PHỤ LỤC

Tôi thêm phần Phụ lục này để chép lại bốn bài (gồm cả chú thích) từ bộ Trang tử và Nam Hoa Kinh (TT&NHK) của cụ Nguyễn Hiến Lê (Nxb Văn hoá Thông tin – 1994).
 
- Bài đầu, Liệt Ngự Khấu 1, tôi chỉ chép đoạn tương ứng với bài II.14 trong bộ Liệt tử: Đừng làm cho người ta biết mình. Hầu hết những bài được chép trong bộ Liệt tử và cả trong bộ Trang tử, thì bài nào đã được cụ dịch trong bộ LT&DT rồi, cụ không dịch lại trong bộ TT&NHK. Riêng bài này, cụ dịch lại để “sửa vài chữ”. Tuy nhiên, sự khác biệt mấy chữ đầu bài là do nguyên tác chứ không phải do cụ “sửa vài chữ”: Bài II.14 bắt đầu bằng mấy chữ “Tử Liệt tử chi Tề” 子列子之齊 (Thầy Liệt tử đi sang nước Tề), còn bài Liệt Ngự Khấu 1 bắt đầu bằng “Liệt Ngự Khấu chi Tề” 列御寇之(Liệt Ngự Khấu đi sang nước Tề).
 
- Ba bài sau, Đạt sinh 2, Đạt sinh 8 Điền Tử Phương 9, tương ứng với các bài II.4, II.20, II.5 trong bộ Liệt tử, tôi chép trọn cả bài; mỗi bài tôi đều tạm đặt nhan đề và chép mấy chữ Hán đầu bài để chúng ta tiện đối chiếu với bản chữ Hán.
 
 

°

° °

LIỆT NGỰ KHẤU  1

 
Liệt Ngự Khấu đi sang nước Tề, nửa đường quay về, gặp Bá Hôn Mâu Nhân[1]. Bá Hôn Mâu Nhân hỏi:
 
- Sao lại trở về?
 
Đáp:
 
- Vì tôi sợ.
 
- Sợ cái gì?
 
- Tôi ăn tại mười nhà làm tương mà năm nhà dọn cho tôi ăn trước.
 
- Như vậy thì có gì mà sợ?
 
- Sợ vì lòng chân thành của tôi không hoàn toàn mà nó hiện ra rực rỡ bên ngoài. Dùng cái bề ngoài ấy mà chấn phục nhân tâm, khiến người ta trọng tôi hơn các bậc trưởng lão, như vậy tai nạn sẽ tới. Những người bán tương ấy chỉ sống bằng nghề bán thức ăn, lợi không được bao, quyền thế lại chẳng có gì mà còn đối xử với tôi như vậy, huống hồ ông vua một vạn cỗ xe [tức nước Tề], thân thể mệt nhọc vì việc nước, tâm trí để hết vào chính sự. Ông ấy sẽ giao trọng trách cho tôi, xét xem tôi có được việc không. Vì vậy mà tôi sợ.
 
Bá Hôn Mâu Nhân bảo:
 
- Anh nhận xét sáng suốt đấy. Nhưng dù anh làm một thường dân thì người ta cũng qui phụ anh.
 
Ít lâu sau, lại nhà [Liệt Ngự Khấu], thấy dép để đầy ngoài cửa[2], Bá Hôn Mâu Nhân đứng hướng về phương Bắc, cằm tì vào chiếc gậy, một lát rồi lặng thinh đi về. Người coi cửa[3] cho Liệt tử hay. Liệt tử không kịp xỏ dép, vội vàng xách dép chạy theo, tới cổng thì đuổi kịp, hỏi:
 
- Thầy tới mà sao không chỉ cho tôi phương thuốc gì [tức một lời khuyên răn nào]?
 
Bá Hôn Mâu Nhân đáp:
 
- Vô ích. Ta đã bảo anh rằng người ta sẽ qui phụ anh đấy, quả nhiên như vậy. Không phải là anh cố ý làm cho người ta qui phụ anh, mà là anh không biết cách làm cho người ta đừng qui phụ anh. Cần gì phải làm điều dị thường để cho người ta cảm mộ mình trước như vậy? Không có lí họ thúc đẩy anh tỏ tài riêng của anh ra[4]. Những người giao thiệp với anh không có gì để nói với anh cả. Những lời nhỏ nhen của họ có hại như thuốc độc đấy. Anh mê muội, không giác ngộ thì làm sao có thể cải hoá anh được[5].
 

ĐẠT SINH  2[6]

 
Liệt tử hỏi Quan Doãn[7]:
 
- Bậc chí đức lặn dưới nước mà không ngạt, đi trong lửa mà không bỏng, bay bổng lên trên vạn vật mà không run sợ. Xin ông giảng cho tôi làm sao mà lại được như vậy?
 
Quan Doãn đáp:
 
- Như vậy là nhờ giữ được cái khí thuần hoá, chứ không nhờ trí xảo hay quả cảm. Ông ngồi xuống, tôi giảng cho ông nghe. Hễ có hình dáng, thanh âm, khí sắc thì đều là sinh vật cả. Sinh vật khác nhau ở đâu? Làm sao có vật này hơn vật khác được? Chỉ là nhờ không có hình sắc mà thôi. Nhưng vật nào không có hình sắc thì đạt được cảnh giới không biến hoá nữa. Đạt được cùng cực của cảnh giới ấy thì không bị các vật khác khống chế nữa. Như vậy là đạt được cái trung độ[8], cái cương kỉ vô thuỷ vô chung, mà tiêu dao cảnh giới sơ thuỷ của vạn vật[9], hợp nhất bản tính, hàm dưỡng nguyên khí, trở về với cái Đức nguyên thuỷ mà cảm thông với tự nhiên. Một người như vậy bảo toàn được thiên tính, tinh thần không suy tổn, ngoại vật làm sao xâm nhập mà làm hại người đó được?
 
Như trường hợp người say rượu mà té xe, tuy bị thương mà không chết. Xương và khớp xương cũng như mọi người mà không bị hại như mọi người, là nhờ [say rượu] mà giữ được cái thần, lên xe đã không biết, té xe cũng không hay. Tử sinh, kinh cụ không xâm nhập lòng người đó, cho nên tiếp xúc[10] với ngoại vật mà không biết sợ. Kẻ nhờ rượu giữ toàn được cái thần mà còn như vậy, huống hồ là người tự nhiên vô tâm. Thánh nhân hoà hợp với tự nhiên, nên không vật gì làm hại nổi.
 
Kẻ muốn phục thù không lẽ lại bẻ cây gươm[11] của kẻ thù [vì cây gươm vốn vô tâm]; mà dù có nóng tính, cũng không ai lại oán phiến ngói rơi nhằm đầu mình [vì phiến ngói vô tâm].
 
Theo được đạo [qui tắc] đó thì thiên hạ được quân bình, không có loạn chiến tranh, không có cái hoạ chém giết. Không nên dùng trí tuệ mà truy cầu tự nhiên, cứ thuận theo bản tính mà ứng hợp với tự nhiên. Thuận theo bản tính thì cái Đức sẽ phát, dùng trí tuệ thì sự tàn hại sẽ sinh. Đừng ém cái tự nhiên, đừng diệt cái thiên tính ở người, như vậy thì may ra dân chúng trở về bản chân được.
 

ĐẠT SINH  8[12]

 
 
Kỉ Tỉnh[13] Tử luyện gà đá cho vua[14]. Mới được mười ngày vua vua đã hỏi xong chưa.
 
Đáp: Chưa, gà còn kiêu khí, tự thị.
 
Mười ngày sau lại hỏi.
 
Đáp: Chưa, mắt nhìn còn hăng, khí còn thịnh.
 
Mười ngày sau lại hỏi.
 
Đáp: Gần được, nghe gà khác gáy, nó không xúc động nữa. Coi nó tựa như gà bằng gỗ, đức nó toàn bị rồi, gà lạ không dám đương đầu với nó, thấy nó là quay đầu chạy.
 

ĐIỀN TỬ PHƯƠNG  9[15]

 
Liệt Ngự Khấu (tức Liệt tử) bắn cung cho Bá Hôn Vô Nhân coi, giương hết sức cây cung, mà tay thật cứng, không nhúc nhích, giá có đặt một chén nước đầy lên khuỷ tay trái thì nước cũng không sóng sánh khi phát mũi tên; ông lại bắn mau tới nỗi mũi tên đầu vừa phát thì mũi tên thứ nhì đã đặt vào chỗ, rồi tới mũi tên thứ ba. Lúc đó, ông như pho tượng. Bá Hôn Vô Nhân bảo:
 
- Như vậy còn là hữu tâm mà bắn, chứ không phải là vô tâm mà bắn. Tôi muốn thử cùng với ông lên núi cao, tới một mỏm đá nguy hiểm ở bờ một vực thẳm một trăm nhẫn (mỗi nhẫn là tám thước), xem ở đó ông còn bắn được nữa không.
 
Thế rồi Vô Nhân lên núi cao, tới một mỏm đá nguy hiểm ở bờ một vực thẳm trăm nhẫn, quay lưng lại mà đi lùi, khi hai phần ba bàn chân ở ngoài bờ vực rồi, mới cúi xuống mời Liệt Ngự Khấu lại. Liệt Ngự Khấu sợ quá, nằm rạp xuống đất, mồ hôi chảy xuống tận gót chân.
 
Bá Hôn Vô Nhân bảo:
 
- Bậc chí nhân trên thì đo trời xanh, dưới thì đạt tới suối vàng, vùng vẫy ở chỗ bát cực (tám góc xa nhất của vũ trụ) mà thần khí bất biến. Mới có vậy mà ông đã run sợ, mờ mắt, không làm chủ cái tâm của ông được, nguy rồi, làm sao mà bắn được?[16]
 
 
 
 Chú thích:
 [1] Liệt Ngự Khấu tức Liệt tử. – Bá Hôn Mâu Nhân là một ẩn sĩ nước Sở, Liệt tử rất trọng.
[2] Dép của môn đệ hoặc hạng khách khứa trọng Liệt tử.
[3] Người này có nhiệm vụ thông báo khi có khách tới.
[4] Nguyên văn: dao nhi bản tài, có sách dịch là làm dao động bản tính của anh.
[5] Bài này, từ đầu tới đây, tôi đã dịch trong cuốn Liệt tử, trang 130-33. Nay tôi dịch lại để sửa vài chữ ở những đoạn trên, còn đoạn cuối này, đành để như cũ, vì tối nghĩa quá, không biết dịch sao cho đúng.
[6] Trong Liệt tử là bài II.4: Người say rượu té xe, bắt đầu bằng mấy chữ: Liệt tử vấn Quan Doãn viết: Chí nhân… 列子問關尹曰: 至人… (Goldfish).
[7] Họ Doãn, tên Hi, môn đệ của Lão tử, làm quan coi cửa ải Hàm Cốc, nên gọi là Quan (coi cửa ải) Doãn.
[8] Nguyên văn là “bất dâm chi độ”. “Dâm” đây nghĩa là quá mức.
[9] Quách Tượng giảng là biến hoá, mỗi ngày một mới (?).
[10] Nguyên văn là ngộ, có sách giảng là chống đối. L.K.h. dịch thoát là té xe. Truyện này có chép trong Liệt tử, chương Hoàng Đế bài 4, trong bản của nhà Lá Bối chúng tôi không dịch.
[11] Nguyên văn là Mạc, Can, tức hai thanh gươm nổi tiếng Mạc Da và Can Tương.
[12] Trong Liệt tử là bài II.20: Thuật luyện gà đá, bắt đầu bằng mấy chữ: Kỉ Tỉnh tử vi Chu Tuyên vương 紀渻子為周宣王. (Goldfish).
[13] Tỉnh: tôi tạm sửa lại như vậy vì chữ này trong bộ TT&NHK in rất mờ, gần giống như chữ “Sảnh”. (Goldfish).
[14] Bài này có trong bộ Liệt tử, tức bài 20 chương Hoàng Đế. Trong bản của nhà Lá Bối, chúng tôi không dịch. Theo Liệt tử thì đây là vua Chu Tuyên vương.
[15] Trong Liệt tử là bải II.5: Thuật bắn cung, bắt đầu bằng mấy chữ: Liệt Ngự Khấu vi Bá Hôn Vô Nhân xạ 列御寇為伯昏無人射. Về nhân vật Bá Hôn Vô Nhân trong bài tương ứng, có nhiều bản như bản do Vvn cung cấp, chép là: Bá Hôn Mâu Nhân 伯昏瞀人. (Goldfish).
[16] Bài này có trong Liệt tử II.5 – bản Lá Bối không dịch. Đại ý là làm chủ được cánh tay, bắp thịt chưa đủ, phải làm chủ được cái tâm mới là đạt Đạo. Bá Hôn Vô Nhân có chỗ gọi là Bá Hôn Mâu Nhân.

Xem Tiếp: ----