Đánh máy: canary
Đoạn kết

Chỉ còn vài ngày nữa tôi sẽ từ giã ông bà Oai, từ giã Chương và Tý Việt để trở về Phong Điền với cô tôi. Trước ngày từ biệt tôi chợt thấy bâng khuâng luyến tiếc. Tôi thấy buồn khi phải xa gia đình đã đón nhận tôi một thời gian ngắn. Tôi yêu mến cô tôi vô cùng. Nhưng tôi cũng luyến thương ông bà Oai nữa.
Bà Oai đã bình phục trở lại, có thể đi đứng dễ dàng như trước. Tôi cứ theo sát bên bà không rời nửa bước. Tình cảm giữa tôi với bà ấy nảy nở lúc nào tôi không hay. Có một hấp lực gì lôi cuốn tôi lại với bà.
Một chiều, ông Oai nét mặt nghiêm trọng bước vào phòng khác. Ông nói với tôi;
- Cháu Khánh, bà Tám sắp phải vào một nơi trú ngụ mới và ở lại đó luôn cho đến hết đời bà. Trước khi đi bà yêu cầu được nói chuyện với cháu.
Tôi ngạc nhiên, như tất cả mọi người có mặt trong phòng. Cô tôi phản đối:
- Không được! Có chuyện gì mà bà ấy phải nói riêng với cháu Khánh...
Tôi nhẹ nhàng bảo cô:
- Kìa cô, con không thể từ chối lời bà ấy yêu cầu được...
Bà Oai dàn xếp:
- Thôi được. Nhưng cháu Khánh không tiếp bà ấy một mình. Xin mời bà ấy vào đây trước mặt đông đủ cả mọi người.
Bà Tám được dẫn vào phòng, theo sau có một nữ trợ tá đi kèm.
Tôi cố gắng nở một nụ cười, tiến lên vài bước. Bà Tám như chỉ nhìn thấy có mình tôi:
- Tôi muốn gặp cô để gửi gấm con gái tôi. Nó cùng tuổi với cô, nó lại vô tội. Chỉ vì số phận nó hẩm hiu nên mới có một người cha bê tha hư hỏng và một người mẹ... như tôi. Tội nghiệp, rồi đây tương lai của nó sẽ ra sao?
Tôi lẩm bẩm:
- Còn có ông bà Oai đây săn sóc cho chị ấy...
Bà Tám lắc đầu, thở dài:
- Họ cũng như tôi, lớn tuổi cả rồi. Một ngày kia con Liễu sẽ không còn người bảo trợ nữa... còn cô nếu cô hứa cho một lời...
Tôi đoán biết sự ngạc nhiên quanh tôi. Tất cả đều sửng sốt nhìn bà Tám. Tôi thầm hỏi: Tại sao bà Tám không giao phó trách nhiệm ấy cho các con ông bà Oai mà lại trao cho tôi?
Nhìn ánh mắt sầu não của bà tôi không nỡ làm bà thất vọng. Tôi muốn an ủi bà. Chắc cô tôi sẽ không hẹp lượng đến đỗi cấm tôi được thỉnh thoảng lo cho Liễu. Tôi khẳng khái nói:
- Cháu xin hứa...
Chỉ nghe bấy nhiêu, bà Tám đã quay đi. Không thèm nhìn lại, bà nói:
- Cám ơn cháu Phương!
Mọi người, ngồi phía sau tôi, đứng bật cả dậy. Bà Tám điên mất rồi! Bà không nhận ra ai với ai nữa; nói với tôi mà bà nhầm với... người khác.
Tôi đuổi theo bà tới ngưỡng cửa:
- Khoan đã, bà nhầm rồi. Tôi có phải là Phương đâu!
Bà Tám quay lại:
- Vậy chớ cô là ai?
Tôi toan nói: "Tôi là Nguyễn Bảo Khánh"... Nhưng tôi bỗng chợt nhớ rằng cái tên quen gọi từ trước đến nay của tôi chưa phải là tên thật. Tôi ấp úng:
- Tôi... không biết tôi là ai nữa!
Bà Tám nhắc lại, giọng gay gắt:
- Cô là Phương - Võ Lan Phương - chớ còn ai vào đây nữa? Tôi chắc thằng Chương cũng biết thế nên nó mới tìm đưa cô về.
Bà thở hắt ra như trút mọi ẩn ức đè nặng trong lòng, tiếp:
- Cháu Phương, cháu đã về đây... thì cô phó thác em Liễu cho cháu; nó là em họ của cháu đó.
Bà Oai tiến đến, khẩn khoản:
- Bà Tám... cô Lan, tôi van cô... cô còn biết những gì... cô nói nốt đi.
- Còn nói gì nữa? Chị hãy nhìn mặt nó... rồi nhìn mặt chị coi.
Bà Oai quay lại phía tôi, và bỗng nhiên tôi nhận ra chúng tôi có cùng một gương mặt, một khoé mắt, một nụ cười. Có khác chăng là những nét phai mờ của năm tháng khổ đau và mái tóc đã điểm sương của bà Oai.
Tôi lao vào vòng tay bà thổn thức:
- Má!
°°°
Tiếp theo là cảnh mừng vui khôn tả.
Bà Tám đã được cô trợ tá dẫn đi.
Tý Việt cười toét, nhe hàm răng sún:
- Sướng quá há! Từ nay em có chị rồi. Nhưng còn...
Em ngưng lại ra vẻ suy nghĩ:
- Không hiểu cái vụ tráo đổi ấy ra sao hả?
- Vụ... tráo đổi nào?
- Thì lúc tàu bị đắm đó! - chúng tôi đã nói đến vụ đắm tầu Bạch Phượng trước mặt em nên em hiểu rõ câu chuyện - chắc là trong lúc nhốn nháo, bà vú Thành đáng lẽ bồng chị lại ẵm nhằm một bé khác. Còn ông thủy thủ thì nhặt được chị.
Chúng tôi nhìn nhau. Có thể như thế được chăng?
Má tôi run giọng nói:
- Đứa bé bà vú Thành ẵm nhầm là Chương, lúc ấy mặc cái áo sợi mầu đỏ. Hiện tôi còn giữa áo ấy.
Cô tôi kêu:
- Cái áo sợi mầu đỏ! Xin chị làm ơn lấy cho tôi coi mau!
Khi cầm cái áo, giọng cô tôi lạc hẳn đi:
- Trời, đúng rồi! Chính tay tôi đã đan cái áo này đây...
Và bà nhảy đến ôm lấy cổ Chương:
- Cháu! Cháu là thằng Cường! Thằng chó Cường của cô đây rồi!
Chương ngẩn ngơ nhắc lại:
- Cháu tên là Cường?
- Ừ, Nguyễn Phú Cường!
°°°
Thêm một điệp khúc vui mừng nữa. Chúng tôi cười, khóc, như điên. Tôi cắn ngón tay xem tôi tỉnh hay mơ, chỉ sợ thực tại này là ảo mộng, và hạnh phúc này rồi tan thành mây khói.
Nhưng không, tôi đang sống thực chứ không mơ.
Chuyện của tôi và của Chương đến đây là kết thúc.
Ba má của Chương nay là ba má của tôi, và cô tôi nay lại là cô của Chương. Mỗi đứa chúng tôi từ nay, mang một tên gọi mới, nhưng đó mới là tên thật của cha sinh mẹ đẻ đặt ra. Hai gia đình chúng tôi trở nên thân thiết vì ba má tôi không thể quên Chương được, và cô tôi dĩ nhiên cũng không thể quên đứa trẻ mà bà đã nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ.
HẾT

Xem Tiếp: ----