uối cùng thì hoà bình cũng đến được với hang Dơi. Đúng hơn, niềm tin của ông già chín năm, mãi rồi cũng được khẳng định. Hoá ra thời gian, ở bất kể thế giới nào cũng vậy, đều cắm mốc phân định khoảng cách. Nhờ thế nó trường tồn. Tính một cách hào phóng, ông già chín năm đã ngụ trong hang Dơi gần nửa thế kỉ. Ông không còn nhìn thấy gì nữa. Ông bảo: - Ta đã sống gần trọn kiếp vong hồn. Đời vong hồn cũng tựa như một kiếp người. Nó hữu hạn. - Thế còn sau đó? - Không biết được điều gì vượt ra ngoài kiếp sống của mình! Chẳng biết ông căn cứ vào đâu để nói những lời ấy. Tin hay không cũng chẳng quan trọng gì. Ông chép miệng: - Kiếp nào cũng vậy thôi các con ạ. Ta vẫn mong được trở về quê hương. Bây giờ, ông ngồi yên trên phiến đá của mình. Phiến đá vẫn ngắc ngư, còn ông đã bất động. Chân ông xếp bằng. Tay đặt trên đùi. Mắt nhắm nghiền. Có mở mắt cũng như người lòa cõi trần. Ông nhập tọa từ dạo các âm binh rời bỏ cánh rừng này về quê. Đã gần hai mươi năm. Ông không theo đạo nào. Ông bảo: - Đạo cốt ở tâm. Tâm trong ấy là đắc. Tâm vẩn, nhân cũng bất thành. Tâm là tấm lòng. Nếu sống, hẳn đời nhờ ông được khối việc. Cô gái, điềm tĩnh hơn xưa, dù vậy vẫn giữ thói quen đi dạo. Còn tôi, lẽ dĩ nhiên, hãn hữu lắm mới đi ra ngoài. Tính tôi thế. Tôi, thỉnh thoảng lại ra cửa hang. Vạn vật trước mắt mình. Vạn vật trong mắt mình. Cuộc đời đổi thay nhiều lắm. Ngắm rồi nghĩ. Nghĩ rồi ngẫm. Cô gái bảo: - Bây giờ thì em biết rồi. Anh có sống cũng chẳng được tích sự gì. Đến làm thầy cúng là hết. Đấy là cô bực tôi, ít chịu đi cùng cô. Tôi phì cười: - Thầy cúng, sao lại thế? - Ở làng em, có một lão thầy cúng. Bị chính quyền dẹp không cho hành nghề, lão ngồi suốt ở cửa nhà, mắt giương mục kỉnh, như hai cái đít chai đen ngòm. Đeo thế nhưng mắt lão sáng. Lão cứ ngồi ngắm rồi ngẫm nghĩ. Ấy, vậy mà cấm có chuyện gì trong làng thoát khỏi mắt lão. Lạ thế, những lúc cần, lão phán rành mạch đâu ra đấy. Thành thử, vẫn khối người phải lén lút nhờ vả lão. - Ơ, cái lão thầy cúng làng em thì quan hệ gì đến anh? - Ngốc thế, quan hệ ở cái tư thế ngồi. Anh nhìn thấy gì nào? Tôi bật cười. Trẻ con đến thế thì thôi. - Nhìn thấy nhiều thứ chứ. Chẳng hạn, cây săng lẻ không còn. Chẳng hạn… - Thôi thôi… Cô xịu mặt, xua xua tay. Quả thật, có quá nhiều thay đổi. Ngay như cánh rừng này. Ngày xưa bom đạn tàn phá. Ngày nay con người tàn phá. Hoà bình, rừng tươi tốt lại được mươi năm thì bắt đầu thấy xuất hiện những nhóm khai thác rừng. Ngày một đông. Ô tô kìn kìn vào chở, nhộn nhịp còn bằng mấy dạo chiến dịch mở. Một ngày kia, cây săng lẻ của chúng tôi chịu chung số phận. Hôm ấy cô gái rất buồn. Kỉ niệm bị triệt hạ ngay trước mắt làm sao không buồn được. Đến gỗ đá cũng phải buồn. Đám cây kề cận, mất đi bóng dáng thẳng cao của cây săng lẻ, cây nào, cây ấy rũ ra, phờ phạc. “Đến làm thầy cúng là hết”. Ngộ nghĩnh thật. Liệu có được bằng lão thầy cúng ở cái làng bé hin hin kia? Vẫn biết là bịp bợm, nhưng cùng lúc lão có thể tiết lộ hậu vận, tiền vận của người khác. Còn tôi, đến tương lai của mình cũng không dám định trước. Còn quá khứ? Đến hôm nay quỹ sống trần gian của tôi ngang bằng với ngày tháng ở hang Dơi. Cô gái cũng thế. Chúng tôi có mặt trên đời hai mươi năm. Và hai mươi năm chờ đợi trong hang. Dẫu rằng, niềm tin trong tôi vẫn nguyên vẹn, song không khỏi có lúc tôi nghĩ đến hình ảnh ông già chín năm, trên phiến đá ngắc ngư. Có một lần, nói đến chuyện này, ông cười rất hiền: - Nếu ta trọn kiếp vong hồn ở hang Dơi này, ta vẫn tin con ạ. Kiếp nào đi chăng nữa, cũng cần đến niềm tin ấy. Hai mươi năm. Mẹ tôi bây giờ chắc già lắm. Nỗi đau mất con hẳn đã nguôi ngoai. Tôi không hình dung nổi khuôn mặt mẹ tôi bây giờ. Những nếp nhăn tuổi tác chằng chéo trên khuôn mặt già nua? Có lẽ thế và lưng của mẹ còng hẳn xuống? Ngày trẻ, mẹ tôi đẹp lắm. Nghe kể, cha tôi phải vất vả mới lấy được mẹ. Không biết cha tôi bây giờ, có còn đủ sức thức dậy pha trà vào lúc bốn rưỡi sáng, theo nhịp chuông leng keng của tầu điện nữa hay không? Còn em gái tôi. Không biết nó đã quên hay còn nhớ tiếng hót của con chim liếu điếu. Chắc nó nhớ. Bởi, có một thời nó từng tin rằng, anh trai nó trở về bằng tiếng hót ấy. Bạn bè tôi nữa. A trinh sát thằng nào còn, thằng nào mất? Ngày A trinh sát còn nguyên vẹn, đề tài hậu chiến tranh bao giờ cũng xôm trò. Chẳng khác gì dạo còn đi học, cô giáo hỏi: “Sau này em ước làm gì?”. Long tẩu bảo: “Hết chiến tranh, tao mặc nguyên bộ đồ trận này để tổ chức lễ cưới. Cưới ngay, không đợi thêm một ngày nào nữa!”. Cường choắt ước: “Chiến tranh thích hợp với dạng người tao. Tao sẽ làm tướng. Tướng, hiểu không?”. “A thằng khốn, mày định kiếm chác bằng chiến tranh hả?” – “Không, tướng không chiến tranh mới đáng mặt tướng. Tao sẽ làm tướng!”. Mỗi thằng một ước muốn. Nói chung đều nghiêm chỉnh cả. Duy có Ngọc khợp thủng thỉnh: “Tao hả, tao sẽ ra phố Hàng Buồm mua một con ngỗng quay thật bự. Con ngỗng vàng rộm. Còn nóng. Mỡ của nó láng ra loang bóng tờ báo bọc. Tất nhiên, với con ngỗng ấy, phải vòng xuống Cổ Tân làm hai vại bia hơi – mới có thế yết hầu thằng nào cũng đã đánh lên, đánh xuống – để nguyên con ngỗng, không dao thớt gì cả, a lê phập! Răng cắm ngập vào cái lườn béo ngậy!…”. Không thằng nào bình phẩm một lời về cái ước mơ đểu giả của Ngọc khợp. Nước miếng tứa ra hết lượt. Ước muốn của Ngọc khợp thực quá. Thực đến tàn nhẫn. Có lẽ, chỉ mình nó dễ dàng thực hiện điều ước. Ai chứ Ngọc khợp chắc chắn sẽ giữ lời. Một con ngỗng sau một cuộc chiến tranh. Hay thật. Thằng nào còn, thằng nào mất? Thằng Vịnh chắc chắn không trong số những thằng còn sống. Nếu sống, nó đã không bắt mình phải chờ đợi đến ngần ấy năm trời. Những thằng sống, bao nhiêu thằng thực hiện được ước muốn của mình? Bất luận thế nào, chúng nó đều hạnh phúc. Chúng mày ơi, sự sống đó mới là cái quý giá nhất. Tất nhiên cũng còn nhiều điều quý giá khác. Chẳng hạn một ước muốn nho nhỏ của cô gái. Được đứng trong vườn nhà, tay vịn vào gốc xoan, nghe tiếng nạng gỗ của người bố thương binh gõ cộc cộc từ ngoài ngõ vào. Thế thôi. Thế là đủ. Ngày mới hoà bình, sau những phút giây sung sướng ban đầu, đến lúc biết mình không trở về được, cô buồn ghê gớm. Nỗi buồn lớn đến mức, nếu ở cõi trần chưa biết sự thể cô sẽ ra sao. Không phải nỗi buồn vì tuổi thanh xuân của cô dừng ở con số hai mươi. Nỗi buồn ấy qua lâu rồi. Một nỗi buồn khác, giản đơn. Nó xuất phát từ ước muốn nho nhỏ kia. Rất nhiều lần cô lo sợ: - Cha em chết mất. Ông chỉ sống được bằng niềm kiêu hãnh. Hẳn thế. Kiêu hãnh làm nên phẩm chất chiến thắng của mọi cuộc chiến tranh giữ nước. Chỉ riêng nỗi buồn của cô đủ để người cha thương binh kia kiêu hãnh. Dù có hay không tờ giấy chứng nhận mầu vàng. Nhất định thế! Đã hai mươi năm. Cô gái vẫn canh cánh nỗi niềm kia. Tôi cũng thế. Khao khát được trở về ngày một mãnh liệt. Dạo còn thằng ngụy, góc hang của nó đặc sánh bầu không khí tuyệt vọng. Tuyệt vọng đến cùng kiệt. Đến nỗi, cô gái phải thay đổi. Cô từ bỏ thái độ thù địch với nó. Suốt một thời gian dài, nó tự câu rút, đóng đinh mình vào vách đá hệt tư thế chúa của nó. Có điều chúa của nó bị hành hình còn nó tự mình làm công việc đầy đọa ấy. Chẳng biết chúa Giê su lúc bị câu rút trên thập ác nói những điều gì. Còn nó? Nó lảm nhảm suốt. Rặt những mẩu độc thọai rời rạc về cuộc đời gián đoạn của nó. Nó gọi má, gọi chúa. Không ai giúp được gì cho nó nữa. Thằng ngụy không xuống. Cứ thế, nó treo mình dán vào vách đá. Nó tạo thành một hình ảnh vừa đau lòng, vừa nực cười. Giá kể âm dương giao hoà, người trần thế nhìn thấy nó, khối người cảm động. Kể cả những kẻ đã bán sống nó. Hẳn lúc ấy, có người sẽ nghĩ rằng, nó làm thế là để sám hối. Oan cho nó, tột đỉnh cao sang như Giê su, môn đồ Ju đa cũng chỉ đổi lấy ba mươi đồng bạc trắng. Nó, nước non gì, những kẻ cầm cuộc cờ đẩy nó vào vách đá không cần tính toán. Nỗi tuyệt vọng của nó cũng thế, không cần sự sám hối. Có chăng, đó chỉ là sự hối tiếc muộn mằn của một kẻ lầm đường. Có lẽ, nó sẽ câu rút mình trọn một kiếp vong hồn, nếu chúa của nó hoặc má của nó không động lòng. Tuy nhiên, để thoát khỏi tuyệt vọng này nó lại tiếp tục bị sa vào tình cảnh tuyệt vọng khác. Nếu được chọn, cũng không biết, nó ở lại hay đi. Chuyện xảy ra sau hoà bình khoảng chục năm gì đấy. Bấy giờ, việc khai thác gỗ đang nhộn nhịp. Tuy vậy, có rất ít người lai vãng đến hang Dơi. Thảng hoặc mới có một vài người bạo gan mò vào. Vì tò mò hơn 10px;'>
- Việc quái gì. Con chó này có chủ, khôn còn hơn rận. Tao biết nó từ chiều. Không sao. Dễ mà dại ngay được. Ngày xưa Thắng vịt ngu. - Ừ, tao ngu. Đúng là điếc không sợ súng. Mày lạ gì quán thịt chó Bính phố tao. Lão chủ chỉ đứt tay lúc làm thịt, nọc độc nhiễm vào, lên cơn mới biết. Cái giống bị dại, tỉnh đến lúc chết. Vẫy vợ con vào để trối trăng. Không một ai dám vào. Lão cáu mắt trợn lên: “Vào đi. Bố mày đéo cắn đâu mà sợ.”. Nói xong thì ngáp. Chết, chân tay co quắp rất hãi. - Thế à? – Ngọc khợp xen vào. – Chắc lão bị hồn chó hớp mới thế. Mặt Thắng vịt vênh lên: - Chứ lại không. Lão bị bắt đổi kiếp là cái chắc. Chưa chừng vừa rồi lão ngoạm Cường choắt cũng nên. Cường choắt có vẻ sợ, thấy rên to hơn. Bình ních bảo: - Thôi đi. Các bố vống vừa vừa chứ. Tốn bạc triệu để vỗ vã chuyện chó hử. Đang sốt ruột bỏ mẹ. Gà te te gáy. Gió trở mình. Nghe rõ cả tiếng lá vật xào xạc. Long tẩu lẩm bẩm: - Sắp sáng rồi. Quái sao trời vẫn tối đen thế nhỉ? Vẫn con gà vừa rồi gáy te te. Tiếng gáy phát ra từ phía nhà bố con đứa lái đò. - Tao thấy bồn chồn quá, – vẫn Bình ních. – Nhất định sắp có một điều gì xảy ra. - Tao cũng cảm thấy thế. Người cứ khang khác. Đất này dữ lắm chúng mày ạ. – Thằng vịt nói theo. Lại Bình ních: - Thôi nhé, cắt hẳn chuyện chó. Nghiêm chỉnh đấy. Lẽ ra, ban nãy mình phải lập tức đuổi theo. Đợi sáng bạch, thằng kia lủi mất thì sao? - Ừ nhỉ. - Thì chính mày gàn chứ còn ai. - Nhưng việc gì nó phải lủi? - Ối giời ơi, bố làm giám đốc mà ngu ngơ thế, có bỏ mẹ con nhà người ta không cơ chứ. Đúng, việc gì nó phải lủi, trừ phi nó là… - Là cái gì? - Suỵt… – Bình ních đánh mắt ra ngoài cửa lều bạt đen, tay làm dấu môi – thôi thằng nào mệt ra võng mà ngủ. Còn ta làm một chập nữa. - Đúng giọng A trưởng, – Ngọc khợp huýt sáo môi re ré, tưởng rách cả bạt, – ngủ đếch gì. Nào, chập thì chập. Bia lại óc ách réo. Không thằng nào ngủ. Khiếp, toàn bụng trống cả, góc lều đã ụn cả đống vỏ hộp. Nhà nào đẻ được một đàn trai thế này, chắc chỉ thiếu đường bị gậy. Biên mu-gích được một hồi chợp mắt, sức đã lại, giọng véo von như sáo: - Chà, cuối canh có khác. Ngon tuyệt. Chúng mày còn nhớ hôm 17 tháng 5 diễu binh ở Sài Gòn? - Ừ, đêm trước bọn mình cũng thức trắng. – Bình ních thủ thỉ. – Đêm ấy sau mưa, trời Sài Gòn mát mẻ lắm. Uống gì nhỉ? À phải rồi, rượu đế đựng trong bi đông. Nhạt hoen hoét, chua cả mồm. Sân bay Tân Sơn Nhất chật đen, toàn lính là lính. Cũng sáu thằng bọn mình… Cường choắt góp chuyện: - Đúng rồi, hôm ấy cánh ta ngồi đến sáng bạch, có lệnh tập hợp mới thôi. Ai mà ngờ được nhỉ. Vẫn sáu thằng ấy, mười chín năm sau, lại một đêm như thế. Bình ních lại cắt ngang tâm sự, nói mát: - Phải, bố trẻ thì nhiều chuyện không ngờ lắm. Chỗ nào cũng lon xon khía vào. Gớm cái đận… Cường choắt cười hì hì rất hồn nhiên. - Lại còn cười, xin vái cái hồn nhiên của bố! Hồn nhiên thật! Hôm Bình ních cưới vợ. Tiệc tàn, khách khứa đã vãn hết. Duy mấy ông lính vẫn khật khừ ngồi. Ai đời, nhà người ta có việc, lại việc hệ trọng mà các tướng cứ phớt lờ như không. Đám cưới, lịch sự còn chẳng ăn ai, đằng này bỗ bã, hệt như hồi còn ở rừng. Long tẩu đi ăn cưới, thủ theo cả cái điếu cày tổ bố, kềnh càng như khẩu ba-dô-ca, điếu réo sòng sọc, khói phun mù nhà, hôi két mũi. Bình ních, chạy ra, chạy vào, đánh mắt, lừ môi, thêm cả cấu véo ra hiệu, chả nhằm nhè gì. Người nhà nể, không ai dám nói. Vả lại, đám lính có vẻ đã say, chân tay líu ríu như chim tập chuyền cành hết lượt, dây vào có khi rách việc. Cực chẳng đã, Bình ních phải bảo: - Thôi, hôm nay đủ rồi, xin phép các bạn dịp khác. Long tẩu đứng lên đầu tiên: - Đuổi hử. Đuổi thì vi..ền (về). Hai bước dọc, một bước ngang, Long tẩu vẫn không quên cái điếu. Chật chưỡng, điếu cắp ở nách hệt như chức sắc thời xưa, tan đám phạt vạ ở đình làng về. Mấy thằng kia cũng lè nhè: - Đuổi thì viền. Bình ních vất vả dìu từng thằng ra, còn phải xuống nước, phân trần năn nỉ mãi mới êm chuyện. Xong xuôi đám bạn quý tử mới dám thở phào nhẹ nhõm. Coi như hoàn thành một việc lớn trong đời. Chợt, cô dâu váy áo lòa xoà, chạy ngược trở ra. Mặt son phấn trang điểm còn nguyên, vẫn tái xanh, tái tử, hào hển không ra hơi. Bình ních bổ vào phòng ngủ. Trời cao, đất dày, trên giường cưới, Cường choắt co quắp ngủ như chết. Đầu giường, bao nhiêu thức cưới gom nhặt trong ngày, ông bạn vàng phun toé loe, trả chủ nhân hết. Tim đập. Thở đều, nhưng lay thế nào cũng không tỉnh. Thì, cơm no, rượu say, giường nệm êm ấm, trắng muốt sạch sẽ thế kia, làm gì ngủ chả kĩ. Có chết cũng đáng. Sướng còn hơn cả tiên. Cô dâu dở mếu, dở cười. Thời tân tiến cũng hay. Phải khi trước, sái sẩm thế này, hẳn cô dâu đã bỏ của chạy lấy người. Vụ Cường choắt “hồn nhiên” được nhắc đến tận bây giờ. Vẫn cười nhưng giọng Cường choắt vụt nghiêm trang: - Mày bảo, không hồn nhiên làm sao bọn mình qua được chiến tranh trong lúc đầu thì xanh tuổi thì trẻ. Lại còn những năm tháng kế tiếp nữa. Chông chênh lắm. Tao là lính còn dễ. Cuộc đời lính, dù sao cũng đơn giản. Những người lính bước ra khỏi chiến tranh, dấn vào cuộc đời mới bội phần phức tạp. Chúng mày người trong cuộc, lạ gì. - Đúng. – Thằng Biên hăng hái xác nhận. – Những thằng lính trở về với cuộc sống bình thường không phải dễ dàng. Hình như âm hưởng của chiến tranh cứ vọng mãi, choán ngợp đời sống tinh thần, chi phối… mà thôi triết lí làm gì, cứ lấy gương tày liếp của ông An mà soi. C trưởng An người anh cả của đại đội trợ chiến. Ngay tháng hoà bình đầu tiên đã bị kỉ luật vì bản chất lính chính trực. Hôm ấy, đơn vị đang tập hành quân cơ giới chuẩn bị cho ngày diễu binh. Đơn vị trú quân ở một thị trấn nhỏ trên trục lộ Gò Dầu – Tây Ninh. Chiều mát, tập tành xong, tiện có chiếc hon đa 67 C phó Thạnh mới tậu, An rủ Ngọc khợp phóng dạo trên lộ vài vòng chơi chơi. Đang mát ga, chợt thấy xúm xít một đám đông trước cửa tiệm nhậu giữa thị trấn. Thoáng bóng quân phục giữa vòng tròn người, C trưởng An bèn giảm ga. Anh táp xe vào lề. Đúng lính mình thật. Hai thằng non choẹt, mặt đỏ như mặt giời. Sao tiết nghiêm chỉnh. Đó là loại lính vừa bóc hộp, mới toanh, gặp thời, chưa phải đánh chác trận nào đã kịp hưởng hoà bình. Mụ chủ quán mập ú đang xỉa xói. Đứng cạnh mụ là một ông đứng tuổi mặc pi-da-ma. Bộ đồ mới vận chưa quen lắm, nhìn biết ngay là cán bộ ngoài Bắc mới vào. Hai thằng lính mặt nghệt ra chịu trận. Giọng mụ kia rèn rẹt: - Nè, đừng cà chớn nghe không. Giải phóng thì cũng phải đàng hoàng. Nhà nầy không thiếu người đi cách mạng. Dây dưa đâu có được. An đạp chân chống, phăng phăng đi vào, hỏi hai thằng lính: - Có chuyện gì? - Dạ, bọn em mới vào không biết gì cả, trót thiếu mấy trăm đồng. Xin khất không được. Mụ kia tru lên: - Ông sĩ quan, phải lính ông, nhận về mà giáo dục. Không có tiền còn bày đặt ăn nhậu. Ông pi-da-ma góp vào: - Đồng chí chỉ huy. Nhớ phải làm đúng chính sách dân vận. Để lính tráng tùm lum thế này, ảnh hưởng đến thành quả cách mạng. Người An run bắn. Tay vặn xoắn vào nhau. Mắt sáng rực. Đám đông thấy ông lính rừng về này, có vẻ dữ dằn đâm trợn, lảng dần. - Thiếu bao nhiêu? - Dạ, bốn trăm ạ. Giọng An trầm xuống: - Mấy em về đi. Hai thằng tân binh mừng quá chuồn lẹ. An rút tờ bạc con cọp (năm trăm) đưa cho mụ chủ, giọng căng như liên thanh: - Không cần thối. Đoạn, phăm phăm đi ra, không nhìn ai. Về đến đơn vị, An đùng đùng mở tung bồng, lấy tập bạc mới cáu cạnh toàn tờ ngàn. Giọng vẫn run vì giận: - Ngọc. Mày mang tiền ra tiệm vừa rồi, đặt sáu mươi suất. Mỗi suất một tô hủ tiếu, một chai bia lùn, một tách đen. Hẹn 12 giờ trưa mai ăn. Tiệm không được tiếp thêm khách nào. Đưa luôn tiền nghe không! Ngọc khợp ngần ngại: - Anh Hai. Tiền đâu nhiều vậy? - Đù mẹ. Không phải việc của mày. Lẹ lên. – Chừng như thấy mình vô lí, An dịu giọng. – Tao mới gặp ông già. ổng cho tiền mua xe máy. Đi đi, mồm miệng đậy nắp đấy. Hôm sau, qua ngọ vào giờ nghỉ trưa, An kéo Ngọc khợp đi. ở tiệm ăn, li, bát bầy tăm tắp. Ông pi-da-ma hôm qua vận âu phục đàng hoàng. Thấy chỉ có hai người, mụ chủ tiệm ngạc nhiên hỏi: - Ủa, sao mấy chú kêu những 60 suất. Không trả lời, An quay sang Ngọc khợp: - Thanh toán hết chưa? - Dạ, rồi! Nhìn thẳng vào mặt ông kia, An dằn giọng: - Cảm phiền ông, bà rót giùm bia ra li. - Rót hết ạ. - Rót hết! - Rồi. Lấy giùm cái chậu lớn ra đi. Chẳng hiểu đầu đũa ra sao, mụ chủ vẫn phải lật đật bê cái chậu nhựa. Những người làm ở tiệm trố hết mắt vì hai ông khách kì cục này. An phẫy tay: - Con mụ bóc lột này, tôi dẹp sang bên. Còn ông, tôi sẽ tính sổ sòng phẳng. Làm đi. Đổ hết tất cả những thứ trên bàn này vào chậu. Còn nhẹ đó! Ông kia ngắc ra. Hiểu rõ sự việc, tức trào bọt: - Sức mấy tao chịu nhục. Nè, tao là cán bộ tập kết. Mới ngoải vào… Chỉ đợi có thế, cơn giận nén từ chiều qua, bùng lên thành ngọn. An thụp ngực ông kia, dúi đầu xuống sát bàn nhậu: - Còn dám mở mồm nói chuyện vinh nhục. Ở ngoài vào, sao hành hạ đồng chí mình? Nè, lính tráng tụi tao ít tiền thật nhưng không thiếu. Không kể công nhưng chúng tao vào sống, ra chết không phải để đổi lấy mấy thứ này đâu. – An gạt mạnh, li bát rơi xuống vỡ loảng xoảng. – Làm đi, kẻo tao bắn lủng sọ bây giờ. Kinh quá, đến Ngọc khợp cũng toát mồ hôi. Mụ mập quỳ xuống, lạy như tế sao. Ông kia, tất nhiên không dám làm già, đành cum cúp tuân theo. Xong xuôi, An còn chỉ mặt ông kia, bấy giờ đã xám ngoen ngoét. - Thứ cách mạng như ông, chỉ hại dân, hại nước. Đận ấy, An bị kỉ luật cảnh cáo, rơi mất một sao trên ve áo. Hôm nhận kỉ luật, có buồn nhưng vẫn bảo: - Tính qua thế. Thấy bất bình không thể chịu nổi! Sau này, C trưởng An chuyển ngành, đến cơ quan nào cũng có chuyện. Đại loại chuyện như trên cả. Người như An, ở đời cũng không phải là nhiều. Nhắc đến C trưởng An, không khí xôm hẳn lên. Tranh cướp nhau nói. Ngọc khợp phải cắt: - Nói đến ông cạp lửa có mà hết ngày. Tao còn biết một chuyện sốt dẻo về ông nhưng tao không nói đâu. Đang dưng lại xoay ra ngẫm ngợi sự đời. Xin các bố! Chẳng cần đến bàn luận của các bố, đời vẫn như nó vốn có. Thiếu gì chuyện. Tình, tiếc chẳng hạn. Đấy, Long tẩu… Long tẩu chặn ngang: - Sao không mang mối tình điên của mày ra mà phiễu. Làm đến trăm bài thơ tình, có báo đếch nào thèm in. Ngu! Ngọc khợp im re. Chuyện làm thơ là có thật. Không in cũng có thật. Vì dở quá. Nhưng trăm bài thơ thì không đến, Long tẩu vống lên hơi quá. Chuyện xảy ra cũng đã lâu. Một chút lãng mạn trẻ con ấy mà. Nguyên, Ngọc khợp quỵ vì sốt được đưa về điều trị ở bệnh xá của đoàn. Số xui, vừa chuyển đến thì bệnh xá bị đánh bom. Sốt cao, nằm mê man, bom chứ động đất cũng không thể biết. Số thương, bệnh binh cùng lán rút kịp xuống hầm. Mới đến, lại nhốn nháo nên nhân viên bệnh xá không biết sót người. Dứt một loạt bom mới phát hiện ra. Một người sực nhớ: - Thôi chết, lán Bốn còn một thằng sốt mới vào. Lúc ấy máy bay đã quành lại. Tiếng động cơ rít lộng óc. Mọi người nhìn nhau. Rồi một bóng người vút ra khỏi hầm. Chớp nhoáng nhoàng. Khói đen trùm kín người cô y sĩ vừa băng ra. Lửa bén vào các dãy nhà nứa cháy rần rật. Tre nứa nổ lép bép. Thêm một, hai người nữa lao vút. Cô y sĩ nhào vào bế thốc Ngọc khợp ra. May quá, vừa xong thì lán ụp xuống. Cũng lạ, cô kia người vừa phải, chẳng to béo gì, làm sao lại mang nổi ông tướng khợp. Lúc gầy nhất, móc hàm lên, nó cùng hòm hòm nửa tạ rưỡi. Ngọc khợp nằm lịm chẳng hay biết gì. Mồm chóp chép như trẻ con thèm sữa. Đận ấy, an toàn cả. Hú vía! Lúc tỉnh, mọi người kể lại, Ngọc khợp không ngạc nhiên lắm. Nó quả quyết: - Tôi biết! - Nói phét. Nằm mê man, chậm vài giây nữa thì thành chuột nướng. - Tôi biết! – Nó vẫn nói chắc như đinh đóng cột. Một người bảo: - Vậy, ông chỉ đi. Đúng được người cứu ông, tôi mất cho ông cái đồng hồ. Sai, tôi chỉ xin ông kí đường. - Xong! Tưởng phiễu phão cho vui, nào ngờ thật. Hết ngày đầu, không thấy Ngọc khợp động tĩnh gì. Tay kia cười cười: - Thôi, chi kí đường ra cho vui vẻ. - Rồi ông xem. Ông xin rút tôi cũng đồng ý. Hôm ấy, quả tình bom đạn tôi không biết thật. Chỉ thấy nóng. Nóng ngột hết cả người. Khát ghê gớm tưởng chết đến nơi. Đúng lúc đó có một người đến. Không nhìn rõ mặt. Tóc rất dài, mềm và mượt. Mùi hương toả ra từ tóc mới đặc biệt. Quen lắm nhưng chịu không phân biệt được hương gì, người đang nóng thế vẫn thấy nao nao. Chợt mái tóc kia xoà vào mặt tôi. Ông biết không, như có một dòng suối mát chảy vào thân thể… Tay kia không chịu được: - Ông nói giỏi lắm. Nhưng phét. Nói phét. Tôi vẫn cược voacute; xác thằng mập này, ngu ơi là ngu: - Nè, tao ngán là ngán mấy cha cộng kia. Còn mày sức mấy. Nhìn đây này. – Nó vén tay áo để lộ những hình xăm chật hai cánh tay. Đủ hết rồng rắn, đại bàng, cả hình đàn bà, con gái lõa thể. – Ông nội mày đây mới là lính dù chính hiệu. Nhằm nhè gì, thứ lính tẩy ngữ mày. Giỏi, xuống đây mà cao giọng. Ông già chín năm chợt cất tiếng cười. Tiếng cười được thời gian tu luyện xoáy ầm ầm, dội vào vách đá. Bầy dơi hoảng hốt chao động. Thằng nhỏ con chết trân sợ hãi. Nó lùi dần, lùi dần: - Lại một cha áo trấn thủ. Vệ quốc đoàn. Kì quá, cái chốn này. Phát điên lên mất. Nó chạy bổ ra khỏi hang. Đến quá trưa, đám tìm xác cũng bìu díu nhau lên đủ. Chúng quấn xác thằng vừa chết vào một tấm vải bố. Không đứa nào buồn vì đồng bọn gặp nạn. Ngược lại, mặt cả lũ cứ hơn hớn như bắt được của. Của thật. Đấy là dúm xương tàn của thằng ngụy. Trước đấy, trong hang Dơi, thằng ngụy đột nhiên bị rơi bịch từ vách đá xuống. Nó nằm thõng thượt trên nền hang, không gượng dậy được. Mặt nhợt đi, lìm lịm, lìm lịm. Sau mới biết, thời khắc đó bọn kia vừa bới được chỗ nó nằm. Một thằng vớ được cái đầu lâu mốc xỉn, huơ huơ lên, hôn đánh “chụt” vào trán sọ: - Ngài đây rồi. Vàng, đô đây rồi. Hơ hơ… Cả bọn sục sạo, nhặt nhạnh không sót một mẩu xương, tống đại vào cái bao xác rắn. Thằng ống nhòm gật gù: - Tao tính không sai. Ngài khuyết mất bộ giò. Nhưng không sao, lát nữa sẽ “mông” cho Ngài đầy đặn. – Quay sang cái xác mới. – Tội nghiệp nhỏ em này. Ngài thiêng thật, vật thế chỗ đấy. Em đừng buồn. Tụi qua trúng mánh này, đặng cúng lễ cho em đầy đủ. Giá không tìm được đám xương tàn kia, dám xác thằng nhỏ con nằm vĩnh viễn nơi đây lắm. Nó vẫn còn may. Đặt xương của thằng ngụy vào tấm nhựa ni lông trải phẳng, bọn kia bắt đầu chọn lựa, lắp ghép. Bộ giò thiếu thật. Một thằng chạy về xe vác ra cái bao xác rắn khác. Trong lủng củng toàn xương xẩu. Bới nhặt mãi cũng lựa được đủ. Chúng lắp vào, hoàn chỉnh một bộ hài cốt. Cả lũ nhảy tưng tưng. Chắc chúng đang tưởng tượng bộ xương khô kia đã hoá thành vàng thật, đô thật. Cứ việc tin. Giấc mộng nào mà chả đẹp. Thằng nhỏ con cười sằng sặc. Nó buồn cười quá. Quên hẳn mình vừa chết, nó cũng nhảy tưng tưng, quay vòng tròn rất ngộ. Nó đã phát điên. Trong hang, thằng ngụy bò dậy. Nó khúc khắc đôi chân mượn. Xác của nó đã bị tống vào bao, chất lên xe. Cả cái xác mới kia nữa. Thằng ngụy khập khễnh bước. Số phận nó một lần nữa được định đoạt. Thằng ngụy buộc phải rời khỏi hang. Dù sao, nó cũng đã quen thân chốn này. Nó chào từng người, mêu mếu rất thảm. Tội nghiệp cho nó. Không biết nó phải theo đám người kia đến tận đâu? Liệu nó có tìm được đường về nhà? Thằng nhỏ con vừa cười, vừa xoay tròn tiến về phía xe. Phía sau nó, thằng ngụy vất vả khập khiễng từng bước. Giá không bị mông má, nó đâu đến nỗi phải khổ sở thế. Ba chúng tôi đứng ở cửa hang tiễn nó. Thằng ngụy quay lại nhìn. Nó giơ tay vẫy vẫy. Tiếng nó thoảng trong gió: - Vĩnh biệt… Rõ cả tiếng nấc ngắt ra: “Má ơi, má…”. Quá đau đớn, nó đã quên gọi chúa. ° ° Hoà bình đến với hang Dơi đột ngột nhưng không bất ngờ. Đúng mười chín năm sau hoà bình của đất nước. Cũng bởi niềm tin sắt đá của ông già chín năm truyền sang chúng tôi, đã ngấm sâu vào hình hài từng đứa. Lạ thế, ao ước bao nhiêu lâu, đau buồn cũng lắm, vậy mà giây phút hạnh phúc đến, ai cũng thấy bình thản. Tựa hồ việc đó ắt phải diễn ra như thế. Khi đoàn người tiến vào hang, chúng tôi đã hiểu rằng, họ đến để giải phóng chúng tôi khỏi kiếp vong hồn. Rõ ràng có một thứ linh cảm gì đó rất đặc biệt. Ông già chín năm bảo: - Linh cảm ấy chỉ những người biết tin, dám tin mới có. Quả thật, trong suốt hai mươi năm ở hang Dơi, phải đến giờ phút ấy tôi mới gặp linh cảm này. Thọat đầu, thấy người nhấp nhô ngoài hang, tôi đã tưởng là bọn người tìm xác, khá hơn một chút là những người đến bắt dơi. Nghe họ lào phào với nhau, dơi bây giờ là đặc sản. Cái giống nửa chim, nửa thú chỉ hơi phân loài chuột tí tẹo, lại được tôn vào hàng đặc sản, lạ thật. Cuộc sống trần gian, hẳn phải thay đổi nhiều mới có sự đảo lộn, ngược đời thế. Thảo nào, vài ba năm lại đây, dơi trong hang bị bắt vãn. Ngày xưa, dơi đen đặc bám nhung nhúc ở thành hang. Vòm trần, dơi kết thành dây lúc lỉu. Bây giờ, dơi cũng khôn chán vạn, treo người tít trên cao, bắt nổi một con cũng còn mướt. Suy cho cùng, giống nòi nào cũng thế, đều phải khôn để tồn tại. Đoàn người đi hàng một vào hang. Phải đến gần chục người. Một nửa mặc quân phục. Một người mặc quân phục cũ, người cũng hom hem, già nua, lúi húi cắm bó hương ngún khói sát chỗ tôi nằm. Mùi hương. Khói bay đến đâu hương lan đến đấy. Không gian hang Dơi âm u cũng tan dần ra, thoáng đãng. Những đốm hương đỏ xíu đủ làm hang Dơi sáng rực. Ông già chín năm tủm tỉm cười. Cô gái luýnh quýnh chạy vào, chạy ra. Người thắp hương quỳ xuống. Hàng người đứng cúi đầu. Họ đang mặc niệm. Không một lời khấn khứa. Tất cả im lặng. Tôi nghe rõ cả tiếng khói toả rất nhẹ. Những đốm đỏ đầu hương xíu xiu lấp lánh. Khói vương vít quấn quýt, tụ vào, tan ra. Ông già chín năm rời bỏ phiến đá. Ông dọ dẫm từng bước. Miệng ông thầm thì: - Các con. Các con ơi! Ba chúng tôi đứng cạnh nhau, nghẹn ngào chờ đợi. Đồng đội của chúng tôi đã đến. Ông già chín năm đứng nghiêm ngắn như đang trong đội ngũ. Cô gái, mắt long lanh nửa cười, nửa khóc. Cô đang sung sướng. Tôi nữa, cõi hồn tôi khói hương quẩn vào, làm dậy lên cảm xúc kì lạ. Bàn chân tôi dợn dợn. Tôi thấy mình như đang đứng giữa thành phố quê hương. Mẹ của tôi. Đột nhiên, tôi bừng tỉnh. Tiếng hót lảnh lót của con chim liếu điếu vang lên. Tiếng hót nứt ra từ kẽ đá. Tiếng hót nhỏ giọt từ trần hang ấm áp. Và tiếng hót nóng hổi lăn trên gò má tôi. Những đốm đỏ vẫn rực. Khói vẫn quấn quýt, hương ngan ngát lan ra, lan xa. - Chỗ này! – Người thắp hương, vẫn đang quỳ, trỏ tay đúng vào chỗ tôi nằm. – Cả góc kia, ngày ấy tôi thấy vương vãi nhiều thứ quân trang. Giọng nói quen quá. Trời ơi. Giọng nói quen quá. Tiếng một người ra lệnh: - Các đồng chí. Ta đào thật nhẹ. Từng điểm một. Đồng đội của chúng ta dưới này… Nhát xẻng đầu tiên “sụt” khẽ. Phân dơi kết thành lớp, ấm và mềm. Cái hang nhỏ rùng rùng. Hang sáng lòa. Từng dây sấm gượng nhẹ nổ rền rền khe khẽ. Đàn dơi thức giấc chấp chới đảo cánh. Có con vụt bay ra khỏi hang rồi lại liệng vào. - Đây rồi. Các đồng chí, ta tiếp tục đào. Nhớ thật nhẹ. – Có tiếng nấc. Người thắp hương chạm tay vào xương cốt của tôi. - Phương ơi! – Tiếng kêu bật ra, khắc khoải như tiếng kêu của con chim trúng tên đuối sức. Giọng nói quen quá. Tôi nhào vào. Trước mắt tôi là thằng Vịnh. Tôi đã nhận ra nó. Thằng Vịnh còn sống. Nó đã không bỏ tôi. Vịnh ơi… Tôi như vừa dứt khỏi cơn sốt mê man, người khoẻ khoắn lạ thường. Tôi vút ra ngoài hang. Giây phút ấy, tôi quên mình đã chết. Quên đi hai mươi năm chờ đợi. Tôi như con chim non vừa đủ lông cánh vút vào bầu trời tự do. Nắng mênh mông tràn đầy. Khu rừng chiến tranh lùi lại thật xa. Con chim liếu điếu bay đến đậu vào vai tôi. Cả tôi và nó cùng cất tiếng hát. Ông già chín năm cất tiếng gọi tôi. Tay ông cầm tay cô gái. Tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp chưa từng thấy ở cô. Một vẻ đẹp rạng rỡ, thuần khiết và trinh bạch. Không một tì vết nào của chiến tranh đọng trên khuôn mặt ấy. Tất cả đã qua rồi. Tôi lao đến ôm chầm lấy hai người thân yêu. Chúng tôi trong vòng tay nhau, bổi hổi. - Các con. Chúng ta không bao giờ bị lãng quên. Ước mơ của ta đã thành sự thật. Các con… Mắt ông lóng lánh. Ông đã nhìn lại được. Vụt cái, ông trở về với tuổi thực của mình. Một ông già quắc thước, tóc trắng, râu trắng, hiền hậu. Tôi, cả cô gái nữa. Tất cả chúng tôi đã trở về được với thế giới của mình. Tôi áp bàn tay tôi lên bàn tay cô. Tiếng nói cõi hồn tôi bật ra tự nhiên: - Anh sẽ đưa em về… - Vâng! Quê em và thành phố của anh! Tôi dắt em đi. Con đường bồng bềnh như trong giấc mơ. Con đường, ông già chín năm và thế hệ của ông đã đi. Một thời của chúng tôi cũng đã trôi qua trên con đường này, chưa xa. Tôi sẽ đưa em về… Phía sau, ông già chín năm im lìm như bức tượng tạc vào trời đất. Ông tủm tỉm cười. Nụ cười của một người biết thế nào là hạnh phúc.