P2 - Chương 11

Vài ba ngày sau, Thục chui từ cửa số ba rồi vào cửa số một. Thằng Tây lai dùng roi C..bò đánh phủ đầu. Răng gãy, tóc rụng, thân tàn ma dại, Thục vẫn một chữ “không”. Bọn lính từ Hồ Xá bất ngờ xộc vào làng Thượng, nhưng không bắt được bà Khế, không gặp một bóng du kích nào. Chúng hậm hực rút về, qua lòi Dầu máu sập hai hầm chông. Một thằng bị chông tre đâm thủng háng. Một thằng bị chông sắt xuyên qua bàn chân. Chúng khiêng nhau chạy, mặt cắt không ra máu. Thằng Tây lai dồn cay cú và bất lực lên đầu, lên vai Thục. Chạng vạng tối, chúng ném Thục qua cửa số ba. Thục không còn biết đau là gì nữa, chỉ khát, khát cháy cổ mà phía trước là dòng sông lũ. Dòng lũ vàng úa cứ chảy ào ạt. Nước sát đầu lưỡi mà không uống được. Đưa hai bàn tay ra bụm nước mà không nhúc nhích nổi. Hình như có ai đó ném Thục vào túi đang thít dần lại, ngột ngạt đến tắc thở. Hình như có ai đó đi lại, tay bê chậu nước. Nước trong quá, mắt lắm, giá mà uống được. Thục gắng hết sức ú ớ: “khát, ….. nác”. Có ai đó kêu to: “còn sống”, “sống lại rồi”, “mở bao ra”, “nhanh lên”. Có nước thật. Nước mát đến tận ruột gan. Thục mở mắt. Bạn tù xúm xít. Người khóc thút thít, người cười mếu máo.
 Tuần sau, Thục đi lại được, người đau như dần. Mắt hoa, đầu trống không, Thục ngồi, trân trân nhìn lỗ thông hơi, chỉ nghe, không nói. Tiếng thằng Tây lai xe xé:
- Con du kích làng Thượng cứng đầu. Ra đây quan hỏi
 Thục không thưa, không đứng dậy. Thằng Tây lai quay quay chiếc roi C..bò, giọng méo xệch.
- Mẹ kiếp con Thục chết rồi hử.
 Bạn tù rên rỉ:
- Sống cũng như chết rồi. Thưa quan lớn.
 Hai tên lính xông vào kéo lê Thục ra phòng tra khảo. Thục ngồi trên ghế tựa lưng vào tường, trước mặt là chiếc cột sắt đen bóng, nhơm nhớp. Bắt giác đèn pin chiếu vào mặt, Thục chớp mắt, rồi ngồi im như pho tượng. Ai đó, giọng khàn, quen quen.
- O Thục đó à. Tiều tuỵ quá, thương quá!
 Nhận ra giọng Hóp má, Thục ngồi yên không động đậy.
- Thục có muốn về thăm con không?
 Thục bật dậy:
- Con tui làm sao? Con tui….
 Hóp má thủng thẳng
- Thằng bé không làm sao cả. Chỉ gầy yếu, đói ăn thôi….
 Hắn hạ giọng:
- Tui nói thiệt lòng. O về ăn ở với tui nghe. O ưng thì tui xin quan lớn cho ra tù luôn, về với con…. Hý.
 Thục ngồi bệt xuống chân tường, hai tay chống gối, nhìn trân trân ra cửa số một. Ra khỏi cánh cửa đen ngòm nhớp nháp ấy là chợ Hồ Xá, là con đường cái quan là cánh đồng xanh chạy dài tận Rào mạ lên đến động Cây sy, vòng qua Bến bè, chỉ một sào đẩy, khua mấy mái chèo là qua bờ, vào xóm Mội. Đi vài quăng dao là đến nhà…. Thằng Đái chạy ra… ôi…. con tôi. Hóp má ghé sát tai Thục.
- Ưng bụng thì Thục gật đầu một cái, không cần nói chi hết, hý.
 Thục im lặng, đầu thẳng đơ. Tây lai chỏng lỏn:
- Im lặng là ưng rồi đó!
 Hóp má thả giọng:
- Tui xin quan lớn mở lượng hải hà, cho tui được bảo lãnh o Thục về quê. Hễ có bề chi tui xin chịu hoàn toàn trách nhiệm!
 Tây lai hất hàm:
- Viết giấy bảo lãnh đi, mần luôn!
 Cánh cửa tù số một rít lên, từ từ mở. Thục lê từng bước, đầu không ngoảnh lại. Tây lai nói câu gì đó chỉ đủ cho Hóp má nghe. Tây lai cười khùng khục, Hóp má cười the thé…..
 Cuối chiều nhập nhoạng, nhưng trong nhà tối om. Bà nội lên cơn sốt, thằng Đái cũng sốt. Hai bà cháu ôm nhau, nóng hầm hập. Hai tay quờ quạng, thằng Đái khóc ri rỉ:
-  Mạ ơi! mạ mô rồi! mạ về với “chon”!
 Bà nội khóc theo, nước mắt như quánh lại. Thục sững người… rồi kêu lên: “Con ơi…”. Cả tháng nay như người mắc chứng trầm cảm,bây giờ mới bật ra tiếng gọi, Thục lao vào ôm chầm con trai, lau khô nước mắt cho mẹ chồng. Khắp người thằng Đái ghẻ lở, bụng ỏng đít beo, hai chân teo tóp, hai tay khẳng khiu, chỉ còn đôi mắt là to tròn, đen láy. Hóp má sai o Câm mang rá gạo đến. O Câm lúc nào cũng thế, miệng cười tươi, tay ra hiệu, ý là “ông chủ cho, cứ nhận lấy”. Thục dùng tay ra hiệu ý là “xin vay, sau này cày cấy thuê trả lại”. Hiểu ra, o Câm cười xởi lởi, mắt ngấn nước thương cho gia cảnh của Thục. Có chút cháo, rau, bà cháu đã tỉnh táo hơn. Thục cắp nón đến nhà thầy Thức cắt chục thang thuốc cho hai bà cháu. Tính cả tiền gạo, tiền vay mua thuốc, Thục phải cấy, phải gặt cho cả nhà lão Lỗi cả hai vụ trong năm mới trả hết. Đồng đất làng Thượng mỗi năm cấy cày hai vụ là tháng Năm và tháng Mười. Giáp tết phải cấy xong để tháng Năm thu hoạch. Nếu cấy muộn lúa trỗ vào cữ gió Lào thì chỉ có bông mà không có hạt. Dân làng Thượng có câu ca đầu lưỡi:
“Đói, ăn môn, ăn khoai
Đừng thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng”.
 Cấy vụ tháng Mười chắc ăn, cơm ngon, dẻo. Xa quê bao lâu cũng không quên được hương thơm bùi dẻo, ngầy ngậy của tang nếp râu, nếp trứng. Gặt lúa lại bắt được cá đồng. Con rô, con diếc, con trê, con tràu, con đô ăn thóc rụng béo ngần. Thợ gặt về nhà thường buộc theo lưng quần xâu cá vàng ươm. Bà vỗ về….. ru cháu:
…. “à ơi…..
Khi mô cho đến tháng Mười
Bát cơm đầy cười, con cá nằm ngang”.
 Không biết thằng Đái nghe tiếng ru đều đều, đầm đậm của nội, hay mơ đến bát cơm đầy cười, im thin thít.
 Vào vụ cấy rô, Thục đã có da có thịt, thỉnh thoảng chuyện trò với bạn cấy. Hóp má sấn sổ đến gần cầm tay, Thục rụt nhanh như phải nước sôi, hắn cười bả lả:
- Trước sau rồi tui cũng lấy o. Cầm tay một chút cho thoả nhớ hý.
Mặt Thục cứng đơ, lạnh tanh, không hé nửa câu. Hóp má hắng giọng:
- O quá quắt lắm. Thử hỏi ai xin quan Tây cho o ra khỏi tù? Ai cơm gạo cưu mang  cho mạ con o? Mà tui có đòi hỏi chi nhiều? Chỉ cần o ưng thuận lấy tui vài năm rồi bỏ cũng được mà. Thiếu chi con gái ngon lành nhưng không hiểu sao, tui đêm mơ ngày tưởng được có o. Có đêm tui ôm con Câm mà cứ kêu “Thục ơi!”. Con Câm không thèm đấm vào mồm tui mà hắn cứ cười sằng sặc mới ngộ chớ. Đúng là giống câm không nói được thì chỉ biết cười trừ.
 Thục đứng như trời trồng, hai mắt mở cứng đờ, vô hồn, vô cảm. Hóp má rút chai rượu trong túi áo dốc vào mồm. Rượu ướt đẫm ngực, hắn khua tay, mắt vằn tia máu.
- Giống đàn bà lạ thiệt đó. Đẹp đẽ ngon lành như Thục thì lạnh tanh máu cá. Đẫy đà, nóng hổi dễ bảo như con Câm thì chỉ biết cam chịu và ngây ngô đến chán mớ đời. Hỡi trời, cái mà ta cần thì không được, cái mà ta có được trong tay thì cóc cần. Hóp má này biết sống với ai đây, hở hơ….. o Thục nói đi chớ. Con Câm kia đừng cười nữa có được không?!
 Hóp má lao đến ôm chầm lấy Thục, Thục lánh sang bên, giọng đanh, dứt khoát.
- Đừng đụng đến tui. Tui sẽ cày thuê cấy mướn cả đời cho nhà ông để trả nợ. Tui chỉ thờ chồng, nuôi con, không lấy ai hết.
 Thục chạy nhanh ra ngõ, một mạch đến đầu làng, ôm gốc cây mưng già thổn thức, đôi vai gầy rung lên. Từng chùm, từng chùm lá mưng như muôn vàn bàn tay che chở.

*

 Bà Khế vừa về làng Thượng đến ngay nhà lão Lỗi. Đàn chó xô ra, bà hắng giọng, chúng cụp đuôi. Bà ném bã trầu đỏ ối xuống chân cầu ao, lũ chó cụp tai nép sát vào gốc cây. Ông mụ Lỗi nể bà Khế, Hóp má đã hiểu, nhưng lũ chó vốn hung dữ phải sợ thì không thể hiểu nổi. Khi bà Khế đi qua cầu ao, thằng Lu chăm chăm nhìn bã trầu. Quái lạ, có khác chi bã trầu người khác, sao bọn chó lại phải sợ. O Câm cười tươi dang hai tay rước bà Khế vào nhà. Mụ Lỗi khật khừ đứng dạy, thay câu chào:
- Trời đất thay đổi kiểu chi mà đau hết cả người á… hà….
 Bà Khế nhìn quanh chợt hỏi:
- Nắm lá tui đưa cho tháng trước, mụ sắc uống hết chưa?
- Còn một ít nữa.
- Rứa thì đau người là phải. Uống thuốc phải nghe thầy, theo chén, đúng thang.  Dùng sái thì mần răng mà khỏi được.
 Bà Lỗi như chợt hiểu, gọi to, chắc, đanh:
- Bay đâu? lấy nước mời bà Khế.
 Bà Khế theo thói quen, tém gọn bã trầu, nhưng….
- Khỏi. Bà Lỗi này, tui đến đây để nói với ông bà một câu thôi
- Thì bà cứ ngồi đã
 Lão Lỗi húng hắng ho, gõ gõ ba-toong trên nền gạch, gọi với:
- Thằng Lỗi đâu, ra chào Mệ đỡ đầu mau lên.
 Dẫu biết gia tài bà Khế không bằng cái ao đầu nhà, nhưng lão Lỗi không giám coi bà là dân mạt hạng, cùng đinh. Nhờ bà Khế thuốc thang mà có thằng Hóp má, mới có thằng cháu đích tôn. Hóp má cũng biết điều đó. Hắn  ngang ngạnh, nhưng cứ nhìn vào mắt bà Khế là cúi mặt. Bà Khế không nhìn lão Lỗi, xéo qua Hóp má, hướng về thằng cháu đích tôn đang nép bên bà Lỗi. Bà Khế thủng thẳng:
- Tui đứng, tui nói một câu, rồi đi luôn. Con Thục nhà tui đã có chồng, có con - chồng nó chẳng may mất đi, chưa hết khó mà cậu nhà nài ép đòi lấy nó là không được: Nể tình đi lại với ông mụ đây, xin cậu cho mẹ con nó được yên thân, vong linh chồng nó được mát mẻ. Thôi! Tui về đây.
 Bà Khế không nhìn ai, đi thẳng ra cổng. Lũ chó nhà lão Lỗi lừ lừ theo sau… không sủa một tiếng…