Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
(Phần thứ hai - I & II & III
CUỐN SÁCH CỦA SỰ CHIẾN THẮNG

     ối với Pierre Pillat, ngày chiến thắng đồng nghĩa với ngày quân đội Sô Viết chiếm đóng Bucarest, lính Nga lục sạo từng nhà một. Dân chúng trốn xuống hầm núp trong vựa thóc hay trốn hết đi chỗ khác. Đàn bà bị hiếp dâm, cửa hiệu bị cướp bóc, dân chúng bị đánh đập ngay ngoài đường phố. 
Pillat cũng cùng hôn thê lẫn trốn. Đó là một người con gái con một bác nông phu và có theo học trung học mấy năm. Nàng chạy trốn theo Pillat và họ cùng chờ những ngày sôi động của chiến thắng qua đi để có thể ló mặt ra ngoài đường. Một tuần sau, Marie và Pillat ra đường thật. Họ đói quá mà vẫn không mua bánh mì được. Trước các tiệm bánh mì, dân chúng sợ hãi nối đuôi nhau chờ mua bánh, nhưng chỉ những kẻ có thẻ kiểm tra hợp lệ mới được mua bánh mì.
Nhiều người sắp hàng trước ủy ban an ninh. Trên tường đã có danh sách dài lòng thòng những người phải trình diện sở cảnh sát. Người ta không chịu đóng dấu trên thẻ của Pillat với lý do «Thẩm phán đoàn trưởng giả không còn hữu hiệu nữa, bây giờ công lý sẽ do các tòa án nhân dân đảm nhiệm».
Pillat chỉ tiếc có một điều là không mua được bánh mì mà thôi. Marie hỏi: 
- Anh không làm gì nên tội, tại sao họ không chịu hợp thức hóa thẻ căn cước của anh?
Pillat xiết chặt tay nàng và muốn rời khỏi sở cảnh sát, nhưng cửa đã đóng chặt. Người ta đẩy chàng vào một phòng bên cạnh, văn phòng chuyên kiểm nhận giấy tờ những ai không được mua thức ăn.
Không khí nặng nề khó thở. Người ta kiếm tên Pillat trong danh sách những chánh trị phạm. Không có. Viên công chức gạch một chéo đỏ trên thẻ của Pillat và trả lại cho chàng. Pillat thì thầm bên tai Marie:
- Ra khỏi đây mình sẽ mua được bánh. Anh sẽ bán đồng hồ. Vừa định bước ra thì người công chức hồi nãy cản lại: 
- Những ai không có nghề nghiệp không có quyền có một căn nhà trong thủ đô. Ông phải dọn nhà ngay, từ đây cho đến 6 giờ chiều và trả chìa khóa cho ủy ban trưng dụng nhà cửa. 
- Vâng, tôi hiểu.
Chàng nói thế bởi vì chàng đang nghĩ rằng từ ngày chiến thắng ai cũng ở dưới hầm. Không ai dám ở trong nhà vì mỗi đêm quân Nga đến lục xét từng nhà. 
Chàng đã định đi ra, nhưng người ban nãy còn dặn thêm: 
- Ông không được mang đi bất cứ vật dụng gì trong nhà. Nếu không ông phạm tội xâm phạm của công.
- Vâng, tôi hiểu.
Chàng nói thế bởi vì chàng biết là nhà chàng đã nhiều lần bị quân Nga cướp bóc, cái gì chưa bị cướp mất thì cũng bị phá hủy. Không còn gì đáng lấy nữa. Chàng nói thế và ngỡ là xong chuyện, không ngờ lại được nghe dặn thêm: 
- Còn một điều này nữa. Những ai không có công việc gì, không có quyền trú ngụ trong một khoảng chừng 60 km chung quanh thủ đô. 
- Vâng, tôi sẽ rời khỏi thủ đô. 
Nói xong, chàng xiết tay Marie và nghĩ rằng chàng phải về quê vợ ở Piatra. 
Nhưng anh chàng nọ vẫn chưa tha:
- Nhờ quân đội Sô Viết, Lỗ Ma Ni đã trở thành một nước xã hội, mọi công dân bị bắt buộc phải làm việc. 
- Vâng, tôi sẽ kiếm việc làm. Tôi biết rõ là trong một nước xã hội chủ nghĩa ai cũng phải làm việc. 
- Chính phủ giúp đỡ mọi công dân tránh nạn thất nghiệp. Đường chéo đó trên căn cước của ông rất lợi hại, bởi nhờ có nó mà mỗi cơ quan công quyền sẽ giúp đỡ ông tránh nạn thất nghiệp, gởi ông vào trong những trung tâm khuếch trương, trong trường hợp ông không kiếm được việc làm. Hiểu được như thế rồi, bây giờ ông có thể rời nơi đây. 
Pillat và Marie bước ra. Sợ bị bắt Pillat bảo: 
- Đi Piatra ngay. Cần phải rời thủ đô càng sớm càng hay. 
Vào lúc đó, một bàn tay đặt lên vai Pillat. Chàng tái mặt. 
- Xin ông đừng sợ. Tôi là Motok đây. Tôi cần nói với ông vài câu thôi.
Thì ra đó là anh chàng làm ở sở hỏa xa độ nọ. Hắn kéo Marie và Pillat ra khỏi đám đông đang sắp hàng trước ủy ban với đói khát và sợ hãi. Daniel Motok mặt một bộ áo quần giản dị, không có cà vạt. Mặt hắn biến đổi hẳn đi, mắt bên phải bị thương. 
- Ngày chiến thắng, tôi bị lũ nhân viên hỏa xa cộng sản bắt giữ và hành hạ cho đến nay. Gặp ông đây để từ giả thật là may mắn. Thôi, tôi đi. 
Pillat muốn cầm tay giữ Motok lại, nhưng hắn đã rút tay lui và quay về phía Marie: 
- Nếu tôi ở lại, họ sẽ giết tôi. Với lại, tôi nói được bốn thứ tiếng thế nào tôi cũng kiếm được việc làm ở Đông Âu. Cầu trời phù hộ cho cô. 
Nói xong, Motok khóc và biến vào đám đông, áo đang còn dính máu và chân không còn mang tất. Khó mà nhận ra hắn nữa, tù tội đã làm hắn thay đổi rất nhiều. 
- Tội nghiệp cho Motok, khó mà có thể nói là chỉ mới 7 ngày sau ngày chiến thắng... 
Trong lúc đó, máy phóng thanh đang loan truyền một bài diễn văn. Pillat cố tìm lại Motok, nhưng hắn đã biến mất. Từng tiếng trên máy phóng thanh dội vào tai Pillat, khó chịu: «Tinka Neva tượng trưng cho nữ anh hùng vô sản. Cho đến năm 60 tuổi, bà vẫn còn bị chủ nhân giam trong bếp không lớn hơn xà lim bao nhiêu thiếu không khí thiếu ánh sáng. Nhưng đến năm 60 tuổi, con người vô sản trong bà sống dậy và sẵn sàng tranh đấu. Bà đã leo lên mái nhà cầm đèn ra hiệu cho máy bay Sô Viết đem lại chiến thắng ngày hôm nay. Bà đã chết ở một nơi cao nhất...»
Pillat bực mình bảo Marie:
 - Đi em. Người Sô Viết muốn giết hết người để thế giới chỉ còn toàn là huyền thoại. Tinka Neva đúng là một người đàn bà can đảm, nhưng không phải là một bà phù thủy dạo chơi ban đêm trên các mái nhà. Đúng là chuyện bịa đặt để người Nga thay thế vào những người đã bị họ giết chết. Marie, thôi đi em.
Vài giờ sau, Marie và Pillat đến ga xe lửa. Họ lo sợ bước lên tàu lửa đi đến vùng núi xứ Moldavie. Hình ảnh Motok theo dõi họ suốt chuyến đi. Trên bến tàu, máy phóng thanh còn tiếp tục kể câu chuyện về Tinka Neva.
Pillat bảo Marie: 
- Tội nghiệp cho Motok thật. May là tụi mình còn một chỗ để ẩn thân. Núp kín trong một góc toa tàu, hai người cầm tay nhau và cùng nghĩ đến Piatra. Đó là một làng nhỏ với chừng một trăm nóc nhà, trong vùng núi Néamtz, quê hương của Marie.

II

 
Sau ngày chiến thắng, Boris Bodnariuk xin được trở lại thực hiện các công tác thay đổi khí hậu và canh tân sa mạc, nhưng hắn không được chấp thuận. Sô Viết đang cần hắn ở Lỗ ma ni để biến quốc gia này thành một nước cộng hòa nhân dân. Đó là một chuyện thật khó khăn, vì chưa có cán bộ, chưa có ai để thi hành mệnh lệnh. 
Boris quyết định đến tận chỗ, đi từ nơi nầy sang nơi khác để lập một nền hành chánh cộng sản. Trước khi rời văn phòng, người nữ thư ký đưa cho hắn một bức thư và bảo hắn: 
- Hình như đây là bức thư của một tu sĩ tên là Angelo, ông ta tự cho là em ruột của đồng chí. Kèm theo thư có cả bức ảnh.
Boris nói như hét: 
- Chúng ta, những người cộng sản, không có anh em ruột. Anh em chúng ta toàn là những công nhân trên khắp thế giới. 
Hắn không thèm nhìn ảnh đứa em mà hắn đã làm mất một mắt hồi ba tuổi. Trong thư Angelo báo tin đã đi tu, ngày đêm vẫn cầu nguyện cho Boris và cảm ơn thượng đế đã để cho Boris sống sót trên trần gian. 
Boris bỏ tấm bản đồ Lỗ ma ni vào túi áo, quấn chặt tấm khăn quàng quanh cổ.
Vài ngày sau đó, do một người địa phương hướng dẫn, Boris đã bước chân lên khu đất ẩm ướt của một làng ở về phía bắc xứ Moldavie. 
- Serghei Severin, làng nầy tên gì nhỉ?
Boris hỏi Severin. Người nầy gốc Nga sinh ở Lỗ ma ni, to lớn khác thường. Trong lúc Boris cố tránh những vũng bùn trên đường thì Severin bước đại lên cả các vũng nước, vũng bùn mà không cần né tránh, như súc vật. 
- Đây là làng Piatra. Severin trả lời thế và để Bodnariuk đi một mình vào trong sân nhà ông lý trưởng. Dân làng đã đợi sẵn ở hai bên đường, người nào người nấy mũ cầm tay, khúm núm lúc Boris đi qua. Hắn khinh khỉnh đi vào ngồi liền trên ghế ở văn phòng viên lý trưởng. Qua khung cửa sổ, hắn nhìn lũ dân làng sắp hàng dưới mưa với cặp mắt căm hờn, bởi theo hắn, giai cấp nông dân là một trở ngại lớn lao cho công cuộc hoàn thành một quốc gia cộng sản. Nhìn lên bức vách, ngổn ngang những tấm hình cắt trên báo. Boris bực dọc nhìn bức hình của thống chế những người Slaves miền Nam, bởi vì hình như vị thống chế thương yêu con chó của ông ta hết mực, mà theo Boris, người cộng sản còn một đam mê nào đó tức là còn hèn yếu. 
  Đám dân làng đã đến ngồi ở các băng ghế trước mặt Boris, e dè nhìn Boris như lũ trẻ chờ đợi trong ngày khai giảng niên học mỗi năm. 
Boris hách dịch ra lệnh: 
- Đưa tôi danh sách dân làng ở đây. 
Hắn mở cuốn sách, ở trang đầu viết: «Piatra, làng của Néamtz, 150 dân. Mấy trang sau ghi tên họ tuổi tác của từng dân làng. Boris hỏi tiếp: 
- Danh sách đã phân loại đâu?
Viên lý trưởng, tóc ướt sũng vì đã đợi Boris dưới mưa, từ từ đứng dậy: 
- Chúng tôi ở đây không có ai ở giai cấp thứ nhất vì không có ai là điền chủ, tư bản cũng như tư sản. Giai cấp nầy thật ra không có trong làng Piatra này. 
Boris có vẻ không bằng lòng. Thông thường đi công tác hắn có thói quen hạ nhục một điền chủ hạng bự trước mặt quần chúng. Sau đó, hắn ra lệnh tịch thu tài sản và chia đều cho nông dân. Cứ theo phương pháp đó, đám dân làng lỏng lẻo tự nhiên bị khích động và cuộc đấu tranh bắt đầu. 
- Vậy thì cho tôi danh sách các người thuộc giai cấp thứ hai vậy. 
Nhưng viên lý trưởng bình tĩnh trả lời:
- Cũng không có ai ở giai cấp đó cả, vì muốn liệt vào hạng đó ít nhất phải có hơn năm sào ruộng. Ở Piatra, không ai có nhiều ruộng đến thế. 
Đám dân làng sung sướng, nghĩ rằng không có ai giàu có, điền chủ. Họ ngờ là Boris sẽ khen ngợi làng Piatra lắm, nhưng Boris đã cố tình moi móc thêm: 
- Những chủ máy xay, chủ quán, những quân cảnh cũ, nghĩa là tất cả những ai đã bóc lột nhân dân dưới chế đó tư bản đều thuộc về hạng thứ hai cả. 
- Viên quân cảnh không còn ở trong làng nữa. Ông ta trốn đi sau ngày chiến thắng. Không có chủ máy xay ở đây vì một lẽ giản dị là làng này không có máy xay, làng chúng tôi nghèo lắm. Chúng tôi phải đi xay bắp và lúa ở làng khác. Cà phê cũng phải mua ở làng bên cạnh. 
Giọng Boris trở nên rắn rỏi, hắn muốn tìm cho ra những kẻ thù của nhân dân: 
- Cho tôi danh sách tay sai của tụi tư bản cũ và các viên lý trưởng hồi trước. 
- Chúng tôi chỉ có một lý trưởng từ hai mươi năm nay, ông ta đã chết và vừa mới chôn cất ba tuần lễ nay. 
Ở sa mạc, Boris đã phải chiến đấu không ngừng để làm sống dậy những tấc đất đã hết màu mỡ. Những công việc của một cán bộ cộng sản trong xứ Lỗ ma ni nầy thật khó hơn nhiều. Cũng như tất cả các làng ở Lỗ ma ni, Piatra là một làng bất động. Sự bất động lại là kẻ thù số một của tiến bộ. Đã từ 3000 năm nay, dân Lỗ ma ni đều như thế. Muốn khích động họ, cán bộ cộng sản phải đâm dao sâu vào tận xương tủy, bởi vì họ cũng cằn cõi như đất ở sa mạc, người ta không thể trồng trọt gì lên trên đó được nữa. Cho nên Boris căm thù nhìn đám dân làng ngồi trước mắt hắn. Hắn lại lật từng trang cuốn sổ phúc trình. Hạng thứ nhất: điền chủ, không có. Hạng thứ hai: nông dân giàu, không có. Tay sai của chế độ trưởng giả, không có. Những kẻ bóc lột nhân dân như chủ đồn điền café, chủ máy xay, quân cảnh, không có. Giáo học, không có. Nạn nhân của cấp trưởng giả, không có. Người đã từng du học sang ngoại quốc, không có. Người có gia đình ở nước ngoài, không có.
Piatra không có một tên nào có thể khích động căm thù và nổi loạn, có thể lôi dân làng ra khỏi sự lờ phờ muôn thuở. Chỉ có một tờ giấy rời ghi: linh mục Thoma Skobai với giữa hai ngoặc đơn ghi chú: mù, 68 tuổi và những người mới đến trú ngụ trong làng, Pierre Pillat, thẩm phán, có vợ, đảng viên đảng cộng sản địa phương.
Boris nhíu mày, thế là hắn bằng lòng. Vì hắn thừa biết chỉ cần một cây diêm là đủ để đốt cháy một căn nhà. Chỉ cần một thủ phạm là đủ đốt cháy cả một làng. Boris lúc đó thật giống như một nhà trinh thám, sau những tuần lễ tìm tòi và những đêm mất ngủ, tìm ra được một dấu tay trên tấm kiếng, trên cái ly hay trên nấm cửa, dấu tay đủ để mang ánh sáng lại cho một vụ án và bắt được kẻ sát nhân.
Hắn nghĩ đến những phương thức hắn đã chị thị cho các vị quận trưởng phải thi hành: lập biên bản tên tuổi và nghề nghiệp mỗi công dân, phân ra từng loại khác nhau, theo dõi và kết tội những giai cấp giàu có, lập phiếu lý lịch và phiếu kết án những ai thuộc vào hai giai cấp đầu.
Bodnariuk đã ra lệnh cho nhân viên phải tìm tòi trong quá khứ mỗi người thuộc thành phần lên án, vì ai cũng có thể phạm một vài lỗi lầm. Điền chủ nào mà cả đời không hề đánh đập một người đầy tớ, gia chủ nào lại không có lần xô ngã một tên đầu bếp, nhà giàu nào mà không có lần lái xe cán phải một con chó của một người nghèo? Tất cả sự kiện đó cần phải được tố cáo để biến chúng thành những căm thù giai cấp. Bất cứ một viên lý trưởng nào cũng có điều bất công lúc xét xử, vị điền chủ nào cũng có thể là một kẻ bóc lột công của các tá điền. Đó là những bất công xã hội. Cũng như mọi linh mục đều là kẻ lợi dụng giai cấp lao động vì họ không có những hoạt động chính trị, sống bám vào sức lực kẻ khác. Tất cả điều đó cần phải được ghi vào biên bản để kết tội những kẻ đã đàn áp bốc lột nhân dân để có thể bỏ tù hay loại trừ họ. Biên bản đó rất cần thiết để khởi động óc tranh đấu giai cấp.
Boris vẫn còn trông thấy qua khung cửa một hàng dài nông dân im lặng chờ hắn như những bức tượng đứng dưới mưa. Bốn tháng trôi qua sau ngày chiến thắng mà hắn vẫn chưa làm được gì cả. Mỗi làng đều như mỗi gia đình. Những cái khối đông đặc đó cần phải cho nổ tung ra, bẻ gãy đi, phân loại đàng hoàng. Boris nghĩ như thế và bảo nhỏ với Serghei Severin:
- Đồng chí cần phải học cách thức phá hoại một làng. Hãy dùng cùng một phương pháp trong các khu phố khác trong quận của đồng chí. Không khó lắm đâu. 
*
Boris Bodnariuk chăm chú nhìn Pillat. Chàng đã cố tiến đến gần lúc hắn vừa bước xuống xe. Chàng chào hắn, nhưng hắn tảng lờ như không biết chàng là ai. 
Ngay cả lúc Pillat ngồi ở hàng đầu trong đám dân làng hắn cũng không thèm để ý đến. Nhưng bỗng hắn nhìn đăm đăm vào Pillat và bảo: 
- Chúng ta hỏi nhỏ cùng học ở trường Hoàng gia Kichinev. Pillat đứng dậy. Bên cạnh chàng là Marie, cha nàng, bác Ion Kostaky. Ông này cảm động và coi bộ hân hạnh ra mặt khi biết thằng rể mình lại là bạn thân của một nhân vật quan trọng.
Pillat muốn nói với Boris rằng cuộc gặp gỡ này làm cho chàng sung sướng lắm, rằng những kỷ niệm tuổi thơ vẫn còn rõ mồn một trong ký ức chàng, nhất là lúc hai đứa vừa mới chia tay ở sân trường với những điếu thuốc chia nhau vào giờ ra chơi, với bức ảnh của người nữ sinh Eddy Thall ở trường quốc gia âm nhạc. Nhung Pillat chỉ nói được:
- Tôi vẫn có ý kiếm cậu từ bấy lâu nay. 
Trong lúc đó Boris thản nhiên cởi áo choàng, đặt khẩu súng lúc xuống bàn. Pillat đợi cho hắn xong xuôi mới giới thiệu: 
- Tôi đã cưới vợ ở Piatra (Marie đứng dậy cúi đầu chào) và đây là ông nhạc của tôi (chàng giới thiệu Ion Kostaky) ông nhạc tôi còn có một căn nhà cho chúng tôi ở. Chúng tôi cũng làm việc đồng áng với nhau...
Tất cả các nông dân có mặt đều vui cười như trong ngày lễ phục sinh vì đúng là một vinh dự khi được nhìn thấy Pillat thân mật nói chuyện với anh chàng Boris lúc nào mặt cũng lạnh như tiền và không ai dám đến gần. Lúc này thì họ không còn sợ hãi gì cả, bằng chứng là Pillat nói chuyện với anh chàng đó rất đàng hoàng. Họ nghĩ là nhờ ở tình bạn thân mật đó mà làng Piatra sẽ nhận được một số tiền cứu trợ cùng cây gỗ sửa lại những cây cầu đã bị hư. Nhưng họ không vui mừng lâu, Boris lên tiếng với Pillat:
- Ông cũng không thoát khỏi luật lệ chung được vì ông đã hành động giống như tất cả lũ trưởng giả phản động. Vào ngày chiến thắng ông đã đến ẩn núp trong làng này. Tôi có bổn phận cảnh cáo ông rằng không có nơi nào dung túng kẻ phản động, trong các làng mạc lại càng không được nữa. Nghĩa là không có nơi nào dung túng kẻ thù của nhân dân nữa cả. 
Dân làng nghểnh dài cổ ra nghe, vẫn có cảm tưởng là họ đã nghe lầm. 
Boris nhìn về phía họ và nói tiếp:
- Tôi chiến đấu cho công lý của dân tộc. Tôi không muốn phản bội giai cấp công nhân, và đây là một bằng chứng. Trước kia tôi là bạn thân của người này, ông ta trở thành một người trí thức trưởng giả và đã phục vụ trong giai cấp tư sản, cho nên bây giờ ông ta phải bị trừng phạt. Điều mà trước kia tôi đã là bạn thân của ông không có một chút gì quan trọng cả, bởi vì tôi không thể nào phản bội cả giai cấp nông dân Lỗ ma ni chỉ vì một người bạn cũ có thời đã từng là một tên bồi bếp cho lũ tư bản. Tôi hứa với các đồng chí là tôi sẽ trục xuất ông ta ra khỏi làng.
Dân làng không ai vỗ tay cả. Họ không muốn có một thứ công lý như vậy. Họ không muốn có gì oan ức xảy đến cho Pillat. Ion Kostaky nắm chặt tay, lên tiếng trước tiên: 
- Rể tôi không phải là người phản động. Nếu ông kết án nó như vậy thì ông lầm to. Tôi biết rõ nó hơn ông. 
Đến lượt viên lý trưởng lên tiếng: 
- Tôi xin báo cáo với đồng chí, Pillat là người đầu tiên ghi tên vào đảng cộng sản, và còn khuyên bảo chúng tôi gia nhập đảng cộng sản nữa. Dĩ nhiên ông ta không phải là người phản động vì ông ta giữ giấy tờ của đảng ở Piatra. Mỗi tối chúng tôi đến họp ở đây và đồng chí Pillat là nguồn hy vọng của toàn thể chúng tôi. 
Boris yên lặng, cái yên lặng nặng nề và đe dọa, đến độ người ta có thể nghe tiếng mưa rơi và tiếng gió thổi cùng với nhịp tim đập trong lồng ngực mọi người. Boris vẫn yên lặng, vì hắn biết rằng sự yên lặng của hắn dày vò đám đông ngay ngô đó và hắn muốn kéo dài sự dày vò đó. Sau cùng hắn sang sảng nói:
- Hỡi các đồng chí, bổn phận của các lãnh tụ đảng là phải tranh đấu để đem lại công lý cho các đồng chí. Chúng tôi biết nhiều hơn các đồng chí. Các đồng chí chỉ là những nông dân khốn khổ vừa mới thoát ách thống trị, chưa biết bảo vệ quyền lợi của mình. Bổn phận đầu tiên của chánh phủ nhân dân là bảo vệ cho các đồng chí. Lũ phản động, mật vụ bị chánh phủ theo dõi thường về ẩn núp các làng mạc như những con chó sói khoác bộ áo lông cừu. Chánh phủ không cho phép lũ vô lại đó đánh lừa nhân dân. Chúng là những con chó sói chứ không phải là những con lừa như đồng chí lầm tưởng. Chúng tôi sẽ lột da chúng ra. Tụi trưởng giả là những con chó sói sinh sống bằng xương máu của nhân dân. Pillat cũng là con chó sói và chánh phủ sẽ giúp các đồng chí chống lại chúng.
Boris đứng dậy. Dân làng yên lặng trong lúc Marie âm thầm khóc. Boris dặn nhỏ Severin: «Hãy qui tụ đám thanh niên lại và thành lập những đội dân quân. Cung cấp vũ khí cho họ. Gieo căm hờn trong lòng họ. Rồi họ sẽ gieo căm hờn trong làng mạc. Không có căm hờn thì không thể nào khích động quần chúng được. Chừng nào đám nông dân chưa biết căm hờn thì ta chưa thể trông cậy họ trong vai trò xây dựng một xã hội cộng sản được. Làng mạc sẽ nằm ngay trong trạng thái cách đây 3000 năm và chiến thắng của Hồng quân không đem lại được gì; cho nên phải gieo căm hờn, đồng chí biết chứ, căm hờn, có phải thế không? Hở Serghei Severin?»

III

Sau cuộc thăm viếng và đe dọa của Boris, dân làng ở Piatra tưởng là sẽ có gì ghê gớm xảy ra sau đó. Nhưng không có gì xảy ra cả. Chỉ có Severin chạy lui tới quanh làng, rồi triệu tập chừng 12 người thanh niên trong làng, cung cấp áo quần và vũ khí, dạy họ bắn súng, diễn thuyết cho họ nghe và chỉ có thế, đời sống vẫn êm đềm trôi qua. 12 người thanh niên đó được cho ở trong một căn nhà cạnh trụ sở phường và nhờ họ mà Severin biết được ai là người thường hay gây gổ với vợ con, ai thường hay đi nhà thơ, ai thường hay ra phố... Nhưng mà đối với dân làng họ cũng chả cần giữ bí mật, Severin có thể biết được hết, với điều kiện là để cho họ yên thân. Mà thật sự là họ được yên thân. Ngay cả Pillat cũng không còn sợ hãi nữa. Chàng nói với cha vợ:
- Ba à, nếu lũ Sô Viết để cho chúng ta yên thân chúng ta không việc gì phải chống lại họ cả. Ngay như thánh Mathieu cũng có nói «con hãy đồng ý với kẻ thù lúc mà họ đang đi cùng đường với con...».
«Chúng ta đang bị bắt buộc phải sống với người Sô Viết vì quân Sô Viết đã chiếm Lỗ ma ni với súng ống của Hoa kỳ có khắc chữ «made in USA», với những viên đạn của Anh quốc và với sự chấp thuận của Giáo Hội La Mã. 52 quốc gia văn minh nhất hoàn cầu đã dẫn quân Nga đến tận làng Piatra, lúc mà quân Nga đã xâm lăng Lỗ ma ni thì tất cả những thánh đường đều rung chuông để ăn mừng biến cố, từ Luân Đôn cho đến Ba Lê, từ Nữu ước cho đến Lisbonne, bởi người ta cho rằng cuộc thánh chiến cho tự do đã hoàn toàn thành công».
Kostaky khạc xuống đất, mỉa mai: 
- Tự do là thế à?
Xong, cả gia đình cùng đến phường dự ngày giỗ của nữ anh hùng Tinka Neva. Cả làng đều phải có mặt. Trước khi an tọa, Kostaky và cả nhà không quên kính cẩn hôn tay đức cha Thomas Skobai. Đức cha tuy mù nhưng vẫn biết tên từng người một. Mặt ngài hướng về phía có treo cờ, nhưng không thấy gì cả. 40 năm về trước, vào đêm phục sinh, có người quên cây đèn cầy cháy dở trong nhà thờ, nên nhà thờ bốc cháy. Cùng với dân làng chữa cháy lúc 3 giờ sáng, cha Thomas Skobai đã bị mù mắt từ đó. Từ đêm phục sinh đó, hình ảnh duy nhất còn lại trong đôi mắt cha là hình ảnh ngôi nhà thờ bốc cháy trên đỉnh đồi. Ngày hôm sau, cha làm lễ trên đống tro tàn còn nóng. Dân làng ra công sửa sang ngôi nhà thờ. Đức Tổng Giám Mục nghe cha Thomas bị mù định tìm người thay thế, nhưng khi biết chuyện, Ngài ôm cha mà hôn và không bao giờ nghĩ đến việc thay thế nữa.
Cha Thomas Skobai nhìn Severin lên sân khấu, nhưng cha chỉ thấy hình ảnh ngôi nhà thờ bị bốc cháy. Severin bắt đầu nói về Tinka Neva bằng giọng Lỗ ma ni mà không đúng lắm. Trong lúc đó thì dân làng vẫn nghĩ đến đồng ruộng của họ, và cha Thomas thì chỉ thấy ngôi nhà thờ đang bốc cháy mà thôi. Severin trở lại vấn đề.
- Lũ chính trị phạm vẫn đang còn ẩn nấu ở Piatra. Chúng ta cần phải tống cổ họ đi ngay. 
Nông dân hoảng hốt không còn nghĩ đến ruộng vườn nhà cửa nữa mà bắt đầu sợ sệt nhìn về phía Pillat. Severin tiếp tục:
- Chúng ta không cần đề cập đến lũ chính trị phạm đã lộ mặt, lũ đó chúng ta bắt lúc nào cũng được. Bây giờ, cuộc tranh đấu của giai cấp thợ thuyền đã thắng, chúng ta cần vạch mặt nạ bọn phản bội đang ẩn náu. Tôi yêu cầu những ai còn là kẻ thù của nhân dân xin đứng dậy ngay. 
Mọi người tái mặt. Không ai nhúc nhích cả. Severin ra lệnh:
- Marie Kostaky, cô đứng dậy ngay cho nhân dân thấy mặt cô. Marie đứng phắt dậy, trong lúc Pillat xiết chặt tay nàng: 
- Tôi không phải là chính trị phạm. 
- Cô đã phạm những tội lớn lao đối với nhân dân nhưng hãy để đấy đã, bây giờ để tôi lột mặt nạ một kẻ thù khác của nhân dân: Ion Kostaky. 
Ion Kostaky đứng dậy, nhưng người ta cũng có thể nói là cả sự căm hờn và khinh bỉ của nhân dân cũng đứng dậy theo với ông ta. Kostaky cắn răng, nắm chặt tay. Ông ta muốn những lời ông sắp nói sẽ như những viên đá giáng vào đầu tên Nga sô đó, đã dám cho ông ta là kẻ thù của nhân dân, trong lúc đó, Severin kết tội:
- Ion Kostaky, trước tòa án nhân dân, tôi tố cáo ông là một tên Phát xít. Trước khi bị treo cổ ông hãy quay đầu lại để mọi người xem thử mặt tên kẻ thù nhân dân giống cái gì. 
Kostaky mất hết cả phản ứng thường lệ. Ông ta chỉ nghiến răng tức giận, dân làng thì nắm chặt tay phẫn uất. Severin cầm một trang giấy và đọc: 
Ngày 14-8-1943 lúc 14 giờ hai sĩ quan Quốc xã đã vào nhà Ion Kostaky để cùng âm mưu hại dân làng. Hai tên Quốc xã đó đã bị tòa án Sô Viết kết tội và treo cổ tại Kiev.»
Severin chìa bức hình cho dân làng xem, bức hình có hai người Đức bị treo cổ. Dân làng kinh hoàng chuyền tay nhau xem bức hình đó. Cha Thomas Skobai cũng cầm bức hình nhưng cha không thấy gì ngoài ngọn lửa đang thiêu rụi nhà thờ. Severin tiếp tục nói: 
«Hai tên sát nhân này đã khai trước tòa án Sô Viết là đã giết không biết bao nhiêu người, cho đến nỗi chúng không nhớ nổi con số nạn nhân của chúng nữa. Và chúng lại là bạn thân và là chủ nhân ông của Ion Kostaky. Chúng đã nói chuyện với Ion Kostaky tại nhà. Để khỏi bị ai dòm ngó, chúng đã kéo tấm màn cửa xuống, nhưng nhân dân đã thấy hết và nghe hết.»
Bộ mặt của Kostaky và của dân làng bắt đầu tái mét. Chưa bao giờ ở làng này lại có một chuyện kinh hoàng như thế. 
Nào, nhìn lại bức hình đi, ông Kostaky, và trả lời cho nhân dân là ông có quen với hai tên Quốc xã này và có âm mưu gì với chúng không? 
Kostaky nhìn bức hình và thản nhiên trả lời: 
- Tôi không biết họ, tôi chưa nhìn thấy họ bao giờ, làm sao ông bảo tôi biết họ cho được. Nhưng tôi biết chắc tôi không phải là phát xít và tôi chưa hề nói chuyện với một ai cả... Cả đời tôi chưa hề nói chuyện với người Đức. 
Đúng lúc đó một sự kiện không quan hệ gì cả xuất hiện trong trí nhớ và Kostaky giải thích tiếp:
- Có một lần tôi cho họ một thùng nước để rửa mặt và một bình sữa cho hai người Đức dừng xe trước cổng và muốn mua thức ăn.
- Ông không biết hai người trong bức hình nầy? Thế mà họ là bạn của ông đấy, những người đã đốt cháy làng mạc Nga, đã hãm hiếp đàn bà Nga ở Ukraine, đã đâm chết không biết bao là nông dân vô tội. Nào, nói cho nhân dân nghe thử tại sao ông kéo bức màn khi hai tên Đức nầy vào nhà, và ông âm mưu điều gì trong thời gian ông cho chúng ăn? 
- Tôi không còn nhớ là bức màn có kéo xuống hay không. Nhưng vào tháng 8 trời nóng và nhà nào cũng đều kéo màn như nhau cả. 
- Đồ nói láo, tòa án nhân dân sẽ buộc ông nói thật. Trong lúc ông âm mưu với hai tên Quốc xã đó, dù màn vẫn kéo xuống, mắt nhân dân vẫn nhìn thấy và tai nhân dân vẫn nghe được, vì thế mà ông có tên trong sổ đen. Ngày xét xử đã đến và đúng là ngày hôm nay đây. 
Kostaky ngồi xuống, Severin nói:
- Hỡi các đồng chí, Ion Kostaky, nhân viên phát xít, đã bị trừng phạt. Pierre Pillat, tên bồi bếp trưởng giả cũng bị như thế. Marie Kostaky chuyên khủng bố các cô gái nghèo khổ cũng không tránh khỏi tội trạng. Các đồng chí cứ tin chắc là nhà nước cộng sản không để một ai thoái khỏi công lý. 
Marie đã nghe người ta tố khổ cha và chồng mình nhưng không thể nào chịu được hai chữ «khủng bố» người ta dành cho nàng, nên nàng tức khắc đứng dậy phản đối:
- Tôi không phải là quân khủng bố. Mà tôi đã khủng bố ai? 
- Nào đồng chí Sanda Apostol hãy đứng dậy và kể cho các đồng chí khác nghe Marie Kostaky đã bạc đãi đồng chí như thế nào? Severin ra lệnh như thế. 
Lúc Sanda Apostol đứng dậy, Severin khuyến khích: 
- Đồng chí Sanda, đừng sợ ai hết. Đồng chí là con gái của một nông dân nghèo khổ. Mà người nghèo đang cầm quyền. Nhà nước đang bảo vệ người nghèo, vậy đồng chí hãy kể lại tại sao đồng chí bị đánh đập và bị người con của tên phát xít Kostaky hành hạ đến có sẹo ở trên mặt?
Sanda trả lời: 
- Tôi không nhớ gì cả. Hồi đó cả hai còn trẻ. Chúng tôi vui đùa rồi lỡ vô ý... 
- Và bây giờ đồng chí mang sẹo trên mặt. Đồng chí hãy cao giọng tố cáo cho mọi người hiểu, vì ngày của công lý nhân dân đã đến. Đừng sợ gì cả, bây giờ đã đến lúc nhân dân cầm quyền và các đồng chí phải mạnh dạn để tố cáo tất cả những sỉ nhục mà các đồng chí đã gánh chịu từ bao lâu nay. Hay kể lại người ta bạc đãi đồng chí như thế nào. Để kỷ niệm cái chết anh hùng của nữ đồng chí Tinka Neva, ở tất cả làng mạc của xứ Lỗ ma ni dân chúng đều mở chiến dịch tố cáo những kẻ phản bội, những kẻ thuộc đảng phát xít và những kẻ bóc lột nhân dân. Chúng ta tiếp tục tố cáo họ mỗi ngày và chúng ta sẽ treo cổ họ dọc theo lề đường. 
- Nhưng tôi đã bảo là chỉ vì thuở nhỏ vô ý lúc chơi thôi, Sanda Apostol trả lời. 
- Không, đồng chí sẽ kể lại vào một dịp khác vụ đồng chí bị hành hạ như thế nào, bây giờ tôi thấy rõ đồng chí đang sợ. 
Thế là ngày kỷ niệm cái chết của Tinka Neva chấm dứt nơi đây. Dân làng vẫn đứng yên. Sau khi Severin đi rồi, họ đồng nhìn phía cha Thomas Skobai, chờ đợi phản ứng của cha, nhưng đức cha vẫn chỉ thấy một hình ảnh duy nhất, đó là hình ảnh ngôi nhà thờ bốc cháy trên đồi. Ai nấy về nhà, sớm hơn thường lệ. Sợ hãi đã hoàn toàn xâm chiếm tâm hồn mộc mạc của họ. Bởi đây là lần đầu tiên mà dân làng Piatra bị một mẻ như thế. Họ tự bảo nếu người cộng sản biết cả chuyện trẻ con chơi với nhau 15 năm về trước và Sanda Apostol bị té và có sẹo lúc chơi với Marie Kostaky, thì thực là người cộng sản không có điều gì không biết nữa cả. Lo lắng như thế nên đêm đêm tắt đèn đi ngủ, họ vẫn còn cảm tưởng là có kẻ đang rình nghe ở cửa, dòm ngó giấc ngủ của họ qua cửa sổ, rình mò họ, nhìn họ qua cả tường nhà, trần nhà... Họ có cảm tưởng một con mắt nào đó đang theo dõi họ trong bóng tối. Trong tấm chăn đắp, người nông dân cầu nguyện trong kinh hoàng, bởi vì đã bắt đầu có cuộc khủng bố.