e hơi chạy bon bon trên đường Trần quang Khải, gần đến ngã ba Hai Bà Trưng. Nguyễn Biên lái sang bên trái, giọng đột nhiên thay đổi:
- Văn Bình vừa ở trong phòng cô phải không?
Mặt đỏ gay, nàng đáp:
- Phải.
- Lẽ ra, cái áo được đưa vào cho cô trước khi đèn tắt trong phòng... Song tôi không muốn phá dám cuộc vui của hai người. Tôi chờ xong xuôi mới bấm chuông.
- Té ra ông núp ngoài cầu thang.
- Không đúng. Tôi ở dưới đường, cách nhà cô hơn một trăm thước. Vì cần gì núp ngoài cầu thang mới nghe được tiếng nói trong phòng. Tôi có vành tai thính lắm cô ạ. Vành tai điện tử. 500 đô la, mua ở Hồng kông.
Nguyễn Biên mở hộc táp lô, lấy ra một cái hộp vuông, rồi nói, giọng tự đắc:
- Mọi âm thanh trong phòng cô đều được thu vào băng nhựa tí hon trong máy này. 500 đô la cái máy ghi âm. 400 đô la nữa, tiền mua cây đèn, hao hao như đèn pha xe hơi. Ngọn đèn ở vè trái xe hơi là ngọn đèn giả hiệu, được dùng để truyền dẫn âm thanh từ phòng cô vào băng ghi âm của tôi.
- Cô đừng giận nhe! Văn Bình nói nhiều câu ri rởm ghê. Đàn bà mê hắn là đúng, vì hắn biết dùng những danh từ lạ lùng. Chính tôi là đàn ông khô khan, cứng nhắc mà cũng nổi gai ốc khi nghe hắn phê bình những bộ phận thiên phú trên cơ thể của cô.
- Tôi van ông...
- Vâng, tôi sẽ không nói nữa. Sở dĩ tôi nhắc lại là để xác định với cô rằng chúng tôi có tai mắt khắp nơi. Bên trong cơ quan điệp báo của ông Hoàng, chúng tôi có người, khá nhiều người. Những người này không biết nhau, và có nhiệm vụ thu lượm tin tức, đôi khi kiểm soát, theo dõi lẫn nhau. Cô làm việc cho chúng tôi, song bên cạnh cô đã có nhiều người như cô. Vì vậy, cô nên thành thật. Cô cũng nên đặc quyền lợi công tác lên trên quyền lợi tình ái riêng tây. Cô nghĩ sao?
Quỳnh Bích nghẹn ngào:
- Vâng.
Nguyễn Biên vòng xe vào đường Nguyễn văn Thinh, đậu sát lề, xế tòa báo Thần Chung. Hắn dặn nàng:
- Vì điều kiện an ninh, tôi không thể thả cô xuống gần nhà. Tôi tin rằng giờ này nhân viên của ông Hoàng đang canh chừng phòng cô.
Quỳnh Bích sửng sốt:
- Tôi bị ông Hoàng nghi ngờ rồi ư?
- Chưa. Ít ra là trong lúc này. Theo chỗ tôi biết, biện pháp an ninh đã được áp dụng đối với nhân viên, ngay sau khi xảy ra vụ Lê Tùng. Biện pháp an ninh gồm 3 nấc: thứ nhất, đối với nhân viên trung cấp, giữ chức vụ quan trọng tương đối tại Trung ương, sẽ có mật vụ canh chừng nhà ở, đề phòng bị chúng tôi ám sát, bắt cóc; thứ hai, đối với nhân viên bị tình nghi, canh chừng và theo dõi; thứ ba, đối với nhân viên bị tình nghi đặc biệt, thì canh chừng và theo dõi đặc biệt.
- Theo ông, tôi bị liệt vào hạng nào?
- Hạng thứ nhất. Ông Hoàng chưa ngờ vực cô. Ông Hoàng chỉ cho nhân viên canh chừng mà không theo dõi cô.
- Ông tài thật.
- Cám ơn lời khen ngợi của cô. Riêng tôi, tôi chẳng có tài cán gì. Tôi chỉ là một bánh xe trong bộ máy vĩ đại. Cô cũng vậy, bộ máy quay, bánh xe cũng phải quay.
- Tôi hiểu rồi.
- Cô thông minh lắm, tôi biết. Cám ơn cô đã giúp tôi hôm nay. Bây giờ cô xuống xe trở về nhà. Song cô đừng về bằng đường Hai Bà Trưng. Phiền cô ra đường Tự Do, đi thẳng tới ngã tư Gia Long, rồi quẹo tay phải. Chúc có ngủ ngon và dệt thật nhiều mộng.
Hơn ai hết, Nguyễn Biên biết đêm nay Quỳnh Bích sẽ không tài nào ngủ được.
Hắn cũng thức suốt đêm như nàng.
Đêm ấy, ông Hoàng, tổng giám đốc Mật vụ, cũng thức. Thức bên phích cà phê đặc xịt và bên đống hồ sơ cao ngất liên quan đến vụ Lê Tùng.
*
- Lê Tùng, anh không giấu giếm được tôi đâu.
- Lê Tùng, anh chưa thành thật.
Tiếng nói của đại tá Bùi Vinh vang dội bên tai Lê Tùng. Chàng có cảm giác như trái tim và khối óc bị điện cao thế giật mạnh. Song chàng cố giữ bình tĩnh cho bàn tay khỏi run, vì chàng biết rõ Bùi Vinh đang nhìn chằm chằm vào bàn tay chàng dò xét phản ứng.
Lăn lộn trong nghề, chàng không lạ gì phương pháp «đánh phủ đầu» khá quen thuộc này. Đối phương bắt nọn trước, nếu yếu bóng vía chàng phải bàng hoàng lo sợ. Nhưng cũng có thể Bùi Vinh thành thật.
Lê Tùng bèn ung dung đáp:
- Anh không tin tôi là quyền của anh. Song giữa những người điệp báo chuyên nghiệp, tôi cần nói anh biết là tôi chẳng dại gì dối gat, vì sớm muộn anh sẽ phăng ra. Vả lại, tôi là kẻ ra đi, không hy vọng trở về, dầu muốn dầu không, các anh là đồng minh của tôi chống lại ông Hoàng, và dầu muốn dầu không tôi phải hợp tác thành thật.
Bùi Vinh mỉm cười:
- Anh biện hộ rất xác đáng, tuy nhiên tôi có đủ chứng cớ về việc anh chưa hoàn toàn thành thật. Chẳng hạn, về thời gian anh hoạt động ở Hà nội.
- Hồi nào?
- Tháng 6-1965.
- Hồi này, tôi đã về Nam.
- Trước khi về anh liên lạc với một nhân viên ở chợ Hôm.
- Đúng. Tôi đã nói rõ vụ này với đại tá Tú và Chu Nghị ở Hồng kông.
- Còn một điều anh quên. Nhân viên này là ai?
- Ồ, đây là một chi tiết nhỏ nhặt. Tôi đã cho các anh biết hết cơ sở thì còn giấu tên người làm gì vô ích. Nhân viên này là Y-43.
- Tại sao số hiệu nhân viên lại chia ra Z, Y, XX?
- XX là nhân viên tập sự. Sau khi được đưa vào ngạch chính thức thì mang số hiệu Z, như Z.28, hiện làm tổng thanh tra. Nhân viên Z. thuộc ngạch trung cấp, hoạt động ở phía bắc vĩ tuyến thứ 17 được mang số hiệu Y.
- Y.43 là ai?
- Nhân viên liên lạc.
- Tên thật là gì?
- Chịu. Theo chỉ thị, tôi không được quyền hỏi tên thật của thuộc viên.
- Theo chỉ thị, anh được quyền ngủ với nữ thuộc viên không?
- Không. Tại sao anh lại hỏi như vậy?
- Vì anh đã ngủ với Y.43, một nữ nhân viên khá đẹp.
Lê Tùng thở dài:
- Nàng đã thành người thiên cổ rồi, chúng ta nên để nàng nằm yên trong mộ. Nàng chết vì tôi, vì tôi cẩu thả. Vì tôi trà trộn tình yêu với nhiệm vụ.
Bùi Vinh nghiêm giọng:
- Tại Hồng kông, anh chỉ nói mù mờ về Y.43. Anh không chịu cho đại tá Tú biết Y.43 là đàn bà, và là người yêu của anh. Tại sao anh lại giấu giếm?
- Như tôi đã nói với anh, tôi không muốn vong linh người chết phải hờn tủi.
Bùi Vinh cười khà khà:
- Thôi, tôi cũng chiều anh. Tôi chỉ hỏi thêm một câu nữa về Y.43 thôi. Tại sao nàng bị bắt?
- Tôi chưa tìm ra lý do. Sau này về Sài gòn, tôi hỏi Văn Bình thì Văn Bình cũng chưa biết. Có lẽ vì nội phản.
- Ai là nội phản?
- Nếu biết, tôi đã không ở lì trong Nam. Nếu biết, tôi đã xé xác đứa nội phản. Được tin nàng thiệt mạng, tôi đã nguyện trả thù. Tôi sẽ không tha kẻ đã giết nàng.
- Tôi sẽ giúp anh tìm ra kẻ nội phản. Nhưng anh có dám cam kết là tự tay giết nó không?
- Đời tôi luôn luôn coi trong danh dự. Tôi đã hứa là không bao giờ làm sai. Dầu chết, tôi cũng trả thù.
- Anh sẽ gặp một đối thủ cừ khôi.
- Khi ấy, ta hãy nói chuyện lại.
- Cám ơn anh. Bây giờ ta bước sang vấn đề khác. À, có lẽ anh khát lắm thì phải. Để tôi gọi người mang rượu lên. Anh dùng gì? Huýt ky hay Vốt ka? Nghe nói anh rất thích rom bacadi. Ở đây chúng tôi có loại bacadi đặc biệt do nhà máy cất rượu riêng của Thủ tướng Castro chế tạo và gửi biếu. Dầu anh uống cả năm thay nước lạnh cũng không hết.
- Bacadi của Cuba phải uống với nước ngọt côca côla của Mỹ mới ngon.
- Dĩ nhiên sống chung hòa bình mà lị... Anh uống nhe! Để tôi gọi Huyền Nhung.
- Vâng, xin ký cả hai tay.
Bùi Vinh bấm nút anh-tét-phôn, ra lệnh. Lê Tùng cười xòa:
- Huyền Nhung của các anh đẹp ghê!
Bùi Vinh nhún vai:
- Còn nhiều người đẹp hơn nữa. Tôi sẽ biếu Huyền Nhưng cho anh nếu anh chịu giúp tôi.
- Hiện tôi đang giúp các anh.
- Không. Tôi muốn anh giúp một việc khác.
- Việc gì, xin anh cho biết.
- Thong thả. Mai cũng chưa muộn. Nếu anh chưa mệt, tôi xin phép nói đến vụ Trần Hiệp. Căn cứ vào đâu, ông Hoàng biết rằng Trần Hiệp sa cơ ở sông Bến Hải vì nội phản?
- Ông Hoàng không cho tôi biết rõ chi tiết.
- Còn Z.309?
- Về trường hợp này, tôi có thể giúp anh được nhiều. Vì tôi đã sống với Z.309 một thời gian. Hắn là một trong các cán bộ cao cấp nhất của Đảng và của ngành an ninh tại Liên khu IV, nghĩa là trong khu vực Cựu kim Sơn do tôi trực tiếp điều khiển. Tên thật hẳn là Lý Hòa.
- Lý Hòa... Tôi đã gặp hẳn nhiều lần. Không ngờ hẳn là nhân viên của ông Hoàng... Thú thật với anh, tôi không hiểu sao hắn bị bắn chết.
- Vì hắn dại dột vượt sông Bến Hải ở khu được canh phòng chặt chẽ nhất.
- Đó là điều làm tôi băn khoăn. Thanh tra Công an Liên khu, chủ tịch phân hội Việt-Sô hữu nghị, tỉnh ủy. Lý Hòa không phải là một viên chức tầm thường. Hẳn phải biết khúc sông này được canh phòng nghiêm mật. Trừ phi người ta cố tình đưa hắn vào bẫy...
- Đúng... Hắn chết vì nội phản.
- Nghĩa là một người đóng vai trò nhị trùng lừa giết hắn?
- Có lẽ.
- Còn có lẽ gì nữa. Người giết Lý Hòa một cách gián tiếp này phải là cán bộ cao cấp.
- Tôi cũng nghĩ như anh.
- Chúng ta đã tiến bỏ rất nhiều trong việc tìm hiểu lẫn nhau. Tôi hy vọng anh cứ tiếp tục như thế. Anh đừng quên rằng lời khai của anh được thu thanh.
- Thu thanh?
- Phải. Máy ghi âm được đặt dưới mặt bàn.
- Ghi âm để làm gì?
- Thứ nhất để làm hồ sơ. Thứ hai... ồ, sau này anh sẽ biết. Còn vụ Z.308 ra sao?
- Cho đến nay, tôi vẫn còn điên đầu. Một nhân viên mang số hiệu Z. bị loại trừ đã nguy rồi, đằng này hai nhân viên cùng bị loại trừ trong một thời gian ngắn ngủi. 308 chỉ giữ chức vụ phó trưởng ty công an duyên hải Thanh hóa, song lại giúp chúng tôi được nhiều việc quan trọng. Bờ biển Thanh hóa dài nhất, so với các tỉnh khác ở Trung Việt. Thanh hóa còn là nơi tập trung các căn cứ hải quân, như Hòn Nẹ, căn cứ tiềm thủy đĩnh, Sầm Sơn, căn cứ khinh hậm, Lạch Trường, căn cứ thủy cơ, Ba Làng căn cứ cơ giới thủy chiến.
- Hầu hết các vụ phục kích đường biển do ông Hoàng tổ chức ở Liên khu IV đều do 308 cung cấp tin tức và tài liệu. Điều này, chúng tôi đã biết. Nhưng chỉ biết sau khi hắn tử thương trên bãi biển Cửa Tùng. Nếu là gián điệp Phản gián, anh sẽ đối phó với 308 ra sao?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến giả thuyết này. Vì dầu sao 308 là thuộc viên thân tín của tôi.
- Anh là cán bộ chỉ huy giàu kinh nghiệm nên tôi mới hỏi ý kiến. Đặt vào địa vị tôi, anh có ra lệnh giết 308 không?
- Cái đó còn tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, theo nguyên tắc nghề nghiệp, giết điệp viên của đối phương là điều bất lợi. Kẻ địch còn sống có ích hơn là kẻ địch chết.
- Hừ, vậy mà Phan Thiện lại giết 308!
- Nghĩa là Phan Thiện còn ngây thơ trong nghề. Nhưng thôi, tôi không dám lạm bàn về năng lực của một nhân vật Phản gián cao cấp. Phan Thiện là cấp chỉ huy trực tiếp của anh.
- Xin anh cứ tự do.
- Tôi không dám.
- Vậy thì thôi. Nếu có thể, xin anh cho tôi biết thêm chi tiết về vụ Cửa Tùng.
- Tôi không còn nhớ rõ lắm. Xin phép anh được suy nghĩ đêm nay rồi sáng mai...
- Không sao. Tôi đã đọc kỹ báo cáo của Công an duyên hải. Anh quên đoạn nào, tôi sẽ nhắc. Vì tôi chỉ biết những việc xảy ra về phía Công an mà thôi. Tại sao Z.308 biết bị lộ?
- Trong mật điện gửi cho ông Hoàng, hắn chỉ nói là bị lộ, và xin được thuyên chuyển cấp tốc vào Nam mà thôi. Ngoài ra, hắn không nói thêm gì nữa.
- Còn ý kiến của ông Hoàng?
- Ông tổng giám đốc ít khi bàn về chi tiết với tôi. Mỗi lần gọi tôi, ông chỉ ra lệnh cho tôi thi hành.
- Mỗi lần đón nhân viên, anh dùng phương tiện nào?
- Trong quá khứ, nhân viên bị cháy có thể được xuất nhập (1), theo 4 phương pháp cổ điển, nghiã là cơ quan điệp báo nào cũng áp dụng; đó là bằng đường hàng không chính thức, phi cơ bí mật, vượt biên giới lậu, và tiềm thủy đĩnh. Phương pháp dùng đường hàng không chính thức đã được bãi bỏ sau khi tình hình Nam-Bắc căng thẳng cực độ, nhà cầm quyền Hà nội đình chỉ việc cấp chiếu khán xuất ngoại.
- Trong 3 phương pháp còn lại, phương pháp nào được coi là tương đối an toàn nhất?
- Cũng tùy trường hợp. Vượt biên giới Lào thường dễ hơn vượt sông Bến Hải vì khu vực giáp tuyến được phòng vệ cẩn mật. Trong quá khứ, một số nhân viên dưới quyền tôi, hoạt động trong ba tỉnh, Thanh, Nghệ, Tỉnh, đã rút vào Nam bằng đường Ai lao, sau khi vượt biên giới được phi cơ nhẹ đáp xuống, đưa về căn cứ gần nhất.
- Tại sao anh lại ra lệnh cho Trần Hiệp dùng đường Bến Hải?
- Tôi không ra lệnh. Nếu muốn, tôi cũng không có quyền. Việc định đoạt lộ trình xuất nhập hoàn toàn do văn phòng bí thư của ông Hoàng đảm trách, tôi chỉ có nhiệm vụ thi hành.
- Giả sử anh là người ra lệnh, anh có ra lệnh cho Trần Hiệp vượt tuyến không?
- Trần Hiệp quen thuộc vùng giáp tuyến, như lối đi trong nhà. Vả lại, thiếu tá Phan Lộ, chỉ huy Phản gián địa phương là bạn thân...
- Vậy mà hắn bị bắt. Anh biết tại sao không?
- Không. Xin anh hỏi Phan Lộ tiện hơn.
- Hừ, nếu Phan Lộ còn sống, tôi đã không hỏi anh.- Trời ơi! Hắn chết rồi ư?
- Rồi. Chết giữa lúc hắn cần sống nhất. Giữa lúc hắn cần sống để giúp tôi phanh ra đầu mối.
- Nghĩa là anh ngờ vực.
- Có lẽ.
- Phan Lộ chết ra sao?
- Hắn cũng chết như mọi người chết khác nghĩa là nằm thẳng cẳng trên đất, không dậy nữa.
- A, nếu anh ưa khôi hài thì tôi sẽ kể truyện tiếu lâm cho anh nghe. Không lẽ các anh tốn bạc triệu để mời tôi ra Hà nội kể truyện tiếu lâm.
- Xin lỗi anh, tính tôi vẫn lố bịch như vậy. Nhưng bản tâm tôi rất hiền lành. Ở lâu với tôi, anh sẽ thấy. Sở dĩ tôi dùng giọng trào lộng là vì tôi quá đau khổ. Phan Lộ là cộng sự viên thân tín của tôi.
- Cộng sự viên thân tín của sở Phản gián, hay của riêng anh?
- Của riêng tôi. Nhờ hắn, tôi đã phăng ra nhiều chi tiết quan trọng. Cái bẫy của tôi đã được trương lên, cho con thú ngoạm mồi là xập xuống, nhưng kẻ kéo bẫy lại chết rồi. Phan Lộ bị chết bất thình lình. Chết vì ly rượu. Hắn là bợm rượu khét tiếng.
- Cũng như tôi đa mang bacadi của thủ tướng Castro.
- Anh khôn hơn hắn nhiều. Bằng chứng là anh còn sống. Còn Phan Lộ uống lầm rượu mạc-ten pha thuốc độc nên chết đứ đừ.
- Ai đâu độc hắn?
- Cuộc điều tra bị sa lầy. Tuy nhiên, tôi không tin thủ phạm là ông Hoàng, hoặc là tôi...- Vậy, thủ phạm là ai?
- Suy nghĩ một lát, anh sẽ thấy.
- Óc tôi mệt lắm rồi, tôi không thích suy nghĩ nữa. Vả lại, tìm ra kẻ giết Phan Lộ không phải là việc của tôi.
- Anh nói đúng. Nhưng nếu anh chịu giúp tôi một tay, anh sẽ được trọng dụng.
- Việc làm ư?
- Anh sẽ có một cái anh muốn. Tiền, chức vụ, gái đẹp... tất cả tôi đều có.
- Ha, ha, với tiền, chức vụ, gái đẹp, tôi sẵn sàng nhảy vào lửa nếu anh hạ lệnh.
- Cám ơn sự thành thật của anh. Tôi muốn hỏi anh một câu nữa về vụ 308 vì nó liên quan đến cái chết của Trần Hiệp và của Phan Lộ. Tại sao 308 không về Nam bằng phi cơ bí mật?
- Như tôi đã nói với anh, việc này do ông Hoàng bố trí.
- Xuất nhập bằng phi cơ bí mật như thế nào?
- Đó là phương pháp dễ thực hiện nhất trong hiện tình. Trong mọi khu vực hoạt động, điệp viên đều định sẵn một số sân bay bí mật. Gọi là sân bay e không đúng, vì trên thực tế, đó chỉ là những khoảnh đất nhỏ xíu, chẳng hạn một khu vườn rau, một cây cầu trên quốc lộ... tóm lại, một miếng đất bằng phẳng không ở quá xa địa chỉ của điệp viên để việc di chuyển được nhậm lẹ, dễ dàng, và không ở quá gần vị trí phòng thủ, để phi cơ có thể đáp xuống một cách kín đáo.
Loại phi vụ này không dùng trực thăng vì tốc độ trực thăng quá chậm, dễ bị bắn hạ. Chúng tôithường dùng máy bay VTOL (1) gắn động cơ phản lực, bay rất nhanh, và đáp xuống cũng rất êm ái. Nhiều khi máy bay VTOL hạ cánh xuống sân sau một tòa nhà, và bay lên mà không ai biết.
Gần đây, phi cơ VTOL được trang bị một dụng cụ đặc biệt, tới địa điểm chỉ ném xuống một sợi giây, buộc sẵn cái ghế, điệp viên trèo lên và được rút lên phi cơ.
- Các anh đã mất bao nhiêu điệp viên xuất nhập bằng VTOL?
- Theo chỗ tôi biết, thì phương pháp này đã đạt mức an toàn trăm phần trăm. Có lần, chúng tôi đáp VTOL xuống sát Hà nội, ngay tại Kim Liên, hoặc Làng.
- Tại sao ông Hoàng không xuất nhập 308 bằng VTOL?
- Ồ, anh cứ hỏi tôi một điều tôi không trả lời được.
- Trên nguyên tắc, khi nào áp dụng phương pháp xuất nhập bằng tàu ngầm?
- Khi tải thương, hoặc khi cần xuất nhập nhiều nhân viên, đặc biệt là đàn bà, trẻ con thuốc gia đình nhân viên.
- 308 vào Nam có bị thương không?
- Không.
- Hắn có mang theo vợ con không?
- Không. Hắn còn độc thân.
Chú thích:(1) Xuất nhập (exfiltration): nhân viên điệp báo hoạt động trong vùng địch bị bại lộ (danh từ chuyên môn: bị cháy), được bố trí thoát thân, giới chuyên nghiệp gọi là exfiltration.
(2) tức là Vertical Take-off and Landing. Loại phi cơ này hiện được các cơ quan điệp báo thế giới dùng để xuất nhập điệp viên ra khỏi vùng địch.