6.4. Cựu tổng thống mỹ Busơ nói: trong khi hội kiến với người lãnh đạo nước ngoài, Đặng Tiểu Bình có một tài năng cao siêu và năm vững tỷ lệ tối ưu giữa cứng rắn và linh hoạtNgày 22.9.1982, một chiếc máy bay của Hoàng gia Anh chở nữ thủ tướng Thátchơ cùng chồng bà là Đanixơ và các quan chức chính phủ cùng 16 nhà báo tới Bắc Kinh.Rất khéo, hôm đó đúng là ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2463 của nhà tư tưởng cổ đại vĩ đại là Khổng Tử, thì “chung sống hòa bình”, lúc đó nhiều nước đối lập về chế độ xã hội, cũng chuyển thù thành bạn, như với Mỹ và Nhật. Thủ tướng Anh chọn thời cơ này để thăm Trung quốc, tỏ rõ nước tư bản lão luyện này cũng muốn đáp chuyến tàu sớm tới thị trường Trung quốc. Nhưng mục đích chuyến đi của bà ta mà nhiều người chú ý lại là một chuyện khác. Chính thức hội đàm với người lãnh đạo Trung quốc về vấn đề Hương Cảng.Bà Thátchơ là nhân vật có bàn tay sắt trong chính giới Anh sau Sớcsin, thường được gọi là “người đàn bà thép” nổi tiếng về sự cứng rắn và linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Vấn đề Hương Cảng bắt đầu bàn từ đâu bà ta đã có phương án sẵn.Anh chiếm Hương Cảng ° (°Hương Cảng, còn được phát âm là Hồng Kông) đã hơn 100 năm, trong đó có hai lần: sau đại chiến thứ hai và đầu thập kỷ 50, suýt bị lấy lại, nhưng đều đã qua khỏi được. Lần này, không thể tránh khỏi được may rủi. Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố: giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất Tổ quốc là một trong ba nhiệm vụ lớn trong thập kỷ 80, Hương Cảng tất nhiên cũng nằm trong số đó, chậm nhất không thể quá năm 1997. Vấn đề sẽ giải quyết như thế nào, người Anh rất muốn thăm dò tình hình để xác định đối sách.Tháng 3.1979, toàn quyền Hương Cảng thăm Bắc Kinh, lần đầu tiên trao đổi với Đặng Tiểu Bình về vấn đề đó.Tháng 4.1981, Bộ trưởng ngoại giao Anh Calintơn thăm Trung quốc, Đặng ngỏ ý cho ông ta biết: nếu địa vị của Hương Cảng sau này thay đổi, người đầu tư nước ngoài sẽ không bị tổn hại đến lợi ích. Nửa năm sau, khi Bắc Kinh tuyên bố 9 nguyên tắc hòa bình thống nhất Đài Loan, trên thực tế là gián tiếp nói công khai về phương án tham khảo giải quyết vấn đề Hương Cảng. Tháng 4.1982, khi Đặng hội kiến với Thủ tướng tiền nhiệm của Anh, đã nói rõ 9 nguyên tắc giải quyết vấn đề Đài Loan cũng thích dụng đối với Hương Cảng.Như vậy là người Anh đã rõ, toàn quyền Hương Cảng thậm chí còn cho rằng việc chuyển giao chủ quyền Hương Cảng chẳng qua chỉ là vấn đề thủ tục. Nữ thủ tướng Thátchơ vốn là người sành sỏi về các vấn đề quốc tế đương nhiên không coi vấn đề đơn giản như vậy. Nhưng, qua tiếp xúc có tính thăm dò, bà ta cho rằng đã nắm được lập trường của Trung quốc: Trung quốc quyết tâm thu hồi chủ quyền ở Hương Cảng, nhưng không muốn thay đổi vai trò của Hương Cảng là một cảng tự do và một trung tâm buôn bán quốc tế. Mô hình “một quốc gia hai chế độ” là có ý tách riêng chính trị và kinh tế. Người Trung quốc theo nguyên tắc tách riêng chính trị và kinh tế, đã tách biệt quyền sở hữu và quyền kinh doanh đối với xí nghiệp quốc doanh, thì ở Hương Cảng, nơi có tính chất địa khu, chủ quyền và quyền quản trị có thể tách riêng ra không? Chủ quyền của Hương Cảng xem ra không thể không trao trả, thái độ của Trung quốc về vấn đề này rất rõ ràng và không nhượng bộ. Nhưng nếu nghĩ cách hướng sự suy nghĩ của người Trung quốc về việc tách riêng hai quyền, thì nước Anh có thể có khả năng: sau khi trao trả chủ quyền của Hương Cảng, vẫn giữ được quyền quản trị trên thực tế.Đương nhiên, bà thủ tướng biết rằng muốn làm như vậy cần phải có tiền đề lớn là giữ vững tính hợp pháp của ba điều ước quốc tế về Hương Cảng đã ký kết trong lịch sử. “Điều ước Nam Kinh” năm 1842 và “Điều ước Bắc Kinh” năm 1860 đã quy định vĩnh viễn cắt nhượng cho Anh bán đảo Hương Cảng và mỏm phía nam bán đảo Cửu Long. “Điều khoản chuyên môn về địa giới khai thác Hương Cảng” năm 1898 lại cắt một mảnh đất lớn của bán đảo Cửu Long và hơn hai trăm đảo nhỏ xung quanh (gọi chung là Tân giới) cho nước Anh thuê trong 99 năm. Nếu cả ba điều ước vẫn còn hiệu lực, thì có nghĩa là, đến năm 1997, nước Anh đương nhiên sẽ trao trả Tân Giới cho Trung quốc, nhưng vẫn giữ chủ quyền ở Hương Cảng, Cửu Long. Diện tích của Tân giới là 984,53 km vuông. Còn Cả Hương Cảng, Cửu Long gộp lại chỉ có 91,49 km vuông. Nước Anh không có Tân Giới thì Hương Cảng, Cửu Long cũng không tồn tại được. Nhưng có thể mặc cả: Trung quốc vốn rất coi trọng chủ quyền, vậy thì Anh sẽ trao trả chủ quyền của Hương Cảng, Cửu Long để đổi lấy quyền quản trị Tân Giới. Nếu được như vậy, thì đến kỳ hạn, toàn bộ chủ quyền ở khu vực Hương Cảng sẽ trao trả cho Trung quốc, và Anh vẫn quản trị toàn bộ khu vực đó, tương đương như một xứ nửa thuộc địa, thì vẫn rất tốt đối với Anh.Những người am hiểu tình hình còn biết rằng, lần này “người đàn bà thép” còn mang theo cả dư uy của chiến thắng Manvinát giữa Anh và Achentina để đến thảo luận vấn đề Hương Cảng. Trước khi đến Trung quốc bà ta còn dõng dạc tuyên bố: “Ba điều ước liên quan đến Hương Cảng vẫn còn hiệu lực”. Tư thế đó như tỏ rằng, cuộc hội đàm khẳng định sẽ đem tới kết quả có lợi.Phía Trung quốc đã chuẩn bị kỹ cho cuộc hội đàm. Đầu tiên, Thủ tướng Triệu Tử Dương đứng ra, chính thức thông báo cho phía Anh là Trung quốc quyết định chính thức thu hồi chủ quyền ở Hương Cảng từ năm 1997, đồng thời nói rõ sau khi thu hồi sẽ thực hiện chính sách đặc biệt để tiếp tục bảo đảm phồn vinh cho Hương Cảng.Người đàn bà thép vẫn kiên trì luận điểm cho rằng ba bản điều ước vẫn còn có hiệu lực, và đề xuất nếu Trung quốc đồng ý sau 1997, Anh vẫn tiếp tục quản trị Hương Cảng, thì Anh sẽ xét yêu cầu đòi chủ quyền của Trung quốc, làm như không phải là trả vật về cho chủ cũ, mà là ban cho Trung quốc một ân huệ từng mơ ước, chỉ với một điều kiện nho nhỏ.Đối với Trung quốc, đây là một cuộc “trinh sát bằng hỏa lực” cần thiết. Cuộc hội đàm mang tính thực chất diễn ra vào hôm sau, tức ngày 24-6.9. Đối thủ của người đàn bà thép là một “công ty gang thép”. Nói theo cách nói của tổng thống Mỹ Gioócgiơ Bu sơ thì “Khi hội kiến với người lãnh đạo nước ngoài, Đặng Tiểu Bình có một tài năng cao siêu là nắm vững tỷ lệ tối ưu giữa cứng rắn và linh hoạt”. Hôm đó, người đàn bà thép mặc bộ váy màu xanh pha chấm đỏ, đi giầy cao gót bằng da đen, tay xách chiếc túi đen, cổ đeo chuỗi hạt ngọc, tỏ ra rất cao sang quý phái, tư thế đường hoàng. Bà ta được báo cho biết, trước hết sẽ gặp gỡ Đặng Dĩnh Siêu tại phòng Tân Cương trong giây lát, sau đó sẽ đến phòng Phúc Kiến cạnh đó để hội đàm với Đặng Tiểu Bình.Rất lạ là, khi bà ta ra khỏi phòng Tân Cương đi tới phòng Phúc Kiến, đi được nửa đường vẫn chưa thấy bóng dáng Đặng Tiểu Bình. Cửa phòng Phúc Kiến vẫn đóng kín, hoàn toàn khác với quang cảnh vừa rồi, Đặng Dĩnh Siêu đã đứng sẵn trước cửa chờ đón một cách tôn trọng. Các nhà báo chú ý phát hiện thấy, nữ thủ tướng tuy vẫn bước khoan thai: nhưng nét mặt đã có vẻ băn khoăn nghi ngại: Tại sao vẫn chưa thấy chủ nhân ra đón?Chủ nhân đã có ý định trước, không vội vàng ra đón nữ thủ tướng, cũng không tỏ ra quá lạnh nhạt với vị khách từ xa tới. Trong lúc người đàn bà thép đang nghi hoặc tiến cách cửa chừng hai mươi bước, cửa đột nhiên mở ra, Đặng Tiểu Bình tươi cười tiến lại nghênh tiếp, cùng khách bắt tay chào hỏi.Cuối cùng đã gặp được nhân vật số 1 của Trung quốc, người đàn bà thép nói: “Tôi là thủ tướng đương nhiệm đến thăm Trung quốc, rất vui mừng được gặp Ngài”. Không ngờ, Đặng Tiểu Bình lại trả lời: “Vâng, tôi đã biết mấy thủ tướng nước Anh, nhưng những người đó đều đã không còn giữ chức. Hoan nghênh bà đến thăm?”. Đó vốn là một câu nói thực. Nhưng những người thích nghe và phỏng đoán suy diễn thì lại lấy đó làm chuyện cười Cảm tưởng của người đàn bà thép lúc đó thế nào không ai được biết.Sau vài câu thăm hỏi, đi vào vấn đề chính, các nhà báo được mời ra khỏi hội trường. Cuộc hội đàm diễn ra trong phòng kín nhưng trên khắp thế giới, người ta có thể theo dõi mọi chi tiết của cuộc hội đàm qua hình ảnh truyền trên vệ tinh, nghe được từng câu nói của hai nhân vật cỡ thế giới.Người đàn bà thép ngồi nghiêm chỉnh, đã có phương án sẵn sàng, đưa ra con bài đã chuẩn bị sẵn, nhấn mạnh ba điều ước lịch sử, theo công pháp quốc tế vẫn có hiệu lực, sau năm 1997, nước Anh vẫn tiếp tục quản trị Hương Cảng.Hương Cảng vốn là đất đai Trung quốc, “cắt nhượng” và “cho thuê” đều là các điều ước bất bình đẳng mà chính sách pháo hạm đế quốc đã gán ghép cho Trung quốc. Nước Anh đã dựa vào những điều ước đó để chiếm hữu Hương Cảng hơn 100 năm, bây giờ lại nói đến tính hợp pháp của điều ước, đó chẳng phải là thách thức chủ quyền của Trung quốc sao? Đặng nói đanh thép: “Vấn đề chủ quyền không phải là vấn đề có thể thảo luận”. “Hương Cảng là lãnh thổ Trung quốc, chúng tôi nhất định sẽ thu hồi”. Thời gian có thể định vào năm 1997, nhưng Đặng nhắc thủ tướng chớ nên hiểu lầm, đến lúc đó “Trung quốc không chỉ thu hồi Tân Giới mà toàn bộ đảo Hương Cảng, Cửu đong”. Đã là đất đai của Trung quốc, Trung quốc có quyền thu hồi bất cứ lúc nào. Năm 1948, tại hội nghị Cai rô, Tưởng Giới Thạch đã cùng Sớcsin và Rôdơven nghiêm túc thảo luận văn đề trả lại Hương Cảng cho Trung quốc. Sau khi Nhật đầu hàng, nước Anh đã chuẩn bị trả lại Hương Cảng cho Trung quốc, sau vì có chiến tranh Quốc-Cộng nên tạm gác lại. Năm 1949, Quân giải phóng nhân dân Trung quốc đánh tới đảo Hải Nam, nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua sông Thẩm Quyến. Từ đó đến hơn 30 năm sau, bất kỳ lúc nào Trung quốc cũng có thể gây trở ngại cho Hương Cảng, nhưng trước sau chính phủ Trung quốc không làm như vậy, ngược lại còn hết sức quan tâm đến sự phồn vinh ổn định của Hương Cảng. Từ 1962, Thủ tướng Chu Ân Lai thân tự phê chuẩn cho phép mỗi ngày có ba chuyến tàu ra Hương Cảng, để bảo đảm cung cấp thực phẩm và rau quả cho Hương Cảng, ngay cả trong những năm có thiên tai cũng không hề gián đoạn. Trung quốc luôn có ý giữ nguyên hiện trạng ở Hương Cảng vì sự tồn tại của Hương Cảng có lợi nhất định đối với Trung quốc, giúp Trung quốc kiếm được ngoại tệ và quan sát ra thế giới. Mặt khác, là do lục địa Trung quốc thường xuyên không ổn định, chưa tìm ra biện pháp vừa thu hồi được chủ quyền, lại bảo đảm cho Hương Cảng giữ được phồn vinh. Đặng nói là nhân dân Trung quốc đã chờ đợi trong nhiều năm, đã chờ 33 năm rồi, nếu thêm 15 năm nữa là 48 năm, cộng với 100 năm trước kia là một thế kỷ rưỡi. Đủ thấy Trung quốc đã nhẫn nại lắm rồi, mà người Anh còn chưa biết điều, lại đề ra yêu sách tiếp tục quản trị nữa!Đặng đặc biệt nhắc tới việc, hiện nay thời cơ để Trung quốc thu hồi Hương Cảng đã đến. Năm 1945, Chính phủ Quốc dân đảng ký điều ước cho Liên xô thuê Đại Liên, Lữ Thuận trong 30 năm, kết quả đến năm 1950, chỉ mới có 5 năm, nhân dân Trung quốc đã đứng lên thu hồi. Đặng nói, nếu đến 1997 vẫn chưa thu hồi Hương Cảng thì coi như chính phủ Trung quốc cũng như chính phủ Mãn Thanh, những người lãnh đạo Trung quốc cũng như Lý Hồng Chương, không người lãnh đạo và chính phủ nào có thể ăn nói với nhân dân Trung quốc, thậm chí có thể ăn nói với nhân dân thế giới, cần phải rút khỏi vũ đài chính trị, chứ không có cách lựa chọn nào khác. Câu nói đó là để nhân dân Anh thông cảm với khó khăn của chính phủ Trung quốc không xác đáng bằng để nhắc nhở người Anh rằng Chính phủ Trung quốc ngày nay không yếu đuối như chính phủ Mãn Thanh, những người lãnh đạo Trung quốc cũng không quỳ gối cầu hòa như Lý Hồng Chương nữa. Nước Anh mạnh hơn Liên xô bao nhiêu mà mới cho Liên xô thuê 5 năm Trung quốc đã đòi lại, trong khi Trung quốc cho Anh thuê đã 90 năm mà vẫn chưa thu hồi là vì sao?Đặng gợi ý cho nữ thủ tướng Anh: Trung quốc thu hồi chủ quyền Hương Cảng, cũng có lợi cho nước Anh, vì nó tỏ ra rằng chính phủ Anh hiện nay đã triệt để từ bỏ sự thống trị thực dân. sẽ được dư luận thế giới đánh giá tốt. Người đàn bà thép thấy rằng, Trung quốc bằng lòng thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề Hương Cảng vẫn là muốn lưu thể diện cho nước Anh. Vì thời đại đế quốc đã qua rồi, thuộc địa trên thế giới chỉ còn lại có Hương Cảng và áo Môn. Trung quốc đòi thu hồi Hương Cảng, không ai có thể nói gì được. Muốn thu hồi, chỉ cần thông báo là đủ, thậm chí cũng không cần thông báo nữa. Giống như ấn Độ thu hồi vùng Goa, cứ đưa quân đội vào là được. Ngày ngay, cùng ngồi đàm phán, đã là lịch sự lắm rồi, nước Anh còn đòi cò kè mặc cả gì nữa?“Con bài chủ quyền” đã bị thua, người đàn bà thép liền chuyển qua nói chuyện lợi hại: Trung quốc chẳng phải rất quan tâm đến chuyện phồn vinh của Hương Cảng đó sao? Nếu Trung quốc thu hồi Hương Cảng, thì sẽ có hậu quả tai hại chứ không phải phồn vinh cho Hương Cảng. Điều đó sẽ không có lợi cho bốn hiện đại hóa của Trung quốc?Nói thực lòng, Đặng quyết định thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề Hương Cảng, một trong những mục đích là tiếp tục giữ sự phồn vinh cho Hương Cảng. Dự tính đó bị người đàn bà thép nắm được. Nhưng Đặng nhắc nhở đối phương: Không thể nói rằng muốn giữ sự phồn vinh cho Hương Cảng thì phải để Hương Cảng dưới sự quản trị của Anh. Sau khi thu hồi Hương Cảng, Trung quốc sẽ tự có biện pháp tiếp tục giữ sự phồn vinh cho Hương Cảng. Đó là một quốc gia hai chế độ, cho phép Hương Cảng giữ nguyên chế độ hiện hành ít nhất là 50 năm nữa.Đặng nói thẳng thắn, triệt để: dù Hương Cảng có không giữ được phồn vinh như trước thì cũng không có ảnh hưởng lớn đến sự phồn vinh và bốn hiện đại của Trung quốc. Đặng thừa nhận có thể có ảnh hưởng, nhưng người Anh nên biết rằng ảnh hưởng đó không lớn “Nếu Trung quốc đặt sự thành công của bốn hiện đại hóa phụ thuộc vào sự phồn vinh của Hương Cảng, thì bản thân quyết sách đó là sai lầm”.Còn có gì có thể ngăn trở Trung quốc thu hồi Hương Cảng nữa? “Nếu nói như bà Thủ tướng là thu hồi Hương Cảng sẽ đem lại tai nạn thì chúng tôi sẽ dũng cảm đương đầu với tai nạn đó”. Đặng không giấu giếm rằng tiến hành trao đổi qua con đường ngoại giao là để tránh tai nạn đó, nhưng ông nói rõ với phía Anh rằng: Trung quốc còn nghĩ tới một vấn đề mà mình không muốn làm, đó là nếu quả có người không muốn hợp tác, toan tạo nên sự hỗn loạn ở Hương Cảng, thì Trung quốc không thể không suy xét lại về thời gian và phương thức thu hồi Hương Cảng.Mở đầu, bà Thátchơ nêu lên đề mục đàm phán là vấn đề quy thuộc chủ quyền. Cuộc đàm phán diễn ra như vậy đã rất rõ là có lợi cho ai. Đa vít Trương nói: “Nếu Bắc Kinh công nhận tính hợp pháp của ba điều ước đó, thì cuộc đàm phán ngoại giao sau đó, hai bên sẽ giữ lập trường hoàn toàn khác nhau”.Đặng khéo léo phân vấn đề mà đối phương đưa ra thành ba điểm: Một là, vấn đề chủ quyền. Hai là, từ sau năm 1997 sẽ quản lý thế nào. Ba là, thời kỳ quá độ sẽ sắp xếp ra sao. Những gì phải đàm phán, những gì không phải đàm phán, Đặng một lần nữa tỏ rõ “tài năng cao siêu trong việc nắm vững tỷ lệ tối ưu giữa cứng rắn và linh hoạt”: “Vấn đề chủ quyền là không thể đàm phán, năm 1997 Trung quốc sẽ thu hồi toàn bộ Hương Cảng. Còn phương pháp thu hồi như thế nào, chúng tôi quyết định đàm phán”.Đàm phán như vậy có ba điều lợi đối với Trung quốc:1) Hết sức tránh vì thu hồi chủ quyền mà gây ảnh hưởng xấu cho sự phồn vinh của Hương Cảng;2) Tranh thủ sự hợp tác của Anh trong thời kỳ quá độ, có lợi cho việc giữ quan hệ bình thường với Anh sau khi thu hồi,3) Đặt cơ sở cho việc giải quyết vấn đề Đài Loan.Phía Anh có thể không có hứng thú về việc giải quyết cuộc đàm phán như vậy. Hương Cảng hiện nằm trong tay họ, ít nhất họ cũng có thể đối phó một cách tiêu cực. Tiếp đó Đặng đưa ra thời gian biểu đàm phán: Không quả một, hai năm, Trung quốc sẽ chính thức tuyên bố quyết định thu hồi Đài Loan. “Chúng tôi có thể đợi một hai năm sau sẽ tuyên bố, nhưng không thể kéo dài thời gian thêm nữa”. Xem ra, nước Anh muốn dùng chiến thuật kéo dài thời gian cũng không được nữa.Nếu đàm phán thuận lợi, cùng hợp tác tốt đẹp, Đặng tỏ ý sẽ suy xét đầy đủ tới lợi ích của Anh. Thời kỳ quá độ sẽ xếp sắp ra sao, Đặng muốn biết ý kiến của phía Anh. Sau năm 1997, người Anh có thể ở lại Hương Cảng với tính cách cố vấn, còn có thể được hưởng điều kiện tối huệ cho việc buôn bán và đầu tư.Mọi điều kiện tốt xấu Đặng đều nói trước rõ ràng. Nếu hai bên Trung-Anh đàm phán không đi tới kết quả thì làm thế nào? Đặng đã nói rõ: Trung quốc không thể không suy xét lại về thời gian và phượng thức thu hồi Hương Cảng. Điều đó tất nhiên sẽ không có gì tốt đối với Anh. Bên ngoài bình luận về lần hội đàm này: Bà Thátchơ thì đưa hết mọi đe dọa, còn Đặng Tiểu Bình thì dấu kim trong bông. Sau khi hội đàm, bà Thátchơ lặng lẽ ra khỏi cửa, nét mặt căng thẳng. Khi bà ta bước xuống thềm Đại hội đường nhân dân, chỉ còn một bậc nữa, vì không thận trọng để giầy cao gót vấp phái bậc đá, mất thăng bằng, ngã xoài xuống phía dưới, văng cả giầy và túi sang một bên. May mà chỗ đó đã là đất bằng, ngã không mạnh lắm, tả hữu vội chạy đến đỡ bà ta dậy.Đặng đã đả phá lý luận về “sự hợp pháp của ba điều ước”, giành quyền chủ động về mình, xác định được nội dung thảo luận về vấn đề Hương Cảng”. Hai phía Trung- Anh tiếp tục trao đổi về vấn đề này qua con đường ngoại giao với tiền dề Trung quốc sẽ thu hồi Hương Cảng vào năm 1997, bàn việc giải quyết vấn đề quá độ trong 15 năm và tình hình Hương Cảng sau năm 1997.Người đàn bà thép đúng là thép, tuy trong hiệp đầu chịu lép, nhưng vẫn không ngừng biện luận về chủ quyền Hương Cảng. Trong nửa năm, cuộc đàm phán của hai bên không tiến triển, người đàn bà thép biết rằng đàm phán không tiến triển cũng không có lợi gì cho Anh. Đến tháng 3.1983, bà ta viết thư cho thủ tướng Trung quốc, nói bà ta chuẩn bị đề nghị với quốc hội trao trả toàn bộ chủ quyền Hương Cảng cho Trung quốc.Ngày 13.7.1983, bà Thátchơ lại tới Trung quốc, hai đoàn đại biểu bắt đầu hội đàm vòng đầu. Kế hoạch cũ dự định đàm phán trong hai năm, nay đã sắp hết 1 năm, Đặng đã có phần nôn nóng. Mong mỏi dùng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, giải quyết vấn đề Đài Loan, nếu giải quyết vấn đề Hương Cảng đã khó thế này, thì làm sao được. Đến khi vòng hội đàm thứ hai bắt đầu, Đặng chỉ thị cho đoàn đại biểu Trung quốc: chỉ cho phép thành công, không cho phép thất bại.Nhưng phía Anh vẫn kiên trì đòi sau năm 1997 vẫn quản trị Hương Cảng, chuyển chủ quyền thành trị quyền. Đến vòng đàm phán thứ tư vẫn không tiến triển. Tháng 9.1983, Đặng lại hội kiến cựu thủ tướng Anh, nói rõ Anh muốn đổi chủ quyền sang trị quyền là không thể được. Trung quốc đòi thu hồi chủ quyền hoàn chỉnh, trị quyền là biểu hiện cụ thể của chủ quyền, không có trị quyền thì còn gọi là chủ quyền gì nữa? Trị quyền có thể trao cho người Hương Cảng chứ không thể trao cho người Anh. Nếu không như vậy thì không phải là một quốc gia hai chế độ mà biến thành “hai quốc gia hai chế độ” rồi. Đặng khuyên phía Anh thay đổi thái độ để tránh tình hình đến tháng 9.1994 Trung quốc sẽ phải đơn phương công bố phương châm chính sách giải quyết vấn đề Hương Cảng. Đương nhiên, để cho hội đàm thành công, phía Trung quốc cũng phải tỏ ra có tính linh hoạt tương ứng.Phía Anh đành nhượng bộ, thừa nhận việc đàm phán cần đặt trên cơ sở sau năm 1997, toàn bộ chủ quyền ở Hương Cảng được trao trả Trung quốc. Anh Quốc phải bỏ chủ trương ba điều ước vẫn còn hiệu lực thì không còn gì nhiều để mặc cả nữa. Từ vòng hội đàm thứ 7 vào tháng 12- 1988, cuộc hội đàm bắt đầu đi vào quỹ đạo do Đặng thiết kế. Hai năm đàm phán, tuy mất một năm sa lầy vào vấn đề chủ quyền, nhưng nhìn chung lại, do Đặng ngay từ đầu đã giữ vững nguyên tắc không thảo luận vấn đề chủ quyền, nên tiến trình đàm phán được khống chế rất tốt. Tháng 9.1984, vừa đúng hết kỳ hạn hai năm do Đặng quy định, Trung-Anh đạt được tuyên bố chung, xác nhận từ 1.7.1997, Trung quốc khôi phục chủ quyền ở Hương Cảng. Điều ước bất bình đẳng hơn 100 năm trước cuối cùng đã bị Đặng Tiểu Bình xoá bỏ.6.5. Đặng nói với người Anh: cái gọi là “ghế ba chân” trước kia chúng tôi không thừa nhận. Chúng tôi chỉ thừa nhận hai chân, không có ba chânTháng 5.1984, Hương Cảng lập pháp, các nghị viện của Cục Hành Chính là Chung Sĩ Nguyên gồm 9 người sang Anh du thuyết, tại sân bay đã ra một bản tuyên bố mất thể diện. Chưa hết, Chung Sĩ Nguyên, Đặng Phùng Như, Lợi Quốc Vĩ lại cùng nhau đến thăm Bắc Kinh, làm ra vẻ “đại biểu cho dân”.Ngày 22-6, Đặng Tiểu Bình tiếp kiến ba vị nghị viên của hai viện tại Phòng Tứ Xuyên của Đại Hội Đường nhân dân. Trước khi hội đàm, không chụp ảnh lưu niệm với ba vị, cũng không bước ra ngoài bắt tay chào. Khi hội đàm, Đặng không nói chuyện phiếm với họ, cũng không nói lời khách khí, mà nói thẳng ngay: “Tôi hoan nghênh các ông đến Bắc Kinh với tư cách cá nhân. Nghe nói các ông có nhiều ý kiến, tôi muốn được nghe.”“Với tư cách cá nhân”, Chung Sĩ Nguyên thấy cách nói có ý riêng, vội nói rõ ba người họ là nghị viên của hai viện hành chính, lập pháp Hương cảng, không phải là quan chức lần đầu tới thăm quan Bắc Kinh. Khi nói tới “không phải là quan chức”, Chung tỏ ý nhấn mạnh, họ không phải là đại diện của chính quyền Hương Cảng.Đặng khẳng định ba người họ “đến thăm quan Bắc Kinh”, lợi dụng dịp này để tìm hiểu nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, tìm hiểu dân tộc Trung Hoa là rất tốt. Sau đó, ông nói thẳng: Trong cuộc đi Luân Đôn mới đây của các ông, chúng tôi đều hiểu rõ tình hình. Các ông có thể nói những gì các ông muốn, nhưng tôi cần nói một câu: Phương châm, lập trường và chính sách của Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là kiên định không thay đổi, dù có bao nhiêu người hiểu rõ và tán đồng lập trường đó, chúng tôi tin rằng nó phù hợp với lợi ích của 5 triệu dân Hương Cảng. Chúng tôi đã nghe thấy những ý kiến khác nhau của những người có quan điểm khác nhau nhưng chúng tôi không cho rằng những ý kiến đó là đại biểu cho lợi ích của toàn thể nhân dân Hương Cảng. Các ông đã rõ cuộc đàm phán Trung-Anh. Cuộc đàm phán Trung-Anh, chúng tôi sẽ giải quyết với nước Anh, không thể có ai can thiệp. Cái gọi là “ghế ba chân” trước kia, chúng tôi không thừa nhận, chúng tôi chỉ thừa nhận hai chân, không có ba chân.Đặng Tiểu Bình nhiều lần nói, biện pháp giải quyết vấn đề Hương Cảng phải làm sao để cả ba bên Anh, Trung quốc và Hương Cảng đều có thể tiếp thu. Phía Anh nắm lấy câu đó nhiều lần đề xuất cần để các quan chức trong chính quyền Hương Cảng tham gia cuộc đàm phán giữa hai nước Trung-Anh. Chính quyền và nhân dân Hương Cảng cũng có người hưởng ứng. Người Hương Cảng gọi đề xuất đó của Anh là trò chơi “ghế ba chân”.“Ghế ba chân” có lợi cho ai là điều rất rõ ràng. Nước Anh quản lý Hương Cảng hơn 100 năm, cho đến trước 1.7.1997, Hương Cảng vẫn còn thuộc quyền họ, chính quyền Hương cảng phải nghe theo lệnh của mẫu quốc thực dân. Với ưu thế đó, nước Anh hoàn toàn có thể chọn những người trung thành với họ trong chính quyền và nhân dân Hương Cảng. Họ tự cho mình là đại biểu của nhân dân Hương Cảng, nhưng thực tế sẽ đứng về phía Anh. Nếu cho phép người Hương Cảng tham gia đàm phán, dù với tư cách bên thứ ba hay với tư cách một bộ phận của đoàn Anh, cũng đều làm tăng thêm sức nặng cho đoàn Anh, hình thành cục diện “hai chọi một” bất lợi cho Trung quốc, khiến Anh có nhiều cơ hội và quyền lực để cò kè mặc cả với Trung quốc.Người Trung quốc tỉnh táo không thể bị mắc lừa. Ngay từ vòng đàm phán Trung-Anh lần thứ hai, toàn quyền Hương Cảng đã hăng hái tình nguyện tham gia đàm phán thay mặt nhân dân Hương Cảng. Trung quốc từ chối, không chấp nhận yêu cầu đó. Tháng 4.1992, hai nước Trung-Anh bàn bạc về vấn đề bầu cử năm 1994, 1995 ở Hương Cảng, phía Anh lại đề xuất, cần cử một đoàn đại biểu do đại sứ Anh ở Trung quốc cầm đầu, gồm ba quan chức chính quyền Hương Cảng và một quan chức ngoại giao Anh làm thành viên cùng tham gia hội đàm, và yêu cầu phía Trung quốc xác nhận những quan chức của Anh và của Hương Cảng không khác gì nhau. Phía Trung quốc đòi phải phân biệt: chỉ cho phép quan chức Hương Cảng tham gia với tư cách cố vấn hoặc chuyên gia mà thôi. Về thời kỳ quá độ, toàn quyền Anh đưa ra phương án cải cách chính trị, càng cao giọng chơi trò “ghế ba chân”. Khi phía Trung quốc không tiếp thu, nhà đương cục Anh ở Hương Cảng đưa ra trò “trưng cầu dân ý” toàn dân Hương Cảng về “phương án cải cách chính trị”, và đe dọa sẽ đưa ra Viện lập pháp thông qua. Trung quốc cho rằng vấn đề thứ nhất là cho một số người ở khu vực nhỏ quyết định về một vấn đề có tính toàn quốc (tức chủ quyền của Trung quốc), vấn đề thứ hai là cho Cục lập pháp địa phương Hương Cảng đè lên trên cuộc hội đàm của hai nước Trung-Anh. Lý lẽ rất giản đơn: căn cứ hiệp nghị Trung-Anh, vấn đề Hương Cảng trước năm 1997 là việc của hai nước Trung-Anh, chính quyền Hương Cảng chẳng qua chỉ là một chính quyền thực dân địa phương, chỉ có trách nhiệm chấp hành hiệp nghị giữa hai nước, không thể có địa vị ngang hàng với hai nước chủ quyền, nhúng tay vào cuộc đàm phán cấp chính phủ giữa hai nước.Gạt chính quyền và nhân dân Hương Cảng sang một bên không có nghĩa là không tôn trọng phía Hương Cảng, phủ nhận sự tồn tại của cái chân đó, mà là để giành lấy “con bài dân ý” của Anh, hạn chế vấn đề Hương Cảng trong quan hệ ngoại giao Trung-Anh. Với vấn đề Đài Loan, Đặng nhấn mạnh nhất định không để nước ngoài nhúng tay vào, khi đã nhúng tay vào thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp sức nặng của phía Đài Loan sẽ tăng lên. Vấn đề Hương Cảng ngược lại, không thể để cho người Hương Cảng nhúng vào, nhúng vào thì lại gây phức tạp, làm tăng thêm sức nặng cho phía Anh. Hai nước Trung-Anh cùng thảo luận vấn đề Hương Cảng trong phạm vi ngoại giao thì Anh không có bao nhiêu đề tài để mặc cả. Nếu họ gây khó khăn, thái độ quá cứng rắn họ sẽ đứng trước mối nguy làm tan vỡ quan hệ bình thường giữa hai nước. Người Anh vốn giỏi tính lợi hại, sẽ phải nghĩ rằng: chỉ vì vấn đề Hương Cảng mà làm hỏng quan hệ với một nước Trung quốc lớn như vậy, có thị trường rộng rãi như vậy thì có lợi gì. Các nhà chính trị của Đảng Bảo thủ Anh nói chung sẽ không lựa chọn con đường đó. Mặc cả thì vẫn cứ mặc cả, nhưng phải lấy quan hệ giữa hai nước làm giới hạn, vì vậy cuối cùng họ sẽ phải nhượng bộ. Còn đối với “chân” còn lại là Hương Cảng thì sẽ giải quyết ra sao, Chính phủ Bắc Kinh sẽ dùng phương thức khác để nói chuyện với họ, để họ phát huy tác dụng cần có. Điều đó không liên quan gì tới nước Anh, mà là việc nội chính của Trung quốc.Ngày 22.3.1993, khi trả lời trên vô tuyến truyền hình, toàn quyền Anh tuyên bố sẽ trao trách nhiệm quản trị Hương Cảng cho người Hương Cảng. Lời nói đó thoạt nghe có vẻ tốt: Người Hương Cảng cai trị người Hương Cảng mà? Nhưng người Hương Cảng là những ai? Hương Cảng là một xã hội đa dạng, mỗi người một khác, trong đó không loại trừ có những phần tử thân Anh. Đặng hy vọng có thể “chọn được những người tốt trong đó để quản lý Hương Cảng”. Vì vậy, ông tích cực ủng hộ người Hương Cảng tham gia quản lý cùng với chính quyền Hương Cảng trong thời kỳ quá độ, chọn những nhân sĩ có tiếng ở Hương Cảng mời vào Đoàn Chủ tịch Hội hiệp thương chính trị (Tổ chức Mặt trận thống nhất của Trung quốc-Người dịch) và Quốc hội, mời các nhà báo Hương Cảng đến thăm Bắc Kinh, mời các đoàn đại biểu Hương Cảng đến thăm Bắc Kinh dự lễ quốc khánh, đi thăm các địa phương ở Trung quốc, ủng hộ họ đầu tư vào đại lục ca ngợi hành động yêu nước của họ, cùng họ trò chuyện, chụp ảnh kỷ niệm... Tất cả những việc làm đó là để cho “cái chân thứ ba” đứng về phía Trung quốc trong cuộc đọ sức Trung-Anh, đồng thời chuẩn bị cho công việc sau năm 1997.6.6. Người Hương Cảng quản trị Hương Cảng. Trước hết loại trừ việc người Anh tiếp tục quản trị Hương CảngĐường hướng chỉnh thể để Đặng Tiểu Bình giải quyết vấn đề Hương Cảng là căn cứ trên hai điểm: thu hồi chủ quyền, giữ gìn phồn vinh.Quyền quản trị là biểu hiện cụ thể của chủ quyền. Sau khi thu hồi chủ quyền, quyền quản trị trao cho ai? Nếu trao cho người Anh hoặc bất kỳ người nước ngoài nào khác thì mâu thuẫn với nguyên tắc chủ quyền của Trung quốc. Nếu Bắc Kinh cử người đến tiếp quản thì không có lợi cho sự phồn vinh và ổn định. Kết luận chỉ có thể là “người Hương Cảng quản trị Hương Cảng”.Người Hương Cảng quản trị Hương Cảng trước hết loại trừ việc người Anh tiếp tục quản trị Hương Cảng. Thế nào là người Hương Cảng? Chủ yếu là “Người Trung quốc ở Hương Cảng”, nhưng cũng không loại trừ người nước ngoài kể cả người Anh. Huyết thống không thay đổi được, nhưng quốc tịch có thể thay đổi. Những người có quốc tịch Anh hoặc quốc tịch khác, nếu có được tư cách là cư dân Hương Cảng thì có thể tham dự việc người Hương Cảng quản trị Hương Cảng. Họ chiếm tỷ lệ bao nhiêu ở Hương Cảng là thứ yếu, nhưng tham dự đến mức nào lại cần được nghiên cứu kỹ. Phía Anh yêu cầu những quan chức nước ngoài có chứng minh thư Hương Cảng đều có thể đảm nhiệm “là viên chức, thậm chí quan chức cao nhất trong hệ thống chính quyền”. Ai cũng biết rằng, chứng minh thư Hương Cảng trước năm 1997 thì phía Anh rất dễ dàng tạo ra. Phía Trung quốc đưa ra một hạn chế, chỉ cho phép họ làm cố vấn hoặc một số ngành trong chính quyền “cao nhất là cấp phó ty” mà thôi. Cố vấn thì không có quyền lực hoặc chỉ có quyền kiến nghị, không có quyền quyết định. Ty là một cấp dưới bộ, chính quyền hành chính đặc biệt của Hương Cảng trực thuộc chính phủ trung ương, tương đương với cấp bộ, cấp ty là dưới bộ, lại thêm chữ “phó” nữa, chính là tương đương với nhiều thủ lĩnh đảng phái dân chủ và nhân sĩ dân chủ ngoài đảng đã từng giữ chức thời kỳ đầu lập nước. Máu đào tất nhiên là hơn nước lã nếu để người nước ngoài đảm nhiệm quan chức cao nhất có thể sẽ tác động đến tình hình Hương Cảng, có thể gây nên hiện tượng khách đoạt quyền chủ, làm cho người Hương Cảng quản trị Hương Cảng biến thành người Anh hoặc người nước ngoài quản trị Hương Cảng, làm yếu chủ quyền của Trung quốc. Người Anh hoặc người nước ngoài tham dự việc người Hương Cảng quản trị Hương Cảng, cần phải ghi nhận rằng tư cách chính trị của họ khác với trước kia, không còn là quan chức của nước mẹ phái đến, mà là cố vấn hoặc người được thuê do chính phủ Trung quốc mời đến. Nước Anh là một nước ngoài, có thể phải lãnh sự đến Hương Cảng cũng như các nước khác, còn lại cơ cấu vượt khuôn khổ như kiểu “chuyên viên của nước Anh” thì không thể chấp nhận được. Người Hương Cảng sống nhiều năm dưới sự thống trị thực dân của Anh, bỗng nhiên thấy mình được làm chủ, lúc đầu chưa đủ tự tin. Đặng khuyến khích họ: “Cần phải tin rằng người Trung quốc ở Hương Cảng có thể quản trị tốt Hương Cảng”. Nếu không đủ năng lực, có thể xin chính phủ trung ương giúp đỡ, có điều “không thể tiếp tục để người nước ngoài thống trị”Người Hương Cảng quản trị Hương Cảng cũng loại trừ việc Bắc Kinh cử người đến tiếp quản.Đặng công khai tuyên bố: “Bắc Kinh ngoài việc cử quân đội tới, không cử cán bộ tham gia vào chính quyền đặc khu... cử quân đội là để duy trì sự an toàn cho đất nước, mà không phải để can dự vào công việc nội bộ của Hương Cảng”. Xưa nay, sau khi đường lối chính trị đã được xác định, cán bộ là nhân tố quyết định. Đảng Cộng sản có thể thực hiện sự lãnh đạo trên đất nước rộng lớn như vậy, điều then chốt là nhờ có một đội ngũ cán bộ đông đảo, và đội ngũ đó do các cấp lãnh đạo đảng từ trên xuống dưới nắm vững tương lai, không cử cán bộ đến Hương Cảng, không có hệ thống tổ chức đảng, đúng là một đặc điểm khác biệt lớn giữa khu vực hành chính đặc biệt Hương Cảng với các tỉnh, thậm chí với các khu tự trị. Sở dĩ làm như vậy là để giữ sự phồn vinh cho Hương Cảng. Sự thành công về kinh tế trước kia của Hương Cảng là do nó là một cảng tự do. Vì vậy, Hương Cảng tương lai muốn tiếp tục thành công trong cuộc cạnh tranh kinh tế giữ được dịa vị là trung tâm đứng hàng thứ ba thế giới về tài chính và mậu dịch, để tạo thuận lợi cho công cuộc cải cách và mở cửa của đại lục, thì không thể bị sự gò bó nghiêm ngặt của chính phủ Trung ương, mà cần có quyền tự trị địa phương ở mức cao.Nhưng phồn vinh không làm nguy hại cho ổn định, không thể đi tới chỗ khiến chính phủ trung ương không khống chế được. Điều này có liên quan tới việc trong tương lai, giữa chính phủ trung ương và đặc khu có sự phân chia quyền lực sao cho thỏa đáng. Do đó, Đặng đã tự mình lãnh đạo việc hoạch định bộ luật cơ bản cho Hương Cảng: Hương cảng có thể tiếp tục duy trì kết cấu kinh tế đặc biệt cùng với chế độ xã hội, lối sống và mức sống của mình bao gồm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do ngôn luận, quyền di chuyển cư trú, quyền lập hội, tín ngưỡng tôn giáo và quyền bãi công như hiện nay. Những quyền đó đều được pháp luật bảo vệ.Tài chính độc lập: Giấy bạc vẫn do Ngân hàng Hội Phong phát hành, không phụ thuộc vào Nhân dân tệ, ngược lại vẫn giữ liên hệ với tiền tệ quốc tế, được tự do chuyển đổi: không bị quản chế về ngoại hối, tự do chuyển vốn ra vào; giữ nguyên thể chế ngoại thương; không phải đóng góp quỹ quốc phòng... Tóm lại, tiếp tục giữ Hương Cảng là một cảng tự do, khu độc lập về thuế quan và trung tâm tài chính.Hương Cảng có thể có quyền đối ngoại thích đáng, có thể đơn độc phát triển quan hệ đối ngoại, nhưng chỉ là quan hệ kinh tế, văn hóa. Chính quyền Hương Cảng có thể gia nhập các tổ chức quốc tế hữu quan, thậm chí tham gia các điều ước quốc tế, còn có thể phái đại biểu thường trú về mậu dịch và bộ máy đại lý kinh tế ở các nước khác. Nhưng khi Hương Cảng ký kết hiệp nghị với các nước, các khu vực và tổ chức quốc tế, cần sử dụng tên “Hương Cảng Trung quốc”. Hương Cảng ngoài việc treo quốc kỳ và quốc huy của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, còn có thể treo cờ và huy hiệu của khu hành chính đặc biệt, để tiện cho việc giữ gìn và phát triển quan hệ mậu dịch quốc tế với tư cách độc lập.Chính phủ Trung ương có quyền cử quân đội ra đóng tại Hương Cảng, nhưng quân đồn trú chỉ phụ trách việc an toàn quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của Hương Cảng. Việc trị an xã hội của Hương Cảng do chính quyền địa phương tổ chức ra cảnh sát để giữ gìn. Chính quyền địa phương không được giữ lại lực lượng vũ trang hiện nay (quân Anh), càng không được mua vũ khí của nước ngoài. Nhưng lực lượng cảnh sát và bảo an cũ (các đoàn đội ở Hương Cảng) thì có thể giữ lại.Như vậy, ngoài việc ngoại giao và quốc phòng do chính phủ Trung ương quản lý, Hương Cảng có quyền tự trị cao độ.Sau khi chủ trương “lấy chủ quyền đổi lấy trị quyền” của Anh bị thất bại, họ muốn kiếm chuyện trong quyền tự trị của Hương Cảng, nên tỏ ra không hài lòng với “tự tin cao độ” mà muốn gọi là “tự tin với mức độ lớn nhất”. Rõ ràng, mức độ tự trị của Hương Cảng với chính phủ Trung ương càng cao thì càng có lợi cho Anh là người nước ngoài. Cái gọi là “tự trị với mức độ lớn nhất” rõ ràng là phản đối đặc khu Hương Cảng trực thuộc chính phủ trung ương, khiến nó biến thành một thực thể chính trị độc lập hoặc nửa độc lập. Như vậy, nước Anh có thể lợi dụng cơ sở của họ ở Hương Cảng để phân hưởng một phần quyền quản trị, làm cho tình hình “người Hương Cảng quản trị Hương Cảng” bị bớt xén.Đặng Tiểu Bình đồng ý “tự trị cao độ” nhưng phản đối “hoàn toàn tự trị”, vì tự tin bao giờ cũng là tương đối, có giới hạn. “Tự trị hoàn toàn” thì sẽ trở thành một thực tế chính trị độc lập, “hai chế độ” mà không phải trong “một quốc gia” nữa.Quyền “tự trị cao độ” có giới hạn là có tính co giãn. chế độ pháp luật hiện hành cơ bản không thay đổi, chứ không phải hoàn toàn không thay đổi. “Cơ bản” tức là rất có tính co giãn, vừa thay đổi vừa không thay đổi, trong sự không thay đổi lại có sự thay đổi. Thay đổi nhiều hay ít, thay đổi như thế nào là tùy thuộc vào tình hình chính trị và hoàn cảnh điều kiện sau này.Hương Cảng có cơ quan tư pháp độc lập, ít nhất là có tòa án hai cấp. Quyền chung thẩm cần thiết theo trình tự pháp luật có thể không cần đưa lên Bắc Kinh, điều này hầu như không khác với các tỉnh và thành phố khác.Trong quốc hội toàn quốc sẽ có khoảng 50 đại biểu Hương Cảng, trực tiếp thay mặt cho Hương Cảng. Còn ở Hương Cảng, có thể có tổ chức giống như Đại hội đại biểu nhân dân, đóng vai trò cơ quan quyền lực và cơ quan lập pháp tối cao của Hương Cảng. Nó có quyền căn cứ vào luật cơ bản về Hương Cảng do Quốc hội toàn quốc ban bố để định ra pháp luật địa phương, và Quốc hội toàn quốc cũng căn cứ vào luật cơ bản về Hương Cảng để giải thích pháp luật địa phương của Hương Cảng. Như vậy, sau 1997, trên thực tế Hương Cảng chỉ tự trị dưới sự lãnh đạo của cơ quan lập pháp Trung ương, không có sự lãnh đạo của đảng, cũng không có sự can dự của cơ quan hành chính cấp trên. Quan hệ về quyền lực giữa trung ương và địa phương dựa trên luật cơ bản nhưng luật cơ bản phải phục tùng hiến pháp. Theo quy định trong điều 89 của hiến pháp, Quốc Vụ viện có quyền hủy bỏ những quyết định, và phủ định không thích hợp của cơ quan quyền lực các cấp. Đó là giới hạn trên của quyền “tự trị cao độ”.Vì “tự trị cao độ” là có giới hạn nên sự can dự của chính phủ trung ương không thể nhất luật loại trừ. Đặng ra sức bác bỏ cách nhìn nhận cho rằng “việc ở Hương Cảng hoàn toàn do người Hương Cảng quản lý, trung ương không hề quản lý gì thì mọi việc sẽ yên”. Ông nói: “Trung ương không can dự vào những công việc cụ thể của khu hành chính đặc biệt, cũng không cần thiết phải can dự. Nhưng khu hành chính đặc biệt có thể có những việc gây nguy hại cho lợi ích quốc gia không?” (chẳng lẽ không thể có sao? Lúc đó, Bắc Kinh có cần hỏi han tới không?). Nếu Trung ương từ bỏ mọi quyền lực, thì sẽ xuất hiện hỗn loạn, thậm chí động loạn. Nếu xảy ra động loạn, chính phủ trung ương sẽ phải can dự. Dẹp loạn dể đưa lại trị an, việc can dự như thế cần được hoan nghênh chứ không nên cự tuyệt”.Đặng khuyến cáo các nhân sĩ Hương Cảng lo ngại việc can dự: Mọi người hãy thử bình tâm suy nghĩ, Hương Cảng có lúc nào có thể xuất hiện tình hình nếu không có sự can dự của Bắc Kinh thì không thể giải quyết dược không? Trước kia Hương Cảng nếu xảy ra vấn đề gì đã có nước Anh đứng ra? Nhất định sẽ có một số việc nếu không có Trung ương thì Hương Cảng không thể giải quyết được. Thí dụ sau năm 1997, Hương Cảng có người chửi rủa Đảng Cộng sản Trung quốc, chửi rủa Trung quốc, chúng tôi còn có thể để họ chửi, nhưng nếu biến thành hành động, muốn biến Hương Cảng thành một căn cứ mang chiêu bài “dân chủ” để chống đại lục, thì sẽ làm thế nào? Như vậy, không thể không can dự.Đối tượng can dự là với những việc gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, bao gồm lợi ích của bản thân Hương Cảng. Còn việc can dự do chính phủ địa phương quyết định và tiến hành, trong phạm vi tự trị, thì không gọi là can dự của trung ương. Những việc can dự của trung ương có thể tiến hành theo trình tự sau:1. Phát sinh một sự kiện, Trung ương và địa phương có cách đánh giá khác nhau, địa phương cho rằng không cần thiết phải can dự, Trung ương cảm thấy cần phải can dự. Như vậy, Trung ương sẽ thông qua phương pháp hành chính hoặc pháp luật ra lệnh cho địa phương can dự, và chính quyền dịa phương nghe theo. Đó là loại can dự gián tiếp bằng pháp luật.2. Nếu địa phương chống lại lệnh của trung ương, không chịu can dự, thì lúc đó chính phủ trung ương phải trực tiếp đứng ra can dự, thí dụ phái người ra đốc thúc địa phương, trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh can dự.3. Nếu thủ đoạn pháp luật không thu được hiệu quả, chỉ huy bằng hành chính không được, có nguy cơ xảy ra mất điều khiển giữa trung ương với địa phương, thì trung ương sẽ dùng quân đồn trú tiến hành can dự bằng vũ trang cho tới khi đẹp yên sự kiện, sau đó sẽ có thay đổi về phân sự và điều chỉnh về chính sách. Những điều đó là đưa ra những hạn định về quyền tự trị cao độ trên thực tế. Sự can dự và hệ thống khống chế mà Đặng thiết kế, bao gồm ba cấp độ dưới đây:1) Sự ước thúc về pháp luật: Đặc khu chịu sự ước thúc của luật cơ bản, đặc biệt thế nào cũng không ra ngoài luật cơ bản, mà luật cơ bản lại bị hiến pháp quốc gia chi phối, có quyền điều chỉnh, sửa đổi.2) Can dự về hành chính. Xét tới tính đặc thù của đặc khu, Bắc Kinh không cử cán bộ, không có các tổ chức đảng đoàn địa phương giữ tác dụng chiến đấu, phạm. vi và hiệu quả của can dự hành chính tất có hạn và phần nhiều là phối hợp với thủ đoạn pháp luật.3) Uy hiếp và can dự bằng quân sự. Chủ yếu là uy hiếp, tức là vào thời bình, quân đồn trú tuy không huy động, nhưng vẫn có tác dụng tăng cường rất lớn đối với pháp luật và hành chính, do đó giảm khả năng phái động binh. Nhưng trong tình hình can dự bằng pháp luật và hành chính đều không có kết quả, thì không thể không sử dụng biện pháp quân sự.Có thể khẳng định, nếu không phải là vạn bất đắc dĩ thì không huy động quân đồn trú. “Chỉ khi phát sinh động loạn, đại động loạn thì mới huy động quân đồn trú”. Huy động quân đội có thể tạo nên uy hiếp nghiêm trọng đối với mô thức một quốc gia hai chế độ. Muốn hết sức tránh hình thức cực đoan là huy động quân đội, đạt tới mục đích trị an lâu dài mà không dùng tới quân đội, thì ngoài sự ước thúc về pháp luật, kế sách căn bản vẫn là chọn lựa người về mặt chính trị.“Do người Hương Cảng chọn ra những người quản lý Hương Cảng, được chính phủ trung ương uỷ nhiệm, mà không phải do Bắc Kinh cử đến. “ Như vậy, khiến việc chọn người trở nên vô cùng quan trọng, mà cần có nghệ thuật cao nữa.Hương Cảng không có cán bộ do trung ương trực tiếp cử đến, càng không có tổ chức đảng đoàn địa phương, để người Hương Cảng tự trị. Nhưng người Hương Cảng khó có thể nhất trí với trung ương về mọi mặt, thậm chí còn tồn tại thế lực thân Anh chống Trung quốc. Nếu không nhất trí với Trung ương về nguyên tắc lớn, thì sẽ có mối nguy mất điều khiển, quyền lực ở Hương Cảng rơi vào tay những phần tử chống Trung quốc thì sẽ khó giải quyết. Do đó “người Hương Cảng quản trị Hương Cảng có giới tuyến và tiêu chuẩn”Giới tuyến, đương nhiên không phải là đường lối giai cấp, mà là mặt trận thống nhất yêu nước “Cần phải do người Hương Cảng yêu nước làm chủ để quản trị Hương Cảng”Thế nào là người yêu nước? Đặng định ra tiêu chuẩn là: “Tôn trọng dân tộc mình, thành tâm thành ý ủng hộ việc Tổ quốc khôi phục và sừ dụng chủ quyền ở Hương Cảng, không gây tổn hại cho sự phồn vinh và ổn định của Hương Cảng. Chỉ cần những điều kiện đó, còn thì dù họ có tin theo chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phong kiến hoặc thậm chí chế độ nô lệ, vẫn đều là người yêu nước. “ Đặng rõ ràng loại bỏ tiêu chuẩn tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, “chúng ta không yêu cầu họ đều tán thành chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung quốc, chỉ yêu cầu họ yêu Tổ quốc, yêu Hương Cảng”.Yêu nước, yêu Hương Cảng, nói cụ thể là không làm những việc gây tổn hại cho lợi ích của Tổ quốc và đồng bào Hương Cảng. Cụ thể hơn nữa, là không đòi độc lập với trung ương.“Thành phần chủ yếu của chính quyền đặc khu Hương Cảng tương lai là những người yêu nước, đương nhiên cũng cần dung nạp những người khác, còn có thể mời người nước ngoài làm cố vấn”, Đặng không chủ trương chỉ gồm toàn một loại người. Người yêu nước cũng có tả, trung, hữu, “chọn lựa người, phe tả đương nhiên cần có, nhưng cần ít, phe hữu cũng cần có, tốt nhất là chọn nhiều người trung gian”. Hữu đến mức độ nào? Có thể chửi Đảng Cộng sản, nhưng về hành động không được gây hỗn loạn. Đó là giới hạn dưới.Tả, trung, hữu đều cần có, nhưng khác với chính quyền tam tam chế thời kỳ kháng chiến. Đặng chủ trương hai đầu nhỏ, khúc giữa lớn. “Như vậy, tâm tình của mọi phía mới thoải mái”. Đồng thời có thể bảo đảm “lấy người yêu nước Hương Cảng làm chủ thể để quản trị Hương Cảng”.Đặng tin rằng, chỉ cần “chọn được những nhân vật tốt để quản lý Hương Cảng, thì không sợ loạn, có thể phòng dược loạn. Dù có loạn cũng không thể lớn và dễ giải quyết”.Nhân sĩ Hương Cảng có một mối lo là Hương Cảng có rất nhiều nhân tài về buôn bán; nhưng về chính trị thì vẫn ở giai đoạn ấu trĩ, không có nhân tài; cần phải qua một thời gian rèn luyện mới có được chính đảng và nhân tài chính trị thành thục. Như vậy, trong một giai đoạn, không tránh khỏi cần được trung ương nâng đỡ và bồi dưỡng. Người Hương Cảng quản trị Hương Cảng dựa trên mô thức thiết kế của Đặng cuối cùng cần được đưa vào vận dụng trong thực tiễn. Mong muốn Hương Cảng sẽ sản sinh ra được những nhân vật chính trị: vừa có lòng yêu nước vững vàng, đồng thời nắm vững nghệ thuật giải quyết mối quan hệ giữa Hương Cảng với Bắc Kinh, khéo léo sử dụng đầy đủ quyền tự trị trong phạm vi cho phép để giải quyết tốt mọi công việc ở Hương Cảng vì quyền lợi của người dân Hương Cảng. Những người chỉ biết đến Bắc Kinh, không xét tới lợi ích của người Hương Cảng cũng như những người chỉ biết làm theo ý mình, không đếm xỉa đến mệnh lệnh của trung ương, đều không thích hợp với nhiệm vụ này.6.7. Đã là lãnh thổ Trung quốc, thì tại sao không được đóng quân?Súng đẻ ra chính quyền, quân đội xưa nay vẫn là nhân tố quyết định trị, loạn, phân, hợp trong xã hội Trung quốc, tất nhiên cũng là vấn đề nhạy cảm nhất trong đại kế thống nhất của Đặng Tiểu Bình. Trong 9 điều về hoà bình thống nhất Đài Loan có một nội dung đáng chú ý: sau khi thống nhất, Đài Loan có thể giữ nguyên quân đội của mình. Như thế có nghĩa là, tương lai, chính phủ trung ương ở đại lục sẽ không phái quân đội ra Đài Loan, những việc do quân đội cần làm ở Đài Loan sẽ do quân đội ở đó đảm nhiệm. Đặng đưa ra lời hứa đó là đà suy xét đầy đủ về tình hình thực tế của Đài Loan. Rút bài học lịch sử về hòa đàm Quốc-Cộng trong thập kỷ 40, nhà đương cục Đài Loan tuyệt đối không thể đồng ý cho động tới quân đội của họ trên bàn hoà đàm, mà phái quân đội ra Đài Loan không khác gì tuyên chiến với Đài Loan, sẽ không có khả năng hòa bình thống nhất nữa.Nhưng thiết kế đó trước hết lại được khảo nghiệm ở Hương Cảng: nếu mô thức thống nhất Đài Loan cũng thích dụng với Hương Cảng, thì Đài Loan không đóng quân, Hương Cảng có cần đóng quân không?Người Anh hiểu rất rõ sức nặng của quân đội trong nền chính trị Trung quốc, nên trong khi hội đàm, nhiều lần nêu ra yêu cầu Trung quốc hứa là sẽ không mang quân đội ra đóng tại Hương Cảng. Nhưng yêu cầu đó xung đột với nguyên tắc chủ quyền của Trung quốc. Theo lý lẽ thông thường của chính trị học, một quốc gia có chủ quyền đều có quyền quản hạt không ai thay thế được đối với mọi người, vật và sự việc trong lãnh thổ của mình, bao gồm việc đóng quân. Sau năm 1997, Trung quốc thu hồi chủ quyền ở Hương Cảng, đóng quân hay không đóng quân là quyền của Trung quốc, nước Anh không có quyền can thiệp.Đặng dùng vũ khí chủ quyền, đã bác bỏ nhanh chóng yêu cầu của phía Anh: “Trung quốc có quyền đóng quân ở Hương Cảng. Ngoài việc đóng quân ở Hương Cảng, Trung quốc còn có gì để thể hiện việc thực hiện chủ quyền của mình ở Hương Cảng nữa?”. Bộ trưởng ngoại giao Anh không thể không khuất phục trước sức mạnh lôgích của Đặng. Ông ta nói, đương nhiên hy vọng Trung quốc không trú quân mà áp dụng một hình thức khác, nhưng ông ta thừa nhận, chính phủ Trung quốc đã thu hồi chủ quyền ở Hương Cảng thì có quyền đóng quân ở Hương Cảng.Trong khi hai bên Trung-Anh đàm luận vấn đề trú quân: nước Anh rõ ràng tỏ ra đuối lý. Nước Anh, là một nước ngoài, không có quyền yêu cầu Trung quốc không đóng quân ở Hương Cảng sau năm 1997. Thế là phía Anh ở Hương Cảng giở ra con bài dân ý, thông qua một số người môi giới, bắn tin là không mong muốn, thậm chí phản đối chính phủ trung ương đưa quân ra đóng tại Hương Cảng. Lời nói về việc trú quân của Đặng đã một thời gian gây nên dư luận xôn xao ở Hương Cảng. Lúc dó, đàm phán Trung-Anh đang ở vào lúc then chốt. Một tờ báo ở Hương Cảng có thể vì để làm yên lòng người đã đưa tin nguyên bộ trưởng quốc phòng Cảnh Tiêu nói trong cuộc họp tiểu tổ quốc hội tỉnh Hồ Nam ngày 21.5.1984 rằng: “Quân đội Trung quốc tương lai sẽ không đóng tại Hương Cảng”.Sau khi được tin đó, Đặng vô cùng nổi giận. Ngày 25- 5, ông nói với các nhà báo Hương Cảng: “Tôi cần cải chính lời đồn đại Cảnh Tiêu nói về vấn đề không đóng quân ở Hương Cảng, không phải là ý kiến của Trung ương. Các ông đã đăng tin đó, nhưng không có việc ấy. Cần phải đóng quân ở Hương Cảng. Đã là lãnh thổ Trung quốc, thì tại sao lại không được đóng quân? Bộ trưởng ngoải giao Anh khi hội đàm với tôi, cũng đã thừa nhận... Chẳng lẽ ngay đến quyền đó cũng không có sao? Như thế thì sao gọi là lãnh thổ Trung quốc?”Sau đó, Đặng lại nói dịu hơn với những đại biểu Hương Cảng: Đóng quân là có tính chất tượng trưng, là tượng trưng của việc giữ chủ quyền của Trung quốc. Người Hương Cảng quản trị Hương Cảng là sự tự trị rộng rãi nhất. ngoài việc đóng quân, hầu như không có tượng trưng nào khác. Số quân đóng không cần quá nhiều, đại khái dăm ba ngàn là đủ.Thế là dân Hương Cảng thở phào nhẹ nhõm: Đóng quân chỉ là tượng trưng cho chủ quyền quốc gia. Song, so với quyền hạn tự trị mà Đài Loan sau này có thể được hưởng, tâm lý người Hương Cảng có điểm vẫn chưa rõ: Tại sao giữ lại quân đội Đài Loan mà không ảnh hưởng đến chủ quyền và sự thống nhất quốc gia? Có thể giải thích như sau: Quân đội Đài Loan vốn là quân đội Trung quốc. Còn “Quốc phòng quân” của Hương Cảng trước kia là do nước Anh phái đến. Hương Cảng trong nhiều năm vẫn có lực lượng vũ trang của mình, gọi là “Hương Cảng đoàn dội”. Để giữ gìn chủ quyền quốc gia, yêu cầu quân đội Anh rút đi, quân đội Trung quốc ở Hương Cảng làm nhiệm vụ là được, tại sao còn cần phái quân đội tới đóng nữa?Đặng thuyết phục đồng bào Hương Cảng rằng đóng quân còn có một tác dụng khác: có thể phòng và ngăn chặn động loạn.Đây thực tế là ý định của Đặng kiên trì muốn đóng quân ở Hương Cảng. Cuộc tranh luận về việc Trung quốc có quyền đóng quân ở Hương Cảng hay không, xuất phát từ sự tính toán có cần đóng quân ở đó hay không. Trong mấy chục năm gần đây, ngoài năm 1967, Hương Cảng có trải qua lộn xộn, nhưng chưa bao giờ có động loạn lớn. Trong mười năm cách mạng văn hóa, đại lục xảy ra nội chiến toàn diện, nhưng Hương Cảng vẫn bình an vô sự. Song sau năm 1997 sẽ ra sao? Đặng không dám lạc quan. “Có thể giả thiết Hương Cảng không có lộn xộn, không có lực lượng phá hoại không? Tôi thấy không có căn Cứ để tự an ủi như vậy” Đặng tính toán đầy đủ đến việc sau này sẽ có người làm loạn. Những nhân tố rối loạn, những nhân tố gây rối loạn, những nhân tố không ổn định bao giờ cũng có, không có mới là lạ? Những nhân tố đó đương nhiên không phải từ Bắc Kinh tới, nhưng không loại trừ việc nó tồn tại trong nội bộ Hương Cảng, cũng không loại trừ nó do lực lượng quốc tế nào đó gây ra. Có những nhân tố động loạn, thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn, đó là một lý lẽ rất giản đơn.Sự suy tính đó của Đặng rõ ràng không phải là thừa. Hương Cảng thực hiện chủ nghĩa tư bản lại không có các tổ chức đảng để làm chỗ dựa, nếu lại không đóng một ít quân đội, thì khi xảy ra chuyện, Trung ương lấy gì để ổn định lại tình hình? Người không lo xa, tất có họa gần. Năm 1989, Bắc Kinh xảy ra động loạn, nếu không có quân đội thì có dẹp yên được không? Huống chi lại là Hương Cảng! Để làm giảm nỗi lo của người Hương Cảng, Đặng nói rõ quân đội đóng ở Hương Cảng chỉ phụ trách công việc phòng ngự, phòng tránh động loạn, không quản lý việc trị an cụ thể, không can dự vào công việc nội bộ của Hương Cảng.Phòng ngự đối ngoại và trị an xã hội là hai việc hoàn toàn khác nhau, nhưng việc động loạn nội bộ và việc trị an thì rất khó phân biệt. Nói như vậy, giải quyết việc “nội loạn” có liên quan đến trị an địa phương, thì có thể vận dụng như ở Đài Loan, do “Hương Cảng đoàn đội” là lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm là được. Nếu do người nước ngoài gây loạn, uy hiếp đến an toàn quốc gia, thì lúc đó phái quân đội ra đối phó cũng vẫn kịp, không cần phải ra đóng quân trước ở đó làm gì.Song Đặng lo lắng chính là vấn đề “nội loạn”. Một khi Hương Cảng xảy ra động loạn thì sẽ trở thành quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Gặp tình hình đó, đương nhiên Trung ương sẽ ra lệnh cho chính quyền đặc khu Hương Cảng đứng ra can dự, chứ không khinh suất sử dụng quân đội. Nhưng thực tiễn chính trị lâu dài đã cho ông biết dù là “vấn đề nội chính” thì hiệu năng giải quyết bằng chính trị cũng rất có hạn. Nếu xảy ra động loạn lớn, thí dụ Hương Cảng biến thành một căn cứ để chống lại đại lục với chiêu bài dân chủ, thì làm thế nào: Trước hết là can dự về hành chính. Can dự về hành chính không có tác dụng thì không thể không huy động quân đội. Muốn đứng vững trên mảnh đất không bao giờ thất bại về chính trị thì quân đội không thể nào thiếu được.Đợi đến khi có loạn mới đem quân ra thì tình hình sẽ khác. Như vậy tuy vẫn kịp, cũng không khó tìm ra lý do, nhưng dễ xảy ra chuyện bình luận thị phi, làm vấn đề thêm phức tạp. Như vậy, thì tại sao không giữ nguyên tắc, trước hết đem quân đội ra đóng ở đó, để phòng loạn khi chưa xảy ra? Có quân đội, dù có động loạn cũng không thể lớn và có thể giải quyết kịp thời. Quân đội bố trí ở đấy, có thể có tác dụng uy hiếp. Những kẻ muốn nổi loạn, biết ở Hương Cảng có quân đội Trung quốc, sẽ phải suy nghĩ không dám làm bừa, không thể gây nên được phong trào. Có quân đội thì những cuộc động loạn như thế không thể xảy ra, tình hình có vẻ như không cần tới quân đội, nhưng chính đó là hiệu quả của việc có mặt quân đội.Tóm lại, đóng quân là chủ trương đúng đắn để bảo đảm chắc chắn cho sự ổn định tương lai của Hương Cảng, và điều đó đã được pháp luật thông qua. Đặng giải quyết vấn đề đó là xuất phát từ yêu cầu của chủ quyền cần lo toan trước để đạt tới yên ổn lâu dài. Vấn đề còn lại là dưới tiền đề chính trị “không thể không đóng quân”, thì Đài Loan tương lai sẽ như thế nào? Nếu Đài Loan mà cũng đem quân ra thì không thể nói tới chuyện hòa bình thống nhất; nhưng nếu không đem quân ra đóng, thì có thể gọi là thống nhất được không?