Song thân ông Andrew Carnegie nghèo tới nỗi khi sanh ông không có tiền mời y sĩ hay cô mụ. Ông bắt đầu kiếm ăn, lãnh mỗi giờ có hai xu, sau gây được một gia tài là bốn trăm triệu Mỹ kim. Một lần tôi có cơ hội lại thăm nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Dunfermline, xứ Ecosse. Nhà chỉ có hai phòng: phòng dưới là xưởng dệt của thân phụ ông, phòng trên gác nhỏ xíu, tối tăm, thấp, sát mái, làm chỗ ăn ngủ cho gia đình. Khi gia đình Carnegie tới Châu Mỹ, thân phụ Andrew dệt khăn trải bàn và đem bán dạo từng nhà. Bà thân ông giặt mướn tại nhà và khâu giày cho một người thợ giày. Andrew chỉ có mỗi một chiếc áo sơ mi mà bà thân ông giặt rồi ủi mỗi tối, khi ông đi ngủ rồi. Bà cụ làm việc từ mười sáu đến mười tám giờ mỗi ngày, và Andrew rất yêu quý cụ. Khi ông hai mươi hai tuổi ông hứa với mẹ rằng mẹ còn sống thì ông không lấy vợ. Ông giữ được lời hứa đó. Ba chục năm sau khi cụ quy tiên rồi, ông mới lập gia đình. Lúc đó ông đã năm mươi hai tuổi, và năm sáu mươi hai tuổi ông mới sanh cậu con một. Hồi nhỏ ông nói hoài với bà cụ: - Má, sau này con sẽ giàu có để má có áo lụa bận, có người ở để sai và có riêng một chiếc xe để đi. Ông thường bảo nhờ bà cụ mà ông thông minh, có nhiều khả năng và lòng yêu mẹ đã là nguyên động lực giúp ông thành công rực rỡ. Khi cụ mất, ông đau khổ trong nửa tháng, mỗi lần nhắc đến tên cụ là ông nghẹn ngào, không nên lời. Một lần ông trả hết nợ cho một bà già xứ Ecosse để bà này lấy lại được căn nhà đã cầm cố cho người khác, chỉ vì bà giống bà cụ thân sinh ra ông. Ai cũng cho rằng Andrew Carnegie là ông vua thép mà ông không biết chút gì về sản xuất thép. Hàng trăm ngàn người làm việc cho ông chắc chắn hiểu kỹ thuật đó hơn ông. Như ông biết dùng người, và đức này đã làm cho ông hóa ra giàu có. Ngay từ hồi nhỏ ông đã tỏ ra có thiên tư xuất chúng, trong nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo, làm cho người khác vui lòng giúp mình. Có lần ở Ecosse, hồi còn bé ông bắt được con thỏ cái. Ít lâu sau thỏ cái sinh được một bầy con, nhưng ông không có gì để nuôi chúng. Ông nảy ra một ý tài tình: ông bảo trẻ con hàng xóm hễ kiếm đủ rau để nuôi thỏ thì ông lấy tên mỗi đứa đặt cho một con thỏ. Kế hoạch đó kết quả lạ lùng. Về sau, Carnegie dùng thuật tâm lý đó trong công việc làm ăn. Chẳng hạn ông muốn bán đường rầy cho công ty xe lửa Pennsylvania Railroad. Hội trưởng công ty hồi đó là J. Edgar Thomson. Andrew Carnegie cho cất ở Pittsbung một xưởng lớn dát mỏng thép mà ông đặt tên là "xưởng thép J. Edgar Thomson". Tất nhiên là ông Thomson khoái chí và bằng lòng mua liền những đường rầy của xưởng mang tên mình. Hồi đầu, Andrew Carnegie làm một anh đưa điện tín ở Pittsbung. Mỗi ngày lãnh được năm cắc mà ông đã lấy làm mãn nguyện lắm. Nhưng ông không biết châu thành Pittsbung và sợ mất việc nên phải học thuộc lòng tên và địa chỉ của tất cả các hãng trong khu vực buôn bán. Ông chỉ thèm làm điện tín viên thực thụ, thèm muốn chết đi, và buổi tối ông học chữ moóc, sáng tới sớm để tập đánh tin. Một buổi sáng có tin quan trọng đặc biệt. Ở Philadelphie người ta gọi Pittsbung, gọi mấy lần mà chưa có điện tín viên nào tới. Andrew Carnegie chạy lại, nhận tin, chuyển tin và tức thì được nhắc lên chân điện tín viên, lương gấp đôi. Sau này ông thích kể lại lần thành công đầu tiên đó. Một bạn thân của ông tóm tắt luân lý trong truyện thành một câu ngộ nghĩnh dưới đây mà chúng ta nên ngẫm nghĩ kỹ: "Muốn trở nên một người ra sao thì phải hành động như đã là con người ấy". Nghị lực không có gì thắng nổi và lòng cao vọng phóng túng của Andrew Carnegie làm cho nhiều người để ý tới ông. Công ty Pennsylvania Railroad dựng một đường dây thép tư, Andrew Carnegie được công ty dùng làm điện tín viên rồi ít lâu sau lãnh chức thư ký riêng của Giám đốc phân khu. Một ngày nọ, một việc bất ngờ đưa ông lên con đường giàu sang. Một người ngồi bên cạnh ông trong toa xe lửa đưa cho ông coi bản đồ một kiểu toa mới, có chỗ nằm mà người đó mới vẽ xong. Hồi đó ghế nằm chỉ là những băng dài đóng vào hai bên hông toa chở hàng. Bản đồ mới giống kiểu toa ngày nay. Carnegie có óc sáng suốt đặc biệt của người Ecosse. Ông hiểu rằng sáng kiến đó hứa hẹn được nhiều. Ông vay tiền, hùn thêm một phần vốn quan trọng vào xí nghiệp, được hưởng những số lời lớn và năm ông hai mươi lăm tuổi, nội việc hùn vốn đó đã đem cho ông năm ngàn Mỹ kim mỗi năm. Một làn khác, một chiếc cầu cây trên đường hỏa xa cháy và sự giao thông phải ngưng trệ trong nhiều ngày. Lúc đó Andrew Carnegie làm giám đốc một ngành trong công ty. Ông hiểu rằng những cầu cây sẽ bị loại và thép sẽ là vật liệu trọng dụng. Ông vay tiền, lập một công ty làm những cầu sắt, và tiền lời ùn ùn vô mau quá, làm ông gần hoa cả mắt. Ông mó cái gì là cái đó biến thành vàng. Ông lên như diều. Vận may, một vận may không thể tưởng tượng được bám riết lấy ông. Ông với vài người bạn mua một cái trại giá bốn chục ngàn Mỹ kim, ở giữa một khu có mỏ dầu lửa, tại Pennsylvanie và chỉ trong một năm lời được một triệu Mỹ kim. Khi con người quỉ quyệt đó hai mươi bảy tuổi thì lợi tức mỗi tuần đã được ngàn Mỹ kim rồi, mà mười lăm năm trước chỉ kiếm được hai cắc rưỡi mỗi ngày. Việc dưới đây xảy ra năm 1862, Lincoln đương làm Tổng Thống. Nội chiến đương dữ dội. Sắp có nhiều sự thay đổi lớn. Biên giới mở rộng ra. Miền Tây xa xôi bắt đầu được khai phá. Những đường xe lửa sẽ đặt khắp trong nước. Nhiều thành thị lớn sẽ dựng lên. Châu Mỹ lảo đảo trước một kỷ nguyên mới mê hồn. Và Andrew Carnegie, với những lò nấu thép phun khói và lửa của ông, bị lôi cuốn trong ngọn thủy triều đương dựng đó, ông dựng được gia tài khổng lồ ngoài sức tưởng tượng. Vậy mà ông không phải là hạng người làm chết bỏ, Ông thích la cà. Ông bảo rằng những người cộng tác với ông biết nhiều hơn ông, và chính những người đó kiếm tiền cho ông. Người Ecosse có tính biển lận. Ông là người Ecosse mà lại không biển lận khi chia lời. Ông để các cộng tác với ông hưởng chung, và chắc chắn ông là người đã gây cho nhiều người nhất thành triệu phú. Trong đời ông, ông chỉ được học có bốn năm, vậy mà ông viết tám cuốn sách về du ký, tiểu sử, cảo luận và biên khảo kinh tế. Ông tặng sáu chục triệu Mỹ kim cho các thư viện công cộng và sáu mươi tám triệu nữa cho công việc cải thiện giáo dục. Ông thuộc hết thảy những bài thơ của Robert Burns và có thể đọc thuộc lòng trọn bộ những kịch Macbeth, Vua Lear, Romeo và Juliet, Nhà buôn ở Venice của Shakespeare. Ông không theo một tôn giáo nào cả mà tặng bản ngàn đàn ống cho các giáo đường. Ông đã tặng tới ba trăm sáu mươi lăm triệu Mỹ kim. Các nhật báo tổ chức những cuộc thi và thưởng người nào chỉ được cho ông cách hữu ích nhất để tiêu hết đống vàng của ông, vì ông đã tuyên bố rằng chết giàu là chết nhục.