Xưa nay các bật tài trí muốn chung sức lại với nhau để làm việc lớn trong thiên hạ, thì trước hết phải tìm người lãnh đạo. Người lãnh đạo, tài trí nếu tuyệt luân thì đức hạnh toàn vẹn, và phải biết nghe lời phải, theo kế hay, thấy rõ người, dùng đúng chỗ. Bốn điều đó, cổ nhân gọi trong tám chữ là " ngôn thích, kế tùng, tri nhân, thiện dụng ". Thuật Lãnh đạo chỉ có tám chữ ấy. Hễ áp dụng triệt để thì thành công. Như Tề Hoàn Công biết rõ tài trí của Quản Di Ngô mà dùng làm tướng quốc, nghìn lời đều theo, nên dựng nên nghiệp Bá. Quản Di Ngô thường gọi là Quản Trọng, có người tiểu thiếp tên Tĩnh Nương, vừa thông minh vừa uyên bác. Vì vậy Quản Trọng đi đâu cũng đều đem nàng theo. Một hôm, Quản Trọng kéo quân đến núi Diêu Sơn thì gặp một người chăn trâu, mặc áo cộc, đội nón rách, vừa gõ sừng trâu vừa ca. Nghe tiếng ca, Quản Trọng biết không phải kẻ tầm thường, bèn khiến quân sĩ đem rượu thịt đến đãi. Người chăn trâu ăn xong nói. - Tôi muốn được yết kiến quan Tể Tướng. Quân sĩ đáp: - Xe quan Tể Tướng đi đã xa rồi. Vậy cứ ăn cho no, cần chi phải gặp mặt. Người chăn trâu nói: - Tôi có một lời muốn thưa. Quân sĩ nói: - Lời gì? Nếu chỉ nói một lời thì bọn ta giúp cho cũng được. Người chăn trâu bèn đọc: - Hạo hạo bạch thủy. Quân sĩ đem lời ấy trình lên. Quản Trọng không hiểu ý nghĩa, bèn hỏi Tĩnh Nương. Nàng đáp: - Thiếp có nghe một bài cổ thi rằng:
- Hạo Hạo bạch thủy, Đằng đằng chi ngư. Quân lai triệu ngã, Ngã tương an cư.
- Nước trong ngời ngời, Cá lội thảnh thơi. Người đến đón rước, Ta về cùng người.