Chương 18
Mối tình cao thượng được giải bày
Ông viện sĩ hàn lâm tiến một bước dài

    
ặp môi dày của Lỗ Huynh hếch lên. Bàn tay to đầy lông lá cầm cốc rượu xoay tròn. Vẻ mặt đầy tư lự, nhà sư nói:
- Tôi cũng thế, tôi cũng gặp cô gái ấy một lần. Cô gái đã làm tôi chú ý là vì đời sống của cô ta tương tự đời sống của loài chồn cáo. Vùng ấy có rất nhiều cáo. Ông có rõ câu chuyện về cô gái ấy không? Nó bị người ta đem bán cho một nhà chứa mạt hạng. Ở đấy, ngay lần tiếp khách đầu tiên, nó đã cắn đứt lưỡi một khách làng chơi có tuổi. Chà! Đúng là phản ứng của loài cáo! Hơn nữa, miếng cắn ấy rất có hiệu quả bởi vì sau đó lão kia chết. Còn nó thì nói chung, vì thẹn nên đã nhảy qua cửa sổ trốn biệt vào miếu Cáo Đen, rồi ở lì trong đó.
- Ông gặp cô gái ấy từ bao giờ? – Quan án sát hờ hững hỏi.
- Bao giờ à? Ồ, cũng phải đến một hai năm rồi đấy. Khi đó tôi vừa đến đây được ba ngày và tôi muốn gặp cô gái ấy một tí để hỏi xem cho rõ thực hư về bản chất mối liên hệ giữa một cô gái với loài cáo ra sao? Tôi đến cả thảy hai lần, – nhà sư gật gù xác định, – nhưng lần nào cũng chỉ tới cổng là phải quay về vì ở đó có rất nhiều ma nó kéo đến ám.
Người Đào Huyệt lại rót đầy cốc rượu của mình rồi quay sang nói với quan tri huyện:
- Cô bé vũ nữ đêm qua cũng có một cái mặt cáo, ông Lã ạ. Vết thương của cô ta hiện giờ ra sao rồi?
Quan tri huyện đưa mắt dò hỏi quan án sát. Thấy quan án sát ra hiệu tán thành, ông liền nói với cử toạ:
- Thưa các vị, tối hôm qua vì không muốn làm mọi người phải đau buồn nên tôi đã thông báo với các ngài rằng sự việc xảy ra đối với cô vũ nữ chỉ là một tai nạn rủi ro. Sự thực cô vũ nữ đã bị một kẻ manh tâm giết hại…
- Tôi không tin! – Người Đào Huyệt gắt lên. – Lẽ nào cô ta chết còn nằm đấy mà chúng ta vẫn yên trí uống rượu, nói chuyện…
Thi sĩ triều đình nhìn Dược Lan với vẻ mặt sững sờ.
- Bị giết à? – Ông hỏi lại. – Chính bà chứng kiến việc đó đầu tiên phải không?
Trong lúc nữ thi sĩ gật đầu xác nhận, viện sĩ nói xen vào:
- Đáng lẽ ông phải cho chúng tôi biết ngay, ông Lã ạ! Chúng tôi không dễ dàng để người khác làm mình đau buồn đâu, ông biết không! Và kinh nghiệm phong phú của tôi đối với những công việc hình sự chẳng lẽ không giúp ích gì cho ông sao? Đó, ông thấy chưa, trên vai ông như vậy đã có hai vụ án mạng rồi đấy, ông Lã! Thế ông đã phát hiện được dấu vết gì về vụ cô bé vũ nữ chưa?
Thấy ông bạn đồng nghiệp rụt rè chưa nói, quan án sát trả lời thay:
- Hai vụ giết người có liên quan chặt chẽ với nhau. Về vụ phó bảng Tống, qua việc anh ta tìm hiểu hồ sơ vụ án của bố anh ta, tôi hoàn toàn đồng ý với ông viện sĩ rằng bố anh ta đúng là có tội. Ý nghĩ cho rằng bố mình là vô tội của chàng phó bảng rõ ràng không thực tế. Nhưng ông bạn đồng sự của tôi và tôi đều nghĩ rằng chàng phó bảng cố tìm ra kẻ đã giết hại bố mình không phải động cơ lớn lao, như lòng yêu nước chẳng hạn, mà vì một lý do hết sức thường tình vị kỷ, anh ta muốn biết ai là…
Câu nói của quan án sát bị cắt ngang bởi những tiếng nói như thét của nữ thi sĩ:
- Ô hay, quan án sát! Ông còn chưa chịu chấm dứt những câu chuyện ghê tởm này ư? – Giọng nói của nữ thi sĩ run run. – Kiểu cách này là cái kiểu cách ông định dùng để tiến gần đến con mồi mà không gì có thể ngăn nổi đây!… Ông quên rằng chính tôi đang là bị cáo, và rằng chính tôi cũng là kẻ bị cáo và rằng tôi có thể nhận một cái án tử hình hay sao? Ông nỡ lòng nào…
- Bình tĩnh, Dược Lan! – Viện sĩ ngắt lời nữ thi sĩ. – Không nên lo lắng vô ích! Bà sẽ được xử trắng án. Điều đó không có gì đáng ngờ cả! Các quan toà ở toà án chính quốc là những con những người ưu tú và đều là bạn thân của tôi. Tôi có thể đảm bảo với bà việc xét xử bà sẽ chỉ là một thủ tục mà thôi. Họ sẽ giải quyết rất nhanh chỉ trong chốc lát!
- Nhất định là thế, – thi sĩ triều đình hùa thêm vào.
- Thưa bà, tôi xin cung cấp cho bà nhiều tin hay. – Quan án sát nói tiếp. – Có lúc tôi đã nói với bà về bức thư nặc danh tố giác đại tướng Mạc và lá thư nặc danh tố cáo bà đều do một người có học vấn cao thảo ra. Chúng tôi đã phát hiện và khẳng định đó là do bàn tay của một người và chỉ một người thôi. Sự kiện đó cho phép tôi nhận định về sự việc của bà hoàn toàn khác, thưa bà.
Viện sĩ hàn lâm và thi sĩ triều đình kinh ngạc nhìn quan án sát.
- Ông hãy nói cho chúng tôi nghe rõ về cái chết của cô bé vũ nữ có khuôn mặt giống cáo đi! – Người Đào Huyệt lên tiếng yêu cầu. – Chung quy có phải sự việc đó xảy ra ở gian buồng bên cạnh phòng tiệc…
- Phải. Dĩ nhiên ông cũng đã biết câu chuyện về chiếc “cầu thang bà quận chúa”. Bà quận công, vợ ông hoàng thứ chín đã mượn cái cửa ra vào đằng sau tấm màn che bức tường cuối phòng tiệc để…
Một tiếng động mạnh khiến quan án sát quay người lại: nữ thi sĩ bật dậy làm đổ chiếc ghế.
- Thật là ngu ngốc! – Nữ thi sĩ hét lên, mắt nảy lửa nhìn thẳng vào mặt quan án sát. – Chính ông và cả những lý luận mù mờ của ông nữa! Nhưng ông không thể và cũng không dám nhìn thẳng vào sự thật đâu, dù ông có nổ cả hai con mắt của ông ra! Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều những cuộc cãi vã kiểu này rồi, – nữ thi sĩ nói thêm và đặt mạnh bàn tay lên ngực lấy hơi. – Những cuộc cãi vã kiểu đó đã kéo dài hai tháng này và bây giờ tôi không thể nào chịu được nữa! Tôi kiệt sức rồi! Chính tôi đã giết chết cô vũ nữ! – Nữ thi sĩ nắm tay đấm mạnh xuống bàn thét lên. – Bởi vì cô ta doạ phát giác tôi. Đồ ngu xuẩn! Tôi đã đâm chiếc kéo vào cái cổ dài ngẳng gầy guộc của cô ta và sau đó… tôi đóng kịch với các ông!
Bầu không khí bỗng trở nên im phăng phắc. Nữ thi sĩ nhìn cử toạ bằng đôi mắt bốc lửa. Quan án sát chăm chú nhìn nữ thi sĩ, bối rối.
- Thế là hết… – Quan tri huyện lầm bầm nói một mình.
Nữ thí sĩ nhìn xuống và tiếp tục nói bằng một giọng bình tĩnh hơn:
- Phó bảng Tống là người yêu của tôi. Tôi biết đầu óc anh ta lúc nào cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ bố anh ta đã bị tố cáo sai sự thật. Cô vũ nữ đã nói cho tôi biết việc Tống đến thăm Hoàng Liên. Hoàng Liên là một con bé dở hơi bị đau khổ vì ảo giác tình ái. Con bé ấy đã khoác mảnh vải liệm vào bộ xương người và bảo đó là người yêu của nó. Vì quá đau khổ trong cảnh không cha không mẹ, nó đã tưởng tượng ra chuyện bố nó đến thăm nó. Chính Tiểu Phượng đã nói cho tôi biết. Tiểu Phượng đã không làm cho cô gái kia tỉnh ngộ, trái lại còn dạy cô gái hát những bài hát kỳ quái. Tôi xin nói với các ông, Tiểu Phượng chỉ là một con điếm ranh con bẩn thỉu. Nó chết là đáng đời. Tiểu Phượng đã bắt gặp mối tình giữa tôi với Tống. Đó là lý do vì sao cô ta muốn phát giác tôi. Tôi đã nhận ra ý đồ của cô ta từ chiều hôm qua. Đáng lẽ cô ta múa điệu “Những đám mây hồng” nhưng khi gặp tôi, cô ta đã cân nhắc vận may rủi, và đổi sang điệu múa “Đoản khúc áo đen”. Mục đích của cô ta là định gián tiếp nói cho tôi biết rằng chính mắt cô ta đã trông thấy Tống từ trong ngôi miếu hoang đi ra.
Nữ thi sĩ tường thuật các sự việc một cách hối hả đến nỗi thỉnh thoảng bà ta phải ngừng nói để lấy hơi. Quan án sát phải cố sắp xếp trong óc câu chuyện lộn xộn bà đang kể. Tất cả các giả thuyết ông vừa dựng lên một cách hết sức cẩn thận đều sụp đổ ngay cả trước khi ông có đủ thì giờ hệ thống nó lại. Có tiếng vũ khí va chạm lách cách. Ba người lính áp giải nghe tiếng ghế đổ và những tiếng thét của nữ thi sĩ, đã tiến lại gần ngôi đình. Người trung sĩ đứng dựa lưng vào một cái cột theo dõi cảnh tượng đang diễn ra với thái độ do dự. Anh ta hầu như không để ý đến các vị khách. Mọi con mắt đều đổ dồn vào nữ thi sĩ. Bà ta đứng thẳng người, hai bàn tay xoè ra úp lên mặt bàn.
- Qua lời nói của Tống, cô vũ nữ biết được những điều bí mật gì? – Cuối cùng quan án sát hỏi bằng một giọng mà chính ông cũng không nhận ra được tiếng nói của mình.
Nữ thi sĩ quay người lại ra hiệu cho người trung sĩ:
- Lại gần đây, ông trung sĩ! Ông đã cư xử đúng mực với tôi. Ông có quyền nghe câu chuyện này!
Người trung sĩ nhìn quan án sát với một vẻ ngượng nghịu và tiến lại gần chiếc bàn, nữ thi sĩ nói tiếp:
- Tống là tình nhân của tôi, nhưng tôi không đợi đến lúc anh ta chán ngấy mình nên quyết định từ giã anh ta trước. Tôi đã từ giã anh ta vào mùa thu năm ngoái. Cách đây sáu tuần lễ, anh ta đến vùng hồ vài ngày để thăm tôi và cầu mong tôi chắp nối lại mối tình xưa. Tôi từ chối. Tôi đã chán ngấy các ông nhân tình, chán đến mức ghét cay ghét đắng đàn ông! Tôi chỉ còn một vài cô bạn gái quây quần bên nhau. Tôi muốn các bạn gái của tôi phải biết giữ gìn phẩm giá. Vì thế khi biết đứa hầu gái của tôi tằng tịu với một anh làm thuê, tôi liền đuổi nó đi. Ít lâu sau nó trở về vào một buổi tối, tưởng tôi đã ra khỏi nhà đi dạo sau bữa cơm chiều. Tôi bắt được quả tang lúc nó đang lục lọi hòm nữ trang của tôi.
Dược Lan ngừng một lát, đưa tay lên vén món tóc xoã xuống mặt.
- Tôi chỉ muốn dạy cho nó một bài học, nhưng thế là… thế là không phải tôi đang đánh nó, mà mỗi làn roi quất xuống như đang quất vào chính con người tôi. Tôi trút tất cả cơn giận dữ vào sự điên rồ lố lăng và hoang tưởng trước kia của tôi! Khi tĩnh trí trở lại và hiểu được những gì mình đang làm thì ôi thôi, con bé đã nằm bất động trên mặt đất! Tôi vội kéo xác nó ra ngoài vườn, nhưng vừa tới cửa thì Tống đến! Anh ta lặng lẽ giúp tôi, không nói nửa lời, mang xác đứa hầu gái ra vùi dưới gốc cây anh đào. Sau đó, anh ta bảo cả hai chúng tôi đều cam kết giữ kín sự việc. Tôi không đồng ý và nói với anh ta rằng anh ta đã hành động đồng loã với một kẻ giết người, vậy thì tốt nhất anh ta nên trốn đi. Thế là anh ta trốn. Tôi nghĩ phải bảo vệ mình nên đã phá khoá cổng vườn và mang hai cây đèn chôn xuống đất, chỗ dưới bàn thờ.
Nữ thi sĩ trút một hơi thở dài. Một lần nữa bà lại quay về phía người trung sĩ, nói với anh ta bằng một giọng hết sức dịu dàng:
- Tôi thành thật xin lỗi ông. Khi từ nhà trọ lên, tôi đã nhìn thấy ông kín đáo canh gác tôi ở bên ngoài. Việc đó xảy ra cách đây ba hôm, khi tôi đến nhà ông thợ kim hoàn. Tôi đã ngã vào lòng Tống. Anh ta thủ thỉ bên tai tôi rằng nếu lá thư nặc danh của anh ta không đủ sức để đưa tôi lên giá treo cổ thì anh ta sẽ tìm cách khác hiệu quả hơn. Nhưng trước đó có thể tôi đã muốn nói chuyện với anh ta một chút về mọi vấn đề giữa hai chúng tôi. Tôi hứa sẽ lại lên đến với anh ta vào lúc nửa đêm. Xin ông đừng khinh tôi, ông trung sĩ ạ. Ông đã cẩn thận bố trí một người canh gác ngay trước cửa buồng ngủ của tôi. Nhưng tôi vẫn ra khỏi tửu quán một cách êm thấm và đi thẳng đến nhà Tống. Anh ta vừa mở cửa, tôi giết anh ta ngay tại chỗ bằng một chiếc lưỡi cưa lượm nhặt ở đống rác gần lối đi. Đấy, tất cả chỉ có thế!
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc, – người trung sĩ vừa nói vừa thản nhiên tháo sợi dây xích quấn quanh bụng anh ta.
- Thì ra tài ứng khẩu vẫn là ngón sở trường của nhà mi! – Câu nói to bật ra từ miệng một người.
Đó là ông viện sĩ Viện hàn lâm! Ông ta vụt đứng dậy, xô chiếc ghế ra phía sau. Ánh sáng của những ngọn đèn lồng treo trên các thanh rui rọi vào hình dáng bệ vệ của ông viện sĩ làm hằn lên gương mặt đanh lại với một vẻ kiêu kỳ, câm lặng như băng giá. Ông ta vuốt tà áo thụng cho phẳng phiu rồi chậm rãi tuyên bố:
- Dù sao ta cũng không muốn mình phải mang ơn một con đĩ tầm thường.
Và rõ ràng cũng không vội vã, ông viện sĩ ghé chân bước qua hàng lan can.
Nữ thi sĩ kêu thét lên, trong khi đó quan án sát hốt hoảng lao về phía hàng rào lan can. Viên trung sĩ và Người Đào Huyệt cũng vội chạy đến. Trong bóng tối dày đặc chỉ còn nghe tiếng thác nước réo yếu ớt dưới đáy vực.
Khi quan án sát trở lại chỗ ngồi của mình thì nữ thi sĩ đã thôi không kêu la nữa. Bà ta đứng bên cạnh thi sĩ triều đình gần lan can, mặt đờ đẫn ngây dại. Quan tri huyện nói mấy câu vắn tắt ra lệnh cho viên giám quận. Viên giám quận nhận lệnh xong hấp tấp ra đi.
Cuối cùng, nữ thi sĩ quay lại ngồi xuống bên chiếc bàn và tuyên bố bằng một giọng uể oải:
- Đó là con người duy nhất mà tôi chưa bao giờ yêu đến thế. Xin mọi người hãy cùng uống chung một chén rượu. Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ phải chia tay mỗi người mỗi ngả. Kìa, mặt trăng đã lên rồi!
Mọi người ngồi xuống quanh chiếc bàn. Viên trung sĩ lùi lại vài bước đến chỗ cái cột ở xa nhất. Hai người lính dưới quyền cũng đang đứng ở đấy.
- Viên giám quận vừa cho tôi biết, – quan tri huyện nói trong lúc quan án sát rót rượu đầy vào cốc của Dược Lan, – có một con đường mòn dẫn xuống tận đáy vực. Tôi đã cho vài người xuống đó tìm xác. Nhưng chắc chắn chỉ có thể tìm thấy cách đây một hoặc hai dặm về phía hạ lưu vì dòng thác chảy rất mạnh.
Nữ thi sĩ tỳ khuỷu tay lên mặt bàn:
- Dĩ nhiên năm nay, ông ta cho vẽ các kiểu lăng lộng lẫy, dự định sẽ xây một cái đẹp nhất ở quê hương để khi chết sẽ mãi mãi yên nghỉ tại đây. Thế mà, ông ta chết như vậy!…
Nữ thi sĩ vùi mặt vào hai bàn tay. Quan tri huyện và Người Đào Huyệt lặng lẽ nhìn đôi vai của nữ thi sĩ đang run lên thổn thức. Thi sĩ triều đình quay mặt đi, đăm đăm nhìn dãy núi dưới ánh trăng.
- Vâng, đó là người đàn ông duy nhất mà tôi yêu thực sự, – Dược Lan lại nói. – Tôi đã lấy thi sĩ Văn Đồng Dương vì thi sĩ có tấm lòng hào hiệp, đẹp trai và còn một vài đức tính tốt khác nữa. Nhưng Triệu Phan Viên mới là người nằm trong trái tim tôi, trong cơ thể tôi. Năm mười chín tuổi, tôi yêu ông ta. Ông ta chiếm đoạt tôi vụng trộm ở phòng khách, nơi tôi làm việc, bởi vì ông ta nhất định từ chối không chịu chuộc tôi ra. Khi dùng tôi đã chán chê, ông ta bỏ rơi không một lời từ biệt, không thí cho một đồng xu nhỏ. Tôi buộc phải làm điếm để nuôi thân. Vì bỏ trốn nên tên tuổi bị ghi vào sổ đen, tôi không thể xin vào làm việc ở một nơi tử tế. Tôi bị ốm gần đói lả. Ông ta biết nhưng lờ đi. Về sau, Văn Đồng Dương vực tôi dậy, tôi đã nhiều lần tìm cách nối lại với ông ta. Ông ta vẫn xua đuổi tôi như xua đuổi một con chó mắc bệnh truyền nhiễm! Ôi! Ông ta làm tôi đau khổ biết chừng nào! Vậy mà ngọn lửa tình yêu của tôi đối với ông ta vẫn không hề tắt.
Nữ thi sĩ uống một hơi cạn chén rượu và nhìn quan tri huyện với vẻ thương hại.
- Khi ông yêu cầu tôi đến đây dự tiệc, ông Lã ạ, lúc đầu tôi đã từ chối bởi vì tôi không còn muốn gặp ông ta nữa… không còn muốn nghe giọng nói kiêu kỳ tự phụ của ông ta, không còn muốn nhìn thấy… (Nữ thi sĩ so vai). Khi người ta thực sự yêu một người đàn ông, người ta yêu cả những khuyết điểm của người đó. Và rồi cuối cùng tôi lại đến. Đến đây, gặp ông ta là một cực hình nhưng tôi thấy sung sướng… Tôi chỉ mất bình tĩnh đôi chút lúc ông ta hạ lệnh cho tôi hoạ một bài thơ về cuộc “họp mặt vui vẻ” của chúng ta. Tôi đã xin lỗi ông về bài thơ ấy. Rốt cuộc tôi chỉ là một người, một đối tượng độc nhất để ông ta phô bày đủ thứ tội ác của ông ta. Và ông ta bao giờ cũng tự khẳng định mình là nhân vật vĩ đại nhất và bao giờ cũng cho chỉ riêng mình có quyền sống tự do hoàn toàn theo sở thích cá nhân. Vâng, chính Triệu đã ngoại tình với nàng hầu của đại tướng Mạc. Khi ông đại tướng biết sự việc, Triệu đã nhanh chân tố giác ông ấy. Chính Triệu đã can dự vào âm mưu làm phản nhưng ông ta đã kịp hiểu ra và đã quay lưng lại với những người mà trước đó ông ta đã theo họ. Cũng vì thế, ông ta biết hầu hết những người đồng loã với ông hoàng thứ chín! Quan ngự sử đã ngỏ lời khen ngợi Triệu về những lời khuyến cáo chính xác! Triệu thường nhắc lại chuyện đó với tôi một cách khoái trá. Ông đại tướng không nêu được tên Triệu ra trước vành móng ngựa là vì ông không có chứng cớ về sự tham dự của Triệu vào âm mưu phản loạn. Còn câu chuyện ngoại tình, nếu đại tướng nêu ra cũng chẳng ích gì, trái lại chỉ làm Triệu thêm hãnh diện. Hơn nữa, người hầu thiếp đã treo cổ tự sát thì ông đại tướng làm sao chứng minh được việc đó. Triệu thích nhắc lại với tôi câu chuyện cũ ấy… Mùa xuân năm ngoái, ông ta đến đền Bạch Hạc thăm tôi. Sở dĩ ông ta tìm đến thăm tôi là vì trên đời này chẳng còn gì làm ông ta vui bằng tìm tới những số phận rủi ro do chính ông ta tạo ra. Cũng vì thế, Triệu rất tha thiết với việc đến thăm người con gái không hợp pháp của ông ta ở miếu hoang. Mỗi lần đến thăm con gái là một lần ông ta phải nán lại Tần Hoài ít ngày. Ông ta nói con gái ông ta đang sống trong một cuộc sống kỳ diệu giữa người tình chung thuỷ và đàn cáo của nó!
Ngoài chuyện đó ra, những điều tôi nói về cái chết của đứa hầu gái đều là sự thật nghiêm chỉnh, duy có điều không phải là Tống, mà là Triệu! Triệu đã giúp tôi vùi xác đứa hầu gái dưới gốc cây anh đào. Còn đối với anh chàng phó bảng, tôi chưa hề được nhìn thấy anh chàng khốn khổ ấy bao giờ. Triệu chỉ mới nói chuyện về anh ta với tôi ngày hôm qua. Cô gái Hoàng Liên tội nghiệp đã nói với ông ta tất cả những điều nó biết về Tống. Ông ta liền đến nhà Tống lúc nửa đêm, gõ cổng vườn sau nhà nói là mang những tin tức về đại tướng Mạc đến cho Tống. Chàng thư sinh ra mở cửa mời khách vào nhà và lập tức bị ông ta giết bằng một chiếc cưa lượn ông ta nhặt ở đống rác gần cổng vườn. Triệu nói với tôi đêm hôm ấy trong người có giắt theo một con dao găm, nhưng ông ta bao giờ cũng thích dùng một thứ vũ khí gì đó lấy tại chỗ. Đó cũng là lý do vì sao ông ta giết cô vũ nữ bằng cái kéo. Triệu chỉ sợ Tống tìm ra những chứng cớ về việc ông ta ngoại tình với mẹ anh, những thư từ tài liệu chẳng hạn, nên ông đã bới tung căn nhà Tống ở, nhưng không tìm được gì cả. Ông làm ơn rót dùm tôi một ly rượu nữa, Lỗ Huynh!
Lần này, nữ thi sĩ uống cạn chén rượu rồi kể tiếp:
- Chả cần phải nói với các ông việc Triệu đã giúp tôi chôn đứa hầu gái như thế nào, tôi chỉ nói rằng tôi đã không đề nghị ông ta trốn đi. Ngược lại, tôi quỳ xuống cầu khẩn ông ta. Tôi van xin ông ta ở lại, tôi nài nỉ ông ta nối lại quan hệ! Ông ta thản nhiên trả lời rằng ông ta rất tiếc không được xem tôi đánh đứa hầu gái. Nhưng vẫn thấy có nhiệm vụ phải tố cáo tôi với các nhà chức trách. Nói xong, ông ta cười ha hả, bỏ đi! Tôi biết nhất định Triệu sẽ làm việc đó, vì thế đã tạo ra những dấu vết giả để làm lạc hướng cuộc điều tra. Sau khi tôi được tin có thư nặc danh tố giác mình, tôi biết ngay là Triệu đã viết nó, bởi ông ta chỉ muốn tôi chết! Ông ta đã nhìn thấu tâm trạng quỵ luỵ đê hèn và cung cách lố lăng của tôi đối với ông ta. Ông ta cầm chắc tôi không bao giờ có tâm địa làm hại thanh danh của ông ta và cho rằng tôi đã chán đời, chỉ muốn chết.
Dược Lan lắc đầu mệt mỏi, tay trỏ vào cột đình:
- Các ông thấy đấy, tôi yêu ông Triệu biết chừng nào! Tôi đã làm bài thơ kia để thổ lộ tâm trạng đau khổ thầm kín của riêng mình trong khi tất cả mọi người vẫn đông đủ. Ông án sát! – Nữ thi sĩ nhìn xoáy vào quan án sát nói tiếp. – khi những mắt lưới khắc nghiệt của ông thít dần lại, chính là lúc tôi đang bị ông bóp đến nghẹt thở và đó là lý do buộc tôi phải nói. Tôi đã sắp đặt lại tất cả các tình tiết của sự việc mà tôi biết rõ, cốt làm sao cứu vãn được ông ta. Thế mà… Chắc ông nghe rõ câu cuối cùng của ông ta…
Nữ thi sĩ đặt cốc xuống bàn, đứng lên sửa lại mái tóc bằng mấy động tác nhanh và khéo léo.
- Giờ đây Triệu đã chết, – nữ thi sĩ nói tiếp với một vẻ dửng dưng. – Dĩ nhiên tôi có thể đổ tội cho ông ta, tôi có thể tố cáo ông ta đã đánh chết đứa hầu gái của tôi và nhất định ông ta sẽ gánh thêm tội đó. Thế nhưng ông ta chết, tôi còn tìm lối sống để làm gì! Tôi có thể nhảy xuống vực mà chết theo ông ta. Nhưng nếu làm như thế thì sẽ liên luỵ đến ông trung sĩ. Ông trung sĩ sẽ phải lấy mạng sống của mình mà thế vào tội sơ suất của ông ấy! Hơn nữa, tôi có cách xử sự riêng và tôi tự hào về cách xử sự của mình. Nếu như bản thân tôi có rất nhiều điều để tự trách mình thì ít ra tôi cũng còn có điều để khoe rằng mình không bao giờ tỏ ra hèn nhát! Tôi đã đánh chết đứa hầu gái và sẽ nhận phạt xứng đáng với tội lỗi của mình. Ông Trương! – Nữ thi sĩ cười yếu ớt nói với thi sĩ triều đình. – Được gặp ông, tôi coi như một đặc ân. Đối với Lỗ Huynh tôi cảm phục ông bởi vì giờ đây tôi đã có thể thấu hiểu những sự khôn ngoan đúng mực của ông… Còn ông Lã, tôi hết sức biết ơn về mối tình bạn thuỷ chung bền vững mà ông dành cho tôi… Quan án sát ạ, tôi rất lấy làm ân hận vì lúc nãy đã nói với ông những lời gay gắt. Mối tình giữa tôi và Triệu sớm muộn sẽ bị lên án và thực tế nó đã kết thúc một cách bi thảm! Về phía ông, ông chỉ làm theo bổn phận. Tất cả đều để cho ngày mai được tốt đẹp hơn. Từ ngày ông Triệu về hưu, hoàn toàn không bị ràng buộc với công việc, ông ta vẫn ấp ủ những dự kiến quỷ quái để tiếp tục lối sống hưởng thụ và tiêu khiển của ông ta. Đời tôi thế là hết. Xin vĩnh biệt!
Dược Lan quay về phía người trung sĩ, đưa tay cho anh ta xích và bước đi cùng với hai người lính áp giải.
Thi sĩ triều đình mặt tái mét, ngồi xếp chân vòng tròn trên ghế, đưa tay xoa trán, miệng thì thầm:
- Chỉ mới nghĩ rằng mình đang thực sự sống trong cơn ác mộng của sự từng trải, tôi đã bị chứng đau nửa đầu kéo đến hành hạ kinh khủng! Chao ôi, ngao ngán quá! Thôi, chúng ta quay về thành phố đi, ông Lã ạ! – Thi sĩ triều đình nói thêm và hấp tấp đứng lên. – Ông Lã, thế là sự nghiệp của ông đã được củng cố! – Thi sĩ nói câu kết luận với một nụ cười yếu ớt. – Vinh dự lớn nhất đang chờ đón ông! Ông sẽ…
- Vâng, tôi biết lắm! Biết rất rõ lúc này cái gì đang chờ tôi. Đó là ngồi vào bàn giấy, thức thâu đêm viết bản tường trình! Bây giờ ông cứ lên kiệu mà về trước đi. Tôi chỉ thoáng một cái là theo kịp ông ngay.
Chờ cho thi sĩ triều đình đi khỏi, quan tri huyện mới quay sang nhìn quan án sát hồi lâu, ấp úng nói:
- Thật… Thật khủng khiếp, ông Địch ạ! Cô… Cô ta…
Giọng quan tri huyện lạc hẳn đi. Quan án sát nhẹ nhàng đặt tay lên vai người bạn đồng liêu:
- Ông có thể viết nốt bản tiểu sử của nữ thi sĩ được rồi đấy, bằng cách nhắc lại nguyên văn tất cả những gì bà ta vừa nói. Còn cái việc ông dự kiến xuất bản những tác phẩm thơ của bà ta hoàn toàn là một việc làm trọn tình trọn nghĩa. Qua những tác phẩm đó, tên tuổi bà ta sẽ sống mãi với thời gian. Bây giờ ông nên về cho kịp ông Trương, tôi còn muốn ngồi lại đây một lát, ông Lã ạ. Tôi cần bình tĩnh suy nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra. Ông bảo các nhân viên toà án của ông hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, tôi sẽ về sớm để giúp ông viết bản tường trình.
Quan án sát nhìn quan tri huyện đi xa dần. Sau đó ông quay lại nói với Người Đào Huyệt:
- Còn ông, ông sẽ làm gì hả Người Đào Huyệt?
- Tôi sẽ ngồi đây với ông, ông Địch ạ. Chúng ta hãy kéo ghế sát lan can mà ngồi ngắm mặt trăng lên. Chính vì cảm phục chị Hằng mà tôi với ông có thể ngồi với nhau ở đây, có phải thế không ông Địch?
Hai người cùng ngồi xuống ghế, lưng tựa vào chiếc bàn đã vơi đi một nửa các thức ăn trong bữa tiệc. Dưới mái đình chỉ còn lại hai người. Sau khi quan tri huyện lên kiệu trở về, đám gia nhân đã tụ tập nhau ở gian nàh bếp mới dựng tạm trong rừng đang sôi nổi bàn tán về những sự việc làm họ kinh ngạc vừa xảy ra hồi chập tối.
Quan án sát trầm ngâm nhìn rặng núi trước mặt. Từng ngọn cây nhô trên đỉnh núi đều lộ rõ dưới ánh trăng vằng vặc.
- Ông thích Hoàng Liên à? – quan án sát chợt hỏi. – Tôi lấy làm tiếc đã nói để ông biết cái tin cô gái chết vì bệnh dại chiều nay.
- Tôi biết, – Người Đào Huyệt lắc lư cái đầu đáp. – Trong lúc lặn lội trên những lối mòn đến đây, tôi trông thấy một con cáo đen lần đầu tiên trong đời. Tôi chỉ kịp nhìn thấy tấm thân dài mềm mại của nó và bộ lông đen nhánh thì nó đã biến mất vào trong bụi rậm. Ông có những bằng cớ xác thực về việc ông viện sĩ chứ, ông Địch? – Nhà sư vừa xoa cặp má phính, râu cạo dối, vừa hỏi bằng một giọng rành rọt.
- Tôi không có một mảy may bằng chứng cụ thể nào cả. Nhưng nữ thi sĩ đã đi ngược lại, vì thế mà vô tình bà ta đã làm sáng tỏ tất cả. Nếu bà ta không nói thì có lẽ tôi vẫn tiếp tục mày mò thêm một chút nữa rồi cuối cùng cũng đến phải ôm mớ lý thuyết tù mù của mình mà rút lui thôi! Ông viện sĩ hàn lâm hẳn đã nghiền ngẫm bản thuyết trình hấp dẫn của tôi và biết tỏng rằng nó cũng chỉ đến thế là cùng, không thể tiến xa hơn được nữa. Ông ta thừa biết tôi không có một bằng chứng cụ thể nào trong tay để có thể chống chọi với ông ta. Đó là điều thâm tâm ông ta đã khẳng định. Ông ta nhảy xuống vực không phải vì sợ tiến trình điều tra tư pháp vẫn tiếp diễn sẽ lôi ông ta ra ánh sáng, mà vì ông ta quá kiêu ngạo. Ông ta đã huỷ hoại thân mình chỉ vì biết có một người đã thương hại mình!
- Đây là một tấn thảm kịch kỳ lạ, ông Địch à, – Người Đào Huyệt lắc đầu nhận xét. – Tấn thảm kịch của con người trong đó những con cáo có tham gia đóng góp vai trò của chúng. Nhưng chúng ta đừng xem xét sự vật một cách đơn giản và phiến diện, đóng khung nó trong cái thế giới loài người nhỏ bé của chúng ta. Nhất định còn có những thế giới khác cao hơn cả thế giới chúng ta đang sống, ông Địch à. Đứng về phương diện thế giới loài cáo mà nói, thì đó là một bi kịch của loài cáo, trong đó những con người bất hạnh chỉ đóng vai thứ yếu?
- Có thể ông có lý. Những câu chuyện ấy hình như đã bắt đầu từ bốn mươi năm nay, khi người mẹ của Hoàng Liên còn là một cô gái trẻ trung đã mang một con cáo đen về nhà mình. Cái đó thì tôi không biết rõ lắm… Chỉ biết rằng, – quan án sát duỗi thẳng hai cẳng chân dài nói thêm, – hiện giờ tôi đang mệt lử, tôi thấy bải hoải cả chân tay!
Người Đào Huyệt đưa mắt nhìn quan án sát:
- Tốt nhất ông nên nghỉ ngơi đôi chút, ông Địch ạ. Trước mắt chúng ta còn một đoạn đường nữa phải vượt qua, mỗi người theo mỗi ngả do mình tự lựa chọn… Một đoạn thôi, nhưng dài và gian nan vất vả.
Người Đào Huyệt ngồi chễm chệ trên chiếc ghế tựa, thản nhiên giương cặp mắt nhìn trăng lên.