Chương 3

Những ngày đóng quân ở đình Soi Sở chúng tôi dồn hết tâm trí vào việc chuẩn bị cho Nam tiến mà trên đã giao. Vấn đề chỉ còn là ngày giờ cụ thể.
Ngày ấy Nam tiến là việc công khai, không phải giữ bí mật như đi B hoặc đi Nam hồi đánh Mỹ. Bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Đỗ Nhuận chúng tôi thuộc rất nhanh, coi như bài tủ, đi đâu cũng hát: "Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam, ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn…". Bài hát vừa cổ vũ tinh thần yêu nước mạnh mẽ đối với mọi người vừa thôi thúc tính hiếu kỳ, ưa phiêu lưu mạo hiểm của tuổi trẻ hồi đó, càng đi xa càng thoả chí.
Hàng ngày ngoài hai buổi tập luyện quân sự, rảnh rỗi lúc nào là chúng tôi lại bàn chuyện Nam tiến, mang cả bản đồ ra đối chiếu các địa danh mà các đơn vị Nam tiến vào trước đã chiến đấu đánh Pháp, diệt Pháp để quên đi những giờ phút phải chờ đợi.
Nhất là khi được tin các đơn vị Nam tiến của ta, như: chi đội Một(1) vào Đông Nam Bộ đã đánh địch ở cầu Bình Lợi, ngã ba Xuân Lộc, như chi đội Hà Nội đánh địch ở Buôn Ma Thuột, ở đèo Phượng Hoàng trên đường 2 1 không cho chúng đánh xuống Ninh Hoà, Nha Trang, là chúng tôi ngồi đứng không yên.
Sự háo hức Nam tiến được báo trước và có chuẩn bị của chúng tôi đã không thành sự thật!
Đó là vào một buổi sáng đầu tháng 11 năm 1945, anh Phạm Ngọc Mậu(2) được cấp trên phái xuống thăm và phổ biến nhiệm vụ mới. Chợt thấy, chúng tôi ùa nhanh ra vây quanh anh ngay giữa sân đình tranh nhau hỏi tin tức: Các đơn vị Nam tiến hiện nay thế nào, đã đến nơi chưa, đánh được mấy trận, ở đâu? Tại sao mặt trận Buôn Ma Thuột, mặt trận Nha Trang lại bị thủng? Hình như anh không chuẩn bị nói những điều chúng tôi hỏi, những tin tức chúng tôi cần biết và biết cụ thể? Anh chỉ chung chung trả lời:
- Quân ta đã yào đến nơi rồi, chi đội Hà Nội cùng với các đơn vị Nam tiến của tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi đang vây hãm địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, chặn chúng ở đèo Phượng Hoàng.
Không ai khởi xướng, tất cả đều vỗ tay hoan hô, đồng thanh hát bài Nam Bộ kháng chiến, vừa hát vừa gõ nhịp bằng tay rất đều với khí thế phấn khởi và sẵn sàng.
Đợi khi đơn vị ngồi vào vị trí quy định, tất cả trật tự theo lệnh chung, anh Mậu bước ra nói chuyện, như tâm sự thì đúng hơn. Ngay từ lời mở đầu, linh cảm như mách bảo người nghe thấy có cái gì khác thường, không như dự đoán của mọi người - Càng về sau anh chuyển suy nghĩ của chúng tôi sang một hướng khác thật đột ngột, bằng một câu kết thật vui:
- Không Nam tiến thì Tây tiến - lướt nhìn nhanh hàng quân như thăm dò - anh hắng giọng nhấn mạnh - Chỉ khác hướng chứ không khác nhiệm vụ.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau dò hỏi: Tây tiến là đâu, làm nhiệm vụ gì.
Hơi sững lại vì cái hướng thoả chí tang bồng đã hình thành trong nếp nghĩ bấy lâu nay không được thoả nguyện. Nhưng ngày ấy tinh thần yêu nước trỗi dậy mạnh mẽ trong lớp trẻ chúng tôi, gạt nhanh đi những cái gì là riêng tư, sẵn sàng đi vào nhiệm vụ mới.
Tây tiến mà sau đó chúng tôi được phổ biến là tỉnh Sơn La và Lai Châu - một vùng suối sâu, đèo cao, rừng rậm, dân thưa và đói nhưng lại lắm giặc giã, bất an. Ở Sơn La lúc ấy cơ sở Đảng và đoàn thể cứu quốc yếu nên ta phái một đại đội và hai trung đội từ Sơn Tây, Phú Thọ lên phối hợp với tự vệ địa phương cướp chính quyền. Còn ở Lai Châu, ta chưa tổ chức được các đoàn thể cứu quốc, chưa có cơ sở Đảng, chính quyền còn nằm trong tay bọn Quốc dân đảng và tay sai Nhật. Tháng 10 năm 1945, đại diện Chính phủ lên thương lượng lập chính quyền cách mạng nhưng không thành công.
Hai tiểu đoàn Pháp chạy dạt sang Vân Nam (Trung Quốc) sau ngày Nhật đảo chính (9-3) nay trở lại Lai Châu. Tên thổ ty Đèo Văn Long đưa Pháp về chiếm thị xâ vào đầu tháng 11 năm 1945, lăm le chờ thêm tàn quân của A-léc-xăng-đri (tướng chỉ huy quân Pháp miền Bắc Đông Dương) tăng viện cũng từ Vân Nam tràn về, chiếm đóng trở lại hai tỉnh phía tây này.
Nhận thức được âm mưu thâm hiểm của kẻ địch, tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc và giao cho Bộ Tổng Tham mưu điều động lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Tình hình thật khẩn trương. Trên thực tế lúc này, ở hai đầu đất nước, Sài Gòn và Lai Châu đang trực tiếp đương đầu với quân đội Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai. Nhưng đồng bào Lai Châu thiệt thòi là không được biết, không hình dung cái cảnh tưng bừng đón nhận cuộc sống độc lập, tự do dù chỉ một giờ.
Thực hiện mệnh lệnh điều quân của Bộ Tổng Tham mưu mà anh Phạm Ngọc Mậu vừa trực tiếp xuống giao, đại đội Lê Thám chúng tôi khẩn trương chuẩn bị, ai quê Hà Nội được về thăm, 24 giờ sau phải có mặt, còn những người lính gia đình ở xa như tôi thì nằm liền tại đơn vị để kịp ngày lên đường. Từ đình Soi Sở rẽ sang Xuân Mai theo đường số 6 ngược thị xã Hoà Bình, vượt Dốc Cun đến Mộc Châu bắt vào đường số 41 (nay là đường số 6) chúng tôi tới Sơn La vào đầu tháng 12 năm 1945.
Lại nhắc đến đường số 41! Với đồng đội của tôi - những chàng trai trẻ Hà Nội mới lên lần đầu chỉ có cảm tưởng chung sao đường dài và lắm dốc thế! Còn với tôi lại khác, nỗi buồn và niềm vui xen lẫn theo suốt chặng đường hành quân. Cách đây không lâu, bị bọn chỉ huy quân đội Pháp đưa đi trên đường này làm lính thú sống kiếp lưu đày, hàng ngày nhận những khinh miệt của người da trắng. Vậy mà hôm nay mới chỉ sau mấy tháng cuộc đời đã khác. Tôi đã đứng trong đội ngũ vệ quốc quân đi trên con đường của ta, sống giữa tình đồng đội bình đẳng, chan hoà và nhân ái. Thật bất ngờ và xúc động.
Sơn La, cái thị xã yên tĩnh, nhỏ bé bỗng nhộn nhịp hẳn lên, đầy ắp những đơn vị theo lệnh điều quân của cấp trên đã có mặt trước chúng tôi. Đó là các đại đội vệ quốc quân của tinh Bắc Giang, Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Nam, Ninh Bình, cùng với hai đại đội, hai trung đội của Sơn Tây, Phú Thọ lên trước tham gia cướp chính quyền, sau đó tổ chức thành chi đội 90 Sơn La (sau đồi thành trung đoàn 148) do anh Lê Trọng Tấn làm chi đội trưởng, sau thêm các anh Hoàng Mười, Phùng Thế Tài.
Tình hình lúc này thật căng thẳng. Đến giữa tháng 12 năm 1946, có thêm tàn quân của A-léc-xăng-đri từ Vân Nam về tăng viện lên tới 5.000 tên, quân Pháp mở nhiều cuộc hành quân tái chiếm. Từ Lai Châu theo đường số 41 thọc xuống Tuần Châu, Tuần Giáo, chi đội Sơn La bước vào chiến đấu chống trả quyết lìệt với quân Pháp suốt ba ngày đêm ở Chiềng Pắc, không cho chúng thực hiện ý định chiếm khu vực này; tập kích địch ở Chiềng Cang, Chiềng Khuông, chặn không cho chúng đánh về hướng Sơn La, đồng thời lần lượt quét bọn Quốc dân đảng tay sai của Tưởng Giới Thạch ở hữu ngạn sông Đà.
Cũng thời gian này, trung đội tôi được lệnh tách khỏi đội hình đại đội, cấp tốc lên Quỳnh Nhai với nhiệm vụ chặn quân Pháp có thể từ phía Lai Châu dùng thuyền, mảng thả xuôi theo sông Đà đánh vào Sơn La từ hướng đông-bắc. Lúc này tôi được giao quyền trung đội trưởng.
Do kiến thức quân sự quá ấu trĩ, chúng tôi chẳng hề để ý tìm hiểu địch, ta cụ thể như thế nào, địa hình, địa vật và dân tình ra sao, lòng yêu nước là chất men say, là sức mạnh, nhận lệnh là đi liền, chẳng biết khó khăn nguy hiểm là gì.
Thực ra bối cảnh lúc đó rất phức tạp. Sơn La đã yếu, thì Quỳnh Nhai - một huyện địa đầu phía bắc (giáp Lai Châu) của tỉnh là dịa phương yếu nhất, gần như chưa có gì. Chỉ vẻn vẹn có ba cán bộ huyện, trong đó có anh Liêm chưa phải đảng viên được cử xuống làm nhiệm vụ dẫn đường và phiên dịch tiếng Thái khi đơn vị tiếp xúc làm công tác vận động quần chúng.
Nhưng Quỳnh Nhai là một vị trí quân sự xung yếu nằm bên tả ngạn sông Đà, trong đợt tiến công mở rộng vùng chiếm đóng đầu tháng 12 địch đã có một mũi từ Phong Thổ (Lai Châu) thọc xuống Quỳnh Nhai, có ý thăm dò địa thế và lực lượng ta, chuẩn bị chiếm đóng tiếp sau.
Quãng đường Sơn La - Quỳnh Nhai dài trên 65 ki-lô-mét mà chúng tôi phải đi nhiều ngày. Vượt sông Đà sang Mường La quẹo hướng Bắc. Từ đây cứ vạch lá, cắt rừng mà đi, tránh mọi con đường sẵn có, kể cả đường mòn, cốt bịt mắt địch không cho chúng phát hiện dấu vết. Sang ngày thứ năm thì đơn vị mới đến địa điểm quy định. Thật là tốc độ con rùa! Nhưng điều đáng buồn và kèm theo cả nỗi lo - là không hoàn thành nhiệm vụ, vì địch đã đến Quỳnh Nhai trước chúng tôi hai ngày. Lý do đến chậm còn vì dọc đường chúng tôi mải đánh bọn Quốc dân đảng, ham lấy súng đạn của chúng.
Nhân đây xin lưu ý bạn đọc, dù lúc ấy chúng tôi có đến trước cả chục ngày cũng không bớt khó khăn, không tăng thêm lực.
Với một trung đội vũ khí lại thiếu, chỉ vài ba khẩu súng trường kiểu cổ, đạn lại ít, hoạ may cầm chân địch vài ba ngày, diệt dăm bảy tên địch là đạt yêu cầu, còn be bờ không cho địch đánh xuống Sơn La thì quả là khó.
Xin được trở lại câu chuyện - Những ngày ở Quỳnh Nhai.
Phát hiện thấy dấu vết đối phương, địch bu lại bao vây, hất chúng tôi lên núi, thấy hướng đông sáng, chúng tôi leo tiếp.
Nhưng qua mười ngày vẫn không vượt khỏi. Càng lên cao, rừng cây càng rậm rạp, sương mù đặc quánh che phủ, chẳng còn phân biệt được ngày đêm, buộc phải tụt xuống quay lại đường cũ. Khi lên chồn chân, lúc xuống mỏi gối, nhưng tốc độ có nhanh hơn. Sau này đọc thơ Tây tiến của Quang Dũng, tôi mến phục anh đã nói hộ chúng tôi về những ngày bị địch dồn lên núi:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời,
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.
Đúng! Lần đầu chúng tôi đối mặt với thiên nhiên nghiệt ngã miền Tây, đã vượt qua và có cả mất mát.
Xuống đến chân núi, chúng tôi bí mật tổ chức đột nhập vào đồn địch lấy thuyền rồi nhanh chóng trở về hữu ngạn sông Đà, tạm dừng lại Bắc Ma, Bản Uẩn. Không có ý định ban đầu nhưng đến nơi thấy vùng này dân đông, đời sống khá, địa thế chiến đấu tốt nên quyết định trụ lại. Thoạt đầu đến ở nhà tổng đoàn vì thấy nhà cửa rộng, thóc gạo lại nhiều có thể vận động họ giúp đỡ. Được vài hôm thấy chủ nhà lúc nào cũng giương mắt cú vọ theo dõi chúng tôi, vểnh tai nghe chúng tôi bàn chuyện, chỉ vui lấy lòng bề ngoài. Thấy vậy, tôi quyết định tách ra, phân tán nhỏ từng tổ đóng rải ra từng gia đình, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, và tuyên truyền vận động gây cơ sở trong nhân dân. Vừa tổ chức sắp xếp lực lượng vừa tổ chức chiến đấu, trước hết là tìm cách bắt lính gác lấy súng.
Một tổ được phái đến điều tra, các hoạt động của số lính từ Quỳnh Nhai đưa sang gác phía bên này sông. Sau khi nắm được quy luật thay gác đổi gác, tôi cử một nửa tiểu đội gồm những anh em biết võ phục sẵn, chờ phiên đổi gác cuối cùng trong ngày là khởi sự. Yên ắng và nhanh gọn, anh em đã tóm được bốn tên, thu bốn súng. Trận thắng lần đầu và cũng là trận thắng cuối cùng đánh theo kiểu này, anh em phấn khởi, cả đêm hôm đó thật vui. Đủ các thứ chuyện được ôn lại, nhớ lại có cả chuyện tiếp tục bắt lính gác. Nhưng làm gì có chuyện đó nữa, vì hôm sau địch lùng sục xung quanh và trạm gác này cũng không còn nữa.
Cuối tháng 3, địch từ Lai Châu mở nhiều mũi tiến công xuống Sơn La, trận chiến đấu giữa ta và địch càng trở nên ác liệt. Các đơn vị của trung đoàn Sơn La chặn đánh quyết liệt với quân Pháp trên hướng đường số 41, đèo Pha Đin, ta diệt 50 lính Pháp ở Bản Mo, Mường Sài, nhưng vì địch đông, lực lượng ta có hạn, chúng lần lượt chọc thủng các tuyến chốt chặn của ta, đánh chiếm Thuận Châu, Mường Hung, Sốp Cốp, Chiềng Cang (bắc Sơn La) sau là Chiềng Khiêng, Bản Hót uy hiếp nam tỉnh Sơn La. Ở Quỳnh Nhaì, địch theo đường sông Đà đánh xuống Mường La, càn quét các vùng xung quanh mở rộng khu vực kiểm soát, uy hiếp Sơn La từ hướng đông-bắc, chia cắt giữa chúng tôi với trung đoàn.
Thế là trung đội tôi bị bao vây, mất liên lạc với cấp trên từ đây. Khoảng cách không xa, nhưng lúc đó đâu có phương tiện thông tin hiện đại như bây giờ. Muốn tổ chức liên lạc bằng chạy bộ cũng không đơn giản. Cần người xung phong nhận nhiệm vụ có ngay, nhưng biết chúng tôỉ ở đâu mà tìm. Muốn hỏi, đi cả ngày dường cũng không tìm đâu ra người mà hỏi.
Lúc đầu anh em hoang mang, cá biệt có anh em than thở "Thế là rắn đã mất đầu!". Nhưng rồi chúng tôi tự chấn chỉnh, tự động viên ổn định tư tưởng cho nhau. Ta vẫn đang tồn tại, có dân che chở, giúp đỡ, lực lượng còn và có thêm súng so với lúc mới lên.
Từ những suy nghĩ ấy, chúng tôi xốc lại đội hình, luôn thay đổi hoạt động, không ở đâu lâu một chỗ, không công khai đối đầu với địch, mà lúc tập trung, lúc phân tán, nay ở Xuân Nha, Ma Téng, mai xuống Mường Hinh, Tạ Bú, tập kích vào những đơn vị nhỏ lẻ, phục kích đón lõng đánh các toán nhỏ tuần tra, những tốp cảnh giới những chòi gác. Cứ thế nay diệt một tên địch, mai thu một khẩu súng, dăm chục viên đạn, vài ba quả lựu đạn; ngày kia tiếp nhận thêm đội viên mới người địa phương tự nguyện tham gia vì được anh em trong đơn vị tuyên truyền vận động.
Niềm vui về thành tích "năng nhặt chặt bị" này cứ ngấm dần, tạo thành lòng tin giúp chúng tôi vượt khó khăn tiến lên.
Nhưng trung đội vẫn không quên nỗi buồn, nó cứ canh cánh bên lòng. Đó là trường hợp anh Liêm, người con của Quỳnh Nhai, người trợ thủ đắc lực của đơn vị những ngày đầu khi vào trận. Anh bị Tây bắt do có sự sơ suất của chúng tôi. Hôm ấy là một ngày cuối tháng 3, đơn vị chuyển quân đến Mường Hịch để vừa chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng, vừa làm công tác vận động quần chúng tham gia kháng chiến. Theo kế hoạch toàn đơn vị ém quân ở sườn núi sau bản đề phòng địch đánh úp, anh Liêm cùng với cơ sở địa phương vào các nhà dân giải thích chính sách vận động quần chúng tham gia kháng chiến, ủng hộ bộ đội. Là người địa phương, anh Liêm làm nhiệm vụ này rất có kết quả. Đi đến đâu quần chúng cũng dễ gần, dễ trò chuyện, dễ tiếp thu những điều giải thích rất mộc mạc dễ hiểu của anh. Trong sự che chở, đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân đối với đơn vị, anh là người có công lớn. Bất thần địch ập tới (sau này tôi được biết do tên tổng đoàn đã bí mật cho người đi báo Tây) bắt anh Liêm. Thấy động dưới bản, tôi cho đơn vị vận động xuống thấp nổ súng tiến công, địch hoảng hốt vừa bắn trả vừa rút chạy. Linh tính biết anh Liêm gặp nguy, tôi lệnh cho một tiểu đội rẽ trái chạy vượt lên, cứu anh Liêm. Nhưng đã muộn, đến nơi địch rút và anh Liêm cũng không còn nữa! Đồng bào nói Tây nó bắt cán bộ Liêm rồi. Tôi sững lại như muốn khóc. Vì mất anh là một thiệt thòi lớn cho đơn vị lúc này. Đêm đó và cả những ngày sau, tôi như người hụt hẫng, buồn thương nuối tiếc anh Liêm cứ luôn ở bên tôi, nhiều đêm không sao ngủ được. Tôi tự trách mình sơ suất nếu hôm đó tổ chức cảnh giới tốt, có một tổ đi cùng anh Liêm thì đâu đến nỗi này! Mãi đến năm 1990, anh Liêm từ Sơn La về Hà Nội gặp tôi, báo đã thoát tù trở về. Gần 50 năm mới gặp lại nhau, cả hai đã già, đều trở thành ông nội, ông ngoại. Nhưng những giờ phút gặp lại không ngờ này khiến chúng tôi trẻ lại, bao kỷ niệm cũ dồn nén được bung ra, trong đó vẫn xoay quanh những ký ức khó quên về những ngày sống ở Quỳnh Nhai. Tôi nhận lỗi do sơ suất để anh bị địch bắt, phải sống những ngày gian truân. Anh không nói, chỉ cười thật sảng khoái "gặp lại nhau thế này là quý rồi!". Đó là điều anh đã cảm thông, gỡ cho tôi nỗi ân hận, day dứt bấy lâu.
Đầu tháng 5, từ Tạ Bú chúng tôi tìm được đường về sở chỉ huy trung đoàn lúc này vẫn còn ở khu vực thị xã Sơn La, trong lúc cũng đang thu quân chuyền hướng hoạt động xuống phía nam. Thật hú vía! Chỉ chậm một ngày nữa là chúng tôi lại tiếp tục chịu cảnh đứa con nhỏ bị lạc mẹ.
Anh Tấn và cả cơ quan trung đoàn bộ ra tận mép đường đón đơn vị Vừa nhìn thấy, anh bước nhanh tới cầm tay lắc mạnh và ôm ghì lấy tôi. Các anh xếp thành hàng vỗ tay hoan hô, cho đến khi hàng quân qua khỏi mới thôi.
Trên đường về sở chỉ huy, anh Tấn tranh thủ hỏi han:
- Cậu có sao không, sức khỏe thế nào?
- Báo cáo anh, vẫn nguyên vẹn, bệnh sốt rét hình như phải kiêng tôi.
- Bọn mình cứ tưởng các cậu đã hy sinh.
Anh đang định nói tiếp, tôi xen vào:
- Báo cáo anh có, nhưng không hết.
- Hy sinh ở đâu, trận đánh nào?
- Báo cáo anh, ở khu rừng già Quỳnh Nhai khi bị địch vây và khi bò vào lấy thuyền địch để vượt sông.
Anh Tấn xúc động, đầu hơi cúi, hai mắt đỏ hoe, chớp chớp cố ngăn không cho ngấn nước đọng thành hạt nơi đáy mắt.
Hai chúng tôi đi trong yên lặng vào nhà - nơi anh Tấn làm việc. Nơi điều hành chỉ huy công việc của mặt trận Sơn La giản dị, thiếu thốn vô cùng. Anh phải sử dụng bản đồ hành chính, dùng trong các trường học vào việc chỉ huy chiến đấu.
Sau khi đưa tôi bát nước chè rót từ cái ấm đặt trên bếp vẫn còn bốc hơi nóng, anh Tấn nói:
- Thôi, bây giờ chúng ta có thì giờ để vào chuyện - anh nhấn mạnh chứ chưa vào việc - Việc hãy để đó, chiến đấu còn lâu dài.
Lúc này giọng anh trầm lắng, chậm rãi chứ không gọn đanh như khi giao nhiệm vụ. Cả khuôn mặt nghiêm nghị thường ngày bây giờ biến đổi ẩn chứa nét buồn. Anh nói cả ban chỉ huy trung đoàn trong nếp nghĩ hàng ngày đâu có quên, các buổi giao ban chiến đấu vẫn điểm danh các đơn vị, trong đó có đơn vị cậu được anh em tặng mật danh "Trung đội viễn chinh của trung đoàn". Nhưng chẳng có tin tức gì, cho đến hôm nay đã hơn hai tháng rồi - Anh dừng lại nhìn thẳng vào tôi hỏi:
- Có đúng thời gian như vậy không Hoàng Cầm?
- Báo cáo anh! Tính đến nay là hai tháng 17 ngày chúng tôi xa trung đoàn.
- Không phải xa, mà là các cậu bị bao vây, chiến đấu giữa vòng vây của quân thù.
- Dạ! - Tôi hơi lúng túng trả lời.
Anh Tấn lại thủ thỉ vào chuyện.
- Bọn mình thực sự day dứt vì không giúp được gì cho các cậu trong thời gian gặp khó khăn. Giờ đây nhìn thấy cậu mình càng ân hận về trách nhiệm của người chỉ huy. Vì tất cả đều mới quá, có nhiều việc không biết đâu mà định liệu trước, nếu có đặt ra thì không biết bắt đầu, thứ tự trước sau là gì. Chúng mình phải thông cảm, tha thứ cho nhau những khiếm khuyết không muốn có. Vừa rồi khi xuống đường đón đơn vị, câu thứ hai mình nói "tưởng các cậu hy sinh cả rồi" là ý nghĩ thật của tất cả bọn mình, vì sau một tháng không có tin tức trong khi được biết địch ở Quỳnh Nhai đang mở rộng khu chiếm đóng, đã đưa lực lượng xuôi theo sông Đà, tham gia uy hiếp Sơn La từ hướng nam.
Nghe anh kể, tôi thấy chính mình phải chủ động thông cảm, phải xin lỗi nhận khuyết điểm với cấp trên mới đúng. Lúc ấy các anh đâu có rảnh rang, mặt trận phía bắc thủng, địch chiếm Thuận Châu, cách thị xã không xa, còn phía nam, chiến sự đã diễn ra ở Hát Lót, Mai Sơn. Tình thế đặt ra cho các anh nhiều việc quá sức đủ thứ phải lo, phải trả lời, phải đáp ứng tức thì. Lo chỉ huy chiến đấu, lo lương thực, lo giải quyết thương binh, bệnh binh (nhất là lúc này sốt rét đang lan rộng như một thứ dịch khó chữa, quân số giảm nhanh, có người đã vĩnh viễn nằm lại vì không qua nổi một trận sốt ác tính).
Buổi nói chuyện thật đầm ấm, chứa chan tình đồng chí, kết thúc bằng bữa cơm mà trung đoàn trưởng đã có ý định "chiêu đãi" với "thực đơn" là măng rừng Tây Bắc nhưng nhạt muối và thiếu mỡ.
Ngày hôm sau anh lại cho gọi tôi lên từ rất sớm. Thị xã Sơn La còn mờ trong sương mai, cảnh vật mờ ảo.
Như đã sắp xếp sẵn, thấy tôi là anh bắt tay, mời ngồi và vào việc luôn. Anh nói đêm qua chỉ huy trung đoàn họp chủ yếu nghe ban tham mưu báo cáo về thành tích "viễn chinh" của các cậu - anh nhấn mạnh - Phải nói là cánh quân thọc sâu mới đúng - vì lên Quỳnh Nhai là lên địa đầu của Sơn La, giáp Lai Châu là đi vào đất địch. Lên đó an toàn trở về là đã khá, đằng này các cậu còn chiến đấu, xây dựng lập thành tích, quân số từ một trung đội thiếu tăng thành hơn hai trung đội (đại đội thiếu), có thêm cả vũ khí - anh dừng lại hỏi:
- Tổng số vũ khí lấy được của địch là bao nhiêu?
- Báo cáo anh: 10 súng trường, 20 lựu đạn, 150 viên đạn.
- Ôi! Thật quý hơn vàng - anh biểu dương. Còn việc của cậu, thì trung đoàn đã quyết định thăng vượt cấp - từ trung đội phó lên đại đội phó và quyền đại đội trưởng luôn.
Tôi chưa kịp trình bày nguyện vọng, thì anh chỉ thị:
- Về làm đại đội trưởng đại đội 230, tiểu đoàn 90 thuộc Trung đoàn 148 vừa mới thành lập theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu.
Mặt trận chuyển về nam.
Tháng 4 năm 1947, có thêm viện binh từ Pháp sang, nâng tổng số quân Pháp ở Việt Nam lên 11 vạn, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn lên Tây Bắc, mở rộng vùng chiếm đóng, nối Tây Bắc với Hà Nội theo hai hướng: từ Hà Nội lên, từ Yên Châu xuống hợp điểm với quân dù chiếm đóng Mộc Châu; đại bộ phận Trung đoàn 148 từ đông Mộc Châu phải vượt sông Đà rút về Lai Đồng, Thu Cúc tây nam tỉnh Phú Thọ.
Còn tôi lúc này được điều về đại đội 250, tiểu đoàn 86 đang đứng chân ở Bột Sộp giáp biên giới Lào trên đường đi Sầm Nưa, thì địch nhảy dù Mộc Châu bịt đường về. Đây là thời kỳ thứ hai chúng tôi mất liên lạc với trung đoàn, lọt vào giữa vòng vây của quân thù.
Thời gian này đại đội chúng tôi được gặp anh Bình Kim, Lê Thăng cũng đang hoạt động ở đây. Hai anh báo cáo về Bộ chỉ huy chiến khu Hai. Các anh Lê Hiến Mai, chính uỷ, Hoàng Sâm tư lệnh hoan nghênh và động vỉên đơn vị ở lại với chiến khu, ở đâu cũng là vệ quốc đoàn, cũng làm nhiệm vụ chiến đấu.
Theo kế hoạch, các đơn vị Tây tiến lùi lại (vì các anh đã trải qua thời kỳ chiến đấu gian khổ ở nước bạn Lào, lực lượng bị tiêu hao, quá mệt mỏi, cần được nghỉ để củng cố bồi dưỡng sức khỏe). Đại đội 250 chúng tôi được giao nhiệm vụ chặn địch tại khu vực tây Cô Ma, Tà Lao yểm trợ bộ phận tiền phương của sở chỉ huy Chiến khu Hai chuyển về Xân Nha, Hoà Bình.
Trận đánh thắng lợi, nhiệm vụ hoàn thành được các anh trong Bộ tư lệnh Chiến khu Hai biểu dương, được đồng đội mến phục; nhiều anh em trong trung đoàn Tây tiến do bị đau yếu tụt lại mất liên lạc với đơn vị cũ cũng tình nguyện nhập quân số vào đại đội lực lượng tăng nhanh đến gần một tiểu đoàn, sự giao lưu cũ mới từ nhiều địa phương, nhiều mặt trận bổ sung nhiều điều mới lạ, thu nhận được nhiều kinh nghiệm hay trong chiến đấu, nhiều lẽ phải trong ứng xử đời thường. Tinh thần, tư tưởng của đại đội eũng có biến đổi. Lúc đầu khi lọt vào giữa vùng địch kiểm soát, không khỏi phân vân, lo lắng, lo chiến đấu trong thế lẻ loi, đơn độc, lúc nào cũng nghĩ tìm cách trở lại trung đoàn đã từng gắn bó từ những ngày đầu ở Mặt trận Sơn La. Nay lại khác, không ít anh em muốn tình nguyện ở lại làm lính Chiến khu Hai, vì chiến trường đã quen thuộc, đã hiểu địch, tình đồng chí thêm gắn bó; và một lý do riêng nữa phần đông anh em đều quê ở miền xuôi, về đây có điều kiện thăm gặp gia đình. Ngay cả tôi, anh em cũng khuyên nên ở lại, nhất là khi đơn vị chuyển về gần khu vực Chợ Bến, có anh em nửa đùa nửa thật vừa tranh thủ thăm dò; đường về quê đại đội trưởng quá gần, nếu ở lại có điều kiện xin hẳn về đó hoạt động để được gần nhà.
Thực tình tôi cũng mủi lòng, sau nghĩ lại thấy không ổn, nhưng biết nói thế nào cho anh em đồng tình với mình, thật khó. Một hôm nhiều anh em kéo đến thúc giục đòi tôi tỏ thái độ, bỗng tôi bột phát trả lời:
- Cũng như các cậu mình rất muốn ở lại, nhưng trung đoàn đã có lệnh gọi đại đội ta trở về. Câu giải thích ngắn gọn không chuẩn bị trước của tôi không ngờ lại có hiệu lực từ giờ phút này.
Từ đó ý kiến bàn tán ở lại giảm dần sau hết hẳn. Mệnh lệnh mà, đã là mệnh lệnh thì chỉ có chấp hành.
Tháng 10 năm 1947, Mặt trận Mộc Châu tạm lắng, tôi báo Bộ tư lệnh Chiến khu Hai, xin cho đại đội trở lại đội hình Trung đoàn 148 Sơn La, được các anh đồng ý và tạo thuận lợi cho chuyến trở về của chúng tôi, như cung cấp tin tức, cử người dẫn đường. Một kế hoạch hành quân chiến đấu được vạch ra, nhưng để đảm bảo bí mật, chúng tôi chỉ phổ biến từng ngày. Từ tây Mộc Châu sang tây nam Phú Thọ không dài, vậy mà đoạn đường thực tế chúng tôi phải qua lại thật dài đến khó hiểu. Như người ném tạ lùi lại lấy đà từ tây bắc Mộc Châu đại đội phải lùi xuống hướng tây nam vào vùng Bá Thước, Quan Hoá thuộc Thanh Hoá, rồi vọt lên men theo vùng giáp ranh Nho Quan, Ninh Bình, chếch tây vào địa phận Hoà Bình qua Yên Thuỷ, Tân Lạc, Mai Châu, vượt sông Đà sang vùng Thanh Sơn - Phú Thọ, mất hơn 10 ngày mới tới đích.
Lại anh Lê Trọng Tấn trung đoàn trường ra đón chúng tôi.
Lần này không kìm nổi, nước mắt anh trào ra, lăn rõ trên hai gò má của anh dành cho buổi sum họp hôm nay. Anh và ban chỉ huy trung đoàn xuống thăm đơn vị, bắt tay từng người chúc mừng thắng lợi. Anh thân mật nói chuyện với đơn vị và kể những gì đã xảy ra sau khi đại đội chúng tôi bị địch vây, chặn không có đường về. Anh nói:
- Ngay sau khi trung đoàn kiểm điểm quân số và điểm đầu đơn vị trước khi giã từ Mộc Châu không thấy các cậu, trung đoàn đã cử một đơn vị quay trở lại tìm kiếm, nếu thấy là dẫn theo đường đã định, nhưng hai ngày sau vẫn biệt tăm. Khi trung đoàn trở về Phú Thọ tuần nào, tháng nào cũng phái các đơn vị tiếp tục đi tìm nhưng đều trở về không. Mới cách đây hai tuần, tức là sau hơn hai tháng đi tìm đều trở về không, buộc phải báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu là đại đội Hoàng Cầm mất tích thì hôm nay các cậu trở về.
Cuối cùng anh thay mặt chỉ huy trung đoàn biểu dương:
- Cuộc "viễn chinh" lần thứ nhất từ Quỳnh Nhai trở về, quân số một trung đội thiếu, tăng hơn hai trung đội.
Cuộc "viễn chinh" lần thứ hai từ Mộc Châu trở về, quân số một đại đội tăng thêm hai trung đội, coi như một tiểu đoàn thiếu.
Tôi tranh thủ báo cáo lý do tăng quân số, chủ yếu là các anh em trong trung đoàn Tây tiến bị lạc, gặp đơn vị xin gia nhập để được tiếp tục chiến đấu. Vừa báo cáo, tôi vừa chỉ tay giới thiệu cụ thể với trung đoàn trưởng về số anh em này đang đứng phía bên trái hàng quân.
Nghe tôi giới thiệu xong, anh Tấn đến bắt tay cám ơn từng người. Các anh em trong đoàn Tây tiến vui mừng và xúc động, có anh em khóc!
Tháng 7 năm 1947, đại đội 250 chúng tôi được lệnh trở lại hoạt động ở vùng địch hậu Mộc Châu, khu du kích Mộc Hạ.
Quân Pháp từ Hoà Bình mở cuộc càn quét lớn vào Suối Rút, Đà Bắc. Đang phân tán làm công tác vận động quần chúng và tổ chức huấn luyện cho du kích các xã thì được tin Pháp tiến công, đại đội tôi khẩn trương tập trung vân động, vừa tổ chức phục kích đánh nhỏ, đánh lén làm giảm tốc độ hành quân của chúng để đồng bào kịp sơ tán, vừa bày sẵn trận phục kích bất ngờ ở Hướng Càn. Trong trận này địch bị thiệt hại nhiều (3), chúng phải dừng lại đối phó đánh trả đối phương, vừa giải quyết hậu quả Nhưng phía ta cũng bị thương một số, trong đó có tôi. Bị thương nặng, hỏng tay phải, ngất tới ba phút. Tưởng chết, anh em lấy chăn gói kín, chuẩn bị khiêng đi chôn cất. Khi tỉnh dậy, tôi hỏi:
- Sao lại làm thế này?
- Tưởng anh hy sinh, chúng em.
- Mình đau quá ngất lịm chứ không chết.
Anh em kéo đến vội cởi chăn và cứ thế khóc oà, xin lỗi chúng em không biết.
Vì vết thương quá nặng, tôi phải đi viện điều trị ba tháng mới hồi phục sức khỏe, duy có tay phải từ ngày đó đến nay vẫn để di chứng là không viết được, đành thay bằng tay trái, vì thế chữ vốn gà bới càng thêm gà bới.
Sau trận này tôi được Chính phủ tặng huân chương Quân công hạng ba.
Đầu năm 1948 tôi lại bị thương lần thứ ba sức khỏe giảm, trên điều về làm phái viên quân sự của trung đoàn 148, nhiệm vụ xuống kiểm tra, giúp đở các đại đội địa phương Mộc Châu, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ hoạt động ở tây nam Phú Thọ giáp với vùng địch chiếm Mộc Châu. Nhưng thường tôi không làm nhiệm vụ được giao mà trực tiếp xuống tổ chức chỉ huy các đại đội hợp đồng chiến đấu với ý nghĩ cần phải có thắng lớn mới xây dựng được phong trào của địa phương.
Bỗng một hôm tôi được lệnh trên gọi về giao nhiệm vụ tiểu đoàn phó. Tôi hơi ngỡ ngàng vì trước đó được anh em nói lại, là Bộ tư lệnh phân khu 4 nhiều lần nhắc: "Định đề bạt cậu lên tiểu đoàn phó từ lâu. Về thành tích chiến đấu, tinh thần dũng cảm thì không ai có ý kiến gì. Chỉ có một băn khoăn là trình độ văn hoá cậu kém". (Đúng là văn hoá của tôi không phải là kém mà là quá kém, lúc này lớp 1 cũng chưa xong). Tôi không thắc mắc về nhận xét này, chỉ băn khoăn sao bây giờ lại đề bạt? Cậu bạn thân của tôi thuật lại lý do. Đó là một hôm anh Song Hào, chính uỷ Khu 10 xuống kiểm tra đơn vị, có hỏi:
- Hoàng Cầm đâu?
- Báo cáo anh Hoàng Cầm bị thương nhiều, điều về làm phái viên.
- Cụ thể nhiệm vụ?
- Giúp đỡ xây dựng các đại đội, nhưng anh Hoàng Cầm thường tổ chức hai, ba đại đội cùng phối hợp vào hậu địch hoạt động.
- Có làm được không?
- Báo cáo làm tốt, anh trực tiếp chỉ huy các đại đội địa phương hoạt động, chiến đấu khá.
- Như vậy là chỉ huy tiểu đoàn rồi, sao không đề bạt.
Lý do tôi được đề bạt tiểu đoàn phó là như thế đấy.
Chú thích:
(1) Chi đội tương đương như trung đoàn hiện nay, được tổ chức theo bốn cấp: đại đội tương đương với tiểu đoàn), trung đội (tương đương với đại đội), phân đội (tương đương với trung đội) 
(2) Anh Phạm Ngọc Mậu sau này là Thượng tướng Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị. 
(3) Ngày 28 tháng 7 năm 1947, địch bị đánh bất ngờ ở Hướng Càn, ta diệt nhiều lính nguỵ thu nhiều vũ khí, lương thực. Ngay đêm đó đại đội 250 phối hợp với du kích, công an địa phương bắt sống một tên phản động nguy hiểm, tri châu Mộc Châu và một số phìa ở Hướng Càn.