Trở lại đường 14 - Phước Long. Mặc dầu đã được các anh lãnh đạo và chỉ huy Miền phổ biến ý định và trao đổi lấy ý kiến tham gia ngay từ cuối năm 1973 đầu năm 1974, nhưng khi thực hiện trong tôi cứ rộn lên một niềm vui khôn xiết. Đó là sự kiện Quân đoàn 4 ra đời! Bởi đây là kết quả của một nhận biết về quy luật chiến tranh cách mạng đã trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, thậm chí phải trả giá khi mà cả một thời gian dài không thấy hết vai trò của đánh lớn, trong khi đó lại tuyệt đối hoá vai trò chiến tranh du kích; chỉ thấy nổi dậy mà không thấy đầy đủ vai trò tiến công; không thấy hết vai trò quyết định của quả đấm chủ lực trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh. Muốn đánh lớn phải có công cụ để thực hiện đánh lớn - đó là các binh đoàn chủ lực đủ sức đảm đương các nhiệm vụ tiến công và phòng ngự chiến dịch, chiến dịch - chiến lược và chiến lược. Quân đoàn 4 ra đời là để cùng vói các quân đoàn khác đáp ứng yêu cầu đánh lớn của giai đoạn mới - giai đoạn Tổng tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Buổi lễ thành lập Quân đoàn được tổ chức tại căn nhà đơn sơ, khu căn cứ Trung ương Cục bên bờ suối Bà Chiếm (tây-nam thị trấn Lộc Ninh 15 ki-lô-mét). Đông đủ các cán bộ lãnh đạo chỉ huy - những người đã có công tổ chức ra các đơn vị chủ lực đầu tiên; đã trực tiếp chỉ huy nhiều đơn vị; đã theo dõi từng bước trưởng thành của khối chủ lực Miền, giờ đây lại có dịp ngồi bên nhau chứng kiến cái giây phút thật trang nghiêm và xúc động của buổi lễ lịch sử này. Ngoài các đồng chí Phạm Hùng, bí thư Quân uỷ Miền; Trần Văn Trà, tư lệnh; Lê Văn Tường, phó chính uỷ; Nguyễn Minh Châu, tham mưu trường; Trần Văn Phác, cục trưởng chính trị; Bùi Phùng, cục trưởng hậu cần Bộ chỉ huy Miền; các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn (1), còn có các đồng chí chỉ huy các đơn vị; Võ Văn Dần, Tám Tùng (Bộ tư lệnh Sư đoàn 9); Lê Nam Phong, Tư Vinh (Bộ tư lệnh Sư đoàn 7); Út Liêm, Ba Cúc (Bộ tư lệnh Sư đoàn 5); Hai Phong (đặc công); Năm Lê (pháo binh); Xuyên Khung, Bảy Tuất (công binh); Tư Hải (thiết giáp), v.v. Các đồng chí đã lần lượt bày tỏ tình cảm phấn khởi, tự hào về sự kiện thành lập Quân đoàn 4, như một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang trên chiến trường B2, có thêm sức mạnh mới, có khả năng phối hợp cùng với các quân đoàn bạn trên chiến trường miền Nam mở những chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh nhanh, giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cách mạng. Trong niềm vui đầy xúc động và ấm cúng ấy, nhiều người trong chúng tôi đều cảm thấy có một cái gì thiếu vắng? Đó là hình ảnh anh Thanh - anh Nguyễn Chí Thanh, một trong những đồng chí lãnh đạo đã dành nhiều tâm huyết vào việc xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Nam đã không còn nữar Anh được cử vào Nam Bộ đúng vào thời điểm thật sôi động, khi mà Mỹ đang chuyển từ chiến lược "chiến tranh đặc biệt" sang chiến lược "chiến tranh cục bộ" với những đơn vị Mỹ được trang bị các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh đến "tận răng" đã có mặt trên chiến trường. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trên xu thế phát triển nhưng cũng đầy ắp những thử thách và khó khăn. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Bộ chính trị và của Bác Hồ vĩ đại; từ những thực tiễn sống động mà anh tiếp cận, anh đã sớm hình thành một nhận thức vừa rất cách mạng nhưng cũng rất khoa học về chiến lược tiến công chứ không phòng ngự khi quân Mỹ nhảy vào trực tiếp xâm lược miền Nam. Và phải xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam thành những đơn vị vững mạnh đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung ngày càng lớn. Tuy chỉ hoạt động trên chiến trường miền Nam trong vài ba năm, song anh đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc về một cán bộ lãnh đạo có một nhiệt tình cách mạng sôi nổi, một tư duy năng động, sáng tạo, một đức tính trung thực, vô tư một phong cách cởi mở, chân thành; anh luôn luôn lắng nghe ý kiến mọi người, bàn bạc dân chủ, phân rõ đúng sai, kết luận dứt khoát. Anh không còn nữa nhưng trong tâm tưởng chúng tôi vẫn có hình ảnh anh, vẫn nguyện hướng theo và làm theo những tư duy quân sự của anh trong giai đoạn cách mạng mới. Lễ thành lập quân đoàn diễn ra nghiêm túc, thiêng liêng, giản dị, rất gần gũi với cuộc chiến đấu. Trong khi anh Phạm Hùng, bí thư Trung ương Cục đọc quyết định thành lập quân đoàn và giao nhiệm vụ cho quân đoàn thì Sư đoàn 9 đang chiến đấu quyết liệt chống lại cuộc hành quân phản kích của địch trên mặt trận đường Bảy Ngang - tây Bến Cát; Sư đoàn 7 đang ở hướng phối hợp cùng quân dân địa phương huyện Tân Uyên mở đợt tiến công vào khu vực bắc sông Đồng Nai. Để đảm bảo tính liên tục của nhiệm vụ chiến đấu, ngay từ ngày 1 tháng 7 năm 1974, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền đã ký quyết định thành lập và bổ nhiệm các thành viên của Bộ tư lệnh Quân đoàn, và trên thực tế Bộ tư lệnh Quân đoàn chúng tôi đã diều hành các đơn vị hoạt động trên cơ sở các kế hoạch đã định trước của Bộ chỉ huy Miền và những định hướng chỉ đạo của Bộ từ Hà Nội điện vào trước 20 ngày lễ cừ hành thành lập quân đoàn (20 tháng 7 năm 1974) Sau chiến dịch đường Bảy Ngang thắng lợi, các cuộc hành quân lấn chiếm của địch trên chiến trường Đông Nam Bộ chững lại Cũng từ đây Quân đoàn 4 có điều kiện vừa làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ vừa sẵn sàng đánh địch lấn chiếm; đồng thời khẩn trương củng cố tổ chức, tiến hành huấn luyện theo hướng phục vụ đánh lớn của một quân đoàn cơ động chiến dịch - chiến lược của chiến trường B2 như Nghị quyết Đảng uỷ Quân đoàn họp phiên đầu tiên đã xác định và nêu ra các biện pháp thực hiện với những yêu cầu cụ thể (2). Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 12 năm 1974, sau khi được bổ sung quân số, vũ khí từ miền Bắc chi viện vào, toàn Quân đoàn dấy lên phong trào thi đua "Quyết thắng", tập trung vào huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng (lấy bộ binh làm chủ) với quy mô trung đoàn, sư đoàn đến hai, ba sư đoàn, nhằm mục tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, trung đoàn, chiến đoàn địch, tiến tới đánh quỵ sư đoàn địch; giải phóng chi khu, quận lỵ, tiến lên giải phóng thị xã, thành phố. Ngay sau khi kết thúc lễ thành lập Quân đoàn 4, ngày 20 tháng 7 năm 1974, là hội nghị quân sự do Trung ương Cục triệu tập và chủ trì. Nội dung chủ yếu bàn kế hoạch đẩy mạnh hoạt động mùa mưa 1974 và nêu một số công việc cần làm để chuẩn bị cho mùa khô tới. Cho đến đầu tháng 10 năm 1974, kế hoạch hoạt động quân sự mùa khô 1974-1975 đã được Trung ương Cục thông qua. Đây là thời gian làm việc khẩn trương, căng thẳng nhưng cũng rất hứng khởi, vì các điều kiện chủ quan và khách quan, từ thực tiễn sống động và những định hướng đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 21, các Nghị quyết Quân uỷ Trung ương thẩng 10 năm 1973, tháng 4 năm 1974 đã giúp các anh lãnh đạo và chỉ huy Miền định ra bước đi cụ thể cho chiến trường B2, làm chỗ dựa rất căn bản cho chúng tôi vận dụng thực hiện trong điều kiện cụ thể của các đơn vị bộ đội chủ lực. Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã bước đầu phác thảo kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong đó năm 1975 giữ vai trò "bản lề". Dựa vào ý định đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chuẩn bị kế hoạch tiến công quân sự trên chiến trường B2. Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền cũng đã vạch kế hoạch cụ thể của bước một năm 1973 cho B2, trong đó lấy đồng bằng sông Cửu Long làm trọng điểm tiến công giành dân, giành đất song song với mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Những nghị quyết, những kế hoạch mà tôi được dự họp, trực tiếp tham gia hoặc được thông tin lại qua các buổi giao ban định kỳ như đã có cái gì thúc giục trong tôi. Hơn nữa đến lúc này (cuối tháng 9 năm 1974) công việc sắp xếp ổn định tổ chức, tiến hành huấn luyện của quân đoàn đã cơ bản hoàn thành. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, đều tổ chức bắn đạn thật và tổ chức diễn tập tiểu đoàn đánh địch trong công sự vững chắc, vận động tập kích và vận động tiến công kết hợp với chốt chặn bằng lực lượng và hoả lực của bản thân là chính và bằng hiệp đồng binh chủng. Tất cả đang chuyển sang giai đoạn huấn luyện ba - huấn luyện củng cố chuẩn bị cho hoạt động quân sự trong năm 1975. Được biết lúc này lãnh đạo và chỉ huy Miền đang tập trung cho hướng chủ yếu đồng bằng sông Cửu Long, có ý đưa cả Quân đoàn 4 xuống đó, đã chỉ thị cho Quân khu 8, Quân khu 9 chuẩn bị lực lượng phối hợp. Gặp phó tư lệnh Miền Lê Đức Anh tôi vừa báo cáo vừa thăm dò ý định cấp trên: Quân đoàn đã ổn định về mọi mặt, Đảng uỷ chúng tôi vừa họp xác định khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị, đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Với phong cách đĩnh đạc và điềm tĩnh quen thuộc, Phó tư lệnh Lê Đức Anh chậm rãi nói: - Miền đã tính sẽ đưa cả Quân đoàn 4 xuống đồng bằng làm nhiệm vụ nhổ đồn bót nhỏ, hỗ trợ cho chống phá bình định, giành dân. - Xuống vào thời gian nào? - Tôi hỏi. - Để địa phương triển khai trước đã - Anh Lê Đức Anh nói. - Thế thì còn đồn bót nào mà đánh? - Tôi hỏi tiếp. Quê gốc Thừa Thiên vẫn còn để lại dấu ấn giọng nói pha chất Nam Bộ càng dễ cảm nhận, nhưng anh gắn với Nam Bộ, nhất là đất miền Đông này từ rất sớm khi anh đã phải từ quê hương vào làm phu cao su ở đất Lộc Ninb. Anh tham gia cách mạng và vào Đảng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Khi Nam Bộ kháng chiến chống Pháp, Đảng phân công anh vào quân đội, đã từng giữ chức trung đoàn trưởng thời kháng chiến chín năm. Cả anh và tôi được Đảng giao trách nhiệm Phó tư lệnh trong Bộ chỉ huy Miền, càng tạo mối quan hệ gắn bó và sự hiểu biết giữa hai chúng tôi trong quá trình điều hành công việc chung. Nhưng ngay lúc này giữa tôi và anh là mối quan hệ cấp trên cấp dưới, anh vẫn là Phó tư lệnh nhưng giữ trọng trách thường trực thay anh Trần Văn Trà ra Hà Nội họp. Còn tôi là tư lệnh quân đoàn, là cấp dưới của anh. Nhưng không vì thế mà mối quan hệ của hai chúng tôi bị phân cách, trái lại vẫn rất thân mật, cảm thông, chan hoà và cởi mở. Vì thế không đợi anh trả lời, tôi trao đổi tiếp vừa như trình bày xin ý kiến cấp trên vừa như trao đổi những suy nghĩ của mình trong quan hệ đồng cấp. Tôi nói: - Ở dưới đó có Sư đoàn 5 chủ lực Miền lại thêm Sư đoàn 8, Sư đoàn 4 vừa mới thành lập của hai Quân khu 8, Quân khu 9 cùng với lực lượng vũ trang địa phương chắc sẽ đủ sức giải quyết các đồn bót nhỏ; số còn lại chúng co về quận lỵ, chi khu. - Tôi hạ giọng - Đề nghị anh cho Quân đoàn 4 xuống đó được đảm nhận nhiệm vụ tiếp sau, vì vừa qua chúng tôi đã tổ chức cho các đơn vị huấn luyện và diễn tập đánh theo yêu cầu này. Nhìn anh thấy anh vẫn chăm chú theo dõi người đang trình bày thỉnh thoảng gật gật hưởng ứng, đồng tình, nên tôi ướm: - Đề nghị Bộ chỉ huy Miền cho Quân đoàn đánh Đồng Xoài mở đường 14 trước đã. - Thời gian nào? - Anh Lê Đức Anh hỏi. - Tùy cấp trên, đánh có giữ đất đâu, cốt để bộ đội quen, có kinh nghiệm khi xuống đồng bằng đánh chắc ăn hơn. Được cấp trên chấp nhận, chúng tôi gấp rút chuẩn bị. Một mặt cho đơn vị ôn luyện, tổ chức diễn tập đánh Đồng Xoài trên sa bàn; đồng thời chỉ thị bộ phận tham mưu dự thảo kế hoạch. Anh Trần Văn Trà xuống dự diễn tập và duyệt quyết tâm chiến đấu của Quân đoàn. Từ ý định chung trong kế hoạch tổng thể mùa khô, Miền chủ trương xúc tiến triển khai các công việc để mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long, nhằm tạo một hành lang nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, từ đường 14 qua Chơn Thành, Dầu Tiếng, Vàm Cỏ Đông, tây Long An, tây Kiến Tường phục vụ cho mặt trận đồng bằng sông Cửu Long là hướng hoạt động chính. Cần nói thêm là, âm mưu của địch lúc này là tiếp tục thực hiện bình định ở đồng bằng sông Cửu Long, còn ở Đông Nam Bộ địch tập trung phòng thủ vững chắc Sài Gòn, cố thủ những nơi chúng chiếm đóng sâu trong vùng giải phóng của ta như An Lộc, Chơn Thành, Phước Long nhằm vừa làm bàn đạp hoạt động đánh phá hậu phương ta vừa giữ thế chúng chưa mất hoàn toàn một tỉnh nào. Hơn nữa từ khi đường Trường Sơn được mở rộng từ Quảng Trị đến Đông Nam Bộ, ống dẫn dầu vào tới Lộc Ninh, Phước Long trở thành cầu hành lang chiến lược của ta thì địch càng đẩy mạnh hoạt động quân sự ở vùng này nhằm uy hiếp khu vực dự trữ vật chất, đầu mối giao thông chiến lược của ta đi các hướng, nhất là xuống đông-bắc Sài Gòn. Rõ ràng phải bằng mọi cách không để cho địch thực hiện âm mưu trên. Thông qua chiến dịch Đường 14 Phước Long tiếp tục tạo thế tạo lực trong một bối cảnh mới, có ảnh hưởng rất lớn, nếu không nói là quyết định đến kế hoạch mùa khô 1974-1975 của ta. Vì vậy việc xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch phải được tiến hành một cách hoàn chỉnh, khẩn trương. Phạm vi chiến dịch Đường 14 từ Đồng Xoài đến Bù Đăng, lấy Đồng Xoài là hướng chủ yếu, Bù Đăng là hướng thứ yếu; tiến công theo phương thức binh chủng hợp thành, có tăng và pháo 130 ly chi viện. Quân đoàn 4 là lực lượng tiến công trực tiếp các sư đoàn trực thuộc Miền, trực thuộc quân khu và các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp trước và trong chiến dịch theo kế hoạch thống nhất của Miền. Quyết tâm chiến dịch mới chỉ dừng lại ở những định hướng lớn để kịp cuối tháng 10- 1974 anh Phạm Hùng và anh Trần Văn Trà ra Hà Nội họp do Bộ Chính trị triệu tập, trực tiếp báo cáo xin ý kiến. Với thị xã Phước Long, trong chủ trương tổng thể ban đầu chưa đặt ra, vì lúc này ta chưa đủ khả năng đánh trong khi địch đông, được bố phòng cẩn mật theo thế chân kiềng Phước Bình - Bà Rá - Phước Long để hỗ trợ cho nhau và chúng sẽ tăng cường lực lượng khi bị ta tiến công. Khi anh Hùng, anh Trà lên đường, ở trong này chúng tôi tiếp tục triển khai cụ thể theo quyết tâm cơ bản được Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền thống nhất, có sự chỉ đạo trực tiếp của Phó tư lệnh thường trực Lê Đức Anh. Đảng uỷ và Bộ tư lệnh chúng tôi họp xác định nhiệm vụ của Quân đoàn trong chiến dịch tiến công này là tiêu diệt hai chi khu một yếu khu và toàn bộ hệ thống đồn bót địch, giải phóng Đường 14. Nếu chủ lực địch lên thì tiêu diệt từ 1 - 3 tiểu đoàn, giữ vững vùng giải phóng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Quân đoàn để một trung đoàn giữ đường 14, còn lại lui về củng cố, chuẩn bị cho bước hai chiến dịch. Sau khi cân nhắc mọi mặt, Bộ tư lệnh Quân đoàn xác định quyết tâm lần cuối: Hướng chủ yếu là chi khu quân sự Đồng Xoài hướng thứ yếu là chi khu quân sự Bù Đăng, hướng phát triển là đường 391 và Phước Vĩnh. Đường Bảy Ngang (nơi sư đoàn 9 đang hoạt động) là khu vực ngăn chặn, kiềm chế lực lượng cơ động quân đoàn 3 nguỵ, không cho chúng lên chi viện Phước Long khi thị xã này bị ta tiến công đánh chiếm. Trên dưới thông suốt, tất cả các đơn vị trực thuộc, phối thuộc, tăng cường đều bắt tay vào triển khai công việc phải làm theo nhiệm vụ cụ thể được giao với tinh thần tích cực và hào hứng. Thời điểm lúc này là cuối tháng 11, yêu cầu công việc chuẩn bị đặt ra hết sức khẩn trương, làm sao đến cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm 1975 là có thể bắt đầu. Ngay trước khi chưa có chủ trương mở chiến dịch, từ tháng 7 năm 1974, Quân đoàn đã dự kiến nếu chiến dịch được mở thì Sư đoàn 7 (lúc này đang đứng chân ở đông đường 13) sẽ là lực lượng trực tiép tiến công căn cứ quân sự Đồng Xoài vì Sư đoàn 9 trước sau vẫn chốt giữ đường Bảy Ngang vừa để ngăn chặn địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta ở hướng tây-bắc Sài Gòn vừa làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch. Vì vậy từ cuối năm 1973, Quân đoàn đã giao cho Sư đoàn 7 các công việc chuẩn bị cụ thể như nghiên cứu nắm địch, tổ chức trinh sát thực địa đường 14 - Đồng Xoài. Tháng 7, rồi tháng 10 năm 1974, Sư đoàn 7 lại tổ chức tiếp hai đợt trinh sát thực địa Đồng Xoài và các vùng phụ cận, đắp cả sa bàn căn cứ này để diễn tập thực hành tiến công. Các kế hoạch chung và cụ thể đều đã thống nhất, công việc chuẩn bị coi như đã hoàn thành. Việc phân công trong Bộ tư lệnh cũng đã được triển khai: Tôi phụ trách hướng Đồng Xoài, anh Bùi Cát Vũ, phó tư lệnh phụ trách hướng Bù Đăng đang chuẩn bị lên đó chỉ đạo triển khai kế hoạch. Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ, thì liên tiếp có điện từ Hà Nội: Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau cùng là đồng chí Lê Duẩn nhắc: Đợt này chỉ được đánh chi khu Bù Đăng nhưng không được sử dụng xe tăng và pháo 130 ly. Tại sao? Một thắc mắc được nêu lên sau khi nhận điện, không trừ một ai. Nhưng cũng không ai trả lời gãy gọn. Tiếp đó là những cuộc tranh luận nhỏ diễn ra ngay trong cơ quan Quân đoàn bộ, sôi nổi nhưng khó phân ranh được vấn đề! Có ý kiến cho rằng sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ, số khác thừa nhận khó khăn nhưng từ trước đến nay nhiều trận đánh rất gay cấn, ta chưa có tăng, có pháo hạng nặng mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ; có anh em thì khẳng định - đã là mệnh lệnh thì chỉ có nhiệm vụ tìm biện pháp chấp hành. Riêng tôi không phải không biết lý do. Qua điện của anh Giáp, anh Ba đều nhấn mạnh: cần phải tiết kiệm vũ khí, nhất là đạn pháo mặt đất cỡ lớn để dành cho các đợt tiến công sau lớn hơn. Ta phải "vừa đánh vừa theo dõi phản ứng của địch để kịp thời đối phó" (3). Nhưng làm sao giải thích được cái lý do thật cô đặc nêu trong điện từ Hà Nội vào để anh em thông suốt trong lúc này! Cứ đưa vấn đề một cách tự nhiên có khi lại sinh thêm phức tạp. Cuối cùng tôi thấy phải quay về với nguyên tắc cơ bản "quân lệnh như sơn" để ổn định tư tưởng anh em. Thắc mắc rồi cũng qua đi, có thể đã thông suốt, có thể chỉ tạm xếp lại chờ ngày tìm hiểu, vì trước mắt có biết bao công việc bộn bề đòi hỏi phải giải quyết. Tất cả gần như phải làm lại từ đầu Đồng Xoài từ hướng chủ yếu chuyển thành mục tiêu kìm chế, bao vây. Bù Đăng từ thứ yếu chuyển lên hướng chủ yếu, không gian chiến dịch có thu hẹp, tính từ cầu 11 (đông Đồng Xoài) đến Bù Đăng. Ngày 19-11-1974, tôi điện cho Bộ tư lệnh Sư đoàn 7: "Đánh Đồng Xoài không phải là trận mở màn nữa. Bước đầu chiến dịch, sư đoàn chỉ có một trung đoàn đi phối thuộc với sư đoàn 8 tiến công tiêu diệt chi khu Bù Đăng và các đồn bót dịch trên đường 14 từ Bù Đăng đến Bù Na. Lực lượng còn lại sẵn sàng đánh viện và sẵn sàng tiến công tiêu diệt Đồng Xoài khi có lệnh". Quyết tâm cuối cùng của Bộ tư lệnh Quân đoàn nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của anh Giáp, anh Ba: - Hướng chủ yếu là khu vực Bù Đăng do Sư đoàn 3 thiếu (chỉ có hai trung đoàn), Trung đoàn 165 (sư đoàn 7), một tiểu đoàn đặc công (trung đoàn đặc công 429 của Miền), một đại đội địa phương huyện Bù Đăng, bốn khẩu 120 ly, hai khẩu 105 ly, sáu khẩu pháo nòng dài 85 ly, tám khẩu 37 và 57 ly đảm trách. Một đại đội của Trung đoàn 165 làm nhiệm vụ lực lượng dự bị. - Hướng thứ yếu là yếu khu Bù Na do hai tiểu đoàn (trung đoàn đặc công 429) và hai tiểu đoàn bộ binh thộc Trung đoàn 209 (sư đoàn 7) đảm nhận, lực lượng dự bị của hai hướng này là một tiểu đoàn của Trung đoàn 201. - Hướng phối hợp là chi khu Bù Đốp (lưu vong) do đặc công tỉnh Bình Phước(4) đảm nhận. Ngoài khu vực chiến dịch Đường 14 - Phước Long kể trên, Quân đoàn vẫn duy trì hai khu vực hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến chiến dịch (xem nhưlà khu vực phối hợp): khu vực Đồng Xoài, do một đại đội 122 ly khống chế, các Trung đoàn 141 và 209 (sư đoàn 7) đứng chân ở căn cứ sẵn sàng đánh địch viện lên Đồng Xoài, khu vực đường 14 và đường Bảy Ngang do Sư đoàn 9 phụ trách, có nhiệm vụ kìm chân, ngăn chặn lực lượng cơ động quân đoàn 3 nguỵ. Sau khi điều chỉnh quyết tâm, Quân đoàn cho các đơn vị tranh thủ huấn luyện bộ đội tiến công bằng bộ binh và pháo mang vác, coi đây như là một nội dung của công tác chuẩn bị phục vụ cho thay đổi cách đánh hợp đồng binh chủng không có xe tăng và pháo 130 ly. Phân công trong Bộ tư lệnh Quân đoàn cũng có sự điều chỉnh. Anh Vũ ở lại có nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy các đơn vị đứng chân ở đây làm nhiệm vụ bao vây khống chế chi khu quân sự Đồng Xoài Tôi lên khu vực Bù Đăng. Sự hoán vị được thực thi ngay sau đó, thượng tuần tháng 12 năm 1974, sau khi xiết chặt tay anh Ba Vũ, chúng tôi tạm biệt và chúc nhau hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Tôi lên đường cùng với một bộ phận nhẹ của sở chỉ huy nhẹ quân đoàn. Thế là ngót mười năm tôi lại trở về với Phước Long, với đường 14 - mảnh đất thân quen đã để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm trong thời kỳ tôi giữ chức phó tư lệnh chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài lần thứ nhất đầu mùa khô năm 1965. Nay những kỷ niệm đó lại hiện về có sức thôi thúc, vẫy gọi và nâng bước tôi đi. Lần ấy lực lượng tham chiến là ba trung đoàn độc lập sau chiến dịch này trở thành Sư đoàn 9. Lần này trở lại, lực lượng là một quân đoàn, được bắt nguồn từ yêu cầu đánh lớn kể từ hồi ấy. Ra trận trong thế mới và lực mới, bớt đi nhiều những vất vả cũ phải chui lủi, phải lo toan đủ thứ, cả những ấu trĩ tất nhiên của sự trưởng thành. Đường ra trận đã có cái thênh thang, bớt phải cắt rừng, thoảng lại qua vùng giải phóng, đi trên vùng chủ quyền thuộc về ta, bắt gặp những nụ cười, những nét mặt rạng rỡ, được nghe cá những tràng pháo tay của nhân dân chào đón, tiễn đưa đoàn quân ra trận, thật ấm lòng những người sắp bước vào cuộc chiến đấu. Qua Đắc Ơ nhớ về sóc Bom Bo nghe như có tiếng chày cắc cùm cum giã gạo nuôi quân trong chiến dịch Phước Long ngày nào văng vẳng đâu đây. Ngày 2-12-1974, sở chỉ huy tiền phương chiến dịch đến địa điểm tập kết cách Bù Đăng 15 ki-lô-mét về phía bắc. Thời tiết đang vào giữa mùa khô mà bầu trời và mặt đất nơi đây vần vũ, ẩm ướt, như mùa mưa ngoài Bắc. Mặc dầu đã biết sẽ không có xe tăng, pháo cỡ lớn, nhưng khi gặp tôi anh Sáu Hưng tư lệnh Sư đoàn 3 vẫn có cái gì đó băn khoăn về trận đánh sắp tới. Nghe xong tôi hỏi: - Sư đoàn có mấy xe tăng? - Báo cáo tư lệnh, có 9 chiếc. - Có cách khác rồi! - Tôi nói. - Cách gì, thưa tư lệnh? - Tôi thay 9 tăng bằng 9 pháo. Nhìn nét mặt Sáu Hưng như có cái gì khó hiểu, chưa kịp hỏi lại, tôi tranh thủ nói luôn: - Thay 9 pháo, trong đó có 6 khẩu 85 ly loại pháo bắn thẳng này cơ động thuận tiện, tiếp cận được mục tiêu, lại có sức công phá lớn, hiệu quả phá hoại và sát thương cao, yểm trợ đắc lực cho bộ binh. Còn xe tăng trong điều kiện rừng núi như ở Bù Đăng có những hạn chế rất khó khắc phục, trước hết là cơ động không thuận tiện. Lại nữa tăng của ta thuộc loại chạy dầu, phả nhiều khói, tiếng động kêu to địch dễ phát hiện, đối phó trước khi tiến vào vị trí xuất phát tiến công, rất có thể bị địch tiêu hao trước khi qua cửa mở. Sáu Hưng nghe tôi thân tình trình bày những suy nghĩ của mình, tuy không nói ra cụ thể, nhưng qua nét mặt thấy anh cũng đồng tình với những điều tôi lý giải. Cả hai đều thấy có lý mà không hề nguỵ biện, ít ra trong bối cảnh của trận đánh cụ thể mà chúng tôi đang chuẩn bị. Hơn nữa cả hai chúng tôi đều ý thức được lúc này không thể ngồi đó mà phàn nàn, thắc mắc. Không thấy Sáu Hưng tranh luận lại, tôi biết anh đã thông cảm, đồng tình với tôi là hãy tìm cách khắc phục. Sau đó tôi làm việc với đồng chí Phẩm, trưởng phòng trinh sát của quân đoàn được phái lên trước một tuần lễ nghiên cứu nắm địch, chuẩn bị địa bàn cho tư lệnh chiến dịch đi trinh sát thực địa. Qua nghe báo cáo, các việc đều có làm nhưng chưa tốt, do thiếu kinh nghiệm thực tế vì đồng chí Phẩm từ miền Bắc mới bổ sung vào là tham gia chiến đấu luôn. Chọn địa điểm quan sát và trinh sát chỉ chấm trên bản đồ và qua ống nhòm để xác định là chưa ổn. Nắm quy luật tuần phòng, canh gác của địch dựa vào dân, theo dân kể lại là đúng nhưng không bố trí người bí mật tiếp cận để theo dõi xác minh. Nhưng cận ngày rồi, không thể cầu toàn, cứ phải tiến hành vừa làm điều chỉnh khi thực tế tình hình thay đổi. Theo báo cáo của Phẩm, cứ 16 giờ hàng ngày toán cảnh giới từ xa của địch rút về đồn, thì 16 giờ 80 phút đoàn trinh sát thực địa chúng tôi xuất phát, phải vượt sông Đắc Lập, một nhánh của thượng nguồn Sông Bé, lòng sông hẹp nhưng sâu, nước chảy xiết. Từ sông đến chi khu quân sự Bù Đăng còn khoảng 10 ki-lô-mét. 17 giờ, tất cả vượt sang bờ nam sông an toàn. Đi được nửa đường để đến địa điểm quan sát thì gặp hai trung đội lính Thượng phục kích, chúng chặn đầu, khoá đuôi. Tình hình nguy ngập, địch đông, chủ động, ta ít lại bị động. Tôi hạ lệnh chia thành hai tổ, tìm cách thoát vây. Tổ tôi có trưởng phòng trinh sát quân đoàn, đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 271) lực lượng chủ công đánh chiếm chi khu quân sự Bù Đăng, đồng chí Khởi y sĩ và một chiến sĩ, tất cả năm người, có ba súng ngắn, không mang theo AK. Trên đường vận động vượt trở lại bờ bắc sông, thấy Khởi bò, đầu sát đất, mông nhô cao, tôi nói nhỏ: "Mông thấp nhưng đầu phải cao để quan sát địch. Địch bắn, ta bắn trả lại". Địch chỉ còn cách ta 500 mét, tôi phân công: Phẩm, đồng chí tiểu đoàn trường tiểu đoàn 2 và chiến sĩ cần vụ bắn yểm trợ, tôi và Khởi vượt sông, sang đó chúng tôi bắn yểm trợ để các đồng chí sang sông tiếp. Hai chúng tôi vượt sông nước chảy xiết, tôi níu lấy bụi tre, lên được bờ. Khởi trôi xa tới một ki-lô-mét, tôi phải đuổi theo kéo Khởi lên bờ. Đến nơi chúng tôi vừa bắn vừa hô xung phong nhằm nghi binh, uy hiếp tinh thần địch, chúng tưởng lực lượng ta nhiều mà bỏ cuộc. Hôm sau bước trinh sát thực địa vẫn được tiếp tục và đạt kết quả tốt vì kế hoạch tiến hành được thay đổi toàn bộ cả giờ xuất phát, đường đi và địa điểm tiến hành. Qua trinh sát, tôi quyết định điều chỉnh một số điểm trong quyết tâm, tuy nhỏ nhưng rất quan trọng: đánh chi khu vòng theo hướng nam lên, chỉ dùng pháo chế áp khi tiến công khu trại biệt kích. Ngày 6-12-1974, một ngày làm việc căng thẳng và hào hứng suốt từ sáng đến tối khuya. Tại một địa điểm bắc sông Đắc Lập, cách chi khu quân sự Bù Đăng khoảng sáu ki-lô-mét có mặt đầy đủ các đồng chí chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu; có các đồng chí Nguyễn Đình Kính, thường vụ tỉnh uỷ Bình Phước, Phan Bình Minh, huyện uỷ Bù Đăng; Năm Tròn, Ba Lẹ, huyện đội Phước Long. Tất cả đã trải qua vất vả hành quân, vận động nhân dân đưa đường, vận chuyển súng đạn, tiếp tế lương thực, tiếp cận vào các mục tiêu để quan sát, đo đạc cho pháo, tìm đường cho bộ binh tiến công, đếm từng hàng rào kẽm gai, bãi mìn để tính lượng bộc phá cần có. Tiêu biểu cho những người có mặt trong buổi họp này là anh Phan Bình Minh. Ngày 4-12-1974, anh nhận chỉ thị của Thường vụ huyện uỷ Bù Đăng giao nhiệm vụ đưa trung đội bộ đội địa phương của huyện vượt đường 14 sang tham gia chiến đấu và báo kế hoạch nổi dậy của huyện phối hợp với mũi tiến công quân sự. Đường đi cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Ngày đầu tưởng đã chót lọt nào ngờ anh Tạc, quê Hải Hưng, trung đội trưởng trinh sát bộ đội chủ lực đi cùng đạp phải mìn lá. Mìn nổ, anh hy sinh. Giữa lúc ấy pháo địch cấp tập và cho quân bổ vây nơi vừa xảy ra tiếng mìn nổ. Chúng đoán có "Việt cộng" vượt đường. Nhưng tất cả đã thoát khỏi vòng nguy hiểm. Anh Minh lại dẫn đoàn tiếp tục hành quân. Không có con đường nào khác, đoàn quân phải đi vòng, cách chốt Bù Lô khoảng 10 mét đành phải dừng lại. Đợi trăng vừa khuất, anh lệnh cho đoàn vượt qua, rồi đi gấp đến sở chỉ huy tiền phương chiến dịch lúc mờ sáng, để kịp ngày họp như đã quy định. Trước khi đi vào các vấn đề cụ thể, tôi quán triệt thêm tư tưởng chỉ đạo của Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền, đồng thời trao đổi những suy nghĩ riêng của mình về trận đánh đang tới gần. Trong mùa khô 1974-1975, trên chiến trường B2 chúng ta chủ trương mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long là chọn vào một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng nhưng lực lượng địch ở đây lại yếu và có những sơ hở rất khó khắc phục. Đây là một thuận lợi rất cơ bản đảm bảo chắc thắng. Và khi chiến dịch thắng lợi, nó sẽ góp phần đáng kể làm chuyển biến cục diện có lợi cho ta ở Đông Nam Bộ nói riêng và toàn B2 nói chung. Đây là một quyết định có sự tính toán nhìn xa. Bù Đăng cách Đức Lập 50 ki-lô-mét, ở đó đường Trường Sơn phía đông đang được mở thông, xuôi về hướng Bù Gia Mập - Lộc Ninh. Nếu ta tiến công giải phóng Bù Đăng thì từ Bù Bông - Kiến Đức có thể rẽ nhánh xuôi theo hướng nam tạo thành một hành lang xuống Tân Uyên, chiến khu Đ, bắc Biên Hoà, trong đó Bù Đăng trở thành một căn cứ tập kết lực lượng, một chân hàng rất tốt từ miền Bắc chuyển vào. Từ Bù Đăng đi các hướng theo đường 14 tuy rải đá, nhưng đuờng đã định hình từ lâu, mặt đường cứng, rất thuận lợi cho vận chuyển cơ động lực lượng và vũ khí, đạn dược áp sát Sài Gòn từ phía bắc. Rõ ràng Bù Đăng là một trong những vị trí quan trọng tạo thế đáp ứng yêu cầu và thời cơ mới, nhưng lại là điểm yếu, địa đầu của quân đoàn 3 nguỵ, khả năng chi viện của địch gặp nhiều khó khăn nếu khi bị đối phương tiến công. Chọn hướng chủ yếu nơi đây trong đợt đầu của chiến dịch là ta nắm chắc phần thắng, những sự cố xảy ra gần như rất ít nếu không nói là không có so với Đồng Xoài. Đây chính là dịp để chúng ta thực hiện phương thức "vừa đánh vừa theo dõi địch để kịp thời đối phó" như Quân uỷ Trung ương đã chỉ đạo. Bù Đăng, Bù Na thất thủ, các đồn bót sẽ tan rã, không những có giá trị tiến công tâm lý địch mà còn tạo thế uy hiếp mạnh Đồng Xoài, vì vỏ ngoài của nó bị vỡ, điều kiện giải quyết Đồng Xoài trở nên chín muồi, có khi giải phóng Đồng Xoài lại ít tốn súng đạn hơn các trận đánh trước. Sau khi thông qua quyết tâm chung và phương án tác chiến cụ thể của Trung đoàn 271 về tiến công chi khu quân sự Bù Đăng, tôi làm việc thêm với các đồng chí cấp uỷ địa phương về kế hoạch nổi dậy phối hợp với tiến công quân sự, về bảo vệ dân, thực hiện chính sách vùng mới giải phóng, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân. Út Minh vẻ vẫn còn mệt mỏi vì hai đêm thức trắng vượt đường 14, nhưng khi đến lượt, anh tỉnh táo rất nhanh. Anh không có văn bản chuẩn bị, cứ thế nói rất rành rẽ, đầy đủ các vấn đề cả số liệu như đã có sẵn trong đầu về tình hình vùng phụ cận phố thị Bù Đăng: ở đây có hai xã (Bù Đăng, Vĩnh Thiện) với tám thôn ấp (Hoà Đồng 1, 2, Vĩnh Thiện 1, 2, Bình Lộc, Bình Thọ, Bù Nguôi, Bù môn), có ngót 8.000 dân, 200 héc-ta canh tác, năm thôn đã có chi bộ đảng, 70 đoàn viên. Địch có 14 trung đội dân vệ, quân số khoảng 350 tên, 20 cảnh sát an ninh, 50 cảnh sát dã chiến. 14/14 trung đội dân vệ có cơ sở binh vận của ta, hoạt động theo phương thức bắn chỉ thiên khi đi càn, gặp Quân giải phóng không bắn, đụng độ thì bỏ chạy, viện cớ "Việt cộng" mạnh. Đã có một trung đội trưởng ác ôn được vợ (cơ sở của ta) tuyên truyền giác ngộ, vận động dẫn chồng mang theo 15 súng ra đầu hàng cách mạng, được ta khoan hồng. Tôi thực sự xúc động khi nghe anh Minh báo cáo về những con số thật quý giá, nó thực sự là những hạt giống cách mạng đã nẩy mầm; nó như một dòng suối nhỏ hoà thành dòng sông thắng lợi đang ào ào nhấn chìm những cặn bã, những rác rưởi bẩn thỉu, phản động. Thật đáng quý biết bao, ở một vùng sâu chưa được biết ánh sáng cách mạng, chưa được nhìn thấy cụ thể độc lập tự do là gì. Sự suy nghĩ của đồng bào thật đơn giản, chỉ tin, chỉ nghe điều gì nhìn thấy. Vậy mà đồng bào đã ngả theo cách mạng, ngả theo kháng chiến, đã nuôi giấu cán bộ, chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai để tiếp tế cho cán bộ. Nhân lúc anh Minh cầm bát nước, tôi hỏi xen vào: - Anh Minh quê ở Bù Đăng? (vì anh nói tiếng Kinh đích thị là người Kinh rồi). - Báo cáo anh, tôi không phải - anh Minh thanh minh. - Anh quê vùng Bến Cát, Thuận An? - Tôi lại hỏi (vì nghe anh nói giọng Nam Bộ nhưng không hoàn toàn Nam Bộ). Anh Minh cười, kể: - Tôi quê Quảng Nam. Năm 1954 tập kết ra Bắc tuổi còn rất trẻ, được phân về công tác tại Đoàn thanh niên xung phong Trung ương, tham gia phục hồi đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Nam Định, tham gia tiễu phỉ Vàng Pao (Lào) nổi loạn quấy vùng Quỳ Châu (Nghệ An) giáp biên giới Việt - Lào. Đầu năm 1962 tôi được lệnh vào Nam chiến đấu. Đoàn chúng tôi có anh Vũ Đình Tuyến, quê Quảng Ngãi, hiện là bí thư huyện uỷ Bù Đăng, anh Lê Quang Giang, Trần Ngọc Châu, Bảy Thạnh. Tất cả hơn 80 anh em đều quê Khu 5. Cuộc hành quân đầy gian khổ ròng rã ba tháng mới tới bắc Bù Đăng, thượng nguồn sông Đồng Nai. Tất cả được phân đi nhiều ngả, riêng tôi được phân về khu vực Bù Đăng với nhiệm vụ gây cơ sở ở Hoà Đồng, Vĩnh Thiện, lúc ấy là những xã trắng chưa có cơ sở của ta. Những ngày nằm rừng, gai cứa rách áo quần, châm vào da thịt gây ứa máu, chịu đói, chịu khát cồn cào ruột gan đi đứng xiêu vẹo nhìn vào đâu cũng thấy một màu vàng và có cả các thứ hoa đủ hình thù, lúc ẩn lúc hiện. Nhưng khi nằm xuống, úp ngực vào mặt đất, tự nhiên thấy dâng lên chí căm thù và cả mơ ước, chờ đợi, cứ kiên nhẫn chờ đợi sẽ có ngày tiếp xúc được với đồng bào, vận động được đồng bào tham gia kháng chiến, chống quân xâm lược, để thoát cảnh áp bức, kìm kẹp, ruồng bố. Những ngày như thế thật dài. Gạo hết, nước không. Có lúc còn gạo mà phải nhịn đói, có nước mà khát không được xuống suối để uống, còn thuốc mà đành chịu lạnh lòng, vì sợ lộ, địch phát hiện sẽ lùng sục, bao vây. sẽ trở thành công dã tràng. Rồi cuộc sống dạy khôn, nhắc nhở phải tồn tại không phải cho mình mà cho cái chung, cho phong trào, đã lần tìm củ nần, củ chụp (5) mà sống. Nhưng rồi ngay cả những thứ tự nhiên tưởng như vô tận cũng cạn dần. Cứ thế hết ngày này qua ngày khác, cuộc sống vẫn vắng lặng. Qua kẽ lá từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống chỉ thấy đồn binh và ấp chiến lược buồn tẻ, chỉ thấy đến giờ nhất định lác đác có người ra sau dó lại vào, đồng ruộng, đường sá không bóng người qua lại, dăm chiếc xe nhà binh tuần tra trên mặt đường, bắn loạn xạ các loại đạn, rồi lại chui vào một đồn bót gần đấy. Nhưng ước mơ và sự kiên nhẫn đã chiến thắng, đã vượt qua. Được gặp dân, cùng giúp dân làm nương rẫy, qua đó mà tâm tình, trao đổi, kết hợp so sánh với thực tế mà vạch định, nêu ra, từ đó có cái "cầu" dân để chúng tôi vào tận ấp chiến lược, nằm lại dưới hầm bí mật để tuyên truyền, tổ chức. Cơ sở cứ lan ra, rộng khắp. Phong trào đang có đà, bốn bề có địch mà cuộc sống không thấy cô đơn, vì đâu cũng có dân đùm bọc, chở che. Qua rất nhiều công tác, từ cán bộ cơ sở, chánh văn phòng huyện uỷ, chánh văn phòng tỉnh uỷ rồi lại trở về quê hương Bù Đăng (anh xây dựng gia đình với một phụ nữ cán bộ dân tộc Sơ tiêng) để hôm nay được thường vụ huyện uỷ giao trách nhiệm sang báo cáo với các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch về kế hoạch nổi dậy phối hợp với các đơn vị trong chiến dịch giải phóng quê hương. Là chiến dịch mở đầu giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng, vấn đề chính trị nổi lên như là một trong hai nội dung chính phải chuẩn bị trước ngày N và giờ G. Một loạt vấn đề được bàn bạc thống nhất giữa chúng tôi và các đồng chí cấp uỷ địa phương như: chuẩn bị lực lượng quần chúng, cơ sở binh vận nổi dậy khi mũi quân sự tiến công; tổ chức sơ tán nhân dân tạm lánh ra khỏi vùng có chiến sự, vận động nhân dân trở lại làm ăn, giữ dân lại chống âm mưu dồn dân di tản; tổ chức cứu tế và hoạt động dịch vụ bảo đảm đời sống nhân dân sớm trở lại bình thường; tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự thôn ấp xã phường. Chúng tôi đã thống nhất với anh Út Minh, quy định chiến lợi phẩm - vũ khí quân trang quân dụng giao cho Sư đoàn 3 và hậu cần Miền thu giữ, quản lý, phân phối phục vụ chiến đấu; gạo, muối do ban quân quản thu giữ, quản lý, cần thiết có thể tạm vay của một số tư thương ở thị trấn Bù Đăng để cấp phát phân phối, cứu tế nhân dân kịp thời, đúng đối tượng hoặc bán cho những người có nhu cầu, thu được tiền trả lại cho người vay. Ngày 13-12-1974, công tác chuẩn bị chiến đấu của ta cơ bản hoàn thành, các mũi các hướng đều giữ được bí mật tốt. Nguyễn Thống Thành, đại tá tiểu khu trưởng Phước Long cùng một số sĩ quan tùy tùng ngay sáng 13 đã đáp trực thăng xuống Bù Đăng để "kiểm tra định kỳ". Sau đó y trở lại Phước Long theo đường bộ tiếp tục kiểm tra các vị trí phòng thủ trên đường 14. Đến đâu Thành đều được nghe báo cáo "tình hình rất yên tĩnh". Nhưng ngay đêm 12, sở chỉ huy chiến dịch nhận được điện báo cáo của tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) diệt đồn bảo an cây số 19. Vì tính chất quan trọng của vị trí này, tôi lệnh cho đồng chí Lê Tấn Đạt cán bộ tác chiến của sư đoàn đi cùng với mũi này, trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 4, thực hiện ý định chia cắt địch trên đường 14, phát triển chi viện chung. Trên khu vực Bù Đăng, các đơn vị bắt đầu hành quân chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tiến công. Trưa 12 tháng 12, trời đổ mưa, một trận mưa bất chợt, trái mùa nhưng rất to. Nước các khe, suối chảy tràn xối xả, đường ngập trơn. Các chiến sĩ bộ binh và pháo mang vác phải bỏ dép, đi chân đất. Xe kéo pháo bị sa lầy ở đoạn đường xuống ngầm sông Đắc Lập, vất vả suốt một đêm mới đưa được ba khẩu pháo sang bờ nam sông. Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) sau khi cắt rừng, vượt qua gần 100 ki-lô- mét đường từ Đồng Xoài lên, đến đêm 11 tháng 12 mới vượt đường 14, bắt đầu triển khai lực lượng tiếp cận mục tiêu khu hành chính chi khu. Đây là một cố gắng đáng biểu dương của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 165. Chỉ giao nhiệm vụ và kế hoạch hiệp đồng chủ yếu bằng phương tiện điện vô tuyến, mà trung đoàn đã nắm bắt chính xác, thực hiện nghiêm chỉnh, biểu hiện trách nhiệm cao đối với trận đánh mở đầu. Như vậy là trong đêm đầu, cả hai hướng chủ yếu và thứ yếu, không thực hiện được kế hoạch chiến dịch, chưa tiếp cận được mục tiêu. Nguyên nhân không phải do lạc đường (vì các mũi, các hướng đã có 50 thanh niên người dân tộc ở địa phương xin tình nguyện dẫn đường) mà do thời tiết xấu, mưa quá lớn ở khu vực Bù Đăng. Ở hướng thứ yếu, hai tiểu đoàn đặc công (Trung đoàn 429) không thực hiện được nhiệm vụ nổ súng trước, diệt yếu khu Bù Na, do đặc công tỉnh Bình Phước nổ súng sớm hơn ở khu vực Bù Đốp, địch ở đây đã chuẩn bị đề phòng. Trước tình hình trên, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định hoãn thời gian tiến công, chậm lại một ngày để xốc lại đội hình, điều chỉnh vũ khí. Ngày 14-12-1974, ngày N của chiến dịch bắt đầu. Nhân tố bất ngờ gần như đã hết, phải thực hành cường tập trên cả hai hướng chiến dịch. Rạng ngày 14, Trung đoàn 271 nổ súng tiến công chi khu Bù Đăng. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu gay go quyết liệt. Chi khu đặt trên một quả đồi cao, to, nằm ngay bên đường 14, có cấu trúc địa hình rất phức tạp. Cả ba mặt bắc, nam và đông đều dốc, có chỗ dốc gần như thằng đứng, chỉ có mặt phía tây dốc hơi thoải nhưng từ chân lên đỉnh là đoạn đường dài hơn 100 mét, qua nhiều tuyến phòng ngự phụ. Cũng có quãng đường lên khá dốc. Ta chọn mặt đồi phía bắc là hướng đột phá chủ yếu vì địch chủ quan, ta tiếp cận vào dễ. Nhưng đến gần mới rõ, dưới chân đồi có con suối tuy nhỏ nhưng lòng sâu, nước to và chảy xiết vì vừa có mưa. Nếu dùng xe tăng thì không có tác dụng ngay cả pháo cầu vòng và pháo 85 ly bắn thẳng cũng bị hạn chế. Để tiến vào tung thâm chi khu chỉ còn cách dùng bộc phá, nhưng ở đây chúng giăng tới chín hàng rào kẽm gai. Sau hai giờ chiến đấu ta mới mở được hai hàng rào, các hướng đều phát triển chậm, vì địch dựa vào công sự vững chắc và lưới lửa hoả lực dày đặc, bắn chặn rất ác liệt. Đại đội chủ công của ta chỉ còn 12 chiến sĩ, bị chặn lại ở hàng rào thứ tám. Nhận được báo cáo, tôi lệnh trực tiếp cho Trung đoàn 271 tăng cường một trung đội cho đại đội 1 chủ công; dùng bốn đại đội cối tập trung bắn chế áp vào các hầm hào phòng ngự của địch, hỗ trợ cho lực lượng mở cửa làm nhiệm vụ. Đánh đến hàng rào cuối cùng lực lượng ta bị tiêu hao, phải đưa đại đội 4 (tiểu đoàn 2) vào thay. Chỉ còn một hàng rào nữa là hoàn thành nhiệm vụ. Từ đây trận địa địch đều nằm trên độ dốc rất khó vượt. Một chiến sĩ xông lên đặt ống bộc phá vào hàng rào thứ chín - hàng rào cuối cùng, giật nụ xòe, rồi chạy xuống. Nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng chí đại đội trưởng đại đội 4 vào thay thế kể lại: "Ống bộc phá đang xì khói bỗng trượt khỏi hàng rào, lăn xuống sườn dốc lao về phía đội hình bố trí của đơn vị. Nếu để ống bộc phá nổ trong khi rơi xuống thì không những đơn vị bị thương vong mà trận đánh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi đó là ống bộc phá cuối cùng mà đơn vị mang theo. Trong tình huống vô cùng nguy hiểm đó, Đoàn Đức Thái vội chồm lên ôm quả bộc phá đang xòe lửa và lao vút lên đồi dốc, dùng sức mạnh toàn thân ấn quả bộc phá vào lớp kẽm gai thứ chín. Quả bộc phá nổ, Đoàn Đức Thái hy sinh. Gương hy sinh anh dũng của Đoàn Đức Thái (1) vừa cổ vũ tinh thần chiến đấu của đơn vị, vừa mở cửa cho đồng đội phát trỉển vào tung thâm, hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm chi khu quân sự Bù Đăng. Phối hợp với bộ đội chủ lực, huyện uỷ Bù Đăng do đồng chí Võ Đình Tuyến làm bí thư đã chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá vỡ bộ máy thống trị của địch; các chi bộ đảng ấp Hoà Đồng 1, 2; ấp Bù Môn lãnh đạo quần chúng làm tốt công tác binh vận, kêu gọi được ba trung đội dân vệ, tám toán phòng vệ dân sự nộp súng trở về với gia đình. 10 giờ 30 phút Bù Đăng hoàn toàn được giải phóng. Uỷ ban quân quản được thành lập do đồng chí Phan Bình Minh, uỷ viên thường vụ huyện uỷ Bù Đăng được cử làm chủ tịch, bắt đầu làm nhiệm vụ. Công việc mới mẻ, lại trong tình hình đang còn khẩn trương, căng thẳng và phức tạp. Ban quân quản điều hành công việc có hiệu quả. Gắn với dân từ khi nằm rừng, sống dưới hầm bí mật trong các ấp chiến lược để vận động dân, có trách nhiệm cao với cuộc sống của dân, đồng chí Minh cùng ban quân quản huy động được 30 tấn gạo để cứu tế cho dân; vận động vay muối, dầu hoả, vải của bà con tiểu thương để có hàng hoá bán kịp thời phục vụ nhu cầu của dân. Số hàng hoá bán thu được 800.000 đồng tiền Sài Gòn, trả lại dân ngay sau đó. Bà con tiểu thương chỉ nhận một phần hai số tiền cho vay, ủng hộ cách mạng 400.000 đồng. Thấy việc làm vì cuộc sống nhân dân, có gia đình ủng hộ 100 thùng dầu lửa (mỗi thùng chứa 10 lít) để ban quân quản có thêm dầu thắp sáng bán cho đồng bào. Ngoài việc tạo điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân, ban quân quản còn làm tốt các công việc phức tạp trong điều kiện phố thị mới giải phóng, như tổ chức giữ trật tự an ninh, chấp hành chính sách vùng mới giải phóng, bảo vệ nghiêm tài sản của nhân dân, của những người bị địch thúc ép di tản. Bốn tháng sau, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con di tản trở về vô cùng xúc động, vì tất cả nhà cửa, hàng hoá vật tư của họ vẫn còn nguyên vẹn. Tạm biệt Bù Đăng, các đơn vị chủ lực lại lên đường xuôi quốc lộ 14 đi về phía tây để tiếp tục nhiệm vụ phía trước đang chờ. Chúng tôi lên đường mang theo ấn tượng đẹp về miền đất địa đầu của tỉnh Phước Long. Ngay từ những năm đen tối Bù Đăng đã là đường đi, điểm hẹn đáng tin cậy của các đoàn soi đường từ Nam ra, mở đường từ Bắc vào gặp nhau ở xã Đồng Nai. Từ đây hội tụ các lực lượng cách mạng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam để rồi phát triển, nhân rộng ra khắp nơi. Đoàn anh Ba Cung, Bảy Kính xuống hướng Phước Long; đoàn anh Võ Đình Tuyến, Lê Quang Giang, Phan Bình Minh rẽ lối sang hướng Lâm Đồng về Bù Đăng, để gắn bó với nhân dân với đồng bào các dân tộc từ giữa năm 1962. Các anh đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy, đương đầu với cả lính kỵ binh bay ngày đêm dùng trực thăng quần đảo, chụp bắt, triệt hạ nguồn sống. Các anh đưa ánh sáng vào một vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhưng lại có vị trí rất quan trọng, đã tạo thế chuẩn bị lực lượng cho chúng tôi vào trận hôm nay - trận mở đầu của chiến dịch Đường 14 - Phước Long thắng lợi giòn giã. Từ trận thắng này chúng tôi càng hiểu rõ địch hơn và cũng thấy mình đầy đủ hơn, cả mạnh và yếu, nhìn thấy hướng khắc phục để tiếp tục nhiệm vụ còn lại của chiến dịch. Ngay sau chiến thắng Bù Đăng, Miền điện tôi về nhận nhiệm vụ mới. Lúc này anh Phạm Hùng và anh Trần Văn Trà vẫn đang ở Hà Nội để họp Bộ Chính trị mở rộng bàn kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Phó tư lệnh thường trực Bộ chỉ huy Miền Lê Đức Anh ra đón, bắt tay tôi và dẫn vào phòng làm việc. Vì thời gian rất gấp, chúng tôi vào việc ngay. Vẫn phong thái điềm tĩnh, anh thân mật mở đầu cuộc trao đổi: - Mình đã sơ bộ báo cáo Bộ Tổng tư lệnh về chiến thắng Bù Đăng và xin ý kiến nhiệm vụ tiếp sau, ngoài đó đã đồng ý. - Đánh Đồng Xoài? - Tôi hỏi. - Đúng - Ngừng một lát, Phó tư lệnh thường trực sôi nổi nói tiếp - Tôi gọi anh về là để chúng ta bàn kế hoạch bước hai chiến dịch, tiến công giải quyết dứt điểm cụm cứ điểm Đồng Xoài. Tôi hưởng ứng ý kiến anh: - Đúng là nhiệm vụ tiếp sau của chiến dịch là phải giải quyết Đồng Xoài. Nhưng đánh chi khu này phải tính bước tiếp sau hoặc song song với tiến công Phước Long. Vì vậy ngay từ bây giờ ta phải xin ý kiến cấp trên, vì đánh thị xã phải có tăng pháo cỡ lớn yểm trợ, phải đưa Sư đoàn 9 vào tham gia chiến đhu. Bỗng anh Lê Đức Anh hạ giọng: - Hãy nghỉ cái đã! Vì anh Năm vừa phải qua một đợt chiến đấu vất vả, không nghỉ, lại về đây luôn qua chặn đường dài, lát nữa ta bàn tiếp. Sở chỉ huy Miền ẩn mình dưới cánh rừng già, cách Lộc Ninh khoảng trên dưới 50 ki-lô-mét về phía đông-bắc, nằm ở đầu mút con đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Có cái vui, cái nhộn nhịp thanh bình, nên thơ như ở vùng căn cứ địa Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp. Nhưng cảnh quan mang đậm nét dã ngoại, thời chiến. Tất cả tư trang của mọi người đều đơn giản, gọn nhẹ đựng trong chiếc ba lô con cóc quen thuộc. Tất cả đều ở tư thế sẵn sàng, quanh các lán vẫn là hầm hào phòng tránh và triển khai chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Mặc dầu vậy, tôi vẫn thấy mình đang có một khoảnh khắc, một không gian để đầu óc được thanh thản như anh Lê Đức Anh nói. Nhưng không sao chợp mắt được, có lẽ vì cái đói ngủ đã bão hoà, cứ miên man suy nghĩ, nhớ cái đã qua, nghĩ về cái sắp tới. Vừa lúc đó, tôi được mời lên phòng làm việc. Ở đây có treo bản đồ quân sự mảng Đồng Xoài, Phước Long. Anh Lê Đức Anh đã ngồi đó từ bao giờ. Sau khi giao nhiệm vụ, yêu cầu bước hai chiến dịch, trong đó Đồng Xoài là hướng chủ yếu, là mục tiêu then chốt của đợt tiến công, anh Lê Đức Anh hỏi: - Có cần tăng cường gì không? - Báo cáo, không cần, vì quân đoàn đã chuẩn bị kỹ trước đó, nay chỉ cần điều chút ít cho phù hợp với thực tế. - Có dứt điểm được không? - Báo cáo, được! - Tôi khắng định. - Nhưng phải nhanh gọn, không được kéo dài. Buổi Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho quân đoàn không mất nhiều thời gian mà đầy đủ các vấn đề cần nói, cần bàn. Vì tất cả nằm trong chủ trương chung đã thống nhất từ trước. Vì trên dưới hiểu nhau, đồng tâm nhất trí, cả về nhận thức trách nhiệm, các bước đi và biện pháp tiến hành cụ thể của chủ trương mở đợt hoạt động quân sự mùa khô 1974-1975. Hai chúng tôi nắm chặt tay nhau trong tình cảm gắn bó đồng chí, đồng đội. Anh Lê Đức Anh chúc tôi sức khỏe, chúc quân đoàn có thêm những thắng lợi giòn giã. Tôi hứa: - Bộ tư lệnh Quân đoàn sẽ gứi báo cáo quyết tâm chiến đấu về Miền vào cuối tuần này. Trên đường trở lại đơn vị và trước khi họp thông qua quyết tâm, sự suy nghĩ của tôi đều dồn tụ vào một yêu cầu phải dứt điểm và các cơ sở để đạt yêu cầu đó đã có chưa, để trình bày trong cuộc họp Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn. Như vậy là cả thế và lực sau khi Bù Đăng được giải phóng đã khác trước về cơ bản, có lợi cho ta trên mọi bình diện. Tuyến che chắn trên đường 14 dài gần 100 ki-lô-mét về phía đông của địch bị phá vỡ, Đồng Xoài trở thành căn cứ tiền duyên, bị ta uy hiếp trực tiếp với khoảng cách tương đối gần (chỉ cách trên dưới 10 ki-lô-mét). Quân đồn trú ở đây lâm vào tình trạng hoang mang dao động, chịu sức ép mạnh mẽ về tâm lý thất bại do các nhóm tàn quân bỏ chạy lùi về phía sau lan truyền đủ chuyện về nỗi kinh hoàng trong những ngày qua. Còn ta, khí thế chiến thắng, tinh thần phấn khởi, tự tin được nhân lên, lực lượng tổn thất qua chiến đấu là không đáng kể, nhưng lại thu được nhiều vũ khí trang bị (7) của địch, tiềm lực tiến công được tăng lên. Trong quá trình tiến công tuyến phòng thủ của địch ở đường 14, tiểu khu Phước Long bị cô lập, Đồng Xoài lo giữ lấy thân. Đến lúc này mới thấy ý kiến chỉ đạo của Bộ trước đó là hoàn toàn chính xác; đánh Bù Đăng trước, đánh Đồng Xoài sau là để ta có điều kiện tập trung lực lượng ưu thế vào từng khu vực. Lúc này lực lượng ta có hạn mà phải đồng thời làm nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài tập trung lực lượng mở chiến dịch tạo thế, đón thời cơ mới, còn phải dành lực lượng hỗ trợ, kiềm chế quân địch, đánh địch lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng, còn phải dành lực lượng hỗ trợ nhân dân nổi dậy chống bình định Không thể quá nặng nhiệm vụ này, coi nhẹ nhiệm vụ khác, mà phải cân đối, hỗ trợ nhau trong một kế hoạch hoạt động chung. Đánh Bù Đăng, Bù Na trước là để có lực lượng giữ khu vực đường Bảy Ngang vừa bảo vệ vùng giải phóng tây-bắc Sài Gòn, vừa kiềm chế lực lượng quân đoàn 3 nguỵ, không cho chúng tự do tung hoành, chi viện nơi này nơi nọ, trước hết để ta rảnh tay diệt chi khu Bù Đăng. Mặt khác tiến công giải phóng khu vực Bù Đăng, mục tiêu nhỏ, ta không cần nhiều lực lượng mà vẫn đảm bảo chắc thắng, có khả năng thu nhiều chiến lợi phẩm, vũ khí, đạn dược (nhất là loại đạn pháo cỡ lớn ta đang thiếu), có thêm tiềm lực quay lại tiến công tiếp Đồng Xoài. Phải dứt điểm nhanh gọn, đó là yêu cầu, là mệnh lệnh của cấp trên. Bởi dứt điểm không nhanh gọn, kéo dài dễ dẫn tới những phức tạp nảy sinh trong tình hình không đáng có. Nhưng làm thế nào để thực hiện được yêu cầu này trong khi các yếu tố bất ngờ không còn nữa, trong khi Đồng Xoài là vị trí hiểm yếu của khu vực bắc Sài Gòn, được địch phòng thủ vững chắc (8). Địch có thể dựa vào hệ thống công sự và hoả lực tự có chống trả các cuộc tiến công của ta và được sự chi viện của nhiều lực lượng trên nhiều hướng: ở Phước Vĩnh có chiến đoàn 8 (sư đoàn 5); Bầu Bàng, Bến Cát có chiến đoàn 7, chiến đoàn 9 (sư đoàn 5); Chơn Thành có liên đoàn biệt động quân; thị xã Bình Dương (Thủ Dầu Một) có hai trung đoàn của sư đoàn 18; trận địa pháo 175 ly ở Phước Vĩnh, không quân chiến thuật sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất đều có kế hoạch sẵn sàng chi viện. Tôi trình bày những suy nghĩ của mình trong buổi họp Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn. Những người tham dự thảo luận sôi nổỉ, và nhấn thêm: Về chiến lược, địch đang bị căng kéo trên phạm vi toàn chiến trường, nên không có lực lượng lớn chi viện cho đường 14; về chiến dịch, địch chưa phát hiện được lực lượng và ý đồ chiến dịch của ta; về chiến thuật, ta giải quyết tốt vấn đề tiến công chi khu bằng bộ binh, bằng pháo mang vác. Cuối cùng chúng tôi đã thống nhất một phương án, trước hết Quân đoàn cho hướng thứ yếu (Bù Đốp lưu vong) nổ súng trước nhằm: - Một là, vừa củng cố vừa mở rộng bàn đạp để tiến công địch từ hướng nam lên, đồng thời tạo thế đứng chiều sâu phía sau của ta sẵn sàng đối phó với tình huống bất trắc khi chuyển sang hướng chủ yếu đánh Đồng Xoài. Hai là, khai thác triệt để sự phán đoán lạc hướng của địch, cho rằng đối phương không đủ sức tiến công Phước Long - Đồng Xoài; rằng "tình hình Phước Long sôi động nhưng đó không phải là trọng điểm tiến công của Việt cộng, trọng điểm vẫn là Tây Ninh" (9). Đây cũng là nhân tố khách quan, cần khai thác tạo yếu tố bất ngờ. Ba là, thu hút sự chú ý của địch, tạo điều kiện cho hướng Đồng Xoài hoàn thành công tác chuẩn bị. Thực hiện ý định trên đây, trong hai ngày 23 và 24-12-1974, Quân đoàn lệnh cho Trung đoàn 165 (sư đoàn 7) được tăng cường một tiểu đoàn đặc công (trung đoàn 429), ba khẩu pháo 105 ly, một khẩu 120 ly, một khẩu pháo 85 ly và một tiểu đoàn pháo cao xạ hiệp đồng tiến công đánh chiếm, làm chủ các chi khu Bù Đốp lưu vong, đồn Phước Tín, Phước Trù, Phước Quả. Sáng 23 tháng 12, địch vội vã dùng máy bay lên thẳng đổ tiểu đoàn 1 thuộc chiến đoàn 7 (sư đoàn 5) và hai khẩu pháo 155 ly, xuống sân bay Phước Bình theo đường 311 đến tây Phước Quả để ngăn chặn ta, bảo vệ Phước Long, nhưng đã muộn. Vẫn theo kế hoạch phối hợp chung, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Phước cũng đồng thời nổ súng tiến công ở các ấp Nhơn Hoà, An Lương. Như vậy là các đơn vị trên hướng thứ yếu đã hoàn thành nhiệm vụ, hoàn toàn làm chủ đường 311 - đoạn từ ngã ba Liễu Đức đến Phước Quả, tạo thế uy hiếp mạnh phía nam hệ thống phòng thủ của địch ở Phước Long. Ta bắn một mũi tên trúng hai mục tiêu: kéo sự chú ý của địch vào bảo vệ Phước Long, nhẹ chú ý hướng Đồng Xoài, để mặc cho căn cứ này rơi vào thế bị cô lập cả ở phía bắc và bắc đông-bắc, trong lúc lực lượng tiến công của ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị, đang triển khai tiến vào vị trí xuất phát tiến công. Tuy phản ứng của địch ở tây-nam Phước Long không làm đảo lộn thế trận đã cài, nhưng lại là một hiện tượng khiến chúng tôi phải quan tâm, dành thời gian trao đổi, vì nó có quan hệ đến các diễn biến của bước hai chiến dịch. Liền đó, ngày 20 tháng 12, địch lại sử dụng máy bay lên thẳng đổ một đại đội thám báo xuống khu vực Đồng Xoài để lùng sục, phát hiện ta, nhưng chúng đã bị lực lượng pháo cao xạ của Sư đoàn 7 bắn dữ, buộc máy bay địch phải quay đầu về phía Phước Vĩnh - Lai Khê. Diễn biến tình hình một ngày một rõ như đánh bài ngửa, cả ta và địch đều biết được ý định của nhau sẽ làm gì trên khu vực hiểm yếu này. Duy chỉ có ngày N và giờ G địch chưa biết. Trong khi địch bị cuốn hút sự chú ý theo dõi Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của ta, thì cuộc chuyển quân khẩn trương và bí mật của ta vẫn diễn ra suôn sẻ, tất cả đã vào vị trí cài thế; Trung đoàn 209 (thiếu) đã đứng chân ở phía tây đánh viện từ Chơn Thành sang; Trung đoàn 201 thiếu (sư đoàn 3) sau khi diệt căn cứ Vĩnh Thiện (Bù Đăng) được lệnh cấp tốc hành quân vượt qua một chặng đường dài hơn 100 ki-lô-mét về đứng chân phía nam Đồng Xoài, chặn viện từ hướng Phước Vĩnh lên. Theo lệnh của Quân đoàn, Sư đoàn 9 vẫn trụ ở đường Bảy Ngang nhưng cần tổ chức lực lượng ngăn chặn địch trên đường 13 - đoạn nam Chơn Thành, sẵn sàng cơ động một trung đoàn sang đường 14 diệt viện binh địch, hỗ trợ cho Trung đoàn 141 (sư đoàn 7) làm nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đồng Xoài. Đề ngày 22-12-1974, Quân đoàn nhận được báo cáo của Sư đoàn 7: Trung đoàn 141 đang triển khai chiếm lĩnh trận địa tiến công căn cứ Đồng Xoài, hình thành ba mũi chủ yếu (phía tây), mũi thứ yếu (phía đông), mũi vu hồi (phía nam). 16 giờ ngày 25 tháng 12, tôi trực tiếp điện xuống Sư đoàn 7 thông báo các hoạt động phối hợp của các Quân khu 8, trung đoàn chủ lực 812 Quân khu 6 ở khu Tánh Linh, Hoài Đức; Sư đoàn 5, lữ đoàn 3 thiết giáp địch vẫn phải đứng chân ở bắc Sài Gòn do ta tổ chức nghi binh lừa địch tốt; chúng vẫn khẳng định Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của ta đang có mặt ở đường Bảy Ngang. để động viên các đơn vị và nắm thêm tình hình trước khi phát lệnh nổ súng. Từ đầu dây bên kia, đồng chí tư lệnh Sư đoàn 7 giọng sôi nổi, tự tin báo cáo: - Trung đoàn 141 và hai tiểu đoàn tăng cường của Trung đoàn 209 và 201 đang tiến vào vị trí xuất phát tiến công thuận lợi. Các lực lượng pháo cối được tăng cường(10) đã vào các vị trí yểm trợ đang điều chỉnh tầm và hướng. - Tiếp tục theo dõi sát sao mọi động tĩnh trong căn cứ báo cáo về quân đoàn và kịp thời xử trí các diễn biến đột xuất – Tôi nhắc đồng chí tư lệnh Sư đoàn 7. Chúng tôi cùng lúc rời ống nghe sau khi chúc nhau sức khỏe và chúc trận đánh đạt thắng lợi. Đêm 25-12-1974, một đêm yên tĩnh lạ thường ở một vùng mà đồn bốt, căn cứ quân sự vây quanh, hướng nào cũng có, cũng gần. Vẫn như lệ thường, thành một nếp đã quen, chúng tôi đều thao thức, hồi hộp chờ đón giờ G, nhưng có cái gì trang nghiêm hơn là vì trận đánh có ý nghĩa then chốt đối với tiến trình tiếp sau và trên cả khu vực nam đường 14. Giây phút mong đợi đã đến. 5 giờ 37 phút ngày 26-12-1974, màn sương vẫn bao phủ cả không gian khu vực, thì cuộc tiến công căn cứ Đồng Xoài bắt đầu. Những giờ đầu cuộc tiến công diễn ra thuận lợi. Hệ thống vô tuyến điện bắt đầu làm việc. Tin tức sở chỉ huy Quân đoàn nhận được chỉ là những báo cáo tình hình phát triển của cuộc tiến công, chưa có thỉnh thị quân đoàn cho ý kiến xử lý tình huống nào gay cấn. Tôi càng an tâm khi nhận điện của trinh sát Miền thông báo và trinh sát quân đoàn gửi về: các căn cứ Lai Khê, Đồng Dù, An Lộc, Chơn Thành vẫn yên tĩnh, chưa thấy có hiện tượng gì chứng tỏ địch dang rục rịch chuyển quân, tăng viện. Nhưng lúc này đã gần 8 giờ tức là sau ba giờ tiến công mà vẫn chưa đứt điểm được Đồng Xoài? Tôi thực sự băn khoăn đến lo lắng! Cần biết cụ thể tình hình, nhất là những diễn biến phức tạp nảy sinh để có biện pháp xử lý, thì các đồng chí trong bộ phận tác chiến sau khi tổng hợp tình hình báo cáo: 8 giờ 30 phút ta đánh chiếm xong sở chỉ huy chi khu, tưởng địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn quân ta sinh chủ quan, không tiếp tục lùng sục hoặc lùng sục không kỹ. Địch vẫn còn, sở chỉ huy tiểu đoàn 341 bảo an ở phía nam căn cứ chưa bị tiêu diệt. Chúng dựa vào công sự chống lại quyết liệt. Như vậy là chưa có tình huống đột xuất nảy sinh. Nhưng không thể để giằng co dẫn đến kéo dài, địch có lý do để ngoan cố tăng viện. Đành rằng ta đã lường đến tình huống này nhưng không cho nó xảy ra vẫn là thượng sách. Nghĩ vậy tôi điện xuống động viên khích lệ chiến thắng đã giành được và lệnh cho đơn vị phải xử trí ngay. Sư đoàn phải tập trung lực lượng, thành thế bao vây uy hiếp, kết hợp cả bộc phá tổ chức tiến công nhiều mũi, nhiều hướng, nhanh chóng dứt điểm cho được mục tiêu còn lại. Tôi nghĩ cả biện pháp cho pháo binh chi viện nhưng bị hạn chế về tầm và mục tiêu, vì lúc này khoảng cách ta, địch rất gần. Dùng xe tăng? Hiện có một đại đội làm dự bị nhưng cũng không cần, vì mục tiêu còn lại nhỏ, sự chống đối của chúng như ngọn lửa tàn vụt lên để rồi tắt ngấm. Đợt hai của cuộc chiến đấu bắt đầu, nhưng diễn ra cũng không đơn giản. Địch trụ lại ngoan cố chống cự, mãi 10 giờ 30 phút ta mới diệt được chúng, hoàn toàn làm chủ toàn bộ căn cứ. Đến 15 giờ, ta tiêu diệt mục tiêu cuối cùng là chốt cầu số 2, cũng là kết thúc bước hai chiến dịch. Sau bốn ngày chiến đấu, ta diệt hai chi khu (Đồng Xoài và Bù Đốp lưu vong) và nhiều đồn bốt khác, đánh tan hai tiểu đoàn bảo an (tiểu đoàn 352 bị đánh tan lần thứ hai), thu nhiều vũ khí có 8.000 đạn pháo, 15.000 đạn cối; giải phóng hoàn toàn đường 14, đường 311 đến sát chân núi Bà Rá mà không cần dùng đến xe tăng. Thắng lợi bước hai chiến dịch, tương quan lực lượng (cả thế và lực) đã thay đổi có tính chất đột biến có lợi cho ta. Tôi vui mừng khôn xiết. Nỗi lo âu âm thầm trong tôi tan biến, vì chỉ sợ tái diễn trận Đồng Xoài năm 1965, thắng lớn nhưng bị tổn thất cũng không nhỏ. Tôi thực sự phấn khởi, thanh thản, lại nghĩ về sự sáng suốt của Bộ, cho đánh Bù Đăng trước, Đồng Xoài sau. Quán triệt tư tưởng đó, Quân đoàn một mặt chuyển hướng lên đánh Bù Đăng nhưng vẫn để Trung đoàn 141 ở lại làm nhiệm vụ vây lỏng, cầm chân nhưng vẫn tiếp tục hoàn chỉnh công tác điều tra nắm địch, vẫn tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch đánh Đồng Xoài. Đầu tháng 12 trung đoàn tập trung huấn luyện chín đêm liền về cách đánh Đồng Xoài, chiến sĩ trinh sát, đặc công tập động tác tiềm nhập, cắt rào, gỡ mìn, đặt bộc phá liên kết từ tiểu đội đến tiểu đoàn, tập chiến thuật vượt qua cửa mở đánh vào tung thâm. Sư đoàn rất coi trọng khâu trinh sát thực địa, nắm địa hình, nắm quy luật địch bố phòng, canh gác; đã ba lần cho người bò sát vào hàng rào địch quan sát nghiên cứu, cắt bốn hàng rào kẽm gai vẫn không lộ để nghiên cứu thực hành mở cửa. Tháng 10 năm 1974, trong lần thứ hai đi trinh sát thực địa bị lộ, địch bắn trả, hai chiến sĩ hy sinh, một bị thương bò ra được nhưng lạc đường, phải nằm lại giữa đám ruộng mạ sống cầm hơi. Đến ngày thứ bảy, một bà má từ ấp chiến lược đến giờ quy định của địch được ra ngoài thăm đồng phát hiện. Đồng chí chiến sĩ còn đang lúng túng trước tình huống bất ngờ, thì bà má chủ động: - Má biết con là ai rồi, con cứ làm theo lời má là thoát khỏi nguy hiểm. Đồng chí chiến sĩ không nói gì, cứ im lặng làm theo lời má. Má đã tìm cách che giấu, chữa chạy lành bệnh rồi đưa ra khỏi khu vực Đồng Xoài, chỉ về hướng bắc mà đi thể nào cũng gặp đơn vị. Những việc làm âm thầm, bất chấp cả nguy hiểm ấy là một trong nhiều ví dụ để chỉ ra nguyên nhân vì sao từ đợt một chuyển sang đợt hai chiến dịch lại nhanh như thế; đó cũng là một trong những căn cứ để những người lãnh đạo và chỉ huy Quân đoàn chúng tôi có được một quyết tâm, một kế hoạch chiến đấu sát hợp và rất tự tin là nhất định sẽ trở thành hiện thực trước khi trận đánh nổ súng. Chú thích: (1) Được Quân uỷ Trung ương - và Bộ quốc phòng phê chuẩn, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền đã công bố quyết định thành phần Bộ tư lệnh quân đoàn 4 gồm: Thiếu tướng Hoàng Cầm, tư lệnh; đại tá Bùi Cát Vũ, phó tư lệnh; đại tá Nguyễn Huỳnh Ngân, phó tư lệnh kiêm chủ nhiệm hậu cần; đại tá Hoàng Nghĩa Khánh, tham mưu trưởng, đại tá Lê Thanh, chủ nhiệm chính trị. (2) Nghị quyết Đăng uỷ Quân đoàn họp ngày 3 và 4-10-1974 nêu, trong xây dựng và chiến đấu cần nắm vững sáu yêu cầu: chính trị - tư tưởng vững mạnh; chiến đấu vả huấn luyện giỏi; lao động và công tác tốt, xây dựng quân lý chặt; kỷ luật chính sách nghiêm; sản xuất tiết kiệm cao. (3) Nghị Quyết Quân uỷ Trung ương, tháng 4 năm 1974. (4) Theo tổ chức chiến trường của ta, Bình Phước là do hai tỉnh Bình Long và Phước Long hợp lại. Theo tổ chức hành chính của địch, Phước Long như các tỉnh khác, là một đơn vị hành chính thuộc nguỵ quyền trung ương Sài Gòn. Về quân sự là một tiểu khu thuộc quân khu 3 nguỵ. (5) Như loại củ mài, củ nâu ở vùng núi phía bắc, có thể ăn và sống qua ngày. (6) Đoàn Đức Thái được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (7) Trong sáu ngày chiến đấu, ta đã đập tan tuyến phòng thủ của địch trên đường 14 đoạn từ ki-lô-mét 11 đến Bù Đăng dài hơn 100 ki-lô-mét, đánh chiếm một chi khu, một yếu khu, 50 đồn bót, tiêu diệt và làm tan rã hơn 2.000 tên địch, thu 900 khẩu súng, trong đó có bốn khẩu pháo 105 ly và 6.460 viên đạn pháo, một số xe vận tải, thiết giáp; giải phóng 14.000 dân. (8) Đồng Xoài là căn cứ khá lớn, nằm trên một dải đồi thấp kiểm soát được bốn phía; chiều dài khoảng 600 mét. chiều rộng khoảng 300 mét, án ngữ một đẩu mồi giao thông chiến lược ở miền Đông Nam Bộ. Lực lượng phòng giữ Đồng Xoài có khoảng 1.300 tên, nòng cốt là tiểu đoàn 341 bảo an. có bốn khẩu pháo 105 ly vă 155 ly. Quanh căn cứ có 11- 6 lớp rào kẽm gai. các loại mìn chống tăng và chống bộ binh. Trong căn cứ có hơn 500 lô cốt, ụ súng chiến đấu. Ở phía nam và đông-bắc có tường bao đắp đất dày hơn ba mét, cao khoảng 80 phân. (9) Báo cáo của tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh quân đoàn 3 nguỵ trong cuộc họp tướng lĩnh ngày 17-2-1974 do Trần Thiện Khiêm, thủ tướng nguỵ quyền Sài Gòn chủ trì bàn cách đối phó với ta trong mùa khô 1974-1975. (10) Hoả lực tăng cường yểm trợ trung đoàn 141 gồm: ba khẩu 160 ly, hai khẩu 122 ly, một khẩu 120 ly, bốn khẩu pháo 105 ly, bốn khẩu pháo 85 ly, một tiểu đoàn cao xạ.