Cái chết của Thái Sơn Phủ Quân Vũ Diên đã khiến kế hoạch tạo phản của Bạch Liên giáo chậm lại một thời gian dài. Mãi đến năm Bính Ngọ, tức năm Sùng Trinh thứ chín, Bạch Liên giáo mới khởi sự. Nhưng sự kiện khá xa xôi, chúng ta khoan nhắc đến, mà hãy trở lại với Âu Dương Chính Lan!
Sau trận đại phá Bạch Liên giáo ở Lương sơn, thanh danh Hồng Nhất Điểm đại hiệp càng lẫy lừng hơn trước. Chính Lan được tôn xưng là Trung Nguyên đệ nhất cao thủ, nhưng chàng chẳng hề hãnh diện, tự mãn. Hỏa chân nhân Tây Môn Nhỉ đã tiết lộ cho Chính Lan biết rằng bản lĩnh của Thiên Ảo cung chủ còn cao cường hơn Thái Sơn Phủ Quân. Nguyên do là trong Thiên Ảo cung có trồng một cây thiên niên Tuyết Đào từ mấy đời nay. Nào ngờ, ba năm trước khai hoa kết trái. Nhờ vậy, Phùng Thiệu Đính luyện ba pho tuyệt học cổ truyền đến mức đại thành. Lão ta có mối giao tình với Hỏa giáo Tây Vực, thường qua lại hàn huyên tâm sự nên chưởng môn đại sư huynh của Hỏa giáo mới rõ sự việc này, và tiết lộ cho Tây Môn Nhỉ biết.
Chính Lan từng gặp Thiên Ảo cung chủ, thức ngộ rằng đối phương hùng tâm tráng chí không nhỏ, chắc chẳng chịu bỏ qua cơ hội, khi Trung Hoa đang rối ren, loạn lạc thế này. Thái Sơn Phủ Quân tạo phản được thì Thiên Ảo cung chủ cũng vậy. Hơn nữa, chàng âm thầm lo ngại họ Phùng phát hiện hoa văn trên Cửu Thiên lệnh bài bị xoá, tất sẽ tìm mình hỏi tội. Vì vậy, Chính Lan chuyên cần khổ luyện võ công, đồng thời chỉ bảo cho Tiểu Ngưu cùng thê thiếp. Võ học của Vô Ảnh hội chẳng phải tầm thường, nhưng do Tàn Diện Ma Thủ chỉ còn một cánh tay nên khó mà làm cho một gã ngốc như Tiểu Ngưu nắm được tinh túy của quyền chưởng. Thứ hai, do thân thể gã quá to lớn, nặng nề nên khinh công dở tệ. Thứ ba, Tiểu Ngưu là một gã lười và hay thối chí. Tuy nhiên, dưới sự dạy dỗ, đôn đốc của Chính Lan thì gã chẳng dám biếng nhác chút nào cả. Dung mạo chàng giống hệt mẫu thân, nhất là ánh mắt. Do đó, đối với Chính Lan, Tiểu Ngưu vừa yêu thương vừa sợ hãi.
Cuối tháng tư, Quí Thành Lâm đến tìm Chính Lan, lão buồn rầu bảo:
- Triều đình suy yếu nên dân tình đói khổ, giặc cướp như rươi, ta chẳng biết phải làm thế nào để duy trì việc kinh doanh của tiên phụ, thật đáng hổ thẹn.
Chính Lan nghiêm giọng:
- Dám hỏi đại ca rằng tài sản quí hay mạng người quí hơn?
Thành Lâm ngơ ngác đáp:
- Tất nhiên mạng người phải trọng hơn.
Chính Lan gật gù nói tiếp:
- Vậy thì đại ca hãy vì ba trăm sinh mạng dòng họ Quí, thu hồi vốn liếng, dời nhà về bờ biển Quảng Đông sinh sống, mở đường buôn bán với Giao Châu, Nam Dương. Sau này, dẫu quân Mãn Thanh có chiếm được Trung Hoa thì cũng còn đường rút lui.
Thành Lâm mừng rỡ bảo:
- Hay lắm, lời của hiền đệ như ánh dương xua tan mây mù trong lòng ngu huynh. Quảng Châu vốn là cố quận, ta rất vui được trở về đấy.
Và lão ngập ngừng hỏi chàng:
- Thế còn hiền đệ thì sao?
Chính Lan trầm ngâm đáp:
- Gia quyến xin gởi gấm cho đại ca, phần tiểu đệ sẽ đi sau một bước.
Quí Thành Lâm biết chàng chẳng chịu khoang tay nhìn giang sơn rơi vào tay rợ phương bắc, tất sẽ liều mình. Lão buồn rầu nói:
- Lịch sử Trung Hoa luôn luôn là sự cạnh tranh giữa người Hán và các giống rợ chung quanh. Nay Trung Nguyên suy kém, rợ Mãn hùng mạnh lên, ắt lại như quân Mông ngày trước vào đây thành lập triều Nguyên. Vận nước, vận trời đều đã thế, hà tất hiền đệ phải chống lại. Nếu ngươi có mệnh hệ gì thì thê tử ra sao đây?
Chính Lan mỉm cười:
- Đại ca yên tâm, tiểu đệ là người học đạo, chỉ tận lực chứ không cưỡng cầu, thấy vô vọng, tất sẽ lui ngay chứ chẳng thí mạng làm gì.
Thành Lâm gật đầu:
- Ta tin vào hiền đệ.
*
Mấy ngày sau, một gã lái buôn tìm đến Vu Hồ trao một phong thư cho Hỏa chân nhân. Đang là bữa điểm tâm nên cả nhà đều có mặt đông đủ, Tiểu Linh Thố cười bảo:
- Sao phụ thân đọc xong lại có vẻ lo lắng như vậy? Tây Môn Nhỉ cau mày đáp:
- Giáo chủ sư huynh đã dời thánh điện vào Lan Châu, và kết thông gia với Thiên Ảo cung. Hôn lễ sẽ cử hành vào ngày hai mươi tháng sáu sắp tới. Giáo chủ đòi ta và tam vị sư thúc phải về dự.
Tứ hộ pháp hỏa giáo Bạch Tuân thắc mắc:
- Lạ thực, Tây Vực là gốc rễ bao đời của Hỏa giáo, vì cớ gì sư huynh lại phải dời vào Trung Nguyên nhỉ.
Lục hộ pháp Bạch Quí ranh mãnh nói:
- Sau này quân Mãn Thanh kéo vào Trung Nguyên. Chúng ta tha hồ đánh nhau với bọn Lạt Ma.
Câu nói này khiến Chính Lan chột dạ, nhưng không nói ra.
Thời gian khá cấp bách, Hỏa chân nhân và ba lão họ Bạch khởi hành ngay trưa hôm ấy. Họ đi rồi, Chính Lan bảo Sơn Đông Tử Phòng:
- Từ lão thử liên hệ với Cái bang hỏi xem tình hình vùng tây bắc thế nào, và động tĩnh của Thiên Ảo cung ra sao?
Sáu ngày sau, phân đà Nam Kinh mang thư của Đại Đầu Cái đến Vu Hồ. Thì ra Thiên Ảo cung cũng đã rời vào đến tận Bình Lang, dựng cơ ngơi mới trên núi Lang sơn nơi mà Chính Lan đã tiêu diệt kẻ thù của Lôi Đao Hứa Hoa. Thiên Ảo cung chủ và Hỏa giáo giáo chủ đã gởi thiệp mời chưởng môn các phái Trung Nguyên đến dự lễ ngày đại hỉ, tổ chức ở Bình Lang.
Danh vọng của Hỏa giáo và Thiên Ảo cung rất lớn, vì vậy, các bang phái chẳng dám chối từ. Đại Đầu Cái tỏ ý lo ngại, mong Chính Lan có mặt để phòng khi đối phương bày gian kế tóm gọn võ lâm.
Chính Lan đọc thư cho cả nhà nghe rồi hỏi Tố Bình:
- Nương tử, nhan sắc của ái nữ chưởng giáo thế nào?
Tiểu Linh Thố mỉm cười:
- Thiếp nghe phụ thân kể rằng nàng ta không xấu nhưng thân hình thô kệch, khôi vĩ. Vì vậy, chẳng ai dám lấy Hải Tụy Nhàn cả.
Tiểu Ngưu cười hì hì:
- Tiểu đệ to xác nên rất ái mộ những vị cô nương khôi vĩ. Giá mà biết sớm hơn, tiểu đệ sẵn sàng hỏi Hải tiểu thư làm vợ.
Sơn Đông Tử Phòng vuốt râu hỏi Chính Lan:
- Lão e rằng Thiên Ảo cung đã dùng mỹ nam kế lôi kéo Hỏa giáo vào cuộc. Nếu không có dã tâm, làm gì có việc cả hai lực lượng ấy di dời vào cả Trung Nguyên. Một là họ muốn xưng vương, chiếm lấy ba tỉnh tây bắc. Hai là họ sẽ tiếp tay cho quân Mãn Thanh.
Tây Môn Tố Bình sợ hãi nói:
- Chẳng lẽ Hỏa giáo lại hành động hồ đồ như vậy?
Chính Lan thở dài đáp thay Từ lão:
- Từ ngàn xưa, miếng đỉnh chung vẫn là mục tiêu của nhiều người. Vùng tây bắc vốn chẳng phải đất Trung Hoa. Do đó, mỗi khi triều đình trung ương suy yếu lại có kẻ muốn tách ra thành lãnh thổ riêng. Nay Thiên Ảo cung chủ và giáo chủ Hỏa giáo đều là người tài ba lỗi lạc, thế lực hùng mạnh, tất chẳng bỏ lỡ cơ hội.
Tố Bình rầu rĩ lắc đầu:
- Chắc không phải do tham vọng. Mà vì hạnh phúc của ái nữ nên giáo chủ sư bá mới dấn thân vào vũng nước đục đấy thôi.
Tử Quỳnh hỏi ngay:
- Sao giáo chủ không gả Hải Tụy Nhàn cho một đệ tử nào đấy?
Tố Bình cười khổ:
- Giáo qui không cho phép người đồng giáo lấy nhau.
Trại Tây Thi Du Mĩ Kỳ bật cười:
- Tướng công, hay là chúng ta tổ chức đánh cướp tân nương. Trước là phá vỡ liên minh, hai là để Tiểu Ngưu có được vợ xứng đôi.
Ý kiến này quả là tuyệt diệu, được mọi người tán thành. Chính Lan cẩn thận hỏi lại:
- Bình muội, tính tình của Tụy Nhàn thế nào?
Tiểu Linh Thố trấn an:
- Thiếp nghe ba vị sư thúc kể rằng Hải sư tỷ cao lớn hơn cả nam nhân, nhưng tính nết thuần hậu, hiền lành. Nàng giỏi võ công và rất khoẻ, nhưng chẳng bao giờ gây gổ với ai.
Tiểu Ngưu khoan khoái cười vang:
- Thế thì được, tiểu đệ chỉ sợ nàng dữ dằn như các đại tẩu đây thì nguy to.
Thục Nghi trợn mắt:
- Con trâu nước kia, sao ngươi dám chê bai chị em bọn ta?
Tiểu Ngưu sợ nhất là nàng, nên tái mặt, ấp úng:
- Tiểu đệ chỉ nói đùa thôi, chư vị xinh đẹp và hiền lành nhất thế gian.
Giọng điệu nịnh hót của gã khiến mọi người phì cười. Kính Hồ Tiên Cơ Tiêu Uyển Như thỏ thẻ góp lời:
- Thiếp chỉ sợ Hải giáo chủ đích thân đưa tân nương về nhà chồng, làm sao chúng ta cướp được kiệu hoa?
Tây Thục nhất hùng Chu Điện Kiệt khề khà nói:
- Lão phu có một kế mọn, mong Từ lão và mọi người thẩm xét xem sao.
Chu lão bèn nói ra, ai nấy đều thán phục. Giang Tô đại hiệp Du Huỳnh khoan khoái bảo:
- Kế di hoa tiếp mộc này qủa là kỳ diệu.
*
Hai tháng sau, đúng ngày mười hai tháng sáu, Chính Lan, Tây Môn Tố Bình và Tiểu Ngưu có mặt ở chân núi Thiên Thủy sơn cách thành Lan Châu sáu dặm.
Hôm nay, Hồng Nhị Điểm Âu Dương Tiểu Ngưu trông oai vệ và chỉnh tề. Bộ võ phục màu lam rất vừa vặn với thân hình hộ pháp của gã. Hàng râu mép xanh rì càng tăng thêm phần lịch lãm. Trông gã có vẻ giống người đi cầu hôn hơn là đi dự đám cưới, vì trên tay là một rương gỗ cẩn xà cừ rất sang trọng.
Nghe Tây Môn Tố Bình tự giới thiệu, bọn đệ tử Hỏa giáo mừng rỡ đưa họ lên núi. Hỏa chân nhân được tin con gái và rể quí đến dự lễ cưới, lòng vừa hoan hỉ, cũng vừa kinh ngạc. Lão đang chỉ huy việc trang hoàng đại sảnh, chuẩn bị cho lễ Vu Qui của cháu gái, vội chạy ra cửa đón. Tây Môn Nhỉ rất tự hào về chàng rể của mình, định nhân dịp này giới thiệu Chính Lan với toàn giáo.
Quả thực là mọi người đều nhìn Âu Dương Chính Lan với cặp mắt ngưỡng mộ vô bờ. Ai cũng biết chàng là đệ nhất cao thủ Trung Nguyên, chiến tích lẫy lừng, cả người võ lâm lẫn thường dân đều biết tiếng. Nhưng con người và phong thái của Chính Lan cực kỳ giản dị, tự nhiên và dễ thân cận, tha nhân nhìn chàng, chẳng hề thấy xa cách, mà có cảm giác như đôi mắt ấm áp kia đang cười với họ.
Hỏa chân nhân cười ha hả:
- Quí hóa thực, không ngờ hiền tế lại chịu khó lặn lội đường xa, đến đây dự ngày vui của bổn giáo khiến bần đạo được nở mày, nở mặt.
Chính Lan mỉm cười:
- Tuy không được mời nhưng tiểu tế là rể của Hỏa giáo, lẽ nào lại dám vắng mặt.
Tố Bình phụng phịu trách:
- Phụ thân chỉ khen có mình tướng công thôi sao? Hài nhi cũng là người có lòng chớ bộ.
Chân Nhân phì cười:
- Bình nhi đã có chồng mà còn dám nhõng nhẽo với ta ư? Ta khen ngợi Chính Lan tức là ngươi cũng được thơm lây đấy. Mau theo ta vào bái kiến giáo chủ sư bá.
Chân Nhân dẫn ba người đi xuyên khách sảnh, ra vườn hoa phía sau. Hàng trăm gian lều da xinh xắn nằm ôm lấy sườn núi, ẩn hiện dưới tàn lá rậm rạp của rừng tùng. Và chót vót trên đỉnh núi chính là tòa thánh điện thiêng liêng của Hỏa giáo kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ và da, trông giống như ngọn lửa đang bốc cao.
Tây Vực là đất thảo nguyên, dân cư sinh sống bằng nghề chăn thả gia súc. Thời tiết Tây Vực cực kỳ khắc nghiệt, có vùng hạn hán kéo dài đến mấy năm liền sông, hồ, ao, suối đều cạn nước, trở thành đất chết. Lúc ấy, người phải lùa gia súc đi phương bắc, và mang theo tất cả tài sản của mình. Tất nhiên bọn Chính Lan chẳng lên thánh điện làm gì. Chân nhân đưa họ vào tòa nhà lớn nhất ở cuối vườn hoa. Phu thê giáo chủ và Hải tiểu thư đang ngồi ở tiền sảnh bàn bạc gì đó. Tây Môn Nhỉ hoan hỉ nói:
- Giáo chủ sư huynh, tiểu nha đầu Tố Bình cùng phu quân mang lễ vật đến mừng ngày đại hỉ của Nhàn nhi.
Hải giáo chủ vui vẻ bảo:
- Không ngờ vợ chồng Bình nhi lại có lòng như vậy, ta vô cùng hoan hỉ.
Tố Bình vội giới thiệu:
- Bẩm giáo chủ và phu nhân đây là chuyết phu Âu Dương Chính Lan và gia đệ Âu Dương Tiểu Ngưu.
Hải giáo chủ cười khà khà:
- Lão phu vẫn ngưỡng mộ oai danh của điệt tế, nay diện kiến càng thêm yêu mến. Tây Môn sư đệ quả là khéo chọn rể.
Chính Lan kính cẩn đáp:
- Bọn tiểu điệt có chút lễ vật chúc mừng, mong giáo chủ sư bá thu nhận cho.
Tiểu Ngưu bước đến, đặt rương gỗ lên bàn rồi mở nắp. Mười món nữ trang bằng vàng cẩn bảo ngọc tỏa sáng lấp lánh trên nền vải nhung đen. Chúng trị giá không dưới ngàn lượng vàng. Giáo chủ phu nhân và Tụy Nhàn chưa bao giờ thấy vật gì đẹp hơn thế mừng rỡ ồ lên. Hải phu nhân buột miệng tán dương:
- Chúng còn đẹp và quí giá hơn cả lễ vật nghinh hôn của Thiên Ảo cung nữa.
Hải giáo chủ vội hắng giọng nhắc nhở phu nhân đừng vạch áo cho người xem lưng, và ông cười ha hả để khỏa lấp:
- Vợ chồng ngươi tặng lễ vật hậu thế này khiến ta thêm áy náy. Nào sao không ngồi xuống đi?
Lúc này, Tụy Nhàn đã phát hiện ra ánh mắt của chàng khôi vĩ kia đang nhìn mình say đắm. Nàng thẹn thùng cúi mặt, thầm nghĩ vẩn vơ: “Phải chăng trời đã sinh người ấy để dành cho ta? Bên cạnh chàng, ta thực sự là một nữ nhân nhỏ bé.”
Nhưng sắp đến ngày xuất giá, Tụy Nhàn chẳng dám suy nghĩ nhiều, chỉ dám nhìn Tiểu Ngưu bằng ánh mắt ai oán tiếc nuối. Phần Tiểu Ngưu cũng vậy, gã rất mặc cảm khi đứng cạnh những nữ nhân bình thường, trông chẳng xứng đôi chút nào cả. Nay gặp Tụy Nhàn cao lớn hơn người, dung nhan lại mặn mà, thùy mị, bảo sao Tiểu Ngưu không say đắm như điếu đổ?
Tố Bình nhìn thấy gã cứ nhìn Tụy Nhàn đắm đuối, chẳng biết e dè ai cả, vội đá mạnh vào ống quyển của gã. Tiểu Ngưu đau điếng, quay về với thực tại.
Trong mấy ngày sau đó, Tố Bình luôn luôn quấn quít với Tụy Nhàn, bắt nàng đưa đi dạo cảnh Thiên Thủy sơn. Nhưng không hiểu sao lần nào họ cũng gặp huynh đệ Chính Lan. Tất nhiên Tố Bình chạy đến trò chuyện với phu tướng, và để Tụy Nhàn đàm đạo với Tiểu Ngưu.
Người Tây Vực rất dạn dĩ nên Tụy Nhàn vui lòng làm quen với Hồng Nhị Điểm đại hiệp. Phu thê Chính Lan cũng ngồi gần đấy để làm bình phong cho đôi trai tài gái sắc.
Cổ nhân có câu gần đèn thì sáng. Tiểu Ngưu được Chính Lan hết lòng dạy bảo nên tâm trí khai mở rất nhiều. Gã lại rắp tâm noi gương đại ca, cử chỉ ung dung, phóng dật và dễ mến. Gã nhớ lời dặn dò của Chính Lan, nên chẳng dám nói nhiều, chỉ gởi gắm ân tình qua ánh mắt. Phương pháp này xem ra vô cùng công hiệu, chỉ sau năm ngày, Hải cô nương đã xem Tiểu Ngưu là nam nhân hấp dẫn nhất thế gian. Nàng sa vào lòng gã nức nở nói:
- Âu Dương công tử, chỉ tiếc rằng chúng ta gặp nhau quá muộn màng. Hai ngày nữa tiểu muội đã phải lên kiệu hoa về nhà chồng rồi.
Tiểu Ngưu cảm động xiết chặt thân hình phổng phao của đại mỹ nhân. Gã nghiêm giọng hỏi:
- Lòng ta đã nguyện phải lấy cho được nàng, dẫu chết cũng chẳng chịu bó tay. Nếu Nhàn muội thực lòng yêu thương ta thì việc lấy nhau chẳng khó gì.
Tụy Nhàn đang đê mê trong vòng tay to như cột đình của Tiểu Ngưu, gật đầu ngay:
- Tùy công tử xếp đặt, tiểu muội cũng chẳng thể sống thiếu chàng được. Tiểu Ngưu cúi xuống hôn lên má nàng rồi thì thầm gì đó.
Tình tự thêm một lúc, Tụy Nhàn trở về biệt viện, tìm giáo chủ phu nhân.
*
Theo đúng chương trình đã thống nhất với Thiên Ảo cung, trưa ngày mười bảy tháng sáu, Hỏa giáo bày đại yến tống tiễn tân nương, để sáng hôm sau cô dâu lên đường về nhà chồng.
Cuộc vui này chỉ toàn là người trong giáo phái, họ vui say đến tận nửa đêm mới tàn tiệc. Hải giáo chủ trở về phòng, khoan khoái uống chén trà thơm do giáo chủ phu nhân pha cho. Uống xong, lão lăn ra ngủ li bì, đến tận sáng hôm sau vẫn chưa tỉnh giấc.
Giáo chủ phu nhân thản nhiên cho khiêng trượng phu ra xe, đốc thúc đoàn xa mã lên đường. Ngoài nhị vị hộ pháp, còn có năm mươi chức sắc của Hỏa giáo nữa. Tất nhiên, phu thê Chính Lan và Tiểu Ngưu cũng có mặt. Chỉ vắng có hai người đó là ngũ hộ pháp Bạch Trung và lục hộ pháp Bạch Quí! Hỏa giáo chủ đã tỉnh giấc khi vượt sông Hoàng hà. Ông bực bội hỏi:
- Sao ngũ sư đệ và lục sư đệ không đi theo chúng ta?
Giáo chủ phu nhân tủm tỉm cười:
- Chắc họ cũng say mèm như ông chứ gì?
Thực ra, hai người ấy không hề có mặt trong cuộc vui đêm qua.
Đường xa đến bốn trăm dặm, xe hoa lại chẳng thể chạy như ăn cướp được, do đó, phải nghỉ lại dọc đường hết hai đêm, sáng ngày hai mươi mới đến được Bình Lang. Đoàn người ngựa dừng chân nơi cánh rừng thưa ở cửa tây thành, chờ họ đàng trai tới rước. Hải giáo chủ thấy chẳng có ma nào của Thiên Ảo cung ở điểm hẹn này, giận dữ nói:
- Nhị sư đệ, ngươi chạy đến Lang sơn báo cho họ biết rằng tân nương đã đến.
Tây Môn Nhỉ mau mắn phi ngựa đi ngay. Ba khắc sau, lão quay lại mặt mày tái mét:
- Bẩm giáo chủ, Thiên Ảo cung đã rút sạch, chẳng còn một mống nào cả!
Hải giáo chủ tưởng như sét đánh ngang tai, trợn mắt lắp bắp:
- Thế là thế nào? Còn khách khứa thì sao?
- Bẩm sư huynh, họ đang tụ tập dưới chân núi Bình Lang.
Hải giáo chủ đấm ngực kêu trời:
- Lão thất phu họ Phùng kia đã hại chết ta rồi. Không những Nhàn nhi lỡ một đời xuân sắc mà cả thanh danh của Hỏa giáo cũng bị vùi dưới bùn đen.
Giáo chủ phu nhân cũng gào khóc như cha mất, nhưng nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy mắt bà ráo hoảnh. Lát sau, phu nhân nắm áo giáo chủ mếu máo:
- Ông tự hào là người đa mưu túc trí, sao không nghĩ ra cách vãn hồi cục diện đi?
Hải giáo chủ vò đầu bứt tóc:
- Chỉ còn một cách tìm ngay ra một chú rể khác, mời khách vào thành dự hôn lễ mới xong.
Lão nhìn quanh, chỉ thấy có Chính Lan và Tiểu Ngưu là người ngoài giáo phái, liền hỏi:
- Âu Dương điệt tế, chẳng hay lệnh đệ đã có gia thất chưa?
Chính Lan mỉm cười:
- Gia đệ vẫn còn phòng không chiếc bóng, nếu được giáo chủ chọn làm rể đông sàng, thì thật là đại phúc. Chỉ sợ Hải tiểu thư chê hắn thô lỗ mà thôi.
Giáo chủ mừng rỡ, đến bên xe hoa, vén rèm lên hỏi:
- Nhàn nhi, nay họ Phùng đã bội hôn, con có đồng ý lấy Âu Dương nhị công tử hay không?
Tụy Nhàn bẽn lẽn đáp:
- Hài nhi tùy phụ thân sắp đặt.
Giáo chủ gật đầu hài lòng, nhưng vẫn còn lo lắng:
- Nhị sư đệ mau trở lại Lang sơn lưu khách lại, chúng ta còn phải vào thành sắp xếp yến tiệc. Gấp gáp quá chưa chắc đã có chỗ đủ rộng rãi.
Chính Lan vui vẻ nói:
- Sư bá yên tâm, gia cửu phụ có sở hữu một tòa đại tửu lâu trong thành này. Tiểu điệt sẽ đi thu xếp ngay.
Nói xong, chàng kéo Tiểu Ngưu đi vào thành. Hỏa chân nhân thì phóng ngựa đến Lang sơn.
Hơn khắc sau, tiếng pháo cưới nổ vang rền, một đoàn người đông đảo tiến ra cửa tây. Đi đầu là Chính Lan, Tiểu Ngưu và các vị chưởng môn bạch đạo, kế tiếp là long đầu, thủ lĩnh của mười mấy bang hội khác. Theo sau là một trăm tay nhạc công y phục mới toanh. Tiếng đàn sáo dặt dìu với tiếng pháo rộn rã, khiến bách tính đổ ra xem. Hải giáo chủ ngỡ ngàng, không hiểu Chính Lan đã làm thế nào mà có ngay nghi lễ long trọng như thế? Nhất là bộ y phục tân lang trên người Tiểu Ngưu, vừa vặn như đã đặt may sẵn vậy. Nhưng giáo chủ chẳng còn thời gian để suy nghĩ, vội vòng tay chào các chưởng môn.
Trong hàng ngũ các chưởng môn có một lão già lạ mặt, mặc đại bào mới rất sang trọng. Lão bước ra vái chào phu thê giáo chủ rồi sang sảng nói:
- Lão phu là Tây Thục nhất hùng Chu Điện Kiệt, cửu phụ của anh em nhà Âu Dương, xin thay mặt đàng trai. Kính thỉnh phái đoàn thông gia nhập thành.
Hải giáo chủ gượng cười, nói giả lả vài câu khách sáo, rồi ra lệnh cho phe mình khởi hành. Xe hoa đi trước, có tân lang cỡi ngựa song song, kế đến là đàng trai và đàng gái. Phái đoàn Hỏa giáo cảm thấy như đang đi trong mơ, vì hai bên đường treo đầy những đèn hoa chúc đỏ thắm và bách tính hô vang:
- Cầu chúc Âu Dương nhị công tử và Hải cô nương bách niên giai lão.
Hải giáo chủ lờ mờ hiểu ra mình đang rơi vào một vở tuồng được dàn dựng sẵn. Nhưng ông hoàn toàn hài lòng khi thấy đám cưới con gái mình lại được tổ chức linh đình như vậy. Giáo chủ phu nhân thì khỏi nói, bà cười toe toét luôn miệng không sao ngậm lại được.
Khi đến tòa tửu lâu đồ sộ, mới thấy hết được vẻ huy hoàng của hôn lễ. Hơn ngàn thực khách ngồi chật ních hai trăm bàn tiệc. Họ đều là những người có danh phận trong võ lâm. Ai nấy đều vui say, và chẳng hề nhắc đến Thiên Ảo cung một lần nào cả. Hải giáo chủ sung sướng đến nỗi say mèm, chẳng còn nhớ là mình bị lừa nữa.
*
Khi trở về tổng đàn Hỏa giáo ở Lan Châu, Hải giáo chủ cho gọi ngũ, lục hộ pháp lên hỏi chuyện. Ông nghiêm khắc nói:
- Vì sao Thiên Ảo cung lại đột ngột rút khỏi Lang sơn, hai người mau kể cho ta nghe thử.
Bạch Trung không hề sợ hãi, cười khanh khách:
- Sư huynh biết không, tiểu quỉ Chính Lan quả là thần thông quảng đại, điều động được cả võ lâm. Đêm mười tám, tiểu đệ và lục sư đệ đến nơi thì hơn ngàn khách mời đã sẵn sàng cả rồi. Cuối canh hai, họ giả làm quan quân, bất ngờ kéo lên núi Lang sơn, khua chiêng gõ trống vang trời, hệt như sắp làm cỏ Thiên Ảo cung. Tiểu đệ và Bạch Quí lên trước, tung liền mười tám trái Đảo Thiên thần đạn. Tuy chẳng ai chết, nhưng họ Phùng lại tưởng quan quân đem cả đại pháo đến, liền đốc đệ tử bỏ núi đào tẩu.
Lục hộ pháp ôm bụng cười ngấp, cướp lời sư huynh:
- Lúc quần hào lên đến nơi, thả cho gà vịt, heo bò chạy tán loạn. Cảnh ấy thật không nín cười được.
Hải giáo chủ đập bàn, hầm hầm quát:
- Hai ngươi thật là quá lắm, dám qua mặt lão phu, tự ý làm càn.
Bỗng ông sực nhớ ra:
- À, ta quên mất. Lại còn thêm cái tội ăn trộm Đảo Thiên thần đạn nữa chứ. Bảo bối ấy ta giấu kín trong phòng, sao hai ngươi lại lấy được?
Bạch Trung cười hì hì:
- Sư huynh tuy là giáo chủ, nhưng bọn tiểu đệ chẳng dám cãi lời đại sư tẩu. Mong sư huynh lượng thứ cho.
Hải giáo chủ biến sắc:
- Té ra chính bà ấy đã chủ sở ư?
Ông cho hai sư đệ lui ra, rồi vào phòng bàn bạc với phu nhân. Hai ngày sau, Hỏa giáo dọn lều trở lại đất Tây Vực. Tòa đại sảnh là tài sản của một đệ tử người Hán giàu có, được hoàn trả lại cho lão.
Ba vị hộ pháp họ Bạch được lệnh mang thư đi Vu Hồ, và sẽ ở lại bảo vệ Hải tiểu thư. Họ đã mến cảnh Trung Nguyên nên vui vẻ khởi hành.
*
Cuối tháng tám, tam vị hộ pháp đến Vu Hồ, trao thư cho nhị sư huynh là Hỏa chân nhân Tây Môn Nhỉ. Không hiểu trong thư viết gì mà chân nhân lộ vẻ ưu tư, mời Chính Lan và các lão nhân lên bàn bạc. Ông còn bảo Giang Tây Thần Bộ Trịnh Thiều đi gọi Quí Thành Lâm đến.
Mấy khắc sau, họ Quí xuất hiện, thấy gương mặt mọi người nặng nề như đưa đám, gã rụt rè hỏi:
- Chẳng hay đã xảy ra sự cố gì trọng đại mà chư vị có vẻ lo lắng như vậy được?
Chính Lan mỉm cười:
- Đại ca cứ ngồi đi đã.
Chờ Thành Lâm nhấp mấy hớp trà, chàng mới hỏi tiếp:
- Chẳng hay việc thu hồi tài sản ở phương bắc đã tiến hành đến đâu rồi?
Quí Thành Lâm đắc ý nói:
- Ta đã sang nhượng được hầu hết các cửa hiệu, mối lái, thu hồi được hai phần ba tài sản. Cộng với số vốn của Chu cửu phụ và Du đại thúc, ta đã thành lập được một đội thương thuyền ba chục chiếc và xây dựng xong mười kho hàng, cửa hiệu ở Quảng Châu.
Thì ra Tây Thục nhất hùng Chu Điện Kiệt và Giang Tô đại hiệp Du Huỳnh đã hùn hạp với họ Quí để làm ăn.
Hỏa chân nhân tiếp lời Chính Lan:
- Thế còn nơi ăn ở thì thế nào?
- Bẩm bá phụ, tiểu điệt đã mua hai tòa trang viện rất lớn ở cạnh bãi biển phía nam.
Tây Môn Nhỉ là bái huynh của Quí tài thần nên Thành Lâm xưng hô như vậy.
Chân nhân gật gù:
- Tốt lắm, hiền điệt hãy về thưa với lão thái, rồi đưa cả gia tộc đi ngay Quảng Châu, nếu chậm trễ tai họa sẽ không lường nổi. Đám thê tử Chính Lan cũng sẽ đi cùng Quí gia.
Thành Lâm ngơ ngác hỏi lại:
- Quân Mãn Thanh chưa phá nổi Sơn Hải Quan, đâu cần phải cấp bách như vậy?
Chân Nhân cười khổ:
- Rợ Mãn chưa vào nhưng lực lượng tiên phong của chúng đã có mặt, và một trong những mục tiêu đầu tiên chính là Quí gia trang.
Thành Lâm sợ hãi thưa:
- Mong bá phụ nói rõ hơn cho tiểu điệt được tỏ tường.
Hỏa chân nhân tư lự kể:
- Đại sư huynh của bần đạo là giáo chủ Hỏa giáo đã viết thư, tiết lộ một bí mật kinh người. Đó là việc Thiên Ảo cung chủ Phùng Thiệu Đính đã được quân Mãn Thanh hứa sẽ cắt cho ba tỉnh tây bắc. Đổi lại, họ Phùng phải dốc hết lực lượng khuấy rối Trung Nguyên. Hiện nay, Thiên Ảo cung chủ đã luyện thành tuyệt học, đồng thời đào tạo được ba trăm gã Ảo Quỉ vô cùng lợi hại. Bọn Ảo Quỉ này vốn là người của bộ tộc Ngạc Luân Xuân ở phía bắc dãy Âm sơn. Họ không cao lớn nhưng vô cùng dũng mãnh và hiếu chiến. Phùng lão quỉ đã dùng dược vật làm tăng sức mạnh cũng như tính khát máu của họ. Lão còn đem khinh công Thiên Ảo Thân Pháp và sáu chiêu trong pho Ảo Kiếm ra huấn luyện bọn Ảo Quỉ. Do đó, chúng trở thành những sát thủ cực kỳ khó chịu.
Chân nhân dừng lại, nhấp hớp trà thấm giọng, rồi kể tiếp:
- Đáng sợ nhất là việc Thiên Ảo cung chủ đã mời được lão đại ác ma Biển Bức Lão Tổ bào huynh của Miêu Ưng Lão Tổ. Lão này tên gọi Phương Liên Khai, ẩn cư ở vùng núi đá vôi cách Âm sơn ba trăm dặm. Đàn dơi của lão đông đến mấy vạn con, mỗi con chỉ nhỏ bằng con chim sẻ, nhưng rất hung dữ và khát máu. Răng và móng của chúng đều có độc, chỉ cào trầy da là nạn nhân khó sống. Với hai vũ khí Ảo Qủi và Biển Bức, Thiên Ảo cung sắp làm cỏ các phái Trung Nguyên.
Thành Lâm gượng cười:
- Nhưng tiểu điệt chưa nghe được điều gì liên quan đến Quí gia trang cả
Hỏa chân nhân khề khà:
- Từ từ rồi ta sẽ nói đến. Chắc Quí hiền điệt cũng biết rằng làm nên cơ nghiệp thì ai cũng phải có vốn liếng. Người Mãn chỉ hứa hẹn suông chứ đâu cung cấp tài chính cho Thiên Ảo cung. Vì vậy, lão họ Phùng quyết định nhân dịp này đưa đội quân ma quỉ đi vơ vét của cải khắp nơi. Mà Quí gia trang được xưng tụng là giàu có nhất Trung Hoa, liệu bọn chúng có chịu bỏ qua hay không?
Quí Thành Lâm tái mặt, đứng lên nói:
- Chết thật, tiểu điệt phải về thu xếp ngay mới được.
*
Hơn tháng sau, Thiên Ảo cung chủ và Biển Bức Lão Tổ đưa quân đến Nam Kinh. Họ ém lại ở cánh rừng ngoại thành, cho trinh sát vào dọ thám mới biết gia tộc họ Quí đã dọn đi đâu không rõ, trang viện thì treo bảng bán. Cả căn cứ Vu Hồ cũng chẳng còn một bóng người.
Hai lão ác ma vô cùng thất vọng, đành chuyển sang tấn công những mục tiêu khác. Trong suốt tháng chín, họ càn quét các nhà đại phú vùng Giang Nam, cướp được gần chục vạn lượng vàng. Không có một ai sống sót để làm nhân chứng cả. Chiến dịch giết người, cướp của với qui mô lớn này, đã làm chấn động võ lâm và bách tính.
Bước sang tháng mười, Thiên Ảo cung làm thêm mười mấy vụ thảm sát nửa ở ba phủ Hồ Bắc, Hồ Nam, An Khánh. Hai phái Thiếu Lâm, Võ Đang dốc toàn lực truy lùng mà chỉ hoài công.
Quảng Tâm thiền sư và Thuần Thanh đạo trưởng vội đến Lạc Dương tìm Đại Đầu Cái.
Lô bang chủ đã nhận được thư của Chính Lan nên biết rõ nội tình, nói lại cho hai vị chưởng môn kia nghe. Phương trượng Thiếu Lâm buồn rầu nói:
- Không ngờ trong lúc vận nước suy vi thế này mà bọn ma đầu lợi hại kia lại xuất hiện. Nay Âu Dương thí chủ âm thầm qui ẩn, biết lấy ai diệt trừ ma chướng đây?
Đại Đầu Cái mỉm cười:
- Đâu thể trông cậy mãi vào Chính Lan, chúng ta phải tự lực tự cường mà thôi. Lão phu sẽ thông tri cho hai phái Hoa Sơn, Nga Mi biết mà chuẩn bị.
Qua đầu tháng mười một, những vụ cướp kia bỗng thưa đi. Và Thiên Ảo cung chính thức chọn ngọn núi Phụng sơn cách thành Hứa Xương hai mươi dặm để làm căn cứ. Phùng cung chủ đã gởi thiệp mời các phái võ lâm đến dự lễ khai cung vào ngày rằm tháng tư. Sự kiện này càng khẳng định những điều Chính Lan đã tiết lộ. Nay Thiên Ảo cung đã vào đến đất Hà Nam trung tâm điểm của võ lâm, bảo sao bốn phái Võ Đang, Thiếu Lâm, Cái bang và Hoa Sơn không lo lắng?
Nhưng họ không có bằng cớ để chứng minh Thiên Ảo cung là hung thủ của mấy chục vụ cướp vừa qua, đành im hơi lặng tiếng chờ đợi diễn biến của cục diện giang hồ. Năm vị chưởng môn bạch đạo âm thầm họp lại ở Lạc Dương. Đại Đầu Cái Lô Chính Ngôn là người đa mưu túc trí nhất bọn, nêu lên nghi vấn của mình:
- Lão phu không lạ gì dã tâm của Thiên Ảo cung, chỉ thắc mắc vì sao họ không tổ chức lễ khai đàn ngay, mà lại hẹn đến tận rằm tháng tư?
Đạo Huệ sư thái chưởng môn phái Nga Mi lên tiếng:
- Bần ni cũng suy nghĩ mãi mà không tìm ra đáp án. Từ nay đến sang xuân có nhiều ngày đại cát, tốt lành hơn ngày rằm tháng tư, vì sao lại không được chọn?
Khánh Hư chân nhân, chưởng môn Hoa Sơn phái, tư lự nói:
- Bần đạo cho rằng chính sự biến mất của Âu Dương thí chủ đã khiến họ Phùng lo ngại. Trước khi nắm chắc rằng đủ sức giết Hồng Nhất Điểm, lão ta không dám mới quần hào đến Phụng sơn. Nếu hôm ấy Chính Lan xuất hiện, đòi mạng của Vô Ảnh hội chủ Đường Vĩnh Phục, lão bắt buộc phải nhận lời tỷ thí công bằng, lỡ thua thì cơ nghiệp nát tan.
Thuần Thanh ung dung bảo:
- Chân nhân luận việc rất có lý. Nhưng bần đạo lại có cảm giác rằng Thiên Ảo cung đang dùng kế hoãn binh để chuẩn bị cho một âm mưu gì đấy.
Đạo Huệ sư thái mỉm cười:
- Bần ni không tin rằng bản lĩnh của Thiên Ảo cung chủ Phùng Thiệu Đính lại vô địch như lời Hồng Nhất Điểm thí chủ đã nhận xét. Năm phái chúng ta đều có những bậc trưởng lão tuổi gần bách tuế, lẽ nào lại không hơn một người tuổi bảy mươi như họ Phùng? Nay Âu Dương thí chủ rời bỏ giang hồ, chúng ta phải tự lo thôi. Chờ đợi không bằng chủ động, bần ni đề nghị Quảng Tâm thiền sư phát võ lâm thiếp, mời hào kiệt thiên hạ đến dự đại hội công cử minh chủ. Thiên Ảo cung chủ tự hào võ công quán thế tất sẽ đến dự. Lúc ấy, các phái đưa cao thủ ra tranh tài với họ Phùng, giết chết lão là xong.
Lời nói của sư thái đánh trúng vào khát vọng thầm kín trong lòng cử toạ. Năm phái đều có truyền thống hơn trăm năm, từng là cột trụ chống đỡ võ lâm. Thế mà, mấy năm nay, họ chỉ là ánh sao mờ bên cạnh bậc kỳ hiệp Âu Dương Chính Lan. Giang hồ chỉ nhắc đến Hồng Nhất Điểm đại hiệp, chứ không còn nhớ đến họ nữa.
Các đệ tử Phật môn hoặc đạo gia vốn không màng danh lợi. Nhưng bốn người này lại là chưởng môn, gắn liền với vinh nhục của giáo phái, nên đạo tâm chẳng khỏi vướng bụi trần.
Khánh Hư chân nhân phấn khởi tán thành:
- Bần đạo ủng hộ cao kiến của Đạo Huệ sư thái.
Quảng Tâm thiền sư và Thuần Thanh đạo trưởng cũng không phản bác, riêng Đại Đầu Cái thận trọng nói:
- Lão phu chỉ sợ chúng ta vẽ phụng thành gà thì nguy to. Nếu không có trưởng lão nào của bạch đạo thắng nổi Thiên Ảo cung chủ, thì hóa ra chúng ta đã tự ý dâng chức minh chủ cho lão ta. Và trong cương vị ấy, họ Phùng càng dễ khống chế võ lâm.
Đạo Huệ sư thái cười nhạt:
- Bang chủ yên tâm, trước khi đến Lạc Dương, bần ni đã thuyết phục được sư thúc là Lãnh Diện thần ni xuất quan. Bà tiềm tu trên đỉnh Nga Mi sơn đã sáu mươi năm, võ công đạt đến mức đăng phong tháo cực, chẳng thể nào thua Phùng Thiệu Đính được.
Lô bang chủ hiểu ngay rằng Đạo Huệ sư thái đã quyết dương danh phái Nga Mi, ông cười mát, không nói gì nữa.
Cuối cùng, các phái chọn ngày rằm tháng giêng sẽ cử hành đại hội, địa điểm là núi Hoa sơn.