Người trong thế gian, trừ bậc thánh hiền, trừ bậc chân tu, phần đông có mối thù trong lòng, không nhiều thì ít. Chỉ khác nhau ở điểm là thù bộc lộ hay thù ngấm ngầm, và lòng bôn bức trả hay thong thả trả...đó thôi. Và kẻ tiểu nhân thì vì thù riêng mà bỏ nghĩa công, còn người quân tử vì nghĩa công quên thù riêng. Vì thù riêng quên nghĩa công thì như Cự Đà nước ta, Dương Châm nước Tàu đã kể kỳ trước. Vì nghĩa công quên thù riêng thù như Lạn Tương Như thời Đông Châu Liệt Quốc. Lạn Tương Như là một xá nhân của viên hoạn gia quan nước Triệu tên Mục Hiển. Vua Triệu có viên ngọc dạ quang để ở chỗ tối, tự nhiên phát áng sáng thay thế được đèn, để bên chỗ nằm ngồi, mùa đông có thể thay lò sưởi, mùa hè có thể thay quạt, trong vòng năm bước, ruồi nhặng không dám đậu gần. Vua Tần nghe tiếng, muốn đoạt, bèn lập kế, viết thư sang Triệu, yêu cầu mang ngọc đến sẽ đổi cho mười lăm thành liền ở đất Tây Dương. Vua Triệu biết rằng đem ngọc sang Tần thì ngọc mất mà thành cũng chẳng được, nhưng không đem ngọc sang thì tại sợ Tần gây hấn. Vua tôi còn đang bối rối thì Mục Hiển giới thiệu Lạn Tương Như là người đã có sức mạnh mà còn đa mưu túc trí. Vua liền đòi Tương Như đến vấn kế. Tương Như đem ngọc sang Tần, nếu được thành thì giao ngọc, bằng không thì nguyện bảo vệ viên ngọc cho đến cùng. Vua Triệu mừng rỡ, phong Tương Như làm đại phu mang ngọc sang Tần. Sang Tần, Tương Như dùng mưu đem được ngọc trở về Triệu mà vua Tần sợ tiếng bất nghĩa đành phải dẹp lòng tham. Vua Triệu cả mừng, phong Tương Như làm Thượng Đại Phu. Sau đó vua Tần vời vua Triệu đến hội kiến ở Mãnh Trì. Cũng nhờ Tương Như mà vua Triệu khỏi bị vua Tần làm nhục và vua Tần phải kính nể nước Triệu. Khi trở về nước, vua Triệu hết lời ban khen và phong Tương Như làm Thượng Tướng. Đại Tướng Liêm Pha bất bình, hằn học nói cùng kẻ bộ hạ: - Ta có công to đánh thành cướp đất, còn Lạn Tương Như chỉ lấy chút công ở đầu lưỡi mà thứ vị lại ở trên ta. Huống nữa hắn là một tên xá nhân của kẻ hoạn quan, xuất thân hèn mọn, ta đời nào chịu đứng dưới hắn. Cho nên hễ gặp mặt hắn là ta giết ngay. Lạn Tương Như nghe những lời ấy, luôn luôn tìm cách tránh mặt Liêm Pha. Những buổi triều đều cáo bệnh, và một hôm ra đường thấy xa giá của Liêm Pha đi đến, Tương Như bảo tên đánh xe tránh vào ngõ hẻm, đợi Liêm Pha qua khỏi mới ra đi. Bọn xá nhân thấy thế tức giận, xúm lại bảo Tương Như: - Chúng tôi bỏ hàng xóm, xa thân thích đến đây hầu Ngài, coi Ngài là bậc Trượng Phu. Ngày nay Ngài cùng Liêm Pha đồng phò một Vua, ngôi thứ lại ở trên, thế mà bị Liêm Tướng Quân nói một câu hăm dọa, Ngài đã chẳng dám vào triều, lại còn tránh mặt ở nơi đường sá. Tại sao Ngài lại sợ Liêm Pha đến thế? Chúng tôi xấu hổ thay cho Ngài, và hết muốn theo Ngài nữa. Tương Như buồn bã đáp: - Ta tránh Liêm Pha đâu phải vì sợ, mà vì một duyên cớ khác, các ngươi chưa hiểu đó thôi. Bọn xá nhân xin cho biết. Tương Như bèn hỏi: - Các ngươi xem Liêm tướng quân uy lực có bằng vua Tần không? Bọn xá nhân đáp: - Không thể bằng được. Lạn Tương Như nói tiếp: - Uy lực của vua Tần, trong thiên hạ không ai dám chống. Thế mà ta dám công nhiên máng vào mặt và làm nhục cả quần thần. Như thế ta lại sợ Liêm Pha hay sao. Nhưng ta nghĩ sở dĩ nước Tần sợ nước Triệu mà không dám xâm phạm là vì Triệu có ta và Liêm Pha. Nếu ta cùng Liêm Pha xung đột lẫn nhau, thì Tần ắt sẽ thừa cơ đánh Triệu vì xem trọng việc nước nên ta xem nhẹ thù riêng. Bọn xá nhân nghe đều kính phục. Cách mấy hôm, bọn xá nhân họ Lạn và bọn xá nhân họ Liêm gặp nhau ở quán rượu. Hai bên tranh chỗ ngồi. Xá nhân họ Lạn nói: - Chủ ta vì nước phải nhường Liêm tướng quân, thì chúng ta cũng vì ý chủ mà nhường khách của họ Liêm vậy. Liêm Pha được thể càng thêm kiêu ngạo. Trái lại Lạn Tương Như lại càng nhường nhịn thêm. Nhờ vậy mà không xảy ra sự xích mích. Được ít lâu có người ở Hà Đông tên Ngu Khanh đến chơi nước Triệu, nghe chuyện liền vào yết kiến nhà vua và tâu rõ mọi sự. Vua Triệu thất kinh nhờ Ngư Khanh tìm cách dàn xếp để nối lại mối hoà bảo giữa Lạn - Liêm. Ngu Khanh đến yết kiến Liêm Pha, trước hết ca tụng công đức của Lão Tướng. Liêm Pha mừng hớn hở. Ngu Khanh tiếp. - Kể công không ai bằng tướng quân, nhưng nói đến đức không ai bằng Lạn Tương Như. Liêm Pha cau mày nói: - Tương Như là kẻ hèn mạt, lấy chót lưỡi lập công nên danh, có gì mà gọi rằng đức? Ngu Khanh đáp: - Tương Như đâu phải kẻ hèn nhát. Nếu hèn nhát sao dám đương nhiên mắng vua Tần trước mặt quần thần. Chẳng qua vì nghĩ đến việc lớn mà nhường nhịn tướng quân đó thôi. Nói đoạn thuật lại những lời Tương Như đã nói cùng bọn xá nhân, và tiếp. - Nếu tướng quân không đặt mình vào nước Triệu thì thôi. Bằng đặt mình ở nước Triệu, mà hai vị Đại Thần, một nhường nhịn, một kiêu, tôi e tiếng tốt không về tướng quân đó. Liêm Pha hổ thẹn nói: - Nếu không có tiên sinh chỉ giáo, thì không bao giờ tôi thấy được điều lỗi của tôi. Tôi thật kém Lạn Tương Như nhiều lắm. Nói xong, tự cởi trần vai áo, cầm roi đến dinh Tương Như mà tạ tội: - Bỉ nhân hẹp hòi, không nhận thấy lượng khoan hồng của Tướng Quốc. Dầu chết cũng không xứng tội. Đoạn quì mọp giữa sân. Tương Như vội chạy đến đỡ dậy, nói: - Hai ta chung vai phò xã tắc. Tướng quân hiểu lòng cho như thế cũng là một ân huệ rồi. Xin chớ nên tị hiềm. Liêm Pha cảm ta: - Tôi vốn thô bạo, đội ơn Tướng Quốc bao dung, nghĩ lại lấy làm xấu hổ. Tương Như nói: - Không nên nghĩ đến chuyện cũ. Từ nay hai ta nguyện kết tình huynh đệ, dù chết cũng không đổi lòng. Lượng bao dung của Tương Như thật đáng kính, mà lòng biết hối ngộ của Liêm Pha cũng thật đáng khen. Cả hai đều là bậc quân tử. Đời nhà Đường cũng có một chuyện tương tự. Đó là chuyện Quách Tử Nghi và Lý Quang Bậc. Quách Tử Nghi và Lý Quang Bậc cùng làm phó tướng cho An Tử Thuận. Hai bên không ưa nhau. Nhiều khi cùng đi với nhau một xe, ngồi với nhau một tiệc, mà coi nhau như cừu địch, không ai nói với ai nửa lời. Sau Tử Nghi được lên làm Tướng Quốc thay Tử Thuận. Quang Bậc sợ Tử Nghi hại mình, mạnh dạn đến nói: - Phần tôi dù chết cũng cam, xin đừng hại đến vợ con tôi là kẻ vô tội. Tử Nghi vội chạy lại cầm tay thưa: - Tôi đâu dám đem lòng oán hận riêng mà hại ông. Hiện trong nước loạn lạc, Vua lo, tôi nhục, không ông thì ai gánh nổi việc thiên hạ. Vừa nói vừa khóc. Quang Bậc cũng khóc theo. Liền đó Quách Tử Nghi cất Quang Bậc lên chức Tiết Độ Sứ, cùng nhau chung lòng giúp nước, yên dân. Người đời khen là Sĩ Quân Tử.