Đi mua quà Giáng Sinh có thể là công việc căng thẳng nhất trong năm. Đặc biệt là mua quà Giáng Sinh để tặng vợ, đó còn là một thách thức đặc biệt. Tặng máy hút bụi có vẻ thiếu tình cảm, tặng vé xem bóng đá có vẻ không thực tế, còn tặng thiết bị nhà bếp thì hoàn toàn không thể được. Tôi cảm thấy lúng túng khi Giáng Sinh sắp đến. Bí quá, tôi nhờ Sally - cô thư ký của tôi - giúp tôi chọn quà. Chúng tôi đi bên nhau trên đường dành riêng cho người đi bộ, cách cửa hiệu kim hoàn hai dãy phố. Làm việc ở khu thương mại cũng tiện lợi, vì gần các cửa hiệu mua sắm. Tuy nhiên, nó cũng có những bất lợi. Trên đường, trước mặt chúng tôi là hai người đàn ông vô gia cư, đang ngồi co ro bên cạnh đường ống dẫn hơi nóng của một tòa nhà. Tôi định băng qua đường để tránh họ, nhưng xe cộ đông đúc quá. Trước khi tiếp tục bước tới, tôi đổi bên để Sally đối mặt với họ. Chắc chắn họ sẽ xin tiền chúng tôi, làm bộ để mua đồ ăn, nhưng số tiền bố thí sẽ được quăng vào cửa hàng rượu bia. Khi đến gần hơn, tôi thấy rõ người thứ nhất khoảng ba bốn, ba lăm tuổi, còn người kia chỉ trạc tuổi học sinh cấp hai - khoảng mười ba hoặc mười bốn là cùng. Cả hai đều ăn mặc rách rưới. Áo choàng của người đàn ông quá chật, ống tay bị rách bươm, trong khi cậu bé chỉ mặc một cái áo sơ mi phong phanh, đương đầu với cơn gió lạnh buốt. Tôi nghĩ thầm: chỉ một hoặc hai đồng hai mươi lăm xu, là họ sẽ không quấy rầy chúng tôi. Lấy hết dũng khí nam nhi, tôi nói với Sally: - Để tôi lo cho. Nhưng dường như Sally không khó chịu khi nhìn thấy hai người ăn xin đó. Thật ra, cô ấy có dáng vẻ thoải mái trước sự hiện diện của họ. Không để họ lên tiếng, cô ấy nói ngay: - Tôi có thể giúp gì cho ông không? Cả hai ngạc nhiên nhìn Sally rồi sau đó người lớn tuổi cất tiếng: - Vâng, thưa cô. Chúng tôi cần một việc. Tôi nghĩ thầm: Đúng rồi. Rõ ràng là hai người này đang muốn xin xỏ tiền bố thí. Tôi nhìn họ một lần nữa và thấy cậu bé đang run rẩy vì cơn gió mùa đông, nhưng tôi có thể làm được gì đây? Người lớn tuổi hỏi: - Cô làm ơn cho biết mấy giờ? Sally liếc nhìn đồng hồ và đáp: - Mười hai giờ mười lăm. Ông ta gật đầu cảm ơn và không nói lời nào nữa. Chúng tôi đi tiếp tới cửa hiệu kim hoàn. Tôi thấy mình phải hỏi Sally về cuộc gặp gỡ vừa rồi: - Tại sao cô hỏi thăm ông ta? Sally trả lời với giọng bình thường: - Ông ta đang lạnh và cần được giúp đỡ, thế thôi. - Nhưng ông ta là một kẻ vô công rồi nghề. Ông ta có thể cướp đồ của cô, hoặc đại loại như vậy. - Tôi có thể tự bảo vệ được. Nhưng đôi khi tôi cần phải liều lĩnh trước một kẻ khác. Chúng tôi bước vào cửa hiệu, và Sally nhanh chóng tìm được một món quà hoàn hảo cho vợ tôi - một cặp bông tai nạm kim cương. Đồng thời cô ấy cũng mua một chiếc đồng hồ đeo tay nam, không phải loại đắt tiền lắm, vì cô là người luôn biết tiết kiệm. Tôi nghĩ thầm: có lẽ là quà tặng cho chồng cô ấy. Khi chúng tôi quay trở về văn phòng, hai kẻ lang thanh vẫn còn ngồi ở chỗ cũ. Một lần nữa, tôi cố gắng chen vào giữa Sally và họ nhưng cô ấy không chịu. Khi chúng tôi đến gần họ, Sally rút cái đồng hồ trong giỏ ra và đưa cho người lớn tuổi. - Đây. Tặng ông. Tôi chắc ông biết cách sử dụng nó. Ông ta kinh ngạc không kém gì tôi, thử đeo nó vào tay và nói: - Cám ơn cô. Cám ơn nhiều lắm. Khi chúng tôi bước đi, ánh mắt Sally long lanh niềm tự hào về điều mà cô ấy vừa làm. Tôi hỏi: - Tại sao cô làm như vậy chứ? Sally nhún vai, đáp: - Hôm nay tôi đang vui và tôi quyết định làm một điều tốt cho ông ta. - Nhưng ông ta không xứng đáng. - Ngay cả người nghèo cũng muốn một món quà đặc biệt nào đó. - Ông ta có thể dùng chiếc đồng hồ đó để mua bia uống. Sally chỉ mỉm cười và nói: - Nếu vậy thì sao nào? Tôi không quan tâm tới chuyện đó. Tôi đã làm việc tốt và đó mới là điều quan trọng. Còn điều ông ta làm với cái đồng hồ là thử thách của ông ta. Chúng tôi về tới tòa nhà, và ai vào phòng nấy. Tôi tự hỏi về cuộc gặp gỡ vừa qua và suy nghĩ mãi đến hai người đàn ông đó. Chắc chắn họ đang ở tiệm cầm đồ và chuẩn bị hưởng thụ với số tiền của Sally. Hôm sau, tôi đi ăn trưa một mình tại quầy bán thức ăn nhanh bên ngoài tòa nhà. Khi đi bên đường, tôi gặp lại hai người đàn ông hôm qua. Cả hai vẫn lảng vảng quanh đường ống dẫn hơi nóng của tòa nhà. Người lớn tuổi nhận ra tôi, nói: - Thưa ông, ông vui lòng cho biết mấy giờ rồi ạ? A ha! Tôi tóm được ông ta rồi! Tôi không còn thấy đồng hồ của Sally cho ông ta đâu nữa. Tôi hỏi với hy vọng khuấy động tâm hồn ông ta: - Cái đồng hồ mà hôm qua cô thư ký của tôi cho ông đâu? Ông ta cúi đầu và nhận lỗi: - Thưa ông, tôi xin lỗi. Nhưng tôi cần phải làm điều đó. Nếu nó là con trai của ông, ông cũng sẽ làm vậy thôi. Lúc bấy giờ tôi mới nhận thấy chiếc áo choàng mới trên người cậu bé. Tôi không nói lời nào, đưa một đồng hai mươi lăm xu cho ông ta và tiếp tục đi. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ về sự việc mới xảy ra. Ông ta đã bán cái đồng hồ rồ dùng số tiền đó để mua áo choàng, chứ không phải mua bia. Lòng tốt của Sally đã có ý nghĩa. Lời nói của cô ấy cũng vậy. Thử thách đã có câu trả lời. Khi tới quầy bán thức ăn nhanh, tôi bỗng thấy không thèm ăn nữa. Tôi quay trở về văn phòng. Hai người ăn xin vẫn còn ở chỗ cũ. Tôi vỗ vào vai người lớn tuổi khiến ông ta giật mình nhìn lên. Tôi cởi cái áo choàng dài màu xám của tôi, khoác lên vai ông ta, và không nói một lời nào. Khi tôi bỏ đi, tôi biết thử thách của riêng tôi đã được trả lời. Đoạn đường ngắn ngủi thôi, nhưng hai hàm răng tôi đánh lập cập. Nhưng các bạn biết không... đó là một trong những chuyến đi ấm áp nhất trong đời tôi. Harrison Kelly