ếu ai hỏi tôi châu Âu tuyệt nhất mùa nào thì tôi cho đó là một câu hỏi khó trả lời vì mùa nào cũng có cái hay của nó. Tuy nhiên nếu cho tôi được quyền chọn thì mùa Xuân là thời điểm lý tưởng nhất trong năm. Này là trời trong xanh, này là nắng ươm mật, này là hoa lung linh. Với tôi, hoa châu Âu vào mùa xuân không rực rỡ như đang hè, không đằm thắm như đang thu và không thẹ thò như đang đông. Vào xuân, hoa mới bắt đầu rộ nhú sau một mùa đông lạnh giá, trời càng ấm hoa càng bung cánh, xòe nhụy, tỏa hương. Hoa đẹp một cách dịu dàng mà lại tỏa một sự hồi sinh mãnh liệt. Trong làn gió xuân nhè nhẹ, dưới ánh nắng vàng mong manh, hoa lung linh khoe sắc. Không còn cảnh tượng nào nên thơ và náo nức bằng. Vào xuân, dân châu Âu với tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc đã tốn nhiều công sức và tiền của để trùng tu lại những công viên, vườn hoa, những nơi công cộng bị mùa đông phủ một lớp áo xám buồn tẻ. Hoa cỏ với khí trời ấm áp và sự chăm sóc của con người vì thế được nâng niu, trân trọng và nhẹ nhàng tỏa hương. Một lần đến Paris vào đầu mùa xuân, tôi như choáng ngợp trước những hoa là hoa đang trải đều khắp kinh thành ánh sáng. Hoa Hồng thắm rực, hoa Cúc vàng tươi, hoa Pensé tím sẫm, hoa Tulip muôn màu… Hoa không chỉ hiện diện ở công viên, trong sân vườn, trước các cửa hàng, trên bậu cửa sổ mà hoa còn mọc tưng bừng ở các lối đi, len lỏi vào các ngóc ngách vỉa hè và bám lững lờ trên những bức tường vách đá rêu phong. Thoạt trông tôi ngỡ hoa tự mọc với một sức sống mãnh liệt nhưng một lần tình cờ thấy những người trồng hoa tay nâng niu những hạt giống gieo xuống đất và trồng từng nhánh hoa mềm mong manh vào những lối đi, tôi mới nhận ra hoa được yêu thương đến mức nào. Và dù hoa hiện diện khắp nơi và đẹp hực hỡ luôn thu hút người ta nhìn ngắm và ngưỡng mộ, chẳng ai có ý định “chôm hoa” đem về. Muốn trồng hoa trước hiên hoặc có nhu cầu tặng hoa cho ai thì phải mua ở cửa hàng với giá rất “đắn đo”. Đến Amsterdam, thủ đô của hoa Tulip, tôi lại càng thấy mùa xuân gieo mầm sống tưng bừng. Những cánh hoa Tulip dài nõn nà, mọc chân phương, không kiêu sa như hoa Hồng mà có một sức quyến rũ riêng. Vườn hoa Keukenhof của Hà Lan cũng là nơi thu hút du khách nhất thế giới mỗi độ xuân về. Người ta đến đây chỉ để ngắm hoa, và hoa quả thật là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời nhất. Sang Anh cũng vào một ngày xuân, tôi nức lòng thấy hoa được trồng theo kiểu tự nhiên. Dù hoa vẫn theo luống với một trật tự nhất định, nhưng cũng được phép mọc “thoải mái”, rất thiên nhiên. Những bông hoa khoe sắc trong Saint Jame’s Park, công viên trước điện Buckingham, có “số phận” thật đặc biệt. Từng bông hoa, từng con thiên nga và kể cả từng ngọn cỏ trong công viên này đều trực thuộc quyền sở hữu của Nữ Hoàng. Chẳng du khách nào dám nghĩ đến việc ngắt trộm một cành hoa. Những cây hoa Anh Đào rực rỡ sắc hồng tha hồ làm mọi người ngẩn ngơ. Hoa cỏ thật trong lành và được con người nâng niu nên trong Saint Jame’s Park, các con thú nhỏ như sóc, chim, quạ… chạy nhảy vô tư giữa những du khách thập phương dập dìu. Các thành phố đại học cổ kính như Oxford, Cambridge, Birmingham cũng đầy những hoa là hoa. Hoa níu lòng lữ khách ghé ngang, hoa làm bọn sinh viên trở nên lãng mạn bỏ rơi sách vở, hoa khiến người ta tức cảnh sinh tình. Này những cánh Tulip vàng quyến rũ, này những đóa Hồng đỏ kiêu sa, này những chùm Anh Đào lộng lẫy… Lung linh xuân lại về! Cùng đón chúa xuân giữa lòng châu Âu Năm 2001 tôi du học tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Không phải là lần đầu xa nhà vào ngày tết nên tôi chờ đón dịp đặc biệt này một cách phấn khích trong khi những tu nghiệp sinh khác đang phát sốt vì nhớ quê. Khi nghe giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, trưởng khoa của khoa “Cơ học Phá hủy”, Đại học Liège (và là chủ nhiệm chương trình đào tạo Cao học Bỉ - Việt MCMC) gợi ý nhóm tu nghiệp sinh ở Liège chúng tôi nên tham gia văn nghệ cũng đón xuân do Sứ Quán Việt Nam tổ chức ở thủ đô Bruxelles, tôi tán thành nhiệt liệt. Tập văn nghệ cùng đón xuân Thầy Hưng có một tâm hồn văn nghệ vô cùng dạt dào nên đã có một “tham vọng” thành lập ban văn nghệ “Những cánh chim Liège” với số tiết mục đăng ký lên đến hơn mười bài. Thầy “tổng động viên” toàn bộ lực lượng tu nghiệp sinh là học trò của thầy và tôi, một du học sinh “cô đơn” vì không nằm trong tổ chức nào cả. Chúng tôi đến nhà thầy tập hát đồng ca, những bản nhạc xuân do thầy sưu tầm, photo cẩn thận đưa từng người. Cậu bạn Huy Gia có ngón đàn guitar rất điêu luyện nhưng do phải một mình chiến đấu với cả chục tiết mục, bàn tay cậu muốn sưng vù. Bản thân thầy Hưng thì “máu” tới mức một mình đăng ký hai tiết mục đơn ca, một bài tiếng Anh và một bài tiếng Pháp. Tôi là nữ duy nhất trong dàn “văn nghệ củ gừng” của nhóm Liège nên được đặc cách làm MC bằng tiếng Pháp, dẫn chương trình song song cùng một MC nam dịch tiếng Việt. Thấy đám chúng tôi tập tành có vẻ tài tử quá, thầy Hưng phải nhấn mạnh “Nghiêm túc lên! Có dân Tây, khách Bỉ, khách Pháp và khách ngoại giao quốc tế đến từ khắp nơi đó!”. Để tăng năng suất những buổi tập, thầy Hưng và cô Mai, vợ thầy, đã cất công nấu nướng bồi dưỡng những ca sĩ nghiệp dư vốn chỉ là những con mọt sách. Càng về sau thầy cô có vẻ “đuối” vì phải nấu món ăn Việt cầu kỳ cho cả nhóm mười mấy người ăn nên chúng tôi chuyển sang ăn spaghetti cho nhanh. Thầy có recette (cách nấu) làm spaghetti rất “Việt Nam hóa”, thay vì nêm muối và ăn kèm phô-mai, thầy lại cho nước mắm vào thoải mái. Dân Ý ăn chắc la làng nhưng đám chúng tôi ăn tới tấp khen ngon. Đúng là dân mình không sao sống thiếu nước mắm mà tụi Tây gọi là “vũ khí” vì khi nấu nghe mùi rất dễ sợ. Biểu dương lực lượng Vào ngày biểu diễn hôm hai mươi tám tết, đám chúng tôi bắt xe lửa Liège lên Bruxelles. Ngày đông tháng giá nên ai cũng run lập cập. Nhưng chúng tôi run vì thời tiết thì ít mà vì hồi hộp thì nhiều. Cả đám đều rên sao thầy Hưng “sung” quá. Sứ quán Việt Nam tổ chức đón xuân nên thành phần tham gia cũng khá ngoại giao với đầy đủ các khách mời quốc tế cần thiết. Cô Tôn Nữ Thị Ninh khi đó đang là bà lãnh sự. Cô phải đọc bài phát biểu khai mạc bằng ba thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Khán phòng khá ồn ào vì được dùng làm hội chợ xuân với các gian hàng bán đồ trang trí, các hoạt động từ thiện và cả gần chục quầy ẩm thực đang bốc khói thơm lừng. Sau bài phát biểu của bà lãnh sự, chương trình văn nghệ bắt đầu. Chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng những tiết mục đầu tiên đã diễn ra khá bài bản. Đến phiên nhóm Liège trình diễn, chúng tôi lục tục kéo lên đứng chật sân khấu. Chưa biết hát hò thế nào, nhưng phần “biểu dương lực lượng” đã gây ấn tượng mạnh. Chúng tôi nhận được khá nhiều tiếng vỗ tay và nhiều cặp mắt đang dồn lên háo hức. Ly rượu chúc mừng Tiết mục đầu, vỗ tay! Tiết mục thứ hai, lộp bộp! Tiết mục thứ ba, im lặng đáng sợ! Tiết mục thứ tư, khán giả bỏ đi gần hết để bu đèn trước các quầy ẩm thực! Tiết mục thứ năm, dàn đồng ca chảy mồ hôi ròng ròng dù trời đang dưới không độ! Tiết mục thứ sáu, chúng tôi hát hay chúng tôi rên?! Tiết mục thứ bảy, giá cái sân khấu nứt ra để bọn tôi chui xuống! Tiết mục thứ tám, thứ chín, thứ mười… Cuối cùng, ác mộng cho khán giả cũng phải ngưng, cả đám gầm mặt lục tục đi như trốn khỏi sân khấu. Vậy mà thật kinh ngạc, có một bà người Bỉ là khán giả trung thành và nhiệt tình đã can đảm ngồi lại cho đến tiết mục chót. Khi chúng tôi hát bài “Ly rượu chúc mừng” và giơ tay ra dấu như đang cụng ly thì ở dưới bà cũng giơ ly champagne của mình ra như tán thành. Sau khi hoàn hồn, chúng tôi chạy lại cảm tạ người khán giả đặc biệt lịch sự. Tôi đã hứa với lòng từ nay về sau, tôi sẽ chịu khó vỗ tay khi đi đám cưới hay đám tiệc, mặc cho xung quanh đang cụng ly hay làu bàu “Hát như tra tấn!”. Tôi đã có một niềm thông cảm sâu xa dành cho các ca sĩ nhà hàng. Có bà vợ già Sau buổi hội chợ xuân ở Bruxelles, nhóm chúng tôi lại leo xe lửa về Liège. Một anh trong nhóm đã đem theo máy thu âm trong túi áo và bí mật thu lúc hát. Giờ anh mở ra cho chúng tôi nghe lại. Cả đám cười không ra tiếng vì chúng tôi chỉ hát vài bài đầu còn những bài sau thật không khác chi tụng kinh. “Quái” nhất là đoạn “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con…” đã bị cả đám hát thành “Kìa nơi xa xa có bà vợ già” mà không ai ý thức được mình đang hát bậy. Thì ra trong lúc tập, một anh đang “chán cơm thèm phở” đã bày trò hát thành “vợ già” nên chúng tôi hát theo cho vui, nào ngờ lên trình diễn cũng hát bậy luôn. Đêm đó nhiều người ngủ lại trong phòng anh trưởng nhóm để “lai rai” Tất niên, nửa đêm có người đang nằm chèo queo trong gầm bàn bật dậy hát vống lên “Xuân đã về! Xuân đã về!” rồi lăn quay ra ngủ tiếp. Lại có người ngủ mà hát mớ “Cùng đón chúa xuân, vui khắp đất trời!”. Sáng ra họ kể cho tôi nghe với kết luận: sẽ “cạch” nhạc xuân đến già! Những cánh chim Liège Tối Giao Thừa, tôi làm ít món Việt Nam mời bạn bè quốc tế ăn chung trong bếp rồi xuống lầu tham gia nhảy nhót với nhóm Trung Quốc. Nhờ sinh viên Trung Quốc rất đông nên không khí khá sôi nổi. Tụi Tây cũng nhân cơ hội đó xáp vô nhảy nhót tưng bừng. Sáng mồng một, nhóm đồng ca “Những cánh chim Liège” đi chúc tết vọ chồng thầy Hưng và được cô đãi món cháo lòng (là món rất sang bên châu Âu). Ngày mồng hai, một anh được vợ gởi qua cái bánh chưng hân hoan mời chúng tôi đến chung vui. Thế là xong, thế là hết tết! Tôi không biết ấn tượng tết năm đó có còn lưu lại chút gì trong lòng những tu nghiệp sinh Việt Nam ở Liège mà tôi may mắn được quen không. Riêng tôi, tôi vẫn giữ lời hứa luôn vỗ tay khi nghe hát dù người ca sĩ đó có “tra tấn dã man” đến mức nào. Và trình độ MC của tôi hẳn tăng đáng kể sau cái lần dẫn chương trình ở hội chợ xuân Bruxelles, cái lần tôi cứ nói còn khán giả cứ ăn. Ôi, mùi chả giò đang vàng trong chảo thơm lừng, mùi tết, mùi đồng hương, mùi Việt Nam giữa lòng châu Âu. Công tác ngày Tết Tết là những ngày thiêng liêng dành cho gia đình, nên người Việt mình bất đắc dĩ mới phải trải qua một cái tết không sum họp. Thế nên năm 2006, khi nghe tin công ty cử đi công tác ngay trong những ngày tết, tôi chợt chột dạ. Dù đã trải qua vài cái tết ở xứ người nhưng lần này tôi vẫn thấy nôn nào. Paris đang ở vào cao điểm mùa Đông, trời rét đậm cùng những cơn gió cắt da đón tôi trở lại cùng đón tết với mình. Nói “cho sang” thế thôi, chẳng mấy ai quan tâm chỉ còn vài ngày nữa là dân “Chinois” đón tết. Một vài tấm áp-phích dán trong hầm xe điện ngầm thỏ thẻ thông báo sẽ có những hoạt động đón năm mới trong quận Mười ba, nơi người Trung Quốc và Việt Nam ở đông nhất. Thật “bất công” vì dân Tây luôn gọi tết Nguyên Đán là “Nouvel An Chinois” (Chinese New Year) và tôi đã phải nhiều lần làm mặt phật ý để sửa lại là “Năm mới theo âm lịch”. Tập đoàn dược phẩm nơi tôi làm việc dù rất tôn trọng những nền văn hóa đa phương, cũng có vẻ giễu cợt khi cho rằng dân Trung Quốc và Việt Nam mừng năm mới đến hai lần. Chắc trên thế giới chỉ còn hai nước này đón tết vì dân Nhật, Thái hay bất kỳ nước châu Á nào đã không còn quan tâm đến tết âm lịch nữa. Sáng hôm Giao Thừa, tôi ghé vào nhà một ông bác họ xa, ông sống độc thân trong một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Paris. Năm nay bác về hưu, rảnh rỗi nên nấu nướng vài món, làm mâm cơm cúng ông bà. Bác đã mời mấy người hàng xóm trong khu nghèo gồm một cặp vợ chồng Ấn, anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ và một bà góa người Tuinisie. Bác mong tôi ở lại cùng đón Giao Thừa nhưng tôi đành từ chối vì tối đó phải đáp xe lửa rời Paris rồi. Thật ra tôi cũng không muốn chứng kiến một Giao Thừa quá đạm bạc trong căn hộ nhỏ bé cũng những người khách tha phương và ông bác cô đơn có cuộc đời buồn tủi. Tôi trốn vào quận Mười ba, cũng một bà bạn già người Pháp tìm chút không khí lễ hội. China Town cũng không khá bao nhiêu dù đã trang trí những chiếc đèn lồng đỏ, lân-sư-rồng, câu đối thư pháp… Xem ra mang màu sắc Hoa hơn Việt. Mọi người co ro trong làn gió đông, tay run, môi lập cập, chân nhún nhảy cho đỡ rét. Nghe nói chiều ở đây sẽ có diễu hành với những thiếu nữ và trẻ em Hoa mặc áo dân tộc. Trong các cửa hiệu chạp phô nhỏ, người ta xếp hàng để mua thẻ điện thoại quốc tế giá rẻ gọi về cho “bên nhà”. Ở siêu thị “Tang Frères” chuyên trị hàng hóa châu Á, dân chúng sắm sửa tết có vẻ xôm tụ. Có người mua cả chục ký bánh cuốn, hàng tá bánh chưng và cả thùng bánh mứt để đem về tính làm quà cho bà con. Dân tỉnh không có “Tang Frères” nên hàng hóa không đa dạng. Có Việt kiều còn đánh xe từ bên Bỉ, Hà Lan, Đức sang Paris để mua những “món độc” như vịt quay, xá xíu, nem nướng… đem về. Tôi ngó nghiêng thấy một chiếc bánh chưng trung bình ở Việt Nam bán khoảng năm chục ngàn thì bên đây ghi giá ba chục euros. Tôi đùa với bà bạn: “Biết vậy tôi đem qua Paris hai va-li bánh chưng bán kiếm lời!”. Chúng tôi đói ngấu nghiến và giật mình: “Đã một giờ trưa!”. Đến nhà hàng “mối ruột” mỗi lần sang Paris, chúng tôi đành xếp hàng chờ đến lượt được cho vào. Nhà hàng Tre xanh quả rất đắt khách, ở đây khẩu vị rất Việt và giá cả phải chăng. Những nhà hàng khác xung quanh nấu hơi bị “lai” nên thà phải xếp hàng trong làn gió đông khó chịu tôi vẫn cam lòng. Chờ chừng hai mươi phút, chúng tôi cũng được vào. Khá đông những gia đình tụ tập lại ăn Tất Niên và coi như xong một cái tết xa quê. Tôi hỏi bà chủ không nghỉ bán vài ngày tết, bà cười: “Mở nhà hàng với hàng trăm thứ thuế! Nghỉ bán ngày nào mất sở hụi ngày đó! Coi đông khách vậy chứ cũng chật vật, cạnh tranh dữ quá! Dân Việt mình tính xấu lắm!”. Tôi không dám hỏi nữa vì phải thông dịch lại cho bà bạn Pháp, không lẽ vạch áo cho người xem lưng nói người Việt chuyên bán phá giá, cùng kéo nhau chết chùm. Đúng là bản tính người mình thật khó đổi dù sống cùng khu với người Hoa vốn đoàn kết một lòng “buôn có bạn, bán có phường”. Nhờ tính đoàn kết mà hai anh em nhà Tang khi di cư đến Paris chỉ với hai bàn tay trắng mà sau hơn chục năm đã có siêu thị sầm uất “Tang Frères” với mấy trăm nhân công. Tôi và bà bạn Pháp gọi hai tô bún riêu, một dĩa gỏi ngó sen, một cái bánh xèo, một phần bánh ít trần, một chai bia Tàu và một bình trà nóng. Phiếu tính tiền ghi năm mươi mốt euros. Rẻ chán so với đồ ăn Tây! Ăn vừa xong phải vọt liền, lấy bàn trống cho thực khách khác đang tê tái xếp hàng ngoài trời đông. Chúng tôi lang thang vài vòng quanh quận Mười ba rồi tìm xe điện ngầm quay về. Buổi chiều, hai chúng tôi đón xe lửa đến Blois, vùng sông Lois với những tòa lâu đài cổ tráng lệ trứ danh. Tôi đi thăm ông sếp người Pháp cũ. Ông định đánh xe hơi lên Paris rước nhưng thời tiết xấu quá, tuyết rơi dày, băng trơn rất nguy hiểm. Chúng tôi về nhà ông và thấy ông bày bàn ăn lộng lẫy chờ sẵn. “Ông biết hôm nay là Giao Thừa của Việt Nam?”, tôi ngạc nhiên thú vị hỏi. Ông già hịch hạc thú nhận không để ý tết nhứt gì cả. Chẳng qua đón khách quý thì bày tiệc thôi. Ba chúng tôi ăn cá xông khói, uống champagne coi như đón Giao Thừa. Tôi check email, bên Việt Nam viết dặn tôi phải mặc áo màu trắng đi xuất hành đầu năm. Ông già nghe thế bèn lục tìm chiếc áo khoác to sụ màu cháo lòng từ thời vua Louis mười sáu cho tôi trùm vào. Ông mở cửa xua tôi” “Đi một vòng xuất hành đi! Tao chịu thua, trời lạnh quá!”. Tôi lò cò dẫm chân lên tuyết đi chừng vài chục bước, ngoảnh vào thấy không khí ấm sực trong nhà mới thấy mình dại. Xuất hành đi đầu năm hên đâu không thấy, chỉ thấy cảm lạnh đến nơi thì tiêu đời. Tôi từng bị mùa đông hành viêm họng một trận trối chết nên sợ. Tôi quay vào nhà, lục túi tìm thẻ gọi điện thoại giá rẻ mua ở quận Mười ba. Đường dây kẹt cứng rất lâu, sau một hồi thử tới thử lui, tôi kết nối được với Việt Nam nhưng bên nhà không nghe được giọng tôi. Ba tôi quạu quọ “Tết nhất đứa nào du côn phá hoài vậy!”. Tôi đành nói chỉ cho tôi nghe: “Chúc mừng năm mới!”. Bên kia ba tôi trả lời: “Alô! Ai thì lên tiếng đi sao gọi hoài mà mắc cỡ gì không chịu dạ giùm!”. Ngày mùng hai tết tôi đã quay lại Paris cùng những cơn gió đông rét mướt. Tôi vào cuộc họp của công ty với những người đồng nghiệp quốc tế. Có người Thái, người Philippines, người Nhật, nhưng chẳng ai nhớ có một cái tết Nguyên Đán đang diễn ra. Thế mới hiểu nhiều Việt kiều ở các nước phải ăn tết Ta vào đúng dịp Noel và tết Tây, để cùng tận hưởng cái không khí lễ hội, những ngày nghỉ kéo dài mới sum họp được bạn bè ở châu Âu. Họ chúc tụng, lì xì và cùng ông bà, để rồi đúng ngày tết Việt thì chỉ quạnh hiu đốt một nén nhang trên bàn thờ. “Con cháu tha phương thì ông bà cũng thông cảm! Lại một cái tết xa quê…” LỜI CẢM ƠN Tôi xin dành tặng cuốn sách này cho Ba và Mẹ tôi, những người luôn dõi theo con mình với một lòng tin yêu tuyệt đối dù không tránh khỏi những lo lắng như tất cả những bậc phụ huynh trên thế gian này. Tôi cũng cám ơn anh Võ Sáng Xuân Vinh, là “bồ” đồng hành rong ruổi ở các thành phố của Vương Quốc Anh. Cảm ơn anh đã luôn ủng hộ những chuyến đi của tôi và những tấm hình tranh thủ chụp vào những lúc công tác bận rộn. Tôi cũng nhân cơ hội này để cảm ơn các tổ chức đã cấp học bổng để từ đó tôi có cơ hội được đến những vùng đất xa xôi mà gần gũi. Cảm ơn Sứ Quán Pháp (và IDECAF), Sứ Quán Bỉ (Belgian Technical Cooperation), hội “Ouest Fraternité” của báo “OuestFrance”… Tôi cũng không quên những người bạn lớn người ngoại quốc (bà Michelle Jouannaud, ông Claude Roy, gia đình Jouve, Peyron, Rieu, Roux, Figueiredo…), các cô chú Việt kiều (cô dượng Tuyết Ba-Claude Rioux, cô Tố Nga, cô chú Hội-Liên, bà Đậu, anh chị Hà Hùng…), các anh chị và các bạn du học sinh Việt Nam ở Liège, các bạn gái thân từ hồi Đại học… Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi xin được cám ơn các anh chị phòng Xuất Bản của báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện cuốn sách nhiều ý nghĩa này. DƯƠNG THỤY