Chương 2

Vừa bước vào căn gác tôi đã nghe tiếng Vịnh, tôi nghe loáng thoáng một vài câu không rõ ràng, khi trông thấy nhau, Vịnh thôi không nói nữa. Trương nằm ở ghế vải đứng dậy. Vịnh bỏ cuốn sách xuống mặt bàn. Tôi nói:
"Thật không ngờ, tưởng cậu đã đi rồi, sao vẫn còn ở đây?"
"Chưa vì nhỡ chuyến, tôi còn đợi liên lạc, nhưng cũng chỉ ngày một ngày hai thôi".
Vịnh im lặng nhìn tôi một chút rồi ngồi xuống. Tôi quay sang với Trương.
"Còn cậu?"
"Vẫn thế".
Trương nằm xuống giường, tôi kiếm cái ghế ngồi ghé bên cạnh. Không đứa nào nói thêm câu nào. Tôi không biết chuyển câu chuyện ra sao. Từ ít lâu nay bạn bè có nhiều điều không muốn nói ra. Chúng tôi muốn thản nhiên trước những đời sống riêng đó, có lẽ đó là cách thức chúng tôi đã học khôn được.
Trương đi học và đi dạy, Vịnh cùng học năm thứ nhất ở đại học với Trương, năm nay Vịnh nghỉ để hoạt động - điều đó Vịnh nói với tôi. Tôi lận đận mãi ở đệ nhất, bạn bè bỏ rơi lại một mình. Hôm trước đây trong một lần gặp nhau, Vịnh nghiêm nét mặt bảo tôi:
"Phải ra ngoài…"
Hôm đó chúng tôi đi chơi với nhau và uống cà phê, tuyệt nhiên trong câu chuyện tôi không bày tỏ một thái độ hay một ký kiến nào về điều Vịnh sắp làm. Tôi dè dặt và thu nhỏ đời sống lại. Tôi biết mình đang sống trong một cái lưới, với một không khí tức thở ngột ngạt, nhưng dù biết như thế tôi vẫn không sao cựa quậy - hoặc để thoát ra - cũng vì thế tôi muốn làm việc thật nhiều để lấp trống và khỏi phải suy nghĩ "nhưng tôi không sao làm được theo ý mình.
Những lần gặp gỡ nhau như thế này, hồi xưa chúng tôi thường hăm hở với những vấn đề đặt ra. Nhưng những cách lựa chọn bây giờ chúng tôi muốn im. Bỗng Vịnh bỏ cuốn sách và cất tiếng nói:
"Các cậu đã biết tin thằng Hoạch chết chưa nhỉ?"
"Hoạch nào?"
"Hoạch cao cổ khi xưa đó".
"Nó bị động viên nên nhảy vào học sĩ quan mới ra trường với lon thiếu úy thôi".
"Đúng rồi. Chết ở Vĩnh Yên. Nó thật tiêu biểu cho những hạng thanh niên vô lý tưởng. Mình không thể hiểu được tại sao có những thằng như thế mà sống được".
Tôi cắt ngang câu chuyện:
"Lại sắp xếp giai cấp cho nó rồi đấy. Nhưng làm sao mà cậu bảo nó vô lý tưởng?"
"Thế mà lại còn không. Kháng chiến bùng nổ nó run sợ ở lại thành, nhưng miệng thì lúc nào cũng nói chuyện kháng chiến, yêu nước, yêu dân. Khi sắp bị gọi động viên thì nghĩ ngay đến một danh vị nên vào sĩ quan để có lon ra trận. Đã đứng vào một hàng ngũ thì dù sao cũng phải chiến đấu - đằng này vừa nghe tiếng súng đã vội quăng súng giơ tay, miệng la: Tôi bị bắt buộc. Các cậu có biết nó đã nói với bộ đội ngoài kia như thế nào không?"
"Sao cậu biết?"
"Thì chính người chiến thắng trận đó thuật lại: hắn xin tha chết vì hoàn cảnh hắn chứ hắn vẫn trung thành. Nhưng họ đã bắn chết hắn, bởi vì người như vậy không cần thiết gì…"
"Thật tàn nhẫn, chắc hắn còn gia đình…"
"Trong chiến tranh mà còn tàn nhẫn với không tàn nhẫn. Bắn là phải. Sống phí cơm gạo. Dù muốn dù không, phải có lý tưởng".
"Lý tưởng! Nhưng tôi hỏi cậu…"
Tôi dừng lại một chút, đứng dậy ra ngồi ở mặt bàn đối diện và nhìn vào mắt Vịnh:
"Nhưng chắc cậu có lý tưởng chưa?"
Vịnh đứng dậy và cười lớn. Tôi trông cái dáng điệu ngạo mạn của Vịnh mà muốn đấm vào mặt hắn. Tôi dằn cơn tức cầm lấy cuốn sách ở mặt bàn xé bỏ làm hai vứt xuống sàn gác. Tiếng xé đủ làm cho Vịnh nghiêm nét mặt. Trương ngồi nhỏm dậy. Tôi tì tay vào thành bàn, người cúi xuống và nói vừa đủ nghe:
"Cậu hãy cất tiếng cười khả ố ấy đi - và cần thì cười ở chỗ nào không có mặt bạn hữu. Tôi không thể chịu được cái thái độ ấy".
"Cậu quên là cậu sắp ra ngoài sao?"
"Tôi biết - và hy vọng ở cậu có thể như vậy được. Nhưng ở đó có khác ở đây không?"
"Tôi có cần các cậu đâu mà các cậu chất vấn tôi. Nhưng các cậu hãy tự trả lời xem ở đây các câu đang và sẽ làm gì? Ngoài việc chúi mũi vào những trang sách mà mơ mộng về một cuộc cách mạng không bao giờ thực hiện được".
"Được, cậu cứ nghĩ như thế đi. Như tôi đã nói: Ở trong một mẻ lưới thì cá nào cũng như cá nào, rồi có khác nhau chăng là khác lúc người ta cặp chả hay làm gỏi. Tôi biết tôi không làm gì được, tôi hèn yếu - còn sức hèn yếu ấy tôi nghĩ về một việc nhỏ như về một mái nhà chẳng hạn…"
Tôi xúc động mạnh và muốn gục xuống mặt bàn. Vịnh đứng ở cửa sổ ngó xuống mặt đường có những người đi. Tôi châm một điếu thuốc hút đầy hơi thở xuống mặt bàn mù mịt. Vịnh nhặt cuốn sách xếp lại cho vào túi rồi đi xuống chân thang. Tôi bảo Trương:
"Mình muốn được ăn cơm với cậu".
Đã ba ngày nay tôi chưa trở về nhà. Tôi nằm nơi nhà một người quen đến hôm nay nhờ bạn bè nên trở lại. Tôi bỏ dạy học hơn một tháng và chưa biết sẽ tiếp tục làm gì. Những thái độ của nhiều người làm tôi núng động. Một số bạn hoặc bị động viên, hoặc bỏ ra ngoài. Một ít tìm cách lánh đi. Không khí chiến tranh bùng bùng bao phủ. Nhiều suy nghĩ làm bận trí não khiến tôi không còn đủ yên tâm học hành. Ngay cả việc phải thi cho đỗ nốt phần hai - đó cũng là điều tôi muốn làm cho xong trong năm nay để có thì giờ làm chuyện khác.
Trong số những bạn chơi thân với nhau thì bây giờ mỗi người một khác, mỗi đứa đi một đường. Nào Trương, Vịnh, Trịnh, Lâm. Thịnh đi từ hồi tiếng súng Nam bộ bắt đầu nổ. Trịnh ra ngoài hơn một năm, Lâm ở thành nhưng tuyệt nhiên tôi không gặp mặt sau chuyện Lâm hỏi cưới Hiền cách đây sáu tháng. Còn lại bộ ba, tôi, Vịnh và Trương. Nay mai Vịnh đi nữa. Rồi mai kia tôi hay Trương lại bỏ đi. Chúng tôi thiết lập riêng từng thế giới, từng nhà tù… Tôi ngồi bất động ở ghế cho đến khi ăn cơm. Trong bữa Trương báo cho một tin bất ngờ:
"Mình mới được tin của Thịnh".
"Còn sống?"
"Còn, hiện tại ở liên khu ba".
"Tôi phải báo tin này cho Hiền và gia đình biết mới được. Bao nhiêu thăm hỏi không ăn thua gì nay lại được tin thật quá bất ngờ".
Tôi nghĩ đến Hiền khi hay tin anh Thịnh còn sống thì nàng sẽ vui biết chừng nào. Thịnh là anh ruột nàng, chính khi Thịnh đi chúng tôi đã đưa tiễn, Thịnh đã nửa đùa nửa thật ghé vào tai tôi bảo: "Phải chờ ta về rồi cậu mới được cưới nó nghe chưa - ít ra thì cũng phải cho thằng anh ruột một bữa túy lúy chứ, nếu không lúc về ta bắt hai vợ chồng nằm sấp đánh cho ba roi".
Chuyện chúng tôi yêu nhau giữa gia đình Hiền và bạn bè đều biết. Thấm thoát đã mấy năm trời nhưng chúng tôi vẫn chưa lấy nhau. Đời sống thêm nhiều những bận rộn lo nghĩ. Từ ngày Thịnh đi đến nay chúng tôi vẫn thế, giữa bao nhiêu sự đổi dời. Tình yêu giữa chúng tôi là những ngày tháng bằng lặng ngoài chuyện Lâm hỏi cưới Hiền - điều làm tôi ân hận, buồn lòng, không ngờ Lâm cũng yêu người tôi yêu.
Tôi ăn cơm xong nằm lại ở nhà Trương, tôi qua một giấc ngủ ngắn.
Trong giấc ngủ tôi ôm lấy tôi và mơ về một người khác. Lúc xế chiều tôi mới trở về nhà.
Tôi đi chạm mặt nhiều người giữa đám đông, nhưng đầu óc không nghĩ một chút gì. Tôi qua những vỉa hè, góc phố, nghe tiếng nói, âm thanh dấy lên, về đến đầu ngõ tôi trèo qua một đống đá của sở lục bộ mới đổ để sửa lại đường, tôi cầm một hòn nhấc nhấc ở tay. Vừa đúng vào ngưỡng cửa, con chó tây thấy tôi chạy ra ủi ủi vào tay, tôi cầm ngay hòn đá nện vào đầu cho nó một cái. Nó kêu ăng ẳng chạy vào trong gậm giường. Tôi thấy ông tôi đang ngồi vuốt những tờ bạc đồng nhìn ra - và tôi cũng đã chờ để nghe - nghe một thôi dài không biết những gì, nhưng cho nó có âm thanh để lên căn gác được yên tâm là có tiếng động.
"Lại cái thằng Ngạc nó về đấy phải không? Tai ác thì cũng tai ác vừa vừa thôi chứ. Nó mà chết thì mày sống… chỉ ăn… chỉ phá…, chỉ đi… tao là cái để chúng mày báo oán sao?"
Tôi vừa lên thang gác vừa nghe, tôi lười biếng để nguyên cả quần áo nằm lên giường, đầu óc nóng bừng bừng như phát sốt, hơi thở ngột ngạt. Bóng tối bao phủ chung quanh. Tôi tưởng nếu tôi nằm im một hai phút là lịm chết đi không thể cựa quậy được. Tiếng những người đến trả tiền góp hàng ngày đang eo sèo nói ở dưới nhà cùng với tiếng ồm ồm của ông tôi cằn nhằn chửi bới như một mụ đàn bà. Những đứa em con ông chú tôi - đang đánh nhau, cãi nhau ồn ào ở dưới phía sân. Đứa nhỏ lại đang khóc và tiếng thím tôi dỗ dành. Nó bị sưng phổi từ hai tháng nay. Tôi đã gửi cho chú tôi hai cái điện tín xuống cảng vẫn không có hồi âm. Tôi cầm cái chổi phất trần đi nhẹ chân xuống sân quất cho năm đứa nhỏ mỗi đứa ba cái vào mông quắn đít ngồi run rẩy ngậm câm nhìn tôi. Cứ trông thấy mặt, nghe thấy tiếng là tôi lại muốn cầm lấy một thanh củi, một cái gậy to hay nhỏ bất kể cái gì nện cho chúng đến tê cả tay. Sau đó tôi lại thương hại chúng. Tôi bực bội đi vào nhà, ông tôi vẫn ngồi vuốt những tờ giấy bạc bỏ vào chiếc hộp bích qui:
"Con mẹ Nhiêu Hai còn thiếu hai ngày. Mụ Khán một ngày. Cái Thêm thấy trốn mặt... tiền lãi nhẹ là vậy, nó thấy mình nhân đức nên chỉ định quỵt, thật đồ bất nhân..."
Thấy tôi vào ông tôi ngừng một chút rồi nói tiếp.
"Mày đi đâu mấy ngày? Đi thì thôi, về đến nhà là gây đủ chuyện - thế nghĩa là làm sao?"
"Đánh cho chúng nó chết bớt đi, hoặc khóc cho vui nhà, át bớt những câu chửi bới sẽ nhập tâm chúng nó, sợ mai sau chúng lại bắt chước. Thật không thể chịu được nữa..."
"Lại giở cái giọng thằng bố mày ra".
"Tôi biết lắm. Bố tôi còn không chịu được nữa là tôi, bởi nó bẩn quá nên bố tôi cũng bỏ đi cho khuất mắt rồi".
"Sao mày không đi? Bẩn! Bẩn thì mày cũng đút vào miệng ấy chứ gì. Tao ăn một mình à. Đồ bất nhân. Tao chỉ muốn vật chết hết..."
"A ha...! A ha...!"
Tôi đứng dang chân ở cầu thang mà cười lớn.
"Hình như xưa kia ông đã vật người ta chết, bố tôi trông thấy mới phát điên đấy thôi..."
"Mày câm mồm đi".
Tôi mặc ông tôi cáu giận mà đi sang phía buồng. Thím tôi đang bế đứa em tôi lật áo đứa nhỏ để tay vào ngực, nó thở mệt nhọc, làn da mỏng bó sát lấy thân gầy khô của nó. Tôi nhìn thấy xương sườn nhỏ cong. Tôi hỏi thím tôi:
"Em thế nào?"
"Vẫn thế".
"Có lẽ mai được tin của chú".
Tôi đau đớn vứt bỏ cái chổi lông gà ở tay rồi chạy lên gác vùi đầu vào giữa đống chăn màn bừa bộn. Tôi vào một giấc ngủ chập chờn. Khi đứa ở gọi xuống ăn cơm, tôi khô cổ không thể trả lời được ngay, mãi mới nói được cho nó biết là tôi không ăn. Tôi nhờ nó bật giúp chiếc đèn ở bàn, rồi nó đi xuống phía thang. Tôi tự thấy tôi vô lý - tự giam mình vào một nơi mình chán, mình phát mửa lên. Nhưng chính sống ở căn nhà này tôi mới hiểu vì sao bố tôi đã phát điên. Với một người đàn ông bo bõm, keo kiệt, thủ đoạn, tàn nhẫn làm nghề cho vay lãi, cầm cố, làm cái họ với những người nghèo ở ngõ Gậm Cầu và chợ Bắc Qua. Công việc duy nhất của ông tôi từ nhiều năm nay chỉ là chửi bới, buổi chiều ngồi vuốt những tờ giấy bạc. Về bà tôi thì không ai nói gì cho tôi nghe. Chú tôi chán cảnh này nên dù muốn ở nhà cũng bỏ xuống tàu làm cho một hãng buôn người Pháp ở Cảng.
Bố tôi điên rồi đi biệt tích. Chỉ nghe nói lại rằng hồi ấy ông tôi đã hãm hiếp một đứa ở - nó đòi đi báo cảnh sát nên ông tôi thắt cổ cho chết. Bố tôi bỏ nhà đi. Ít lâu sau trở về có bế theo một đứa nhỏ bồng đưa cho ông tôi mà bảo:
"Cháu ông đấy, ông nuôi giúp tôi".
"Mày cưới vợ nữa bao giờ? Tao nuôi thằng Ngạc chưa đủ sao?"
"Nhưng tôi hiếp cho người ta đẻ ra thì ông phải nuôi: nó là cháu ông".
"Vứt nó ra ngoài đường kia. Tao không biết. Tao không biết".
"Ông có biết là ông đã hiếp con ở không?"
"Đồ con trời đánh".
"Và ông đã thắt cổ nó thế nào cho chết ông có nhớ không? Để tôi nhắc lại cho ông nghe. A ha! nhiều công việc quá khiến ông quên cả những chuyện mà con ông nó nhớ. Ông buộc một đầu dây vào cột, rồi ông thắt một vòng vào cái cổ nhỏ và trắng ngần. Cái đứa con gái ấy đi ở chỉ tại có chút nhan sắc mà bị cha mẹ ép cho một lão già vì nợ nần. Thế mà ông lại cuộn nó vào cái thắt lưng rồi ông dang chân cầm một đầu mà kéo - kéo cho nó dãy dụa - rồi lưỡi nó lè ra, bọt mép nó sùi ra và cái thân ông ôm ấp ấy rũ ra - mềm ra như bún. Rồi ông để thế treo lên xà buồng tri hô lên: con ở nó tự tử... Chả ai tố cáo, ông lo lót với tụi lính. Cái xác thì không thể cất được tiếng nói. Mà có oan hồn thì tiếng nghẹn ngào uất ức cũng chả thể cất được từ địa ngục mà lên. Nhưng tôi biết. Tôi có thể làm chứng cho người ta bỏ tù ông ngay đó. Ông nuôi thêm một đứa nhỏ mà chuộc tội. Nó không có giấy tờ gì đâu, ông có thể nhận luôn nó là con cũng được".
Thế rồi ông tôi im, mướn người nuôi đứa nhỏ. Năm sau bố tôi lại bế về đặt ở giường một đứa bé nữa. Bố tôi cầm một con dao ở tay và bảo ông tôi:
"Ông nuôi thêm cho tôi một đứa nữa".
Ông tôi nhìn đứa bé, nhìn mắt bố tôi đỏ ngàu và con dao cầm chắc ở tay không nói gì. Hôm sau bố tôi về đập phá đồ đạc, cầm lấy vai tôi nhìn vào mặt rồi cười phá lên. Từ đó không có tin gì nữa. Tôi chỉ được kể như thế. Hai đứa nhỏ về sau lớn lên ông tôi mang gửi vào một trại hướng nghiệp, nó rủ nhau về nhà, ông tôi lại gửi vào một tu viện ở Thái Hà ấp. Một đứa tên Hùng ngổ ngáo, nhiều lời. Còn đứa kia tên Thân mặt lúc nào cũng như uất ức chuyện gì.
Tôi vốn thù thằng Hùng - vì theo tôi thì chính mẹ nó đã định giết tôi. Tôi ngồi dậy khỏi giường, những câu chuyện cũ trở về như những tấn bi kịch tiếp nối. Tiếng dọn bát đĩa ở dưới nhà báo bữa cơm xong. Ông tôi đang gọi thằng Tùng, đứa con thứ ba của chú tôi lên giường dận lưng cho ông tôi ngủ. Chỉ nằm im đấy một lát tôi sẽ thấy tiếng ông tôi ngáp.
"Tại sao?"
Đã nhiều lần trở về đây và tự hỏi điều ấy, tôi tìm mãi không ra lý do tại sao tôi sống mãi ở một gian nhà như thế này. Tôi ở đây nhưng giấu không cho bạn bè, người yêu biết. Tôi nghĩ: Nếu trông thấy cảnh này mọi người sẽ khinh tôi. Nghĩ mãi thì tôi chỉ cho là: điều duy nhất khiến tôi ở đây là những điều thuộc về mẹ tôi - người chết từ năm tôi hai tuổi. Những kỷ niệm ấy hồi bố tôi chưa điên kể lại cho thím tôi nghe.
Mẹ tôi đã chết ngày bố tôi còn ở nhà, mỗi lần giỗ, bố tôi lại khóc, mẹ tôi là người tôi kính trọng, yêu mến duy nhất khiến tôi ở lại căn nhà này và không muốn rời đi.
Tôi thương bố tôi - nhưng tôi oán ông đã không lo cho tương lai tôi. Vứt tôi ra giữa những sinh hoạt tưởng có thể làm bẩn cả con người. Tôi ghét và muốn cho ông tôi chết đi - dù ông đã nuôi cho tôi ăn học. Từ ngày hiểu biết tôi không ăn nói ngọt ngào nữa. Tôi xưng tôi với ông nội như một thằng du đãng, vô giáo dục, không chút ngượng miệng. Tôi oán có lẽ tại đời sống ông tôi bẩn thỉu đã làm tôi hỏng người và lớn lên thiếu tất cả tình thương, lòng âu yếm vuốt ve tuổi trẻ, đời sống ấy làm cho tôi nhiều lần đau đớn và nhớ về mẹ tôi như một bà tiên sống thoát hẳn ra ngoài những điều bẩn thỉu, nhơ nhớp tôi thường gặp hàng ngày. Thím tôi vụng về nuôi đàn em nhỏ. Chú tôi là một người khí khái, hiểu biết. Chú là người cứu tôi khỏi bị mẹ thằng Hùng giết chết. Nếu tôi chết thì thằng Hùng sẽ được hưởng gia tài này. Nó có khai sinh là con bố tôi, lần tôi bị hãm hại xẩy ra vào một buổi chiều khi đi học về đến đầu ngõ, tôi bị một người đàn bà đứng tuổi cầm một cái chậu sành đập vào mặt. Tôi ngất đi, chỉ kêu được vài tiếng. May chú tôi gặp túm được người đàn bà mang ra cảnh sát, nó khai là vợ hai bố tôi. Tôi bị một vết sẹo dài nơi má - dấu vết làm tôi thù thằng Hùng. Mẹ hắn bị tù, sau được phóng thích và lấy một người đâu trên mạn ngược.
Tôi chưa bao giờ nghĩ về cái gia tài của ông tôi - mồ hôi nước mắt của những người nghèo khổ, bán buôn gom góp lại, cũng như khó mà tôi quên được tiếng chửi bới của ông tôi mỗi buổi chiều.
Tôi ngồi vào bàn xếp lại sách vở cho ngay ngắn. Lá thư của Hiền làm tôi nhớ về nàng cùng một lúc nghĩ Thịnh còn sống.
Tiếng còi xe lửa thét ngoài đầu cầu tiến vào thành phố. Chuyến tàu buổi chiều về chậm như thế này chắc lại gặp mìn hay những quãng đường sắt bị bóc; chuyến tàu dài nối nhiều toa kín và phía sau là quân đội chạy mau lên cầu. Khói đen hôi theo gió toả vào cửa sổ làm tôi muốn ho. Bóng người lính gác trên cầu vẫn đi đi lại lại. Đã lâu lắm tôi không còn được nghe tiếng kèn trầm và buồn. Những toa tầu màu xám và vẻ chiến tranh của nó càng làm tối cho sinh hoạt này. Đêm đêm vẫn có lần đèn thành phố cùng tắt một lúc với tiếng nổ vang dội, hay tiếng súng ám sát đủ cho một người nghe thấy. Những lần ấy dưới chân cầu xe lửa lại dầm dập tiếng giày đinh chạy, cùng cả đêm tiếng xe thiết giáp nghiến trên mặt đường nhựa. Những khối sắt kín bưng ngó mũi súng vào các đống gạch vụn, những căn nhà đổ đầy bóng tối. Hà nội, những cơn hốt hoảng trong những đêm tối khiến tôi càng cảm thấy sự bất trắc của đời sống, sự có mặt của từng người. Mỗi ngày chiến sự một ác liệt thêm.
Chính giữa lúc đó chúng tôi lớn lên với cuộc sống, với yêu đương, đam mê và những lo nghĩ về tương lai, về quá khứ.
Tôi vẫn lừa dối khi ai hỏi tôi về quê quán, gia đình, họ hàng... Tôi bảo là gia đình tôi đã bị chết hết vì súng đạn và quê hương tôi thì chiến tranh vây phủ ở mãi tận Thạch Thất, Sơn Tây, ba bốn năm nay tôi không về đến. Tôi tự nhận là một thứ nạn nhân của chiến tranh. Nhưng sự thực tôi là người đứng ngắm chiến tranh, đam mê lý thuyết cùng nhiều tư tưởng xáo trộn trong thời kỳ chiến tranh. Phải chăng chiến tranh như một cuộc phiêu du khi người ta quá an nhàn.
Trong cuộc, ở giữa hai khối tranh dành tôi muốn là người tham gia vào cuộc, có lý do đánh đuổi một thứ quân xâm lăng. Đồng thời tôi chán ghét tụi ở thành thị làm giàu trên xương máu đồng loại.
Tôi muốn là một tuổi trẻ phiêu lưu trên đường tìm kiếm những cảm giác. Tôi lên giường tắt đèn đi ngủ còn nghe thấy tiếng ru của thím tôi và những tiếng kẻng cầm canh ở trạm gác ngoài đầu cầu.