Ăn cơm tối xong, tôi nằm ngửa trên đi văng đọc báo. Sau khi đọc các tin thời sự ở trang một và trang bốn, tôi giở vào trang trong. Bài “Giáo dục con cái trong gia đình” đập vào mắt tôi. Tôi đằng hắng một tiếng, sửa lại gọng kính trên mũi, chăm chú đọc từng chữ. Chả là tôi có hai đứa con, một trai một gái. Con chị thì không sao nhưng thằng em thì quả là nghịch tinh như một thằng giặc con. “Những đứa con hư hỏng hoặc có chiều hướng hư hỏng thường xuất phát từ những gia đình trong đó cha mẹ không hề ngó ngàng gì đến con cái, mặc cho con muốn chơi thì chơi, muốn học thì học, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở...”. Chết cha, thằng Tấn đi đâu rồi cà! Ðang đọc, tôi vội buông tờ báo xuống, dáo dác nhìn quanh. Thằng con tôi không có trong phòng. Trời ơi, con với cái kiểu này thì chết rồi, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở...- Tấn ơi, Tấn! – Tôi gào to.- Con ở đây nè ba! - Tiếng con tôi từ nhà dưới vọng lên.- Mày đang làm gì đó? – Tôi hỏi.- Dạ con đang chơi cờ với chị Hoa.Tôi xỏ dép vào chân, lẹp kẹp đi xuống. Hai đứa con tôi đang ngồi đánh cờ, mặt mày căng thẳng. Tôi lại gần, la:- Chơi xuốt ngày! Thằng Tấn có lên nhà trên ngồi học bài đi không!- Sắp xong rồi ba ơi! Còn chút xíu nữa thôi hà! - Thằng con tôi trả lời, mắt không rời các quân cờ.Tôi đứng chắp tay sau lưng, tò mò quan sát trận đấu. Rõ ràng đứa chị sắp thua đến nơi rồi. Con hậu trắng và mã trắng đang vây chặt lối thoát của vua đen. Con chị bối rối ra mặt, cứ ngồi ngẩn tò te trước bàn cờ. Còn thằng em thì mặt mày rạng rỡ, sung sướng một cách trắng trợn. Bên đen chỉ còn cách rút mã đen về ngay chân mã trắng chơi đòn lưỡng bại câu thương. Nếu bên trắng không chịu mạng đổi mạng thì phải di chuyển quân mã đi chỗ khác và như thế vua đen sẽ giải tỏa được áp lực của đối phương. Nhưng con gái tôi đâu có “sáng nước” như tôi, nó cứ ngồi yên, nhăn nhăn nhó nhó. Tôi nóng ruột, nhắc:- Ðem mã về d8, lấy mã đuổi mã.Thằng em lên tiếng liền:- Ðứng ngoài không được nhắc.Nhưng con chị vẫn không hiểu ý tôi. Nó có vẻ xa lạ với những nước đi táo bạo. Thấy nó lưỡng lự hoài, tôi bứt rứt không chịu nổi, lại buột miệng:- Ði đi! Nó ăn quân mình thì mình ăn lại nó, sợ gì!Thằng em vùng vằng:- Ba nhắc hoài con không chịu đâu. Ba ngon ba ngồi vô đánh đi!Thấy con chị ngồi câu giờ lâu lắc, tôi đã bực mình, nay bị thằng em thách, tôi liền đẩy con chị ra:- Thôi, con nghỉ đi, để ba trị nó cho!Tôi ngồi vào bàn, đằng hắng một tiếng oai vệ và nhanh chóng đưa quân mã về ô d8, nụ cười tự tin nở trên môi. Ðúng như tôi nghĩ, bên trắng không dám đổi quân nên lui mã về e5. Vua đen được giải phóng cánh trái.Nhưng càng đánh, tôi càng cảm thấy gay go. Con chị để mất xe, tượng quá sớm nên lực lượng quân đen bị sứt mẻ trầm trọng. Tới nước thứ bảy, tôi đi nhầm một quân liền giựt lại chỗ cũ. Thằng con tôi phản đối liền:- Ði rồi thôi, không được đi lại!Biết mình phạm luật, tôi xuống nước:- Thôi mà, con cưng của ba, cho ba đi lại một lần này thôi!Thằng con tôi vẫn không chịu, nó giãy đùng đùng trên ghế:- Không được! Không có đi lại gi hết! Ba ăn gian!Phần vì giận mình đi nhầm, phần tức thằng con ăn nói càn rỡ, tôi đập tay xuống bàn, hét:- Mày nói ai ăn gian, đồ mất dạy!Thằng con tôi hoảng hồn, ngồi im re.Ðược thể, tôi càng ra oai. Lần này tôi đập bàn bằng cả hai tay:- Hả, mày nói ai ăn gian hả? Tao đẻ ra mày hay mày đẻ ra tao?Mặt con tôi chuyển từ xanh qua trắng.- Ai? – Tôi gằn giọng – Ai đẻ ra mày?Thấy tôi làm dữ quá, thằng con tôi rụt rè đáp, bằng giọng lắp bắp:- Dạ... má đẻ...- Hừ, má đẻ! Nếu mà không có tao...May thay, tôi còn đủ tỉnh táo để tốp cấu nói lại kịp. Giải thích rõ ra làm gì, để lớn lên là tự khắc nó hiểu. Tôi nghĩ vậy và cầm lên quân cờ:- Thôi đánh tiếp nè! Lần sau không được ăn nói với tao như vậy nữa nghe không!Thằng con thấy tôi dịu giọng, nó mừng lắm. Ván cờ lại tiếp tục như không có gì xảy ra. Tôi vì giận quá mất khôn nên chơi có phần thiếu sáng suốt, càng đánh càng lúng túng. Tới nước thứ mười lăm, tôi để mất thêm con xe một cách lãng xẹt. Quân xe bị mất là do tôi thiếu tập trung chứ chẳng phải do một tình huống khó khăn gì ráo. Ðể mất quân xe đó coi như thua luôn ván cờ, tôi bèn xuống giọng năng nỉ:- Trả lại cho ba con xe đi con. Ba lỡ tay mà.Thằng con tôi lắc đầu:- Ăn rồi thôi, con không trả lại đâu!Nhờ rút kinh nghiệm khi nãy nên lần này nó ăn nói đàng hoàng hơn. Nhưng nó vẫn không chịu trả con xe cho tôi.- Trả cho ba lần này thôi, lần sau con ăn thì ba cho con ăn luôn.- Con không trả lại đâu! Thôi, ba chịu thua đi!Vừa nói thằng nhỏ vừa nắm chặc quân cờ trong tay, thậm chí nó còn giấy tay xuống gầm bàn. Hành động đó làm tôi nổi dóa:- Mày làm cái trò gì vậy? Bộ mày sợ tao ăn cướp ăn giựt của mày hả, đồ mất dạy!Tôi hất tay một cái. Bàn cờ lăn lông lốc. Thằng con tôi từ thắng chuyển thành bại. Nó khóc rấm rức.- Khóc, khóc cái gì! - Tôi quát lên – Mày tưởng mày hay lắm hả? Tưởng giỏi cái gì chớ giỏi ba cái trò cờ quạt này mà cũng lên mặt! Nào lấy tập ra, học bài đi! Ðưa thời khóa biểu cho tao coi ngày mai mày học môn gì!- Ngày mai đâu có đi học. Con nghỉ hè ba bữa nay rồi!Thằng con tôi vừa gạt nước mắt vừa đáp.- Hả, nghỉ hè rồi hả? – Tôi giật thót người.- Con nghỉ hè mà ba không biết gì hết.Tôi gãi đầu:- Tao có đi học như mày đâu mà biết. Sao con không nói cho ba hay?- Bữa trước con đưa cái giấy mời phụ huynh đi dự lễ tổng kết năm học mà ba đâu có đi.Tôi sờ tay lên túi áo:- Chết cha, vậy mà ba đâu có biết. Bữa đó cho đến nay, ba có kịp dọc hữ nào đâu! Thôi, đợi lễ tổng kết năm tới vậy. Còn bây giờ con lượm mấy quân cờ vương vãi dưới đất cất vô hộp rồi đi ngủ.Trong khi thằng con tôi đang lồm cồm chui xuống gầm bàn thì tôi bỏ lên nhà trên, lòng lo âu không thể tả. Con với lại cái, muốn học thì học muốn nghỉ hè thì nghỉ hè, linh tinh lang tang như vậy, các bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm như tôi không lo âu sao được.Nhưng thôi, chuyện đó tính sau. Bây giờ tôi phải đọc tiếp bài “Giáo dục con cái trong gia đình” coi có chỗ nào con cái được phép đánh cờ thắng người đẻ ra chúng không kia chứ. Hừ, hừ!- 1983 – Nguyễn Nhật Ánh