“Tôi cứ phát minh bởi vì tôi không thể dừng được”. Đó là câu nói nổi tiếng của Beulah Louise Henry, người phụ nữ có tới 110 phát minh và 49 bằng sáng chế. Nếu như những phát minh của Beulah nổi tiếng khắp thế giới thì những thông tin về đời tư của bà xuất hiện trên báo chí dường như lại quá ít ỏi so với nhu cầu tìm hiểu của những nhà viết tiểu sử ngoại quốc. Beulah sinh năm 1887 tại Memphis, Tennessee và được nuôi dưỡng trong một gia đình gồm cả bố, mẹ và anh trai đều làm nghệ thuật. Bà bắt đầu phác thảo ra các phát minh từ khi còn là một cô bé. Năm 1909 bà vào đại học Elizabeth ở Charlotte, Bắc Carolina và năm hai nhăm tuổi bà đã được cấp bằng sáng chế cho phát minh đầu tiên của mình. Đó là phát minh ra chiếc máy làm kem đá. Chỉ một năm sau phát minh này, bà lại được cấp bằng sáng chế cho phát minh ra túi xách tay và ô che nắng. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Beulah sống ở New York. Bà thuê một đội ngũ gồm những nhà thiết kế, thợ cơ khí, những nhà tạo mẫu giúp bà biến những phác thảo thành những sản phẩm mẫu. Thừa nhận những hạn chế về kĩ năng cơ khí và kĩ thuật của mình bà nói: “Tôi chẳng biết sự hạn chế hiểu biết về cơ khí của tôi là một trở ngại hay là một thuận lợi nữa… tôi chẳng biết gì về các thuật ngữ chuyên ngành và tôi sợ rằng những nhà thiết kế nghe tôi giải thích sẽ khó mà hiểu được ý tưởng của tôi, nhưng tại các nhà máy nơi người ta đã biết tiếng tăm của tôi, tôi thấy họ kiên nhẫn lắng nghe bởi vì họ đặt lòng tin vào những phát minh của tôi”. Cho đến năm 1924 các phát minh của Beulah đã được cấp bằng sáng chế ở bốn nước và bà đã trở thành chủ tịch của hai công ty hợp doanh. Trong hai thập kỉ tiếp theo, Beulah cho ra đời hàng loạt những phát minh quan trọng như phát minh ra ô che nhiều màu có thể dễ dàng thay vải che (1924), máy khâu may được hai đường chỉ một lúc, máy khâu không sử dụng suốt chỉ đầu tiên (1940), máy kết hợp với máy đánh chữ cho ra bốn bản copy với cùng một tài liệu mà không cần sử dụng giấy than (1932), búp bê có thể đổi màu mắt và nhắm mắt (1935). Giai đoạn tiếp theo bà liên tục giới thiệu các sản phẩm gia dụng và các phát minh thiết thực với đời sống như phát minh ra chiếc máy dán phong bì hàng loạt. Một trong những phát minh gây ngạc nhiên của Beulah là phát minh ra chiếc ô có thể dễ dàng thay đỏi vải che. Phát minh này xuất phát từ ý tưởng tạo thuận lợi cho phụ nữ trong việc làm cho chiếc ô hòa hợp với trang phục của mình. Những nhà sản xuất ô trong nước nghe ý tưởng ấy của Beulah đều cho rừng bà không thể biến nó thành hiện thực được, bởi vì theo họ không thể dễ dàng tháo và dán vải che ô mà vẫn đảm bảo độ chắc chắn của nó khi được dùng trong những trường hợp có mưa hay gió to. Khi Beulah cho trưng bày sản phẩm của bà tại cửa hàng của hãng Lord and Taylor, sản phẩm của bà đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Một nhà sản xuất đã mua quyền phát minh này với giá 50.000 đô la. Beulah là nhà phát minh được trẻ em yêu mến bởi vì bà quan tâm đến thế giới của các em cũng nhiều như quan tâm đến thế giới của người lớn. Các phát minh của bà thể hiện sự quan sát tỉ mì và sự thấu hiểu tâm lý trẻ. Năm 1929 bà phát minh ra miếng xốp không thấm nước có thể đựng xà phòng thơm bên trong. Trẻ con vừa có thể sử dụng miếng xốp đó làm khăn tắm vừa có thể xoa xà phòng. Một ưu điểm nữa của phát minh này là nó luôn nổi trên mặt nước nên trẻ em rất thích vì không phải tìm xà phòng trong bồn tắm mỗi khi đánh rơi. Beulah cũng phát minh ra nhiều đồ chơi mang tính giáo dục cho các em. Ngoài búp bê Miss Illusion, một con búp bê tóc vàng xinh xắn có thể đổi mầu mắt và nhắm mắt, trò chơi dạy nói giờ mang tên “Kiddie Klock”, bà còn phát minh ra trò chơi tàu hỏa được các em nhỏ ở Mĩ rất ưa thích. Trò chơi này mang tên Cross the country (Đi khắp đất nước). Nó phục vụ người chơi bằng một hệ thống đường ray thu nhỏ của nước Mĩ với những đoàn tàu mini. Người chơi phải cho đoàn tàu của mình chạy dọc các tuyến đường ray mà không được đê tàu đâm phải tàu khác, nếu tàu nào bị đâm, tàu đó sẽ tự động bị đưa trở lại vạch xuất phát. Chơi trò này các em vừa vui, vừa học được tên các địa danh. Beulah không kết hôn. Phần lớn cuộc đời bà sống trong khách sạn. Người Mĩ gọi bà bằng nhiều cái tên trìu mến, nhưng cái tên được người ta quen gọi nhất là “Quý bà Edison”.