Ông Tiến Đạt đã trở lại với công việc buôn bán, làm ăn hàng ngày. Chỉ có khuôn mặt ông nom gầy đi, vầng trán cao lưa thưa vài sợi tóc. Đôi mắt ông trở nên chậm chạp, u buồn. Bên trái túi áo ngực, ông đeo một tấm băng tang màu đen bằng mica hình quả trám được cài lên phía trước trái tim. Bàn thờ bà Tiến Đạt được kê lùi vào phía trong ngay chính căn phòng sang trọng nhất của ngôi nhà ba tầng giữa đường phố chính, được ngăn cách với bộ salon tiếp khách bằng một tấm màn che trắng mỏng. Một buổi sáng, ông vừa thắp xong nén nhang và thay hai bình hoa huệ đã tàn trên bàn thờ của bà, người em kề bà Tiến Đạt phanh két chiếc Dream trước nhà. Từ ngoài cửa, y đã tỏ vẻ bực dọc bằng câu nói giận dữ thay cho chào hỏi: - Anh làm thế là không được. Tại sao anh viết đơn bãi nại cho tay Hải mà không bàn qua với gia đình? - Cậu cứ ngồi xuống đây đã nào. - Giọng ông Tiến Đạt từ tốn. - Cậu hãy cho tôi hỏi: nếu tôi viết đơn kiện anh Hải, có đề nghị bắn bỏ anh Hải để thế mạng cho chị, phỏng có ích gì? Chị cậu có sống lại không? Huống hồ việc này xảy ra lại không phải do anh Hải. Anh Hải chỉ là người chịu trách nhiệm liên đới. - Anh mụ mị đi rồi. Đây, bản photo lá đơn anh gửi sang Viện kiểm sát, bác Tư vừa đưa lại cho em đêm qua đây này. Có phải lời lẽ của anh không? Có phải chữ ký của anh không? Ông Tiến Đạt bình tĩnh: - Vâng, tôi viết. Người em trai của bà Tiến Đạt đập mạnh tay lên bàn, làm nước trong mấy chén trà tung tóe trên sàn nhà, nức lên thảm thiết: - Người ta giết chị tôi, giờ anh lại giết thêm lần nữa. Y gục đầu lên thành ghế khóc thành tiếng ô hô, ai oán. Ông Tiến Đạt vẫn ngồi trân trân, để cho người em vợ lồng lộn trong cơn đau mất người chị gái và nỗi tức giận người anh rể vô tâm. Hai tình cảm buồn giận xảy ra cùng lúc trong một con người, làm y trở nên đờ đẫn, mặt nghệch đi, nước mắt chảy ròng ròng làm ướt cả ngực áo sơ mi. Y lần từng bước đến trước bàn thờ, nước mắt vẫn lưng tròng, tay run run châm lửa vào nén hương, lạy mấy lạy trước ảnh bà Tiến Đạt: - Chị ơi là chị ơi...! Hai đứa bé Thủy Ly, Thủy Tiên đang chơi trên lầu, nghe tiếng khóc vội chạy xuống, đứng nép vào người bố. Ông Tiến Đạt hai môi cắn chặt, bước tới đỡ người em vợ ngồi xuống: - Cậu từ từ rồi tôi sẽ tính. Y vẫn mếu máo, giọng hơi dịu xuống: - Chị tôi chết cỏ đã xanh mồ mà giờ anh bảo từ từ để tính. Tôi xin nói với anh, tính mạng của chị tôi không thể tính bằng tiền. Trăm triệu, trăm tỉ cũng không mua nổi. Xin nhớ cho như vậy. Họ hàng nhà tôi không cần tiền, chúng tôi cần người... Giọng y cao dần, khuôn mặt bừng đỏ, hai mắt long sòng sọc như lửa, càng nói giọng y càng to, càng dữ tợn. ông Tiến Đạt luống cuống. Kỳ thực qua Thu Hồng, ông được biết gia đình ông Vũ Thịnh sẽ bù đắp cho sự mất mát của ông ba mươi triệu. Đó không phải là cái giá cho một con người, bởi ông biết bên gia đình vợ ông rất khá giả. Ông cũng biết, ông Vũ Thịnh là một trí thức thanh bạch, sống chủ yếu dựa vào đồng lương, khoản tiền đó là một khoản tiền lớn, có lẽ ông đã chắt bóp, dành dụm gần suốt cả đời người. Vì thế, khi Thu Hồng đưa ra ý định của ông Vũ Thịnh về việc ông muốn đóng góp cho việc mất mát này, ông Tiến Đạt lúc đầu gạt đi. Ông bảo, không ai ngờ được rủi ro, không ai muốn giết người. Nay sự việc đã tang thương như vậy, hãy để cho hương hồn bà Tiến Đạt đừng bị khuấy đảo. Ông cảm ơn ông Vũ Thịnh và xin không nhận khoản tiền đó. Thu Hồng phải phân tích, khoản tiền đó chỉ là một phần nhỏ góp vào việc nuôi hai cháu Thủy Ly, Thủy Tiên khôn lớn. Đó cũng là thành tâm của ông Vũ Thịnh trước những lỗi lầm của con trai mình. Ông Tiến Đạt vẫn từ tốn với người em vợ: - Tôi xin cậu bình tĩnh, đừng làm tôi rối ruột. Vừa rồi ông Vũ Thịnh có nhã ý đóng góp một khoản tiền để nuôi hai cháu. Tôi cũng không phải vì món tiền ấy mà viết đơn bãi nại. Tôi muốn, khi một người đã mất đi, không nên làm cho người khác chết theo và càng không nên làm cho họ chết dần chết mòn bằng sự trả đũa của người khác. Không phải cứ sát nhân giả tử. Họ có tội phải cho họ một cơ may chuộc tội. Đằng này, anh Hải đang là ân nhân của tôi. Tôi không thể làm khác được! Người em vợ sau một cơn xúc động đã dịu đi nhưng vẫn còn cay cú nhìn chằm chằm vào mặt ông Tiến Đạt: - Anh nhu nhược lắm. Nói thật, cái tay Hải ấy nếu anh không kiện cho tróc vẩy người khác cũng sẽ kiện. Phải trừ khử những kẻ sát nhân ấy đi, anh hiểu chưa? Y vừa nói vừa bước vội ra khỏi nhà ông Tiến Đạt. Vũ Hải ăn mặc xộc xệch, quần jean áo pull đã cũ dừng lại trước nhà bà Hoàng Cúc. Ngôi nhà im lìm, cánh cửa sắt chỉ hé mở một khong nhỏ, mỗi khi có người vào ra phải đẩy. Vũ Hải đưa tay đẩy cửa, nghiêng người lách vào nhà, đã thấy bà Hoàng Cúc bước ra trong bộ đồ xoàng xĩnh, môi tái nhợt, da mặt mốc thếch loang lổ chỗ nâu chỗ trắng vì không son phấn. Giọng bà hơi buồn xen vẻ chua ngoa: - Mấy hôm cô cháu tôi lên nhà sếp, sếp đều đi vắng. Nghe nói ổn rồi, phải không? Vũ Hi mệt mỏi gieo mình xuống ghế: - ổn thể nào mà ổn. Cảnh cáo toàn bệnh viện, thông báo toàn ngành, đề nghị lên Sở rút giấy phép hành nghề. Đây chị xem đi. Bà Hoàng Cúc tìm chiếc kính lão, mở tờ giấy gấp tư từ tay Vũ Hải, xem xong, lắc đầu: - Hỏng hết việc. Quay một trăm tám mươi độ. Hôm nọ tôi đến nhà ông Tiến Đạt thắp cho bà ấy nén nhang, ông ấy đã làm đơn bãi nại cho bác sĩ. Tôi lên Viện kiểm sát, họ nói người nhà nạn nhân không có ý kiến gì, pháp luật cũng không thể can thiệp. Cái bà Tú Vân quyền gì mà dám qua mặt các cơ quan pháp luật. Để tôi kiện cho biết tay. Không phải cậy quyền muốn làm gì thì làm. Vũ Hải cúi đầu xuống, hai tay chống cằm, buồn bã nói: - Sự đã rồi, chị làm ầm lên lần nữa làm gì? Hội đồng kỷ luật đã họp, tôi đã đọc bản kiểm điểm nhận hết trách nhiệm về mình. Chị có liên lụy gì đâu mà sợ? Bà Hoàng Cúc cười nhạt: - Bác sĩ nói lạ. Sao tôi lại không liên lụy. Bác sĩ bị rút giấy phép hành nghề, phòng mạch này đóng cửa, tôi lấy tiền đâu mà trả nợ cho bố con Hạnh? Giọng bà run run rồi im lặng. Bà thở dài rồi đột nhiên ôm mặt khóc: - Trời ơi, bác sĩ giết tôi rồi! Bích Hạnh nghe tiếng khóc, từ trên lầu hai lững thững đi xuống. Cô cũng không phấn son, tóc không chải, cúi đầu chào Vũ Hải bằng giọng khô khan pha chút đay nghiến và vô lễ: - Số tiền hai trăm cây để mua ngôi nhà này một phần là của bố em, một phần của ngân hàng nhờ thế chấp ngôi nhà bố mẹ em đang ở. Lẽ ra, khi bệnh viện bắt anh viết kiểm điểm, anh phải kiên quyết từ chối. Anh làm một việc mà chẳng tính thiệt hơn gì cả. Bây giờ thì mất cả chì lẫn chài, gỡ làm sao được. Lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng? Em nói cho anh biết, anh cứ cho mình tài giỏi nhưng trong trường hợp này... sao anh kém thông minh thế? Bà Hoàng Cúc đã lau khô nước mắt đệm vào: - Đúng, trong trường hợp này, bác sĩ đã không nghĩ đến cái hậu. Lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng?... Vũ Hải trả lời thẳng thắn: - Theo chị, tôi không có lỗi à? Tôi chưa ngồi nói chuyện với chị, tại sao chị lại liều lĩnh giữ bệnh nhân lại? Cái chết này do chị trực tiếp gây nên. Nhưng chị vô tội, bao nhiêu lỗi lầm trút lên đầu tôi. Trăm dâu đổ đầu tằm! Bà Hoàng Cúc mỉa mai: - Vâng, bệnh nhân chết là do tôi. Nhưng bác sĩ chả quy ước với tôi, có bệnh nhân nặng cứ gọi điện thoại. Tôi gọi năm lần bảy lượt mà không gặp được bác sĩ. Vậy lỗi của tôi hay lỗi bác sĩ. Hay lỗi của con cháu nhà tôi đã hút hồn bác sĩ? Vũ Hải khó chịu, nhăn mặt lại trước những lời cay độc của bà Hoàng Cúc. Anh trầm ngâm một lát rồi tiếp: - Thú thật, tôi rất ân hận trong chuyện này. Tôi đã làm khổ bố tôi, làm khổ gia đình ông Tiến Đạt. Bích Hạnh đưa tay kẹp mái tóc đang xõa sau vai, nghiến răng bước lại trước mặt Vũ Hải: - Thế anh không làm khổ bố tôi. Anh không làm khổ tôi? Phòng mạch đóng cửa tôi lấy gì mà nuôi đứa con trong bụng của anh đây...? Nói đến đây, Bích Hạnh lao sang phía bà Hoàng Cúc nấc lên từng đợt: - Cô ơi, con khổ quá...! Bà Hoàng Cúc đưa tay vuốt tóc đứa cháu gái khốn khổ, cười khểnh: - Đẹp mặt chưa! Vũ Hải lạnh lùng: - Em không lo cho đứa con trong bụng. Anh sẽ cưới em, anh sẽ nuôi nó. Bích Hạnh chua chát, nhìn trừng trừng vào mắt Vũ Hải: - Cảm ơn! Cảm ơn ông bác sĩ. Con tôi không thể có một người bố ăn mày. Thưa ông bác sĩ, sẽ không có cưới hỏi gì hết. Tôi sẽ xuống bệnh viện phá bỏ nó đi. Vũ Hải bật dậy, ng ngác: - Sao, Em vừa nói gì...? - Tôi sẽ phá thai và không làm đám cưới với anh. Bà Hoàng Cúc: - Phải, nó không muốn gắn đời nó vào bác sĩ nữa. Vũ Hải chợt hiểu ra, bước giật lùi ra phía sau chiếc ghế, nói như phân bua: - Nhưng đây là thất bại tạm thôi. Chẳng lẽ chúng ta không làm lại được? Bà Hoàng Cúc vẫn lạnh lùng: - Biết bao giờ mới làm lại được. Cháu tôi cũng có lứa có thì, nó không chịu được dài lâu cảnh nợ nần, túng bấn. Vũ Hải bừng tỉnh: - Thì ra các người cùng một duộc. Tôi đã quá ngây thơ, quá tin tưởng vào các người. - Vâng, chúng tôi cũng quá tin tưởng vào bác sĩ. Hừ, tin đến nỗi mất cả cơ nghiệp, chút nữa mất luôn đứa cháu. Nhưng tôi cũng thông báo để bác sĩ biết, ân oán trả chưa xong đâu. Bác sĩ về đi. Vũ Hải ném vào mặt cô cháu bà Hoàng Cúc ánh mắt giận dữ, bước nhanh ra khỏi cửa, đập mạnh tấm cửa sắt tạo thành một âm thanh chát chúa. Cuộc nói chuyện giữa Thu Hồng và ông Tiến Đạt đến tận khuya mà vẫn chưa xong. Trước mặt hai người, trên chiếc bàn để ấm chén của bộ salon, một gói giấy và lá thư vẫn còn nguyên chỗ. Thu Hồng đẩy gói giấy về phía ông Tiến Đạt, nhỏ nhẹ thưa: Thưa bác, bác Thịnh nói đáng lẽ bác ấy tự xuống đây thưa chuyện với bác. Thế mới phải đạo. Nhưng bác ấy ốm quá, bác ấy nhờ cháu. Mong bác vui lòng. - Tôi đã nói với cô rồi, bác Thịnh làm tôi khó xử quá. - Vâng, cháu cũng làm việc bác Thịnh ủy nhiệm. Thôi bác nhận đi cho cháu về, khuya rồi. Ông Tiến Đạt chần chừ một lúc: - Lẽ ra, tôi không nhận số tiền này. Nhưng mất thì giờ của cô quá. Thôi, tôi đành nhận số tiền này rồi tôi sẽ trao lại bác Thịnh sau. Cô cho tôi gửi lời thăm và cám ơn bác ấy. Ông Tiến Đạt tiễn Thu Hồng ra về, lúc ấy đã hơn mười giờ đêm. Phố khuya đã ít người qua lại. Tiếng chổi của những người quét rác vang lên trong đêm âm thanh rời rạc, buồn tẻ. Trời rả rích mưa. Gió từ đâu về se lạnh. Thu Hồng đưa một tay cài cổ áo ngực, rùng mình so người trước những hạt mưa quất ngược lên mặt. Bỗng phía sau có một chiếc xe gắn máy vượt lên rú ga rất mạnh, làm tay lái của cô chòng chành. Một chiếc chặn đầu xe làm cô suýt ngã. Chiếc xe khựng lại không thể đi tiếp. Quãng đường đó không phải là quãng đường vắng nhưng là quãng đường có trụ sở các cơ quan làm việc, ngọn đèn đường bị những ngọn cây che khuất. Trong bóng đêm nhập nhoạng, hai tên lạ mặt vẫn ngồi trên xe, đứa ngồi trước giữ tay lái xe Thu Hồng hất hàm hỏi: - Cô là cô Hồng? Thu Hồng không nhìn rõ mặt gã vì đầu gã đội mũ nồi, miệng bịt bằng một tấm băng màu trắng. Thu Hồng không quen bọn người ấy. Hành động ngang ngược đó chỉ có bọn cướp giật mới có. Cô định hô lên. Một tên đi xe sau nhảy xuống, đưa chiếc dao sáng loáng áp sát người cô: - Mày mà kêu lên thì chầu Diêm vương, con ạ! Tiếng một tên khác: - Mày là bồ thằng Hải, con trai ông Thịnh? Thu Hồng bắt đầu hiểu, vội lắc đầu: - Tôi không quen ai tên là Hải. - Láo! Một cái tát trời giáng vào mặt Thu Hồng. Cô nảy đom đóm mắt, vùng vằng định chạy. Lập tức một đứa phía sau lưng bồi thêm một quả đấm. Thu Hồng “hự” lên một tiếng, người chúi về phía trước, máu trong miệng đỏ ngầu chảy ra hai bên mép. Một tên nói nhỏ nhưng giọng rắn và đanh: - Mày thậm thọt nhà ông Thịnh. Chạy như con thoi đến nhà ông Tiến Đạt. Mày tưởng mày làm gì mà tụi tao không biết. Tao cho mày đòn cảnh cáo đầu tiên. Ê, anh em! Xoạc một tiếng, thân áo trước của Thu Hồng đứt hết cúc, chỉ còn lại chiếc áo lót bên trong. Một thằng đưa chiếc dao luồn phía dưới, cắt đứt chiếc áo lót. Thu Hồng nhổ một bãi nước bọt lẫn máu vào mặt hắn, hét lên: - Đồ khốn nạn! Hắn dí mũi dao lên ngực cô. Hai tay cô bị một thằng phía sau giữ lại, Thu Hồng dùng chân đạp vào hạ bộ làm hắn ngã loạng choạng xuống đường. - Láo. Tao không có thì giờ để làm thịt mày. Nghe tao luận tội: ai xui ông Tiến Đạt gửi đơn tố cáo bác sĩ Hải lên bệnh viện để làm hại bác sĩ Hải? - Tôi không biết. - Láo. Lại thêm một cái tát thôi sơn vào mặt Thu Hồng. - Tuyên án: rạch mặt cảnh cáo. Thi hành lệnh! Một tên giữ chặt tay Thu Hồng, một tay đưa chiếc dao nhọn sáng loáng trước mặt Thu Hồng. Cô gập xuống, hai chân đạp liên tục vào người tên đứng đối diện. Đột nhiên, phía sau có ánh đèn pha ô tô. Tên cầm dao ra lênh: - Rút! Trước lúc đi, hắn còn bồi cho Thu Hồng một quả đấm vào ngực. Cô gục xuống lề đường giãy giụa. Chiếc xe hơi chạy chầm chậm, dừng lại bên chiếc xe gắn máy đổ xuống đường chắn lối. Thu Hồng được nhanh chóng đưa đến bệnh viện.