Nghĩa là:Thử cái phàm tâm thường hay rắn trách,Thuận theo ý thầy thường chịu quy y.Có bài kệ rằng: Trừ dữ cũng như gỡ mối tơ,Dằn lòng chắc đặng gỡ không ngơ,Bằng đem dụng sái nơi ý lực,Muôn kiếp ngàn sanh khó hết giờ.Nói về Mã-Đơn-Dương kêu Khưu-Trường-Xuân trở lại nói rằng: - Thầy cùng mấy sư huynh đều cải đổi áo mão theo đạo mới đi đặng xa, trò mặc áo theo như người tục làm sao đi đặng? Tôi có áo nạp y mão đạo, cho trò lấy mặc đội đi theo mới đặng. Trường-Xuân nghe nói mừng rỡ, trở lại lấy áo mão mặc vào. Rồi Mã-Đơn-Dương đem bồ-đoàn và bầu vào đưa cho. Trường Xuân chạy theo thầy một hồi xa thấy mấy người đi trước với thầy. Trường-Xuân thấy mấy người trong xóm người ta ăn cơm mai, trong lòng tưởng rằng: mình đi sớm chưa ăn cơm, thôi để đi xin cơm chay đem lại cúng dường cho thầy ăn, ngặt chưa nay chưa có ra xin, nên không biết làm sao xin. Nghĩ một hồi rồi cũng đi đến nhà nọ, tay cầm bầu đứng trước cửa ngõ. Chó chạy ra sủa, người nhà ra thấy ông Khưu, rồi trở vô xúc một chén cơm nguội đem ra đổ trong bầu. Ông Khưu mừng lắm, rồi xin thêm hai nhà nữa cho đầy bầu, hai tay bưng chạy theo thầy. Lại nói về Trùng-Dương tiên-sanh đi một hồi đến một gốc cây lớn ngồi nghỉ, hỏi Lưu, Xích: - Mấy ông có đem tiền sở phí theo không? Lưu-Trường-Sanh thưa: - Vì thầy đi quá gấp, anh em tôi lật đật chưa kịp hỏi Mã sư-huynh xin tiền. Thầy nói: - Như không có tiền mấy người phải đi xin. Trùng-Dương tiên-sanh ngồi một mình dưới gốc cây thấy Khưu-Trường-Xuân đem một bầu cơm dưng cho thầy ăn. Tiên-sanh trách rằng: - Ai biểu ngươi theo phá ta, ta chẳng chịu đồ của người cúng dường. Ông Khưu mời thỉnh đôi ba lần, thầy chẳng thèm nói tới. Một lát mấy ông Lưu, Xích, xin cơm đem về thỉnh thầy ăn. Tiên-sanh lấy cơm của Lưu Trường-Sanh mà ăn, còn dư lại mấy người ăn hết. Ăn xong thầy trò ra đi hơn mười mấy dặm, trời tối thấy bên đường có một cái miểu, bèn vào miểu quét sạch, trải bồ-đoàn nghỉ một đêm. Bữa sau thầy trò năm người đi trước, Khưu-Trường-Xuân ở sau xin cơm, gặp một nhà hiền lành biểu ông ăn cơm. Trường-Xuân nói: Có thầy tôi đi trước chưa ăn, tôi không dám ăn trước. Vị thiện-nhơn nói: - Việc đó không sao, ông ăn đi, tôi có để một bầu cơm sạch sẽ, rồi ông đem cúng thầy ăn không muộn. Trường-Xuân thấy ông nói cũng phải, liền ngồi ăn, rồi tạ ơn, kế thấy một bầu cơm chay đựng riêng, hai tay bưng chạy theo thấy thầy đi cách chẳng xa, liền kêu thầy đợi tôi đem cơm lại ăn, Trùng-Dương tiên-sanh giả không nghe, đi hoài. Trường-Xuân chạy theo kịp đem cơm dưng cho thầy ăn. Tiên-sanh ngó mà nói rằng: - Cơm đó của một nhà, ta không công nào dám ăn. Há chẳng nghe sách có câu: “Nhứt biến thiên gia phạn, cô thân vạn lý du”. Nghĩa là: Một bầu cơm ngàn nhà cho một mình ăn chơi muôn dặm.Trường-Xuân nghe quở không dám trả lời; thầy nói rồi đi liền. Trường-Xuân trong lòng sợ muốn đem cơm trả lại cho chủ, ngặt trở lại thì xa, muốn ăn hết mà đã no rồi, không biết làm sao, hai tay bưng bầu cơm mỏi rụng, mồ hôi hột ướt mình, đi tới thấy thầy cùng mấy anh ngồi trên đá ăn cơm. Vì bữa đó xin ít nên ăn hết cơm của ông Khưu. Đêm đó cũng ngủ tại cổ miếu. Trường-Xuân tánh thương thầy, trong lòng thầm tưởng: Thầy mình là người Xiểm-Tây, ít chịu ăn cơm, thích ăn bánh mạch (lúa mì), để mai mình xin bánh mạch về cúng dường cho thầy. Bữa sau đi xin đặng mấy cái bánh mạch đem dưng cho thầy. Trùng-Dương tiên-sanh giận nói: Ta đã nói không ăn đồ của người xin, sao cứ theo phá ta hoài vậy? Nói rồi giựt cái bầu quăng dưới đất, bánh rớt xuống mương. Trường-Xuân lật đật lấy lên lượm bánh bỏ trong bầu, thấy thầy đi xa liền chạy theo khóc hoài. (Đọc-giả biết tại sao mà Trùng-Dương tiên-sanh làm nhục Trường-Xuân lắm vậy chăng? Là vì ông Khưu tuổi còn nhỏ, đi ra học Đạo chẳng phải như mấy người kia, tánh chất chịu rồi, nếu chẳng gia khảo trở dồi mài như thế, thời làm sao đặng món đồ tốt? Nên phải trau dồi cái Tánh. Còn Trường-Xuân căn sâu dày lắm, thường bị răn trách mà không biết buồn phiền, thiệt người có căn sâu.) Lại nói mấy thầy trò Trùng-Dương tiên-sanh đi hơn hai tháng đến xứ Giang-Nam, có cái chợ lớn, sau chợ có cái miễu kêu là “Hựu-Thánh-Quan”. Thầy trò sáu người vào ở nhờ trong miễu. Miễu ấy không có đạo-sĩ hay thầy chùa, chỉ có một người già làm từ ở đốt nhang mà thôi. Người ấy cũng là thông thái, cho thầy trò ở đó. Qua ngày sau, Trùng-Dương tiên-sanh nói: Ta muốn ăn thịt. Rồi mấy người liền đi mua một cân thịt đem về, tiên-sanh thấy thịt nói: Ta nay chẳng muốn ăn. Trường Xuân nghe thầy nói liền đem treo trên vách rồi cùng mấy ông vào xóm xin cơm.Tiên-sanh thấy mấy người đi hết, mới lấy cân thịt đưa cho ông từ, rồi kêu Bạch-Hạc-Tiên ở núi Bồng-Lai ngậm đem một miếng cỏ Linh-chi giống như thịt, tiên-sanh tiếp lấy thổi một hơi hóa ra thịt heo, đem treo trên vách. Một lát mấy người về thầy biểu đem thịt nấu ăn, Trường-Xuân lấy thịt xuống, hơi hôi khó chịu, thưa cùng thầy rằng: Thịt hôi rồi, ăn không đặng, thôi để tôi mua thịt khác cho thầy ăn. Tiên-sanh giận nói: - Bọn bây là đồ tạo nghiệt, đem của thập phương về hủy hoại vậy sao? Đã mua thịt sao chẳng nấu ăn, để cho thúi hôi rồi lại bỏ? Ta nay cũng không phạt trách, song bọn ngươi phải ăn sống cho hết. Thầy nói dứt lời, Lưu-Trường-Sanh, Xích-Thái-Cổ, Vương-Ngọc-Dương và Đàm-Trường-Chơn bốn người đều thất sắc. Khưu-Trường-Xuân thầm nghĩ mấy sư huynh là người văn chất làm sao ăn đặng thịt sống? Thà mình ăn hết, dẫu có hôi thúi khỏi ai oán hận đến thầy. Chủ ý định rồi liền lấy miếng thịt kê bên mũi thiệt hôi khó chịu, nín hơi cắn một miếng nhai thử mà không nghe mùi thịt lại giống mùi củ cải sống, bùi ngọt, không hỏi liền ăn hết thịt ấy, nghe trong mình dường như thêm tinh thần khỏe mạnh. (Vì Khưu-Trường-Xuân sau có nạn nhịn đói mấy chục lần, thầy sợ ổng thành bịnh lao, nên hóa ra miếng thịt đó cho ổng ăn, ngày sau không sanh bịnh, đặng thành Kim-Tiên cũng nhờ sức miếng thịt đó.)Lại nói Lưu, Xích mấy ông thấy Trường-Xuân ăn hết thịt rồi trong lòng mới mừng. Lúc đó nhằm mùa lạnh, mấy ông vào xóm xin đặng ít bó củi khô. Đêm đó mưa tuyết lạnh lùng, mấy ông lấy củi khô đốt hơ. Tiên-sanh thấy vậy không bằng lòng, lấy củi quăng hết vô lửa phát cháy, khói bay mù mịt, rồi lấy vá thiếc đập tắt, mấy người nghẹt hơi không chỗ trốn. Trong miễu chật hẹp, phần gió ngoài bay vô, ông nào cũng chảy nước mắt, đều chạy ra hết.Thầy thấy mấy ông chạy ra, liền đóng cửa lại, rồi lấy bồ đoàn ngồi tại cửa ngăn đó. Mấy ông đứng ngoài đợi một hồi hết khói mới vô tránh lạnh. Chừng lại xô cửa không đặng mà không dám kêu, phải ngồi ngoài mà chịu. Chẳng may gặp trận gió tuyết bay lại, mấy ông đều lạnh run. Lưu-Trường-Sanh nói: - Thầy có truyền “Hỏa-Hậu”, anh em mình luyện thử coi bớt lạnh chăng? Khưu-Trường-Xuân cùng mấy ông ngồi lại công-phu điều hơi vận khí, luyện một hồi chẳng những hết lạnh, lại thêm hơi nực. Hồi lâu hừng sáng, thấy cửa chùa mở ra, mấy ông bước vào thấy thầy ngồi trên bồ-đoàn, nói rằng: Các ngươi ghét lạnh sợ nực, tham sanh phạ tử, bỏ chơn cầu giả, ham dùng lửa giả chẳng chịu vận lửa chơn, biếng-nhác chẳng chịu công phu. Như vậy làm sao tu cho thành Đạo? Nếu không phạt đánh, ắt ngày khác trước cần sau lại dãi-đải. Thầy nói rồi liền biểu Vương Ngọc-Dương đem thước bảng phạt đánh mỗi người hai chục đặng ngày sau đừng có vậy nữa. Lưu, Xích mấy ông nghe nói chẳng dám trả lời. Khưu Trường-Xuân quì trước mặt thầy thưa rằng: Việc đó lỗi tại tôi chẳng can mấy anh, để một mình tôi chịu phạt, tha hết mấy anh.Thầy nghe nói hỏi rằng: - Ngươi thiệt dám chịu cho mấy người hết sao? Trường-Xuân thưa: - Xin chịu hết. Thầy nói: - Như ngươi dám chịu hết, mỗi người phạt đánh 20 bảng, năm người cộng lại là 100 bảng.Lưu, Xích mấy ông nghe nói đều lại cầu xin. Tiên-sanh nói: - Mấy người đều cầu xin không lẽ ta không tha, như vậy sau đừng làm biếng nữa mà lầm lỗi việc tu. Thầy nói rồi quăng thước bảng nói cùng Lưu-Trường-Sanh: - Ta khi đó muốn Nam du, nay hết muốn đi nữa, muốn trở về bên Bắc, phải tính đi liền chẳng trễ nải. Thầy nói rồi ra đi. Khưu, Lưu mấy ông lật đật thâu cuốn bồ-đoàn và lấy bầu rồi tạ ơn ông từ, liền đi theo thầy, cũng do đường cũ trở về Sơn-Đông. Đi mấy bữa về đến nhà Mã-viên-ngoại. Trường-Xuân đi trước báo cho viên ngoại hay, viên-ngoại lật đật ra tiếp rước thầy vô, mời đến mao am tu dưỡng không có việc chi, thiệt là thanh tịnh. Cách chừng một tháng mấy người đệ tử nghe nói thầy về đều tới học đạo nữa, cũng đặng đông đảo như trước. Thầy thấy vậy lập ra một kế hay, muốn dời mấy người giả tu đó tan hết.Chẳng đem giả ý dời ra hết,Sao đặng chơn tâm ngộ đạo lai.