Phần II
Chương 14
XIẾC HỮU MAI HỀ
I

    
ác ông Hoạch, Lễ, Thuật tuy là ba anh em ruột mà riêng ông Lễ hoàn toàn thiếu tình mẫu tử chẳng khác gì đứa con côi. ông Lễ sinh sau ông Hoạch một năm, lần đó bà cụ đẻ ngược xuýt nguy đến tính mệnh cho nên kể từ ngày được sinh ra cho đến ngày khôn lớn, ông Lễ bị mẹ coi như kẻ tử thù. Cụ gọi ông là “thằng bán nhà”! Ý chừng cụ còn muốn gán thêm cho ông Lễ một tội tiên đoán nữa và cũng bất hiếu ngang với tội xuýt làm cụ thiệt mạng: tội bán nhà của cha mẹ! Bảy năm sau có mang lần thứ ba được bốn tháng thì chồng mất, cụ đổ diệt ngay lên đầu ông Lễ có cái số sát cha, cảnh mẹ góa con côi mà cụ phải chịu chính là do hung tinh của “thằng bán nhà” mà ra. Nói vắn tắt hễ trong gia đinh xảy ra điều gì không may, cụ đều quy ngay tội đó lên đầu “thằng bán nhà”.
Vì “thằng bán nhà” mà cụ buôn bán thua lỗ.
Vì “thằng bán nhà” mà thằng Cả (Hoạch) thi lận đận. Hoạch đương học chữ nho nuôi ông nghè ông cống, thì Chính phủ Bảo hộ bãi bỏ trường thi, Hoạch xoay sang học chữ Pháp, thi đến ba lần mới đỗ xong bằng cơ thủy để lên trung học, mà rồi việc học cũng dở dang.
Vì “thằng bán nhà” mà thằng Ba (Thuật) ốm đau quặt quẹo luôn.
Trong khi “thằng Cả” và “thằng Ba” được cụ chăm nom cho cắp sách đến trường thì cụ làm thinh để mặc “thằng bán nhà” (không bao giờ cụ gọi Lễ là thằng Hai) phải làm đủ các công việc vặt như một anh đi ở đợ.
Phải ghi chú thêm là thực tình cụ không hề có ác ý hành hạ thể xác “thằng bán nhà”, cụ chỉ chưởi mắng và nói cho sướng miệng. Việc Lễ sau này có đọc và viết được chữ quốc ngữ là do Lễ học lỏm vào những ngày giờ nhàn rỗi.
Năm 1921, Hoạch hai mươi tuổi tham gia một phong trào cách mạng mới manh nha, do một số nhà nho đã chịu ảnh hưởng tân học lãnh đạo. Lộ tung tích, Hoạch bị thực dân bắt. Thương và lo cho con, cụ khóc đến một tháng giời khản cả tiếng. Lẽ cố nhiên cụ lại đổ hết trách nhiệm về biến cố đó lên đầu “thằng bán nhà”. Cụ đay nghiến Lễ:
- Mày là đàn ông mà như con Phàn Lê Hoa xưa “chu huynh sát phụ”! Mày làm khổ bà đến thế nào nữa, thằng kia?!
Lễ quả cũng oan như Phàn Lê Hoa. Một năm qua, Hoạch vẫn chưa được thả, cụ càng dày vò Lễ, “thằng bán nhà chu huynh sát phụ”. Tuy lớn tuổi nhưng Lễ đã quen bị hắt hủi từ bé nên không hề có phản ứng gì trước những lời buộc tội bất công của mẹ!
Mùa gặt tới, các cô gái xứ Bắc lũ iượt sang gặt thuê. “Gia cầu vồng Yên thế, gái Nội Duệ Cầu Linh”! Lễ gặp một cô gái Nội Duệ cầu Lim trong mùa gặt năm đó, đôi mắt sắc như dao cau, nụ cười tươi tắn với hàm răng hạt huyền. Đôi bên yêu nhau. Cô gái tiếp tục sang các làng lân cận gặt thuê, nhưng đôi bên vẫn giữ vững liên lạc và đêm đêm Lễ trốn mẹ lẻn ra khỏi nhà đi tắt cánh đồng - có khi máy cánh đồng - dưới ánh trăng non, dưới ánh trăng rằm, dưới ánh trăng suông, hay trong bóng tối chập chùng, tới nơi hò hẹn gặp người yêu. Một tháng qua, mùa gặt hết, Lễ đánh bạo mang My - tên cô gái - về ra mắt mẹ, rồi sau đó ngỏ ý xin mẹ cho phép lấy My làm vợ.
Cô gái xinh ròn và đảm đang xứ Bắc không vừa ý cụ chẳng hề lỗi ở cô mà chỉ giản dị vì cô là người yêu của “thằng bán nhà”. Cụ cương quyết từ chối. Lễ thưa thêm với mẹ: My mồ côi cha mẹ từ sớm, anh trên chả có em dưới thì không, My hiện ở với ông cậu, nếu mẹ ưng thì My về ở luôn với Lễ, My theo không, mẹ không tốn kém gì hết (Lễ biết thân biết phận lắm!) Cụ càng lôi đình thịnh nộ, cụ xỉa xói vào mặt Lễ mà cụ bảo là: “Mày lại trứng khôn hơn vịt với bà à”, cụ xỉa xói về phía cửa ngõ - nơi ban sáng My vào rồi ra- và gọi My là tuồng “mèo mả gà đồng”.
- Mày muốn theo con đĩ - cụ kết luận đanh thép - thì cuốn xéo khỏi nhà bà!
Buổi sớm dậy, cụ đứng ờ giữa sân gọi đã mỏi miệng mà vẫn không thấy "thằng bán nhà” thưa để còn theo cụ đi thăm đồng. Có sức lực lại không lười, nó có bao giờ ngủ trưa như vậy? Cụ vào buồng, ổ rơm không có hắn nằm, quần áo của nó không có chiếc nào vắt trên giây thép, cụ hiểu ngay cơ sự: “thằng bán nhà” đã bỏ nhà ra đi từ đêm hôm qua. Thốt nhiên cụ cảm thấy tâm hồn trống rỗng và lòng quặn đau y như ngày nào thằng Cả bị mật thám ập tới bắt, cụ ôm mặt không kìm được hai tiếng “con ơi” thốt ra khỏi miệng.
My đã có mang với Lễ - (sinh ra Hiển sau này) - trong vụ gặt vừa qua. Nàng quyết tình theo Lễ, hai người hẹn đúng ngày giờ cùng khăn gói trốn nhà rồi đưa nhau ngược đường lên huyện Lập Thạch (Vĩnh Yên) dựng túp lều tranh sinh sống tại làng Hạc Thủy, ngày ngày thức dậy từ sớm - mùa hè cũng như mùa đông - đi vào rừng đốn củi làm than rồi đợi ngày phiên chợ - ngày bốn, ngày chín - gánh than đi bán.
May sao Lễ vừa ra đi ít bữa thì Hoạch được tha về. Thoạt cụ chắc mẩm Lễ sẽ quay lại, lần này cụ sẽ sẵn sàng thương cả hai (thằng bán nhà và con mèo mả gà đồng) nhưng rồi tháy ngày một bặt tin thì cụ hiểu rằng con giun xéo lắm cũng quằn và Lễ đã cương quyết ra đi không hẹn ngày về nữa.
Tám năm qua! Bây giờ cụ càng thấy thương Lễ. Đã có một chiều ba mươi tết, xụp lễ trước bàn thờ ông bà ông vải đèn nến sáng choang, cụ khấn xin hương hồn chồng run rủi cho Lễ quay trở về, sau đó cụ ra ngồi ngoài hiên thẫn thờ nhìn về phía cửa ngõ rồi lơ đãng hỏi Hoạch: “Không biết thằng Hai bây giờ nó ở đâu con nhỉ?”
Nỗi buồn chồng chất không có cách gì làm cho khuây khỏa được. “Có thể là - cụ nghĩ - thằng Hai đã chết đường chết chợ rồi!”
Đã mấy lần cụ định giạm vợ cho Hoạch, Hoạch nhất định từ chối. Không phải là ông còn hoạt động cách mạng nhưng hình ảnh cùm kẹp, tù đầy còn nóng hổi trong óc, ông tưởng chừng lũ chó săn thực dân có thể xổ tới bất cứ lúc nào bắt ông đi, ông không muốn dính líu vào cảnh vợ con làm khổ lấy đến người khác. Tự nhiên sang năm 1928 ông xin mẹ hỏi cho cô con gái trưởng của cụ Huấn đạo làng bên. Cụ Huấn nguyên là lãnh tụ của ông, sau đó cụ Huấn tiếp tục hoạt động và trở thành một trong những lãnh tụ đảng Tân Việt đã ngầm tổ chức những cuộc bãi khóa và những cuộc biểu tình vào dịp đám tang cụ Phan Chu Trinh mấy năm trước đây. Cụ bị thực dân huyền chức, trở về quê sống túng bẩn và đau ốm luôn, ông Hoạch xin làm rể cụ để thầy trò được gần nhau và do đó an ủi thầy đôi phần. Nhưng bệnh tình cụ chợt nặng bất ngờ và mất ngay để lại cụ bà và hai cô gái. Cụ bà vốn là trưởng nữ một vị án sát, sống đài các từ nhỏ, mặc dầu nhà túng bẩn cụ vẫn giữ trọn vẹn nếp sống đúng với câu “giấy rách giữ láy lề”. Tại làng có một khu bãi rộng, bên Đạo thoạt cho xây tường giễu xung quanh dự định làm khu nghĩa địa riêng cho những người Gia Tô giáo, sau đến mấy vị hưu quan thất tộc, an táng vào đó, người làng bèn đặt cho cái tên là nghĩa địa Tây, ngầm ý chỉ những người giàu sang và thế lực như Tây mới chôn ở nơi này. Có lần cụ bà lên Hà Nội gặp một đám ma Tây, thấy đám đầm - vợ đầm - con mặc tuyền hàng đen trông nghiêm trang hẳn, cụ ưng ý lắm. Vì thế khi cụ ông nằm xuống, cụ bà nhất định bán nốt mẫu ruộng còn lại để lo ma chay thật linh đỉnh, thuê miếng đất trong “nghĩa địa Tây” làm nơi an nghỉ ngàn thu cho cụ ông; ngày đưa đám, cụ và hai cô gái mặc đồ đen tuyền để chở đại tang. Phải đợi hai năm sau đoạn tang, hai cô gái mới lần lượt về nhà chồng.
Trở lại chuyện cụ bà sinh ra ba ông Hoạch, Lễ, Thuật, chẳng bao giờ cụ được hưởng trọn niềm vui! Được thằng Cả chịu lấy vợ cho yên tề yên tất, đến lượt thằng Ba đòi đi Nam Kỳ! Ngày bé, Thuật ốm đau quặt quẹo luôn, nhưng lớn lên Thuật nuôi chí giang hồ muốn đi xa lập nghiệp. Năm 1930, Thuật vừa hai mươi mốt tuổi, đúng năm Nguyễn Thái Học cùng mười hại đồng chí lên đoạn đầu đài đền nợ nước ở rừng Yên Báy, thực dân mở một chiến dịch truy nã những người tình nghi. Thuật chắc cũng có hoạt động chút ít bèn vịn vào cớ đó xin phép mẹ đi Nam Kỳ lập nghiệp cho yên thân. Cụ vốn không quên trước đây Hoạch đã bị bắt, mà tin tức bắt bớ ở các vùng lân cận làng nhà lãnh tụ Nguyễn Thái Học thì hằng ngày cụ được nghe đồn, cụ đành ưng chọ con xa mình còn hơn ở lại mà có thể bị tù đày như thằng Cả. Nhưng khi Thuật đi rồi cụ mới hối, cụ thấy lòng đau quặn, cụ thương mình giờ đây gần như cô độc, chỉ còn vợ chồng thằng Cả ở nhà. Cụ thương thằng Ba và càng nghĩ càng thương thằng Hai tha phương cầu thực. Một năm... hai năm... cụ sống lòng nóng ruột, vì thằng Ba ra đi cũng biệt vô âm tín nốt.
Sang đến năm thứ ba, trời, cụ mới nhận được tin thằng Ba.
Trong lá thư dài đó Thuật kể lại với mẹ là năm đầu tới Sài Gòn ít bữa, cậu xin được học bổng vào trường Mỹ Thuật Đồ Gốm Biên Hòa; năm sau cậu bỏ trường Mỹ Thuật Biên Hòa, vào giúp việc một hãng thầu chuyên cung cấp vật liệu cho nhà binh Pháp, kiếm được khá nhiều hoa hồng, cậu viết thư này về xin mẹ cho phép thành hôn với một cô gái cũng là con một gia đình người Bắc vào lập nghiệp trong này trước cậu chừng vài năm. Cuối thư Thuật tha thiết nhắc đến anh Hai và hỏi mẹ đã tìm ra tung tích anh ở đâu chưa?
Lời nhắc của thằng Ba chẳng khác mũi dao lá lúa khơi trúng vết thương khép hờ trong tâm can cụ. Tiếng thở dài của cụ y hệt lời than thầm: “Hai, con bỏ mẹ ra đi biệt tích vậy sao đành, con?” Kèm theo với bức thư có chiếc hình nhỏ của “con bé”. Cụ nheo mắt ngắm nghía bức hình. “Con bé” không chít khăn như gái Bắc mà lại búi tóc củ hành phía sau theo kiểu gái Nam, khuôn mặt sáng sủa, xinh xắn. Cụ bảo Hoạch biên thư vào cho Thuật hay là cụ ưng cho Thuật lấy con bé Bắc đó. Cụ chớp chớp mắt để chạy trốn một ý nghĩa vừa thoáng hiện thành câu hỏi thầm “sao trước đây mình lại chẳng ưng cho thằng Hai lấy con bé mồ côi kia?”
Cụ ốm! Bệnh tình xem ra khó qua khỏi. Cụ thấy hiển hiện rạch ròi trong trí hình ảnh Lễ ngày nào cặm cụi quét sân, quét nhà, dọn dẹp vườn tược, theo cụ ra đồng rồi làm theo lời cụ sai: cày bừa, gieo mạ, gặt lúa, gánh lúa. Có một buổi chiều ánh hoàng hôn bừng sáng, bóng Lễ gánh hai quang lúa nặng đổ về phía sau. Thấy Lễ rảo bước quá nhanh theo nhịp kĩu kịt của đòn gánh, cụ quát: “Đi gì mà như đi ăn cướp ấy, thằng bán nhà!” Ngày nay nhớ lại, cụ bỗng thấy bóng hiếu hạnh của Lễ lớn lên rất nhanh thành khoảng rợp tựa như cỏ cái lọng lớn che cho cụ. Cụ ứa nước mắt gọi thầm: “Hai đâu, con ơi”!
Liệu chừng mẹ khó lòng qua khỏi kỳ này, Hoạch đánh điện gọi em. Vợ chồng Thuật về vừa kịp lễ phát tang. Thuật tháo vát hơn anh, lập tức cho đăng nhật trinh nhân danh Hoạch:
“ Em Lễ
Mẹ đã mất, em về ngay
Anh: Dương minh Hoạch”
Tại thủ đô Hà Nội ngày đó có ba tờ nhật báo lớn, ông Thuật cho đăng lời rao suốt một tuần ròng trên cả ba tờ báo. ông còn ở lại quê nhà thêm một tuần nữa. vẫn biệt vô ấm tín!
Cùng vợ trở vô Sài Gòn, nỗi lòng canh cánh! Ngày anh Hai bỏ nhà ra đi, ông có nhà nhưng tuổi còn con quá - mới mười ba - ông không thắc mắc gì. Đôi khi có nghe mẹ nhắc đến “thằng Hai, cậu bé Thuật chỉ coi như anh Hai mình đi làm ăn xa đâu chưa về. Dời nơi chôn rau cắt rốn vào Nam sinh cơ lập nghiệp, ông đinh ninh làm trai hữu chí cánh thành và tự hứa nếu không làm nên lớn quyết chết gửi thây nơi đồng xa đất lạ chứ chẳng báo tin cho ai hay. Tuy gan thật nhưng nhiều khi lòng quê xúc động nghĩ tới quê hương là nghĩ tới người thân, ông ôn lại cảnh anh Hai xưa bị mẹ hắt hủi đến phải bỏ nhà ra đi, lòng vô cùng thương cảm. ông càng làm ăn khá càng thấy thương anh - phú quí sinh lễ nghĩa! Bức thư đầu tiên gửi về cho cha mẹ sau hai năm xa cách, ông có tha thiết nhắc đến anh Hai là vì thế.
Sau khi thụ tang mẹ, vợ chồng ông Thuật trở vô Sài Gòn được một năm thì bà Thuật sảy thai ba tháng, ông cho đó là “vận áo xám”. Nhưng ngay sau đó ông trúng mối cao su cao giá kiếm được món lời nửa triệu bạc, bèn đứng ra mở hãng xuất nhập cảng riêng.
Được phần tài lộc kém phần tử tức, bà Thuật mang thai lần thứ hai đến tháng thứ bảy lại bị sảy.
Ồng Hoạch được tin em trong Nam làm ăn phát đạt lớn bèn bán hết nhà cửa ruộng nương ở quê nhà rồi mang vợ con vào Sài Gòn hùn vốn với em. ồng bà Hoạch khi đó đã sinh hạ được ba con, hai cô gái đầu: Hoan, Mỹ và cậu trai út, Thọ. Gia đình ông Hoạch vào tới nơi, ông Thuật tậu thêm một căn nhà riêng ở phố vắng để hai anh em cùng ở. Đó là căn nhà hai tầng số 30 đường H. Căn nhà rộng tám thước này được sửa lại: phòng ngoài cùng dưới nhà là phòng khách chung cho hai gia đình; phòng ngoài cùng trên gác là phòng học chung cho lũ trẻ, còn phân nửa bên trong là những phòng ăn ngủ được ngăn làm hai với những cửa thông ngang. Như vậy hai gia đĩnh tuy chung mà vẫn riêng. Ngày ngày tới giờ làm việc hai ông đến hãng tại đường Catinat, bàn giấy đặt ở đó.
Ông Hoạch nhận được lá thư của người trong họ cho hay “nghe đâu Hai Lễ từ ngày bỏ nhà ra đi vẫn cùng vợ ở một làng gần núi thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên - làng Hạc Thủy thì phải - cách làng nhà chừng bốn mươi cây số”. Thế là tiện một dịp vừa kinh doanh, vừa về làng trông nom việc cải táng mẹ cho yên chí, vừa đi tìm tiểu gia đình anh Hai. Lẽ ra ông Thuật định tìm tiểu gia đình anh Hai trước đã, nhưng vì công việc kinh doanh quá bộn bề nên ông tháo vát cho cải táng trước. Khi hai việc trên đã xong xuôi ông mới thong dong tìm hỏi đến làng Hạc Thủy. Tới nơi hay tin anh và chị dâu đã mất chỉ còn lại ba đứa cháu mồ côi là Hiển, Miên, Mẫn ở với bà hàng xóm nhân đức: Bà Quản Mão. ông đã đưa Hiển, Miên ra trọ học ngoài Hà Nội và mang Mẫn vào Nam nuôi cho ăn học. Mẫn khi đó lên tám. Đó là vào năm 1935, năm sau bà Thuật lại có mang, lần này cái thai đậu, bà sinh hạ ra Lê rồi bốn năm sau, Nhâm. Như vậy là có nếp có tẻ đủ cả.
Khoảng từ 1946 trở đi vì toàn quốc kháng chiến, tin tức Nam Bắc bị cắt đứt, Hiển, Miên không được biết là tới 1949, việc buôn bán đang phát đạt thì ông Thuật bị bạo bệnh mất. Mẫn vừa đỗ xong Trung học, không muốn nhờ vả người thím góa bụa, bèn xin ra ở riêng, đi dạy học tư sống đời một thanh niên tự lập. Khi đó Lê mười bốn, Nhâm lên mười. Bà Thuật tiếp tục cùng anh chồng điều khiển hãng. Mẹ góa con côi lại giầu có, lẽ cố nhiên bà thương chiều hai con rất mực, nhất là Nhâm, cậu con giai độc nhất nối dõi mai sau!
Lê ngủ giường riêng phòng, còn Nhâm lên mười tuy đã lớn nhưng vẫn được ngủ cùng giường với mẹ. Bà Thuật mỗi lần ngắm con giai lại khen đôi mắt con sáng, vừng trán con rộng và nói nựng: “Con giai má chỉ hăm bốn hăm nhăm đã ra bác sĩ nhé”.
Ông Thuật mất chưa đầy một năm, đến lượt bà Thuật thụ bệnh, cũng là thứ bạo bệnh bộc phát bất ngờ như trường hợp ông Thuật. Ngày thứ ba sau khi đã được bác sỹ đến tận nhà thăm mạch và tiêm thuốc, bệnh chuyển sang rức đầu như có búa máy bổ vào óc theo nhịp đập của trái tim. Tiếng bà rên khẽ nghe thê thảm như tiếng con vật đã bị cắt tiết, một tiếng động nhẹ cũng làm bà co rúm người lại vì bà có cảm tưởng cả một tảng đá lớn vừa từ triền dốc cao lao tới nghiền đập nát đầu bà.
Buổi tối Lê dắt Nhâm sang buồng nàng, dỗ khẽ:
- Tối nay em ngủ với chị, má mệt.
Nhâm lẳng lặng lên nằm bên Lê im thin thít, nửa giờ sau Nhâm đã ngáy khe khẽ. Trẻ con, kể cả những trẻ nhỏ tuổi mới lên một lên hai, đều được trời phú cho thứ linh tính đặc biệt biết lúc nào có gia biến, ngoan ngoãn bảo sao nghe vậy. Chính thái độ cam chịu đó làm đau lòng người lớn. Bà Thuật đau lòng, bà quằn quại thân thể như muốn tự vắt kiệt cho chảy thành suối yêu thương trút sang tràn ngập hai đứa trẻ. Đó là thứ tinh yêu thương tối hậu của con người biết rằng mình sắp lìa cõi thế. Khoảng bốn giờ sáng, Nhâm sực tỉnh ngồi nhỏm dậy. Lê vẫn ngủ chập chờn, nàng tỉnh ngay và cũng dậy theo để dỗ em. Ánh ngọn đèn đêm đầu giường rất lù mù lúc chập tối, giờ đây sáng quắc. Nàng ôm em vào lòng và khó chịu vì ánh đèn sáng quá, ánh đèn mà lúc đó nàng thấy y hệt như cái nhìn soi mói nhưng điềm đạm, lạnh lùng, phi nhân tính của một kẻ mất hết cảm xúc trước những thống khổ mênh mông và âm thầm của người đời. Lê cúi nhìn khuôn mặt em thoạt ngơ ngác dưới ánh đèn đó, bỗng môi dưới của Nhâm căng ra, môi trên dúm lại, hai mi mắt khép xuống, hai riềm lông mi đổ bóng kéo dài tới chấm giữa sống mũi, cả khuôn mặt Nhâm méo sệch với tiếng hỏi ảo não thấu hồn Lê: “Má đâu?”
Còn đâu cảnh má ngồi ngắm Nhâm khen đôi mắt sáng, khen vầng trán rộng và nói nựng: “Con giai má chỉ hăm bốn hăm nhăm đã ra bác sĩ nhé”. Giây phú êm đềm đó giờ đây Lê thấy xa xôi như hình ảnh từ kiếp nào còn rớt lại trong ký ức. Lê mới mười bốn, Lê chưa biết ví von, nhưng sau này lớn lên mỗi khi nhớ lại Lê thấy tâm trạng mình lúc đó như tâm trạng của người đi tầu ra khơi gặp bão biển, trong khi con tầu nhào lộn theo đường quặn xoáy của sóng biển thì hình ảnh đất liền mới dời cách mấy ngày trước đây chỉ còn là một hình ảnh đẹp muôn vàn xa xôi chẳng còn hy vọng gì gặp lại được nữa.
Lê ôm lấy em, kéo em nằm xuống, vừa âu yếm xoa lưng vừa đưa mắt nhìn về căn phòng im lìm của mẹ. Bỗng Lê hốt hoảng bỏ em đấy tung màn chui ra, chạy thẳng vào buồng.
Bà Thuật miệng há hốc, đôi mắt nửa nhắm nửa mở, đầu ngoẹo chệch khỏi gối, tóc xõa ra bốn bề.
Tiếng Lê hét lên trong khoảng đêm khuya ngày rạng:
-  Bác ơi, má cháu chết rồi!

II
Trước đây hồi còn ở Hà Nội rồi Hải Phòng Miên có nhận được thư Hiển tường thuật vắn tắt những cuộc gặp gỡ của chàng với họ hàng thân thích, nhưng phải đợi đến lần vào Nam này Miên mới rõ nguyên ủy về cha mẹ về chú bác như trên.
Khi chưa đến Sài Gòn, Miên nghĩ đến Mẫn là nghĩ đến Mẫn là chú em út theo ông chú vào Nam từ thuở còn nhỏ xíu. Miên còn nhớ trước khi vào Nam, Hiển hăm hở nói với nàng: “Thế nào vào tới nơi anh cũng đi tìm cho bằng được thằng chú Mẫn”. Miên thông cảm hết lòng trìu mến của anh khi thốt ra ba chữ cuối “thằng chú Mẫn”. Và chính lúc đó Miên đã mỉm cười để tự riễu vì nàng chợt cảm thấy mình như muốn ghen tị với Mẫn khi thấy con sông thương yêu của anh chuyển dòng về phương Nam.
Từ lúc Miên xuống tầu nhỏ rồi lên tầu lớn vào Nam để lại trên đất cảng Kha và Vân, Miên cảm thấy nàng như một thân cây bị chặt cụt gần hết chỉ còn nguyên một cành, bao nhiêu nhựa cây dâng lên tự các rễ cái rễ con đổ xô vào con đường độc đạo ấy mà trổ ra thành hoa thành lá. Cành duy nhất còn lại đó chính là Mẫn, mà hoa lá muốn trổ ra là bản năng làm chị làm mẹ của Miên. Vào đến Sài Gòn “chú em út nhỏ xíu” trong trí tưởnng tượng của Miên đã là chàng trai lớn quá cỡ, đã đỗ tú tài đã từng đi dạy học tư sống cuộc đời một thanh niên tự lập. Mẫn lại vừa thi đậu một học bổng đi Pháp học Thuốc vào tháng tới.
Miên nói với Mẫn:
Dầu sao chị cũng gặp em trước ngày em đi Pháp, số chị em mình cứ phải xa nhau thế này sao? Em đi Pháp chuyến này học xong Thuốc cũng phải ít nhất bảy năm nữa mới về.
Mẫn để mặc Miên nắm lấy cổ tay mình, dịu dàng an ủi chị:
Càng hay, ngày đó nước nhà đã thống nhất rồi chị ạ. Anh Hiển cũng sắp mãn khóa, chẳng hiểu anh sẽ được chỉ định đi đâu. Cô Lê nhất định mời chị về ờ cùng nhà cho có chị có em. Từ nay cho đến ngày đi Pháp em cũng về ở bên chị, chị bằng lòng chứ?
Miên chỉ biết rơm rớm nước mắt gật đầu, mãi mới bịn rịn buông tay Mẫn ra.
Lợi dụng mấy ngày nghỉ phép Miên sống gần gũi với hai bác (ông bà Hoạch) cùng các anh chị Hoan, Mỹ, Thọ. Lâu lắm... đã từ lâu lắm, ngoài miền Bắc, hai anh em nàng sống trong cảnh côi cút. Miên thực không ngờ lại có ngày đoàn tụ ruột thịt như thế này.
Một buổi chiều làm giường cho Miên xong Lê nói:
Chị ạ từ ngày bác tạm nhượng lại hãng xuất nhập cảng của gia đình cho người bạn buôn tin cẩn, em cũng thấy bác làm như thế là phải, bác đã già rồi bác cần hưởng nhàn, nhưng em muốn tự đứng ra điều khiển quá ngặt vì còn nhỏ tuổi...
-  Năm nay em bao nhiêu rồi nhĩ- Miên hỏi.
-  Em mới hai mươi chị a.
-  Giờ đây bác chỉ hùn cổ phần để chia lãi với người ta?
Vâng cổ phần của bác và cổ phần của em. Vì vậy em mới xin vào Viễn Đông Ngân Hàng làm ở ngành xuất nhập cảng. Em đâu cần số lương, trong thời gian làm ở đấy em chỉ cốt nghiên cứu học hỏi ngay tại chỗ cách thức cùng mánh lới giao dịch giữa ngân hàng với các nhà xuất nhập cảng để chuẩn bị một ngày gần đây em đứng ra điều khiển lấy hãng, nối chí ba má em.
Trong khi Lê nói, Miên âu yếm ngắm vẻ đẹp sắc sảo của Lê. Tóc Lê rủ xuống ngang vai thành từng boucles anglaises làm nổi bật khuôn mặt trái soan, nước da trắng mát của Lê, làm nổi bật đôi mắt đen bóng của nàng, đôi mắt như muốn chào đón, như muốn tỏ tình với cả cuộc đời, đôi lông mày dài của nàng sửa cho nhỏ cong màu nâu, nước da trắng của Lê càng làm cho đường cong màu nâu đó thêm nũng nịu. Miên chợt hỏi:
- Ồ thế em làm ở Viễn Đông Ngân Hàng em có biết anh Tân?
Khuôn mặt Lê chợt bẽn lẽn:
- Anh làm chủ sự ngành xuất nhập cảng, em làm việc dưới quyền ảnh.
Miên vội vã nắm chặt lấy hai cổ tay Lê:
- Anh Tân là bạn thân lắm của anh Hiển và của chị...
Lê đã gật đầu ngắt lời:
-  Em có được ảnh cho biết.
Miên hơi suy nghĩ một giây nhưng nàng vẫn tiếp:
- Anh Tân đối với em tốt chứ?
Lê gật đầu:
- Anh Tân tốt với tất cả mọi người.
“Nhất định mình sẽ tác thành Lê cho anh Tân”- Miên nghĩ thầm thế rồi nói với Lê:
Chắc là anh Tân không làm cho ngân hàng lâu đâu, đầu niên học tới anh trở lại học thuốc.
Lê gật đầu:
- Điều đó anh Tân có nói với em.
Lần này thì Miên sững sờ thật. Nàng bỗng mỉm cười sung sướng buông tay Lê ra và nghĩ thầm: “Thế thì họ còn cần gì đến bà mối nữa”.
Miên đã lần lượt gặp lại các bạn cũ ở Hà Nội xưa: Tân, Khóa, Lãng, Luận. Nàng gặp cả Khiết mới đi dự hội nghị Á Phi ở Bangdoeng về. Chỉ có Kha là còn ở lại Hải Phòng.
Khi Vân đột nhiên xuất hiện trước ngưỡng cửa, nhìn vẻ Kha sững sờ Miên đã hiểu người đàn bà đó từng thu hút trọn vẹn tâm tư Kha. Lúc đó Vân và Miên đối diện nhìn nhau khá lâu, hình như đôi bên có cúi chào nhau thì phải. Miên cũng không nhớ rõ nàng đã nhìn Vân ra sao, chỉ biết bản tính hiền hậu dịu dàng, ít khi Miên có thái độ sỗ sàng như vậy. Miên cũng đã tự hỏi chẳng biết có nên mệnh danh Vân là “người đàn bà tai ác”, vì sự thực qua đôi mắt trên khuôn mặt dễ thương của Vân có phản chiếu nhiều nỗi niềm u uẩn.
Miên tự vấn lương tâm nhiều hơn, chắc chắn Miên sẽ chẳng có lý do gì oán trách người đàn bà đó.
Miên đã bắt đầu tới bệnh viện Bình Dân làm việc như thường. Vô tình Miên đặc biệt chú ý đến những câu chuyện nhàn rỗi giữa các cô bạn đã đứng tuổi và chưa chồng. “Tao thì ly dị mày, Ngọc ơi!” “Ê này hai con ranh, chúng mày làm gì mà rập rìu như mèo đi với mèo thế?” “Con nỡm, sao mày cứ thở dài sườn sượt ra thế? - Gái thở dài giai nằm sấp mà!” Có lần nhìn một người đàn bà có mang bụng còn nhỏ mà đã mặc áo blouse, một cô bạn Miên bĩu môi dè bỉu: “Ra cái điều ta chửa với chồng ta đây!” Miên thấy rõ ràng họ thường xuyên bị ám ảnh bởi cảnh lứa đôi. Có cô bạn thực thà tâm sự với Miên là trước đây cô thích giữ collection thiếp mời dự cưới, nhưng đã một năm qua, mỗi lần nhận thiếp báo hỉ là cô vứt ngay vào sọt rác vì... “tức quá đi!”.
Những câu chuyện đó kích thích Miên khiến nàng không thể không nghĩ đến Kha, nàng ưa ôn lại cảnh hôm nào trước lều Y Tế Kha ôm nàng lần đầu, và đôi môi chàng lướt nhẹ lên đôi môi nàng. Một lần trong đêm khuya Miên đã ghì chặt chiếc gối, nhắm mắt lại, hoàn toàn giao phó. Trong thâm tâm Miên hằng nghĩ nàng đã yêu Kha đã gắn bó với Kha tự kiếp nào.
Buổi chiều hôm đó về muộn, trong khi chờ xe buýt, Miên bỗng chú ý đến một cô gái trẻ, y phục diêm dúa. Cô vừa ra cổng thì chồng chạy tới kéo cô lại. Đôi vợ chồng này chắc là vừa cãi nhau trong nhà. Người vợ trẻ đưa mắt ngượng nghịu nhìn Miên rồi gắt sẵng với chồng: “ủa làm chi mà kỳ zậy”. Người chồng vẫn cương quyết kéo cô vợ vào khiến Miên cảm thấy bất bình, nàng nghĩ thầm:”Hạng đàn ông đó chắc ban đêm họ chỉ nghĩ đến cái giường, lẽ nào đàn bà chịu ô nhục đến thế”. Xe buýt tới, đường 20 đã lên đèn, trời âm u như những ngày sang thu miền Bắc. Miên về tới nhà trời bắt đầu mưa, mưa bụi. Mẫn, Lê và Nhâm đã dọn cơm, mấy chị em quây quần quanh bàn vừa ăn vừa nhìn mưa rơi bên ngoài làm nhòe mấy ngọn đèn đường gần đấy. Miên bỗng cảm thấy mưa bay như một nỗi buồn phảng phát chua cay dây dưa từ kiếp nào còn rớt lại và còn dây dưa như vậy không biết đến kiếp nào nữa mới dứt.
Mẫn đặc biệt chú ý đến dáng mệt mỏi của Miên tối hôm đó. Lúc gần đi ngủ, Mẫn nói:
- Chị Miên ạ, để em pha một chậu nước thật nóng chị rửa mặt cho khoan khoái rồi hãy lên giường nằm,
Miên bằng lòng, Mần đặt ấm nước lên bếp gaz ngay...
Miên gục mặt vào chậu nước, màu sứ trắng tinh. Nước nóng ran chạm vào môi làm Miên tê dại rùng mình tưởng như môi Kha vừa chạm tới môi nàng.
Tờ Văn Hóa bộ mới số I đã xuất hiện ở Sài Gòn vắng tên Kha- Miên chú ý đến điều đó. Ngòi bút phóng sự của Lãng biến tính ghi những mẩu kịch ngắn có tính cách chủ quan tổng hợp, dưới nhan đề SÂN KHẤU LỚN mà đài phát thanh quốc gia không bỏ lỡ dịp cho diễn đi diễn lại nhiều lần trong ngày với đầy đủ lời đối thoại của các vai, lời giải thích, cùng những tiếng động, hay nhạc đệm cần thiết.
Đã ngồi xuống mép giường, Miên với tay vặn radio, nàng vui mừng bắt gặp lời giới thiệu SÂN KHẨU LỚN và nàng nằm dài vô cùng thoải mái trên giường, lắng nghe giọng nói mơn man nặng tâm tình, như giọng Kha ngày nào trước lều Y Tế:
Màn kéo lên từ ngày thứ bảy của Thượng Đế. Và ta bị ném lên sân khấu khi cất tiếng khóc chào đời.
Vở kịch dài đã khởi đầu và chưa biết bao giờ chấm dứt. Bi ư?- Không hẳn! Lạc ư?
Cũng không hẳn! Chỉ biết rằng có tiếng khóc rũ rượi, lại có tiếng cười nức nở.
Ta xem người và người xem ta trên cái sân khấu lớn này để chau chuốt vai trò của nhau há chẳng là một điều ích lợi ư?
Những mẩu kịch không thành kịch thẳng thắn đơn sơ nhưng chứa đủ tính chất của sân khấu lớn: cười, khóc, giận hờn, yêu thương, tủi hổ...
HAI CHA CON GẶP NHAU TRÊN ĐƯỜNG CATINAT
(Con là một cán bộ Việt Cộng vừa vào, sau chuyến đô thành khói lửa).
CON - Thày!
CHA- Ồ...
CON - Cả đây, Thày không nhận ra con?
CHA - Nhận làm sao được.
CON- Con bị sốt rét, gầy quá, về đến quê mới biết gia đinh di cư. Con phải tìm cách trốn mãi mới đi được. Bác Cả nhắn con nói với thày cứ yên tâm làm ăn. Bác muốn đi lắm nhưng không được vì gia đinh quá đông
CHA - Thế à
CON - Con rất hối hận để gia đình buồn phiền vì con, thày cũng hiểu rằng ai ở ngoài ấy chẳng phải làm như vậy.
CHA- Ờ...
CON - Con nhớ thương thày, đẻ, bà và các em quá. Các em chắc lớn lắm phải không thày?
CHA- Ừ.
CON - Con nghe tin thím Ba nhà ta thuê được căn nhà lá ỏ' gần Chợ Lớn.
CHA- Ừ...
CON - Ở ngoài nghe tin đánh nhau trong này con lo cho gia đình quá. Vào đến đây gặp thày, trông thấy phố xá tự do yên tĩnh, con mới yên tâm.
CHA - Ở ngoài đó chúng nói gì?
CON - Chúng bảo thành phố Sài Gòn tan hoang hàng vạn người chết.
CHA - Láo! Đánh nhau có vài khu nhỏ thôi.
CON - Nhà ta có gần khu đánh nhau không?
CHA - Nhà ta ở giữa khu đánh nhau.
CON - Có việc gì không hở thày?
CHA - Nhà cháy hết.
CON - Có ai việc gì không?
CHA- Con Yến chết...
CON- Con Yến chết... Còn thằng Lân?
CHA - Cũng chết!
CON - Cũng chết... Bà? Đẻ?
CHA - Bà cũng chết, đẻ què chân.
CON - Trời!... Thế mà tụi chúng ở ngoài ấy vỗ bụng cười được. Quân khốn nạn.
CHA - Chính chúng nó dự phần gây rối.
CON - Bây giờ thày ở đâu?
CHA - Thày ở đất tự do và cách mạng!
CON - Đất tự do và cách mạng!
(Hai người đến công trường Hòa Bình. Trời cao vòi vọi và xanh thẳm)
Miên tưởng tượng theo lời đối thoại cảnh đô thành khói lửa vừa qua mà Lãng được chứng kiến, lúc đó nàng còn ờ Hải Phòng. Nghĩ đến Hải Phòng Miên hốt hoảng trở lại hình ảnh Kha. “Trời ơi - Miên nghĩ thầm - chuyến tầu người con vào đây cũng gần là chuyến tầu cuối rồi còn gì. Chẳng biết...”
Giọng radio tiếp tục. SÂN KHẤU LỚN đã chuyển sang mẩu kịch khác.
MƯA
(Hai đứa trẻ ngồi dưới mái hiên nhà lớn gần bờ sông một đêm mưa lớn. Em trai miền Nam và em gái miền Bắc)
TRAI- Lạnh quá...
GÁI - Thế mà lạnh? Mày tồi thật.
TRAI - Mày không lạnh sao?
GÁI - Mày chưa ở ngoài Bắc mày không biết. Ngoài tao mà rét thì khỏi phải nói.
TRAI - Ngoài ấy lạnh lắm hả?
GÁI - Trong này chưa bao giờ lạnh bằng một phần trăm ngoài ấy..
TRAI- Dữ.
GÁI - Rét mà nằm ổ rơm thì... phải là thú.
TRAI - Sạo mày không ở ngoải, sướng không?
GÁI - Mốc sịt, bố tao đi dân công chết rét dọc đường, mẹ tao chết từ năm đói, tao không sống được phải bò vào đây, mày nói dễ nghe gớm.
TRAI - Đi dân công là cái gì?
GÁI - Mày ngu lắm em ạ, đi dân công là đi phu không công biết chưa?
TRAI - Tao biết rồi, tía tao dạo nào Tây nó cũng bắt đi, về ốm rồi chết đó...
GÁI - Thế má mày?
TRAI- Má tao cướp về làng nó giết chết.
GÁI - Tao tưởng chỉ ngoài tao khổ hóa ra đâu cũng thế.
TRAI- Trời! Dưới tao cực không nói được.
(Im lặng)
GÁI - Bao giờ mình về làng được? Làng mày còn gần, làng tao xa quá. Đi tầu thủy mênh mông mấy ngày liền.
TRAI - Tao cũng mong về làng, tao còn thằng em đi ở đợ dưới đó.
GÁI - Mày nhớ em mày không?
TRAI- ờ... ờ... tao quên mất.
GÁI - Tao mà có em thì tao yêu ghê lắm
TRAI- Ờ..Ờ..
GÁI - Mày lên mấy?
TRAI - Mười ba.
GÁI - Tao mười ba tuổi tây, mười bốn tuổi ta. Hay mày làm em tao.
TRAI - Mày nói nghe dễ ợt.
GÁI - Mày không muốn tao yêu mày hả?
TRAI - Tao không cần, chẳng ai thương tao hết trọi.
GÁI - Mày ngu quá à,, nhưng tao cứ coi mày là em.
(Đứa gái nắm lấy bàn tay nhỏ gầy và đen đủi của đứa trai. Đứa trai toan rụt lại nhưng rồi để yên, lát sau thì thiu thiu ngủ, đầu ngả vào vai đứa gái, trông hệt hai chị em.
Mưa về khuya càng mạnh chưa biết bao giờ tạnh)
Nước mũi Miên chảy ra, nàng tắt radio vì SÂN KHẤU LỚN tạm “buông màn”, nàng chấm vội nước mắt và nước mũi, tắt đèn. Cảnh di cư, cảnh đô thành khói lửa, tang tóc, cảnh chia ly của hiện tại bỗng hòa lẫn với cảnh nghèo đói của cha mẹ nàng, cảnh ba anh em mồ côi, rồi cảnh tám năm quê hương khói lửa vừa qua.
Nhưng khi Miên chợp ngủ Dĩ Vãng và Hiện Tại đó biến đi nhường chỗ cho một thực tại tâm linh khác vẫn hằng ám ảnh mà nàng cố tình làm như không hay: Kha!
Nàng mơ thấy Kha đã vào Sài Gòn, tất nhiên Kha giữ đúng lời hứa tìm nói với Hiển xin cưới nàng. Rồi nàng tự thấy trong vòng tay Kha, nhận lời Kha cái hôn dài, thật là dài, sương mờ như đọng thành một đám mây trắng quanh nàng, đám mây có hương thơm mênh mông, mênh mông như tình nàng đối với Kha. Bỗng đám mây có hương thơm mênh mông đó tỏa ra ủ lấy khu rừng lau mà nàng hằng mơ ước, trong đó chính nàng oằn oại trong vòng tay ghì của Kha như một trái chín từ lâu rồi nhưng vẫn còn đầy đủ nhựa sống để mặc sức đu đưa giữa lá cành hạnh phúc.