“Một kẻ sát nhân hữu hiệu…”
(145){( The Heroin Trail)} Một đã xong, một còn tiếp. Nhưng với tất cả những hồ sơ của chính phủ mà chúng tôi được đọc trong vài năm qua, nhất là mớ hồ sơ được giải mật và công bố ồ ạt trong khoảng từ tháng 2.1997 đến tháng 10.1998, chúng tôi không tìm được dấu vết nào về tên gọi Mertz trong mớ hồ sơ đó, ngoại trừ việc nêu nó ra như tên giả của Souetre. Cũng khá kỳ lạ khi Bộ Tư pháp có thể tìm ra và điều tra lập tức về một người có thật, tên là Michel Roux, ngay sau khi cái tên ấy xuất hiện trên 632-796… nhưng lại chẳng hề tìm được gì về một cái tên không kém phần phổ biến là Michel Mertz. Có lẽ điều này nghĩa là chẳng có ai tên thật là Mertz có mặt ở Dallas trong và sau ngày JFK bị ám sát. Có thể lắm. Nhưng vì người Pháp, mà cụ thể là SDECE, đã tiến hành hỏi thăm thông tin ở phía Mỹ và đã biết rõ các tên giả của Souetre, nên thật vô lý khi giả định rằng SDECE đã lục lọi hồ sơ của chính họ để tìm bất kỳ ai đó có tên là Mertz, đúng chưa? Dù gì thì SDECE cũng đã biết rằng Souetre dùng Mertz như một tên giả. Nên cũng hợp lý khi giả định rằng SDECE đã làm thế này: họ đã lục lọi hồ sơ của họ để tìm xem có ai tên Mertz mà có thể có liên quan tới Souetre không, và họ chẳng tìm thấy gì cả. Nói cách khác, Bộ Tư pháp Mỹ chẳng tìm được gì về Mertz, và SDECE cũng vậy. Đó là điều ta có thể giả định. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng tôi nói với bạn, dựa theo tất cả những điều nói trên, rằng SDECE không những có Mertz trong hồ sơ của họ, mà Mertz còn làm việc cho SDECE nữa? Mertz chắc chắn không phải là một cái tên tưởng tượng. Đó là một con người thực và có cái tên bị Jean Souetre chọn để dùng trong khi đi xa làm việc cho OAS… vì một mục đích sâu xa. Chúng tôi không chắc tại sao một người như Souetre lại muốn dùng một cái tên quá đỗi hiền lành như Michel Roux, nhưng chúng tôi có thể biết chắc tại sao hắn ta dùng một cái tên giả là Mertz. Mertz và Souetre đã biết nhau. Quan trọng hơn, Mertz và Souetre lại là kẻ thù riêng của nhau. Sự thực, nếu một trong hai sẽ bị coi là có tai tiếng hơn, thì đó sẽ không phải là chiến sĩ Jean Souetre của OAS. Đó phải là Mertz. Michael (Michel) Victor Mertz, giống như Souetre, là quân nhân Pháp, nhưng đó là 10 năm trước khi Souetre nhập ngũ. Cụ thể là trong Thế chiến 2. Nhưng trước khi Mertz gia nhập quân đội Pháp năm 1941, ông ta đã được nhận vào quân đội Đức. Mertz sinh năm 1920 tại Moselle/Lorraine miền đông bắc nước Pháp, không xa biên giới Pháp – Đức. Toàn bộ quân đội Pháp đã bị đánh tan trong khoảng một tháng bởi quân đội của Hitler và đến tháng 6.1940, chính phủ Pháp là do Henri Phillipe Petain lãnh đạo. Petain là hình tượng anh hùng do xuất sắc khi đánh bại Đức trong Thế chiến 1 tại trận Verdun, nhưng lúc này ông ta lại cộng tác với người Đức, kẻ thù lịch sử của nước Pháp. Chính ông ta đã trao đất nước cho người Đức, và kêu gọi dân Pháp ngừng chiến đấu và tham gia chế độ bảo hộ của Đức quốc xã. Chẳng bao lâu, guồng máy chiến tranh Đức bắt đầu tuyển mộ người Pháp để tiếp tục chinh phục cả Châu Aâu. Michael Victor Mertz là một trong những thanh niên được tuyển mộ đó, ở tuổi 21, một năm sau khi Pháp đầu hàng. Nên nhớ, đây không phải là đội quân tình nguyện. Dân Pháp, cũng như dân ở những nước khác bị Đức chiếm đóng, được “tuyển” vào lính bằng đe doạ và vũ lực. Mọi kháng cự đối với ý muốn của người Đức sẽ gặp phải những đe doạ cho gia đình người đó. Nếu có ai đó nói với bạn, “Chiến đấu cho chúng tôi hoặc gia đình anh sẽ chết”, thì bạn sẽ làm gì? Chồng bạn, vợ bạn, con cái và cha mẹ của bạn? Tất cả sẽ chết nếu bạn không mặc bộ quân phục này, cầm khẩu súng kia và chiến đấu chống lại những người mà họ muốn bạn chiến đấu. Nhưng cũng như nhiều thanh niên Pháp yêu nước thời đó, Mertz cũng gia nhập quân đội Đức, rồi đào ngũ ngay khi gặp cơ hội đầu tiên và gia nhập lực lượng Pháp tự do, lực lượng kháng chiến đã thề tiếp tục chống Hitler bằng mọi giá cho dù Petain đã vội vàng ký hoà ước ngừng bắn với Đức. Lực lượng kháng chiến Pháp là do tướng Charles DeGaulle lãnh đạo. Mertz hoạt động ở quận Haute – Vienne và Limousin, dọc sông Vienne, phía tây nam Paris. Vào lúc đó, đây là một điểm nóng và còn hơn thế nữa. Nền thủ công nghiệp với những lò gốm sứ và lò gạch ở đây đã bị biến cải để phục vụ chiến tranh của Đức quốc xã, và quan trọng hơn, những tuyến đường xe lửa và đầu mối giao thông ở đây chính là điều Hitler cần để duy trì con đường tiếp tế cho đến lúc kết thúc cuộc chiến. Không hề quá đáng khi nói rằng Michael Mertz đã thích ứng rất tốt với môi trường mới. Chính tại khu Limousin màông ta học được tay nghề thực sự đầu tiên: kỹ thuật giết người. Ông ta học môn này rất giỏi. Thực vậy, Mertz đã gây thiệt hại lớn cho quân Đức đi vào hay rút khỏi lãnh thổ của ông ta đến độ ông lên chức rất nhanh và được giao chỉ huy đơn vị của mình. Không có tài liệu gì nhiều về tài lãnh đạo của Mertz tại mặt trận Pháp, nhưng ta hoàn toàn có thể cho rằng ông ta thăng tiến nhanh và làm đổ nhiều máu quân Đức. Mertz và đơn vị sát thủ của mình đã trở thành huyền thoại trong lực lượng Pháp kháng chiến, và khi chiến tranh kết thúc và những lá cờ Đệ tam Reich của Hitler bị bỏ xó, Michael Victor Mertz đã nổi lên như một anh hùng kháng chiến. Ông ta được thưởng rất nhiều anh dũng bội tinh. Một người có tài năng và tầm nhìn như Mertz thì không thể bị bỏ quên. Ít lâu sau khi thế chiến 2 chấm dứt, guồng máy tình báo Pháp lập tức chiêu mộ ông ta, sau đó ông ta trở thành một chỉ huy sau nhiều lớp vỏ. Bây giờ thì Pháp đã thoát ách Quốc xã, họ trở lại mô hình đế quốc của chính mình. Việt Nam lại là của họ, được các nước đồng minh trao lại, và cũng đừng quên những xứ bảo hộ khác của họ: Algeria, Morocco và Congo. Nói cách khác, nước Pháp đã sống sót một cách kỳ diệu qua Thế chiến 2 và những cái túi rỗng của họ bây giờ đầy tiền viện trợ tái thiết của Mỹ qua kế hoạch Marshall, họ muốn lấy lại miếng bánh đế quốc mà họ đã hưởng thụ được cả một thế kỷ qua. Hai tỉ đô la viện trợ bổ sung được Tổng thống Harry S. Truman dành cho họ để chống lại cộng sản ở Đông Dương, nhưng ngân sách cho những kế hoạch khác nhằm khôi phục đế quốc thì hầu như không có. Do đó, SDECE cần những nhân viên giỏi có vỏ bọc kín để tiến hành công việc tình báo tại một số nơi trên thế giới, và chúng ta biết Michael Victor Mertz là một trong những người đó. Một trong những nhiệm sở đầu tiên sau thế chiến của ông ta là Morocco, nơi ông đóng vai một sĩ quan quân đội. Mertz làm việc tốt tại đây, tiềm năng của ông đã được chứng tỏ với tổ chức bí mật đã chiêu mộ ông. Những công tác khác của ông có việc phụ trách địa bàn ở Thổ và Đức, nơi mà các lực lượng khởi nghĩa cộng sản đang phát triển (và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 đã là nguồn cung cấp thuốc phiện chủ yếu cho các tập đoàn ma tuý Pháp). Đến đây thì ta biết một anh hùng lực lượng Pháp kháng chiến lại làm việc cho SDECE – điều đó không có gì bất thường, vì các cơ quan tình báo thường tuyển mộ các nhân viên có kinh nghiệm quân sự (Lucien Conein chẳng hạn, ban đầu cũng chiến đấu trong lực lượng Pháp kháng chiến, rồi gia nhập quân đội Mỹ, sau đó được CIA tuyển mộ). Nhưng trường hợp Mertz đặc biệt giúp chúng ta nhìn rõ những vùng xám lờ mờ hình thành giữa hai khối trắng và đen trong giai đoạn ấy Vì trong khi làm nhân viên SDECE cao cấp, Mertz đã dính vào việc buôn bán ma tuý. Chúng ta không biết chắc điều gì đã khiến ông ta lao vào buôn bán ma tuý. Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy nhiều nhân viên SDECE cũng dính líu vào việc buôn lậu bạch phiến, và giàu có lên nhờ nó. Người ta cũng biết được rằng Mertz đã lấy con gái của một người tên là Charles Martel, một chủ nhà chứa người Pháp sau này cũng cùng buôn bạch phiến với Mertz. SDECE, hay Martel, đã đưa Mertz vào hoạt động rất phi pháp này? Ta hoàn toàn có thể nói rằng có lẽ là cả hai. Tuy nhiên, đến 1960, Mertz không còn hoạt động tích cực cho SDECE nữa. Thay vào đó, ông ta trở thành một trong những trùm buôn lậu bạch phiến từ Marseille sang Mỹ. Thực tế, Mertz đích thân làm việc với những tay khác trong đường dây bạch phiến mà họ cũng là thành viên SDECE từ rất lâu. (Cũng thú vị khi nêu rõ rằng vào cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, phần lớn thuốc phiện đã được chế biến thành bạch phiến tại Marseille là có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng ta biết rằng ở đâu đó trong thời gian đó, Mertz làm việc cho SDECE tại Thổ. Nhưng trong thời Tổng thống Eisenhower, nguồn cung cấp thuốc phiện từ Thổ sang Marseille đã bị cắt vì sự can thiệp của các cơ quan công quyền. Chuyện này gây khó khăn lớn cho giới giang hồ Marseille; không có nguồn cung thuốc phiện ổn định, họ không thể điều hành một đường dây buôn bạch phiến ổn định. Lạ thay, chính Ngô Đình Nhu ở Nam Việt Nam là người, vào năm 1958, đã cho mở lại hoạt động buôn bán thuốc phiện ở miền Nam và trở thành nhà cung cấp thuốc phiện số một cho Marseille). Hệ thống buôn lậu bạch phiến cho Mafia Mỹ của Mertz thật tuyệt hảo. Ông ta điều hành mọi công việc tài chính phức tạp tỉ mỉ (thanh toán tiền bạc, rửa tiền, chuyển tiền bằng điện báo, mở tài khoản mật ở ngân hàng Thụy Sĩ), thuê mướn và huấn luyện và giám sát các nhân viên vận chuyển ma tuý (chính Mertz cũng vận chuyển một số lượng khá lớn trong đời mình), và lập chương trình cho các tuyến buôn lậu (chuyện này đặc biệt quan trọng vì nó không những dính tới chuyện chuyển bạch phiến từ Marseille sang Mỹ mà còn quyết định chuyện lên thời biểu và hẹn giờ giao hàng cho trùm ma tuý bên phía Mỹ nữa). Mertz hoàn tất những công việc này không chút sai sót, và khỏi cần phải nói chuyện những tay trùm bên trên ông ta – anh em nhà Guerini, những kẻ thống trị giới giang hồ Marseille và tập đoàn bạch phiến toàn cầu của họ vào đầu thập niên 1960 – đều rất hài lòng về Mertz. Mertz mau chóng trở nên giàu có. Rất nhiều hoạt động của ông ta có dính líu tới việc chuyên chở xe hơi Pháp (chủ yếu là Citroen) từ Pháp sang Mỹ bằng tàu biển. Bên trong những xe này, những chuyên viên của Mertz đã giấu một khối lượng lên đến 220 cân Anh bạch phiến (khoảng hơn 100 kg). Những xe hơi này được tay chân của Guerini trên đất Mỹ mua một cách hợp pháp và rồi chuyển cho những cơ sở thành viên do Mafia Mỹ kiểm soát. Từ những cơ sở đó, bạch phiến nguyên chất được trộn thêm các thứ phụ gia rồi bán ra khắp nước Mỹ – với mức lãi khủng khiếp – cho vô vàn con nghiện Mỹ. Hoạt động của Mertz cũng giấu những lượng bạch phiến khổng lồ trong những động cơ xe hơi đã được thiết kế lại và những máy móc gia dụng cồng kềnh như tủ lạnh chẳng hạn. Sự thực, Mertz đã thành công đến nỗi tổng kết lại ông ta đã chuyển qua Mỹ số bạch phiến trị giá tới nửa tỉ đô la(146){( Một mô tả ngắn về Michael (Michel) Victor Mertz có thể tìm thấy trong The Heroin Trail, tr.109-121. Một sách khác (JFK: Autopsie d’un Crime D’Etat, Flammarion, 1998, của William Reymond) có vẻ cũng là một tường thuật về Mertz; tuy nhiên, chúng tôi không đọc được nó vì chỉ có bản tiếng Pháp)} Nhưng vào lúc đó, đầu mùa xuân 1961, Mertz đã tạm ngưng công việc buôn bán bạch phiến. Tổ quốc của ông ta lại cần đến ông ta, và Mertz đã tuân lệnh một cách rất sung sướng. SDECE có một công việc khác cho ông ta.