THAY ĐỔI Nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam trước 1945 kể ra đã có nhiều vị hoàn tất được những công trình nghiêm chỉnh, đặc biệt là Vũ Ngọc Phan (cuốn thứ 4 và thứ 5 trrong bộ Nhà văn hiện đại) và Bùi Xuân Bào (trong cuốn Le roman vietnamien contemporain). Cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Phan Cự Đệ có nói đến thời kỳ sau 1945, nhưng lại không đề cập tới Miền Nam. Biên khảo về tiểu thuyết Miền Nam Việt Nam sau 1954 thì hình như chỉ mới có Cao Huy Khanh. Trước tháng 4-1975, tác phẩm của ông Cao đã được ấn hành, kể như xong xuôi, tiếc rằng sách chưa kịp phổ biến thì Sài Gòn thất thủ và rồi sách cũng mất tích luôn. Thật đáng tiếc, vì sách của ông được soạn thảo tại Sài Gòn, trong hoàn cảnh thuận lợi hơn chúng ta ngày nay rất nhiều. Tiểu thuyết truyền kỳ, hoạt kê, trinh thám tàn lụi Nhặt nhạnh đây đó những đoạn chắc là trích từ tác phẩm nói trên, có lần thấy ông Cao nêu lên một chỗ khác biệt giữa tiểu thuyết Việt Nam tiền chiến và tiểu thuyết Miền Nam từ 1954 đến 1973. Ông bảo: “So với ngày nay, trong mười khuynh hướng do Vũ Ngọc Phan mệnh danh thì có đến năm khuynh hướng hầu như không còn dùng được nữa đối với việc nghiên cứu ở đây: đó là những khuynh hướng tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết hoạt kê, tiểu thuyết trinh thám”.[1] Trong khi tìm hiểu về một bộ môn văn học tất nhiên ta muốn theo dõi sự phát triển của nó qua thời gian, muốn biết từ thời kỳ này sang thời thời kỳ khác nó đã diễn biến như thế nào? đã có nhũng gì mất đi và những gì nẩy thêm trong bộ môn ấy? vì sao? Do đó ý kiến của ông Cao rất đáng chú ý. Khi nói có những khuynh hướng “không còn dùng được nữa”, có phải ý ông Cao cho rằng vào thời kỳ 1954-73 không còn ai viết tiểu thuyết thuộc các khuynh hướng ấy nữa? Nếu thế, nhận xét của ông nghiệm có chỗ đúng: quả thực truyện truyền kỳ, truyện hoạt kê, truyện trinh thám không thấy có người viết nữa, sau 1954. Không những tác giả mới không có, mà những tác giả cũ cũng không buồn tiếp tục: Đái Đức Tuấn không viết truyện truyền kỳ nữa, mà Phạm Cao Củng có mặt ở Miền Nam ngót hăm mốt năm, cho đến mùa xuân 1975, cũng không buồn viết truyện trinh thám nữa. Còn như giọng văn dí dỏm thời kỳ sau 1954 không thiếu; thế nhưng Hoàng Hải Thủy, Lê Tất Điều tuy có đùa giễu bất quá cũng đùa giễu nhẹ nhàng, như Nhất Linh trong Đi Tây chẳng hạn, chứ không hề có ý viết hẳn ra một tác phẩm nào để nhạo báng chuyện nọ chuyện kia. Tại sao vậy? Tại sao tự dưng sau 1954 chúng ta không còn thấy hứng thú trong việc kể những chuyện ly kỳ rùng rợn ma quái, trong việc bịa ra những mưu mô lắt léo xung quanh các vụ án mạng, không còn thấy hứng thú trong cái vụ châm biếm chỉ trích trò đời? Mà có thực chúng ta mất hứng chăng? Hay sự thiếu vắng ấy còn có lý do nào khác? Theo chỗ tôi nghiệm thấy thì cái không khí tinh thần ở Miền Nam vào những năm tiếp liền cuộc di cư 1954 quả không thích hợp cho loại truyện truyền kỳ và trinh thám. Cuộc đổi đời đặt Miền Nam trước một thế cuộc nghiêm trọng: Sau cuộc Cách mạng Mùa Thu 45, sau chín năm kháng chiến chống Pháp, sau một cuộc chia cắt đất nước, một cuộc di cư hàng triệu người, sau những biến cố như thế các nhà văn tuổi tác như Đái Đức Tuấn, như Phạm Cao Củng bỏ quê hương đất Bắc vào đây để mà ngồi vắt óc “sáng tác” ra loại tác phẩm nghệ thuật nói về những ông thần hổ, những con ma trành, về các ngón mưu mẹo của Kỳ Phát à? Làm như vậy, coi sao được? Xung quanh họ có ai làm thế đâu? Từ những bậc trí thức đứng tuổi ưu thời mẫn thế cho đến đám thanh thiếu niên của thời buổi mới đều không ai nghĩ đến chuyện như thế. Lớp lớn dù đã chán chường ảo não ngay từ lúc nhập vào làng văn như Vũ Hoàng Chương mà bấy giờ cũng ca bài ca Bình Bắc, huống hồ... Trẻ trung thì... ôi chao, họ toàn tính chuyện lấp bể vá trời. “Riêng dòng sông Bến Hải thì không những là nạn nhân của một lịch sử chia cắt mà còn là nạn nhân của những pho thơ, biển nhạc. Quý vị nhạc sĩ, thi sĩ đòi lấp sông Bến Hải thật ồn ào, tưởng chừng dòng sông bị lấp đến nơi rồi. Tiếp đó, quê hương Miền Nam thanh bình, dựng một mùa hoa!”[2] Lúc Duyên Anh viết những lời trên đây, tức mười lăm mười bảy năm sau cuộc di cư 1954, nhớ về cái thuở trịnh trọng xưa kia, ông thấy sự tin tưởng hăng say có một vẻ gì ngô nghê. Sau này ai nấy đã vỡ mộng, chỉ còn hăng say... giải trí và yêu đương hết mình thôi. Sau này thần hổ, ma trành với Kỳ Phát có thể tha hồ kéo nhau xuất hiện lắm. Khốn nỗi, để phục vụ nhu cầu tiêu khiển lớn lao của giai đoạn sau, thiên hạ lại tổ chức dịch ào ào truyện Tàu truyện Tây: muốn ghê rợn, quái đản đến đâu, kho sách truyền kỳ của Tàu sách trinh thám gián điệp của Tây cũng cung ứng đủ, hà tất phải khổ tâm tưởng tượng, suy nghĩ, mằn mò sáng tác cho nhọc nhằn. Còn như cuời giễu các hủ tục để sửa đổi xã hội thì từ lâu đã không còn là bận tâm của người cầm bút nữa. Xung đột cũ mới không còn là một đề tài nữa. Cái cũ nó đã ngã khuỵu từ lâu, nó yên một bề rồi, nó không còn sức chống chế nữa, giễu nó mà chi? Bây giờ, thời buổi cách mạng, đối với cái xấu người xấu — tham nhũng, gia nô, độc tài v.v... — người ta thẳng cánh phang cho nó những bài “phim” trên nhật báo, đọc mà nhức óc; cần gì phải dùng đến tác phẩm nghệ thuật để giễu cợt? Từ Cách mạng Mùa Thu 1945 về sau, khắp cả Bắc Nam không thấy có ai tiếp tục con đường của Đồ Phồn nữa. Người ta dẹp hủ tục, dẹp cái lạc hậu, không cần nhạo báng nó. Cao Huy Khanh có lý: một số khuynh hướng tiểu thuyết thời tiền chiến không còn tồn tại sau 1954 ở Miền Nam. Tiểu thuyết luận đề phát triển Tuy nhiên về các loại tiểu thuyết phóng sự và tiểu thuyết luận đề thì tôi không nghĩ chúng đã bị đào thải. Có một độ Hoàng Hải Thủy viết một loại truyện đăng trên nhật báo Ngôn Luận, và chính tác giả gọi đó là tiểu thuyết phóng sự. Hoặc giả ông Cao không đồng ý với lối mệnh danh ấy chăng? Nhưng đặc biệt là khuynh hướng tiểu thuyết luận đề, tôi không thấy nó tỏ dấu hiệu tàn lụi nào. Trái lại. Hồi tiền chiến Vũ Ngọc Phan chỉ mới thấy có hai cây bút viết luận đề tiểu thuyết là Nhất Linh và Hoàng Đạo. Sau 1954, số tiểu thuyết gia chọn khuynh hướng ấy đông đảo hơn nhiều. Như thế là phải. Bởi vì sau Genève ở Miền Nam là một thời kỳ của biện luận, của nhu cầu tìm lẽ phải, của sự khao khát triết học, lý luận. Như thể ai nấy luôn luôn phải biện minh cho một cái gì, phải đánh ngã một cái gì. Hoặc tố cáo chế độ cộng sản, chống phá lý thuyết cộng sản, hoặc biện minh cho học thuyết nhân vị, cho một nhận định hiện sinh, cho thiền học, cho dân chủ, cho vai trò của giai cấp tiểu tư sản v.v..., nhiều cuốn truyện của Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, của Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, của Vũ Khắc Khoan... đều có luận đề. Pho trường thiên tiểu thuyết Khu rừng lau của Doãn Quốc Sỹ cũng nhằm vào một dụng ý biện minh cho một quan niệm sống rõ rệt. Luận đề tiểu thuyết là cái sở trường một thời của Nhất Linh. Sau 1954, ông Nhất Linh ấy thấy ra chỗ lầm lẫn của mình, ông suy tìm then chốt của sự thành công trong tiểu thuyết, ông viết sách công bố để ai nấy biết. Mặc kệ! Mặc cho cái bí quyết thành công của Nhất Linh. Thế hệ tiểu thuyết gia sau 1954 ở Miền Nam không cần thành công, chỉ cần “nói lên” một cái gì. “Nói lên”, “sứ mệnh văn nghệ” v.v... là những danh từ thời thượng lúc bấy giờ. Các ông Phạm Văn Sĩ [3], Nguyễn Khắc Ngữ[4] đều có nói đến tiểu thuyết hiện sinh ở Miền Nam. Thứ tiểu thuyết gọi là hiện sinh ấy hình như ở đâu nó cũng ham “nói lên” lý thuyết cao xa. Germaine Brée và Edouard Morot-Sir cho rằng ở Pháp vào khoảng sau 1950 có những tiểu thuyết gia muốn nối tiếp một khuynh hướng xuất hiện từ hồi 1910 chính là vì cái tâm lý chống lại những quan tâm giáo dục và siêu hình của thứ tiểu thuyết “hiện sinh” ấy.[5] Ở ta, sau 1954, chẳng những có khuynh hướng giảng giải của triết lý hiện sinh lại có cái chủ tâm đánh đổ chủ nghĩa cộng sản, lẽ đâu thiếu tiểu thuyết luận đề? Dù sao, chúng ta chỉ bắt gặp một đoạn văn của Cao Huy Khanh, không thể biết thực sự ông muốn nói gì, nên vừa rồi chủ ý không phải là bắt bẻ ông Cao. Chẳng qua nhân một nhận xét của ông để nói về đôi ba đặc điểm của tiểu thuyết Miền Nam thời 1954-75 so với tiểu thuyết tiền chiến mà thôi. Còn ông Bùi Xuân Bào, ông trách Vũ Ngọc Phan đã gác qua một bên hai loại tiểu thuyết phát triển quan trọng lúc bấy giờ là tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đường rừng[6]. Thực ra ông Vũ không quên loại tiểu thuyết đường rừng của Lan Khai và Thế Lữ, ông cũng gọi đúng cái tên “đường rừng”[7] ấy hẳn hoi; tuy nhiên khi xếp khuynh hướng thì ông Vũ xếp chung truyện đường rừng cùng với truyện thần quái vào khuynh hướng truyền kỳ. (Khuynh hướng ấy sang thời kỳ sau (1954-75) chẳng những không còn “phát triển quan trọng” mà lại gặp bế tắc.) Tiểu thuyết lịch sử, ông Vũ cũng không bỏ sót. Nói về Lan Khai (ở trang 964 đã dẫn), ông nhận rằng Lan Khai có viết lịch sử tiểu thuyết. (Phan Trần Chúc với Nguyễn Triệu Luật thì Vũ Ngọc Phan bảo họ không hề viết tiểu thuyết, họ viết truyện ký.) Tiểu thuyết lịch sử biến thể Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ông Vũ thiếu hay ông Bùi sai. Vấn đề là loại tiểu thuyết lịch sử. Lại một loại tiểu thuyết nữa phát triển quan trọng hồi tiền chiến mà sau 1954 lại lâm cảnh suy đồi. Thực vậy, suốt thời kỳ này, hình như chỉ thấy Hoài Điệp Thứ Lang viết Kỳ nữ gò Ôn Khâu (1961); sau đó không ai viết theo mà chính ông cũng không tiếp tục loại sáng tác ấy nữa. Sao vậy? Có gì xảy ra khiến cho lịch sử nước nhà không còn hấp dẫn được thế hệ sau 1954? Tôi ngờ rằng không hẳn thế. Không hẳn có chuyện thế hệ sau hờ hững với lịch sử. Chỉ có chuyện mỗi thế hệ chú ý đến một thời kỳ lịch sử khác nhau. Hồi tiền chiến hầu hết các tác giả viết về lịch sử (hoặc tiểu thuyết hoặc truyện ký) đều xúm nhau khai thác giai đoạn Lê mạt Nguyễn sơ. Phải chăng vì đó là một thời tương đối gần gũi, còn gây nhiều xúc động trong lòng người? hay vì đó là một thời mà sử học cung cấp được nhiều tài liệu hơn cả? Thế nhưng sau Cách mạng Mùa Thu 45 họ Lê hay họ Mạc hay họ Nguyễn đều vụt trở nên quá xa xôi. Thế hệ này tha thiết đến một cái lịch sử gần hơn, sôi động hơn, mà chứng liệu lại khỏi phải tìm tòi trong sách vở: cái lịch sử dân tộc từ cuối thời Pháp thuộc về sau. Có phải vì vậy mà vào thời kỳ văn học 1954-75 có bao nhiêu là tác giả muốn viết những bộ trường thiên tiểu thuyết về giai đoạn lịch sử này? Trường thiên tiểu thuyết hóa thành một cám dỗ. Đại khái bấy giờ có chừng sáu bộ nổi tiếng, có bộ đã hoàn tất, có bộ còn lở dở, trong đó bốn bộ liên quan đến đề tài vừa nói: Giòng sông Thanh Thủy (3 cuốn) của Nhất Linh đề cập tới những hoạt động tiền khởi nghĩa bên Tàu, Khu rừng lau (5 cuốn) của Doãn Quốc Sỹ, Vẻ buồn tỉnh lỵ (6 cuốn) của Duyên Anh, và bộ ba Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Tiếng ca lặng lẽ (chưa in) của Võ Hồng là từ Cách mạng Mùa Thu về sau. Ngoài ra, Bình Nguyên Lộc cũng có một bộ trường thiên tiểu thuyết bắt đầu từ 1942, tức bộ Phù sa, chưa hoàn tất, nói về chuyện mở đất của miền quê ông, cũng là một thứ lịch sử. (Bộ thứ sáu, Xóm Cầu Mới của Nhất Linh là tâm lý tiểu thuyết, không liên quan đến các sự kiện lịch sử.) Khi người ta đã quá tha thiết, quá xem là quan trọng một thời kỳ nào đó, thì chắc chắn không còn mấy hứng thú mằn mò chuyện cũ các thời khác. Sau 1945 kẻ lên voi người xuống chó, kẻ chợt thấy ánh sáng chói lòa người nhìn ra địa ngục tối om om, kẻ hồ hởi người lợm giọng, tất cả đều để hết tâm hồn vào hiện tại. Thế hệ sau 1945 bị hiện tại thu hút đến mê mẩn tinh thần, họ say mê hiện tại, bám dính lấy hiện tại, không thiết dựng lại dĩ vãng: chuyện tẩn mẩn ấy bấy giờ không phải là lúc nghĩ đến. Có lẽ thế chăng? Tuy vậy, tôi không hề bảo rằng những pho truyện vừa kể trên đây cũng là một thứ lịch sử tiểu thuyết về thời hiện đại. Cùng viết về một đề tài, mỗi tác giả nhằm một chủ đích khác nhau. Nhất Linh chẳng hạn. Trong Giòng sông Thanh Thủy ông theo dõi từng nhân vật, nhẩn nha với một mối tình, phân tích tâm lý, tìm hiểu động cơ tham gia và thái độ hoạt động của mỗi đảng viên cách mạng, động cơ nhiều lúc chẳng ăn nhằm gì với lòng yêu nước. Cái chính yếu ở đây là tâm lý. Nhất Linh hậu chiến trước hết là một tiểu thuyết gia thuộc khuynh hướng tâm lý, bất luận ông viết về đề tài gì. Còn Doãn Quốc Sỹ, ông làm chúng ta nghĩ đến một nhân vật của ông: Khiết. Khiết “kiên trì theo con đường văn hóa”, nhưng “đã trót đi vào con đường chính trị, biết những ngõ ngách của nó, âu cũng thành nghiệp chướng của mình, khó bỏ lắm.”[8] Khu rừng lau phơi bày cái hiểm ác của chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn hiển lộ trong tác phẩm. Tuy vậy, ông Doãn cũng như Khiết, trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”: Ông chê cái này chống cái nọ vì nó xấu nó ác. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ. Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm: trong các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn. Truyện ông Doãn vừa có luận đề chính trị vừa có chủ tâm giáo dục. Còn Võ Hồng, điều làm ông lo lắng đó là cái tinh thần của lớp trẻ sau này, của các thế hệ đàn em. Ông than thở với Nguyễn Nam Anh: “Nếu tôi không mô tả một người đàn bà bưng rổ đi chợ chẳng hạn thì ông nghĩ xem người thanh niên hôm nay có thể tưởng tượng ra được không? Bây giờ ở nông thôn chị nông dân nào đi chợ cũng xách giỏ bằng nhựa.” Nguyên một cái rổ đã thế, huống chi bao nhiêu là chuyện khác trong cuộc sống cũ đang mất đi nhanh chóng: “Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lần bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ.” “Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn.”[9] Rõ ràng việc ông làm nhằm mục đích giáo dục; đó là sứ mệnh văn nghệ của ông. Đến như Duyên Anh thì đừng hỏi ông lo lắng gì, ông “dâng trọn cuộc đời” cho cái gì. Đã có lần ông la lối Nguyễn Nam Anh om sòm: “Tôi đã thưa với ông rằng tôi không lấy làm quan trọng lắm sự viết lách của mình, cũng chẳng tự làm bộ quan trọng.” Viết về nỗi khổ cực của dân nghèo, ông có viết; viết để dạy dỗ thiếu nhi, ông có viết. Nhưng bảo ông là nhà văn thuộc khuynh hướng giáo dục hay khuynh hướng xã hội, ông cự nự ngay: “Tại sao người ta lại mất công cân nhắc nhỉ? Tôi không phải là nhà văn của tuổi thơ, của tuổi trẻ hay xã hội, ái tình, phiêu lưu chi hết. Tôi là người viết tiểu thuyết. Và trong bất cứ tiểu thuyết nào tôi cũng chỉ ca ngợi Tình Người. Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ.” “Tôi không đeo đuổi hẳn một khuynh hướng nào. Độc giả cũng không thích đọc mãi một tác giả chỉ viết một loại.” Có điều đáng chú ý là ông hay nói đến sở thích của độc giả: “Độc giả thèm những cơn gió đồng nội, thèm đọc văn chương giản dị, tươi mát cơ.” “Tôi viết như tôi nghĩ, tôi nói, tôi thở, tôi sống. Rất dễ dàng. Người đọc, đọc tôi cũng dễ dàng như tôi viết.” “Người đọc tiểu thuyết chỉ đòi hỏi nhà văn có làm họ rung động không. Nếu làm độc giả đọc mình rung động thì y đã đạt nổi nghệ thuật viết tiểu thuyết của y.”[10] Như thế chủ tâm của Duyên Anh là viết được truyện hay, truyện gây thích thú thoải mái cho độc giả. Đừng táy máy gán cho ông ý đồ nọ kia, làm ông giận. Bộ trường thiên tiểu thuyết sáu cuốn của ông chắc cũng không ra ngoài con đường chung. Bình Nguyên Lộc trái lại, xem Phù Sa vừa là cái “mộng lớn thiết tha mà mình cần thực hiện trong đời văn, lại vừa là một món ‘nợ’ tinh thần mà mình cần phải trả.” Ông bắt tay viết truyện ấy từ 1942, hơn hai mươi năm sau nói chuyện với Ngu Í ông vẫn còn thiết tha. Quê hương miền Nam là đề tài chủ yếu của ông, lúc nào cũng ám ảnh tâm trí ông: bút hiệu ông đặt (Bình Nguyên Lộc) có nghĩa là con Nai ở Đồng, nhà xuất bản của ông có tên Bến Nghé, công trình sưu khảo đầu tiên của ông mang tên Thổ ngơi Đồng Nai, bộ truyện một đời của ông lấy tên Phù sa. Sự nghiệp trước tác một đời của ông không ra ngoài chuyện sinh hoạt chuyện phong tục một địa phương. Tóm lại, chúng ta ghi nhận thêm một vài sự kiện: thời kỳ 1954-75 mặc dù là một thời kỳ xao động, bận rộn, hối hả, trong bộ môn tiểu thuyết lại có nhiều công trình dài hơi hơn các thời trước, có nhiều bộ trường thiên tiểu thuyết hơn cả. Những bộ truyện ấy đều viết về những biến cố quan trọng xảy ra trên đất nước trong quãng thời gian trước sau cuộc cách mạng 1945. Mặc dù cùng một đề tài, các bộ truyện ấy nhằm những dụng ý, thuộc những khuynh hướng khác nhau, còn khuynh hướng lịch sử tiểu thuyết thì quả bị hờ hững ở Miền Nam sau 1954. TIẾN HÓA Freud và việc đào sâu tiềm thức Về một phương diện khác, người ta có thể nhận thấy nhờ những tiến bộ đạt được trên các địa hạt triết học, khoa học, văn học v.v...ở các nước Tây phương, mà nhà văn ở ta thuộc thời kỳ sau cũng có điều kiện để đẩy sự sáng tác của mình tiến lên một mực cao hơn trước. Chẳng hạn trên con đường tìm hiểu tâm hồn con người, những kiến thức về học thuyết Freud càng ngày càng phổ biến đã giúp tâm lý tiểu thuyết sau 1954 ở ta thêm nhiều khám phá hơn hồi tiền chiến. Ngay ở cùng một tác giả — Nhất Linh — cũng có những tiến bộ rõ rệt. Trong vòng ba mươi năm sáng tác, Nhất Linh tạo ra những nhân vật, nhất là những thiếu nữ, có tâm lý càng ngày càng tinh tế phức tạp, phức tạp hơn cả chắc chắn là cô Mùi trong Xóm Cầu Mới. Những nhân vật sau 1954 của Nhất Linh hầu hết là những cô gái bình dân ít học, có cô lại còn thuộc thành phần nghèo khó tôi đòi, nhưng các mối tình của họ diễn ra dưới những dạng thái hết sức phong phú, phong phú hơn mọi mối tình tiền chiến trong tiểu thuyết ông. Những khám phá về bản năng tình dục, về tiềm thức, về các ẩn ức, mặc cảm, về dục tình thuở ấu thời v.v... đã làm cho tình yêu trong tiểu thuyết của Nhất Linh hậu chiến, của Chu Tử, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng, Nhã Ca... có những khía cạnh bất ngờ sâu sắc: một câu nghe như ngây ngô của một cô bé nói với người bạn của cha mình, sự đụng chạm giữa hai đứa trẻ bà con với nhau trong một trò chơi hồi nhỏ, tự dưng sống dậy và gây nên mối tình say đắm chín mười năm sau; mối tình ngấm ngầm phát sinh giữa những kẻ tưởng như vẫn thù ghét nhau; những chàng thanh niên bị thu hút do những người yêu có một khía cạnh tâm hồn của mẹ mình v.v... Trong dư luận có thể có những bận tâm về phương diện đạo đức của những tác phẩm ấy; nhưng trong tham vọng truy tầm phát hiện những bí ẩn của lòng người, các tiểu thuyết gia thuộc khuynh hướng tâm lý của thời kỳ này rõ ràng đi có xa hơn trước. Tiểu-thuyết-mới Và về mặt kỹ thuật, phong trào tiểu-thuyết-mới của Pháp cũng tiếp tay đắc lực một số nhà văn Miền Nam. Cho đến 1945, các tiểu thuyết gia Việt Nam dù viết loại truyện nào, dù theo khuynh hướng nào, vẫn diễn đạt trong khuôn khổ truyền thống Tây phương. Không mấy ai tính chuyện vượt ra ngoài mẫu mực của những Balzac, Tolstoi, Dostoievski v.v..., mẫu mực đã thành hình từ thế kỷ trước. Sau Thế chiến thứ hai, có những cố gắng táo bạo để phá vỡ cái truyền thống ấy, mở một chân trời mới cho tiểu thuyết, đem đến cho bộ môn này những khả năng mới. Hoặc trước kia người ta vẫn kể truyện theo sự diễn tiến của câu chuyện, theo thứ tự thời gian; sau này người ta đảo lộn diễn tiến của cốt truyện, xáo trộn thứ tự thời gian (briser the récit linéaire et chronologique). Hoặc trước kia vẫn dùng ngôi thứ ba, kể truyện trong tư cách một người đứng bên ngoài, bên trên các nhân vật, sau này có kẻ làm như hòa đồng với nhân vật, chuyển thẳng vào tác phẩm những ý tưởng âm thầm, chưa thành lời của nhân vật, chuyển những cái ấy dưới hình thức độc thoại nội tâm (monologue intérieur). Hoặc trước câu chuyện thuật lại như thể được nhìn từ một quan điểm duy nhất; sau này có những truyện được nhìn từ nhiều quan điểm khác nhau, cùng một sự việc dưới cái nhìn của nhân vật này khác hẳn dưới cái nhìn của nhân vật khác; thuật truyện như thế tác giả làm như lật qua lật lại câu chuyện, hết xem bên này lại xem phía bên kia, làm cho sự thực hiện ra toàn vẹn hơn (multiplier les points de vue à l’intérieur du récit). Hoặc giả trước kia thường thường trong mọi thiên truyện chỉ dùng một lối thuật sự mà thôi; sau này người ta có thể sử dụng nhiều lối khác nhau, ghép lại: một mẩu tin tức truyền thanh bên cạnh một câu chuyện do hành khách trao đổi với nhau trên xe buýt, bên cạnh một bài báo, một đoạn truyện truyền thống v.v... (juxtaposer des modes narratifs divers). Hoặc giả trước kia người ta vẫn kết cấu thiên tiểu thuyết bằng cách trình bày diễn tiến các tình tiết của một cốt truyện; sau này có kẻ loại bỏ vai trò của cốt truyện, tìm những mô thức kết cấu khác hơn là dõi theo diễn tiến cốt truyện (des schémas de structuration autre que le développement de l’intrigue) v.v... Một số sáng tác của Võ Phiến vào giai đoạn sau như ‘Cái còn lại’, ‘Đọc sách’ (trong cuốn Ảo ảnh), ‘Một ngày để tùy nghi’ (trong cuốn Phù thế)..., có thể bảo là truyện, cũng có thể bảo không xem là truyện được. Giống như tiểu thuyết, nó có một số nhân vật, có những suy tầm và phát giác về tâm hồn con người, về cuộc đời. Nhưng nó lại không có cốt truyện, không có diễn biến tình tiết gì. Nó không có cái kết cấu của một câu chuyện; lại phảng phất cái thi vị của thơ tản văn. Cái kết cấu chú trọng đến một tiết điệu hài hòa, đến bầu không khí chung, hơn là đến tình tiết sự việc trong câu chuyện. (Ngay những tác phẩm ra đời sớm hơn như ‘Lại thư nhà’, ‘Ngày xuân êm đềm’ (trong cuốn Thư nhà) cũng đã xa dần cốt cách của loại truyện truyền thống.) Sau 1964 một số tác giả lớp trẻ cũng đem ra thí nghiệm các quan niệm tiểu-thuyết-mới: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đông Ngạc v.v... Sử dụng các kỹ thuật mới sớm nhất có lẽ là Dương Nghiễm Mậu. Trong cuốn truyện dài Con sâu chẳng hạn, “tôi” không hẳn là một nhân vật nào, khi là nhân vật này khi lại là nhân vật nọ; sự chuyển vị xảy ra thoăn thoắt làm nổi bật sự thay đổi đột ngột những quan điểm nhìn sự việc khác nhau. Dương Nghiễm Mậu lại có cái hay là mặc dù sử dụng kỹ thuật Tây phương ông vẫn giữ được cốt cách dân tộc: đọc ông người ta không hề cảm thấy dấu vết ảnh hưởng ngoại lai, người đọc bất cứ ở trình độ nào cũng thấy thoải mái, thấy một bầu không khí quen thuộc. Tiểu-thuyết-mới ở Pháp là một phong trào khá ngắn ngủi, số tác giả tham gia không nhiều, ảnh hưởng trong quần chúng không sâu rộng. Như thế, nếu nó không thay đổi được gì lớn lao trong tình hình tiểu thuyết ở ta, điều ấy không đáng lấy làm lạ. Dù sao, nó cũng đã góp thêm một số kỹ thuật, nó đã làm cho các nhà văn sau này có quan niệm khoáng đạt hơn về tiểu thuyết. Tiếp xúc với một số sáng tác từ thập niên 60 về sau, thường bắt gặp những lối kết cấu phóng khoáng, đa dạng, cởi mở hơn trước. PHÂN LOẠI Tiểu thuyết thời kỳ 54-75 ở Miền Nam có mấy loại, có bao nhiêu khuynh hướng? Tình hình đại khái có giống với hồi tiền chiến chăng, hay đã hoàn toàn đổi khác? Có người bảo rằng phải dùng một cách phân loại khác hẳn mới theo kịp cái phức tạp của thời này; có người lại chỉ chia ra vài loại, đơn giản đến cùng. Chúng tôi khbông đi sâu vào vấn đề, không sắp xếp vị trí từng tiểu thuyết gia vào từng dòng, từng loại, từng khuynh hướng. Tuy vậy tưởng cũng nên có một cái nhìn khái quát để xem trên con đường phát triển về phương diện này, tiểu thuyết nó đi về đâu? có liên quan như thế nào với quá khứ? Từ ngày chúng ta bắt đầu viết tiểu thuyết theo quan niệm Tây phương, đã có nhiều cách phân loại về bộ môn này. Thoạt tiên, ở một thời kỳ mà tiểu thuyết Việt Nam chưa kịp phát triển, Dương Quảng Hàm chỉ thấy có bốn khuynh hướng: 1. Khuynh hướng về học thuật — 2. Khuynh hướng lãng mạn — 3. Khuynh hướng xã hội — 4. Khuynh hướng tả thực[11]. Sau đó, Vũ Ngọc Phan, gần đến giai đoạn phát triển cuối cùng của tiểu thuyết Việt thời tiền chiến, đã phân chia tiểu thuyết làm mười loại: 1. Tiểu thuyết phong tục — 2. Tiểu thuyết luận đề — 3. Tiểu thuyết luân lý — 4. Tiểu thuyết truyền kỳ — 5. Tiểu thuyết phóng sự — 6. Tiểu thuyết hoạt kê — 7. Tiểu thuyết tả chân — 8. Tiểu thuyết xã hội — 9. Tiểu thuyết tình cảm — 10. Tiểu thuyết trinh thám[12]. Đến năm 1972, Doãn Quốc Sỹ cũng đưa ra một bản phân loại mười khuynh hướng nữa, có đôi chỗ khác với bản Vũ Ngọc Phan, nhưng sự khác biệt không lấy gì làm quan trọng[13]. Cũng trong năm 1972, Bùi Xuân Bào cho xuất bản một tác phẩm bằng Pháp văn, nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tức cuốn Le roman vietnamien contemporain (1925-1945) [14]. Cách phân loại trong tác phẩm của ông Bùi biệt hẳn ra một lối. Xét riêng về sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam trong thời toàn thịnh tiền chiến, từ 1932 đến 1945, ông chia ra làm hai giai đoạn, trong mỗi giai đoạn ông thấy có hai dòng: một dòng hiện thực (gồm những loại tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết xã hội), và một dòng nữa hoặc có tính cách lãng mạn (gồm những loại truyện tình yêu lý tưởng, truyện người hùng, tiểu thuyết ấn tượng v.v...), hoặc gồm những loại tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết hoài cổ, tiểu thuyết tâm lý. Trong cách phân loại của ông Bùi, cái dòng quan trọng hơn các loại. Theo quan niệm của ông thì giữa những truyện đường rừng, truyện ma quái của Tchya, Lan Khai, truyện nguời hùng của Lê Văn Trương, với loại truyện luận đề của Nhất Linh có một điểm chung khiến chúng gần gũi nhau, đó là cái tính lãng mạn. Ở đây không phải chỉ có sự sắp xếp, liệt kê các loại, các khuynh hướng tiểu thuyết; mà còn có một cố gắng giải thích lý do phát triển của mỗi dòng mỗi khuynh hướng trong từng giai đoạn, căn cứ trên tình hình xã hội, kinh tế... Ngoài ra, hồi tiền chiến còn có cách phân loại của Nguyễn Xuân Huy trong cuốn Viết và sống: Tìm nghĩa văn học [15]. Theo ông Nguyễn Xuân Huy này thì có hai hạng văn sĩ, hai thứ văn học: Một là văn học phản tiến hóa, gồm: a. Những tác phẩm phản ảnh tinh thần thỏa mãn với hiện tại. b. Những tác phẩm phản ảnh tinh thần trốn hiện tại. c. Những tác phẩm phản ảnh tinh thần hoài cổ. Hai là văn học lợi tiến hóa, gồm: a. Những tác phẩm phản ảnh tinh thần bất bình với hiện tại. b. Những tác phẩm phản ảnh tinh thần dám nhìn thẳng vào thực tại. c. Những tác phẩm phản tinh thần nhìn về tương lai.[16] Người ta thấy ngay đó là quan điểm của một tác giả cộng sản. Ông Bùi nhận xét: “hẹp hòi một cách lạ lùng” (étonnament étroite). Ba mươi năm sau, một tác giả cộng sản khác phân chia “một cách rạch ròi” làm ba khuynh hướng: một là tiểu thuyết lãng mạn, hai là tiểu thuyết hiện thực phê phán, ba là những thứ... táp nham (như tiểu thuyết người hùng của Lê Văn Trương, tiểu thuyết của nhóm trốt-kýt Hàn Thuyên, tiểu thuyết khiêu dâm, kiếm hiệp, trinh thám v.v...)[17] Về văn học Miền Nam sau 1954, một tác giả cộng sản khác là ông Phạm Văn Sĩ, trong phần phụ lục cuốn Văn học giải phóng Miền Nam cũng thấy có hai thứ văn học: một thứ phản động gồm có văn chương chống cộng, văn chương nhân vị duy linh và văn chương hiện sinh; một thứ tiến bộ gồm có văn chương hiện thực phê phán, và văn chương yêu nước và cách mạng. Dàn ra như thế, nhưng dẫn chứng thì qua quít sơ sài. Đại khái, các ông Nguyễn Xuân Huy, Phan Cự Đệ, Phạm Văn Sĩ, không khác nhau: vẫn một mực đứng trên lập trường chính trị chia văn học ra hai thứ chính tà minh bạch. Chúng ta không cần lặp lại lời nhận xét của ông Bùi Xuân Bào trên đây. Còn ông Cao Huy Khanh, người đã dành ra cả một cuốn sách nghiên cứu về tiểu thuyết Miền Nam trong khoảng thời gian 1954-73, thì cho rằng không thể dùng cách phân loại Vũ Ngọc Phan vào tiểu thuyết Miền Nam sau này, bởi vì quan niệm ấy “chỉ áp dụng được đối với những thời kỳ văn học có nếp sinh hoạt tương đối giản dị, còn riêng đối với những thời kỳ văn học phức tạp (đôi khi phức tạp quá đến chỗ hỗn độn) như thời Hiện đại thì không thể dùng được một cách có ích lợi.”[18]. Chúng ta không có được tác phẩm của ông Cao, không biết được ông phân loại như thế nào. Mỗi người có thể có một cách phân loại riêng. Dĩ nhiên cũng có cách hay cách dở, nhưng mỗi cách được nghĩ ra là tùy theo quan niệm văn nghệ từng người, tùy theo mục đích biên soạn từng tác phẩm, cho nên xin khỏi đi sâu vào các ưu khuyết dị biệt làm gì. Chỉ xin ghi nhận rằng, (bỏ qua nhận định hẹp hòi và thiên lệch của cộng sản sang một bên), nhìn chung, từ thời Dương Quảng Hàm đến nay riêng một bộ môn tiểu thuyết đã phát triển thật xa, càng ngày càng phân chia ra làm nhiều khuynh hướng, nhiều loại. Dương Quảng Hàm chỉ thấy có bốn khuynh hướng, đến Vũ Ngọc Phan đã phải xếp vào mười loại khác nhau, thế mà về sau Cao Huy Khanh còn cho là thời 54-75 văn học phức tạp hơn nhiều nữa. Xu hướng phát triển từ giản đơn đến phức tạp là thuận lẽ tự nhiên; mặc dù sau 1954 có một số khuynh hướng tiểu thuyết tiền chiến mất đi nhưng chắc chắn có một số khác lại xuất hiện thêm, chúng tôi tin lời ông Cao về câu chuyện phức tạp. Duy ta có thể phân vân tự hỏi: Cái phức tạp nọ phải chăng đã tới độ thay đổi tận căn bản tình hình văn nghệ sau 1954 đến nỗi sau này không còn dùng được cách phân chia khuynh hướng trước kia? Theo chỗ tôi nhận thấy, môn loại và khuynh hướng có thêm có bớt, nhưng trên đại thể không có sự xáo trộn quá đáng. Chúng ta không dứt lìa quá khứ. Những tác giả như Nhật Tiến, Nguyễn Thị Vinh, Phan Du, Linh Bảo, Võ Hồng v.v... rất được độc giả lớp sau hoan nghênh mà vẫn viết như tiền chiến, và thiết tưởng rất có thể tìm được một chỗ thích hợp trong bản phân loại Vũ Ngọc Phan không khó khăn. Vả lại xóa cả cái cũ để sắp xếp lại e làm cho chúng ta mất phương hướng, khó bề theo dõi đuợc con đường chuyển biến của bộ môn tiểu thuyết từ thời kỳ nọ sang thời kỳ kia. Chuyển biến thường thường do những phản ứng chống lại cái cũ: chủ nghĩa lãng mạn là một phản ứng chối bỏ chủ nghĩa cổ điển, khuynh hướng tượng trưng trong thi ca là phản ứng chống lại khuynh hướng lãng mạn, rồi tiểu-thuyết-mới là một phản ứng đối với thứ tiểu thuyết gọi là hiện sinh v.v... Sau 1954 Miền Nam vẫn còn những nhà văn tiếp tục viết tiểu thuyết theo quan niệm truyền thống, nhưng quả nhiên đồng thời có một phản ứng chống lại truyền thống. Sự chống đối vượt ra ngoài phạm vi tiểu thuyết, phạm vi văn nghệ; sự chống đối ấy bao trùm cả nếp sống trong xã hội, cả nếp tư tưởng, cả phong cách con người, cả bút pháp các nhà văn như chúng ta đã thấy. Vậy có lẽ tiểu thuyết thời kỳ 1954-75 nên chia ra làm hai dòng: một dòng truyền thống và một dòng phản truyền thống. Trong cái dòng truyền thống, có thể gặp lại một số khuynh hướng hồi tiền chiến, và để sắp xếp vẫn có thể dùng bản phân loại Vũ Ngọc Phan, với ít nhiều gia giảm. Chẳng hạn: Khuynh hướng luận đề: Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Nhất Hạnh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mộng Giác... Khuynh hướng xã hội: Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh, Nguyễn Thụy Long... Khuynh hướng phong tục: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam... Khuynh hướng tình cảm: Linh Bảo, Thanh Nam, Nhã Ca, Nguyễn Thị Vinh, Văn Quang... Khuynh hướng luân lý: Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Võ Hồng... Khuynh hướng tâm lý: Nhất Linh, Tường Hùng... Khuynh hướng tả chân: Nguyễn Đình Thiều, Thế Uyên... Phản ứng lại truyền thống, hoặc người ta phản ứng bằng cách ngờ vực các giá trị cũ, nêu ra các thắc mắc suy tư; hoặc phản ứng bằng cách chống lại nếp sinh hoạt cũ, sống theo một quan niệm khác hẳn; hoặc giả trong phạm vi văn nghệ thì người ta phản ứng lại bằng cách chuyển hướng sáng tác theo một quan điểm nghệ thuật mới. Như vậy dòng tiểu thuyết phản truyền thống, có thể chia ra những khuynh hướng như sau: Phản ứng trong suy tưởng: Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu... Phản ứng trong nếp sống: Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử, Nguyễn Đình Toàn, Trần Thị NgH, Lệ Hằng... Phản ứng trong bút pháp: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đông Ngạc... Hai khuynh hướng đầu thường được gọi chung là khuynh hướng hiện sinh; khuynh hướng thứ ba là tiểu-thuyết-mới. Kể ra giữa truyền thống với phản truyền thống cũng không đến nỗi xa lạ hẳn nhau: Văn Quang viết về tình yêu, Nguyễn Thị Hoàng với Chu Tử cũng viết về tình yêu: Nhã Ca có nhiều truyện ái tình, Trần Thị NgH cũng thế, đề tài và chủ đích giống nhau, tất cả có thể xếp chung cùng một chỗ với nhau lắm. Tuy nhiên vì cái phong cách yêu đương mỗi bên mỗi khác, mà cái khác nhau trong phong cách ấy phản ảnh cả một sự thay đổi sâu xa trong xã hội, trong lòng người mỗi thời, vì vậy nên tách biệt vào hai dòng khác nhau. ĐẶC ĐIỂM Có lần, nhân phê bình Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan có một nhận định khái quát về tiểu thuyết Việt Nam. Ông bảo: (...) “ai đã có con mắt quan sát, đều phải công nhận rằng ở nước ta, khi muốn viết một truyện ngắn hay một truyện dài cho đúng sự thật mà lại nồng nàn, đặc sắc không những thiếu nhân vật, mà còn thiếu cả cảnh nữa. Nhà tiểu thuyết Việt Nam không khỏi có lúc phàn nàn: Thật thiếu hẳn ‘phông’ để viết cho thành một truyện có hứng thú. Không phải nói một giọng khinh bạc, chứ thật ra ở nước ta đã thiếu hẳn màu, thiếu hẳn hình, hẳn bóng, và điều quan hệ là thiếu cả cái cuộc đời thâm trầm, bí ẩn và nồng nàn, cái cuộc đời về tinh thần căn cứ vào một khuôn khổ tôn giáo cao cả hay một nền xã hội rộng rãi. Ai dám bảo người dân quê Việt Nam ta đã có một cuộc đời phiền phức như người dân quê Pháp dưới ngòi bút sáng tác của Roger Martin du Gard, hay như người dân quê Ả-rập dưới ngòi bút dịch thuật của bác sĩ Mardrus? Ai dám bảo những cảnh vật dưới trời Nam ta rực rỡ và có muôn hình nghìn trạng như những cảnh vật ở Nhật hay ở Tàu? Một văn sĩ cũng như một họa sĩ, đứng trước một người mặc áo màu nâu, bên cạnh một thửa ruộng mà đất cũng màu nâu nốt, lại dưới một trời thu cũng như dưới một trời đông, hay dưới một trời xuân cũng như dưới một trời hạ, thì dù có sẵn một cây bút xuất sắc cũng khó vẽ nên những màu tươi tốt được”[19]. Một nhà phê bình khác là Bùi Xuân Bào cùng viết về thời kỳ tiền chiến này, cũng có mấy nhận định tổng quát. Theo ông Bùi thì: “Hai nhân vật được nhiều cảm tình nhất trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là nông dân và phụ nữ. Cứ mỗi lần một tiểu thuyết Việt Nam nói đến đời sống thôn dã, dù thuộc khuynh hướng lãng mạn hay hiện thực, dù viết truyện phong tục hay truyện xã hội, bao giờ tiểu thuyết gia ấy cũng mô tả các người dân quê bằng những nét cảm động (...). Mặt khác, qua một số lớn tiểu thuyết gia hiện đại, người ta nhận lại được những nét cố hữu của người phụ nữ Việt Nam. Thói quen cố gắng, dẻo dai, các đức tính thủy chung, nhẫn nhục và hi sinh, những cái ấy không hề làm suy giảm tính nết dịu dàng và lòng thiết tha muốn yêu và được yêu của người phụ nữ.”[20] Ông Bùi lại thấy rằng chúng ta không có “những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hay tiểu thuyết hành động lớn”[21]. Sau cùng ông Bùi tiếc rằng “so với toàn thể dân số thì số quần chúng độc giả học thức hãy còn quá ít oi. Vì vậy họ (các nhà văn Việt Nam hiện đại) bị bắt buộc phải viết nhanh để kịp nộp bài cho các tạp chí và nhật trình. Họ khó lòng dốc tâm vào những công trình dài hơi và sâu xa.”[22] Các nhận xét ấy đối chiếu với tình hình tiểu thuyết sau 1954 đại khái vẫn còn đúng, ngoại trừ trường hợp của nông dân và phụ nữ. Người dân quê Người dân quê, không phải họ mất cái cảm tình của các nhà văn nhưng họ vắng bóng dần dần trên sách báo. Những tiểu thuyết gia thuộc giai đoạn 54-63 có viết về dân quê, và đa số các người dân quê được nói đến trong các tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Võ Hồng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, đều đáng yêu. Nhưng lớp tiểu thuyết gia trẻ tuổi thuộc giai đoạn sau thì chẳng mấy ai nói đến dân quê nữa. Có thể hầu hết những nhà văn này sinh ra hay lớn lên ở đô thị; cũng có thể vì tình hình an ninh ở nông thôn về sau đâm ra tồi tệ, làm cho nông thôn cách biệt hẳn thành thị, làm cho người dân quê khuất dạng và cái sinh hoạt đồng quê mờ nhạt hẳn trong kỷ niệm của lớp tác giả và độc giả ở đô thị. Người phụ nữ Còn người phụ nữ thì không lúc nào vắng bóng, nhưng cái tình cảm dành cho họ trở nên phức tạp hơn xưa. Trước hết, người mẹ thì vẫn giữ được trọn vẹn cảm tình, nếu không phải là một thứ cảm tình thiết tha hơn. Thuở bình thời người ta thương mẹ một phần, lúc chiến tranh trải qua tai ương hoạn nạn càng thương mẹ đến đôi ba phần: trong hoàn cảnh như thế còn ai trên đời lo lắng cho ta hơn mẹ. Cho nên khắp nước vang lên một điệu kêu thương mẹ Việt Nam, mẹ đau thương, mẹ gầy còm v.v... Bằng nhạc, bằng thơ, bằng họa, bằng tùy bút, hồi ký, và dĩ nhiên bằng tiểu thuyết nữa. Tai ương hoạn nạn cũng kích thích mạnh cái tình cảm đối với vợ con: trong thời 54-75 các thi sĩ nói rất nhiều về vợ và con. Thơ cho con trai đầu lòng, cho đứa mới sinh, sắp sinh, cho vợ yêu v.v..., những bài thơ như thế chắc chắn không có thời nào xuất hiện nhiều như thời này. Thời mà Thượng Đế chết, mà cả cuộc sống trở nên vô nghĩa, hư ảo v.v.. thì các cục cưng trở nên thật và lớn lao hơn bao giờ hết. Tuy vậy cái tình cảm dành cho người vợ và người yêu trong thời kỳ này có chỗ phức tạp rắc rối hơn trước nhiều. Nghịch cảnh oan khiên thử thách có khi làm cho tình thêm nồng nàn, người thêm cao cả quí giá vô ngần; lại có khi gây nên đổ vỡ, thù hận không nguôi. Vả lại trong hoàn cảnh xã hội loạn lạc, yêu đương cuồng vội, người đàn bà nết na nhất trên đời cũng dễ đánh rơi mất những đức tính cố hữu của mình. Ấy là chưa kể có những trường hợp phũ phàng, các tác giả trút nỗi bất bình đối với cuộc đời, đối với xã hội, lên đầu những nhân vật phụ nữ tệ bạc. Bằng nét bạo liệt. Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca... từng vẽ nên những hình bóng đàn bà dữ dằn. Trong truyện ‘Bạc như vôi’[23], Nhã Ca kể chuyện mẹ con cô Nhiên: cô con gái thù hằn khinh bỉ người mẹ lẳng lơ lang chạ để nhục cho mình, cô ta thủ sẵn một con dao đón chận một thằng cha bần tiện vẫn ngủ với mẹ mình hỏi thẳng vào mặt xem có phải “hắn” là cha mình không? “Hắn” lính quýnh không trả lời được, cô gái vụt con dao, thằng cha nọ lách mình chuồn êm y hệt một đứa... bần tiện. Còn lại một mình, đến lượt cô gái kêu trời, không biết cái thai chính mình đang mang trong bụng là của ai, của thằng bồ nào! Tuy với nét bút không mãnh liệt nhẫn tâm như thế, Nguyễn Đình Toàn, Lệ Hằng cũng phác họa lắm mẫu phụ nữ kỳ lạ. Trong thiên truyện ‘Đóm lửa’[24] của Nguyễn Đình Toàn, một cô ca sĩ khao khát danh vọng không coi chồng con ra gì, sẵn sàng bỏ chồng đi làm bé bất cứ một nhân vật nào tạo được cho mình cơ hội nổi tiếng. Cô ta nói những điều rồ dại đến nỗi người chị phải kêu: “Nổi tiếng như thế ăn cứt còn hơn.” “Nổi tiếng”, đó không phải là một khao khát của phụ nữ ngày xưa. Thời thế đổi thay, địa vị mới của phụ nữ trong xã hội không khỏi ảnh hưởng đến tính tình, phong cách, nết na của họ. Vả lại hồi trước hầu hết tiểu thuyết gia thuộc nam phái, họ nhìn về phía nữ giới với con mắt trìu mến; sau này có nhiều nữ tiểu thuyết gia, đàn bà nhìn nhau cách khác. Đến như cái nhận xét về tình cảnh nhà văn ở xứ ta thường phải viết vội vàng, không có dư thì giờ để chuẩn bị, nghiền ngẫm chín chắn về tác phẩm nghệ thuật, để xây dựng những công trình dài hơi sâu sắc, thì bây giờ ta phải buồn rầu nhận rằng tình cảnh vẫn chưa khác trước là bao. Số người học thức có tăng, số lượng độc giả cũng có tăng, nhưng nhu cầu trong đời sống nhà văn cũng mỗi ngày mỗi tăng theo cái đà chung của xã hội mới, cho nên sống bằng ngòi bút ở nước ta vẫn cứ là chuyện gian nan. Nói chung, hầu hết những nhà văn chuyên nghiệp đều phải làm việc vội vã. Cái hùng vĩ bao la Sau cùng xin trở lại với ý kiến của Vũ Ngọc Phan. Cái hay cái dở ở đâu cũng có; thiết tưởng không thể nói Tây, Tàu, hay Nga, Mỹ viết hay hơn ta, cũng không thể nói ta viết hay hơn hay kém thua Thái-lan, Ấn-độ, Phi-luật-tân v.v... Nhưng quả thực khi đọc một số tiểu thuyết của Nga của Tàu, tôi có cảm tưởng về cuộc sống phiền tạp, mênh mông, cảm tưởng trước một cái gì bát ngát bao la, điều không mấy khi bắt gặp ở tiểu thuyết Việt Nam. Chúng ta có thể làm nên tác phẩm đẹp đẽ, hoàn thành những công trình tuyệt xảo, tuyệt đẹp, nhưng là công trình gọn gàng, vừa vặn, mực thước, phải chăng. Ta không có cái phiền tạp bao la của Nga của Tàu, và hình như ta cũng không có cái ác liệt của Nhật chẳng hạn. Trong một cuốn tiểu thuyết nọ của Nhật có người yêu một cô gái mù, cô gái gặp nạn hỏng cả gương mặt xinh đẹp và cực kỳ đau khổ với cái ý nghĩ anh chàng kia trông thấy khuôn mặt bị hủy hoại của mình; anh chàng hiểu ý người yêu, lặng lẽ cầm cây kim đâm luôn vào cả hai mắt mình thành đui hẳn! Ấy là chưa kể những cảnh người mổ bụng tự tử nhan nhản. Những cái quá đáng, dữ dội như thế — quá đáng trong sự hung bạo cũng như trong hi sinh thánh thiện — làm ta cảm thấy rờn rợn trước sự bí hiểm của tâm hồn con người. Ở ta cảnh vật thì êm đềm, cuộc sống bình thường thì phẳng lặng, nhạt nhẽo, giản dị, tầm thường (nhạt nhẽo, giản dị, tầm thường là những chữ của Vũ Ngọc Phan dùng trong đoạn nói về Thạch Lam). Dân tộc ta không hay có hành động ngoạn mục: những hi sinh cao cả nhất thường thường cũng âm thầm, lặng lẽ, ẩn dưới một bề ngoài giản dị. Tại sao vậy? Ông Vũ nói đến cái thiếu một “cuộc đời về tinh thần căn cứ vào một khuôn khổ tôn giáo cao xa hay một nền xã hội rộng rãi.” Quả có thế chăng? Hay hoặc giả nước ta vốn nhỏ hẹp, nên tác phẩm nghệ thuật của ta không phản ảnh được cái lớn lao? Ở những quốc gia rộng lớn như Nga, như Tàu cảnh trí muôn nghìn vẻ khác nhau: có núi cao sông dài, có sa mạc ngút ngàn, mà cũng có hồ bể mênh mông, có nóng bức mà cũng có buốt giá tuyết băng v.v...; ở những quốc gia như thế có những bộ lạc sơ khai đồng thời lại có hạng trí thức nổi danh khắp thế giới, có hạng nghèo khó cùng cực cũng có cảnh xa hoa phú quí tột trần v.v... Tầm mắt của nhà văn xứ họ thật rộng rãi, những điều mắt thấy tai nghe của họ phong phú vô ngần. Còn ta nước nhỏ đất hẹp, cái gì cũng vừa phải, cũng trung bình. Dân nghèo có nghèo, nhưng không tìm đâu ra cô gái nghèo đến nỗi vào ở rừng đến mọc lông trắng; vua chúa thì giàu sang nhưng cũng chẳng có gì là quá lộng lẫy. Chúa Nguyễn trong khi tiếp chuyện nhà sư Thích Đại Sán nghe đám cháy cũng vội vã bỏ khách chạy đôn chạy đáo đốc thúc cuộc chữa cháy đến mệt nhoài, không khác gì một lão phú hộ nhà quê. Và mãi sau này trong số các ông hoàng bà chúa ở Huế, có lắm mệ cũng túng quẩn “chém” củ khoai đều đều, y hệt bách tính. Có phải đó cũng là một lý do của cái tầm thường giản dị trong nghệ phẩm ta chăng?[25] Dù sao nét tâm hồn đặc biệt của dân tộc không chỉ thể hiện trong tiểu thuyết mà thôi, người ta có thể nhận thấy ở khắp các ngành nghệ thuật khác. Về kiến trúc, trong quá trình lịch sử lâu dài nhiều nghìn năm chúng ta không có những công trình đồ sộ, chót vót, không có những giáo đường cao, những chùa chiền thực sự qui mô, những thành quách như Vạn Lý Trường Thành bên Tàu, như lâu đài các sứ quân bên Nhật, như Đế Thiên Đế Thích bên Miên v.v... Về hội họa điêu khắc, chúng ta không có những bức họa to, những pho tượng lớn. Ngày xưa, chúng ta cũng không có trường ca, chỉ có những câu hát nho nhỏ, xinh xinh. (Sau này ở Miền Bắc có chủ nghĩa cộng sản — tác động trên tâm hồn như một thứ tôn giáo — lại có cuộc chiến tranh tàn khốc, có cảnh sống nghèo cực tận cùng, có những yếu tố thay đổi hẳn hoàn cảnh “tầm thường, nhạt nhẽo”. Tuy nhiên chế độ độc tài làm cho người nghệ sĩ lúc nào cũng ngay ngáy lo lắng về lập trường, chính sách, làm cho dụng ý thuyết phục tuyên truyền lộ rõ trong từng câu từng lời, thái độ ấy không làm nên được tính cách lớn lao trong tác phẩm mà chỉ tạo ra những nhân vật rập khuôn, vô hồn, ngô nghê. Thật đáng tiếc, vì trong lớp trẻ ở Miền Bắc có những nghệ sĩ có tài, chịu tu dưỡng công phu, bỏ nhiều thì giờ tiếp xúc với thực tế, quan sát ghi nhận chu đáo về từng nhân vật, sự việc, khung cảnh trước khi đưa vào tác phẩm.) Trong khi ấy ở Miền Nam trong hai chục năm sau này cũng không hiếm những biến cố vượt quá mức “tầm thường”, có thể cung hiến đề tài xứng đáng cho những tác phẩm vừa “đúng sự thật” vừa “nồng nàn, đặc sắc”, nhưng hầu hết các tiểu thuyết gia lại được tự do chọn... sống xa những hoàn cảnh gay cấn, nên không phản ảnh được cái thực tại nồng nàn đặc sắc của thời kỳ này. Những trận chiến đấu hào hùng khốc liệt, những cảnh hi sinh cao cả, những tàn sát dã man, những đau thương đứt ruột v.v... thường gặp trong các cuốn bút ký, các thiên phóng sự mà hiếm thấy trong tiểu thuyết. Phóng sự, bút ký, hồi ký do ký giả chiến trường, do quân nhân từng dự chiến về ghi chép; tiểu thuyết do các nhà văn vốn thường chọn sống ở đô thị, chọn tới lui những chốn an toàn như tòa soạn, như... phòng trà ca nhạc. Họa hoằn mới có những trường hợp một vài tiểu thuyết gia bị kẹt trong khu vực “nóng” (như Nhã Ca trong tết Mậu Thân chẳng hạn), và mặc dù suốt thời gian mắc kẹt chỉ lo trốn nấp trong nhà trong hầm, bà vẫn có chất liệu để viết nên những tác phẩm thật nồng nàn. Như vậy, đa số các tiểu thuyết gia Miền Nam, về phương diện này lại cũng đáng tiếc nữa: họ bỏ mất cái cơ hội dành cho những cuốn “tiểu thuyết hành động lớn” mà ông Bùi Xuân Bào cho là từ trước đến nay ta vẫn thiếu. Ngoài Bắc nhà văn chịu “đi thực tế” nhưng thiếu tự do; trong Nam nhà văn được tự do mà lại ít chịu khó “đi thực tế”. Vào thời kỳ sau 1954 ở Miền Nam có nhiều cố gắng tạo dựng những bộ trường thiên tiểu thuyết, những công trình qui mô để phản ảnh giai đoạn lịch sử có nhiều biến cố lớn lao từ 1945 về sau. Tuy nhiên sách có dày mà chưa phản ảnh được cái nồng nàn, sôi động, dữ dội của cuộc sống ngoài đời. Chưa phản ảnh đầy đủ. Chưa phản ảnh được bao nhiêu. Lần này chúng ta khó đổ lỗi cho cuộc sống. Dầu sao so với thời tiền chiến nhất định có thay đổi rõ rệt. Không thể bảo cuộc đời những người dân quê trong Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, cuộc đời những nhân vật trong Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu, Tình ca trong lửa đỏ của Nhã Ca chẳng hạn là những cuộc đời nhạt nhẽo, tầm thường. Viết lời giới thiệu cuốn Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập [26], Tô Hoài bảo Nguyễn Huy Tưởng “thường say sưa hình ảnh cuộc trường kỳ kháng chiến”, xem đó là “một trang sử thi hùng vĩ”, ước ao có ngày có những tác giả dựng lại được cuộc kháng chiến ấy trong những tác phẩm “tuyệt vời đẹp và vô cùng ly kỳ, hấp dẫn”. Tô Hoài nói về cuộc kháng chiến chống Pháp hồi sinh thời của Nguyển Huy Tưởng. Lâu lắm về sau thứ tác phẩm ước ao ấy vẫn chưa ra đời, và Phan Cự Đệ còn phải an ủi: “Chúng ta không nên sốt ruột lại sao bây giờ chưa có nhiều những bộ tiểu thuyết lớn phản ảnh một cách qui mô cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta trong hơn 25 năm nay. (...) Hiện nay chúng cần loại tiểu thuyết xung kích.”[27]. Lẽ nào thế? Lẽ nào chỉ cần món xung kích còn món hùng vĩ kia chỉ để ước ao dài cổ, đừng viết ra mà cũng đừng nên sốt ruột? Ở trong Nam, có cuộc kháng chiến chống cộng, nhìn từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đức, cho đến An Lộc, cũng lắm điều “vô cùng ly kỳ hấp dẫn” vậy, và cũng lại có nhiều nhà văn ước ao có ngày dựng lại những hình ảnh ấy. Sự ước ao chưa thành, ở trong Nam cũng như ngoài Bắc. Cho đến bây giờ, chưa thấy chúng ta chứng tỏ cái sở trường, hay ít ra là cái khả năng về những công trình nghệ thuật hùng vĩ bao la, mặc dù thời cuộc ba mươi năm trở lại đây trên khắp đất nước đã cung cấp cho nhà văn những đề tài sôi động, “nồng nàn, đặc sắc, đầy hứng thú.” Tóm lại, nhìn chung trong thời kỳ 54-75 ở Miền Nam bộ môn tiểu thuyết đã có một số chuyển biến thuận lợi. Sự xuất hiện một số đông tác giả nữ phái đem một không khí mới, một cái nhìn mới về cuộc đời, một lối cảm xúc mới và cả những lối diễn tả, lời ăn tiếng nói mới, khác với cái tiểu thuyết của nam giới từ xưa đến nay. Rồi ảnh hưởng của tiểu thuyết Mỹ, của quan niệm tiểu-thuyết-mới ở Pháp, của học thuyết Freud, triết học hiện sinh v.v..., một mặt tăng cường khả năng biểu hiện của tiểu thuyết ta, đem đến cho nó những dạng vẻ mới, mặt khác mở rộng phạm vi đề tài, khuynh hướng cho tiểu thuyết ta. Hơn nữa những biến thiên lớn lao và cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra trên đất nước là nguồn cung ứng đề tài đặc sắc hiếm có thời nào theo kịp. Tiếc rằng chúng ta vẫn chưa có những cuốn tiểu thuyết xứng đáng với tình hình đặc biệt ấy. Trong số các hạn chế của hoàn cảnh có thể kể ngay cái xáo trộn đảo điên ấy khiến người viết bị cuộc sống khó khăn xô đẩy dồn dập, không có thì giờ thai nghén nên công trình qui mô và sâu sắc chăng. _________________________[1] Cao Huy Khanh, ‘Vấn đề khuynh hướng trong tiểu thuyết Miền Nam từ 1954 đến 1973’, tạp chí Thời Tập, Sài Gòn, số ra ngày 15-4-1974, trang 45.[2] Duyên Anh, Áo tiểu thư, Nguyễn Đình Vượng xuất bản tại Sài Gòn năm 1971, trang 167.[3] Văn Học giải phóng Miền Nam.[4]Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Tủ sách Nghiên Cứu Sử Địa xuất bản, Montréal, Gia-nã-đại, 1979.[5]“En guerre contre les soucis didactiques et métaphysiques du roman “existentialiste”, des auteurs renouent avec the courant qui, depuis 1910, avait cherché à renouveler tous les arts.” Littérature francaise, Arthaud xuất bản, cuốn thứ 9, trang 178.[6]“... laisse de côté deux genres qui connaissent à cete époque un développement important: le roman historique et le roman de la forêt.”, Bùi Xuân Bào, Le roman vietnamien contemporain, Tủ sách Nhân Văn Xã Hội xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 56.[7] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, quyển 4, trang 964, 965.[8] Doãn Quốc Sỹ, Những ngả sông trên dòng đời, Tinh Hoa Miền Nam tái bản, Hoa Kỳ, trang 166.[9] Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 209 ra ngày 1-9-1972, trang 4 và 5.[10] Tap chí Văn, Sài Gòn, số 197. [11] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951.[12] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Tân Dân xuất bản, Hà Nội, 1942-1945.[13]Introduction to literature and fiction, Saigon Faculty of Letters, 1972.[14] Tủ sách Nhân Văn Xã Hội xuất bản, Sài Gòn.[15] Xuất bản năm 1944, tái bản năm 1953 tại Hà Nội.[16] Dẫn theo Bùi Xuân Bào, Le roman vietnamien contemporain, trang 57, 58.[17] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập I, nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1974, trang 52 và 53.[18] ‘Vấn đề khuynh hướng trong tiểu thuyết Miền Nam tữ 1954 đến 1973’, tạp chí Thời Tập, số ra ngày 15-4-74, trang 45.[19] Nhà văn hiện đại, Đại Nam (Hoa Kỳ) in lại theo ấn bản do nhà xuất bản Thăng Long in lần thứ III ở Sài Gòn năm 1960, quyển IV, tập ba, trang 1153.[20]“Les deux personnages les phus sympathiques du roman vietnamien contemporain sont le paysan et la femme. Chaque fois qu’un romancier vietnamien touche à la vie rustique, qu’il soit romantique ou réaliste, qu’il soit romancier des moeurs ou romancier social, in ne manque pas de dépeindre les gens de la campagne sous des traits touchants (...) D’autre part, à travers un grand nombre de romanciers contemporains, on retrouve les traits permanents de la femme vietnamienne. L’habitude de l’effort, de la tenacité, les vertus de fidélité, de résignation et de sacrifice, ne diminuent en elle ni la douceur du caractère ni le besion de donner et de recevoir la tendresse (...) in n’y a pas de grands romans d’aventures ou de grands romans d’action (...) le public lettré est encore très restraint par rapport à l’ensemble de la population. Ausi sont-ils obligés d’écrire vite pour fournir de la copie à divers revues et journaux. In leur est difficile de se consacrer à des ouvrages de longue haleine et profondément médités.” Bùi Xuân Bào, sđd, trang 376-380.[21] Sđd.[22] Sđd.[23] Tạp chí Vấn Đề, Sài Gòn, số Xuân 1972.[24] Tạp chí Văn, phát hành tại Sài Gòn ngày 5-12-74.[25] Tô Hoài cũng từng suy nghĩ về đặc điểm này của tiểu thuyết Việt Nam, cũng đã thử suy đoán xem vì sao ta không có công trình lớn lao. Trên tạp chí Văn Học (số 3-1972) ông viết: “Gọn, trong sáng, nhanh – đặc biệt của truyện Việt Nam (...). Truyện bộ của ta như Hoàng Lê nhất thống chí cũng thật gọn, thật trong sáng, thật nhanh. Có phải từ đặc điểm đời sống dân tộc và đất nước đã sinh ra lối kể, lối viết như thế? Có phải cuộc đời một dân tộc mà lịch sử dày đặc những gian khổ chống ngoại xâm, những khai phá mở mang, những tần tảo thắt lưng buộc bụng cả nghìn năm dựng nước chưa bao giờ biết có một lúc dừng chân đã tạo nên những cách thức cho lối truyện ấy không?... Có phải cảnh gian khó của con người và đất nước Việt Nam đã tạo nên ý chí cuộc đời thế và cũng tạo nên cả cách kể câu chuyện, lời tâm sự hay câu chuyện mua vui không thể dài dòng. Đời người hôm sớm lẽo đẽo đầu sông cuối bãi, chưa lúc nào được thư thái nhàn tàn cả.” [26] Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in tại Sài Gòn năm 1978.[27] Phan Cự Đệ, sđd, tập I, trang 264, 265.