a trường hợp mà chúng tôi khảo sát, tất cả đều liên quan đến các sư cô thọ giới trong khoảng những năm 1940 đến 1950, và họ đã thành lập và duy trì các cơ sở tôn giáo có nguồn gốc truy nguyên bốn thập kỷ về trước. Cả ba vị sư cô có công xây dựng (Nand Mniyo, Nuwara Mniyo và Utter Mniyo) được thỉnh cầu đến các trú xứ khác nhau bởi các cư sĩ, hay bởi chư tăng như trong trường hợp của Nand Mniyo. Lúc bắt đầu họ tham dự vào các ‘khu cư trú’ kiểu gia đình bằng cách sống chung với các tu viện khác. Họ lưu trú ở những nơi hay trên các vùng đất bị coi là hiểm hóc, khó sống. Tuy nhiên họ vẫn kiên trì, và dần dần cũng thành công trong việc kêu gọi được sự ủng hộ để cải thiện các tu viện của họ, qua đó duy trì được các vùng đất thiêng của gia tộc, và họ trở thành “người thọ nhận thánh thiện sự cúng dường”, đồng thời cũng là “giảng sư, giáo thọ [và] học giả”. Tuy nhiên, tất cả các sư cô đã biểu lộ sự miễn cưỡng ban đầu khi phải làm chủ và quản lý mảnh đất nơi họ cư ngụ. Cả hai Nand Mniyo (lúc ban đầu) và Mettik Mniyo đều chống việc đề tên họ vào giấy chủ quyền đất. Thật thú vị là, Mettik Mniyo, khi tuyên bố, “Chúng tôi không muốn họ [các cư sĩ] phải làm vậy [viết giấy chủ quyền] chút nào…. Nếu họ cúng dường [đất], thì họ cứ làm thế”, cũng nói giống như chính sư phụ của mình, dầu Mettik Mniyo đã công nhận là thầy mình đã sai lầm khi từ chối không nhận giấy tờ chủ quyền lúc ban đầu. Tất cả các vị ni trưởng mà tôi phỏng vấn có vẻ thờ ơ, hay đúng hơn là mơ hồ khi chúng tôi đặt vấn đề về đất đai. Mettik Mniyo vẫn không chắc ai thực sự là chủ của phần đất chùa. Vị ni trưởng hiện tại của Aligoda, rõ ràng là mù tịt về những vấn đề phức tạp của đất đai, nhưng có vẻ rất tự hào khi nêu lên việc tháp xá lợi đã được xây dựng trên lô đất trước kia là ruộng lúa. Nand Mniyo, lúc đầu cũng miễn cưỡng chấp nhận giấy chủ quyền đất đề tên bà, nhưng sau rồi cũng đồng ý. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm trong lãnh vực đất đai, suýt chút nữa là chủ quyền đất ấy đã thuộc về một tăng sĩ. Có lẽ lý do của việc các sư cô không sẵn lòng nhận chủ quyền đất đai là vì học thuyết vô ngã trong Phật giáo.… Khi các chùa, tu viện của các sư cô được phát triển, tất cả họ đều phải đối mặt với những vấn đề đe dọa đến cuộc sống và quyền hạn của họ đối với đất đai. Các vị tăng sống gần Nand Mniyo không đánh giá cao các lớp giáo lý của bà. Thêm nữa, các vị tăng ở địa phương nhiều lúc cũng có ý muốn giành miếng đất mà bà đang sống. Ban đầu, một số vị tăng đã không muốn rời tu viện Aligoda, cũng tạo áp lực cho gia đình Silva. Tuy nhiên, sau khi Utter Mniyo đến ở đó, bà lại được các vị tăng trong vùng ủng hộ (trong đó có em trai của bà). Nhưng lô số 5 của tu viện Aligoda lại bị cư sĩ đe dọa, khiến cho việc phát triển của tu viện bị đình trệ. Miếng đất thuộc về tu viện Gedige có thể lớn hơn nhưng do gia đình người cư sĩ lúc đầu định cúng dường đất đó đã đổi ý, muốn sẻ đất ra bán bớt. Giống như Nand Mniyo, các sư cô tại tu viện Gedige cũng gặp khó khăn do các vị tăng trong vùng gây ra. Các vị này từ chối không chịu dùng chung con đường và chia sẻ nguồn nước giếng quí hiếm với các sư cô. Tuy nhiên, khi các tăng sĩ này quyết định rời bỏ vùng đó, họ lại yêu cầu các sư cô giúp đỡ để duy trì các lớp giáo lý mà họ đã thành lập. Vì đất đai ngày càng khan hiếm cộng với sự chống đối của các tăng sĩ đối với việc thành lập các tu viện mới (dầu là của tăng hay ni) trong địa phương đã cưu mang họ (godurugama), chúng ta không ngạc nhiên khi các vị tăng này sợ phải cạnh tranh với các sư cô. Theo truyền thống, các chùa viện không được phép tham gia vào các hoạt động tôn giáo trong vùng godurugama của chùa khác mà không có sự cho phép của vị sư trụ trì của chùa đó…. Có thể là các vị ni trưởng ở các tu viện mà tôi nhắc đến thành công hơn một số các vị khác thuộc thế hệ của họ trong việc tự khẳng định mình là nhờ lòng mộ đạo, uy tín cá nhân và khả năng giao tiếp của họ. Nand Mniyo và Utter Mniyo được các cư sĩ tán thán nhờ vào tinh thần phục vụ của họ trong việc giáo dục trẻ em ở các lớp giáo lý. Ngoài ra, cả hai cũng được chính quyền công nhận bằng cách giúp họ có được giấy tờ chủ quyền cho các tu viện của họ: nhờ đó Nand Mniyo có một nơi để sống, trong khi Utter Mniyo với giấy chủ quyền (lô số 5) đã biến nơi đó thành cơ sở để các cư sĩ đến học thiền. Dầu chính quyền cũng giúp đỡ Mettik Mniyo phần nào trong việc thiết lập hệ thống điện cho tu viện Gedige, phần lớn sự hỗ trợ dành cho tu viện này đến từ các cư sĩ. Một điều khác mà cả ba tu viện này chia sẻ là tình trạng suy tàn trong hệ thống truyền thừa của họ. Các vị ni trưởng trong những trường hợp này đã không duy trì được mối liên hệ chặt chẽ với các vị đệ tử mà họ đã truyền giới. Nand Mniyo sống một mình, và ít có các đệ tử thăm viếng, có người vì không muốn phải mâu thuẫn với thân quyến của họ vì vấn đề giai cấp, số khác muốn tìm đường tu riêng. Vimal Mniyo ở tu viện Aligoda vẫn còn giữ mối liên hệ với các đệ tử mà bà truyền giới, nhưng từ những năm đầu 1980, đã không có ai đến thọ giới tại đây. Tương tự, tu viện Gedige cũng không có các sư cô trẻ kế thừa hệ phái. Hiện nay, chỉ trừ một vị, hầu hết các sư cô ở đó đều đã ngoài bốn mươi. Có thể lúc đầu chương trình tu học chỉnh chu dành cho các sư cô trẻ ở ba tu viện này đã lôi cuốn được một số sư cô. Nand Mniyo và Nuwara Mniyo chú trọng vào việc dạy các sư cô trẻ hiểu biết về kinh điển Phật giáo, và khuyến khích họ dạy giáo lý cho trẻ em. Tuy nhiên, giờ thì Nand Mniyo đã nhiều tuổi, không thể chăm lo cho các đệ tử trẻ, mà cũng không có ai để thay thế bà. Nuwar Mniyo thì đã mất, nhưng một số sư cô ở tu viện Gedige tiếp tục theo học ở các lớp do chính phủ đài thọ trong vùng. Utter Mniyo, giờ cũng đã ra đi, rèn luyện các đệ tử về kinh điển. Sau khi bà mất, các đệ tử của bà hoặc theo học ở các lớp do chính phủ đài thọ, hoặc theo học các khóa thiền ở nhiều trung tâm thiền do chư tăng điều hành. Trong khi truyền thống có đệ tử là một cách để định đoạt việc kế thừa trong chùa viện của các tăng sĩ Phật giáo, thì việc không có sự rõ ràng của một truyền thống như thế ở ba ni viện trên đã đưa đến một định nghĩa mơ hồ về việc truyền thừa. Có thể là nếu như chùa tăng có đất đai ổn định, thu hút được nhiều đệ tử, do đó khẳng định được dòng truyền thừa của họ dựa trên đệ tử hay thân tộc, thì các sư cô, những người không mặn mà với việc sở hữu đất đai, sẽ khó nhận thức, nói gì đến việc coi trọng, các hình thức truyền thừa. Các trường hợp chúng tôi khảo sát lần nữa khẳng định rằng một người nhiệt tâm có thể lúc đầu đóng góp vào sự hình thành của một cơ sở tôn giáo, “nhưng để sự nhiệt tâm đó có thể chuyển thành một đường lối lâu dài, người ta cần thay đổi tính không màng đến kinh tế, hay vật chất”. Nói chung, tôi đã trình bày cho người đọc thấy rằng về việc xuất gia và quá trình ổn định trú xứ, chư ni rất khác với phần đông chư tăng Phật giáo ở Tích Lan. Vai trò của chư tăng đã được định hình rõ rệt trong sự gắn bó với chế độ phụ hệ, và sự phân chia gia cấp. Vì thường tham gia vào hệ thống kế thừa, chư tăng thừa hưởng và quản lý đất đai dễ dàng hơn chư ni. Thêm nữa, sự truyền thừa của họ dựa trên một hệ thống xuất gia với giáo dục hoàn chỉnh, cũng giúp họ dễ gắn bó với các sư thầy của mình. Với chư ni, vai trò lãnh đạo của các vị ni trưởng thường dựa vào uy tín cá nhân hơn là thể chế. Hơn nữa, thể chế hiện tại của chư ni cũng không tuân theo các hình thức kế thừa thông thường, do đó họ đã hình thành các ni chúng rất khác biệt với tăng chúng. Các loại tu viện mà tôi đã chọn khảo sát, có thể cũng đại diện cho một hệ thống đã tàn lụi về nhiều mặt. Từ những năm 1980, nói chung xã hội cũng đã có nhiều cố gắng để tạo cho các ni chương trình tu học giống như các tăng. Ngày càng có nhiều nữ tu từ Tích Lan có nhiều cơ hội để học lên cao trong các trường đại học địa phương, học trong các tu viện, hay các trung tâm tôn giáo ở Đài Loan hay Ấn Độ. Các thế hệ sư cô trẻ ngày nay thường hướng đến các trung tâm có những chương trình tu học hấp dẫn hơn là chỉ dựa vào uy tín của riêng vị ni trưởng. Thêm nữa, từ cuối những năm 1989, đã có những cố gắng để cho các sư cô Tích Lan được thọ các giới cao hơn ở trong và cả ngoài nước. Các trung tâm giáo dục dành cho các nữ tu sĩ tu tập để thọ các giới trọng hiện nay phần lớn đều nằm trong sự điều hành của chư tăng và cư sĩ, một sự phát triển mà trên thực tế đã loại trừ nền tảng cho một sự kế thừa tôn giáo của chư ni. Dầu có thể là sự truyền thừa lâu dài, bền vững của chư ni dần dần sẽ được hình thành. Tuy nhiên giờ vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ ảnh hưởng sự thành hình của việc kế thừa của các trung tâm tu học đã được khởi động vào những năm 1980 và sự thọ đầy đủ giới gần đây của chư ni. Kết Luận … Tuy chúng ta không nên rút ra một kết luận chung về tất cả các sư cô Tích Lan dựa trên sự khảo sát của ba trường hợp trên, nhưng tôi nghĩ là chúng cũng đủ để đại diện cho một loại tu viện có mặt ở Tích Lan khoảng những năm 1940 và 1950. Một số tu viện loại này đã không còn hiện hữu vì các vị ni trưởng đã qua đời, vì thiếu sự hỗ trợ của hàng cư sĩ, và thiếu các sư cô trẻ muốn đến trú hay tu tập tại đó. Những gì được khám phá từ các trường hợp này cho thấy lý do các sư cô không muốn nhận lãnh chủ quyền đất nơi họ đang sống, và hậu quả của hành động này, đã đẩy họ vào nhiều khó khăn và có thể là một cuộc sống rày đây mai đó. Việc thiếu đất có chủ quyền là một yếu tố khiến sự truyền thừa của các sư cô trở nên lỏng lẻo. Đệ tử của họ nếu tiếp tục sống ở các tu viện này cũng có thể sẽ phải chịu đựng những khó khăn mà những người đến sau họ không phải chịu (như chúng ta thấy rõ trong trường hợp của tu viện Gedige). Và những người rời bỏ tu viện cũng phải đối mặt với vấn đề đất đai giống như các vị bổn sư ni của họ. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta thấy rõ là chư ni, không giống như các vị tăng sĩ Phật giáo khác, không thuộc về một dòng truyền thừa nổi bật nào và không thể kế thừa đất đai một cách dễ dàng. Họ tiếp tục kéo dài một chu trình mà do sự mơ hồ về chủ quyền đất đai đưa đến mâu thuẫn giữa sự xuất ly và sự thỏa hiệp với các thế lực. Hậu quả là họ phải sống một cách khổ hạnh, rất khác với hoàn cảnh của các tăng sĩ. ° LỜI TRI ÂN Tôi hàm ân chương trình tài trợ nghiên cứu của giảng viên tại Đại học Cộng đồng Augustana năm 1995 và các chương trình tài trợ của Học viện Tôn giáo Mỹ (1996) và Tổ chức Nghiên cứu tại Đại học Cộng đồng Augustana (1997). Tất cả đã giúp tôi có thể thực hiện việc nghiên cứu cho tham luận này vào năm 1995 và 1997. Ở Tích Lan, tôi rất mang ơn sự giúp đỡ của Indira Salgado, cũng như Ananda và Rukimini Kulasuriya. Tôi cũng xin cảm ơn Paul Westman đã đọc bản thảo và có những ý kiến đóng góp sâu sắc và Elli Findly vì những điều gợi ý hữu ích…. Tên của các sư cô và nơi chốn trong tham luận này đều đã được thay đổi. °