Khi Tề Quốc Viễn thọc dưới hang hồi lâu, có một bầy chim bay ra đủ các màu, nhỏ lớn bay lên đậu trên chòm cây ngô đồng rồi nhắm phía Đông bay hết. Kế đó một con chim Phụng Hoàng bay ra, mình năm sắc lông, đuôi rẽ ba chia dài hơn hai thước, bay lên đậu nơi tấm đá Phụng Hoàng ngó vua gật ba cái. Từ Mậu Công tâu rằng: - Chim Phụng Hoàng chầu bệ hạ đó. Thái Tôn vui mừng nói rằng: - Ngươi có lòng đến chầu, ta cho ngươi bình thân đó. Nói dứt lời chim Phụng Hoàng dập cánh nhắm phía Đông bay thẳng. Thái Tôn nói: - Phụng Hoàng đuôi có ba chia, ấy là con trống, còn chim mái chắc còn dưới hang. Bỗng bên dưới có tiếng ồ ồ như giông gió rồi ra một con quái điểu đầu người mình chim, lông cánh có sắc rằn rịt bay lên đậu trên đá Phụng Hoàng ngó vua mà khóc. Mậu Công tâu: - Chim ấy là chim Khốc Ly, vì nước nhà điên đảo nên nó ra trước mặt bệ hạ. Tôi đoán chắc hoạn họa tới bây giờ chẳng khỏi. Thái Tôn cả kinh hỏi rằng: - Tiên sanh! Vì làm sao mà có họa? Mậu Công tâu: - Chim ấy là chim Khốc Ly, nó đến trước mặt bệ hạ mà khóc than, tôi chắc trong giây phút sẽ có binh Phiên kéo đến. Thái Tôn nói: - Nếu vậy để làm chi loài quái điểu, để trẫm cho nó một mũi tên. Nói rồi kéo cung bắn ra một mũi. Chim ấy trớ khỏi, cắn đặng mũi tên rồi nhắm hướng Đông bay tuốt. Khi ấy Mậu Công xem thấy tâu rằng: - Chim ấy đã cắn đặng tên chắc đi báo tin, xin bệ hạ mau dời gót trở về, kẻo binh giặc đến. Các quan nghe nói đều thất sắc, tâu xin vua trở lại. Nói về Cáp Tô Văn nghe danh Tiết Lễ anh hùng, nên chưa dám xuất binh, qua nước Phò Dư mượn đặng vài trăm viên đại tướng và năm chục muôn binh kéo về gần tới núi Phụng Hoàng. Xảy thấy hai con chim Phụng Hoàng bay qua thì nghĩ thầm rằng: "Chim Phụng Hoàng ở trong ổ và Lang chúa đã cấm không cho ai phá khuấy. Nay nó bay ra ắt có người Trung Quốc đến đó." Lại thấy chim Khốc Ly bay đến kêu vang một tiếng, nhã mũi tên xuống. Cáp Tô Văn lượm lấy xem thấy bốn chữ "Trịnh Quân thiên tử" thì biết là vua Đường lên núi Phụng Hoàng, bèn kéo binh vây núi. Vua Thái Tôn và các quan còn ở trên núi nghe la ó vang trời thì kinh khủng kéo nhau lên cao thấy quân Phiên vây phủ kín mít. Thái Tôn hết hồn hỏi Mậu Công rằng: - Binh Phiên vây phủ, biết làm thế nào? Mậu Công nói: - Xin bệ hạ truyền lập trại nơi đây, rồi đốn cây làm cồn mộc treo xung quanh núi thì chúng không làm chi đặng. Thái Tôn y tấu, truyền lịnh tức thì. Ngày kia Cáp Tô Văn cầm đao lên ngựa xốc tới sườn núi kêu Đường vương mà rằng: - Mau xuống núi qui hàng, bằng nghịch mạng, ắt không toàn mạng. Quân vào báo, Thái Tôn cùng các quan đều lên chỗ cao xem thì thấy Cáp Tô Văn mặt xanh mày lửa, miệng có nanh, mình cao lưng lớn, thiệt là oai phong lẫm liệt. Thái Tôn xem sợ thất sắc. Đoàn Chí Hiền đáp: - Xin bệ hạ cho tôi xin xuống trừ Phiên tặc. Thái Tôn dặn phải giữ gìn. Đoàn Chí Hiền lãnh mạng dẫn quân xuống núi. Cáp Tô Văn nạt rằng: - Ta là Bình quốc công Đoàn Chí Hiền đây, mau xuống ngựa chịu trói cho rồi! Cáp Tô Văn nói: - Ngươi chớ khoe tài, gặp ta ắt bỏ thây! Đoàn Chí Hiền nổi giận cầm kích đâm tới, Cáp Tô Văn huơ đao mạnh quá, Chí Hiền chịu không nổi la lên, liền bị một đao đứt đôi. Thái Tôn xem thấy khóc òa. Ân Khai Sơn và Lưu Hồng Cơ cũng khóc rồi cầm đao dẫn quân xuống kêu rằng: - Phiên cẩu chớ chạy! Ta quyết báo cừu! Nói rồi đâm đùa. Cáp Tô Văn rước đánh vài hiệp rồi chém Ân Khai Sơn một đao sả làm đôi. Lưu Hồng Cơ khóc ròng, chân tay bủn rủn, lại bị chém nữa. Thái Tôn ở trên núi thấy hai người bị thác thì khóc ròng. Huất Trì Cung thất kinh, có một tướng trong hai mươi bảy quan tổng binh xin đi đánh báo cừu. Các quan coi lại là Tề Quốc Viễn thì cả kinh can rằng: - Chẳng nên đâu! Cáp Tô Văn cao cường lắm, ba vị Đoàn, Ân, Lưu còn bị nó giết huống chi là lão tướng. Tề Quốc Viễn như lửa tưới thêm dầu, cầm búa lên ngựa xốc tới trận kêu Cáp Tô Văn mắng vãi. Tô Văn cả giận chém đùa. Tề Quốc Viễn rước đánh hai hiệp thì bị một đao mất đầu! Bọn hai mươi sáu tổng binh ở trên núi xem thấy khóc om sòm mà rằng: - Bọn ta cùng Tề Quốc Viễn kết bạn sanh tử, mau xuống núi báo cừu cho trọn niềm huynh đệ. Nói rồi đồng cầm khí giới lên ngựa xốc xuống núi kêu Cáp Tô Văn mà rằng: - Bọn ta quyết giết ngươi mà báo cừu cho bạn. Cáp Tô Văn bị vây đánh mấy chục hiệp, muốn tháo chạy mà chẳng đặng, tính phải ra tay, liền lấy hồ lô cốc đưa lên miệng niệm chú, tức thì một cây phi đao bay ra hóa tám cây nữa, có một làn khói xanh bay trùm cả trận, hai mươi sáu người đều ngó sững. Từ Mậu Công ở trên xem thấy kêu lớn rằng: - Nó dùng Cửu Khẩu phi đao đó, hãy chạy cho mau kẻo chết! Hai mươi sáu người nghe nói hoảng sợ tính mở vây mà chạy cũng không khỏi. Kẻ bị đao, kẻ bị khí xanh bỏ mình hết thảy. Cáp Tô Văn thâu phép lại, kêu Đường chúa mà rằng: - Ngươi thấy phép ta chưa? Sao chưa dâng biểu đầu hàng cho khỏi bị phi đao cắt cổ? Thái Tôn thấy chư tướng đều tử trận thì khóc rằng: - Ấy là tại ta nên chư tướng bỏ mình. Huất Trì Cung thấy vậy tâu rằng: - Xin bệ hạ chớ buồn để tôi xuống trả cừu cho chư tướng. Thái Tôn nói: - Phép phi đao nó lợi hại lắm, đi làm sao đặng. Huất Trì tâu: - Nếu tôi sợ phi đao thì là ham sống sợ chết, thiên hạ chê cười, oan hồn chư tướng chẳng an. Để cho tôi ra binh may giết đặng Cáp Tô Văn mà báo cừu, và giải vây cho bệ hạ, dẫu thác cũng trọn danh trung nghĩa. Từ Mậu Công nói: - Việc báo cừu là việc nhỏ, bảo giá mới là việc lớn. Nguyên soái chẳng nên trái lịnh. Huất Trì nghe nói phải, mới thôi. Lúc ấy Cáp Tô Văn đợi không thấy ai ra trận, mà trời gần tối, nên thâu binh về trại. Từ Mậu Công truyền quân sĩ xuống lượm thây mấy vị tổng binh chôn sau núi, còn thây Đường Văn Nhơn chôn phía trước. Thái Tôn hỏi rằng: - Vì cớ sao tiên sanh dạy chôn Đường Văn Nhơn nơi trước núi? Mậu Công nói: - Đó là để ngày sau bệ hạ có chỗ dùng. Thái Tôn nghe nói cũng bỏ qua, rồi dạy ba quân bày hương án, thân ra tế ba vị lão thần và hai mươi bảy vị tổng binh. Đêm ấy vua tôi nghị kế phá vây.