CHƯƠNG 6

Hiểu Khê tìm được một ban công tĩnh lặng trong nhà họ Mục. Trên ban công đó được đặt hai chiếc ghế bằng trúc rất giản dị và một chiếc bàn nhỏ nhắn. Thật lạ là dù trong mùa đông giá lạnh này mà vẫn có nhiều loại cây xung quanh, hương thơm phảng phất, khiến cô cứ ngỡ như mùa xuân đang đến. Hiểu Khê ngồi trên ghế, tay cầm một cuốn sách thong thả đọc, trong lòng rất êm ả.
“Ha…ha, ông thấy cháu rồi nhé”, ông nội Lưu Băng vừa cười vừa bước đến, tay đang cầm khay đựng một ấm trà và hai tách trà nhỏ.
Hiểu Khê vội vàng đỡ lấy khay trà đang ở trên tay ông, rồi đỡ ông ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, hỏi: “Sao ông tự mang thế? Sao ông không gọi người đến giúp?”.
Ông rót đầy hai tách trà: “Sức khỏe của ông còn tốt lắm, chỉ đi có chút xíu vậy thôi thì có hề gì. Cháu nếm thử trà của ông pha đi”.
Hiểu Khê hớp một ngụm, chắt lưỡi: “Đây là trà thiết quan âm nhất phẩm đúng không ạ?”.
Ông nội gật gù: “Bây giờ chắc chẳng còn bao nhiêu thanh niên có thể nhẫn nại ngồi thưởng thức trà rồi. Hiểu Khê, cháu thật là hiếm thấy đấy”.
Hiểu Khê cũng lắc đầu theo: “Những người mà cháu biết cũng không nhiều, nhưng ba cháu là người rất thích uống trà, vì thế cháu cũng uống theo”.
Ông cũng từ từ hớp một ngụm trà: “Trà… là một thứ rất tốt, thanh tịnh mà lại sâu sắc, một thoáng mùi hương thôi cũng được giữ lại trong trí nhớ chúng ta rất lâu. Ông trước đây cũng rất thích uống rượu mạnh, nhưng hai năm gần đây lại mê uống trà… Ông thấy trà vẫn hơn rượu, thế mà một khoảng thời gian dài trước đây ông không hề phát hiện ra”.
Hiểu Khê lặng nhìn người đàn ông cao tuổi trước mặt cô, nụ cười tươi rói của ông cũng không thể che được những nếp thời gian trên trán. Da mặt ông tuy nhăn nhúm nhưng vẫn mập mờ nét kiêu dũng của một thời oanh liệt. Cô hiểu ông không nhiều lắm, nhưng cũng biết được rằng Liệt Viêm Đường đã phát triển lớn mạnh, trở thành tổ chức anh cả trong giới xã hội đen chính là nhờ ông dẫn dắt.
Ông bắt gặp ánh mắt đang suy nghĩ của cô: “Tai sao cháu lại ở đây?”.
Hiểu Khê hơi ngạc nhiên: “Dạ?”.
Ông phải giải thích rõ: “Tại sao cháu không ở bên cạnh Lưu Băng, một mình bỏ ra đây làm gì?”.
Hiểu Khê cười, hiểu ra: “Anh ấy có một số chuyện cần làm, cháu không muốn làm phiền anh ạ”.
“Ra vậy, gần đây xảy ra quá nhiều chuyện, chuyện nào cũng bắt Lưu Băng phải gánh vác, nó chắc chắn rất mệt mỏi”. Ông xoay xoay tách trà: “Hiểu Khê, cháu có nghĩ tới việc sẽ giúp đỡ Lưu Băng một tay không?”.
Cô ngạc nhiên: “Sao cơ? Ông nói gì cháu chưa hiểu?”
Ông ngước nhìn lên, ánh mắt sáng lên: “Võ công cháu rất giỏi, phản ứng trước mọi chuyện lại nhanh nhạy, thêm vào sự dũng cảm, nếu cháu đồng ý giúp Lưu Băng, Liệt Viêm Đường chắc chắn sẽ có ngày vực dậy được”.
Hiểu Khê sững sờ nhìn ông nội Lưu Băng, không biết phải nói sao.
“Gia nhập Liệt Viêm Đường đi cháu!”, giọng ông vẫn nài nỉ.
Hiểu Khê từ từ đặt tách trà xuống bàn, giọng trĩu xuống: “Những cái giá ông phải trả… vẫn chưa đủ lớn hay sao ạ? Những chuyện mà cháu biết không nhiều lắm, nhưng với những gì cháu biết thôi cũng đủ thấy rằng, ông đã phải trả cái giá quá đắt cho tham vọng của mình rồi”.
“Xoảng!”, tách trà rơi xuống đất vỡ vụn…
Ông nhắm mắt lại trầm ngâm: “Hiểu Khê, ông hiểu ý của cháu. Vì Liệt Viêm Đường này, ông không những phải trả giá cho chính cuộc đời của mình, mà còn hy sinh cả hai đứa con”.
Hiểu Khê vẫn nói không thôi: “Ông còn hy sinh con dâu mình, ông thông gia, và cả tuổi thơ của cháu nội mình nữa”. Ánh mắt cô vẫn dán chặt vào ông: “Vì danh vọng của mình, đã có quá nhiều người trở thành vật hy sinh rồi, ông ạ”.
“Nhưng cũng chính vì đã có quá nhiều người hy sinh vì Liệt Viêm Đường rồi…”. Đột nhiên ông mở to mắt, phát ra những tia sáng gấp gáp. “…nếu bây giờ chúng ta bỏ mặc nó, không phải là uổng phí mọi cố gắng ban đầu rồi sao?”.
Giọng Hiểu Khê đầy châm biếm: “Ông xem đó là cố gắng, là hy sinh đơn giản vậy sao? Cháu lại nghĩ đó là tội ác. Dã tâm và tham vọng là hai thứ đáng sợ nhất trên thế gian này. Nó có thể làm cho người ta trở nên ngông cuồng. Sự ngông cuồng không những làm tổn thương rất nhiều người vô tội mà còn làm cho chính bản thân họ không bao giờ biết quay đầu dừng lại”.
“Cháu…”, cơ mặt của ông bắt đầu co giật.
Hiểu Khê nói tiếp, đầy cương quyết: “Cháu không muốn để anh Lưu Băng trở thành một kẻ ngông cuồng”. Cô nhìn ông kiên quyết: “Cháu sẽ cố gắng hết mình để giúp anh ấy thoát khỏi đám bùn lầy. Cháu không muốn trên người anh ấy dính một vết máu nào, dù là máu của người khác. Cháu muốn anh ấy sống một cuộc sống thanh bạch, không hổ thẹn với lòng mình”.
Mặt ông nội co giật mạnh hơn. Ông rời khỏi chiếc ghế: “Tại sao cháu lại ở đây? Cháu là một người mà suy nghĩ không hề dính nửa vết hoen ố nào, cháu ở đây không cảm thấy khó chịu sao?”.
Hiểu Khê cũng đứng lên: “Cháu không hề thích nơi này, nhưng cháu yêu anh Lưu Băng”.
Ông dùng đôi tay xanh gầy của mình vỗ lên vai cô: “Khá, khá lắm, thế này thì ta có thể yên tâm rồi… Hiểu Khê, đừng nghĩ ông là người xấu xa đến như vậy. Ông chỉ không nỡ thấy Liệt Viêm Đường bị diệt vong thôi. Nhưng còn Lưu Băng, dù sao nó cũng là đứa cháu duy nhất của ông…”.
Hiểu Khê nhìn ông với con mắt cảm kích: “Ông, có thể cháu đã nói ra những lời vô lễ nhưng cháu không có ác ý gì cả, xin ông đừng trách tội”,
Ông cười: “Hiểu Khê, ông đã lăn lộn trên giang hồ mấy chục năm nay rồi, sao lại không phân biệt được chứ? Cháu quả thật là một cô bé tốt, Lưu Băng quả rất biết nhìn người. Ha… ha… Thôi ông vào trong, cháu cứ tiếp tục đọc sách nhé”.
Hiểu Khê cầm sách lên, từ từ đỡ lấy cánh tay ông: “Cháu đi vào cùng ông. Hôm nay cháu sẽ nấu vài món ăn để đền tội với ông. Ông thích ăn gì ạ?”. Một già một trẻ thân mật dắt nhau đi vào bên trong…
--------------------
Ăn xong bữa ăn tối, trời cũng tối sầm. Lưu Băng đứng yên một chỗ lặng nhìn Hiểu Khê. Cô bỏ vào cặp cuốn sách cuối cùng, xách cái bình thủy nhẹ tênh lên, ngước nhìn anh, tươi cười: “Xong rồi, em có thể về được rồi”.
Anh nhíu mày: “Ở lại đây đi em, đừng về”.
Hiểu Khê chớp mắt ra vẻ ngạc nhiên: “Không được đâu, anh là một người mà đầu óc toàn chứa những suy nghĩ xấu xa thôi!”.
Lưu Băng thanh minh: “Thời gian này bọn người của Thiết Đại Kì có thể sẽ có hành động. Anh không muốn em xảy ra bất kỳ nguy hiểm gì”.
Hiểu Khê cũng lo sợ: “Vậy còn anh? Anh có bị nguy hiểm gì không?”
Lưu Băng cốc trán cô, trêu: “Anh đang nghĩ có thể do chúng không làm gì được anh nên mới đổi mục tiêu qua em”.
“Thật vậy à?”, Hiểu Khê cười, “Anh không sao là được rồi, đừng lo lắng cho em. Em là thiên hạ đệ nhất Minh Hiểu Khê kia mà! Sao có thể bị bắt nạt được?”.
Lưu Băng lấy từ từ trong túi quần mình một vật, dúi vào tay cô: “Em cầm lấy đi”.
Hiểu Khê hoảng hốt, vội vã trả lại: “Cái gì thế?...”.
“Súng đấy”, Lưu Băng đáp, cứ như đó chỉ là một thứ đồ chơi màu xám. “Em chưa thấy bao giờ à?”.
“Anh đang chế giễu ai thế hả? Em đương nhiên là biết đó là súng rồi. Em còn biết đó là loại súng mới nhất do Mỹ sản xuất nữa kia, loại súng nhẹ nhất, nhưng sức công phá lớn nhất”, Hiểu Khê liếc nhìn khẩu súng và nói.
Lưu Băng tròn xoe mắt: “Sao em biết rõ thế?”.
Hiểu Khê vẫn điềm nhiên: “Đương nhiên rồi. Em có một chị họ làm cảnh sát, rất đam mê vũ khí, vẫn thường lấy sách báo hoặc thậm chí là đồ thật cho em xem”. Hiểu Khê thích thú kể tiếp: “Chị ấy đôi lúc còn dẫn em vào trường bắn để tập bắn súng nữa. Em bắn cũng khá chuẩn đấy”.
Lưu Băng hơi ngạc nhiên: “Thế sao em lại hoảng sợ như thế?”, rồi cầm khẩu súng nhỏ lên ngắm nghía.
“Không phải là em sợ, em chỉ không muốn trở thành một người có thể làm đổ máu bất kỳ lúc nào thôi”, Hiểu Khê đáp rồi trịnh trọng hỏi: “Anh muốn em dùng nó để phòng thân?”.
Anh gật đầu. “Không cần đâu”. Cô vừa cười vừa lấy một cái ná từ trong người mình ra: “Em có cái này rồi”.
Lưu Băng không nhịn được, phá lên cười: “Em định dùng đồ chơi trẻ em để phòng thân sao?”
Hiểu Khê ấm ức: “Đây là vũ khí mà em đã tốn rất nhiều công sức mới nghĩ ra được đấy. Thể trọng nhỏ, dễ dàng mang đi, lại có thể đánh được địch mà không gây nhiều thương tích cho họ. Hơn nữa đạn có thể có được cung cấp mọi nơi, ví dụ như đá, sỏi, hay thậm chí là hạt đậu phộng, kẹo, nút áo đều có thể dùng được. Vừa tiện lợi vừa kinh tế, không phải là tốt hơn súng nhiều sao?”.
Lưu Băng lắc đầu: “Anh vẫn thấy không an toàn. Nếu như Thiết Đại Kì muốn ra tay với em, cái ná nhỏ này e rằng…”
Hiểu Khê cất chiếc ná của mình vào cặp, khoác tay mình vào tay anh: “Anh đừng lo cho em. Em rất nhanh nhẹn, nếu ngửi được mùi nguy hiểm, em sẽ chạy ngay lập tức. Thế là được rồi chứ gì?”.
Lưu Băng kéo cô vào lòng, gác cằm mình lên đầu của cô: “Em là người quan trọng nhất của anh, anh không muốn để em bị bất kỳ tổn thương nào”.
Trái tim Hiểu Khê ngập tràn hạnh phúc.
Ngày thi cuối học kỳ ngày càng gần, không khí ôn tập trong trường Quang Du mỗi lúc một khẩn trương hơn. Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi, đưa về cho ba mẹ một bảng điểm đủ sức thuyết phục, Hiểu Khê phải giảm bớt số lần đến thăm Lưu Băng trong thời gian này để dồn vào việc ôn tập và đọc sách. Học sinh trong lớp đã về nhà hết, cả cô bạn thường ngày vẫn thích nói chuyện với cô nhất là Tiểu Tuyền cũng đã trốn về nhà ôn tập từ sớm rồi. Hiểu Khê mệt mỏi cất sách vở vào cặp,
“Chị Hiểu Khê!”, Hạo Tuyết người đầy mồ hơi lao đến cô, “cuối cùng em cũng đã bắt được chị”.
“Bắt gì chứ? Chị có phải là ăn trộm gì đâu?”, Hiểu Khê e ngại nhìn cô bé.
“Ôi, tâm trạng của chị Hiểu Khê không vui à?”, Hạo Tuyết cười đầy bí hiểm. “Để em đoán thử xem tại sao chị lại không vui nhé. Có phải là vì… kỳ kiểm tra cuối học kì không?”.
Hiểu Khê gượng ép trả lời: “Phải đấy, em thật thông minh”.
“Vậy à!”, Hạo Tuyết hứng khởi hét lớn: “Vậy thì chị phải cám ơn em”.
Hiểu Khê vội vàng bịt tai lại: “Cám ơn cái gì kia? Cám ơn em đã làm thủng màng nhĩ của chị à?”.
“Thôi nào chị…”, Hạo Tuyết kéo tay cô, “Em đã nghĩ ra một cách có thể giúp chị vượt qua kỳ thi một cách dễ dàng”. “…?”,
Hiểu Khê chăm chú nhìn cô bé. “Mời anh Giản Triệt phụ đạo thêm cho chúng ta!”, Hạo Tuyết vui vẻ, “Thật là một việc tốt biết bao!”
Hiểu Khê cúi đầu thất vọng: “Em vẫn chưa từ bỏ ý định à?”.
“Anh Giản Triệt là hạnh phúc cả đời của em, em đương nhiên không thể dễ dàng từ bỏ rồi”, Hạo Tuyết kiên quyết nói.
“Chị không đi”, Hiểu Khê từ chối, “Lần trước vì nghe theo sáng kiế quỷ quái của em mà làm cho cả nhà thấy khó xử. Lần này thật không biết em còn định giở trò gì ra nữa”.
“Chị Hiểu Khê, đi mà chị, ôn tập thôi mà, em có thể giở trò gì ra chứ?”, Hạo Tuyết ra sức thuyết phục. “Chị quên lần trước anh Giản Triệt phụ đạo cho chị một buổi tối toán hình học, chị thi được mấy điểm rồi sao?”
Một trăm điểm.
Hiểu Khê chớp mắt, cô bắt đầu do dự.

*

Từ đầu đã biết không nên tin tưởng cô bé Hạo Tuyết này rồi. Hiểu Khê tức giận vùi đầu mình vào cuốn sách. Đây là lần thứ ba mươi hai cô tự trách mình. Hạo Tuyết hoàn toàn không hề muốn ôn tập, cứ bám chặt lấy Giản Triệt như một chú chim non ríu rít, nói không ngừng nghỉ, cười không ngừng nghỉ, cô bé luôn miệng phát ra muôn vàn kiểu âm thanh. Hiểu Khê không những không được Giản Triệt phụ đạo, ngay cả một phút yên tĩnh để ôn tập cũng trở thành điều không tưởng.
“Ồ, anh Giản Triệt không để đàn piano ở đây à?”, Hạo Tuyết lại phát hiện thêm một điều mới.
Giản Triệt gật đầu, đáp: “Không”.
Hạo Tuyết thất vọng: “Tiếc thật đấy. Em cứ tưởng hôm nay sẽ được nghe anh Giản Triệt đánh đàn kia. Tại sao anh không để một cây đàn piano ở đây vậy”.
Giản Triệt cười hỏi: “Tiểu Tuyết. Em đến đây cuối cùng là để làm gì?”.
“Để nói chuyện với anh Giản Triệt ạ”, Hạo Tuyết đáp không chút do dự. “Em bấy lâu nay đều chưa có cơ hội được nói chuyện thân mật với anh thế này. Gần đây đến cả gặp mặt anh còn khó nữa, anh bận gì mà bận ghê thế?”
Giản Triệt nghiêm mặt lại: “Không phải em đến để ôn tập sao?”.
Hạo Tuyết lắc đầu nguây nguẩy: “Không phải ạ! Đấy chỉ là lý do để mẹ em cho em đến đây thôi”.
Hiểu Khê suýt nữa là ngã lăn xuống bàn. Xem ra Hạo Tuyết cũng thành thật quá. Hiểu Khê bịt tai lại, cố gắng ngăn chặn các loại tạp âm.
Giản Triệt nhìn thấy, liền hỏi: “Hiểu Khê, còn em đến đây để ôn tập đúng không?”
“Không phải, không phải!”, Hạo Tuyết lao nhanh về phía Hiểu Khê, khẽ cù vào eo cô để cô phải bật cười. “Chị Hiểu Khê cũng không phải đến để ôn tập gì đâu, chị ấy đến để thư giãn thôi”.
Giản Triệt nở một nụ cười mát dịu còn hơn làn gió xuân thổi qua. Nụ cười của anh làm Hạo Tuyết phải nín thở… “Tiểu Tuyết này”, anh nói bằng giọng ngọt ngào như dỗ trẻ ăn kẹo, “anh đưa cho em mấy cuốn truyện tranh. Em yên lặng ngồi trên ghế sa lông đọc một tiếng đồng hồ nhé. Anh giúp chị Hiểu Khê ôn tập một lát, được không nào?”.
“Một tiếng đồng hồ cơ á?”, cô bé đắn đo, không hiểu mình có qua được không.
Giản Triệt cười: “Em đã lớn rồi, nên học cách yên lặng lại chứ”.
Hạo Tuyết lại bị nụ cười của Giản Triệt làm mê mẩn nhưng vẫn cố vòi vĩnh: “Vậy, một tiếng sau thì sao…?”.
Giản Triệt đành hứa với cô bé: “Tùy ý em muốn làm gì cũng được. Thế nào?”.
Thế là Hạo Tuyết ngoan ngoãn ôm truyện tranh ra ngồi một góc.
Trên người Giản Triệt tỏa ra một mùi thơm nhẹ nhàng, phảng phất, khiến ai ngửi được cũng thấy rất dễ chịu. Hiểu Khê bỗng thấy mình thông minh hơn hẳn khi ở bên anh. Chỉ cần nghe được giọng nói nhẫn nại, dịu dàng của anh, mọi bài tập khó sẽ lập tức trở nên đơn giản, và thật dễ hiểu biết bao!
Hiểu Khê chăm chú nhìn vào những con số mà Giản Triệt ghi trên giấy, thì ra là phải làm như thế, cô thích thú ngẩng đầu nhìn anh: “Anh Giản Triệt…”. Có thể do quá đột ngột, khi cô ngẩng đầu nhìn lên, bất chợt cảm nhận khoảng cách giữa hai người chỉ cách nhau một tấc. Gương mặt Giản Triệt thoáng ngượng ngùng.
Hiểu Khê biết mình nên giả bộ xem như không biết chuyện gì vừa xảy ra, không nên suy nghĩ lung tung, nhưng không hiểu sao cô không thể kiểm soát được mình để không nghĩ đến chuyện lần đó, cái lần bấn loạn đó, cái lần bối rối đó…
Giản Triệt từ từ xoay đầu đi. Cô vẫn nhìn anh không rời mắt. Giản Triệt ho nhẹ: “Hiểu Khê, em hiểu chưa?”
Hiểu Khê bỗng giật mình: “A…!”. Cây viết trên tay cô chọc vào mặt cô đau điếng, đau đến nỗi mắt cô đã ngấn lên trong khóe mắt…
Hiểu Khê tỉnh dậy cũng là lúc đồng hồ điểm một tiếng đã trôi qua. Thời gian ôn tập dành cho cô đã hết. Cô cũng chẳng còn tâm trí để mà ôn tập nữa, chẳng thà ngồi ở ghê salon để nghe Hạo Tuyết lách chách tâm sự với Giản Triệt còn hơn.
Hạo Tuyết bỗng nhớ ra một chuyện vô cùng quan trọng: “Anh Giản Triệt, em nghe bên ngoài người ta đang nói với nhau là một tuần nữa sẽ có triển lãm tranh của anh, đúng vậy không ạ?”.
Triển lãm tranh? Triển lãm tranh của Giản Triệt? Hiểu Khê tò mò nhìn anh.
Giản Triệt cười: “Đó là triển lãm tranh của mấy người bạn anh. Chỉ là vì tác phẩm của họ hơi ít, nên họ muốn anh tham gia cùng thôi. Không phải triển lãm tranh của riêng anh đâu”.
“Thế à?”, Hạo Tuyết vẫn sung sướng ba hoa, “Thế mà bên ngoài họ chỉ nhắc mỗi tên anh thôi, giá vé trở nên vô cùng đắt đỏ. Hay là bọn họ đang lợi dụng anh nhỉ?”
Giản Triệt cười bao dung: “Thực ra mấy người đó rất có tài năng, chỉ vì người ta chưa mấy có tiếng tăm thôi. Nếu anh giúp họ tổ chức được một buổi triển lãm thành công thì có gì đáng ngại đâu?”.
Hạo Tuyết nhìn người rất ngưỡng mộ: “Anh Giản Triệt, anh thật là một người tốt hiếm thấy trong thiên hạ”. Rồi cô bé nghĩ ngợi gì đó, hai mắt bỗng sáng lên: “Vậy các tác phẩm của anh chắc đã vẽ xong hết rồi phải không? Anh có thể để ở đây không? Cho em và chị Hiểu Khê thưởng thức trước được không?”
Hiểu Khê cũng phấn khích, hùa theo: “Phải đấy, anh Giản Triệt. Xưa nay em chưa lần nào được nhìn thấy tranh anh vẽ cả. Em cũng muốn xem lắm!”.
“Sao kia?”, Hạo Tuyết ngạc nhiên: “Chị Hiểu Khê cũng chưa bao giờ được nhìn thấy tranh của anh Giản Triệt ư? Thật là mất nửa cuộc đời đấy. Tranh của anh Giản Triệt là quốc bảo đấy chị ạ”.
Giản Triệt gượng gạo cười: “Tiểu Tuyết, báo chí nói lung tung thôi, thế mà em cũng tin à?”
“Em tin chứ!”, Hiểu Khê lanh chanh trả lời thay, “Không phải là tin báo chí, mà là tin dù anh Giản Triệt làm chuyện gì cũng đều xuất sắc cả”. Hạo Tuyết vỗ tay hưởng ứng, nắc nỏm: “Chị Hiểu Khê nói thay cho em rồi đấy!”.
Hiểu Khê chớp chớp mắt: “Anh Giản Triệt, anh cho em thưởng thức tranh của anh đi. Cho dù chưa chắc em sẽ hiểu những gì anh vẽ”.
Giản Triệt rất vui, ánh mắt rạng ngời. Anh nhìn Hiểu Khê: “Thôi được, để anh đi lấy vài bức ra nhé”. Nói xong, Giản Triệt đứng dậy đi vào một căn phòng nhỏ.
Hạo Tuyết la lớn: “Anh Giản Triệt, đó là phòng vẽ của anh à? Em muốn vào xem!”. Nhanh như cắt, Hạo Tuyết rượt theo.
“Tiểu Tuyết. Em đừng…”, Giản Triệt muốn ngăn cô bé lại, nhưng không kịp nữa.
Tiếng thán phục của Hạo Tuyết vang lên từ trong phòng: “Chao ôi! Nhiều tranh vẽ quá! Đẹp quá! Chị Hiểu Khê ơi, mau vào đây”.
Hiểu Khê không tránh khỏi hiếu kỳ cũng đứng dậy vào phòng.
Phòng tranh của anh không lớn lắm, nhưng trên tường được treo kín tranh, dưới đất cũng đầy tranh. Điều gây chú ý nhất trong gian phòng là cái giá vẽ được để ngay trung tâm, trên giá được phủ một miếng vải, làm cho bức tranh được giấu bên trong thêm phần bí hiểm.
Hiểu Khê ép mình không được chú ý vào cái giá vẽ đó. Đôi mắt cô chuyển hướng lên những bức tranh hoàn chỉnh đang được treo trên tường. Những gì Giản Triệt vẽ đều là phong cảnh, rất đẹp, rất thanh bình. Những phong cảnh anh vẽ đẹp đến nỗi chẳng hề giống cảnh của nhân gian, mà y hệt thiên đường, khiến người xem phải khao khát, thèm muốn được đặt chân đến…
Nhìn ngắm một hồi, cô bắt đầu chú ý đến tranh ở dưới đất. Những tác phẩm vẫn là phong cảnh, vẫn đẹp, vẫn ẩn chứa nhiều thi vị làm người xem phải cảm thán. Trong các bức tranh đó có ẩn nấp một chút gì ưu tư, nhẹ nhàng như những cánh hoa tuyết, nhưng thổi mãi vẫn không đi. Chúng lạnh lùng ở lại, như muốn hòa tan vào tranh vẽ. Hòa tan rôi lại để lại một chút cô đơn không thành hình, thành dáng.
Hiểu Khê bất giác lo sợ, không dám nhìn nữa. Đôi mắt cô vừa ngước lên đã chạm phải luồng mắt của Giản Triệt. Anh đang chăm chú nhìn cô, đôi mắt đượm nét cô đơn, y hệt nỗi cô đơn trong các bức tranh. Tim Hiểu Khê bỗng đập mạnh, cô thì thầm: “Anh Giản Triệt…”
Giản Triệt vẫn đứng bất động, nhưng rồi nhanh chóng khuấy động lại không gian bằng nụ cười của mình. Nụ cười vẫn ấm áp, làm Hiểu Khê nghi ngờ cảm nhận của cô từ các bức tranh ban nãy là nhầm tưởng.
“Anh Giản Triệt!”, Hạo Tuyết bắt đầu lên tiếng: “Tranh của anh, bức nào cũng thích cả. Sao anh có thể vẽ được đẹp như thế nhỉ?”
Giản Triệt cười mỉm: “Chỉ là rảnh rỗi nguệch ngoạc vài đường cho vui thôi”.
“Nhưng cũng đã thể hiện tâm trạng của anh rồi.” Hiểu Khê dán mắt vào anh, gắng phát hiện ra điều gì. “Gần đây anh có chuyện gì không vui à?”, cô đeo bám.
Giản Triệt lại cười, nụ cười thật phức tạp: “Những cảm xúc mà bức tranh đem lại, không chỉ liên quan đến tâm trạng của tác giả, mà còn liên quan đến tâm trạng của người xem nữa”.
Hạo Tuyết ngơ ngác nhìn hai người: “Mọi người đang nói gì thế? Sao em không hiểu nhỉ? Có ai không vui chứ? Không vui sao không đến tìm em chơi?”.
Hiểu Khê nghi ngờ: “Cứ tìm em là sẽ vui sao?”.
“Đương nhiên là thế rồi!”, Hạo Tuyết vỗ ngực tự hào. “Em có thể nói chuyện với mọi người, đi dạo phố, ăn cơm. Em còn có thể kể chuyện cổ tích, bày trò chơi, nhảy múa, hát hò nữa. À, em còn có một tuyệt chiêu nữa, không tin để trình diễn ngay bây giờ cho mọi người thấy nhé. Ngày xửa ngày xưa có…”
Gian phòng bỗng chốc biến thành sân khấu hài kịch của riêng Hạo Tuyết. Hiểu Khê hối hận vì đã nhắc đến hai chữ “không vui”, để bây giờ phải ngồi nghe các câu chuyện của cô bé, còn phải gắng cười nữa, nụ cười mới gượng ép làm sao!

Hết chương 6