Trên con đường từ Pittsburgh tới Titusville, đại tá luôn luôn có Hoggan và Kent theo sau - vì miền ấy vẫn còn nguy hiểm - suy nghĩ về sự ngạc nhiên thứ nhất của ông ở Pittsburgh. Việc xảy ra tại đó đáng làm cho óc tưởng tượng phong phú của ông bị kích thích tới tận bây giờ. Khi ông mới tới châu thành lớn ấy, ông nhận thấy ngay rằng kiểu kèn của dược sư Kier thịnh hành đặc biệt. Người nào cũng muốn có một cây như vậy. Kỹ nghệ làm đèn thật là phồn thịnh và dược sư bán dầu chạy hơn hồi trước nhiều lắm, hồi mà ông chỉ dùng nó làm phương thuốc trị bá chứng. Thấy vậy, đại tá rất hăng hái. Mấy hôm trước, ông thất vọng không biết làm sao cho thiên hạ thấy những ích lợi của sự phát minh của ông. Bây giờ thì ông khỏi lo nữa. Ông đã có chứng cớ rằng công việc của ông không phải là vô ích. Khi mọi người đều có kiểu đèn ấy thì thiên hạ cần biết bao nhiêu là dầu! Dầu trong giếng vẫn còn phu lên có lẽ còn lâu mới cạn, nhưng bấy nhiêu chắc cũng chưa đủ làm thoả mãn những sự đòi hỏi của khắp năm châu. Mà số dầu dự trữ của dược sư Kier thì đã gần hết. Cho nên ông tràn trề hy vọng, xin chính phủ cho ông làm chủ giếng dầu ông đã đào và cho Sam quyền khai thác cánh đồng lửa. Ông nhớ lại những nụ cười chế nhạo, mỉa mai của các nhà chức trách khi ông lại khai báo với họ. Nhưng họ không làm khó ông chút nào hết, ông được vừa ý liền. Các công chức có bổn phận ghi vô sổ những tờ khai của ông bảo nhau: - Thằng cha đó khùng, nhưng không phải hạng điên dữ tợn, nguy hiểm. Nó xin cái gì thì cho phắt đi, có hại gì cho ai đâu! Và mọi việc thu xếp xong ngay. Điều mà đại tá không biết là John River tới Pittsburgh vài ngày trước ông. Y đã quên từ lâu vụ gây lộn với ông. Ông đã thường tiền con ngựa cho y; sau, Hoggan trả ngựa lại mà ông cũng rộng rãi, không đòi lại số tiền. Cho nên y hết thù oán ông. Hơn nữa, y cũng như những dân khác trong làng, thấy đại tá thành công mà coi ông là một vị anh hùng và cho rằng ông đã làm vẻ vang cho xứ xở của họ. Ai cũng được lấy vinh dự đó và y định khoe là bạn thân của Edwin Drake. Nhiều khi họ gây lộn với nhau; đạn dược mua để săn hươu nai thì họ đem dùng để hạ sát những bạn gặp gỡ trên đoạn đường phiêu lưu của họ. River rất đỗi ngạc nhiên. Y tưởng danh đại tá ít nhất cũng được vang lừng như danh của tổng thống Mỹ, nhưng khi nói đến tên ông thì chẳng ma nào biết hết. Giấu kín nỗi buồn bực, thất vọng, y nói: - À, các bạn khôn biết tên Edwin Drake ư? Rồi đây, các bạn sẽ được nghe tên ấy. Tại Titusville, nơi tôi ở, người ta nói con người đó sẽ làm xáo trộn cả thế giới nhờ một sự phát minh mới kiếm được. - Y đã phát minh cái gì, con quái vật đó? - Dầu! - Hừ! Dầu! Ngỡ gì! Dầu! Quý báu gì thứ ấy đối với tụi hũ chìm này! Nhưng tin ấy cũng lan ra khắp tỉnh. Người ta tự nhủ: kiếm được dầu ư? Tốt lắm! Những cây đèn của dược sư Kier thật tiện lợi mà ông ta gần hết dầu bán rồi. Khi nhà nào cũng có đèn, thì phải tìm được nhiều dầu, nếu không đèn sẽ hóa ra vô ích. John River vẫn tiếp tục làm quảng cáo không công cho đại tá. - Ông Drake đã làm cho dầu vọt từ dưới đất lên. Phải. Chính mắt tôi đã trông thấy vòi dầu phun lên cao lắm rồi chảy xuống thành một dòng suối ở trên đất. Một dòng suối không bao giờ cạn. Nó chảy suốt ngày suốt đêm. Khi tôi đi, nó vẫn còn chảy. Và mọi người tự hỏi: Thật vậy không? Đại tá vừa đi vừa suy nghĩ, ông vẫn chưa hết ngạc nhiên. Hoggan đi trước để dẫn đường, thỉnh thoảng thấy vết của nhiều chỗ cắm trại và đốt lửa. Có từng bọn nhiều người hoặc ít, đã ngừng lại ở những nơi ấy, ăn, ngủ rồi lại tiếp tục đi. Đại tá nói: - Chúng ta có vẻ đi theo gót một bọn di cư. Họ đi đâu vậy? Có chuyện chi vậy? - Thưa đại tá, hình như họ cùng đi về phía Titusville. Tôi dám cá rằng khi chúng ta về tới thì Titusville không còn là một làng nhỏ nữa mà đã thành một đô thị lớn. - Họ tới Titusville làm gì vậy? Nhưng đại tá vẫn thủng thẳng đi. Vốn táo bạo và có tài mạo hiểm, ông mới hoài bão nhiều dự định khác. Ông đã không nghĩ tới giếng dầu ở bên bờ Suối Dầu nữa. Ông đã đoán đúng rằng nơi ấy có dầu. Ông tự nhủ ở những nơi khác, như miền Texas, mièn Oklahoma chẳng hạn, có lẽ cũng có dầu và ông tính đến những miền ấy để tìm thử. Ông chỉ đưa tay ra là hốt được tiền, nhưng ông có cần gì của cải. Ông là một nhà phát minh, ông làm việc không vì tiền. Họ đi suốt đêm và sáng sớm tới Titusville, họ ngạc nhiên thấy cảnh chung quanh làng náo nhiệt lạ thường. Trong có ít tháng mà dân số tăng lên vĩ đại. Đại tá hơi lo lắng bảo: - Về ngay nhà ông Smith xem sao. Ông già, Marjorie và Sam đương ngồi với nhau, vẻ mặt ủ rũ, nhưng họ tươi tỉnh hẳn lên khi đại tá bước chân vô. Ông hỏi: - Trời ơi! Có chuyện gì vậy? Mới cách không đầy ba tháng mà cái làng dở sống dở chết này đã biến thành một nhà máy lớn rồi. Ông già đáp: - Ông đã nói sẽ làm xáo trộn cả thế giới. Ông đã thành công một phần rồi đấy. Ông đã làm xáo trộn làng Titusville này trước hết. Ông thấy không? Đại tá gãi cằm, suy nghĩ: - Nếu tôi không lầm thì họ lại đây để kiếm dầu phải không? - Phải. Ngày nào làn sóng người cũng cuồn cuộn tới, bất tuyệt. Đủ các hạng người mà họ chẳng hiểu chút gì hết. Như ông, ông biết rằng phải đào sâu mới được, còn họ thì có kẻ mang leng và cuốc tới đây, hy vọng thành công với những dụng cụ thô sơ ấy. Ai nấy yên lặng một hồi lâu. Ông già buồn bực lắm ngửng đầu lên nói: - Toàn là quân vô lại, đồ du côn, cướp đường, trai tứ chiếng, giang hồ. Đó, sự phát minh của đại tá đã lôi kéo những quân như vậy lại đây. Ông Drake hiểu giọng trách móc ấy, đáp: - Ai cho họ hay sự phát minh của tôi vậy? Nếu quân đó vô lại thì phải cho chúng biết phép tắc chứ? Tôi đã trị được những đồ du côn hơn vậy nữa. Marjorie cười lớn mỉa mai: - Thưa đại tá tụi nó đông lắm. Đại tá làm gì được họ? Lại thêm dân làng đương đổ quạu với đại tá. Họ phản kháng, nói nếu đại tá không đào được dầu lửa, thì Titusville có đâu thành sào huyệt của tụi ăn cướp như bây giờ. Đại tá lúng túng một lúc, nhìn hết người nọ tới người kia, ngó Hoggan và Kent một hồi lâu rồi nói: - Tôi đã có ý muốn bỏ giếng dầu đó lại cho bà con, còn tôi, tôi sẽ đi về miền Oklahoma với hai bạn trung tín của tôi. Như vậy phải hơn. Nhưng vì ai cũng đổ lỗi cho tôi hết, ai cũng bỏ tôi hết, thì càng hay, tôi sẽ ở lại đây, đương đầu với tất cả những kẻ điên. Rồi ông ngó Sam. Chàng cảm động quá giọng run run: - Thưa đại tá, nếu ông đi Oklahoma thì tôi quyết đi theo ông. Đại tá mỉm cười: - Thế còn sản nghiệp của em? Còn ý trung nhân của em? Chính phủ đã cho phép em làm chủ cánh đồng lửa, chứng thư đây. Chịu khó đào đi và sẽ thấy dầu. Em và Marjorie sẽ giàu. Ông Smith hỏi: - Bao giờ ông đi? - Tôi không đi. Tôi cần phải mở mắt cho dần Titusville này và cho tụi vô lại mà ông nói vào khuôn phép đã. Ông già khẩn khoản: - Đi nơi khác thì hơn. Nếu ông chịu, thì chúng ta thu xếp hành lý ngay từ bây giờ. - Ông già này nói cái gì vậy? Ông đuổi tôi đi khỏi nhà ông, phải không? Ông Smith nhún vai, giọng bình tĩnh: - Ông vô lý quá. Tôi bảo "chúng ta thu xếp hành lý" mà. Nếu ông đi thì chúng tôi cũng đi với ông. Phải vậy không, Marjorie? Phải vậy không Sam? - Tôi hiểu rồi: bà con sợ mà! Sợ dân làng này hại bà con mà! Ông già thình lình nổi giận, la: - Lão mà sợ ai thì trời đánh lão đi! May phước cho ông, ông là bạn của lão và được lão mến, chứ không thì Smith này đã làm cho ông không dám hó hé, nói càn nói bậy nữa rồi. - Thôi, xin ông, đừng quạu nữa. Tôi không muốn ông vì tôi mà phải bỏ nhà bỏ cửa đâu. Sản nghiệp của anh Sam ở đây. Nếu cứ theo tôi mà lang thang suốt đời như con lạc đà qua sa mạc thì làm sao khá được? Giữ con ông ở lại, cưới vợ cho anh ấy và cứ tiếp tục vui vẻ sống. Về phía làng, văng vẳng có tiếng ồn ào. Hoggan đứng gần cửa sổ nhất, ngả người ra ngoài ngó. Tính vốn thản nhiên, chàng không thấy gì đáng lo, quay mặt vào, bình tĩnh nói: - Nếu tôi không lầm thì dân chúng biểu tình đả đảo chúng ta. Có khoảng trăm người cầm khí giới tiến về đây. Ông già lại cửa sổ: - Đúng vậy. Tụi họ hay tin ông đã về, muốn trả thù ông vì sự phát minh của ông. Đại tá nói: - Để coi. Tiếng la hét mỗi lúc một gần. Đại tá muốn ra ngoài, đã tiến lại phía cửa, nhưng ông Smith nắm tay áo, kéo lại: - Nhất là ông, ông không nên ló mặt ra. Tôi biết tụi họ, để tôi nói với họ. Đồng thời ông ra hiệu cho Hoggan, Kent và Sam giữa chặt lấy đại tá tính tình nóng như lửa. Rồi ông già ra đứng ở bực cửa, bình tĩnh đợi tụi biểu tình.