Chương 18

Sau khi nghe Thuật bảo cho biết rằng phiên tòa hôm ấy, quan trên đã phạt anh mười tám tháng tù, Tép ôm con từ cổng đề lao về nhà, vừa đi vừa khóc như mưa như gió.
Mười tám tháng tù!... Tép coi mười tám tháng tù của chồng chị bằng mười tám năm.
- Biết bao giờ cho hết mười tám tháng hở trời!...
Một ý nghĩ ghê gớm hơn nữa đột hiện trong óc chị:
- Mà chắc đâu chồng ta sống được tới ngày mãn hạn?
Thực thế, một người như Thuật, hay cả nghĩ, hay buồn một cách ngấm ngầm, làm thế nào sống được với những sầu khổ uất ức nó đầy chứa trong lòng anh. Ấy là chưa kể những cái khổ sở của đời tù mà Tép đã được người ta kể lại cho nghe y như những chuyện dưới âm phủ. Ấy là chưa kể những khi giở trời trái gió, chưa kể những nông nỗi dãi nắng dầm mưa, chưa kể những cái buồn do sự thương vợ nhớ con nó hun đốt lòng người chẳng khác mớ than hồng vùi trong tro trấu.
Như thế thì chồng chị nhất quyết là sẽ không toàn vẹn được cho tới ngày mãn hạn. Chị đau lòng nhớ đến những đám ma tù mà chị đã từng nom thấy khi ra chợ hay ở chợ về.
Người tù chết ở trong nhà pha lúc nào, thân nhân cũng không thể biết ngay được trừ phi đã ăn cánh với bọn ngục lại. Mà, muốn ăn cánh được với bọn này thì phải có nhiều tiền. Vợ chồng chị nghèo khổ, còn hy vọng gì!...
Chị tưởng tượng một hôm trời đất u ám, chồng chị tắt thở trong nhà thương làm phúc. Người ta bỏ thây chồng chị vào một cái săng gỗ gạo mỏng chừng hai phân tây. Người ta đóng ván thiên lại rồi lùa hai cái quang nứa vào hai đầu cho bốn anh tù khác khiêng đi. Một bác quyền khố xanh lẽo đẽo theo sau, thỉnh thoảng lại nhổ nước bọt vì từ chiếc hòm gỗ ọp ẹp kia thoảng ra một mùi gây gây khăn khẳn.
- Tiên sư cha nhà nó!...
Đám ma đi lặng lẽ trên con đường dài, dưới một vòm trời ảm đạm. Không một tiếng kèn, không một tiếng trống, không một tiếng khóc, trừ câu tiên sư cha nhà nó mà bác quyền thỉnh thoảng văng ra.
Một vài người khách đi đường, thấy đám ma tù đi qua, khẽ liếc nhìn với một vẻ ghê tởm:
- Thế là bớt một thằng gian ác!...
Họ nói thế một cách hoan hỉ như đã vô tình nói thay cho tất cả sự công bình ở đời. Họ không bao giờ lại ngờ rằng mình đã phỉ thui cái xác chết của một người cũng lương thiện và có khi lương thiện hơn chính họ. Họ không ngờ đã hắt hủi một linh hồn phải ngậm hờn nuốt tủi mà từ bỏ cuộc đời đầy rẫy những bất công, gian xảo, thâm độc, từ bỏ một lũ đồng loại tham tàn hơn loài hổ lang...
Tép cứ dùng cái tưởng tượng đi theo cái đám ma, tưởng tượng ấy ra tới cánh đồng hoang. Bọn tù hạ chiếc quan tài xuống cỏ, hì hụi đào một cái hố đoạn vùi nông một người bạn cùng chung cảnh ngộ với họ nhưng thảm nỗi họ không biết xót thương...
Nấm mả mới ấy chẳng bao lâu sẽ bị xóa hết dấu dưới lớp cỏ xanh của tạo hóa vô tình. Vợ con không biết đâu mà tìm nữa. Kẻ chết oan thế là đành phải làm một u hồn lưu lạc...
Tép gục đầu bật tiếng khóc. Chị khóc rít lên như muốn xé ngực để cho bao nỗi thống khổ bay tới một đấng thiêng liêng nào đó...
Bỗng, một bàn tay khẽ vỗ lên vai chị.
Tép giật mình, ngẩng trông lên: cai Tứ!
Chẳng khác người đụng phải con rắn, Tép đứng phắt dậy, xuýt đánh rơi con thơ.
- Ông... còn đến đây làm gì?...
Tép muốn gào lên những câu chửi rủa để hả cơn oán hận nhưng Tép chỉ hỏi được một câu như thế.
Cai Tứ ngọt ngào:
- Thôi, chị khóc làm gì nữa! Tôi nghĩ tình cảnh chị, tôi cũng ái ngại lắm nhưng chỉ vì chồng chị hỗn láo quá, không sao tha thứ được! Ai lại dám đánh cả tôi, cả ông chủ, không còn coi người trên ra gì nữa. Mà tôi có làm gì anh ấy cho cam, tôi chỉ vạch đường vẽ lối cho anh ấy đi tới sự giàu có sung sướng mà thôi...
Cai Tứ cứ nói, Tép cứ giương trừng trừng hai mắt nhìn nhưng không thấy gì mà tai chị cũng không nghe rõ gì cả.
- Mẹ kiếp, ở đời này hễ cứ dại là chết. Những quân đã ngu lại còn hay bướng ấy ai mà thương được! Tôi như chị, tôi mặc quách nó, chẳng tội gì mà nghĩ ngợi cho khổ thân. Nói vô phép chị chứ chính chuyên chết cũng ra ma, chẳng bằng cứ tiền cho nhiều, kẻ vâng người dạ cho lắm, ăn cao lương mĩ vị, mặc gấm vóc lụa là cho nó sướng một đời có hơn không. Như chị bây giờ, nếu cứ giữ cái túp nhà rách này, cứ ôm cái thằng nhãi kia thì rồi lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc, khi ốm đau lấy ai hầu hạ xem nom? Tôi lấy làm lạ rằng hai đường lợi hại đã rõ ràng như thế mà chị còn chưa nhận thấy! Vả lại, trước kia chị cũng đã có lần gần gụi với người ta rồi kia mà! Nào có mới lạ gì bảo rằng khó khăn hay ngượng nghịu?...
Tép vẫn im lặng như một pho tượng đá.
Cai Tứ khẩn khoản:
- Thế nào?... Chị thuận chứ? Tôi về nói với ông chủ nhé? Đây, chị hãy cầm tạm chục bạc này mà tiêu.
Tép bỗng hoạt động hẳn lên, dữ dội một cách phi thường. Chị giật phăng lấy tập giấy bạc và ném vào mặt cai Tứ.
- Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì! Bước ngay đi, đồ chó!
Theo bản Lầm than lần đầu 1938, do Tiểu thuyết Thứ Bảy xuất bản.

Hết


Xem Tiếp: ----