yêu là nó không bao giờ có quan hệ qua lại: khi yêu thì chẳng được yêu, còn khi được yêu thì lại không yêu. Sức mạnh tình yêu và lóng say đắm giữa hai người yêu nhau hầu như chẳng bao giờ bằng nhau, tùy theo cách riêng của mình ai nấy đều cố vươn tới điều lý tưởng này. Tôi biết được điều đó, và chính vì vậy, tôi yêu Giacomo, anh không yêu tôi. Và tôi còn biết rõ rằng – tuy tôi chẳng muốn tự thú nhận – tôi có cố gắng bao nhiêu, dù có dốc hết sức lực đi nữa, chẳng bao giờ có thể làm anh yêu tôi được. Tất cả những ý nghĩ ấy đã thoáng hiện trong óc tôi, khi tôi ngập ngừng và xúc động đứng bên cánh cửa phòng may. Tôi cảm thấy mình không bình thường, sẵn sàng có những hành động bi đát nhất, ngu xuẩn nhất và điều đó đã làm tôi tức giận đến cực độ. Cuối cùng tôi quyết định bước vào. - Anh đi ngang qua đây và quyết định ghé vào, có lẽ chẳng nên thế nhỉ? Anh nói chậm rãi, tựa hồ trước câu nói đó anh muốn quan sát kỹ tôi. Tôi lo ngay ngáy chờ đợi kết cục của cuộc thẩm tra, sợ rằng lúc này anh thấy tôi hoàn toàn khác, không quyến rũ bằng cái hình ảnh đã sống trong tâm trí anh và đưa anh đến bên tôi sau cuộc ly biệt cay đắng ngần ấy. Nhớ lại cách đây mấy phút, khi ngắm mình trong gương, tôi thấy tôi rất xinh đẹp, nên đã đánh bạo nói, giọng đứt quãng vì xúc động: - Nên chứ... anh đã xử sự rất đúng... em chuẩn bị đi ăn trưa... ta cùng đi, đi anh. - Thế em có biết rõ anh không – Anh hỏi, giọng giễu cợt – Em có biết rõ anh là ai không? - Anh khỏi phải nói – Tôi đã ngu xuẩn thốt ra không kịp suy nghĩ kìm nén mình, tôi âu yếm nhìn anh và cầm tay anh đưa lên môi mình. Anh bối rối còn tôi sung sướng. Tôi hỏi, giọng lo lắng và dịu dàng: - Anh tại sao lại biến mất tăm vậy? Thế mà không biết xấu hổ. Anh lắc đầu nói: - Anh rất bận. Tôi hoàn toàn mất trí. Tôi hôn tay anh rồi ép nó vào ngực mình và bảo: - Anh xem tim em đập thế nào? Trong khi tôi tự thầm rủa bản thân, hiểu rõ là không được xử sự như vậy và nói những lời tương tự, anh cau mày tỏ vẻ bực mình, tôi hốt lên vội bảo: - Em đi mặc áo bành tô, em ra ngay bây giờ đây, đợi em nhé. Tôi xúc động và sợ mất anh tới mức, ra đến ngoài hành lang, tôi vội khóa béng ngay cửa ra vào rồi vội rút thìa lại, như vậy, khi tôi đi thay áo xống, nếu anh muốn bỏ đi cũng đành chịu. Sau đó, tôi về phòng mình, đi đến bên giường, dùng khăn tay lau lớp hóa trang dưới mắt và son môi, rồi đánh lại nhưng chỉ bôi một chút ít thôi. Tôi ra hành lang lấy áo bành tô, tôi đứng bối rối trong giây lát, nhớ lại mình đã treo nó trong tủ. Tôi quay lại phòng mình, lấy áo bành tô ra khỏi mắc áo và mặc vào người. Tôi soi lại gương, tôi thấy mình trải đầu hất quá cao. Tôi liền chải lại và để tóc giống như khi còn là vợ chưa cưới của Gino. Trong khi trải đầu, tôi tự nhủ là từ giây phút này trở đi mình sẽ cố gắng kìm mình và phải sát sao theo dõi mọi lời ăn tiếng nói và hành động của mình. Cuối cùng, tôi đã chuẩn bị xong. Tôi ra ngoài hành lang, ngó vào phòng may và gọi Giacomo. Chúng tôi chuẩn bị ra đi, nhưng tôi đã khóa mất cửa ra vào và do cảm động, tôi đã quên khuấy không mở cửa, do đó tự mình lật tẩy mình. - Sợ anh bỏ chạy – anh thầm thì, khi tôi lúng túng tìm chìa khóa trong túi sách tay. Anh đỡ chìa khóa ở tay tôi và tự mở cửa, anh lắc đầu nhìn tôi vẻ thân ái trách móc. Tim tôi rộn lên vui sướng, tôi chạy trên cầu thang đuổi theo anh, khoác tay anh và lo lắng hỏi: - Anh không giận em chứ? Anh chẳng đáp lại một lời nào. Đường phố chan hòa ánh nắng, chúng tôi khoác tay nhau đi bên nhà cửa và cửa hàng. Bước cạnh anh, tôi thấy hạnh phúc tới mức quên mất lời thề của mình. Khi đi qua ngôi nhà có tháp, tôi bóp các ngón tay anh tựa hồ như phục tùng ý chí của người nào đó. Ngoài ra, tôi nhận thấy rằng tôi lúc nào cũng rảo bước bước lên trước để ngó mặt anh. - Anh ạ, em rất vui được gặp anh – Tôi nói. Anh cau mày tỏ vẻ ngường ngượng như thường lệ rồi nói: - Anh cũng vậy. – Nhưng giọng anh không hề để lộ một chút vui mừng. Tôi cắn chặt môi đến bật màu và rút tay lại. Xem ra anh thậm chí không nhận thấy cử chỉ này của tôi và vẫn tiếp tục đưa mắt nhìn quanh vẻ bối rối. Nhưng tới gần cổng thành, anh ngập ngừng dừng lại và nói: - Em này, anh có điều cần nói với em. - Anh nói đi. - Thật ra, anh không nghĩ rẽ vào chỗ em... thế nào lại đúng lúc anh chẳng có xu dính túi... vì vậy tốt hơn hết là ta chia tay nhau vậy. – Nói xong, anh chìa tay ra và chào tôi. Thoạt đầu tôi hoảng sợ. Trong lúc bối rối, tôi nghĩ: “Anh sẽ lìa bỏ mình ngay bây giờ đây”, và do sợ mất anh mà tôi quyết định: điều duy nhất tôi có thể làm là bá lấy cổ anh, khóc lóc van xin anh ở lại. Nhưng một phút sau tôi đã thay đổi kế hoạch của tôi, quyết định sử dụng ngay cái lý do anh đã viện ra để chia tay tôi. Tôi nghĩ mình sẽ thanh toán tiền cho cả hai người. Tôi thậm chí còn thấy vui vui trước suy nghĩ này: trả tiền cho anh như những người khác đã trả cho tôi. Tôi đã nhiều lần nói tới cảm giác rạo rực mà tôi đã trải qua khi nhận tiền. Lúc này tôi nhận ra rằng tiêu chúng cũng không kém phần thú vị. Và khi tình yêu và tiền đụng độ nhau - nhận hay cho, không quan trọng lắm – thì vấn đề không chỉ là lợi lộc thuần túy. - Anh đừng bận tâm... em sẽ trả mà... anh coi này... em có tiền đây! – Tôi thốt lên, giọng sôi nổi và mở ví xách ra để anh thấy được chỗ tiền tôi mới bỏ vào đấy chiều tối hôm trước. - Như vậy không tiện. – Anh ngao ngán đáp. - Có sao đâu, anh đã quay trở lại, chẳng qua là em muốn ăn mừng việc anh trở về. - Không... không nên – Anh muốn chia tay tôi và đã chực bỏ đi. Lần này tôi nắm tay anh. - Ta đi thôi, và chẳng nên bàn cãi nhiều chuyện này nữa. – Tôi kiên quyết và tiến về phía tiệm ăn. Chúng tôi ngồi đúng vào chiếc bàn bữa trước, mọi thứ vẫn thế, chỉ có ánh nắng mùa đông lọt qua cửa kính, rọi lên bàn và tường. Chủ tiệm đưa thực đơn cho chúng tôi, tôi gọi bữa ăn trưa với một giọng tin tưởng và kẻ cả đúng như cung cách của những người bạn trai tôi đã xử sự với tôi. Trong lúc đó Giacomo ngồi im lặng, đưa mắt nhìn xuống. Tôi quên không gọi rượu vang vì bản thân không uống, nhưng sau chợt nhớ lần trước anh đã uống, nên lại gọi chủ tiệm và bảo mang ra một lít rượu vang. Chủ tiệm vừa đi xa, tôi mở túi xách tay, lấy ra một trăm lia, gấp làm tư và đưa mắt ngó quanh rồi dúi ở dưới bàn cho anh. Anh ngơ ngác nhìn tôi. - Đây là tiền – Tôi khẽ bảo – thanh toán sau bữa trưa. - À... à, tiền – Anh chậm rãi nói, cầm lấy tờ giấy bạc mở ra ở trên mặt bàn, ngó nhìn, sau đó gập lại, mở ví xách của tôi ra, rồi bỏ tờ giấy bạc vào đó. Anh làm tất cả những động tác đó một cách nghiêm túc mỉa mai. - Anh muốn để em tự thanh toán à? – Tôi bối rối hỏi. - Không, anh sẽ thanh toán – Anh bình tĩnh đáp. - Thế sao lúc nãy anh bảo anh không có tiền? Anh im lặng, rồi đáp với một giọng thành thực đáng bực: - Anh không phải tình cờ ghé thăm em đâu... thật ra anh cũng chuẩn bị đến với em từ gần một tháng nay... nhưng gặp em, anh lại muốn đi ngay... vì vậy anh mới bảo là không có tiền... anh hy vọng là em tống khứ anh – Anh mỉm cười và đưa tay xoa cằm – nhưng rõ ràng là anh đã nhầm. Như vậy là anh đã tiến hành với tôi đại loại một cuộc thí nghiệm. Tôi chẳng là gì với anh cả. Nói đúng hơn, sự say mê mà tôi đã phải đấu tranh ở trong lòng anh với một thái độ khinh bỉ khá mạnh. Về sau, tôi nhận thấy rằng cái khả năng giả đò nhằm mục đích thử thách tôi này của anh là một nét chủ yếu trong tính cách của anh. Nhưng vào giây phút đó tôi lúng túng không biết nên vui hay nên buồn trước sự lừa dối và nỗi thất bại của anh. Tôi bất giác hỏi: - Thế tại sao anh không bỏ đi? - Vì anh thấy anh chẳng có chút tình cảm nào với em... nói đúng hơn, anh chỉ say đắm em như anh bạn anh đối với cô bạn em. - Anh có biết họ đã sống với nhau rồi không? – Tôi hỏi. - Có – Anh đáp, giọng khinh bỉ - Những người như vậy quả là hợp nhau. - Anh không có chút tình cảm nào với em – Tôi nói – và không muốn tới... nhưng đã tới. Tuy những nỗi niềm hy vọng của tôi về tình yêu không biện minh được rằng về thực chất, tôi đã nhìn thấy trước rồi, dẫu sao tôi không phải là không vạch trần tính không nhấn quán của anh. - Đúng – Anh đáp – người ta thường gọi những kẻ như anh là nhu nhược. - Anh đã tới... như vậy là em hài lòng rồi – Tôi nói, giọng chắc nịch. Tôi để tay lên đầu gối Giacomo, còn bản thân chăm chú nhìn anh và nhận thấy tôi vừa chạm đến người anh như vậy đã gây xao xuyến trong lòng anh, thậm chí cằm anh run run. Tôi vui mừng, nhưng nhận thấy rằng tuy tha thiết say đắm tôi, không phải vô cớ, như chính anh đã nói, anh đã suy nghĩ tới tôi suốt cả tháng, song dẫu sao trong anh có điều gì đó ghét bỏ tôi, tôi phải dốc toàn tâm vào đấy, đấu tranh và thủ tiêu sự ác cảm đó. Tôi thấy anh đã đưa mắt nhìn tấm lưng trần của tôi với vẻ soi mói như thế nào khi lần đầu tiên chúng tôi một mình bên nhau. Chắc lúc đó tôi đã phạm sai lầm là đã chịu lép trước cái nhìn băng giá của anh: chỉ cần tôi cố gắng một chút là tôi sẽ dập ngay được sự lạnh lùng trong cái nhìn ấy. Cũng như lúc này tôi có thể dập tắt và xua tan cái vẻ kiêu căng trên mặt anh. Xích lại gần bàn tựa hồ như muốn nói nhỏ với anh điều gì, tôi nhẹ nhàng vuốt đầu gối anh, còn bản thân thì vui sướng và hài lòng quan sát vẻ mặt anh. Anh đưa cặp mắt to, đen, ngời sáng với hàng mi dài như của phụ nữ nhìn tôi vẻ dò hỏi và không hài lòng. Cuối cùng anh bảo: - Nếu cảm giác em muốn gây gợi cho anh thích hợp với em thì đành vậy, đấy là việc của em. Tôi liền lùi trở lại. Vừa lúc đó chủ tiệm ăn bày bàn và đồ ăn ra. Chúng tôi uể oải ngồi ăn. Sau đó anh nhận xét: - Ở địa vị em, anh cố ép anh uống rượu. - Để làm gì? - Khi say, anh thực hiện ý muốn của người khác một cách sẵn lòng hơn. Cái câu: “Nếu cảm giác em muốn gây gợi cho anh thích hợp với em thì đành vậy, đấy là việc của em” đã xúc phạm tôi, sự thú nhận này đã cho tôi thấy rõ mọi nỗ lực của tôi đều vô ích. Tôi tuyệt vọng kêu lên: - Em muốn anh chỉ làm những điều thấy cần thiết... nếu anh muốn bỏ đi, xin mời anh cứ việc đi đi, cửa ở kia kìa... - Cái việc bỏ đi này, - Anh khôi hìa đáp – anh phải tin chắc rằng quả thực anh muốn làm việc đó. - Có lẽ, em đi à? Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Do đau khổ tôi đã nói với một giọng kiên quyết có lẽ làm anh xao xuyến không kém gì những cái vuốt ve vừa rồi của tôi. Anh chật vật nói: - Không, em ở lại đi. Chúng tôi lại ngồi xuống. Sau đó anh tự rót vào cốc của mình một cốc rượu đầy và uống cạn một hơi. - Em thấy không – Anh nói – Anh đang uống rượu đấy. - Em thấy rồi. - Chẳng mấy chốc anh sẽ say và lúc đó, có lẽ, anh sẽ thổ lộ tình yêu với em. Lời anh đã làm tim tôi nhói đau. Có lẽ tôi chưa bao giờ thấy đau như vậy. Tôi van anh: - Thôi anh, thôi anh đừng hành hạ em nữa. - Anh hành hạ em à? - Vâng, anh nhạo báng em... bây giờ em xin anh một điều: đừng để ý tới em nữa... em yêu anh... nhưng chuyện đó sẽ qua đi thôi, còn bây giờ để cho em được yêu. Anh lẳng lặng uống cốc rượu thứ hai. Tôi sợ đã làm anh bực, nên nói: - Anh sao thế? Giận em à? - Anh ấy à? Ngược lại. - Nếu anh thích chế giễu em, xin mời anh cứ việc chế giễu... ấy là em nói thế thôi. - Anh hoàn toàn chẳng chế giễu em. - Nếu anh thích nói thô bạo với em – Tôi nài nỉ, vì cảm thấy mình ao ước được một điều: bạc nhược khuất phục anh không cần phải giở một mánh lới và thủ đoạn nào – anh cứ nói, đừng ngại. Dù thế nào em cũng sẽ yêu anh tha thiết hơn trước... nếu anh đánh em, em sẽ hôn bàn tay giơ lên đánh. Anh chăm chú nhìn tôi, vẻ lạ lùng, chắc tình cảm của tôi lại làm anh xao xuyến. Sau đó, anh nói: - Ta rời khỏi đây đi. Em thấy thế nào? - Đi đâu? - Về nhà em. Tôi bị thất vọng tới mức quên mất lý do gây nên nỗi thất vọng ấy, và lời mời bất ngờ ngay vào lúc bắt đầu bữa ăn làm tôi ngạc nhiên hơn là buồn phiền. Về mặt lý trí mà xét, tôi hoàn toàn hiểu rằng đây không phải là tình yêu, mà là sự bối rối, nảy sinh do những lời vừa rồi của tôi, buộc anh phải quáng quàng kết thúc bữa trưa. - Anh muốn nhanh nhanh được giải thoát khỏi em, đúng không nào? - Sao em đoán được? – Anh hỏi. Nhưng những lời ấy, do quá phũ phàng nên không đúng sự thật, chẳng hiểu sao đã cổ vũ tôi. Tôi đưa mắt nhìn xuống và nói: - Có những sự việc tự nó không nói lên bản thân mình... thôi ta ăn nhanh cho xong bữa... rồi hẵng đi. - Tùy em... nhưng anh sẽ bị say. - Anh cứ say... như vậy sẽ tốt cho em hơn. - Thế nhỡ anh khó ở... đáng lẽ trong tay em là một người tình thì em lại phải chăm sóc một bệnh nhân. Tôi đưa tay che miệng cốc của anh, tôi đã thiếu thận trọng để lộ nỗi sợ của mình: - Nếu vậy thì đừng uống nữa. Anh phá lên cười và bảo: - Thế là em bị tóm quả tang rồi. - Thì em lo cho anh mà – Tôi chịu nhún bảo. - Em lo cho anh... ha ha ha! Anh lại chế giễu tôi, nhưng lời chế giễu của anh đáng yêu biết bao nên ít xúc phạm tôi. Anh hỏi: - Thế em cho anh biết, tại sao em không uống rượu? - Em không thích uống rượu, uống một cốc em say ngay. - Thế thì đã sao? Cả hai ta đều say. - Nhưng một phụ nữ say thì thật xấu xa... em chẳng muốn anh thấy em say. - Tại sao?... Có gì xấu xa ở đây nào? - Em chẳng biết nữa, nhìn một phụ nữ lảo đảo, chân nam đá chân chiêu, miệng lảm nhảm những điều dớ dẩn, thật là chướng... thậm chí thật đáng thương... em cũng đáng thương như vậy, em biết điều đó, em biết rằng anh cũng coi em là đáng thương... Nếu em uống và anh thấy em say, sau này anh luôn luôn nhìn em với con mắt ghê tởm. - Còn nếu anh ra lệnh cho em uống? - Chắc anh muốn lăng nhục em – Tôi buồn rầu nói - phẩm chất duy nhất của em là không ai có thể bảo em là một mụ khùng khùng... Anh thực sự muốn tước đi của em cả cái nhân phẩm đó à? - Đúng, anh muốn đấy – Anh sôi nổi nói. - Em không rõ điều đó sẽ làm đẹp lòng anh thế nào, nhưng nếu anh muốn, anh rót rượu cho em đi – Và tôi chìa cốc ra. Anh nhìn chiếc cốc, lại nhìn tôi và cười phá lên: - Anh nói đùa đấy – Anh nói. - Chuyện gì anh cũng đùa được. - Như vậy mà em khẳng định không ai có thể bảo em là một mụ khùng khùng à? – Anh chăm chăm nhìn tôi và lên tiếng sau một phút im lặng. - Dù thế nào đi nữa thì ấy là người ta bảo vậy. - Nghĩa là, theo em, cả anh cũng nghĩ vậy? - Làm sao em biết được anh nghĩ gì? - Ta thử làm sáng tỏ xem... theo ý em, anh nghĩ gì về em và tình cảm của anh đối với em ra sao? - Em không biết – Tôi phát hoảng lên và khẽ nói - tất nhiên anh không yêu em bằng em yêu anh... có lẽ anh thích em như người đàn ông thích người đàn bà khá xinh đẹp. - Úi chà, em cho rằng em là một người khá xinh đẹp à? - Đúng – Tôi tự hào khẳng định – em thậm chí còn biết rằng em rất xinh đẹp... nhưng cái đẹp đó được tích sự gì cho em nào? - Chẳng nên đòi hỏi tích sự gì ở sắc đẹp. Chúng tôi đã ăn xong và uống hai cốc rượu. - Em thấy đấy – Anh nói – anh đã uống và không say. – Nhưng ánh mắt anh và động tác lập cập của anh mâu thuẫn với những lời đó. Tôi nhìn anh, chắc với vẻ hy vọng, anh nói tiếp: - Em muốn vậy à? Này Vệ Nữ không thoải mái với các nạn nhân của mình... - Sao, anh bảo sao? - Chẳng sao cả, anh đọc một câu thơ... Ê, chủ tiệm! Anh luôn luôn cư xử một cách ngỗ ngược, nhưng lại biết cách biến thành trò đùa. Ngay cả lúc này, anh vui vẻ hỏi chủ tiệm phải trả bao nhiêu, giúi tiền cho anh ta không hề dè sẻn khoản tiền đãi thêm. - Tặng anh. Sau đó, anh uống nốt chỗ rượu và đi theo tôi. Tôi muốn nhanh nhanh về tới nhà. Tôi biết rằng về nhà với tôi anh chẳng thoải mái gì, tôi biết rằng, anh khinh bỉ và căm ghét bản thân đã để tình cảm dồn đẩy đến chỗ tôi ngoài ý muốn. Nhưng tôi hy vọng với sắc đẹp của mình, vào tình yêu của tôi đối với anh và nóng lòng muốn tung thứ vũ khí ấy ra chống lại lòng oán thù của anh. Tôi cảm thấy một sự kiên quyết đầy nhiệt tình lại dâng trào trong tôi, tôi tin rằng tình yêu của tôi sẽ chiến thắng nỗi ghê tởm của anh, lửa tình trong lòng tôi sẽ thiêu cháy cái bướng bỉnh của anh và anh cũng sẽ yêu tôi. Chúng tôi đi bên nhau trên đường phố vắng vẻ lúc quá trưa. - Anh hứa với em – Tôi mở đầu - rằng về đến nhà, anh không được tìm cách bỏ trốn. - Anh xin hứa. - Vậy anh phải hứa với em một điều nữa. - Điều gì nào? Tôi ngập ngừng mấy giây, rồi nói: - Lần trước mọi việc tốt đẹp biết bao... nếu giây phút ấy anh không nhìn em với con mắt làm em phát ngượng lên được... hứa với em không bao giờ nhìn em như vậy. - “Như vậy” là như thế nào? - Anh không biết cách nhìn theo yêu cầu - Một phút sau anh nói – nhưng nếu em muốn anh sẽ chẳng bao giờ nhìn em nữa... anh sẽ nhắm tịt mắt lại... được không? - Không, không nên – Tôi kiên quyết phản đối. - Nếu vậy anh sẽ nhìn em như thế nào nhỉ? - Như anh nhìn em đây này – Tôi đáp và túm lấy cằm anh và vừa đi bên nhau vừa bày cho anh cách phải nhìn như thế nào – Như thế này này, phải trìu mến. - Ha ha... phải trìu mến. Khi bước lên các bậc thang tối om và nhớp nhúa trong ngôi nhà tôi, tôi bất giác nhớ tới ngôi nhà trắng toát, sáng sủa, sạch sẽ của gll. Tôi bảo như tự thầm nhủ: - Nếu em sống không phải trong căn nhà nhỏ này và nếu em không đến nỗi đáng thương thế này, tất nhiên là anh sẽ thích em hơn. Anh bỗng dừng lại, giơ hai tay ôm chặt ngang lưng tôi và chân thành nói: - Nghĩ vậy làm gì cho nhọc người, em... Anh cam đoan với em không phải như vậy đâu. Tôi hình như thấy ánh mắt anh thoáng lộ một vẻ gì tựa như sự thiện cảm. Anh cúi xuống tìm môi tôi. Người anh nồng nặc mùi rượu. Tôi không chịu được mùi rượu nồng nặc, nhưng trong giây phút ấy, tôi thấy cái mùi đó tinh trong, dễ chịu và gây xúc động tựa hồ như nó từ miệng một chú bé chưa từng trải phả ra. Hơn nữa tôi nhận thấy những lời nói của tôi đã giúp tôi vô tình phát hiện ra chỗ yếu của anh. Vào giây phút đó, tôi thấy mình đã nhóm được một ngọn lửa nhỏ tình yêu trong lòng anh. Sau này tôi được biết rằng ôm tôi, anh không hẳn chỉ phục tùng cơn tình dục mà chủ yếu do lòng tự ái buộc phải chịu đựng như vậy, phần nào do sợ bị lên án về mặt tinh thần. Sau đó, tôi thường cố tình sử dụng biện pháp ấy, bằng cách lên án anh khinh bỉ vì tôi nghèo, tôi làm cái nghề này và do đó, tôi luôn đạt được ý mình, càng về sau, tôi càng nhận thấy rõ rằng Giacomo là một người chán ngán mọi thứ và cực kỳ do dự. Nhưng hôm đó, tôi vẫn chưa biết rõ anh như sau này, và cái hôn ấy đã làm tôi sung sướng như tôi đã giành được thắng lợi quyết định. Tôi chỉ khẽ lướt môi qua môi anh tựa hồ muốn cảm ơn cái hôn của anh, rồi cầm lấy tay anh, tôi nói: - Ta chạy ba chân bốn cẳng lên kia đi! Tôi vui vẻ kéo mạnh anh lên thang gác. Anh lẳng lặng để mặc tôi đi. Tôi gần như chạy xộc vào phòng mình, tôi lôi mạnh anh đi như lôi một con búp bê làm anh bị đập cả vào tường ngoài hành lang. Vào tới phòng, tôi xô anh vào một góc giường. Tôi liền nhận thấy anh không chỉ say như đã dự đoán trước mà say khướt tới mức ốm tới nơi. Mặt anh tái mét, lờ đờ lấy tay lau trán, còn mắt nhìn đờ đẫn và uể oải. Trong khoảnh khắc, tôi nhận thấy tất cả những điều đó, tôi hoảng sợ rằng anh sẽ thực sự bị ốm và như vậy cuộc gặp gỡ thứ hai của chúng tôi sẽ kết thúc chẳng ra sao cả. Tôi vừa đi lại trong phòng vừa cởi áo xống, lòng đau xót ân hận tại sao lại để anh uống như vậy. Song lạ thật, tôi không mảy may muốn từ bỏ tình yêu của anh đối với tôi. Ngược lại tôi hy vọng một điều: anh không đến nỗi trầm trọng, như vậy, anh không lạnh lùng trước những vuốt ve của tôi, và nếu anh thấy khó chịu trong người khi mong sao việc ấy chỉ xảy ra sau khi tôi đã thực hiện được nguyện vọng của mình. Tôi thực sự yêu anh, nhưng do sợ bị mất anh nên tình yêu của tôi trở thành ích kỷ. Thế là tôi giả vờ không nhận thấy anh đang say, cởi áo xống xong tôi ngồi xuống bên cạnh anh ở trên giường. Còn anh vẫn áo quần chỉnh tề như lúc mới bước vào phòng. Tôi bắt đầu cởi áo bành tô cho anh, tay làm miệng nói chuyện để anh khỏi có ý định bỏ về. - Anh chưa nói với em anh bao nhiêu tuổi – Tôi vừa bảo vừa cởi áo bành tô cho anh, anh ngoan ngoãn giơ tay lên. Một phút sau anh đáp: - Mười chín tuổi. - Nghĩa là, anh trẻ hơn em hai tuổi. - Em hai mươi mốt tôi à? - Vâng, sắp hai mươi hai rồi. Tôi không tài nào cởi được chiếc cravat của anh. Anh từ từ đưa tay lên vụng về gạt tay tôi và tự gỡ lấy nút thắt cravat. Sau đó, anh buông thõng tay và tôi cởi nó cho anh. - Cravat của anh quá cũ rồi – Tôi bảo – em sẽ mua cho anh một chiếc khác, anh thích màu gì? Anh bật cười, tôi lại sung sướng vui mừng khi nghe tiếng cười dễ chịu và đáng yêu của anh. - Cứ như em muốn bao anh ấy – Anh nói – lúc thì em muốn thanh toán tiền bữa trưa... bây giờ lại định tặng anh cravat. Tôi cởi áo vét và áo gilê cho anh, anh mặc sơ mi trần ngồi ở mép giường. - Thế trông anh có ai bảo là mười chín tuổi không? – Anh hỏi. Anh thích nói về bản thân mình, tôi nhận thấy ngay điều đó. - Có và không – Tôi ngập ngừng đáp. Tôi nhận thấy anh không thích thú nghe tôi nói - bộ tóc đã đặc biệt phản lại anh – tôi vừa nói vừa vuốt ve đầu tóc anh – tóc những người đàn ông trưởng thành không dày thế này... nhưng qua nét mặt thì có thể đoán anh nhiều tuổi hơn. - Thế em đã đoán anh bao nhiêu tuổi? - Khoảng hai mươi nhăm. Anh nhắm mắt lại và im lặng tựa hồ chìm đắm trong trạng thái mơ mơ màng màng. Tôi lại sợ anh bị đau ốm nên vội vàng cởi áo sơ mi của anh ra, vừa cởi vừa bảo: - Anh kể cho em nghe đôi điều về anh đi... anh là sinh viên à? - Đúng. - Anh học môn gì? - Luật. - Anh sống với bố mẹ à? - Không, gia đình anh sống tại thị xã, tại X. - Thế anh ở đâu? Ở ký túc xá à? - Không, ở trong những căn phòng có bày biện đồ đạc hẳn hoi – Anh mở mắt và đáp như cái máy - Tại phố Cola di Rienzi, nhà số mười, phòng số tám, chỗ bà góa Medolaghi... bà Amalia Medolaghi. Lúc này anh đã mình trần. Tôi không kìm được muốn vuốt ve tay, ngực và cổ anh. Anh ngẩng đầu lên nhìn tôi, rồi phá lên cười và cất giọng khàn khàn nói: - Em tưởng anh không thấy gì cả à? - Ý anh định nói gì? - Định nói rằng em rất bình tĩnh lột áo anh... Anh say, nhưng không đến nỗi bí tỉ như em tưởng đâu. - Như vậy chuyện đó có gì xấu nào? – Tôi bối rối đáp - Chẳng qua thấy anh không tự cởi được thì em giúp thế thôi. Xem ra anh không nghe rõ lời tôi. - Anh say – Anh nói tiếp và lắc đầu – nhưng biết rất rõ anh đang làm gì và tại sao lại ở đây... anh không cần em giúp, đây này. Và bằng một động tác bất ngờ anh đưa đôi tay khẳng khiu – trông anh như một con rối - cởi thắt lưng và bắt đầu tụt quần dài và mọi thứ còn lại ra. Anh ôm tôi, rồi nói tiếp: - Anh còn biết em chờ đợi gì ở anh nữa. Anh xiết tay tôi trong đôi cánh tay mạnh mẽ và xúc động, còn nét mặt để lộ một vẻ tinh nghịch. Sau này tôi đã nhiều lần bắt gặp cái nét ấy, thậm chí ngay cả vào những giây phút khi anh xem ra buộc phải dứt bỏ mọi thứ trên đời. Điều đó chứng tỏ rằng dù làm gì thì làm, anh vẫn trung thành gìn giữ để lý trí khúc triết, và điều đó, thật không may, sau này tôi thấy rõ nó thực sự gây trở ngại trong việc anh yêu tôi. - Em chờ đợi cái này này, phải không nào? – Anh siết tôi mạnh hơn trong vòng tay mình và hỏi. – Và cái này này, cái này này... Và sau mỗi lần bảo “cái này này”, anh lại ôm tôi, lại hôn, lại cắn, lại véo vào tôi những nơi tôi ít chờ đợi nhất. Tôi bật cười, cố che đỡ và sung sướng nhìn anh say đắm tới mức không nhận thấy hành vi của anh gượng gạo và giả tạo biết bao. Anh làm tôi bị đau tựa hồ đối với anh, cơ thể tôi là đối tượng để căm ghét chứ không phải để yêu thương. Còn trong mắt anh lóe lên không phải là dục vọng, mà nói đúng hơn là một nỗi giận dữ. Sau đó cơn đắm say của anh tự nhiên tắt lặng, như khi nó bùng lên. Chắc hẳn cơn say lại quật ngã anh, anh lại nằm dài trên giường mắt nhắm nghiền, còn tôi nắm bên anh với một cảm giác lạ lùng tựa hồ anh đã không cử động, không nói với tôi, không đụng tới người tôi, tựa hồ như đã không có chuyện gì và mọi chuyện phải xảy ra như vậy. Sau đó tôi nhỏm dậy, quỳ một hồi lâu không nhúc nhích ở bên anh, tóc xõa xuống mắt tôi, tôi ngắm anh và chốc chốc lại rụt rè đụng nhẹ các đầu ngón tay vào tấm thân gầy, tuyệt đẹp và trong trắng của anh. Qua làn da trắng của anh có thể nhìn thấy rõ cả xương. Vai anh rộng và gầy, không hẹp, chân dài, ngực mọc đầy lông. Anh nằm ngửa, do đó bụng hóp và xương mu nổi rõ dưới lớp da bị căng ra. Tôi không thể chịu đựng được sự cưỡng bức trong tình yêu và vì vậy tôi cảm thấy đúng là giữa chúng tôi đã không hề có chuyện gì và mọi chuyện đang còn nắm ở phía trước. Do đó tôi bắt đầu chờ đợi khi nào yên tĩnh và bình yên trở lại với hai chúng tôi sau cơn kích động gượng gạo ấy, và khi tôi lấy lại được trạng thái tinh thần khúc triết và thanh thản bình thường tôi thận trọng – như vào những ngày nóng bức ta từ từ bước ra biển lặng, mơn trớn - nằm xuống bên anh, luồn chân tôi vào giữa hai chân anh, ôm cổ anh và ép chặt toàn thân xuống. Lần này anh không động đậy, không hé răng nói nửa lời. Tôi dùng những tên âu yếm nhất để gọi anh, phả hơi thở vào mặt anh, dịu dàng mơn trớn vuốt ve anh, còn anh cứ nằm ngửa bất động như người chết. Sau này tôi được biết rằng sự hờ hững và thụ động ấy ở anh là bằng chứng cao nhất của tình yêu mà anh có thể có được. Về khuya, tôi nằm chống khuỷu chăm chăm nhìn anh, ngay mãi tận bây giờ, dù qua bao năm tháng, cái bức hình buồn thảm ấy vẫn hiện rõ trong trí nhớ của tôi. Anh ngủ, vùi đầu vào gối, nét mặt kiêu hãnh như thường lệ mà rõ ràng anh cố giữ bằng mọi giá trong mọi tình huống lúc này chẳng còn: giấc ngủ làm cho các nét trên mặt anh có một vẻ chân thành, chỉ còn lại sự trẻ trung, tươi mát và thơ ngây, nói đúng ra là những dấu hiệu của lứa tuổi, hơn là bằng chứng của những phẩm chất tinh thần... Nhưng tôi nhớ lại đã thấy anh ra sao mới đây thôi: hay giễu cợt, hung hăng, thờ ơ, trìu mến, đầy ước vọng, còn tôi bị nỗi buồn, sự lo âu và bất mãn giày vò, vì cái giễu cợt, hung hăng, cái thờ ơ và cái ước vọng ấy, tất cả những cái đó là bản thân anh, và đấy là điều khác biệt giữa anh với tôi và những người khác, nó bắt nguồn từ sâu trong đáy lòng mà nay vẫn xa vời và khó hiểu đối với tôi, khi nghiên cứu và phân tích chúng – như những bộ phận của một bộ máy nào đó – tôi chẳng qua muốn hiểu rõ nguyên do của những hành động tôi đã quan sát trong cuộc ái ân của chúng tôi, song than ôi, tôi đành bó tay không hiểu nổi. Toàn bộ con người anh nằm trong cái phần bé nhỏ đã buột khỏi tôi, còn cái phần lớn mà tôi thấy được, chẳng có ý nghĩa gì, hơn nữa chẳng cần thiết đối với tôi. Tôi thấy Gino, Astarita và thậm chí Sonzogno gần gũi hơn và dễ hiểu hơn. Nhìn Giacomo, tôi thấy đau lòng và tâm hồn tôi không thể hòa hợp với tâm hồn anh như cơ thể chúng tôi hòa hợp mới đây thôi. Lòng tôi góa bụa và chua xót khóc than cơ hội bị bỏ lỡ. Có lẽ sẽ có lúc tâm hồn anh rộng mở và khi đó chỉ cần một cử chỉ hoặc một lời nói là có thể lọt vào và nằm lại mãi trong tâm hồn anh. Song tôi không biết cách tóm bắt cái đó, còn bây giờ thì quá muộn rồi, anh đã ngủ và lại lẩn tránh xa tôi. Đúng lúc tôi đang nhìn anh, anh mở mắt ra và nằm nguyên ở tư thế cũ cất tiếng hỏi: - Em cũng ngủ chứ? Tôi cảm thấy giọng anh thay đổi, trở nên tin tưởng hơn và thân thiết hơn. Và tôi bỗng hy vọng rằng trong lúc ngủ, chẳng hiểu bằng một cách huyền bí nào đó, sự gần gũi giữa chúng tôi đã tăng lên. - Không... em ngắm nhìn anh. Anh im lặng một lát, nói tiếp: - Anh muốn đề nghị em giúp một việc... nhưng liệu anh có thể trông cậy nơi em được không? - Hỏi đến kỳ quặc! - Em phải giúp anh, em cất giữ ở nhà em trong một vài ngày một cái bọc anh sẽ chuyển cho em... sau đó anh sẽ lấy về, và có thể sẽ lại đem đến những bọc khác. Vào lúc khác tôi đã hỏi xem đó là những bọc gì rồi, nhưng lúc đó điều tôi quan tâm hơn cả là những mối quan hệ giữa chúng tôi và bản thân anh. Tôi cho rằng đó là cơ hội tuyệt vời để gặp lại nhau, tôi chiều anh, còn nếu hỏi han, anh nghĩ lại và sẽ không nhờ nữa. Tôi đáp, vẻ vô tư: - Có vậy thôi à? Anh lại im lặng hồi lâu như suy tính, rồi hỏi: - Thế em đồng ý chứ? - Thì em đã trả lời anh rồi mà, vâng ạ. - Thế em không quan tâm xem đấy là những bọc gì à? - Nếu anh không muốn nói – Tôi cố làm ra vẻ thờ ơ đáp – thì hẳn anh có lý do của riêng mình, do đó em không hỏi. - Nhưng em làm sao có thể biết được, nhỡ nguy hiểm thì sao? - Kệ. - Thế nhỡ đó là của ăn cắp – Anh trở mình nói tiếp, trong ánh mắt anh rực sáng một ngọn lửa sôi nổi của con trẻ - thế nhỡ anh là một tên ăn cắp thì sao? Tôi nhớ lại Sonzogno không chỉ là một tên trộm cắp, mà còn là một tên giết người nữa, nhớ lại bản thân mình đã ăn cắp chiếc hộp đựng phấn và chiếc khăn trùm đầu và tôi thấy sự trùng hợp này thật kỳ lạ: anh muốn tỏ ra mình là một tên trộm cắp trước mặt tôi – một kẻ đã từng ăn cắp và giao du với bọn trộm cắp. Tôi âu yếm vuốt ve anh và bảo: - Tất nhiên anh đâu phải là một kẻ cắp. Anh cau mày, anh vẫn luôn là một người tự ái quá đáng và bực mình một cách kỳ quặc vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. - Tại sao? Anh có thể là một tên ăn cắp lắm chứ? - Anh đâu có bộ mặt ấy... tất nhiên, chẳng ai học được chữ ngờ, song bản thân anh không gây cho người ta ấn tượng trộm cắp. - Tại sao? Mặt mũi anh thế nào nào? - Thực tế anh thế nào thì mặt anh thế đó... Khuôn mặt của một thanh niên thuộc gia đình tử tế, của một sinh viên. - Đấy là anh bảo với em anh là sinh viên... song nhỡ anh là một loại người khác... và trong thực tế đúng là như vậy. Tôi không tranh luận với anh. Thì chính tôi đây, tôi thầm nghĩ, khuôn mặt tôi có vẻ gì là của một con ăn cắp đâu, bỗng tôi rất muốn nói với anh rằng tôi đã từng ăn cắp. Tôi bị quyến rũ như vậy chủ yếu là do điều anh nói thật kỳ lạ. Tôi thường cho rằng hành động trộm cắp đáng bị lên án, thế mà lại thấy một người xem ra không những không làm chuyện tương tự, mà thậm chí còn có vẻ tán thành, đây là một câu đố tôi không thể giải nổi. Do dự một lát, tôi nói: - Anh nói đúng... Em không cho rằng anh là một kẻ trộm cắp, vì em tin anh không phải là một tên ăn trộm, còn về mặt mũi, nó chẳng liên quan gì trong chuyện này, anh cũng có thể là một kẻ trộm cắp... không phải lúc nào cũng có thể qua mặt mà bắt hình dong... em chẳng hạn, ai dám bảo em là một con ăn cắp nào? - Không ai dám cả - Anh nhìn tôi, đáp. - Thế mà em lại là một con ăn cắp đấy – Tôi bình tĩnh nói. - Em ấy à? - Vâng, em. - Em ăn cắp vật gì nào? Chiếc túi xách của tôi nằm trên mặt bàn kê ở đầu giường, tôi lấy túi, lôi ra chiếc hộp đựng phấn và đưa cho anh coi. - Cái này em lấy cắp của một nhà có bận em tới chơi, còn một lần em lấy cắp chiếc khăn trùm đầu và đưa biếu mẹ. Chẳng cần phải suy nghĩ cũng biết là sở dĩ tôi thú nhận thế chẳng qua cũng là do thói khoe khoang. Thật ra, tôi bị thôi thúc trước nguyện vọng muốn được thấy trên khuôn mặt anh những nét vẻ của một người thân thiết và một kẻ đồng lõa, khi không tìm thấy được điều gì tốt hơn thì thậm chí thú tội cũng có thể làm cho con người gẫn gũi nhau và khơi gợi tình yêu. Tôi nhận thấy khuôn mặt anh bỗng trở nên nghiêm nghị và anh chăm chăm nhìn tôi, và thế là bỗng nhiên tôi sợ anh lên án và có lẽ, sẽ quyết định không bao giờ gặp lại tôi. Tôi vội vã nói thêm: - Nhưng anh đừng cho rằng em tự hào về những chuyện đó... em đã quyết định trả lại chiếc hộp đựng phấn... hôm nay em sẽ mang trả... thật ra em không thể mang trả lại chỉếc khăn choàng đầu... nhưng em đã ăn năn và hứa sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Trong mắt anh bừng lóe lên một ánh mắt tinh nghịch thường lệ. Anh nhìn tôi và bỗng cười phá lên. Sau đó, anh túm lấy vai tôi và vật xuống giường, cù tôi và dọa phết vào mông, mồm lẩm bẩm và giễu cợt âu yếm: - Đồ ăn cắp... em là đồ ăn cắp... đồ ăn cắp... cô nàng ăn cắp... cô nàng ăn cắp. Tôi không biết nên giận hay nên vui, song tâm trạng kích động của anh ở một mức độ nào đó đã làm tôi xúc động và thấy dễ chịu. Dẫu sao cũng tốt hơn là sự thờ ơ lạnh lùng thường lệ. Tôi cười khanh khách, toàn thân cứ giẫy lên vì tôi sợ bị cù, còn anh cứ cù vào nách tôi. Nhưng do đó tôi nhìn thấy rõ khuôn mặt anh cúi trên người tôi cau có vì tức giận, không cởi mở và lạnh lùng như trước. Sau đó anh nằm vật ngửa người xuống giường rồi nói: - Còn anh đâu phải là một tên trộm cắp... hoàn toàn không phải là một tên trộm cắp... trong những bọc đó không phải là những của ăn cắp được. Chắc không kìm được, anh cứ những muốn nói tuột ra rằng những bọc đựng gì, và tôi hiểu rằng tính hiếu danh đang lên tiếng trong anh. Xét cho cùng, tình cảm này chẳng khác gì với tình cảm đã thôi thúc Sonzogno thú nhận tội lỗi của mình với tôi. Tuy đàn ông có đủ loại, song họ có khá nhiều cái giống nhau và trước con mắt của phụ nữ họ yêu hoặc chỉ gần gũi thôi, họ bao giờ cũng tỏ rõ bản lĩnh của mình theo kiểu xấu che tốt khoe, tựa hồ đã thực hiện hay sẵn sáng thực hiện, có Trời mới biết những vụ quan trọng và mạo hiểm đó. Tôi âu yếm nói: - Rõ ràng anh đang muốn đến chết được kể cho em nghe những cái gì trong các bọc ấy. Anh nổi giận: - Em thật khờ dại... hoàn toàn không phải vậy đâu... nhưng anh có nhiệm vụ báo trước với em những gì trong các bọc đó, còn nhận chúng hay không là tự em quyết định... Thế này này, các bọc ấy là những tài liệu để tuyên truyền... - Thế nghĩa là thế nào? - Anh ở trong một nhóm người – Anh mở đầu, giọng khe khẽ - không biết phải giải thích thế nào với em đây... ki thích chính phủ hiện nay... thậm chí căm thù nó và muốn làm thế nào có thể mau chóng kết liễu nó... trong các bọc đó là truyền đơn in bí mật, giải thích rõ để mọi người hiểu rõ cái tồi tệ của chính phủ này và có thể lật đổ nó bằng cách nào. Tôi không bao giờ quan tâm đến chính trị. Tôi chắc hẳn còn nhiều người nữa không bao giờ nảy sinh ý nghĩ tự hỏi xem chính phủ hiện nay tốt hoặc xấu. Nhưng tôi chợt nghĩ tới Astarita và những câu chuyện khó hiểu về chính trị mà anh ta kể đi kể lại mãi không thôi. Tôi lo lắng kêu lên: - Nhưng điều đó bị cấm... điều đó nguy hiểm mà. Anh nhìn tôi với vẻ hài lòng ra mặt. Cuối cùng tôi đã nói với anh những lời làm tôi mát lòng và mơn trớn lòng tự ái của anh. Anh làm ra vẻ hết sức quan trọng và khẳng định, giọng đầy ý nghĩa: - Đúng, chuyện đó rất nguy hiểm... Bây giờ em tự quyết định xem em có làm điều đó cho anh được hay không. - Nhưng em không có ý muốn bảo chuyện đó nguy hiểm cho anh mà không nguy hiểm cho em – Tôi sôi nổi phản đối - nếu nguy hiểm cho em, em chấp nhận. - Em ạ - Anh báo trước - Điều đó nguy hiểm thực sự đấy... nếu người ta tìm được những bọc ấy ở chỗ em, em sẽ vào ngồi tù. Tôi đưa mắt nhìn anh và lòng bỗng rộn lên một nỗi xúc động mãnh liệt và không ghìm nén được. Tôi không rõ nỗi xúc động ấy là do lời anh hoặc do một nguyên nhân nào đó gây nên. Mắt đầy lệ, tôi thầm thì: - Lẽ nào anh không biết rằng chuyện đó chẳng hề có ý nghĩa gì với em sao? Em sẽ vào tù... thì đã sao nào? – Tôi lắc đầu, nước mắt trào ra chảy đầy trên hai má. Anh ngạc nhiên hỏi: - Sao em khóc? - Em xin lỗi anh – Tôi nói – em đến là ngốc... bản thân cũng không rõ tại sao nữa, có lẽ em muốn tỏ rõ nỗi lòng yêu thương của em đối với anh và sẵn sàng làm tất cả mọi điều vì anh. Tôi vẫn không rõ lúc đó cần phải nói những gì với anh về nỗi lòng yêu thương của tôi. Trên khuôn mặt Giacomo xuất hiện vẫn nét bối rối, vẫn sự lạnh nhạt ấy mà sau này tôi đã nhiều lần quan sát thấy. Anh quay mặt đi và lẩm bẩm: - Thôi ta thỏa thuận với nhau rồi nhé... hai ngày nữa anh sẽ mang tới một bọc... còn bây giờ anh phải đi đây, muộn rồi... – Nói xong anh bật dậy khỏi giường và vội vã mặc quần áo. Anh nhặt áo quần vất dưới sàn, mặc vội vào, rồi đến bên mắc áo, lấy áo bành tô mặc vào người và tiến lại gần tôi. Anh nhìn tôi, miệng mỉm một nụ cười trẻ con dễ thương làm tôi thấy vui và nói: - Em sờ thử vào đây xem. Tôi thấy anh chìa cái túi áo bành tô ra. Anh nghiêng người để tôi có thể thọc tay vào túi và tôi đụng phải một vật cứng. - Cái gì thế? – Tôi ngạc nhiên hỏi. Anh mỉm cười, vẻ hài lòng, thọc tay vào túi, nhìn tôi chằm chằm và từ từ lôi ra một khẩu súng màu đen. - Súng lục – Tôi kêu lên – Nhưng để anh làm gì? - Sao mà biết được – Anh đáp – luôn luôn có thể phải dùng đến nó. Tôi bối rối không còn biết suy nghĩ ra sao nữa, mới lại anh chẳng để tôi có thời gian suy nghĩ. Anh bỏ súng lục vào túi, cúi người lướt nhẹ môi anh trên môi tôi và nói: - Thỏa thuận chứ... Hai ngày nữa anh sẽ tới... Tôi chưa kịp trấn tĩnh thì anh đã đi mất rồi... Sau này tôi thường nhớ lại buổi tình tự đầu tiên ấy của chúng tôi và cay đắng tự trách mình không thấu hiểu rõ nỗi nguy hiểm của anh phải đương đầu khi hoạt động chính trị. Thật ra tôi chẳng có ảnh hưởng gì đối với anh cả, nhưng nếu tôi biết rõ như mãi về sau mới phát hiện thấy, ít ra tôi cũng có lời khuyên anh và nếu không có tác dụng thì tôi sẽ sát cánh bên anh để ủng hộ anh bằng cách tỏ nỗ thông cảm và tinh thần kiên định. Tất nhiên, tôi có lỗi, hoặc nói đúng hơn, lỗi là do tôi dốt nát nhưng dẫu sao đấy là hậu quả do hoàn cảnh của tôi đã gây nên. Như tôi đã nói, tôi không bao giờ quan tâm đến chính trị, không am hiểu nó một chút nào cả và nghĩ rằng chính trị không có chút nào quan hệ đến cuộc đời tôi, dường như mọi sự kiện không phải đang đảo lộn tùng phèo ở quanh tôi, mà là ở một hành tinh khác nào đó. Khi đọc báo, tôi bỏ qua trang một – trang đăng các bản tin mới về chính trị - mà tôi không quan tâm một chút nào, tôi xem mục điểm tin thông báo về các tai nạn và tội phạm là những tin ít ra cũng cung cấp một món ăn tinh thần cho trí tưởng tượng của tôi. Thật ra cuộc đời tôi tương tự như sự tồn tại của các chú cá lấp lánh, mà theo lời các nhà bác học, sống tận đáy biển, sống hoàn toàn trong bóng tối và chẳng biết tì gì đang xảy ra trên kia, nơi chan hòa ánh nắng. Chính trị và nhiều vấn đề khác được không ít người chú ý đã đến với tôi tựa như từ một xứ sở xa xăm và lạ lẫm và xem ra còn lờ mờ và mờ ảo hơn cả anh nắng đối với các sinh vật sơ đẳng nhất sống ở những nơi dưới sâu đáy nước. Tuy vậy, không chỉ riêng tôi và sự dốt nát của tôi, mà bản thân Giacomo lẫn sự nhẹ dạ của anh cũng có lỗi. Giá tôi cảm thấy, trong lòng anh, trừ tính hiếu danh ra, có một điều gì đấy như nó ở trên thực tế thì chắc tôi đã hành động khác rồi, và đã cố gắng - thật ra, không dám hứa đảm bảo thành công - hiểu rõ và đi sâu vào vấn đề mà do dốt nát tôi chưa lĩnh hội được. Tôi liền cố nhận xét thật đúng lúc về một tình tiết nữa: tôi có cảm tưởng rằng anh thường xuyên sắm một vai khôi hài hơn là hoạt động một cách nghiêm túc. Hình như anh đã chắp vá xây dựng nhân vật lý tưởng của mình, tuy anh chẳng triệt để tin và tôi lại cho rằng anh lúc nào cũng máy móc có hành động theo gương nhân vật đó. Tấn bi kịch vô tận này đã để lại một ấn tượng là anh nắm rất tuyệt vời các quy luật của trò anh đang chơi, như thường trong trò chơi, anh bắt tay vào việc quá nghiêm túc và đồng thời tự kỷ ám thị, không trên cơ sở niềm tin nào, rằng đối với anh, mọi chuyện vẫn còn sửa chữa được và vào phút chót, thậm chí vào trường hợp thất bại, kẻ thù của anh sẽ bỏ qua cho anh ván bài bị thua và thậm chí sẽ bắt tay anh. Có lẽ anh thực sự vui đùa, như lũ trẻ vớ được gì thì vui chơi nấy do bản năng bất trị vốn có của chúng, nhưng như sau này mới vỡ lẽ, kẻ thù của anh chơi một cách nghiêm túc. Do đó khi trò chơi chấm dứt, Giacomo bỗng không tự vệ được và bị loại ra khỏi vòng chơi mà anh đeo đuổi đến cùng. Tiếc rằng sau này tôi suy nghĩ nhiều - cố phân tích xem chuyện gì đã xảy ra - về những vấn đề này và vấn đề nọ đáng buồn hơn và ít phức tạp hơn. Song ngày hôm đó tất nhiên tôi không mảy may nghĩ rằng câu chuyện với những cái bọc ấy sẽ ảnh hưởng tới mức nào mối quan hệ của chúng tôi. Tôi mừng là anh đã quay lại, mừng là có thể giúp ích cho anh và chắc tôi sẽ có cơ hội gặp lại anh, ngoài ra tôi không hề nghĩ gì nữa. Tôi nhớ lại rằng mình đã lờ mờ và nhân tiện nghĩ tới lời đề nghị là lùng của anh, rồi lắc đầu bảo: “Tất cả những chuyện đó đều mang tính chất trẻ thơ” và suy nghĩ sang chuyện khác. Vả lại, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc nên nếu muốn cũng chẳng thể tập trung đầu óc suy nghĩ tới những vấn đề nghiêm túc được.