Larry Angeluzzi thúc con ngựa ô đen bóng trên lòng đường như một khe núi, giữa hai dãy tường nhà cao dòm trật ót. Dưới những chân tường, trên lề đường lát đá xanh, phân ô biệt lập mỗi lô nhà, lũ trẻ ngừng chơi đùa, im thin thít chiêm ngưỡng anh Larry. Larry vung vẩy đèn dầu màu đỏ thành một vòng cung lớn, những tia lửa toé ra từ những móng sắt của con ngựa khua trên đường rầy xe lửa, làm loé sáng những viên đá trải trên đại lộ Số Mười và lừ đừ theo sau là đoàn tàu chở hàng chậm chạp từ nhà ga cuối cùng, trên phố Hudson tiến về phương bắc. Năm 1928, sở Đường Sắt trung ương New York phải sử dụng những con đường trong thành phố để xuôi ngược bắc nam, nên phải có người cưỡi ngựa mở đường để tránh tai nạn giao thông. Chỉ vài năm nữa, khi cầu nổi xây xong, hình ảnh người dẫn đường chỉ còn là kỷ niệm của lịch sử thành phố. Nhưng Larry Angeluzzi không hề biết nó là người cuối cùng trong nghề này. Nó ngồi trên mình ngựa cứ kiêu hãnh như một cao bồi chính hiệu miền Tây. Nó luôn ăn diện: ghệt trắng nặng, mũ rộng vành, đồng phục quần xanh bằng vải thô cứng, bó chặt tới mắt cá bằng những cái cặp sáng bóng. Nó cho ngựa đi nước kiệu qua thành phố hâm hấp nóng của đêm hè. Những người đàn bà ngồi trên mấy thùng cây nói chuyện tào lao với nhau, cánh đàn ông đứng xớ rớ nhả từng ngụm khói xì gà khét lẹt nơi góc phố. Đám trẻ con nhao nhao bất kể nguy hiểm chạy theo bám vào xe lửa đang chạy. Tất cả đều hiển hiện trong ánh sáng vàng đầy khói của đèn đường và ánh sáng trắng của mấy bóng đèn cửa hàng bánh kẹo. Tới mỗi ngã tư, những cơn gió từ sông thổi tới, làm cho người và ngựa tỉnh táo hẳn, cùng làm mát mẻ cái đầu máy xe lửa đen ngòm. Trên khoảng đất trống trong công viên Chelsea, lố nhố bóng tụi trẻ ngồi chồm hổm xem phim miễn phí. Từ xa trên màn ảnh lớn, Larry thấy con ngựa và anh chàng cưỡi khổng lồ, như đang rầm rập phóng ụp xuống hố, con ngựa của nó hốt hoảng bật ngửa đầu. Qua khỏi ngã tư, những bức tường nhà lại hiện ra. Larry về tới gần nhà. Một cây cầu vượt dành cho người đi bộ bắc từ đại lộ Số Mười qua đường Số Ba Mươi. Qua khỏi gầm cầu là về tới nhà, coi như công việc đã hoàn tất. Đội lệch mũ, Larry cho ngựa phi thẳng về chuồng. Hầu hết những người đang ngồi trên lề đường Số Ba Mươi và Số Ba Mươi Mốt đều là bà con, bạn bè. Larry phóng nước đại qua gầm cầu, vẫy tay với lũ nhóc đang đứng trên lan can cầu. Rồi Larry cho ngựa đi sát lề, rẽ trái vào bãi đất trống của sở Đường Sắt. Phía sau, đầu máy xe lửa khổng lồ nhả ra từng đợt khói trắng mịt mù và như một phép lạ, cây cầu và lũ trẻ biến mất trong làn khói, với những tiếng kêu vui vẻ vút cao lên tận bầu trời đầy sao mờ tỏ. Xe lửa chở hàng uốn vòng vào bãi, cây cầu lại hiện ra, lũ trẻ ào ào nhảy xuống những bậc thang, chạy dọc theo phố. Larry buộc ngựa vào cây cột bên cạnh căn chòi của người bẻ ghi rồi ngồi xuống băng ghế. Bên kia đại lộ là thế giới thân quen của nó.Gần góc đường Số Ba Mươi là cửa hàng bánh rực rỡ ánh đèn, lũ trẻ vây quanh tủ kem trang trí hoa lá loè loẹt. Chính ông chủ Panettiere múc những thìa kem đủ màu thật hậu hĩ. Vì bây giờ lão giàu rồi, còn thừa tiền phung phí cả trong trò chơi chạy đua ăn tiền nữa. Kế bên cửa hàng bánh là cửa hàng thực phẩm treo đủ thứ dăm bông, thịt nguội gói giấy màu. Rồi đến tiệm hớt tóc của lão chủ chuyên đố kỵ, ganh ghét, cứ thấy mái tóc nào mới, không mang dấu ấn của đôi tay, nhát kéo của lão, lão lại gườm gườm khó chịu. Cửa tiệm hớt tóc cửa đóng kín mít để đánh bài. Trẻ con tràn lên lề đường, nhốn nháo như bầy kiến, đàn bà thì quần áo đen ngòm, tụ tập thành từng nhóm trước mỗi nhà. Nhóm nào cũng ồn ào như đang cãi nhau. Ông bẻ ghi lùn tịt từ ngoài xe lửa vào bảo Larry: Tối nay không còn chuyến nào nữa đâu, nhóc ạ. Larry liền mở dây, leo lên ngựa. Larry thúc ngựa, phóng vù vù, những dãy nhà, những bức tường lao xao, ngả nghiêng như tấm vải buồm mỏng manh. Ngay phía trước, trên tầng thượng ngôi nhà của nó, Larry thấy một bóng bé nhỏ trên khung cửa sổ. Đúng là thằng Vincent, em nó. Nó vẫy tay nhưng thằng Vincent vẫn ngồi bất động. Mọi người đều ùa ra đường ngắm nó. Larry ôm cổ ngựa phóng thẳng về chuồng, trên đường Số Ba Mươi Lăm. Từ chiều, lúc trời chạng vạng, Lucia Santa, mẹ nó, đã chuồn khỏi căn phòng ngột ngạt, xuống đường cùng mấy bà hàng xóm tán gẫu, và nhất là để coi chừng mấy đứa con chạy nhảy trên mấy phố tối đen quanh nhà. Tối nay, bà Lucia Santa thật thảnh thơi. Mùa hè là thời gian thoải mái nhất, khỏi phải lo trẻ con bị cảm, khỏi phải bận tâm lo áo ấm, găng tay, giày, nón cho chúng như ở mùa đông. Thường vào bữa ăn chiều, mọi người đều muốn nuốt sao cho no bụng để còn xuống đường vừa tán nhảm, chuyện không đâu vào đâu mà cãi nhau ỏm tỏi thiếu điều sắp đánh nhau. Đối với Lucia Santa thì càng ít người ở trong nhà, cửa nhà càng đỡ phải dọn dẹp lau chùi. Nhưng bà thích nhất là được gặp gỡ xóm giềng trong buổi tối rảnh rỗi. Chẳng hạn như lúc này, tóc búi cao, mặc bộ áo đen sạch sẽ tươm tất, xách cái ghế đẩu trong bếp từ gác tư, bà xuống trước cửa nhà nhìn ngắm phố phường. Mỗi ngôi nhà cho thuê là một sân làng. Mỗi làng mỗi nhóm, toàn đàn bà váy áo màu đen, chiều chiều ngồi trên những thùng cây, ghế đẩu, chụm đầu nhau nhắc lại những chuyện ngày xửa ngày xưa. Nào là chuyện luân thường đạo lý. Nào là những cổ tục nơi làng xưa của họ, một ngôi làng miền núi tận miền Nam nước Ý, nơi họ bỏ đi từ nhiều năm trước. Cứ tưởng tượng có một phép lạ nào đó đưa ông bà, cha mẹ họ tới nơi này là họ thấy khoái rồi. Để các cụ mắt thấy, tai nghe những vấn đề điên đầu mà họ đang đối diện hàng ngày. Các cụ phải phát khiếp khi thấy lũ con gái của họ ở đây táo tợn, liều lĩnh chẳng thua gì con gái Mỹ. Đám đàn bà phê phán con cái như nói về những kẻ xa lạ. Như chuyện của Felicia, nhà ngay góc đường đây thôi. Con gái mà nỡ bỏ đi du hí lúc mẹ đỡ đầu đau ốm. Thậm chí khi chính mẹ ruột của Felicia nhắn nó về nó vẫn cứ đú đởn hết tuần trăng mật mới vác mặt về. Rõ ràng là chuyện này chẳng ai nói thêm nói bớt gì hết. Chính miệng bà mẹ của con Felicia xì ra. Lại còn chuyện một thằng con trai, ông bố năn nỉ thế nào cũng nằng nặc đòi cưới vợ năm nay. A, đúng là đồ bất hiếu! Figlio Disgraziato! Những chuyện như vậy chẳng bao giờ xảy ra trên đất Ý. Thứ con hỗn láo, giết bỏ thôi. Còn con gái? Ở quê mình à – bà mẹ của Felicia run lên vì tức – bà sẽ nắm tóc kéo con đĩ khỏi phòng trăng mật, lôi tới giường bệnh của mẹ đỡ đầu. Ôi nước Ý! Ôi quê hương! Sao cuộc đời đổi thay đồi bại đến vậy. Thật ra, bà mẹ đỡ đầu đã bình phục và cả mẹ ruột lẫn mẹ đỡ đầu đều mê tơi cháu ngoại, con của Felicia. Chuyện xảy ra từ ba năm trước rồi mà, nhưng các bà vẫn khoái hồi tưởng để than thở. Lần lượt bà nào cũng có chuyện con cái mất dạy, chống đối cha mẹ để kể lể. Bà nào cũng như những bậc anh hùng, đau khổ triền miên, chỉ còn cách trừng trị cái bọn tân thời theo khuôn phép Ý mới xong: roi da và cây gậy Tackeril mà đập cho nát đít ra. Rồi lần nào cũng vậy, kết thúc mỗi tâm sự não nùng lại vang lên điệp khúc "Mannaggia America! Tổ cha nước Mỹ!". Nhưng trong đêm hè oi bức này, giọng bà nào cũng vút lên tràn trề hy vọng, với cái khí phách chưa từng có khi còn ở quê nhà. Dầu gì, ở đây còn có tiền gởi ngân hàng, con cái biết đọc, biết viết, trời cho mọi người chuyện tốt đẹp, đến đời cháu chắt thì dám là giáo sư, bác sĩ lắm chứ. Sự thật thì đám đàn bà quê mùa từ những ruộng rẫy miền núi nước Ý, nơi cha ông họ từ lúc sinh ra cho đến lúc chết vẫn quanh quẩn trong cùng một gian phòng, nên các bà rất mê cái thành phố to lớn đầy bê tông cốt thép này, với tiếng rầm rầm của xe lửa, ánh đèn rực rỡ bên kia sông. Ngày còn bé, họ phải sống trong cô quạnh, đất đai xơ xác tới nỗi người ta phải phân tán dọc sườn núi để kiếm sống. Chính sự liều lĩnh đã giải phóng họ. Là những kẻ tiên phong khai khẩn, nhưng họ chưa từng bước chân trên mảnh ruộng nào trên đất Mỹ. Họ chuyển đến một nơi xa xôi buồn thảm, ngôn ngữ lạ lẫm, con cái trở thành một dòng giống khác. Đó là cái giá họ phải trả. Lucia Santa không lên tiếng tham dự. Bà còn đợi đồng minh thân thiết, mụ Zia Louchee. Ngồi ngay ngắn thoải mái nghỉ ngơi, Lucia để dành sức đấu khẩu những chuyện sắp tới. Còn sớm chán, phải tới nửa đêm đám này mới giải tán. Vì đang mùa hè nên đến giờ đó mới hết nóng. Lucia Santa khoanh tay vào lòng, ngửa mặt đón làn gió mát phía sông thổi về. Lucia Santa là người đàn bà xinh xắn, thấp nhỏ đang hồi sung sức cả tinh thần và thể chất. Đầy can đảm, chẳng hề e sự những hiểm nguy trong đời. Nhưng Lucia Sant không bướng bỉnh ngu ngốc. Bà mạnh mẽ, thận trọng gánh trách nhiệm lo cho bầy con trưởng thành. Khuyết điểm duy nhất của Lucia Santa là thiếu sự gian xảo, tinh quái, điều làm lợi cho con người còn hơn cả đức hạnh trong thời buổi này. Hơn hai mươi năm trước, còn là cô gái mười bảy tuổi, Lucia Santa đã phải rời xa nước Ý, vượt ba ngàn dặm, vượt biển cả tới một xứ sở xa lạ để làm vợ một người đàn ông mà cô chỉ nhớ mang máng là đã từng chơi chung hồi còn nhỏ. Mỗi khi kể lại chuyện này, Lucia lại phải lắc đầu vì sự điên rồ của mình, nhưng cũng không kém phần hãnh diện. Một lần cha cô, giọng đầy thương xót, bảo đứa con gái yêu quý là ruộng đất kiệt quệ, nợ nần chồng chất, đời sống càng ngày càng khốn khó hơn, chắc phải kiếm thằng nào hơi ba trợn một chút mà lấy cũng được, vì cô đừng mong gia đình may nổi cho cô một tấm áo cưới. Chỉ dân nghèo mới hiểu thấu nỗi nhục của sự đói khổ. Dân nghèo chịu áp lực từ mọi phía, người chung quanh, chủ đất, số kiếp, năm tháng…Họ là những kẻ ăn xin của bố thí thường trực. Nghèo là nghèo từ đời nọ tới đời kia. Đổ mồ hôi sôi nước mắt lương thiện làm ăn mà ngoi lên được là chuyện xưa rồi. Càng lương thiện, càng chuốc thêm nhục nhã. Lucia cố quơ quào mà chuyện sống chẳng thay đổi được gì. Bỗng đâu có một lá thư tới từ nước Mỹ: một anh chàng hàng xóm chơi với cô từ thuở hai đứa tóc còn để chỏm, viết thư bảo cô sang Mỹ sống cùng hắn. Dĩ nhiên là cưới hỏi đàng hoàng. Chính hai ông bố đứng ra trực tiếp thu xếp. Có điều là Lucia Santa không tài nào hình dung ra gương mặt người bạn thuở ấu thơ này. Vậy là trong một ngày đẹp trời, Lucia Santa cùng hai cô gái làng nữa, được cha mẹ, cô dì, chú bác vừa khóc vừa đưa các cô ra toà thị chính, tới nhà thờ làm lễ thành hôn. Đám cưới mà không có chú rể, Lucia Santa đau xé lòng. Càng buồn thảm hơn khi lễ cưới xong là ba cô dâu phải xuống tàu từ Naples tới New York, theo luật pháp Mỹ. Như trong mơ, Lucia Santa bước vào miền đất của sắt và đá, ngay đêm đầu tiên, cô ngủ với con người xa lạ từ nay là chồng hợp pháp của cô. Rồi cô sinh cho anh ta được hai đứa con, khi mang thai đứa thứ ba thì anh ta bị chết trong một tai nạn do bất cẩn. Cô chấp nhận tất, chẳng hề than thân trách phận. Thật ra, cô có than thở, nhưng là than thở với số mệnh hãy thương xót cô, để cô đủ sức vững vàng nơi xứ lạ quê người. Lucia Santa, người đàn bà goá trẻ, một nách hai con, bụng mang dạ chửa, không người nương tựa, chưa hề quỵ ngã vì tuyệt vọng. Lucia Santa có một nghị lực khó thấy ở phụ nữ, cố chịu đựng những tai ương, nghịch cảnh. Tuy nhiên Lucia Santa đâu phải là sắt đá, Lucia không cay đắng vì số phận mà vì thái độ của bạn bè. Bạn thân cả đấy. Cùng trang lứa với nhau, toàn là dân Ý nơi đất khách này. Mới đây còn lăng xăng chạy lên chạy xuống, suốt ngày í ới "Lucia Santa ơi, nếm thử món này xem", nào là bánh mứt Phục sinh, ngồn ngộn phô mai và trứng, nào là rượu mơ trong ngày lễ Thánh bổn mạng gia đình, với món thịt sốt cà đặc biệt. Biết bao nhiêu tán tụng, tâm tình to nhỏ bên tách cà phê, bao hứa hẹn làm mẹ đỡ đầu cho đứa bé sắp chào đời. Nhưng rồi chỉ sau thảm kịch đó, sau những vẻ thương hại và lời chia buồn, họ mới để lộ ra mặt thật. Cháy nhà mới ra mặt chuột mà. Cửa nhà họ luôn đóng im ỉm, có gặp nhau chào hỏi cũng lạnh lùng tẻ nhạt làm sao. Các bà mẹ đỡ đầu tương lai biến đâu mất hết. Ai mà dám thân mật gần gũi với con mẹ chết chồng còn quá trẻ, tràn trề sinh lực kia. Đàn ông vốn mềm lòng, người thiếu phụ ấy sống chung trong căn nhà ở thuê, nay nhờ chồng họ việc này, mai nhờ chồng họ việc khác, biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đàn bà trẻ thiếu đàn ông là nguy hiểm lắm. Mấy ả này có thể bòn rút tiền bạc, đồ ăn, cứ như đỉa hút máu ấy chứ. Họ không độc ác đâu, chỉ là kiểu phòng xa của người nghèo, ngăn ngừa từ trong trứng đó thôi. Nhưng vẫn còn có một người tốt. Đó là mụ Zia Louchee, một bà goá già, không con cái. Mụ sốt sắng giúp đỡ và nhận làm mẹ đỡ đầu cho thằng nhỏ Vincent mồ côi cha. Hôm lễ Thêm sức của thằng nhỏ, mụ còn tặng một cái đồng hồ vàng tuyệt đẹp, làm Lucia Santa rất hãnh diện. Vì món quà quý giá đó còn là biểu hiện của sự tôn trọng và trung thành với nhau. Nhưng Zia Louchee là trường hợp ngoại lệ. Nên sau thời gian tang chế, Lucia Santa nhìn đời khác hẳn và lọc lõi hơn trước nhiều. Nhưng thời gian là liều thuốc lãng quên rất tốt, cho nên bây giờ tất cả lại là bạn bè như xưa. Cũng có thể Lucia Santa bị sốc quá lớn vì chồng chết nên quá khắt khe? Vì cũng chính những bạn hàng xóm đó tỏ ra rất lo lắng tìm cho Lucia một người chồng, để nuôi nấng và chăm lo cho mấy mẹ con. Hôn lễ được tổ chức ở nhà thờ đàng hoàng. Rồi cũng chính họ tổ chức một bữa tiệc linh đình mừng đám cưới. Nhưng Lucia Santa không bao giờ để cuộc đời phỉnh phờ thêm một lần nữa. Cũng phải suy nghĩ nát óc mới đứng vững chớ. Ba đứa con của chồng trước đã lớn khôn. Ba đứa của đời chồng sau, chỉ còn con Lena còn nhỏ, Lucia Santa còn có chút tiền gởi trong bưu điện. Sau hai mươi năm vật lộn với đời, Lucia Santa có chút thành tựu mà người nghèo như bà có thể đạt tới bằng tất cả khả năng, làm họ tin rằng sự phấn đấu của họ đã thành công và khéo thu xếp thì cuộc đời của họ sẽ an toàn, được đảm bảo. Bà đã sẵn sàng hưởng một đời sống dễ chịu hơn. Lucia Santa cảm thấy Octavia ngồi ghé xuống sau lưng, mông hai mẹ con đụng vào nhau làm bà khó chịu, nhưng nếu bà xích ra, con Octavia sẽ có phản ứng ngay. Nhìn cô con gái xinh đẹp diện đúng mốt Mỹ, bà cười với mụ Zia Louchee, vừa như hãnh diện vừa như chê bai. Octavia thấy hết, cô chưng hửng vì thái độ của mẹ. Chừng như bà biết cô muốn không giống như các bà đen ngòm xung quanh xóm chút nào. Cô mặc áo xanh nhạt, che bớt bộ ngực căng phồng, nhưng lại gói căng bộ mông mây mẩy, găng tay trắng, giống cô giáo trung học của cô. Đôi lông mày đen không tỉa tót. Octavia làm ra vẻ nghiêm nghị, mím chặt môi, giấu bớt vẻ khêu gợi của đôi môi đầy đặn. Trước mặt mấy bà này, tốt hơn là cứ làm ra vẻ ngoan ngoãn. Cô cảm thấy tội nghiệp cho những người đàn bà này, chẳng mơ mộng gì ngoài chuyện làm nô lệ cho chồng con, cả đến cái thú "nối tình yêu" vợ chồng cũng không biết hưởng. Cô nhủ lòng: số phận của mình sẽ không như những người này. Cô ngoan ngoãn ngồi nghe chuyện, chờ thời cơ thuận tiện là rút lui ngay. Toàn đàn bà con gái, Octavia cởi bỏ áo khoác ngoài. Cái áo trắng với dây băng hồng thắt thành chiếc nơ nhỏ xíu còn làm cô hấp dẫn hơn, làm nổi bật bộ ngực tròn trịa, căng cứng. Mái tóc xanh đen gợn sóng phủ quanh khuôn mặt đầy tình tứ, đôi mắt to long lanh và sáng. Càng tỏ ra ngây thơ, cô trông càng hấp dẫn. Bà mẹ cầm áo choàng của con ôm lên tay, cái kiểu âu yếm con cái của các bà. Nhưng chỉ hai mẹ con mới biết đó là một kiểu làm lành. Vì hai người mới cãi nhau hồi chiều. Lý do là Octavia muốn đi học lớp tối để làm cô giáo. Bà mẹ phản đối "Không, vừa đi làm vừa đi học để bệnh à? Tại sao phải làm cô giáo chớ? Mày là cô thợ may xinh đẹp, khéo léo, đang kiếm ra tiền, còn bày chuyện đâu đâu". Bà còn bảo đừng đứng núi này trông núi nọ, cuộc đời chẳng êm đềm, may mắn mãi đâu. Nhưng Octavia đâu chịu hiểu. Cô bảo thẳng "Con muốn sống sung sướng, hạnh phúc cơ". Vậy là bà mẹ nổi điên lên. Bà vốn không ưa những chuyện "đi mây về gió" của con gái: nào là đọc sách, nào là áo quần hợp thời trang. Bà nhại lại câu nói của con, bằng nguyên văn tiếng Anh rất chuẩn mới ớn chứ: Con muốn sống sung sướng, hạnh phúc cơ! Rồi mới bật tiếp một tràng tiếng Ý: Cô phải cám ơn Chúa đã cho đủ ăn để mà sống thì có. Nhìn mẹ khoan khoái ngồi xếp hai tay lên đùi, Octavia không khỏi buồn cười nhớ lại trận cãi nhau của hai mẹ con. Cô thích thú vì mỗi khi mẹ cô nhạo báng con cái, giọng tiếng Anh của bà chuẩn xác không ngờ. Rồi cô thoáng thấy Guido, thằng con trai đen như than hầm của nhà làm bánh Panettiere, đang vẫy cô. Nó cầm cái ly giấy tổ chảng đầy ụ kem trái cây. Gần như cúi gập người, nó đưa cho cô cốc kem, vội vàng lí nhí nói: Đừng làm dơ áo nhé. Rồi chạy tọt ngay về phụ bố bán hàng. Octavia cười cười nhấm nháp một chút cho phải phép rồi đưa cho mẹ. Bà mẹ mê kem phải biết, húp lấy húp để như trẻ con. Trong khi mấy bà già xung quanh vẫn nhoi nhoi như họp chợ. Octavia lặng lẽ nhìn người cha ghẻ đẩy tới đẩy lui cái nôi em bé từ đường Số Ba Mốt qua đại lộ. So với sự cứng rắn không ngờ của bà mẹ, sự dịu dàng này của ông già làm cô bị xúc động. Cô vẫn ghét người cha ghẻ, coi hắn như hung thần, tàn nhẫn, láu cá. Cô từng thấy hắn đánh mẹ, đối xử với con riêng của vợ như một bạo chúa. Cô không thể quên được, cái cảnh hắn đã đến ve vãn mẹ co vội vàng ngay sau khi cha cô chết. Octavia ngó đứa em gái đang ngủ trong nôi. Dù nó là máu mủ của người cha ghẻ, nhưng cô yêu con bé vô cùng. Cứ nhìn đôi mắt xanh lạnh lùng, bộ mặt lòi xương khắc khổ của ông ta là cô không chịu nổi. Cô biết hắn ghét cô cũng ngang ngửa như cô ghét hắn, nhưng cả hai đều e ngại nhau. Chưa bao giờ hắn đánh cô, chỉ dám đánh thằng Vincent thôi. Nếu hắn cư xử đúng như một người cha, hắn có đánh em cô, cô cũng không chút căm ghét. Đàng này khi cho quà ba đứa con riêng của hắn, thằng Gino, Sal và con bé Aileen, hắn tỉnh bơ bỏ quên thằng Vincent. Mà thằng Vincent vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Cô cũng thù hắn, vì chưa bao giờ hắn dẫn thằng Vincent đi chơi hay hớt tóc cùng với mấy đứa kia. Cô còn e sợ hắn, vì hắn có vẻ lạ lùng như một nhân vật đầy bí hiểm ác độc trong mấy cuốn sách cô đã đọc. Đôi mắt xanh lè của dân Ý, bộ mặt như ác thần trong cổ tích. Đã vậy, cô còn biết hắn là một anh nhà quê mù chữ, một tên di dân nghèo khổ mà phách lối. Một hôm cô bắt gặp hắn đang giả vờ chăm chú đọc báo ngoài đường. Cô chạy vội về mét mẹ và cười hô hố đầy miệt thị. Mẹ cô chỉ lặng lẽ nhếch môi cười. Có một bà chuyển đề tài về một con bé người Ý mất dạy, dĩ nhiên là sinh tại Mỹ. Octavia lắng nghe. Giọng bà kia lảnh lót: Vậy đó. Vậy đó. Lấy nhau cả tháng rồi. Trăng mật trăng đường đủ cả rồi. Ái chà, cô ả yêu thằng chồng hết chỗ chê. Về thăm mẹ mà con nỡm leo tót ngồi lên đùi chồng. Cứ xoắn lấy tay thằng chồng… Rồi hai đứa đi nhảy đầm. Trời đất ơi, nhảy đầm trong nhà thờ mới khổ chớ. Thì cũng do mấy ông linh mục trẻ, đến tiếng Ý còn không biết nói thì biết giữ phong tục là gì. Thằng chồng trúng được giải vào cửa không lấy tiền. Lãnh giải xong, lăn đùng ra chết. Nó vốn bị bệnh tim, mẹ nó theo săn sóc cho đến khi nó có vợ. Vậy mà bây giờ, có người đến cho biết là chồng chết, nó đái cả ra quần. Ả đang nhảy với một thằng kép mới, cứ khóc toáng lên "Em sợ lắm. Em chẳng dám nhìn cái ấy đâu!" Mụ Zia Louchee quỷ quái uốn lưỡi phun ra một tràng "ý tại ngôn ngoại": Phải rồi, "cái ấy" còn sống mới đáng nhìn, chớ nó ngoẻo rồi, nhìn làm gì. Một trận cười nổ vang cả phố, làm mấy hội trước cửa mấy nhà khác phát ghen, chẳng biết đám này có chuyện gì vui đến như thế. Octavia bực mình khi thấy mẹ cũng cười tươi rói. Nói cho ngay, còn có nhiều chuyện nghiêm túc hơn. Coi kìa, mụ Zia Louchee bật ngay dậy, đứng trên quan điểm xưa chống cả đám, viện dẫn từng chi tiết nhỏ nhặt từ hai mươi năm trước, mãi tận quê nhà. Octavia từng thích thú thấy mẹ đứng về phe Zia Louchee – bà goá dũng cảm lâm chiến để bênh vực mẹ cô ra sao. Hai bà cung kính nhau như hai nữ quận công. Mẹ cô thì luôn miệng "Dạ, thưa bác…". Đàng kia đáp lại "Vâng, thưa cô…". Thật khác hẳn với kiểu nói tục tằn hàm hồ của các bà chung quanh. Octavia biết rõ mối liên hệ giữa hai người: mẹ cô nhớ ơn cứu giúp của Zia Louchee trong những giờ phút bất hạnh khủng khiếp nhất trong đời. Nhưng nghe các bà lý sự ì xèo mãi cũng chán, cô đứng dậy, đi lại chiếc xe đẩy. Không chào hỏi gì cha kế, chỉ cúi nhìn em bé đang ngủ. Cô ngắm con bé với một tình thương dịu dàng tràn ngập cả lòng, một thứ tình cảm mà đối với thằng em ruột cùng cha, cô cũng chưa hề có. Rồi cô lững thững đi về góc phố tìm thằng Gino. Cô thấy nó đang chơi đùa, còn thằng bé Sal ngồi thu lu trên lề đường. Cô dắt Sal về cho mẹ. Chẳng thấy thằng Vincent đâu. Ngửng mặt lên, Octavia thấy nó ngồi tuốt trên cửa sổ tối thui, lặng lẽ nhìn xuống đường. Frank Corbo ủ rũ nhìn đứa con gái lớn của vợ, khi Octavia cúi xuống nhìn đứa em ngủ trong xe. Đôi mắt xanh lạnh lùng, ngơ ngơ với mọi thú vui, có đàn ông Ý nào chịu đẩy xe cho con trong một đêm hè như vầy. Đầu óc trống rỗng không có một chữ, hắn lơ mơ chiêm ngưỡng cảnh đẹp phố phường. Biết đứa con gái của vợ căm ghét mình, hắn vẫn tỉnh bơ như không. Bộ mặt gầy gò khắc khổ che giấu bao điều đau khổ gặm nhấm trong lòng không thể nói ra. Cuộc đời hắn là một giấc mơ đẹp. Mt cuộc đời mà tình yêu biến thành tàn nhẫn, tài sản tan biến như chiếc bóng, thế giới bế tắc không có lối ra. Đêm nay hắn sẽ ra đi tìm đường giải thoát. Bỏ lại gia đình. Bỏ hết giận hờn, không còn đánh chửi nhau. Sớm mai hắn sẽ đón một xe tải của nông trại nào đó qua đây, tới những cánh đồng xanh mướt để làm việc, để lấy lại sức khoẻ và sự yên bình. Hắn đã đau khổ. Hắn đau khổ như một kẻ câm điếc, nhìn cảnh đẹp cũng không thể ca hát tán dương, đau đớn cũng không thể khóc. Cảm thấy được yêu mà không thể vuốt ve đáp lại. Tong phòng ngủ thì đầy người lớn và trẻ con. Ngoài đường phố thì người chen chân đi lại. Hn mơ những giấc mơ khủng khiếp. Vợ con hắn trùm toàn một màu đen, trán người nào cũng vẽ một lưỡi dao găm, họ xúm xít vây quanh hắn. Hn phải kêu thét lên. Khuya lắm rồi, giờ này đáng lẽ trẻ con đi ngủ từ lâu, nhưng trời vẫn còn nóng quá. Frank Corbo ngẩn ngơ ngắm nhìn thằng Gino, con trai lớn của hắn, đang chạy như điên trong một trò chơi hắn không thể hiểu nổi. Cng như hắn không thể hiểu tiếng nói ríu rít của tụi trẻ con Mỹ. Hn lạc lõng trong thế giới quá bộn bề. Nào sách vở, báo chí – mù tịt. M tịt trước tất cả niềm vui của thế gian. Thế giới này, đối với hắn, sao bí hiểm quá. Lặng lẽ đẩy xe nôi cho con đi chơi, hắn không hề biết, tận cùng trong huyết quản, trong những tế bào não li ti của hắn đang hình thành một thế giới mới. Này lại ngày, nỗi đau tiếp nỗi đau, những bức tường của cái thế giới hãi hùng đang đổ vỡ không ngừng trong tâm trí hắn. Và chỉ trong vòng một năm, một thế giới thần kỳ sẽ hiện ra, hắn sẽ là chúa tể. Kẻ thù sẽ khiếp sợ, người thân yêu sẽ mãi mãi lãng quên, đau đớn sẽ bị chôn vùi, bao nỗi hãi hùng bí hiểm đều biến hết. Hắn sẽ được tự do. Đêm nay, chẳng một dấu hiệu nào báo trước, hắn đặt niềm tin vào một mùa hè để vỡ đất trồng cây, như ngày xưa còn là một thằng trẻ con nhà nông sống trên miếng đất khô cằn ở quê nhà bên Ý. Đối với trẻ con thì thế giới lại tràn ngập sắc màu và âm thanh kỳ diệu. Thằng Gino len lỏi trong tiếng lanh canh của máy móc, chạy lòng vòng dưới ánh đèn đường, hăng hái hò hét đến nhức cả đầu. Nó long nhong ngược xuôi suốt đường Số Ba Mươi Mốt để đuổi bắt bạn chơi. Nhưng lũ nhóc kia luôn chạy kịp tới tường và dang hai tay. Một lần nó suýt bắt được, nhưng một chiếc taxi vụt qua, làm đối thủ của nó chạy thoát. Thấy cha đang đứng nhìn, Gino chạy tới la toáng lên "Cho con một hào ăn kem đi!". Chộp tiền từ tay bố, nó lại tiếp tục chạy dọc phố, tính toán trò phục kích đám bạn. Khi chạy qua chỗ mẹ, nó bị mụ Zia Louchee chộp được, nâng bổng nó lên, mấy ngón tay mụ cứng như thép. Nó ngây người, trố mắt nhìn mấy bà già vây quanh, nhiều bà có cả ria mép mới khiếp chứ. Nó điên cuồng vùng vẫy, vì sợ lỡ trò chơi. Nhưng mụ Zia Louchee cứ giữ riết nó, bảo: Thôi đi, ngồi đây nghỉ với mẹ cháu. Tim đập thình thịch rồi đây này. Chạy nữa là mai bệnh đấy". Nó vùng vẫy cố thoát khỏi tay mụ, mụ mắng yêu: Eh, come è facia brutta. Nó hiểu bị mắng là thằng dữ tợn xấu xí. Mấy bà già thi nhau hô hố cười. Nó không biết là các bà cười vì đôi mắt nó giận dữ sáng quắc rất dễ thương. Tức quá, nó làm như phun nước bọt vào mặt mụ Zia Louchee, cái kiểu phì phì ra điều miệt thị của đám đàn bà Ý khi chửi nhau. Rồi nó thoát ra được, chạy ào đi, đến nỗi mẹ nó đánh với theo nhưng bị hụt. Nó đánh vòng qua bốn ngã đường của lô nhà, để sẽ từ bóng tối bất ngờ tấn công lũ bạn. Nhưng vừa ra tới đại lộ Số Chín, nó đụng đầu ngay tụi nhóc dàn hàng ngang chặn nó. Gino tăng tốc, chạy thẳng vào rào chắn của tụi kia. Mấy đứa nhỏ sợ quá, tản ra. Có đứa với theo bắt, làm áo Gino rách toạc. Lũ trẻ ào ào đuổi theo. Gino rẽ vào đường Số Ba Mươi Mốt tối thui, tụi kia không dám theo nữa. Gino bắt đầu đi chầm chậm xuống dốc. Nó đã tới đầu công viên, phía dưới, nơi cuối cùng, lũ bạn nó chạy lăng xăng dưới đèn đường như bầy chuột. Gino đứng nghỉ một chút trong bóng tối. Rồi nó rón rén đi xuống phố. Qua một dãy hành lang, Gino thấy một con bé đang đứng, úp mặt vào hai cánh tay trên tường, phía sau không một bóng người. Gino biết tụi này đang chơi trò trốn tìm, chớ không phải con bé đang khóc, nếu đợi thêm một tí, nó sẽ thấy tụi con gái ùa ra la hét. Rồi nó đi tiếp, qua một cửa sổ có ánh sáng tù mù, nó rùng mình khi thấy một bà Ái Nhĩ Lan già lụ khụ, ngồi dựa đầu lên cái gối, trên thành cửa, đang trừng trừng nhìn nó trong con phố vắng hoe. Đầu bà lão như cái sọ trơ xương, ánh nến nhỏ trên bàn thờ làm mồm bà cụ như nhuộm máu. Sau lưng bà ta lờ mờ mấy cái bình hoa trông cứ như hũ đựng cốt. Gino ngó bà. Cái miệng đỏ lòm nhe ra hàm răng chào nó. Gino giật mình co giò bỏ chạy. Nó đã đến gần vùng sáng và đã nghe tiếng la hét của bạn bè. Nó tìm chỗ núp, sẵn sàng đột kích. Nó chẳng sợ gì cái khu nhà hầm tối tăm lúc nãy nữa. Cũng quên luôn là mẹ nó đang tức giận. Chỉ biết lúc này nó sắp xông ra làm tán loạn hàng ngũ đối phương. Trong khi đó tại đại lộ Số Mười, từ trên cao, Vincenzo Angeluzzi, anh cùng mẹ khác cha với Gino đang mơ màng lắng nghe những tiếng vọng êm đềm của đêm hè rì rầm bay bổng từ dưới phố lên. Nó ngồi trên thành cửa sổ. Những dãy phòng vắng ngắt, tối tăm sau lưng, cửa mở xuống hành lang nhà bếp cũng đã được khóa lại. Nó tự giam mình trong khoảng tối này. Nó cảm thấy đã bị tước hết mộng mơ về một mùa hè tự do vui chơi chạy nhảy. Mẹ nó đã ra lệnh sáng mai nó phải bắt đầu làm việc cho lò bánh nhà Panettiere cho đến kỳ khai trường vào mùa thu. Nó sẽ phải khuân vác những bao bánh mì nặng nề trong khi những đứa con trai bằng tuổi nó tha hồ đá bóng, bơi lội trên sông hay bám theo đuôi xe chở hàng chạy quanh thành phố. Chẳng còn được thú vui ngồi trong bóng mát mút kem mát lạnh, đọc truyện hay đánh bài cào kiếm vài xu. Tâm trí nặng nề, nó lặng lẽ ngắm bãi đất trong trong Sở Đường sắt, những con đường ray, những thùng xe trống rỗng, những đầu máy phun những đốm than đỏ rực và phát ra những hồi còi. Dòng sông Hudson như dải băng đen. Tiếng trò chuyện lao xao vọng lên như những tiếng gọi mơ hồ. xa xa ngọn đèn đỏ vung vẩy, dẫn đường cho đoàn tàu chở hàng đang tiến tới từ công viên thánh John. Phía dưới, đám trẻ vẫn tiếp tục cuộc chơi. Nó buồn rầu chờ đợi tiếng kêu la vui vẻ của chúng, khoái trá vì sự đau khổ không được tham dự niềm vui của nó. Nhưng lúc đó đám trẻ đang vừa la hét vừa leo lên mấy bực thềm để lên cầu, chờ đợi đoàn tàu chui qua và những đợt khói mịt mù làm chúng biến mất. Vincent còn quá nhỏ, đâu có biết rằng cái tính rầu rầu bẩm sinh của nó đã luôn làm chị nó khổ tâm. Octavia mua bánh kẹo, đồ chơi cho em. Nhớ ngày nó còn chập chững, cô luôn bế nó vào giọng cô, kể chuyện và hát nho nhỏ cho nó ngủ, nhưng nó vẫn lặng lẽ, ủ dột. Nó nghe tiếng choe choé của mụ Zia Louchee. Nó rất bực tức vì chuyện mụ Zia Louchee lại là mẹ đỡ đầu của nó, nhất là việc phải hôn bà già này để làm mẹ nó vui lòng trong mỗi lần sinh nhật, trước khi nhận năm đô la của mụ. Nó luôn nghe lời mẹ v vườn thấy mẹ nó thật đẹp, dù bà có hơi béo, lại luôn mặc đồ đen. Nhưng chẳng biết tự khi nào nó ghét cay đắng mụ Zia Louchee. Lâu lắm rồi, hôm đó nó đang lẩn quẩn chơi dưới chân mẹ trong nhà bếp, mụ Zia cứ chăm chăm nhìn nó, trong khi vẫn sôi nổi cùng mẹ nó ôn nghèo kể khổ những tháng năm qua. Rồi thình lình cả hai nín bặt. Vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm nghía nó, mụ Zia Louchee bỗng thở dài thườn thượt: Ô, tội nghiệp Chúa tôi, chưa ra đời mà đã mồ côi bố! Vậy rồi mụ chuỷên ngay sang đề tài khác, làm nó ngẩn ngơ nhìn mặt mẹ nó tái nhợt, mắt đỏ hoe, mà chẳng hiểu vì sao. Ngó xuống đường, Vincent thấy chị Octavia đang cúi nhìn em bé trong xe. Nó cũng ghét luôn cả chị. Chị cũng phản bội nó rồi. Khi nghe mẹ bắt nó đi làm, chị không hề nói một lời giúp nó. Rồi nó thấy anh Larry đang cưỡi con ngựa đen đi qua gầm cầu, trông rõ ra một cao bồi thật sự. Xa vậy mà nó vẫn nghe được tiếng vó ngựa cồm cộp trên mặt đường đá. Lũ trẻ và cây cầu biến mất trong làn khói. Với một vùng đốm sáng tàn than đỏ toả ra, con tàu trườn mình vào bãi. Đã khuya rồi, không khí mát lạnh của màn đêm đã làm dịu thành phố. Mẹ nó và các bà hàng xóm lục đục dọn ghế và léo nhéo gọi chồng con. Cha kế nó đẩy xe nôi về cửa nhà. Đã tới giờ đi ngủ. Vincent rời cửa sổ, đi qua mấy phòng ngủ, tới nhà bếp. Nó mở khóa cửa thông ra hành lang. Rồi nó lấy ổ bánh mì cắt thành ba khoanh. Nó rưới dấm đỏ và dầu ô liu lên bánh, rắc thêm tí muối. Gino và thằng Sal rất khoái món ăn khuya này. Ba đứa sẽ cùng ăn. Chợt từ dưới phố vọng lên tiếng thằng Gino la thất thanh, kéo dài, chói lói. Tiếng kêu làm bà Lucia Santa, đang bế đứa con giá nhỏ trong tay, lạnh cả người. Octavia đang đứng nơi góc đường vội quay nhìn lại. Larry cũng vội quay đầu ngựa. Ông cha kế vừa hốt hoảng chạy, vừa chửi thề. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu chiến thắng đầy phấn khích của thằng Gino, khi nó thình lình xuất hiện từ trong bóng tối, xông ra phá vòng vây của bạn bè. Trò chơi chấm dứt, Gino sướng quá, vẫn tiếp tục gào lên "Đốt thành rồi!". Bất ngờ nó đụng ngay bà mẹ đang hầm hầm tức giận. Nhớ lại chuyện làm hỗn với mụ Zia Louchee, nó vội lách qua cửa, chạy tọt lên lầu. Lucia Santa định đập cho thằng nhóc một trận nên thân, nhưng thấy nó đang vui thích quá nên thôi, để khi khác sẽ cho nó một bài học về cái màn cao hứng gào thét như vậy. Đám dân Ý dần dần giải tán, ai về nhà nấy, trả khu phố tối tăm cho tiếng vó ngựa lốc cốc trên đường đá, khi Larry phóng ngựa về chuồng trên đường Số Ba Mươi Lăm.