iếng còi xe bấm ở ngoài, Miên nhét vội lá thư của Kha vào ví tay rồi đi ra. Chiếc xe du lịch hạng lớn sơn màu vàng xám và có hàng chữ cùng dấu hiệu của thủy quân Mỹ đã đợi nàng trước cổng nhà thương. Nàng chỉ vừa kịp đóng cửa, chiếc xe đã rồ máy vút về trại tạm trú của đồng bào di cư, phía ngoại ô Hải Phòng, sát bên đường số 5. Tới cổng trại Miên xuống xe, có tiếng động miên man chát chúa nhưng thân mật trên đỉnh đầu: đó là chiếc phi cơ trực thăng của Hải quân Mỹ đương bay trên vùng trại phun thuốc DDT xuống. Miên tung tăng tới khu Bệnh viện của trại giữa vùng hương nồng thuốc sát trùng. Nàng mở ví nhìn lá thư của Kha lần nữa. Một quân nhân Mỹ cao lênh khênh từ trong leu Y tế bước ra, trên vai y có con vượn nhỏ, chân dài ngoẵng, lông đen đốm trắng. Người lính chào Miên thân mật bằng tiếng Pháp, nàng đáp lại cũng bằng tiếng Pháp. Câu chuyện giao dịch hàng ngày giữa nàng với vị bác sĩ quân y trẻ tuổi Mỹ cùng hai người quân nhân giúp việc ông đều dùng tiếng Pháp làm trung gian. - Bác sĩ đến chưa anh Larry? - Bác sĩ đương chờ cô, mời cô vào. Miên xuống làm việc tại nhà thương Hải Phòng được hơn hai tháng thì bắt đầu cuộc di cư. Thoạt là hàng vạn người từ các ngả nội địa đổ về Hải Phòng, tự dựng lấy lều bằng chiếu hay vải bạt la liệt khắp các đường phố. Cảnh đó thê thảm và kêu gào cấp cứu như hệt cảnh năm đói - 1945 - dân chúng từ vùng quê đổ về thành thị, tuy nhiên lần này người dân Hải Phòng cũng như bất cứ người ngoại quốc nào - lính Pháp, lính Mỹ - đều nhận thấy trên những gương mặt thiểu não đó còn gờn gợn một cái gì khó tả, một sự nhẫn nại mệt mỏi nhưng dai dẳng, một nguồn nghị lực vừa bị phạt chém cho tan tác nhưng không chịu tàn lụi. Chính cái vẻ đặc biệt đáng kính ấy đã khiến ủy Ban Di Cư Hải Phòng bỗng có bộ mặt một ủy Ban Di Cư quốc tế với sự trực tiệp giúp đỡ của Hải Quân Hoa Kỳ, của cơ quan Ngoại Viện Hoa Kỳ, của số lính Ma Rốc trong quân đội Liên Hiệp Pháp (những người lính da đen này tới giúp việc dựng lều). Thế là trại tiếp cư đầu tiên được thành lập làm nề nếp cho nhiều trại kế tục. Chỉ một tháng sau cả một khoảng đồng ruộng mênh mông và tương đối khô ráo vùng ngoại ô Hải Phòng, bên lề quốc lộ số 5, biến thành một thành phố lều, đó cũng là một thứ thành phố nằm trong một tình trạng đặc biệt. Bác sĩ bệnh viện giám đốc Hải Phòng vốn biết đức tính tận tụy của Miên bèn cử nàng đến khu Bệnh viện của trại này để phụ tá cho vị bác sĩ quân y trẻ tuổi người Mỹ do Hạm Đội Thái Bình Dương (đậu ngoài khơi vịnh Hạ Long) cử vào. Đồng bào di cư ngày một tới đông, gặp khi lều mới chưa kịp dựng, họ đành chen chúc trên trăm người trong một lều cũ, tuy vậy nhờ cách tổ chức đã có nề nếp hợp lý nên sự tiếp tế không đến nỗi khó khăn cho lắm và về y tế thì chỉ cần chịu khó, không biết mệt - hai đức tính này Miên có thừa - là có thể tuần tự thăm nom, săn sóc bệnh nhân đến người cuối cùng đầy đủ và kỹ lưỡng từng ngày. Đặt người đúng chỗ, công việc trôi nhẹ như con thuyền thuận dòng và xuôi gió. Sự tận tâm săn sóc không biết mệt của Miên còn là hình ảnh của câu “máu chảy ruột mềm” dưới con mắt quan sát đầy thiện cảm của vị bác sĩ Mỹ. Thoạt mấy ngày đầu ông hỏi Miên: “Cô đã mệt chưa?” Rồi mấy ngày sau câu hỏi trên chuyển thành: “Cô không mệt chứ?” Khi thì Miên trả lời: “Thưa ông chưa ạ”, khi thì là câu trả lời thầm lặng bằng nụ cười minh mẫn và tia nhìn dịu dàng tỉnh táo. Kha trên Hà Nội vẫn viết thư đều xuống cho nàng. Mặc dầu trong thư Kha vẫn gọi nàng bằng “cô” và xưng “tôi”, mặc dầu lời lẽ trong thư tuyệt nhiên không hề đả động đến tinh yêu, nhưng vẫn có cái gì bàng bạc mách cho nàng hay Kha đã là của nàng. Cô Miên, Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đến lượt Hà Nội bị tiếp thu. Chuyến này tôi về thăm làng lần cuối rồi xuống Hải Phòng đợi cô cùng vào Nam. Nhìn cảnh Hà Nội hoang vắng tôi lại nghĩ đến cô từng ao ước được thăm khu rừng lau trên núi sáng, Bỉnh Di. Cô còn nhớ chứ, màu xanh cẩm thạch dạt dào hay màu tím phớt vào mùa hoa, cả hai màu đều làm cho khu rừng xa đẹp một vẻ đẹp hoang đường. Tôi vẫn nghĩ rằng mọi người chúng ta ai cũng mang trong lòng một khu rừng lau. Có kẻ chẳng bao giờ đạt tới, có kẻ đạt tới rồi hủy hoại chính khu rừng đó như chuyện con chó ngu xuẩn thả mồi bắt bóng. Tin tức và hình ảnh đồng bào khắp nơi vượt mọi gian lao để tới Hải Phòng đã được phổ biến khá sâu rộng tại bất cứ nơi đâu còn là đất quốc gia đặc biệt những hình ảnh sỉ nhục cho ông Hồ đã đăng tải trên các tạp chí lớn bên Âu châu và Mỹ Châu; đó là những hình ảnh hàng ngàn người xuất hiện trên bãi bể Bùi Chu, hình ảnh họ kéo lê chiếc bè lao vào lớp sóng bạc đầu, hình ảnh họ chen chúc trên chiếc bè mong manh, đàn bà phải đứng bế con, ống chân ngâm dưới nước quên mỏi, nhưng phần người bên trên thì rét run, đàn ông khom lưng cố chèo ra khơi cho kịp ngưỡng chuyến tầu đương thân ái há mồm đợi đớp lấy họ rồi xả hết tốc lực ra khơi xa nữa đề chuyển họ sang những vận tải lớn hơn... Ông Hồ ngày nào quy tụ nơi mình tất cả nguyện vọng nồng nhiệt quốc gia để đốt cháy thực dân trong lò lửa kháng chiến, hình ảnh buồn thảm đến kinh hoàng của cuộc di cư ngày nay cho chúng ta thấy họ Hồ đã tự đốt khu rừng lau mà y có diễm phúc đạt tới. Thôi chúc cô mạnh, tôi sẽ xuống Hải Phòng một ngày gần đây. Ký tên Kha. Một chú bé giúp việc liên lạc trong trại tiếp cư bỗng vén cửa lều ló đầu vào nói: - Chị Miên có người nhà. Như bị điện giật Miên vùng đứng dậy, không kịp xỏ chân vào guốc, nàng chạy thẳng ra cửa lều: -Anh Kha! II Ông Hạo hôm đó lom khom tiễn Kha ra tận đầu làng. Đúng lúc hai chú cháu từ biệt, ai cũng ngại cất lời trước, thì ông Hạo bỗng chỉ người đàn bà đương từ trong làng rảo bước ra, ông nói với Kha: - Kia cô cả Dinh kìa, anh giáo! Kha nhớ ngay đến cô nàng dâu góa của ông bà cả Bê, cô cũng là người làng nên Kha biết, chàng vui vẻ chào và hỏi trước: - Chị còn nhớ em không? - Chú Kha! - Em được biết chị đã xuống buôn bán ở Hải Phòng. Vâng hôm nay tôi về thăm cháu một lần nữa và chào thày u tôi (chị lau nước mắt). Kha lái sang chuyện khác: - Mai em cũng xuống Hải Phòng chị ạ. - Vậy a, chú định ở đâu? Nhà ở dưới đó giờ đây thiếu gì, em thuê một gian ở tạm cho đến ngày xuống tàu hay lên phi cơ. Chú về ở nhà tôi. Nhà tôi thuê đã trả hết tháng, chủ nhà ở lại mà chúng tôi thì vào Nam trong tuần này. Chú có thể ở nhà đó cho đến cuối tháng, đằng nào tiền thuê tôi cũng trả rồi. Nhân đương đà vui câu chuyện, Kha cúi chào ông Hạo: - Thôi chú về, cháu đi. Ông Hạo chớp mắt, “tuổi già hạt lệ như sương” ông không khóc nhưng giọng nghẹn ngào: - Chúc anh lên đường mạnh giỏi. Cô cả Dinh thông cảm ngay tình cảnh độ bèn kéo tay Kha và nói lớn: - Thôi chị em mình đi ngay cho kịp chuyến xe điện sấp tới kìa. Kha xuống Hải Phòng tìm tới địa chỉ cô cả Dinh, nay đã là bà hai Chí (tên người chồng mới), để va-li ở đó rồi đến nhà thương Hải Phòng ngay, nơi đây người ta chỉ cho chàng đường tìm đến nơi Miên làm. Sau tiếng reo vui thất thanh “Anh Kha” của Miên giữa khoảng vắng lặng buổi trưa cuối xuân, hai luồng điện khao khát bất chợt gần nhau, tiếng sét đòi được nổ, Kha giơ hai cánh tay đón Miên chạy tới, họ ôm ghì lấy nhau. Chú bé liên lạc hốt hoảng bỏ đi, nhưng còn ngoái cổ lại nhìn thêm một lần nữa chân vấp phải cọc lều. Tâm hồn Kha vừa bị lửa bỏng biệt ly, giờ đây Kha chạy tới Miên như chạy vào bóng cây và hơi nước (chàng chạy vào ẩn trong Eternel Féminin). Chàng ôm thân hình hiền thục đó, chàng cúi xuống hôn nhẹ nhàng lên trán nàng, chàng cúi xuống thấp hơn dè dặt tìm đôi môi Miên. Miên cũng chỉ để cho chàng lướt trên đó một chút, nàng vội quay đi áp má lên vai chàng. Bàn tay Kha lần vào một ngón tay Miên và nói khẽ bên tai nàng: - Em còn nhớ, ngón tay này xưa có chiếc nhẫn saphir. Miên ghì chặt lấy chàng, giọng nàng thanh như tiếng chim nhưng thảng thốt nghẹn ngào như một linh hồn biết khóc: - Khu rừng lau của em! Khu rừng lau của em! III Sau Hà Nội đến Hải Dương bị tiếp thu. Giờ đây đứng ở trại tiếp cư Miên có thể nhìn thấy bức màn tre phía xa với sẳc cờ dựng lên đỏ màu máu, thấp thoáng màu vàng sảo quyệt của ngôi sao chính giữa. Thật ra Miên nào ngờ còn một lần bị cướp đoạt. Ba tuần lễ êm đềm sống gần người yêu, Miên vẫn ở trong khu nhà thương Hải Phòng, sớm sớm xe Hải Quân Mỹ tới đón đưa vào trại tiếp cư, Kha vẫn một mình ở căn nhà của vợ chồng Chí để lại, nhưng chiều chiều hai người gặp nhau, đưa nhau đi ăn cơm, rồi tay trong tay âu yếm, chàng đưa nàng về đến cổng nhà thương. Họ đã quyết định vào Nam thì nói rõ với Hiển và ngày nghỉ phép mãn khóa của Hiển sẽ là ngày làm lễ thành hôn của họ. Mười một giờ trưa hôm đó Kha còn nằm dài trên giường, có tiếng gõ cửa: -Ai? - Em! Kha đứng dậy mở cửa cho Miên vào. - Sao em đến được đây vào giờ này? Em được bác sĩ giám đốc bệnh viện cho nghỉ hôm nay để chuẩn bị mai lên đường vào Nam. - Ồ, bất ngờ nhỉ. Mai có chuyến tàu di cư, bệnh viện Hải Phòng được lệnh cho chuyển trước vào Nam một số dụng cụ, bác sĩ giám đốc chỉ định em cùng mội số cô bạn nữa đi theo những dụng cụ đó. - Ai thay em ở trại tiếp cư? - Hai nữ y tá khác. - Thế thì làm sao anh xin được vé tàu để vào cùng em? Em định chiều nay xin thẳng điều đó với bác sĩ giám đốc. Em nhận anh là... người nhà. - Liệu ông ta có chịu? Để em phải vật nài anh không thích. - Thì em cũng... Tiếng gõ cửa làm Miên ngừng nói. Kha hơi ngơ ngác vì chàng có quen ai ngoài Miên ở Hải Phòng này? Chàng cất tiếng: - Ai, cứ vào. Cánh cửa mở. Lời nói đương thành hình bỗng tan biến trong cổ họng Miên, và đôi cổ tay Kha vô tình giật lên sững sờ: “Vân!” Kha buột miệng: - Vân xuống đây bao giờ? Vân khẽ cúi chào Miên và đáp lời Kha: - Em vừa mới xuống tới đây. Lúc đó Kha mới nhận ra dứới chân Vân còn chiếc va-li màu cánh gián. Giác quan thứ sáu sui Vân nói thêm: - Mẹ em vừa mệt nặng! Nàng đã không nói dối. - Thế bác đâu? Giác quan thứ sáu giúp Vân đáp lững lờ: - Mẹ em đã khá nhiều. Nàng vẫn không hề nói dối. Miên đã quyết định, nàng nói tới Kha: Nếu chiều nay em không lại, ấy là bác sĩ giám đốc cẩn thận không ưng bảo đảm người lạ mặt, lúc đó anh nên ra tòa thị chính... Cũng với giác quan thứ sáu, Miên chỉ nói lửng có thế, Miên không muốn nói rõ hơn trước sự hiện diện của Vân. Miên không muốn nói rõ hơn vì nàng còn sẵn sàng chịu thêm một lần thử thách nữa, để Kha được tự do quyết định. Nhưng cũng giác quan thứ sáu Vân đối phó nhẹ nhàng lại với Miên, cốt làm nhẹ phần trách nhiệm cho Kha, nàng cúi xuống xách va-li nói với Kha: - Em tạt vào thăm anh một chút, giờ đây em phải trở về nhà cô bạn. Chào anh. Vân hướng về phía Miên. Đôi bên cùng nhìn nhau dịu dàng và lễ độ giây lâu rồi Vân khẽ cúi đầu: - Chào chị. Miên chỉ kịp đáp lại một câu “chào chị”, Vân đã xách va-li quay ra đường, đặt va-li xuống sàn một chiếc xích lô vừa đạp tới, bước lên ngồi và nghiêng đầu về phía sau nói với người phu tên đường phố. Miên nói với Kha: - Em phải về nhà thương ngay, còn thu xếp bao nhiêu thứ. Miên đi vút ra ngoài không chú ý lời nghe Kha dặn với. Nàng lên một chiếc xích lô khác. Kha không biết làm gì, cũng thay quần áo ra phố nhưng không ăn trưa như mọi khi, mà đi chán rồi trở về nằm trên giường, không thấy đói. Sao Vân lại xuất hiện bất ngờ thế được? Nàng xách va-li đến nhà người bạn nào? Hai giờ chiều, Kha chắc là Miên hôm nay không làm việc ở trại tiếp cư nữa nên thuê xe đến tìm nàng ở nhà thương Hải Phòng. Bè bạn nói là không biết nàng đi đâu. Sự thực Miên đoán trước Kha thế nào cũng đến tìm mình tại đây nên mọi công việc thu xếp nàng nhờ các bạn làm giúp, nàng tự ý đến trại tiếp cư tiếp hai người bạn mới. Nàng nói với bác sĩ người Mỹ là nàng muốn giúp hai người này cho thật quen việc. Tình ý giữa Kha với Vân trước đây, rồi những ngày Vân về Hà Nội, làm sao mà Miên không biết? Nàng nhất định nhận lần thử thách tối hậu này, nàng nhất định để cho Kha hoàn toàn tự do. Buổi chiều Kha đến nhà thương một lần nữa, Miên chưa về. Kha hiểu Miên lắm! Khoảng sáu giờ sớm hôm sau, đoàn xe chở đồng bào di cư từ trường tiểu học Ngô Quyền rần rần ngang qua nơi Kha ở đánh thức chàng dậy. Đó là chuyến xe cuối cùng, chuyến đầu khởi hành từ ba giờ sáng. Kha vội vã trở dậy rửa mặt đánh răng thay quần áo rồi thuê xe đến thẳng Vật Cách. Quá muộn rồi, đồng bào đã được những chiếc tàu há mồm LCT chở ra khơi gần hết. Dụng cụ nhà thương và nhân viên y tế được hưởng ưu tiên xuống chuyến tàu đầu tiên từ lúc trời chưa mờ sáng. Kha băn khoăn trở lại thành phố, lang thang giữa đám đông để những âm thanh và màu sắc làm bận giúp tâm trí chàng. Cũng có thể để may ra gặp Vân! Vì sao người con gái ấy, người đàn bà ấy, đột nhiên xuất hiện với chiếc va-li màu nâu? Kha rẽ vào một tiệm đông nhất phố Đông Kinh, ăn sáng. Rồi chàng đi bộ về nhà, mở cửa bước vào. Một cánh thiếp trắng đập vào mắt chàng trên nền gạch hoa. Chàng cúi vội xuống nhặt, và biết là của ai rồi. Anh “Chiều nay hồi bảy giờ anh chờ em ở cầu Ngự” Em