Phần 3 - HÀ LAN
Mọi thứ đều có thể ở Amsterdam

    
msterdam là một thành phố đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Đó là nơi tôi “đi bụi” đầu tiên, dù là đi với một cô bạn. Amsterdam còn là nơi giúp tôi có một cái nhìn “người lớn” hơn, về những vấn đề luôn “hot” trong thời đại: sex. Đến Amsterdam, một người nguyên tắc cỡ nào cũng phải nhủ lòng “Đó là cuộc đời!”, khi chứng kiến những điều vượt khỏi trí tưởng tượng. Amsterdam đã dạy tôi: “Đừng bao giờ nói không thể”.
Thế nào là open-tour
Từ Paris, tôi mua open-tour, ngủ đêm trên xe lúc mười một giờ khuya và đến Amsterdam lúc chín giờ sáng. Anh chàng hướng dẫn thao thao kể về thành phố này với một vẻ say mê đặc biệt. Dân tình trong xe đa phần là giới trẻ và sinh viên, đều dưới hai mươi sáu tuổi. Đây là độ tuổi để đi du lịch giá rẻ vì khắp châu Âu đều có hệ thống nhà trọ dành cho thanh niên, giá rất mềm, và dĩ nhiên dịch vụ cũng mềm như… bún. Chúng tôi đến “Auberge de jeunesse” (nhà nghỉ dành cho giới trẻ), bỏ hành lý ở quầy tiếp tân, ghi tên mình vào danh sách check in, cùng ăn sáng rồi… chia tay nhau từ đây. Chàng hướng dẫn thế là xong nhiệm vụ, “Open-tour mà, bạn tự khám phá Amsterdam, công ty du lịch chúng tôi chỉ giúp bạn đặt nhà trọ, lo xe thôi!”. Tôi tá hỏa, nhưng cũng đành chấp nhận. Chàng động viên “Can đảm lên, tự khám phá bao giờ cũng thú vị hơn bị người ta dắt đi một cách thụ động!”. Lúc đó tôi hơi cáu, nhưng sau chuyến đi đó tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Xung quanh tôi các bạn trẻ cũng đã năng động vác ba-lô, cầm bản đồ, háo hức chuẩn bị hành trình chinh phục thành phố hoa Tulip này.
Amsterdam dậy trễ
Tôi và cô bạn Việt cùng dắt tay nhau ra khỏi nhà trọ. Chúng tôi đi chưa được bao xa thì tôi không thể nào bước tiếp nữa. Chiếc giày Adidas tôi mua ở Sài Gòn bị rớt lìa cái đế ra. Tôi không nhớ rõ cảm giác tức giận vì mua hàng hiệu mà bị “đo ván” khó chịu như thế nào, nhưng tôi nhớ như in mình đã cười nắc nẻ khi cô bạn có sáng kiến lượm một cọng thun ngoài phố để cột chiếc giày lại cho tôi. Dù sau đó chúng tôi cố nhai thật nhiều kẹo cao su để lấy bã kẹo làm keo dán giày, tôi phải chấp nhận thực tế mình phải tậu một đôi giày mới. Amsterdam gần mười giờ sáng, thế nhưng thành phố chưa khởi động. Các cửa hiệu đều chưa thèm mở cửa. Lê gót bằng một chiếc giày cột thun kỳ quặc, tôi cũng “lết” ra được trung tâm thành phố.
Amsterdam đặc biệt có hệ thống xe điện kêu lanh canh, chỉ cần men theo đường sắt của xe điện, không ai sợ lạc ở thành phố này cả. Chúng tôi chụp vài tấm hình nhà thờ lớn, những dãy nhà gạch hồng hẹp mà cao lêu nghêu, những tấm biển quảng cáo với hình người mẫu mát mẻ… thì tới giờ các cửa hàng mở cửa. Tôi lao ngay vào một tiệm bán giày, “made in U.S.A” đàng hoàng và quyết định rất nhanh mua một đôi. Đó là đôi giày thể thao rất kiên cố, xét về mặt thẩm mỹ khá khiêm tốn và giá cũng khá cao do Hà Lan có mức sống cao hơn các nước láng giềng. Nhưng tôi không có sự chọn lựa nào khác. Về sau, khi tôi mang đôi giày này lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở châu Âu, rong ruổi cả năm dài du học ở Bỉ và đem về Việt Nam chạy bộ, tôi mới khoái chí nhận ra rằng đó là một đôi giày rất đáng đồng tiền bát gạo. Và giày là một dụng cụ cần thiết để “đi bụi”, đừng bao giờ tiếc tiền cho nó.
Tất cả những con kênh đều nhỏ
Hí hửng với đôi giày mới tậu, tôi cùng cô bạn bắt đầu hành trình chinh phục Amsterdam. Chúng tôi cầm bản đồ dành cho người đi bộ và vui vẻ nhận ra mỗi bước chân đưa mình gặp những điều mới mẻ thú vị. Amsterdam nằm bên sông Amstel và có một hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc. Cứ đi vài mét là đến một chiếc cầu be bé. Người Pháp gọi Hà Lan bằng cái tên rất tượng hình “Pays-Bas” (đất nước thấp). Giờ tôi mới hiểu vì sao. Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển nên phải có hệ thống đê bao quanh cực tốt. Và dĩ nhiên, hệ thống thoát nước, cầu đường, sơ đồ xây dựng các thành phố của Hà Lan phải thật đảm bảo. Amsterdam có nhiều con kênh, và mỗi con kênh có hàng tá cầu bắc ngang. Tôi không biết chính xác có tổng cộng bao nhiêu chiếc cầu ở thành phố này nhưng ước tính cũng phải hàng trăm chiếc. Những dãy nhà dọc theo những con kênh có cùng một kiến trúc đồng bộ. Tất cả đều hẹp chừng bốn mét và cao ba đến bốn tầng. Nóc nhà cao vút có dạng bậc thang ngộ nghĩnh. Nếu tìm nhà ở Amsterdam, chắc chắn bạn phải biết số nhà, vì mọi nhà trông giống hệt nhau, không thể phân biệt được.
Xe đạp và hơn thế nữa
Nhắc đến Amsterdam ai cũng biết xe đạp là một biểu tượng. Tôi không nghĩ người dân thích bảo vệ môi trường đến mức chê xe hơi. Đơn giản vì thành phố này không lý tưởng chút nào với các loại xe bốn bánh. Đường đa phần là một chiều, nhỏ hẹp, chốc chốc phải qua cầu mà cầu nhỏ xíu qua không lọt. Vậy không đi xe đạp còn đòi đi bằng gì? Xe đạp dựng khắp nơi, khóa lung tung ở cột đèn, trên các thanh cầu, bên các gốc cây. Khóa là khóa vậy, nhưng nếu để qua đêm mất chẳng ai đền. Thật ngạc nhiên khi tôi biết rằng hàng năm có đến 100.000 xe đạp bị “thó” mất ở Amsterdam
Tuy nhìn có vẻ xinh xắn, bé nhỏ nhưng thực chất Amsterdam là một trong những thành phố rộng lớn nhất Hà Lan, nên người dân ngoài xe đạp còn sử dụng xe điện để đi lại và đương nhiên còn có một loại hình giao thông khác: ghe xuồng! Cảnh sát Amsterdam thì có một phương tiện khác khá hữu hiệu: ngựa. Nhìn họ cao lớn, mặc đồng phục oai phong, cưỡi những con ngựa lộp cộp bảnh chọe trông thật hoành tráng. Cứ thế, cảnh sát phi ngựa chen giữa đường phố cùng xe đạp, xe điện, người đi bộ và thỉnh thoảng là những chiếc xe không giống ai (xe ba bánh, xe lôi, xe xích-lô). Ngoài Amsterdam ra, chưa ở đâu tôi thấy người dân dùng các phương tiện tự chế ngộ nghĩnh đến vậy.
Sex and the city
Khoảng mười hai giờ trưa trở đi, nắng vàng, trời đẹp, thiên hạ lũ lượt đổ ra phố thành từng dòng đông kinh khủng. Các quán giải khát tràn ra cả vỉa hè, các cô bồi bàn mặc bikini, đeo tạp dề bưng bê thật hấp dẫn. Trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tất cả các vật dụng đều nhuốm màu sex dưới hình thức hài hước. Tôi nhảy dựng lên la chói lói khi bất ngờ thấy một chiếc áo T-shirt in hình “cái đó” của ông Adam. Chưa bao giờ trong đời tôi mục kích nó trần trụi đến thế, ít ra cũng có cái lá nho chứ! Nghe tiếng tôi thét lên, một số khách quay đầu lại nhìn. Không dám gây chú ý cho thiên hạ, tôi đành tự bịt mắt mình khi thấy bất kỳ món hàng nào “kinh dị”.
Ra khỏi các cửa hàng lưu niệm, tôi lọt vào “Sex museum” mà về sau tôi viết truyện tả là “Bảo tàng của sợ hãi”. Hãi thật chứ chẳng chơi vì từ một người “trong sáng như pha lê”, tôi thình lình thấy những cảnh “đồi bại” của loài người. Tuy thế, cuối buổi tham quan, một câu thuyết minh trong bảo tàng làm tôi “giác ngộ”: đừng lên án sex, vì sex giúp bạn… ra đời!
Mọi thứ đều có thể
Ở Amsterdam nhiều người thích đến phố Đèn đỏ xem hoạt động kinh doanh sex công khai. Chuyến đi ấy tôi không đến chỗ này dù cũng tò mò tìm kiếm nhưng không gặp. Bù lại, tôi tình cờ gặpLydia, một người bạn Pháp quen. Cô mới từ trong một “Porno shop” bước ra. Tôi nói muốn vào trong xem cho biết nhưng Lydiangăn lại: “Đừng! Với tao thì được chứ cỡ mày - cô lắc đầu cương quyết - nặng đô lắm!”.
Lydia cỡ tuổi tôi nhưng đã từng qua Việt Nam nên hiểu văn hóa Á Đông. Cô giải thích ở Amsterdam có rất nhiều những “nhà hát” với các diễn viên chuyên nghiệp đóng cảnh “porno” (con heo). Cảnh tượng rất “hãi hùng” và “ghê tởm” nếu khán giả còn trong sáng hoặc người già nhưng “nhà quê”. Lydia còn cho biết những chốn “ghê rợn” khác như “sex với thú”, “sex với nhục hình”, “sex cùng lúc nhiều người”. Tóm lại, những gì liên quan tới sex, chỗ khác không có thì Amsterdam “thầu” hết. Ngoài ra, Amsterdam còn là thành phố đầu tiên trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính, công khai hoạt động chích ma túy tại một công viên, công khai các băng nhóm tội phạm… “Những gì mày từng nghĩ ‘không thể’ đều ‘có thể’ ở Hà Lan này” - Lydia khoái chí nhìn tôi đang há hốc - “Thậm chí cả việc đàn ông bị hiếp dâm bởi phụ nữ, ha ha…”
Chia tay Amsterdam sau hai ngày du hí, dù chưa khám phá hết thành phố “đặc biệt” này, tôi cũng tự bằng lòng nhìn Amsterdam đang dần dần lùi xa. Những chiếc cầu bé xinh, xe đạp lãng mạn, dòng kênh yên bình, hoa tulip rực rỡ… Tạm biệt Amsterdam, nơi Thiên thần và Ác quỷ có thể sống hòa bình.